PDA

View Full Version : 10 thị trấn văn chương thú vị dành cho người yêu đọc sách



sophienguyen
08-15-2019, 12:43 AM
10 thị trấn văn chương thú vị dành cho người yêu đọc sách



Nếu dạo qua các hiệu sách trong thành phố không đủ làm bạn thỏa mãn, hãy đến thăm những thị trấn sách với truyền thống văn chương thú vị trên thế giới.

1. Hay-on-Wye

Phong trào “thị trấn sách” được bắt đầu vào những năm 1960 bởi Richard Booth, người có ý tưởng quảng bá thị trấn đang gặp khó khăn về kinh tế của mình như là một điểm đến cho những người yêu thích và sưu tập sách. Hay-on-Wye, một thị trấn nhỏ nằm ở biên giới giữa Anh và xứ Wales, vốn là nơi bày bán sách nhưng nhiều nhà bán lẻ đã mở rộng thêm mặt hàng đồ cổ và đồ lưu niệm.

Hay-on-Wye thu hút số lượng lớn những người yêu sách tới tìm kiếm những cuốn sách hạ giá, với hơn 40 cửa hiệu chủ yếu bán sách cũ. Thị trấn này cũng là quê hương của Hay Literature Festival – Ngày hội Văn học Hay, nơi tập trung khoảng 80.000 tác giả, nhà xuất bản và người hâm mộ văn học từ khắp nơi trên thế giới vào dịp cuối tháng Năm mỗi năm.


https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2019/08/thi-tran-sach.jpg

(Ảnh: Shutterstock)

2. Jinbocho

Đọc sách là một nét đẹp truyền thống của Nhật Bản. Với diện tích chỉ 0,5 km vuông, Jinbocho hay còn được gọi là ‘phố sách’ là nơi tụ họp của 180 cửa hiệu bán sách “second-hand” và nhiều nhà xuất bản. Vào năm 1913, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra đã thiêu rụi gần như toàn bộ khu vực. Sau đó, một giáo sư đại học tên là Iwanami Shigeo đã cố gắng phục hồi nơi này bằng việc mở một nhà sách, sau này đã phát triển thành công ty xuất bản lớn ở Nhật Bản – Công ty Iwanami Shoten.

Ngày nay, Jimbocho đã phát triển và lớn mạnh với hàng trăm gian hàng cùng cửa hàng sách cũ và mới, thu hút đông đảo người yêu sách đến tham quan và mua sắm. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực này còn nơi tọa lạc của các trường đại học: Trường Luật Tokyo, Trường Luật Meiji, Trường đại học Juntendo… nên ngày nào Jimbocho cũng nhộn nhịp người đến đọc và mua sách.

3. Wigtown

Giống như Hay-on-Wye, Wigtown (ở Scotland) cũng tổ chức lễ hội văn học của riêng mình. Lễ hội sách Wigtown diễn ra vào mỗi mùa thu và có một sự kiện khác dành cho trẻ em vào mùa xuân. Lịch sử sách vở của Wigtown ngắn hơn Hay-on-Wye, nhưng cách hoạt động và khối lượng sách thì có thể nói là tương đương. Ngôi làng Scotland từng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế trước khi trở thành điểm đến cho những người mê sách. Nơi đây bắt đầu được các ‘mọt sách’ chú ý khi giành được quyền tự xưng là Thị trấn Sách Quốc gia Scotland (Scotland’s National Book Town) vào cuối những năm 1990.

4. Paju Book City

Khác với những thị trấn ‘tự phát’ kể trên, Paju được các nhà xuất bản Hàn Quốc lên kế hoạch và phát triển với sự giúp đỡ của chính phủ. Mục tiêu là tạo ra một ốc đảo văn hóa nơi các bên liên quan trong ngành có thể làm việc vì ‘lợi ích chung’ thay vì cạnh tranh với nhau. Một số nhà xuất bản bán sản phẩm của họ ngay trong các nhà sách ở tầng trệt bên dưới văn phòng. Các hiệu sách ở đây không chỉ bán sách tiếng Hàn, mà còn có các đầu sách bằng tiếng Anh, tiếng Nhật. Một số nơi trên khu phố còn có phòng trưng bày nghệ thuật. Hầu hết các nhà sách đều có khu uống cà phê để bạn thư thái chọn và mua sách. Một trong những điểm nổi bật của Paju là Forest of Wisdom – đây là thư viện 24 giờ với những cuốn sách được quyên góp từ người dân. Sách ở đây nhiều đến nỗi nhân viên phải dựng rất nhiều thang để lấy sách cho độc giả.

5. Saint-Pierre-de-Clages

Saint-Pierre-de-Clages nằm ở khu vực miền nam Thụy Sĩ. Nét đặc trưng của ngôi làng là những tòa nhà truyền thống được bảo tồn từ những năm 1700-1800, được gọi là Village Suisse du Livre (Làng sách Thụy Sĩ) bởi nơi đây quy tụ có hơn một chục người bán sách. Lễ hội sách hàng năm của Saint-Pierre thu hút hơn 100 nhà cung cấp sách và khoảng 20.000 người tham dự. Không chỉ có sách, nhà thờ La Mã thế kỷ 11 là địa điểm tham quan được yêu thích với những du khách đam mê văn hóa thời Trung cổ. Nhiều hầm rượu trong khu vực cũng nằm trong hành trình của các công ty du lịch.


https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2019/08/thi-tran-sach-1.jpg

(Ảnh: Shutterstock)

6. Bredevoort

Bredevoort nằm trong vùng Aalten của Hà Lan, gần biên giới với Đức. Năm 2003, Bredevoort trở thành một thị trấn sách, có khoảng 30 nhà sách và các doanh nghiệp liên quan đến sách trong thời kỳ cao điểm. Đây là thành viên sáng lập của Tổ chức sách quốc tế. Ngày nay, số lượng nhà sách và doanh nghiệp ở đây giảm chỉ còn một nửa. Mỗi ngày thứ Bảy của tuần thứ ba là ngày đặc biệt của thị trấn vì sẽ có chợ sách tại quảng trường ‘t Zand Square, trong đó có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật sách.

Hội chợ sách vào tháng 5 và tháng 8 đã thành một nét truyền thống của thị trấn, thu hút các đại lý sách đến từ Đức, Bỉ và Hà Lan và một hội chợ khác tại Lễ Phục Sinh bán sách giảm giá. Bredevoort cũng là nơi các tiệm cà phê sách phát triển mạnh mẽ. Các tiệm bắt đầu từ nhà thờ Koppelkerk cũ của thị trấn tỏa ra khắp thành phố.

7. Redu

Redu là một trong những thị trấn sách lâu đời nhất ở lục địa châu Âu. Một dân làng tên là Noel Anselot đã đến thăm Hay-on-Wye vào năm 1979. Khi chứng kiến sự phát triển thịnh vượng của một thị trấn sách, anh trở về Redu và ao ước biến ngôi làng nhỏ (dân số khoảng 500 người) thành một địa điểm du lịch theo chủ đề sách. Anselot liên lạc với các nhà sách trong khu vực và cung cấp cho họ không gian để xây dựng cửa hàng trong thị trấn của mình. Nỗ lực của anh đã được đền đáp.

Trong vòng 5 năm, 17 người bán sách và đồ cổ đã mở cửa hàng cố định ở Redu. Ngoài những người bán sách thường trực (hiện có khoảng hai chục cửa hàng trong thị trấn), Redu có một lễ hội sách hàng năm cùng một đêm sách vào mùa hè với pháo hoa và quầy hàng mở cửa suốt đêm.

8. Mundal

Fjærland là thị trấn sách ở Na Uy. Trung tâm lịch sử của Fjærland được gọi là Mundal. Nơi đây có một bảo tàng sông băng và một số đại lý sách nằm xung quanh khu nhà khách bằng gỗ. Sách được bán trong các quán cà phê sách, trong nhà thuyền, chuồng trại và thậm chí trong trạm xe buýt. Độc giả nên đến thăm thị trấn sách vào tháng Năm đến giữa tháng Chín để tận hưởng thời tiết ấm áp. Trong thời gian này, khách du lịch cũng có thể đi du thuyền trên biển, đi thuyền kayak qua vùng đồng bằng gần đó hoặc đi bơi (dù nước lạnh như băng).


https://scontent.fybz2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-0/s640x640/60877165_2180136395355851_8887532661191475200_n.jp g?_nc_cat=111&_nc_oc=AQkmHwXTtku_CXMnfW7CmiDUXparguGe98K6Ylbmgq-QPI2ePzwy6bU4XvgP_QjFm-4&_nc_ht=scontent.fybz2-1.fna&oh=3c1234cb11ae1ee1a8a7c5480ac784d4&oe=5DDBEA37


9. Clunes

Clunes, Australia là một thị trấn sách tương đối trẻ. Ý tưởng bắt đầu nhen nhúm khi các quan chức địa phương muốn bảo tồn các tòa nhà của thành phố. Họ đã mời các nhà sách đến bán sản phẩm trong một lễ hội. Sự kiện đầu tiên được tổ chức thành công nên được duy trì vào tháng Năm hàng năm với tên gọi là Lễ hội Clunes Booktown. Mặc dù các hiệu sách hoạt động ở đây suốt cả năm, lễ hội mới là thứ đưa Clunes lên bản đồ như một thị trấn sách. Ngoài ra, thị trấn sách Clunes cũng có một chuỗi các sự kiện văn học hàng tháng được tổ chức vào Chủ Nhật thứ ba.

10. Hobart

Cách đây 18 năm, vợ chồng ông Bill và bà Diana Adams tình cờ ghé vào thị trấn Hobart trong chuyến du lịch bằng ô tô từ Manhattan (Mỹ). Tình cờ, cửa hàng ở cuối thị trấn đang đăng biển cho thuê lại và ý tưởng mở một tiệm sách tại đây đến với 2 vợ chồng trí thức này. Tiệm sách của vợ chồng nhà Adams mang tên Wm. H. Adams Antiquarian Books được ra đời, chuyên bán sách quý và sách cổ do Bill là người rất đam mê các bản văn Hy Lạp cổ. Và điều thú vị hơn là trong vài năm tiếp theo, liên tục 4 tiệm sách khác đã ra đời ở Hobart. Các tiệm sách này đều do những trí thức đã nghỉ hưu hoặc muốn tìm một nơi yên tĩnh sống nốt phần đời còn lại mở ra. Chủ nhân các tiệm sách ở Hobart đều khẳng định rằng họ chẳng hề cạnh tranh mà ngược lại còn giúp nhau cùng phát triển. Họ còn cung cấp cho du khách một cuốn ‘hộ chiếu sách’ để nhận tem tích điểm khi ghé vào các cửa hàng. Khi đã sưu tập đủ tem, họ sẽ được giảm giá hóa đơn mua hàng.

Minh Minh