PDA

View Full Version : Nobel văn học da đen Morrison qua đời: TT Trump im lặng .



duyanh
08-11-2019, 02:02 PM
Nobel văn học da đen Morrison qua đời: TT Trump im lặng .




http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_large_600_338/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/morrisson_tony_0.gif

Nữ văn sĩ da đen, Nobel văn học 1993, Toni Morrison (1931-2019)@REUTERS/Stephen Chernin


Nữ văn sĩ vĩ đại người da đen Toni Morrison qua đời: Chính quyền Trump im lặng. Luật sư nhân quyền Trung Quốc bất ngờ đào thoát sang New York. Phong trào Khí hậu « Thứ Sáu vì tương lai » của giới trẻ châu Âu ra tuyên bố chung đầu tiên. Thống kê mới cho thấy rừng Amazon – « lá phổi của thế giới » - bị tàn phá nhanh chóng, tổng thống Brazil cách chức lãnh đạo cơ quan công bố số liệu. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

"Báu vật quốc gia !"

Người phụ nữ vĩ đại của nền văn học Mỹ không còn nữa. « Báu vật quốc gia !», đó là lời mà cựu tổng thống Barack Obama dành để tưởng nhớ đến nhà văn, người phụ nữ Mỹ da đen đầu tiên và cũng là văn sĩ da mầu duy nhất cho đến nay được trao giải Nobel văn chương.


Phản ứng dồn dập nhưng chỉ từ phía đảng Dân Chủ. Ông Bernie Sanders, một trong những người có uy tín nhất trong đảng Dân Chủ, thương tiếc sự ra đi của một « huyền thoại Mỹ ». Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosy bày tỏ nỗi xúc động sâu sắc cũng như hai vợ chồng cựu tổng thống Clinton. Nhà làm phim Opray Winfrey, gần gũi với các chính trị gia Dân Chủ, nhận định : « Toni Morrison là lương tri của chúng ta, nhà tiên tri của chúng ta, bà là người nói lên sự thật ». Hai nữ nghị sĩ Ilhan Omar et Alexandria Ocasio-Cortez - những người vừa bị tổng thống Mỹ đề nghị trở lại các quốc gia nơi họ xuất thân - lên tiếng vinh danh Toni Morrison.

Sự im lặng của tổng thống Mỹ Donald Trump là điều không khó nhận ra.

Trump còn là tổng thống, tôi không thể nhắm mắt !

Cần phải nhấn mạnh là tiểu thuyết gia Morrison đã lên tiếng dứt khoát chống lại đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016. Nhà văn lên án tổng thống Mỹ kích động chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, kỳ thị và thù hận chủng tộc (1) trong bối cảnh ý thức hệ da trắng thượng đẳng tại Mỹ đang ngày càng bị dồn vào chân tường, với trào lưu dân chủ hóa, toàn cầu hóa (2).

Trước khi Donald Trump đắc cử, Toni Morrison từng tuyên bố : Nếu Trump trở thành tổng thống, bà « tuy không còn cảm thấy mình là người Mỹ nữa, nhưng sẽ gắng sống ». Cách nay một năm, trên đài Pháp France 5, nữ văn sĩ Morrison còn hài hước : « Tôi sẽ không thể nhắm mắt chừng nào Trump còn nắm quyền. Tôi sẽ phải sống chừng nào ông ta chưa ra đi ».


http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_large_600_338/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/2019-08-05t021738z_473124490_rc1ee8890c80_rtrmadp_3_usa-shooting-ohio_0.jpg

Cư dân thành phố Dayton (bang Ohio) tập hợp ngày 4/8/2019 sau vụ thảm sát, khiến 9 người chết.
REUTERS/Bryan Woolston

Các tiểu thuyết của Toni Morrison, dù mang tính nhục cảm hay lãng mạn, đều xoay xung quanh chủ đề trọng tâm : Bạo lực. Bạo lực chủng tộc, bạo lực xã hội, bạo lực trong tâm hồn của các nạn nhân. Các tiểu thuyết của Morrison dẫn độc giả đến với số phận đau thương của người da đen nô lệ trên đất Mỹ.

Tiểu thuyết « Người yêu dấu » (Beloved), xuất bản năm 1987, đoạt giải Pulitzer năm 1988, được coi là một trong những cuốn sách hay nhất của Morrison, lấy nguyên mẫu từ một phụ nữ da đen thế kỷ XIX, người đã cắt cổ đứa con hai tuổi, để đứa bé không phải sống đời nô lệ, và suốt đời bị ám ảnh bởi linh hồn con gái. Đây là cuốn tiểu thuyết mà Morrison hiến tặng cho 60 triệu nạn nhân của chủ nghĩa nô lệ. Đối với Morrison, hơn bốn thế kỷ tồn tại của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ còn để lại những hệ quả trầm trọng cho đến ngày nay. Suốt đời không bao giờ bà nguôi phẫn nộ.

Trả lời RFI, ông Jean Guiloineau - người dịch nhiều cuốn sách của Morrison sang tiếng Pháp – gợi ý với những ai bắt đầu làm quen với tác phẩm của Morrison, có thể bắt đầu với cuốn « The Bluest Eye », tác phẩm đầu tay của nhà văn ra đời năm 1970 (được chuyển sang tiếng Việt năm 1997, với tựa đề « Mắt biếc »). Cuốn tiếu thuyết khiến ông bàng hoàng. Ngoài « Mắt biếc » và « Người yêu dấu », hồi cuối năm ngoái, tiểu thuyết « The Origin of Others » cũng đã được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề « Nguồn gốc của ngoại tộc ».

Kỳ thị chủng tộc : Hận thù và tình người

Nhiều câu nói của Toni Morrison được truyền tụng, trong đó có câu : « Cái chức năng rất đáng sợ của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, đó là nó khiến người ta bị lạc hướng. Ngăn cản chúng ta thực hiện công việc mình cần làm ».

Lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, văn chương của Morrison hướng đến tình người không biên giới : « Điều làm nên tình cảm hận thù, đó là nó thiêu cháy hết thảy mọi thứ, chỉ trừ chính nó. Nhưng cho dù động cơ của ta là gì chăng nữa, thì gương mặt của ta với kẻ thù ta đều giống nhau như tạc » (tiểu thuyết « Love », 2012).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2014 về vấn đề chủng tộc tại Mỹ, Morrison giải thích : « Các chủng tộc không phải là cái vốn có trong tự nhiên. Nhân loại là một giống loài thống nhất, xét về mặt khoa học, về mặt nhân chủng học. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ là một kiến tạo xã hội ». Nhân dịp ra mắt cuốn « A Mercy » (Tình thương, 2008), bà nhận xét: « Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ biến mất chừng nào nó không còn sinh lời và không còn hữu ích về mặt tâm lý. Khi điều đó xảy ra, nó sẽ biến mất. Nhưng tại thời điểm này, người ta vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ nó ».

Toni Morrison đã ra đi khi ông Trump vẫn còn là tổng thống. Nhưng những tác phẩm bà để lại chắc chắn là không chết.

Luật sư nhân quyền Trung Quốc bất ngờ đến Mỹ

Luật sư Trần Kiến Cương (Chen Jiangang) cùng với gia đình đã đến sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York, tối thứ Bảy 02/08 – theo thông cáo với báo chí của một người bạn ông. Lý do khiến ông phải rời Trung Quốc là « các đe dọa và nguy cơ bị bắt cóc, tra tấn, thậm chí sát hại ».

Theo AFP, luật sư Trần Kiến Cương nổi tiếng là người chuyên bảo vệ các nạn nhân trong những vụ án chính trị rất nhạy cảm. Mới đây, Trần Kiến Cương bị chính quyền tước quyền bào chữa cho luật sư Tạ Dương (Xie Yang) bảo vệ những người tranh đấu cho dân chủ Hồng Kông, bị bắt năm 2015 trong làn sóng trấn áp nhắm vào các luật sư nhân quyền tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục lên tiếng về vụ án này.

Trước khi trốn được khỏi Trung Quốc, luật sư Trần từng là người bào chữa của Hoàng Uyển (Huang Wan), con dâu của cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), hiện bị lãnh án tù chung thân, do cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Trên Twitter, luật sư Trần Kiến Cương khẳng định ông bị nhân viên chính quyền đe dọa đưa đi mất tích, nếu tiếp tục bào chữa cho bà Hoàng Uyển.

Tháng 4 vừa qua, Trần Kiến Cương trên đường lên máy bay từ Trung Quốc đi Seattle đã bị hải quan Trung Quốc ngăn lại. Luật sư Trần vốn được trao tặng một năm học tiếng Anh trong khuôn khổ chương trình của chính phủ Mỹ mang tên nguyên phó tổng thống Hubert H. Humphrey Fellowship, có mục tiêu cổ vũ các nỗ lực chuyển hóa dân chủ trên toàn cầu.

Luật sư Trần Kiến Cương không cho biết cụ thể là ông đã rời khỏi Trung Quốc bằng cách nào, ông chỉ gửi lời cảm ơn đến các bạn hữu và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã trợ giúp. Ông Trần nhấn mạnh là « không có họ, gia đình ông chắc đã không bao giờ có thể đến được với tự do ». Theo báo South China Morning Post, mục sư Mỹ gốc Hoa Phó Hi Thu (Bob Fu) – nhà sáng lập và lãnh đạo hiệp hội nhân quyền ChinaAid - thông báo : với sự hỗ trợ của hơn 50 thân hữu, luật sư Trần đã đến được Hoa Kỳ.

Khí hậu : Tuyên bố chung đầu tiên của giới trẻ châu Âu

Giới trẻ châu Âu vì khí hậu họp tại Lausanne, Thụy Sĩ. 450 thanh thiếu niên, tham gia các hoạt động « Những ngày thứ Sáu vì tương lai » (Fridays for future), theo gương thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg, đến từ khắp các miền châu Âu, từ Ailen đến Nga, từ bán đảo Scandinave đến Tây Ban Nha (tổng cộng 37 nước). Sau năm ngày họp, hôm qua, thứ Sáu 08/08/2019, phong trào « Những ngày thứ Sáu vì tương lai » lần đầu tiên ra tuyên bố chung, mang tên « Tuyên bố Khí hậu Lausanne ».

Ba yêu sách chung của Tuyên bố Khí hậu Lausanne là « bảo đảm công lý khí hậu và lẽ công bằng nói chung », « giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp » và thứ ba là « nghe theo quan điểm đúng đắn nhất về khoa học hiện nay ».


http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_169_large/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/greta_lausanne_2019.gif

Giới trẻ khắp châu Âu tập hợp tại Laussane, Thụy Sĩ, bàn về Khí hậu. Ảnh chụp ngày 09/08/2019 với thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg (ngồi giữa).
FABRICE COFFRINI / AFP

Phong trào « Những ngày thứ Sáu vì tương lai », cũng như « Giới trẻ vì Khí hậu » (Youth for Climate), lấy cảm hứng từ sáng kiến bỏ học hàng tuần vào ngày thứ Sáu của Greta Thunberg. Kể từ kỳ khai trường năm ngoái, thiếu nữ Thụy Điển bãi khóa vào một ngày thứ Sáu, biểu tình trước cửa Quốc Hội nước này, kêu gọi chính quyền hành động đúng như các cam kết Khí hậu. Cuộc đấu tranh của Greta thu hút hàng trăm nghìn thanh thiếu niên trên khắp châu Âu, đòi hỏi chính phủ các nước hành động mạnh hơn, khẩn trương hơn. Giới trẻ châu Âu dự kiến sẽ tổng bãi khóa vào đầu năm học tới, vào lúc Liên Hiệp Quốc tổ chức thượng đỉnh về Khí hậu ở New York.

Greta nghiêm khắc trước Quốc Hội Pháp

Hồi cuối tháng 7, Greta đến Quốc Hội Pháp theo lời mời của hơn 160 dân biểu thuộc tất cả các đảng phái cổ vũ cho cuộc chiến Khí hậu (trừ đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia - RN). Việc một nhóm dân biểu trong Quốc Hội mời Greta nói chuyện bị một số chính trị gia cực lực lên án, thậm chí kêu gọi tẩy chay. Một số người cho rằng cô gái nhỏ bị lợi dụng để biến thành một thủ lĩnh giáo phái (gourou), reo rắc nỗi sợ về một ngày Tận thế mới. Và yêu cầu Greta hãy để vấn đề Khí hậu cho giới khoa học, cho những người có thể đem lại giải pháp.

Với gương mặt dịu dàng nhưng kiên quyết của một thiếu nữ 16 tuổi, Greta Thunberg đã lên án giới chức quyền : « Không lần nào tôi nghe thấy một chính trị gia, một nhà báo hay một lãnh đạo doanh nghiệp lớn… dẫn ra các số liệu này ! Dường như quý vị không biết rằng chúng đang tồn tại ! Quý vị rõ ràng không đủ trưởng thành để đối mặt với sự thực ! ».


http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/40/3000/1495/410/204/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/2019-07-23t111753z_2041147989_rc12a539c910_rtrmadp_3_clima te-change-youth-france_1.jpg
Greta Thunberg phát biểu tại Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 23/07/2019.
REUTERS/Philippe Wojazer

Đáp lại những lời cảm ơn nồng nhiệt của các dân biểu, ngôi sao mới của phong trào Khí hậu của giới trẻ kêu gọi họ hãy hành động một cách thiết thực : « Tất cả những gì tôi nghe thấy sáng nay là những lời cảm ơn mà quý vị dành cho tôi ! Nhưng thay vì điều đó, tốt hơn là quý vị hãy hành động ! ».

Ngôi sao của phong trào Khí hậu của giới trẻ thế giới, thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg, quyết định vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm, sang Mỹ dự thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9. Chiếc Malizia 2 sẽ vượt Đại Tây Dương để tới New York. Thiếu nữ Thụy Điển không chọn con tàu này một cách ngẫu nhiên. Đây là chiếc thuyền buồm chuyên dùng để đua trên biển. Thuyền trang bị pin mặt trời và tua bin ngầm, cho phép tự túc về năng lượng, không cần đến nhiên liệu hóa thạch.

Greta Thunberg sẽ tiếp tục mang tiếng nói tranh đấu của cô đến Chili, Nam Mỹ, vào cuối năm nay nhân thượng đỉnh Khí hậu COP 25, tại Santiago. Chuyến du hành tại châu Mỹ của Greta ắt sẽ kéo dài nhiều tháng.

Rừng Amazon: Tốc độ phá gấp 3 lần so với năm ngoái

Trong khi đó, tại Nam Mỹ, vùng rừng nguyên thủy Amazon – được coi là giếng hút khí thải số một hành tinh, một trong những phương tiện hùng mạnh giúp hãm lại đà hâm nóng Trái đất - đang bị phá với tốc độ kỷ lục, đặc biệt ở Brazil, nơi chiếm đến 60% diện tích rừng Amazon. Tốc độ phá rừng vốn đã rất cao lại tăng vọt kể từ khi tổng thống cực hữu Jair Bosonaro, lên nắm quyền, theo số liệu của cơ quan chính quyền Brazil. Đầu tháng 8/2019, người được mệnh danh là « Trump nhiệt đới » đã quyết định cách chức người đứng đầu cơ quan cấp số liệu.

Thông tín viên Bernard Martin tường trình từ Sao Paulo :

« Tổng thống Jair Bolsonaro thông báo cách chức lãnh đạo cơ quan không gian quốc gia INPE, với cáo buộc đã tung ra các số liệu dối trá. Tuy nhiên, cũng chính cơ quan này vừa đưa ra các số liệu khác cho thấy tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào tháng 7 vừa qua (với 2.254 km²). Diện tích rừng bị tàn phá trong tháng 7 tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ 7 tháng nay, nghĩa là từ khi ông Bolsonaro lên nắm quyền, tổng cộng diện tích rừng bị phá tăng thêm 67%. Theo tổng thống Bolsonaro, các số liệu nói trên không phù hợp với hiện thực và được đưa ra nhằm gây tổn hại cho lợi ích của Brazil.


http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_169_large/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/2019-05-06t093740z_1601924245_rc14fae08460_rtrmadp_3_un-environment-biodiversity.jpg

Một bức ảnh cho thấy rừng Amazon tại bang Mato Grosso, miền tây Brazil, bị phá để có đất trồng đậu tương. Ảnh chụp ngày 4/10/2015.
REUTERS/Paulo Whitaker/File Pho

Cuối tháng trước tổng thống Brazil đã hủy bỏ một cuộc gặp với ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, bởi chính trị gia Pháp đã tiếp xúc với nhiều tổ chức phi chính phủ Brazil, bị ông ta lên án là các nhóm ‘‘nổi loạn”.

Tổng thống Jair Bolsonaro cũng đòi phải được tham khảo các thống kê về tình trạng phá rừng trước khi số liệu được công bố, nhưng đồng thời cam đoan đây không phải là hành động kiểm duyệt ».

Phá 50.000 km² rừng để trồng đậu tương bán cho Trung Quốc

Tổng thống Brazil, một mặt tuyên bố tiếp tục thực thi các cam kết về Khí hậu, mặt khác hủy bỏ nhiều luật bảo vệ rừng, với lý do kìm hãm phát triển kinh tế. Ông Bolsonaro dự kiến mở nhiều khu bảo tồn của các sắc tộc bản địa thiểu số cho khai thác mỏ, bất chấp việc quyền của dân bản địa đã được ghi trong Hiến pháp.

Cuối tháng 4/2019, tổ chức bảo vệ môi trường Amazon Watch công bố báo cáo điều tra. Bên cạnh các doanh nghiệp châu Âu và Bắc Mỹ đồng thủ phạm truyền thống của nạn phá rừng (với việc nhập khẩu thịt bò, đậu tương, gỗ hay đường từ Brazil), Trung Quốc ngày càng trở nên nguyên nhân số một của nạn phá rừng tăng vọt (đối với Brazil, Bắc Kinh là bạn mua hàng lớn nhất). Brazil đang trở thành nguồn cung cấp đậu tương số một của Trung Quốc, thay thế cho Mỹ, do chiến tranh thương mại. Ước tính có thêm 50.000 km² rừng bị triệt hạ, chỉ để cung cấp đậu tương cho thị trường Trung Quốc.

Ghi chú

1. Số nạn nhân trong các vụ thảm sát nhắm vào người da màu tăng vọt dưới thời tổng thống Trump Vụ mới đây nhất là tại thành phố El Paso, tiểu bang Texas, khiến 22 người thiệt mạng. Thủ phạm khẳng định chủ trương tấn công người Mêhicô. Theo thống kê của Gun Violence Archives, số người chết tổng cộng trong các vụ thảm sát (251 vụ) từ đầu năm đến nay là 272 người (gần cao bằng số người chết trong hai nhiệm kỳ 8 năm của tổng thống Obama, 287 người, với 33 vụ).

2. Trong bài « Mourning for Whiteness » (tạm dịch là : Để tang cho màu da trắng) của Toni Morrison - cùng với 15 văn sĩ, đăng trên New York Times, ngày 13/11/2016, sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống - bà Morrison ghi nhận tình trạng người da trắng đang ngày càng mất đi niềm tin vào tính « ưu việt tự nhiên » của họ, đồng thời nhắc lại lịch sử kinh hoàng của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Mỹ, được William Faulkner khắc họa trong tác phẩm « Abslom, Abslom » (1936). Đối với một gia đình giới thượng lưu miền Nam trước đây, chuyện loạn luân còn ít kinh khủng hơn là phải thừa nhận một giọt máu của người da đen trong dòng tộc. Người ta sẵn sàng giết người, để bảo vệ cái gọi là sự thuần khiết của màu da. Màu da trắng thường được coi là chất xi măng thống nhất quốc gia. Nữ văn sĩ thấu hiểu tâm trạng của một bộ phận người da trắng trong xã hội Mỹ : việc ý thức hệ da trắng ưu việt đang trên đà sụp đổ khiến nhiều người trở nên bi quan, sẵn sàng nghe theo các kích động kỳ thị chủng tộc, một số ít không ngần ngại có các hành động phi nhân tính, cho dù bình thường với chính họ làm như vậy là hèn hạ, đáng khinh bỉ.


RFI
11-8-2019