PDA

View Full Version : Thái Thanh và cuộc sống tâm linh



khieman
11-22-2019, 01:04 AM
.


Thái Thanh và cuộc sống tâm linh
Đỗ Tiến Đức



https://casithaithanh.files.wordpress.com/2019/03/img_4760-2.jpg?w=529



Người nữ ca sĩ từng được vinh tặng là tiếng hát vượt thời gian và không gian này hiện sống trong một căn phòng của một chung cư dành cho người cao niên.

Căn phòng vừa đủ kê một chiếc giường ngủ, một bàn ăn nhỏ, và nơi tiếp khách cũng chỉ có chỗ cho hai ba người. Chị đã thiết trí căn phòng thật đơn sơ với bộ máy hát nhỏ, bình hoa, những tấm hình kỷ niệm, trên tường là những tranh và tượng Phật, giấy của chùa cấp chứng nhận chị đã qui y. Tôi nhìn tấm thân chị, nay đã còm cõi kiểu mình hạc vóc mai, mái tóc đã bạc phơ, chợt nghe chị nói :

“Mình tạo cho căn phòng này thành một nơi chốn để thiền, để nghỉ ngơi, để tu Phật.”…….

Hỏi : Chị có thể cho biết chị thích loại nhạc nào nhất ?

Thái Thanh : Mười bài “Đạo Ca” của Phạm Duy.

– Phạm Duy còn mười bài “Tục Ca”.

– Không, tôi không hát mười bài này.

– Chị nghĩ thế nào về Tục Ca ?

Thái Thanh nhún vai cười :

''Tôi có nghe anh Phạm Duy hát cho nghe vài lần nhưng mà tôi không hát. Tục là không có hát.''

– Còn Tâm Ca, Dân Ca… nữa. Chị thấy Phạm Duy thành công ở loại nhạc nào ?

Thái Thanh :

''Mấy loại nhạc ấy, cả Tình Ca nữa, Phạm Duy đều thành công cả. Nhạc của ông ấy loại nào ra loại ấy mới tài chứ. Nhưng giờ thì tôi thích nhất là Đạo Ca.''

Thái Thanh bước tới chiếc máy, bật lên. Băng Đạo Ca đã có sẵn, bung ra gian phòng êm ả những nốt nhạc thanh thoát. Giọng Thái Thanh vút lên như tiếng chuông ngân từ một ngôi chùa cổ nơi rừng núi, rồi bay theo gió, quyện vào những làn khói trong buổi chiều tà.. Thái Thanh ngồi nghe giọng mình hát mà cũng như say như đắm. Tôi hiểu rằng những âm thanh của giọng ca Thái Thanh với mười bài Đạo Ca này đã ru chị ngủ trong những đêm đơn côi chợt nhớ ánh đèn sân khấu, và trong những lúc ngồi một mình trong căn phòng hẹp này mà nhớ những bước viễn du rộn rã những tràng pháo tay khen ngợi.

Hết một bài ca, chị tắt máy, trở lại bàn ngồi bên chúng tôi…..

…Hỏi : Chị sanh ban ngày hay ban đêm ?

Thái Thanh : Buổi sáng anh ạ.

Hỏi : Chị có tin tử vi không ?

Thái Thanh : Rất tin tử vi. Nhưng phải gặp được ông thầy giỏi mới trúng.

Hỏi : Chị thấy tử vi trúng với cuộc đời chị ?

Thái Thanh : Trúng nhiều lắm.

Nghe chị Thái Thanh nói thế, tôi tính hỏi chị vậy thì tử vi nói những ngày về già của chị ra sao thì Nguyễn Đắc Điều đã lên tiếng trước :

“Đồng ý với chị là phải luyện giọng, nhưng giọng chị là thiên phú, thiên tài…”.

Thái Thanh :

''Trời Phật lúc nào cũng cho tất cả mọi người cái tài chứ không phải cho một mình Thái Thanh đâu. Khi con người từ lòng mẹ chui ra, ai mà không oe oe, phải không anh ? Vấn đề là khi có cái thiên tài đó trong mình rồi thì mình phải phát triển và bảo vệ cái thiên tài đó ra làm sao chứ. Tức là phải tập luyện. Tức là mình phải yêu cái thiên tài đang nằm sẵn trong bản thân mình. Đúng không ? Tôi suy nghĩ như vậy đó.

Thấy đã ngồi quá lâu, hai chúng tôi hỏi nhiều chuyện nên tôi tính kết thúc buổi thăm viếng bằng câu hỏi :

“Chị đã được nhiều thế hệ người Việt yêu mến, vậy chị nghĩ thế nào về khán giả của chị ?”.

Thái Thanh trầm ngâm một lát rồi chậm rãi :

– Tôi đã nghe nhiều người nghe tôi hát xong thì hỏi Thái Thanh yêu cái gì nhất trong đời Thái Thanh. Tôi trả lời là tôi yêu âm nhạc. Rõ ràng là phải yêu âm nhạc lắm thì tôi mới hát cả cuộc đời tôi chứ, phải không. Thế nhưng khán giả còn hỏi thêm : Vậy thì ngoài âm nhạc, Thái Thanh yêu cái gì nữa ? Tôi trả lời rằng, cái này tôi đã có trong tôi từ lâu nhưng ngày nay thì nó đã lớn rồi, để tôi có thể nói là tôi yêu cuộc sống tu hành. Với tuổi này thì tu hành đối với tôi quan trọng nhất. Tôi vẫn suy nghĩ một điều, không biết có đúng không, là chúng ta phải gõ thì cánh cửa mới mở. Phải có cầu nguyện, phải xin thì bên trong cửa mới cho chúng ta. Thành ra, khi tôi giác ngộ điều đó, tôi hay ngồi trước tượng Phật, và tôi cầu xin. Nhưng tôi không cầu xin cho riêng tôi đâu. Tôi không cầu xin cái gì cho tôi cả. Tôi cầu xin cho tất cả chúng sinh được mọi điều may mắn, được hưởng thanh bình, nhất là không có chiến tranh, không có cảnh chém giết nhau.

Tôi khen chị và khuyên chị nên giữ gìn sức khoẻ, thì chị trả lời :

“Cái thân thể của mình nó ảnh hưởng vào đầu óc của mình nên phải tập luyện cho thân thể khoẻ mạnh chứ. Dạo này tôi thích ăn cơm chay…”.

Tôi hỏi tiếp :

– Chị có tính về quê hương không ?

Thái Thanh ngậm ngùi :

– Quê hương, nơi mình sinh ra, rồi là nơi chứng kiến từng bước đi đầu đời của mình thì ai chẳng muốn về. Nhưng sau năm 1975, tôi dù ở Sài gòn cũng chưa một lần về miền Bắc, và nay, ở Mỹ, tôi chưa bao giờ tính chuyện về Việt Nam. Gia đình của tôi đã ở đây hết. Ông bà, bố mẹ thì mất cả rồi. Ở Việt Nam mình không còn ai để phải về cả…

Câu nói của chị Thái Thanh ám ảnh chúng tôi trên đoạn đường về. Tôi biết khi chúng tôi từ biệt thì người nữ ca sĩ ở tuổi xế chiều này sẽ ngồi một mình trước pho tượng Phật. Có thể chị sẽ mở cuốn băng Mười Bài Đạo Ca. Và cầu nguyện.

Ban nãy chị tâm sự rằng chị luôn luôn cầu nguyện cho mọi người trước khi cầu nguyện cho bản thân chị. Ôi cao cả thay tấm lòng của người nghệ sĩ tài hoa ấy…


Trích bài phỏng vấn Thái Thanh Người Mà Ai Cũng Mắc Nợ năm 2002 của Đỗ Tiến Đức





https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=C7_IPEAPw2s&feature=emb_logo




https://casithaithanh.wordpress.com/2019/03/02/thai-thanh-va-cuoc-song-tam-linh
02 Saturday Mar 2019