PDA

View Full Version : Nhận định lại tư duy



Nhan
10-05-2010, 07:54 PM
Nhận định lại tư duy
và phương pháp đấu tranh

PSN 2.9.2010 | Tạ Dzu

Chuyện ông Lý Tống tấn công bằng cách xịt hơi cay vào mắt Đàm Vĩnh Hưng đang tạo ra những luồng dư luận sôi nổi. Nên hay không nên sử dụng bạo lực nhằm đạt mục tiêu yêu cầu và đâu là phương pháp hiệu quả trong công cuộc dân chủ hóa đất nước đối với người Việt hải ngoại?

Sống trong một đất nước chiến tranh triền miên, ít nhiều gì người Việt ở cả hai miền cũng bị điều-kiện-hóa bởi chính sách và đường lối tuyên truyền trong cuộc chiến. Với dân chúng miền Nam, cộng sản là xâm lăng, độc ác, máu đổ đầu rơi; với nhân dân miền Bắc, nguỵ quân nguỵ quyền là tay sai đế quốc, tham nhũng, bóc lột tàn tệ. Trẻ em 6-7 tuổi, tâm hồn còn trong trắng đã bị người lớn hoặc trường học nhồi nhét, tuyên truyền những điều ấy. Cho dù sự kiện được dạy dỗ là sự thật chăng nữa, nhìn nhau như vậy quá lâu đã thành nếp khiến rất khó thay đổi định kiến. Điều đáng buồn là một số không nhỏ trong chúng ta mang danh đấu tranh cho dân chủ, đang hô hào cộng sản phải dân chủ nhưng chưa dân chủ thực sự với những người trong cùng hàng ngũ. Những gì thuộc về hay liên quan đến cộng sản đều được coi là xấu và ngược lại, ngay cả các chương trình nhân đạo cũng có thể bị nhìn như vậy. Từ đó, dễ dàng chụp mũ và khó chấp nhận nhau khiến tiềm năng đấu tranh bị suy giảm thay vì được nhân lên.


Xác định đối tượng

Trên danh nghĩa, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn thuộc về Đảng CSVN, nhưng nội dung cộng sản (cs) đã hoàn toàn phá sản. Họ đang loay hoay tìm lối ra nên phải lấy đuôi định hướng XHCN gắn vào nền kinh tế thị trường để biện minh cho quyền lực độc tôn. Vì biết chủ thuyết đã sai lầm nên họ kêu gọi học tập tư tưởng HCM - người dứt khoát khẳng định không có tư tưởng - và đang cố gắng nhào nặn lãnh tụ trong hòm kính là một người quốc gia dân tộc. Nếu cuộc Chiến tranh Lạnh vẫn còn đang tiếp diễn, chắc chắn ông sẽ được tô vẽ như một trong những lãnh tụ sáng giá nhất của cs quốc tế.

Thế giới ngày nay đang đi vào xu hướng đối lập thống nhất, hợp tác xây dựng và cổ suý dân chủ thay thế cho đối đầu, mâu thuẫn hủy diệt trong quá khứ. Những quốc gia theo thể chế độc tài, không đi vào chiều hướng chung của thế giới sẽ dần dà bị nhân loại chối bỏ. VN ngày nay chỉ còn mang cái vỏ CS, thực chất bên trong là đảng trị theo lối mafia, không chấp nhận những tiếng nói, đảng phái khác biệt hiện diện. Khi tiếp tục kêu gào chống cộng, vô hình chung chúng ta xác định không đúng mục tiêu và tên gọi của cuộc đấu tranh, tương tự khi cuộc chiến VN trong những năm cuối cùng đã được Việt Nam hóa. Thay vì kêu gọi miền Nam giải quyết cuộc chiến trong xây dựng bằng tình nghĩa anh em, miền Bắc vẫn kiên quyết chống Mỹ cứu nước tới cùng, gây bao chết chóc thương đau và cho đến giờ này, lòng dân vẫn chưa thống nhất. Một khi lòng người còn hoang mang bất định, mọi sự kêu gọi bảo vệ và xây dựng đất nước khó được hưởng ứng mạnh mẽ. Cũng vậy, các tổ chức chính trị ở hải ngoại không thể lôi kéo được nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ khi tiếp tục kêu gọi chống cộng, thay vì kêu gọi dân chủ hóa quê hương, xóa bỏ chế độ áp bức man trá, nó hợp với suy tư của toàn dân lúc này hơn.

Thế giới đã là một ngôi làng nhỏ, tình hình chính trị, xã hội quốc tế liên quan mật thiết với tình hình VN, nên cuộc chiến quốc - cộng, tư bản - cộng sản trong quá khứ đã biến thái thành cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa yêu thương và thù hận, giữa văn minh và tụt hậu, giữa dân chủ và độc tài.

Có xác định mục tiêu đấu tranh đúng đắn và hợp lý, chúng ta mới tập hợp được tổng lực và vận động được mọi thành phần quốc dân tham gia, ngay cả các cán bộ và đảng viên CS.


Từ những kinh nghiệm quá khứ

Trong chiến tranh, chính sách tuyên truyền của chính phủ hai miền tìm mọi cách để tranh thắng nên nhiều người trong chúng ta bị điều-kiện-hóa tư duy, cho rằng bất cứ điều gì đến từ hoặc liên quan tới phe kia đều là xấu, bất kể họ có làm điều tốt cho dân tộc hay không.

Vì thế,

1. Thấy ông Đỗ Ngọc Yến ngồi với cán bộ CS trong hình, ta nhận định: Đỗ Ngọc Yến là cộng sản, dù rằng đó chỉ có thể là cuộc gặp mặt ngoại giao, với tư cách nhà báo muốn tìm hiểu đủ chuyện? Ngay cả có việc họp hành với nhau chăng nữa, chưa biết nội dung cuộc họp là gì, chúng ta vẫn kết luận chắc nịch theo hình ảnh. Và vì ông Đỗ Ngọc Yến là sáng lập viên tờ Người Việt - cơ quan ngôn luận lâu đời và uy tín nhất hải ngoại - nên cả tờ báo là cộng sản, mặc dù có thể Đỗ Ngọc Yến đi họp với tư cách cá nhân?


2. Cũng vậy, khi Người Việt đăng hình chậu ngâm chân - được cô con dâu phe cộng sản coi là tác phẩm nghệ thuật để vinh danh mẹ chồng phe quốc gia - sơn những sọc vàng đỏ chạy quanh vành chậu của bà mẹ dùng để săn sóc bàn chân khách hàng, nhiều người coi đó là lá cờ VNCH bị sỉ nhục, đã biểu tình nhiều ngày trước toà soạn Người Việt ở Nam Cali. Đường ranh giữa vinh danh và sỉ nhục quá mong manh, tuỳ thuộc vào cách đánh giá của từng cá nhân. Tuy nhiên, thay vì chất vấn tác giả và tạo điều kiện để mọi người tham gia cuộc chơi dân chủ, nó dễ dàng khiến những người trong cùng hàng ngũ đả phá nhau kịch liệt. Nhìn trên tổng thể, chúng ta đang hô hào CS phải thực thi dân chủ, nhưng lại ép buộc người khác chống độc tài theo lối của tôi. Ai nói khác đi, bị đội cho cái mũ cộng sản! Chúng ta đang chơi trò chơi dân chủ hay độc tài?

3. Khi Việt Weekly - tuần báo ăn khách ở Nam Cali cách đây vài năm - đăng bài báo của cán bộ CS với mục đích thông tin đa chiều để người Việt hải ngoại biết suy tư đảng viên ra sao mà có sách lược hợp lý, Việt weekly trở thành hay tiếp tay cho CS?


4. Một vài buổi hội thảo thuần về văn hóa, ban tổ chức không muốn có và không chào cờ VNCH, liền bị một số người tố cáo là thân cộng. Cứ thấy ai, tổ chức nào hội họp mà không treo cờ VNCH, họ đương nhiên thân hoặc là cộng sản? Có thể họ không thích cộng sản, cũng chẳng theo quốc gia, mà muốn về với dân tộc nơi chốn bao dung chấp nhận mọi khác biệt chính kiến - thì sao?


5. Tháng 7 năm 2003, tại hội chợ Lakefair, quận Thurston thuộc tiểu bang Washington, một đầu bếp đeo tạp dề mua ở chợ Mỹ có in sẵn trên hai túi màu đỏ, giữa in sao vàng, ngoài ra còn có hình ông già Noel cũng đội mũ đỏ sao vàng. Một Uỷ Ban Chống Cờ Việt Cộng được thành lập và tố cáo Hội Cộng Đồng Người Việt quận Thurston là ủng hộ và trưng bày cờ Việt Cộng! Nội vụ cuối cùng phải đem nhau ra toà và tháng 4 năm 2009, toà án Mỹ phán quyết 5 người trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải bồi thường tổng cộng số tiền $300,000.00


6. Ông Nguyễn Hữu Liêm tham dự Hội nghị Việt kiều tại Hà Nội bị chúng ta cho là thân cộng, nhưng ông được nhà nước mời tham dự phiên tòa xử bốn nhân vật chống đối chính quyền, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Sau đó, ông viết bài phê phán những sai trái trong phiên tòa với những hiểu biết về luật pháp của ông. Tên thân Cộng này làm được việc đấy chứ! Đầu mùa hè, ông và một số người cả Mỹ lẫn Việt về VN quan sát vụ Da Cam, đi nhậu với vị quan toà xử nhóm 4 người nói trên, có thêm bạn nhậu là ông Huy Đức, người viết Blog Osin phê phán chế độ. Ai biết trong bữa nhậu ai lôi kéo, tuyên truyền ai? Ông ở vị thế đấu tranh mà nhiều người trong chúng ta không có. Hãy cứ để ông thân cộng mà rất lợi cho đại cuộc như thế.


7. Ông Cao Quang Ánh về VN trên danh nghĩa một dân biểu nước Mỹ, liền bị chúng ta tố cáo làm lợi hay thua mưu CS? Nếu có làm lợi hay thua mưu thì chính phủ Mỹ thua hay làm lợi, phải chống đối chính quyền Obama chứ sao lại quay ra phỉ báng đồng hương, nhất là đồng-hương-dân-biểu-Mỹ, làm suy giảm tiềm lực đấu tranh?


8. Ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng), một nghị viên Hoa Kỳ chuẩn bị về VN lo công vụ cho thành phố Houston. Với tư cách là một dân cử, ông ta không cần thiết phải tham khảo cộng đồng trước khi đi VN, mặc dù ông vẫn tham khảo nhằm làm sáng tỏ mọi góc cạnh là điều tốt để tôi khỏi vấp phải những cạm bẫy khi thi hành công vụ. (trả lời một thính giả trong cuộc hội luận trên Người Việt). Ông có trách nhiệm với cử tri thành phố Houston nói chung, trong đó có những cử tri Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho ông. Trong vai trò nghị viên đi công vụ, nếu ông phản bội cộng đồng và làm lợi cho CS, cử tri của ông phải đấu tranh với thành phố, không phải với ông.


9. Mới nhất, một ủy ban được thành lập ở Nam Cali để cáo buộc các phóng viên, nhà báo đã tổ chức cho Đàm Vĩnh Hưng phát biểu sau khi bị Lý Tống xịt hơi cay là tiếp tay cho cộng sản? Thực thi dân chủ, chúng ta có cho tiếng nói của Đàm Vĩnh Hưng được cất lên, có muốn hiểu tại sao anh ta sang đây hát, hát với mục đích gì, có thi hành nghị quyết 36, hay chỉ muốn bịt mồm như CS đã bịt mồm Linh mục Lý? Hai hành động này khác hay giống nhau?

Nếu cộng sản có thể úm ba la, phút chốc biến một nhân vật từng chống cộng triệt để, một cựu lãnh đạo miền Nam, một đoàn thể văn hóa, một tờ báo uy tín ở hải ngoại thành thân cộng hoặc thành hẳn cộng sản trong thời gian ngắn, thì phải học hỏi kỹ năng chuyển đổi này nơi họ chứ, để mình cũng nhanh chóng chuyển đổi họ từ cộng sản ra dân tộc được không? Nếu không, chúng ta đang thua trong công tác vận động quần chúng, không có khả năng chuyển hoá nhanh chóng tư duy của một người, một tập thể nào đó.

Mỹ hiện đang bắt tay với CSVN ngăn chặn Trung Quốc, chúng ta có coi Hoa Kỳ làm lợi cho cộng sản hay vui mừng vì điều đó? Người dân hay chính phủ Mỹ thân cộng sản thì được, các dân cử Mỹ gốc Việt đi công cán cho nước Mỹ thì không? Hãy khôn khéo vận dụng việc bắt tay này để biến sức mạnh của người thành của ta nhằm áp lực nhà nước VN phải dân chủ hoá chế độ và quay về với toàn dân.

Những ví dụ đại loại như trên cho thấy người Việt hải ngoại cần điều chỉnh tư duy và sách lược đấu tranh chung. Chúng ta phải vận dụng mọi hình thức, phương tiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân với những phương cách ngắn gọn nhất, phù hợp với trào lưu thế giới để dân chủ hoá đất nước. Cuộc đấu tranh ngày nay giống như cơ thể con người, mỗi cơ phận có một nhiệm vụ khác nhau, miễn là cùng thúc đẩy VN dân chủ hoá càng nhanh, càng hiệu quả càng tốt.

Do đó,

Ca sĩ trong nước sang đây hát có nên được khuyến khích không, cho dù họ là văn công cộng sản? Rất nên, nếu họ chỉ ca ngợi tình yêu, văn hóa dân tộc và đóng thuế đầy đủ, tuân thủ luật pháp như chúng ta. Tình yêu và văn hóa hay đẹp rất đáng được xưng tụng, ngay cả từ cửa miệng cán bộ CS. Trước đây, chúng ta há chẳng mong muốn nhà nước cho phép nhạc vàng được phổ biến đấy ư? Khi ra nước ngoài trình diễn, các nghệ sĩ hải ngoại còn có cơ hội giải thích, chiêu hồi họ về với dân tộc để chống lại độc tài đảng trị, tham nhũng thối nát. Với tư cách đứng đắn và hành xử khéo léo, những nghệ sĩ trong nước sẽ có cảm tình và lôi kéo những nghệ sĩ khác ủng hộ cuộc đấu tranh của toàn dân.

Có nên ủng hộ các ca sĩ hải ngoại về nước trình diễn? Cũng rất nên. Tất nhiên họ chỉ được trình bày những nhạc phẩm có tính văn hoá hoặc vô thưởng vô phạt, nhưng ở chỗ riêng tư, lời nói của họ dễ thuyết phục hơn chúng ta. Chỉ cần nói ra sự thật cho bạn bè và cán bộ nghe, giới văn nghệ sĩ sẽ có những đóng góp hữu hiệu.

Biểu tình chống độc tài, tham nhũng, đàn áp nhân dân của các cán bộ CS rất đáng hoan nghênh, nhưng những hành động tương tự của ông Lý Tống xịt hơi cay vào mắt Đàm Vĩnh Hưng không nên được khuyến khích, nhất là sống trong những xã hội tôn trọng luật pháp như Mỹ, Úc, Âu Châu. Nếu báo chí ngoại quốc nhảy vào khai thác, hình ảnh cộng đồng Việt xấu đi, sẽ khó vận động dư luận Mỹ và thế giới ủng hộ. Làm thế nào để biện minh khi phá vỡ trật tự này (vi phạm luật pháp Mỹ) để xây dựng trật tự khác (đòi hỏi CS phải thực thi dân chủ), dù chỉ coi đó là cuộc chiến tự vệ như lời ông Lý Tống phát biểu? Chúng ta không phải CS nên không thể lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, mà phải áp dụng những phương thức dân chủ để dân chủ hoá VN. Nêu lên điều này không nhằm đả phá một ai, nhưng là để chúng ta học hỏi và tìm ra phương cách đấu tranh hữu hiệu và hợp lý nhất.

Ngày nay, nhân dân trong nước đang đòi hỏi chính quyền phải thực thi luật pháp do chính họ đề ra. Quần chúng đã bức xúc đến độ đem cả quan tài tham dự biểu tình. Những nhà đấu tranh dân chủ cũng đòi hỏi nhà nước phải làm theo ý nguyện toàn dân, tức dân chủ hóa chế độ, cho quốc hội được độc lập và hành xử quyền lập pháp, thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất đại biểu toàn dân, hoặc cổ võ việc thống nhất làm một giữa đảng và nhà nước, tránh cho nhân dân phải chịu cảnh một cổ hai ba tròng, lại còn tốn kém ngân quỹ để nuôi báo cô cả hai hệ thống quyền bính này, lệnh lạc nhiều khi tréo cẳng ngỗng, trên bảo dưới không nghe, dễ gây rối loạn xã hội. Họ không kêu gọi những người chống cộng ở hải ngoại về chống đảng và nhà nước theo cách chúng ta chống ở ngoài này dùm họ.

Nguồn: Phusa, Ta Dzu