PDA

View Full Version : Duyên Nợ



giavui
09-23-2019, 02:33 PM
Duyên Nợ



http://saigonecho.com/images/2019/GiaiTri/mh-bao-duyen-no.jpg



Ngày xưa khi làng vào hội, người ta tổ chức những trò chơi tạo cơ hội cho trai gái gần gũi nhau, từ đó nên vợ nên chồng:

Trai gái từng cặp đánh đu hoặc bắt lươn thả sẵn trong lu nước.
Trai gái chia thành 2 nhóm hát đối, hát trống quân, quan họ....

Cờ người với trai gái chia 2 bên, mỗi người cầm biển thay cho quân cờ; bàn cờ được vẽ vôi trên sân đình; người cầm biển bước theo nước cờ do 2 người chơi cờ ngồi trên chòi cao.


Trong một cuộc đánh đu, một cặp trai gái thắng giải vì đu cao và đẹp mắt. Từ đó tình ý giữa chàng và nàng nảy nở đằm thắm. Về nhà chàng xin cha mẹ cưới nàng. Sau khi tính tuổi đôi trẻ thấy hạp nhau, gia thế 2 bên cũng tương đương, nhà trai nhờ người mai tới hỏi ý nhà gái.

Trước khi trả lời người mai, mẹ ướm hỏi ý con (ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên). Mở cờ trong bụng nhưng con vẫn làm bộ: "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy."

Được nhà gái thuận gả, nhà trai mang trầu cau tới làm lễ dạm, cũng gọi là chạm ngõ. Từ đây mỗi khi nhà gái có giỗ kỵ, nhà trai phải cho con mang lễ vật tới ăn giỗ.

Lễ dạm cũng là cơ hội cho nhà trai, nhất là chú rể tương lai, được tận mắt thấy mặt cô dâu trong trường hợp hai họ chỉ biết nhau qua tin tức từ người mai. Nhà gái cho con ra mời trầu như một cách ra mắt, nên lễ dạm cũng gọi là "xem mặt".

Sau lễ dạm là lễ hỏi. Nhà trai mang trầu cau, trà rượu, xôi gà tới làm lễ gia tiên bên nhà gái. Lễ vật tùy theo nhà trai, nhà gái chưa đòi hỏi nhưng chủ yếu phải có trầu cau. Nhà gái đem trầu cau đi biếu họ hàng để báo hỉ.

Sau lễ hỏi là tục sêu. Mùa nào thức nấy, phải là sản vật đầu mùa, nhà trai mang tới biếu nhà gái. Nhà gái nhận một nửa, một nửa trả lại nhà trai gọi là lại quả hoặc lại mặt. Sản vật sêu thường là trái cây như vải, nhãn, dưa, cam, hồng, cốm, bánh trung thu, nếp đầu mùa ... Tục này nhằm tạo mối giao hảo giữa hai nhà. Tuy nhiên có nhiều nhà gái lấy thế làm hãnh diện nên cố ý trì hoãn ngày cưới để kéo dài tục này.

Tuy không tốn kém bao nhiêu nhưng nhà trai khó chịu vì:

Lấy vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha.
(ca dao)

Cho nên trong cuộc sửa đổi phong tục, vua Lê Thánh tông chấm dứt tệ nạn này bằng diều quy định rằng ngày cưới phải được hai họ thỏa thuận ngay trong lễ hỏi.

Ngày cưới do hai nhà chọn ngày lành tháng tốt và hạp tuổi của đôi trẻ. Trước ngày cưới, qua người mai, nhà trai hỏi nhà gái đòi dẫn cưới (thách cưới) những gì? Tùy theo giàu nghèo, nhưng giới trung lưu thường đòi: lợn 1 con, gạo 1 thúng, rượu 1 chóe, trầu cau mỗi thứ 1 mâm, nữ trang và tiền mặt.

Ở thôn quê đám cưới cử hành vào buổi tối. Nhà trai do một ông già phúc hậu cầm bó nhang dẫn đầu đi bộ tới nhà gái; theo sau là đoàn người mang đồ dẫn cưới, kế đến là cha mẹ cùng chú rể và vài thân thích.

Tới nhà gái, đồ dẫn cưới được bày ra, chủ hôn của nhà gái làm lễ cáo gia tiên cho chú rể vào lễ. Sau đó là lễ tơ hồng. Bàn thờ đặt ngoài sân, cô dâu và chú rể lạy tạ ông Nguyệt lão đã xe duyên cho đôi lứa.

Nhà gái có vài mâm cơm thịnh soạn đãi nhà trai. Khi ra về, chú rể theo gia đình cùng về. Cô dâu ngày hôm sau mới vu quy.

Ngày hôm sau nhà gái đưa dâu về nhà chồng. Hai họ ăn mừng riêng biệt.

Khi đưa dâu, nhà gái cũng do một ông già phúc hậu cầm bó nhang dẫn đầu. Cha mẹ cô dâu ủy thác cho vài bà cô và dì đưa con về nhà chồng.

Chủ hôn nhà trai cũng làm lễ cáo gia tiên, mấy bà thay mặt nhà gái đưa cô dâu vào lễ.

Theo luật đời vua Lê Thánh tông, ngày hôm sau cô dâu lạy cha mẹ chồng và 3 ngày sau cả 2 vợ chồng đi lạy từ đường bên nội và ngoại của nhà trai.

Sau đám cưới 4 ngày, vợ chồng mang lễ về nhà gái lạy gia tiên, gọi là tứ hỉ.

Ở thành thị hoặc trường hợp 2 họ ở 2 làng khác nhau, đám cưới không tổ chức vào buổi tối; cưới và đưa dâu trong một ngày.

Ngày xưa chưa có lệ khai hôn thú nhưng đám cưới phải nộp cheo cho làng mới hợp lệ. Cheo thường là một số tiền do làng quy định hoặc vật liệu xây dựng cần thiết cho việc trùng tu đình chùa.

Nếu họ nhà trai không cùng quê với nhà gái hoặc 2 họ đều ở thành thị, tiền cheo phải nộp cho làng quê của nhà gái.

Lễ tơ hồng là phong tục của Tàu, tích Nguyệt lão xe tơ buộc vào chân trai gái chỉ có trong văn chương. Trong dân gian người xưa tin vợ chồng là duyên số. Thuận duyên thì hạnh phúc, trái duyên là nợ. Duyên nợ đều là quả từ nhân kiếp trước.

Bài thơ vinh danh vợ của Tú Xương có câu:

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.

Thật ra hạnh phúc là kết quả do vợ chịu "mang gông" và chồng chịu "rợ buộc chân". Nếu chỉ có vợ mang gông nhưng chồng không chịu rợ buộc chân hoặc ngược lại thì gia đình không thể hạnh phúc.

Hạnh phúc của giới nghèo theo cách nghèo:

Đêm hè gió mát trăng thanh
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
(ca dao)

Hạnh phúc của giới giầu theo cách giầu:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên chàng đọc sách, bên nàng quay tơ.
(ca dao)

Khi đã làm đám hỏi và đang tục sêu, nếu trai gái chê nhau, đám cưới có thể hủy bỏ. Tuy nhiên nếu gái chê trai thì nhà gái phải hoàn lại nhà trai mọi phí tổn trong lễ hỏi và sêu, gọi là trả của. Do đó có ca dao rằng:

Trai chê vợ mất của tay không
Gái chê chồng, một đồng trả thành bốn.

Vợ chồng đã ăn ở với nhau cũng có thể bỏ nhau. Theo tục lệ của Tàu, có 7 điều nếu vợ phạm phải một điều tất bị chồng bỏ, gọi là thất xuất:

Không con
Dâm dật
Không thờ cha mẹ chồng
Lắm điều
Trộm cắp
Ghen tuông
Có ác tật

Nhưng có 3 điều chồng không được bỏ vợ, gọi là tam bất khả xuất:

Vợ đã để tang nhà chồng được 3 năm
Khi mới cưới nhau vợ chồng nghèo nay giàu.
Vợ không có nơi nương tựa nếu bị chồng bỏ.

Thật ra khi dựng vợ gả chồng cho con, cha mẹ đã cẩn thận "lấy vợ xem tông, lấy chồng kén giống" nên có nhiều điều trong thất xuất có thể ngừa trước được. Thêm nữa người cùng một làng không lạ gì nhau. Nếu khác quê, người mai phải được hai họ tin cậy. Người mai phải chịu trách nhiệm tinh thần về hạnh phúc của đôi trẻ.

Cho nên ngày xưa vợ chồng bỏ nhau rất hiếm, trừ trường hợp vợ chồng phụ tình nhau, hoặc đam mê cờ bạc gây nên cảnh tan cửa nát nhà khiến vợ chồng phải bỏ nhau.

Chồng bỏ vợ chỉ cần làm "giấy rẫy vợ". Vợ muốn tái giá phải trình làng giấy này.

Muốn bỏ chồng, vợ phải có trầu cau trình làng. Nếu làng không thuận, vợ làm đơn trình lên quan trên xét xử.

Quyết định của quan phủ huyện là phán quyết cuối cùng.
Nếu thấy hạnh phúc còn cứu vãn được, quan bác đơn của người vợ. Vậy là chưa thoát "nợ".

Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây
Mỗi người một nợ cầm tay
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.
(ca dao)




Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)