PDA

View Full Version : Việt Nam vỡ quy hoạch điện mặt trời: “Chính sách sai từ ban đầu”



duyanh
11-12-2019, 02:20 PM
Việt Nam vỡ quy hoạch điện mặt trời: “Chính sách sai từ ban đầu”




https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-solar-power-planning-broken-out-the-wrong-policy-from-beginning-11112019133405.html/DienVN.jpg/@@images/8173aaab-da09-4929-9e5a-7d1102b9949a.jpeg

Việt Nam dự báo sẽ thiếu điện kể từ năm 2021.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-solar-power-planning-broken-out-the-wrong-policy-from-beginning-11112019133405.html/VHA110819.mp3


Chuyên gia nước ngoài khuyến nghị

Cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch, ông Jakob Stenby Lundsager khuyến nghị Việt Nam cần sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than mới và ưu tiên vào tiết kiệm năng lượng, tạo khung pháp lý minh bạch và ổn định cho năng lượng tái tạo phát triển.

Khuyến nghị của vị chuyên gia Đan Mạch được đưa ra tại Lễ công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019, do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều ngày 5/11/19.

Chuyên gia Jakob Stenby Lundsager diễn giải khuyến nghị về dừng đầu tư vào nhà máy nhiệt điện than sẽ có thể giúp tiết giảm khoảng 30 tỷ đô la Mỹ (USD) vì nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu than đến năm 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện tại và số liệu này chiếm ¾ tiêu thụ năng lượng từ năng lượng nhập khẩu.

Vị chuyên gia Đan Mạch cũng nêu lên số liệu tính toán được trong trường hợp nếu Việt Nam không triển khai các nhà máy điện than mới thì sẽ giảm được 39% phát thải khí CO2 và giảm chi phí 20 tỷ USD.

Ông còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của điện gió và điện mặt trời chiếm 10% tổng nguồn điện của Việt Nam trong năm 2030 và tăng lên 20% trong năm 2050. Do đó, ông khẳng định Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh đối với các dự án năng lượng tái tạo.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, nhận định với RFA liên quan khuyến nghị của vị chuyên gia Đan Mạch:


Chắc chắn thời gian tới, theo như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương và ý kiến của các Đại biểu Quốc hội chất vấn đều cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi gấp chủ trương này và cần phải có những kế hoạch rất cụ thể để sản xuất điện từ năng lượng tái tạo
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

“Đây là một đề nghị rất chính xác trong hoàn cảnh hiện nay của thế giới cũng như của Việt Nam. Bởi vì chúng ta cũng biết rằng tất cả các loại sản xuất năng lượng điện truyền thống trước đây, kể cả nhiệt điện và thủy điện mà nhất là nhiệt điện sản xuất bằng than thì đều gây ra tác động xấu về mặt môi trường. Hơn nữa, nhiệt điện than thải ra khí CO2 và nhiều loại khí nhà kính khác và chắc chắn không phải là xu hướng khuyến khích của thế giới, cũng như của Việt Nam. Và đi theo con đường sản xuất năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, hoặc năng lượng từ gió chẳng hạn, thậm chí năng lượng từ thủy triều…là hướng rất đúng cho Việt Nam.”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường còn khẳng định với RFA:

“Chắc chắn thời gian tới, theo như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương và ý kiến của các Đại biểu Quốc hội chất vấn đều cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi gấp chủ trương này và cần phải có những kế hoạch rất cụ thể để sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.”

Thực tiễn điện mặt trời tại Việt Nam

Đó là những khuyến nghị của các chuyên gia, tuy nhiên Đài RFA ghi nhận trong một diễn biến khác, cụ thể tại buổi chất vấn trước Quốc hội vào chiều ngày 6 tháng 11 liên quan vấn đề phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xác nhận “Khi lập quy hoạch năm 2017 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết theo Quyết định 11 khi được ban hành thì Việt Nam đối mặt với nguy cơ lớn thiếu điện vào năm 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể; tuy nhiên sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời gây ra hệ lụy quá tải của hệ thống truyền tải điện.

Người đứng đầu Bộ Công thương cho biết thêm hiện công suất giải tỏa của các dự án điện mặt trời chỉ đạt 30-40% và sẽ cố gắng giải tỏa công suất dự án điện mặt trời đến năm 2020 đạt 60-70%.

Truyền thông quốc nội, trong cùng ngày cũng dẫn thông tin từ Bộ Công thương cho biết đã báo cáo xin Chinh phủ bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp và ủng hộ tư nhân làm các dự án truyền tải điện.

Bộ Công thương cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ một dự án truyền tải điện của doanh nghiệp tư nhân đầu tiên-Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam, trong phê duyệt bổ sung Dự án điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam kết hợp đường dây truyền tải vào quy hoạch điện quốc gia.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-solar-power-planning-broken-out-the-wrong-policy-from-beginning-11112019133405.html/NhietDienVinhTan.jpg/@@images/cf173456-78f4-4402-a876-483872fcb394.jpeg

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. RFA


Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ở Singapore nhận định về tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam là không lường được việc vỡ quy hoạch điện mặt trời:

“Quy hoạch đấy là quy hoạch không phù hợp với bất kỳ một nền tảng làm chính sách nào cả. Ông Bộ trưởng thú nhận thì thực ra không đúng cái gì cả, do lỗi của tất cả những người làm quy hoạch đấy. Điều này cũng nói lên được rằng là cơ bản nhất là quá trình làm chính sách sai từ đầu.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh về việc hoạch định chính sách cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần phải chú trọng vào các yếu tố như thế nào:

“Mọi quy hoạch về điện nói chung, đặc biệt về năng lượng tái tạo cũng thế, là họ phải tính trước đến nhu cầu năng lượng như thế nào, sau đó tính đến an ninh năng lượng và tính đến các yếu tố khác như về thực trạng của ngành điện lực Việt Nam như thế nào, hành vi tiêu thụ điện của các doanh nghiệp sản xuất hay hành vi tiêu thụ điện của người dân như thế nào…rồi từ đó mới tính toán dựng ra được một quy hoạch và cũng không được phép để quy hoạch đó nhắc, mà có thể phải xem xét lại để bổ sung quy hoạch rất nhanh trong vòng một vài tháng với nền tẳng là Bộ luật Quy hoạch mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua.”

Ý kiến của giới chuyên gia

Trong bối cảnh Việt Nam được dự báo sẽ thiếu điện từ năm 2021, một trong những giải pháp hữu hiệu mà giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Hà Nội cần phải cân nhắc, đó là tư nhân hóa ngành điện, không để cho Nhà nước độc quyền trong sản xuất và phân phối như hiện nay.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từng nêu lên quan điểm của ông với RFA rằng Việt Nam có thể học theo mô hình tư nhân hóa của nhiều nước trong lãnh vực năng lượng điện tái tạo:

“Mô hình Solar City ở Mỹ là họ có chính sách mua lại điện của người dân, công ty ký hợp đồng với người dân để lấp những tấm pin mặt trời lên mái nhà người dân, người dân dùng không hết thì bán lại điện đó. Cách thứ hai là bên Israel làm. Một công ty trong nước có thể kêu gọi một công ty nước ngoài đầu tư chung với mình. Rồi chính phủ cũng là một cổ đông. Tổ hợp đó có thể hoạt động trong vòng năm năm chẳng hạn, rồi hai công ty đó có thể mua lại cổ phần của chính phủ với giá ưu đãi. Đó là một cách gọi là Yozma bên Israel làm được mấy chục năm rồi.”

Thế nhưng, theo ghi nhận của Giáo sư Đặng Hùng Võ thì hiện nay xu hướng tư nhân hóa trong thủy điện đang gặp không ít những hậu quả nghiêm trọng và đối với năng lượng tái tạo thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với mức giá cả chưa khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong lãnh vực này.

Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định Việt Nam cần phải có giải pháp nhất định là vấn đề chính cho phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia về điện năng tại Pháp, qua trang web của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và Forum Diễn Đàn: Việt Nam có thể đạt 100% Năng lượng tái tạo năm 2050, đã liệt kê một số đề xuất, mà Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn cho rằng “Sự thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam”. Hồi đầu trung tuần tháng 10 năm 2018, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn lên tiếng với RFA một số việc Chính phủ Việt Nam cần phải đặc biệt lưu tâm trong một loạt các đề xuất của ông:

“Thực hiện gấp các giải pháp: Đừng xây dựng các nhà máy điện than; Giảm tỉ lệ tăng trưởng hằng năm về tiêu thụ điện (mục tiêu ngắn hạn dưới 5 %); Quy hoạch đất đai một cách thông minh; Bỏ rào cản hành chính và pháp lý cứng rắn; Chính sách mua lại giá thấp, hỗ trợ thuế; Dừng xây dựng các đường dây truyền tải dài 500 kV; Phân tán, xây cất các nhà máy điện nhỏ, tự chủ năng lượng của các vùng; Phát triển điều hòa nhiệt độ sinh học (điều hòa nhiệt độ hiện nay tốn quá nhiều điện); Tìm cách bổ sung cho khí đốt và điện; Triển khai các dự án thăm dò về ‘năng lượng dương’ (energy positive)…”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường-Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết Việt Nam đang thực hiện giảm xây dựng các dự án nhiệt điện than mới, như đã dừng quy hoạch nhà máy nhiệt điện than ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Thế nhưng, tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhiệt điện than”, diễn ra vào trung tuần tháng 12 năm 2018, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (thuộc Bộ Công thương) cho biết nhu cầu nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ chiếm hơn 50% sản lượng điện sau năm 2030 và theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nguồn năng lượng từ nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 53% cho hệ thống điện.


Phải đảm bảo chính sách đấy phục vụ số đông, chứ không thể được làm ra để cho một số những đối tượng hay những doanh nghiệp hoặc những cá nhân có thể trục lợi trên chính sách ấy được
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo tuyên bố “nhiệt điện than phát thải gây ô nhiễm môi trường là có, nhưng có thể khắc phục được và nằm trong phạm vi cho phép”.

Mặc dù vậy, Báo Tuổi Trẻ Online vào hạ tuần tháng 10 năm 2019, dẫn thông tin từ Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường công bố kết quả báo cáo vừa gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy trong giai đoạn 3 năm, 2015-2018, tổng khối lượng tro xỉ thải ra từ 12 nhà máy nhiệt điện than là hơn 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có hơn 10 triệu tấn tro xỉ được tiêu thụ, còn 15 triệu tấn vẫn chưa biết đổ đi đâu.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam sẽ không gặp bế tắc trong vấn đề lập chính sách quy hoạch năng lượng điện một khi:

“Phải đảm bảo chính sách đấy phục vụ số đông, chứ không thể được làm ra để cho một số những đối tượng hay những doanh nghiệp hoặc những cá nhân có thể trục lợi trên chính sách ấy được.”

Chuyên gia nghiên cứu độc lập-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng nếu chính sách không đảm bảo minh bạch, không tránh được hành động tham nhũng chính sách hay tham nhũng kinh tế thì Việt Nam vẫn phải bị ràng buộc trong cái vòng lẩn quẩn là nhập khẩu điện từ nước ngoài, nhất là từ Lào và càng mua điện của Lào thì Trung Quốc càng đầu tư xây đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông và Việt Nam “lãnh đủ” hậu quả về môi trường ở vị trí hạ lưu của dòng Mê Kông này.



RFA