PDA

View Full Version : Ngoại trưởng Mỹ: Giữa tháng 7 nối lại đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên



duyanh
07-01-2019, 12:33 PM
Ngoại trưởng Mỹ: Giữa tháng 7 nối lại đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên





http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_16x9_1024_578/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/2019-06-30t221849z_664214422_rc1870fddc00_rtrmadp_3_northk orea-usa-southkorea.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại vùng phi quân sự liên Triều, ngày 30/06/2019.
KCNA via REUTERS


Sau cuộc gặp bất ngờ giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un tại khu phi quân sự ở biên giới liên Triều, hôm qua 30/06/2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ được nối lại vào giữa tháng 7.

Trước các nhà báo trong căn cứ không quân Mỹ Osan, ông Mike Pompeo, tháp tùng tổng thống Trump tới Hàn Quốc, tuyên bố các cuộc đàm phán « sẽ diễn ra trong tháng 7, rất có thể trong 2 hay 3 tuần nữa, có thể là giữa tháng, theo đánh giá của tôi. Địa điểm vẫn chưa được xác định ». Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm là các nhóm đàm phán sẽ tập hợp và bắt đầu các cuộc trao đổi.

Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên đã bị ngừng lại sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay.

Trong khi đó cả hai miền Nam, Bắc Triều Tiên đều tỏ ra vui mừng về cuộc gặp Trump-Kim tại Bàn Môn Điếm và đều hy vọng đối thoại sẽ được nối lại.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul ghi nhận phản ứng ở Bình Nhưỡng và Seoul :

Cuộc gặp ở biên giới mang tính « lịch sử » và quyết định của ông Donald Trump là « can đảm », báo chí Bắc Triều Tiên sáng nay ca ngợi như trên, đồng thời phổ biến hàng chục bức hình chụp ông Trump và ông Kim bắt tay nhau.

Đánh giá cuộc gặp này đã tạo sự « tin cậy chưa từng có » giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng khẳng định các nhà đàm phán hai nước sẽ nối lại các cuộc họp để thảo luận về một thỏa thuận giải trừ hạt nhân sau nhiều tháng bế tắc.

Nhìn chung báo chí Hàn Quốc cũng ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh bất ngờ, đồng thời hy vọng các cuộc thương lượng về hạt nhân sẽ được nối lại. Nhật báo có xu hướng bảo thủ Joogang đánh giá, « một trang sử đang được viết lên ». Tờ báo nhắc lại « sự tin cậy lẫn nhau được xây dựng qua trao đổi thông tin, tiếp xúc thường xuyên ».

Kim Jong Un « nếu như không quyết tâm nối lại đối thoại, thì đã từ chối cuộc gặp này », tờ Korea Times nhận định. Còn báo Korea Herald tỏ ra thận trọng hơn, nhắc lại rằng để đạt được « giải trừ hạt nhân và hòa bình thực sự, cần phải làm nhiều hơn một « đòn truyền thông ».

Bắc Kinh thế chân trung gian của Hàn Quốc ?

Chuyến thăm Triều Tiên của tổng thống Mỹ diễn ra ngay sau cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 cùng với thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vai trò không thể xem nhẹ trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Thông tín viên Simon Leplâtre tại Thượng Hải nhận định:

Trước khi có cái bắt tay lịch sử của Donald Trump và Kim Jong Un tại đường giới tuyến giữa hai miền Triều Tiên, tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc tại thượng đỉnh G20, Nhật Bản. Theo báo chí Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nói với Donald Trump rằng Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng để giúp nối lại đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

Chuyến thăm Triều Tiên của ông Trump đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc trong cuộc chơi . Cách đây vài tháng, trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Việt Nam, tổng thống Hàn Quốc đóng vai trò trung gian. Nhưng thất bại của cuộc gặp này đã khiến vai trò của Trung Quốc trở nên cốt yếu.

Cách đây 10 ngày, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bắc Triều Tiên. Đó là cách nhắc nhở rằng Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu và đồng minh của Bắc Triều Tiên, đang nắm hồ sơ. Đó cũng là điều mà ông Tập có thể đã nhắc lại với ông Trump tại Osaka hôm thứ Bảy.

Liệu có phải ngẫu nhiên không khi mà chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Bắc Triều Tiên diễn ra ngay sau thông báo Mỹ-Trung đình chiến thương mại. Nếu ông Trump muốn có một chiến thắng ngoại giao ở Bắc Triều Tiên, ông phải thương lượng với cả Trung Quốc cũng như với Bình Nhưỡng.

RFI
1-7-2019