PDA

View Full Version : Hãy loại bỏ nền giáo dục nói dối!



giahamdzui
10-09-2019, 02:10 PM
Hãy loại bỏ nền giáo dục nói dối!




Bao giờ chúng ta có một nền giáo dục lành mạnh, khai phóng và chất lượng, là câu hỏi đau buốt…

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng 30-5, trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị cần loại bỏ nền giáo dục nói dối, xử lý nghiêm trách nhiệm gian lận thi cử.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói lên ý kiến của cử tri: "Mỗi năm 1 lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) nhưng càng cải cách, kết quả lại càng kém hơn, tiêu cực nhiều hơn".

Ông Hiếu cho rằng trong 3 năm vừa qua, Bộ GD-ĐT không tổ chức tập huấn cho các tỉnh, TP khắc phục kẽ hở từ khâu chấm thi. Phần mềm chấm môn tự luận quá lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh. Bộ GD-ĐT cũng không đánh giá kết quả thi của các tỉnh, TP tỉ lệ như thế nào.

https://nld.mediacdn.vn/2019/5/31/hocsinhgioicclp-15592375534311849564482.jpg

Lớp chọn của một trường học ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi

"Bộ GD-ĐT có nhiều cải cách nhưng phương pháp chưa đúng. Đúng làm sao được khi 1 lớp học có 100% học sinh (HS) loại giỏi. Ở phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều ý kiến đã bàn về triết lý giáo dục nhưng theo tôi, trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất cần thiết lúc này là xây dựng một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo ra một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta nói dối ngay từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Đây có lẽ là phát biểu gay gắt nhất về tình hình giáo dục hiện nay của các đại biểu Quốc hội.

Hai nội dung quan trọng nhất mà đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị là cần loại bỏ nền giáo dục nói dối và xử lý nghiêm trách nhiệm gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia. Hai kiến nghị này ngành giáo dục đã làm được chưa?

Vấn đề thứ nhất, đã loại bỏ được "nền giáo dục nói dối" chưa? Câu trả lời là chưa!

Nói dối biểu hiện qua việc chạy theo thành tích trong các kỳ thi, rõ nhất là các kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm nào cũng có tỉ lệ đỗ rất cao, đều trên 90%, nhiều địa phương tiệm cận 100%. Vậy thì thi để làm gì? Đặc biệt là sự cố gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 gây chấn động dư luận, trở thành những vụ án hình sự mà đến nay vẫn chưa có hồi kết ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang.

Việc chạy theo thành tích cũng là một biểu hiện "nói dối", thể hiện rất rõ ở số lượng có quá nhiều HS giỏi ở các cấp, đặc biệt ở lớp 5. Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở GD-ĐT, 2 năm học gần đây, số lượng HS đạt điểm 10 môn toán ở mỗi khối đều trên 35.000, môn tiếng Việt đều trên 20.000... Có vẻ như rất phi lý khi mà cả phụ huynh lẫn HS đều than chương trình khó, nặng, quá tải… nhưng điểm vẫn rất cao. Đó là sự thật và người ta không thể biết đó là điểm của thầy hay của trò. Có lớp 100% là HS giỏi. Điều đó tưởng cực kỳ phi lý nhưng người ta giải thích đó là lớp chuyên, lớp chọn. Trong khi nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã xóa bỏ hình thức giáo dục này thì ở nước ta, cả xã hội tìm mọi cách cho con em mình chạy đua vào các trường chuyên lớp chọn, trường điểm!

Tình hình đó buộc sự dối trá trong giáo dục càng tăng chứ không thể giảm.

GS Hoàng Tụy từng phát biểu: "Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu mà nên tập trung dạy HS sống lương thiện và trung thực". Ông đề nghị cần có một cuộc vận động lớn nêu cao tính trung thực trong toàn ngành giáo dục, sửa đổi ngay những quy định, chính sách có thể khuyến khích hay dung túng sự giả dối như thi đua, báo cáo thành tích, những định chế tài chính sơ hở...

Nhưng ngành giáo dục đã làm gì? Chưa làm gì cả hoặc có làm nhưng không hiệu quả. Sự dối trá trong ngành giáo dục càng tăng, nguy cơ phá nát nền giáo dục vốn được nhà nước rất kỳ vọng khi đầu tư rất lớn - 5,8% GDP và nếu tính cả đóng góp của gia đình thì tỉ lệ này lên đến 8% GDP.

Vấn đề thứ hai, vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 đã xử lý nghiêm chưa? Câu trả lời cũng là chưa !

Bằng chứng: Khi xì-căng-đan gian lận thi cử gây chấn động dư luận xảy ra, hơn một tuần sau, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới lên tiếng! Và gần một năm sau vẫn chưa kỷ luật người đứng đầu, đến độ lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi làm công tác giám sát phải nhắc nhở.


https://nld.mediacdn.vn/2019/5/31/gian-lan-thi-cu-o-son-la-luat-su-noi-khoi-to-toi-danh-co-loi-cho-bi-can-chua-dung-ban-chat-bb-baaaceqmye-1559238262561828550680.jpg

Vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử ở Sơn La đến nay vẫn chưa giải quyết xong

Chưa hết, Bộ GD-ĐT vẫn rất dễ dàng, thậm chí rất đơn giản, khi tiếp tục bổ trí ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, làm trưởng ban chỉ đạo hội đồng thi ở tỉnh này năm 2019. Trong khi đó, năm 2018, cũng ở vị trí này, ông Thủy đã để xảy ra những gian lận động trời mà cho tới nay, hàng loạt cán bộ cấp dưới của ông đã bị bắt giam. Vụ việc này tới nay vẫn tiếp tục có những diễn biến rất khó tiên lượng.

Vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi: Bộ GD-ĐT có tích cực, có muốn, có thiệt tâm chống tiêu cực trong thi cử hay không?

Chưa xử lý nghiêm vụ việc đã qua thì làm sao người dân tin rằng sẽ có một kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 nghiêm túc và chất lượng?

Bao giờ chúng ta có một nền giáo dục lành mạnh, khai phóng và chất lượng, là câu hỏi đau buốt…



Lao Động