PDA

View Full Version : Việt Nam tiêu hủy hơn 1.7 triệu con heo bị ‘dịch tả heo Phi Châu’



sophienguyen
05-27-2019, 01:41 AM
Việt Nam tiêu hủy hơn 1.7 triệu con heo bị ‘dịch tả heo Phi Châu’




https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/05/VN-heo-dich-KienGiang-TT-052419-696x452.jpg

Heo bị dịch chết được chở đi tiêu hủy. (Hình: Tuổi Trẻ)

Việt Nam đã phải tiêu hủy hơn 1.7 triệu con heo bị dịch tả heo Phi Châu khi virus quái ác này xuất hiện tại chín tỉnh thành miền Nam và cả Tây Nguyên sau khi hoành hành dữ dội tại miền Bắc.

Theo tin tờ Người Lao Động hôm Chủ Nhật “Sáng 25 Tháng Năm, tại Sài Gòn, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi ở các tỉnh phía Nam.”

Trong hội nghị vừa kể, ông bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra các con số thống kê và cập nhật tình hình lây lan dịch tả heo Phi Châu trên cả nước.

Tính đến hết ngày 24 Tháng Tư, 2019 dịch đã “xuất hiện tại 42 tỉnh – thành, 265 huyện, 2,904 xã, với tổng số heo bị bệnh hơn 1.7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang ngày 11 Tháng Tư đến nay đã lây lan sang 8/18 tỉnh – thành. Tuy số lượng heo bệnh phải tiêu hủy không lớn, chỉ hơn 5,000 con nhưng rải rác ở nhiều nơi.”

Cùng một ngày có cuộc họp và lời loan báo của ông Cường, tức ngày 25 Tháng Năm, VNExpress đưa tin cập nhật thêm một ngày nữa thì “Ngày 25 Tháng 5, Ủy Ban Nhân Dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết đã tiêu hủy 135 con lợn của 35 hộ ở xã Chư Don được xác định dương tính với dịch tả lợn Phi Châu. Ngoài ra, có 24 con lợn ở hai xã Ia Le và Ia Blứ vừa chết hôm qua đang được xác định nguyên nhân.”

Cũng ngày Thứ bảy 25 Tháng Năm, tờ Dân Việt đưa tin “Ngoài Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ cũng vừa phát hiện 3 ổ dịch tả lợn Phi Châu tại quận Cái Răng và quận Bình Thủy. Như vậy, Cần Thơ là địa phương thứ 6/13 tỉnh, thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long có dịch tả lợn châu Phi.”

Theo đó, miền năm có tới 9 tỉnh thành đã có dịch, thêm tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên, cả nước đã có tới 44 tỉnh thành bị dịch tả heo Phi Châu, nhiều hơn con số do ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra.

Chín tỉnh miền Nam trong đó có 6 tỉnh ĐBSCL có dịch, gồm Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Trong cuộc họp ở Sài Gòn, ông Cường nêu ra nguy cơ toàn khu vực ĐBSCL bị dịch khó tránh khỏi vì

“Hiện nay, miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, rất thuận lợi cho bệnh tả heo châu Phi phát triển. Các địa phương ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang tất cả địa phương chưa có dịch…”

Ông kêu gọi các địa phương “phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống xấu hơn như trường hợp xảy ra với hộ nuôi quy mô lớn, các địa phương đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy heo bệnh cuối cùng bệnh vẫn có thể quay lại.”

Danh sách các tỉnh thành tại Việt Nam có dịch tả heo Phi Châu tăng lên nhanh từng ngày trong khi sự chống đỡ chỉ mang tính thụ động sau khi heo chết thì đem tiêu hủy hay ném xuống kênh rạch, tạo cơ hội cho dịch lân lan nhanh hơn.

Theo thống kê, Việt Nam nuôi khoảng 30 triệu con heo, phần lớn tại các hộ gia đình nông dân như cách kinh doanh kiếm sống. Thịt heo chiếm hơn 70% trên tổng số các loại thịt mà người Việt ăn trong bữa cơm hàng ngày.

Bộ Nông Nghiệp vàPhát Triển Nông Thôn mấy ngày trước nhìn nhận “đã huy động lực lượng với tất cả những biện pháp hiện có nhưng nỗ lực của con người chỉ làm giảm hoặc khoanh vùng được dịch bệnh, làm chậm đường lây lan chứ chưa thể khống chế được dịch.”

Việt Nam gọi là dịch tả heo Phi Châu không phải là chứng tiêu chảy mà là một chứng bệnh gần giống như cúm bắt nguồn từ Phi Châu (African Swine Flu).

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài heo, chúng có những dấu hiệu sốt xuất huyết, bỏ ăn, nằm bẹp một chỗ rồi chết, không con nào sống sót.

Chứng bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc ngừa hay thuốc trị, chỉ thấy giết hại loài heo. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người, không gây bệnh cho các loài động vật khác.


(TN)Người Việt