PDA

View Full Version : Từ tay trắng trở thành ông chủ công ty nuôi gà lớn nhất của người Việt tại Mỹ



duyanh
07-23-2019, 12:05 PM
Từ tay trắng trở thành ông chủ công ty nuôi gà lớn nhất của người Việt tại Mỹ




https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2019/07/ga-dong-nai_01-1-696x522.jpg

Ông Dương Minh Dũng, chủ nhân công ty gà đi bộ Đồng Nai ở Austin, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Từ vài chục con gà nuôi chơi trong nhà, đến nay, ông Dương Minh Dũng, ở thành phố Austin, tiểu bang Texas, đang là chủ công ty gà lớn nhất của người Việt tại Mỹ.

Hiện nay, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, mỗi ngày trung bình trại gà Đồng Nai của ông Dương Minh Dũng đưa ra thị trường khoảng 10.000 con gà.

Ông Dũng cho biết: “Gà Đồng Nai đã có mặt ở gần 30 tiểu bang Hoa Kỳ. Tại tiểu bang Texas, ngoài các chợ người Việt, chợ Tàu, chợ Hàn Quốc đều có gà Đồng Nai, hiện giờ các chợ của Ấn Độ, Mexico, Pakistan cũng lấy ‘gà đi bộ’ Đồng Nai về bán theo nhu cầu của khách”.


https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2019/07/ga-dong-nai_05.jpg

Gà Đồng Nai được bày bán ở chợ Mỹ Thành ở Austin, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chia sẻ với báo Người Việt, ông Dũng kể rằng ông sang Mỹ năm 1995 khi chưa đến 40 tuổi. Ban đầu ông đi làm cho hãng đồ hộp. Sau đó, ông đi bán bánh taco (món ăn truyền thống của người Mexico), do thấy bánh taco rất dễ làm mà kiếm được tiền nhiều hơn là đi làm cho hãng đồ hộp.

Ông chỉ bán bánh cho công nhân, nên hai ngày cuối tuần công nhân nghỉ thì ông cũng nghỉ để “đi chợ trời mua gà vịt sống về ăn”. Và ông nhận thấy có rất nhiều người Việt cũng đi mua gà vịt sống giống ông.

“Ở đây bắp lúa nhiều quá, lại rẻ, vậy sao mình không thử nuôi gà để ăn, để bán?”, ông kể lại suy nghĩ của mình.

“Lúc đó, một người bạn cho tôi mượn miếng đất 10 mẫu, tôi lấy lưới quây lại một góc và mua 100 con gà con thả vô nuôi trong đó. Bốn tháng sau, tôi mang gà về làm ăn, ai cũng khen thịt gà ngon, không như ăn gà Mỹ. Thế là tôi mua gà bỏ thêm vô nuôi. Cuối tuần hai vợ chồng bắt gà về nhà làm, cắt tiết, nhổ lông bằng tay, y như hồi ở Việt Nam, rồi bán cho người quen, bạn bè”.

Từ 100 con, ông Dũng nuôi lên thành đàn từ 500, 600 con rồi 1.000 con.

“Đến lúc thấy gà nuôi bao nhiêu bán cũng không đủ, nhu cầu người ta mua gà đi bộ này nhiều, thì tôi quyết định mua 50 mẫu đất, tập trung vào nghề nuôi gà đi bộ, nghỉ hẳn nghề bán taco. Khi đó là năm 2000”, ông kể.

Nhưng khi bắt đầu chuyển qua làm ăn lớn, do vẫn chỉ mày mò làm theo cách thức truyền thống nên thời gian đó ông không ngủ được, hầu như mỗi ngày ông ở trong chuồng gà từ 20 đến 22 tiếng với đủ thứ lo lắng mà không biết hỏi ai.

“Châm nước cho gà uống theo kiểu từ đầu trại xuống cuối trại. Mới châm đến 2/3 đường thì đầu trên tụi nó đã uống cạn. Lúc đó suốt ngày gần như chỉ làm mỗi việc cho gà uống nước. Chưa nói đến chuyện chế biến đồ ăn riêng cho gà. Thất bại là ngay lúc đó”.

Ông kể: “Gà này khi nuôi lớn đến hai tháng rưỡi, ba tháng thì bắt đầu nó cắn nhau, mổ nhau nó chết. Khi đó, một ngày nó chết cỡ 200 con luôn. Nhìn nó chết mà mình không hiểu lý do, cứ nghĩ là chuột vô cắn chết, lo đi bỏ thuốc diệt chuột, bịt hết các lỗ nghĩ là chuột chạy vô, chứ không biết là gà mổ nhau chết. Rồi đồ ăn cũng vậy. Mình đổ từ đầu này đến đầu kia thì đầu này nó đã ăn hết rồi. Cứ vậy, mình không trong nghề nên không biết gì hết”.

May mắn thay, một người bạn từng làm việc cho một trại gà công nghiệp của Mỹ đến chơi và thăm chuồng gà của ông. Nhờ sự giúp đỡ của bạn, ông Dũng có cơ hội vào xem hệ thống trại gà công nghiệp của Mỹ, để từ đó mới biết đến hệ thống cho ăn uống tự động, chuồng phải có máy sưởi, có màn cửa ra làm sao.

Ông nói một cách đầy cảm kích: “Phải công nhận người Mỹ họ hay lắm, mình hỏi cái gì thì họ chỉ dẫn cặn kẽ cái đó. Nhiều thứ mà họ không chỉ, không nói thì mình không làm sao biết được. Từ những kinh nghiệm đó, từ từ tôi mới bắt đầu bung ra, hết trại thứ nhất, đến trại thứ hai, thứ ba, đến giờ là 54 chuồng rồi”.


https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2019/07/ga-dong-nai_03.jpg

Gà đi bộ được nuôi tại một trong số 54 chuồng gà của công ty gà Đồng Nai Austin, Texas do ông Dương Minh Dũng làm chủ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ban đầu, vợ chồng ông quảng cáo ở nhà thờ, người dân tới nhà mua rất đông. Sau đó, ông mang gà ra chợ Mỹ Thành ở Austin gửi bán.

“Nhưng mới từ chợ chạy về đến nhà thì đã nghe người chủ chợ gọi cho biết có Sở y tế xuống kiểm tra. Khi đó tôi không hiểu luật gì hết. Mà Mỹ hay lắm, khi biết mình không có giấy tờ, không biết luật, là họ tận tình hướng dẫn cách cho mình xin giấy phép, chở tôi đến chỗ làm giấy tờ. Đến lúc họ hỏi tên công ty là gì để điền vào, tôi mới giật mình, không chuẩn bị sẵn, chỉ nhớ hồi xưa mình ở Đồng Nai, nên đề nghị họ cho mình lấy tên Đồng Nai”.

Thương hiệu “gà đi bộ” Đồng Nai đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Lúc đó, ông được cấp giấy phép cho làm thịt dưới 10.000 con gà mỗi năm, cùng lời dặn “nếu làm trên 10.000 con mỗi năm thì phải báo”.

“Nhưng mà chỉ mới vài tháng thì tôi đã phải đến gặp họ vì mình đã làm hơn số 10.000 con. Họ nói trên 10.000 con thì phải làm kiểu khác. Cứ vậy, mình làm theo cách họ hướng dẫn, làm mỗi lúc một nhiều, họ phải cho bác sĩ và người kiểm dịch xuống đóng chốt tại lò mổ của mình mỗi ngày để bảo đảm an toàn vệ sinh khi gà đến tay người tiêu thụ”, ông Dũng kể.


https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2019/07/ga-dong-nai_04.jpg

Ông Dương Minh Dũng, chủ nhân công ty gà đi bộ Đồng Nai ở Austin, Texas, đứng xem công nhân đang bắt gà đưa qua xưởng chế biến. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Gà đi bộ” được người Á Đông ưa chuộng hơn “gà Mỹ” do thịt gà đi bộ chắc hơn, dai và ngọt hơn. Ông Dũng cho rằng: “Cách nuôi gà đi bộ khác nuôi gà công nghiệp chủ yếu ở thức ăn, và giống gà. Chuồng trại thì gần giống nhau. Gà Mỹ cũng nuôi chuồng, nhưng chỉ nuôi trong thời gian 6-7 tuần, mà trọng lượng con gà có thể đến 4kg. Còn gà mình nuôi tới 4 tháng rưỡi. Con gà này khi làm ra chỉ nặng từ 1,7-1,9 kg. Gà Mỹ nuôi thức ăn chứa protein rất cao, và giống gà lớn nhanh như thổi. Còn gà đi bộ nuôi như ép xác, chỉ cho ăn no nhưng protein rất thấp. Cách nuôi của mình là làm cho con gà tăng trưởng chậm để có thịt ngon”.

Nhìn lại công sức của mình, ông Dũng nói: “Ở đây có rất nhiều trại gà nhưng đều là nuôi gia công cho các công ty Mỹ, còn trại gà Đồng Nai là của riêng tôi. Tháng Tám này, tôi sẽ hoàn thành nhà máy giết mổ bò để xuất cảng sang thị trường Hàn Quốc và Việt Nam. Nếu không sai thì tôi là người Việt Nam đầu tiên ở đây lập công ty riêng về chăn nuôi từ gà và giờ là bò”.


DKN
23-7-2019