PDA

View Full Version : Vấn đề Trẻ em bị xâm hại: Trông đợi gì ở Quốc Hội Việt Nam?



duyanh
04-17-2019, 01:18 PM
Vấn đề Trẻ em bị xâm hại: Trông đợi gì ở Quốc Hội Việt Nam?





https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-parliament-will-monitor-crimes-against-children-04172019080357.html/271eac4b-05b1-4394-bd30-d80007984ef8.jpeg/image

Pano giúp người dân nhận thức về Xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội.
AFP


Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn giám sát tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em. Đài RFA tìm hiểu dư luận trông đợi gì ở Quốc Hội thông qua thông tin vừa nêu?

Chương trình giám sát năm 2020

Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn lựa là một trong hai tiêu đề của Chương trình giám sát năm 2020.

Quyết định này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đưa ra trong phiên họp thứ 33, diễn ra vào sáng ngày 16 tháng 4. Phát biểu trong phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng Quốc Hội cần lên tiếng về những vụ việc xâm hại trẻ em cả tinh thần và thể xác đang gây bức xúc trong dư luận. Bà Chủ tịch Quốc Hội đồng thời cũng yêu cầu Quốc Hội lên tiếng về việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, nhìn từ góc độ tư pháp.

Theo ghi nhận của giới chuyên gia tại Việt Nam, các hình thức xâm hại trẻ em phổ biến bao gồm xâm hại (trừng phạt) thân thể, xâm hại tâm lý/tình cảm, xâm hại tình dục, chứng kiến bạo lực gia đình, sao nhãng, buôn bán trẻ em và lao động trẻ em. Trong các hình thức vừa nêu, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và tình trạng trẻ vị thành niên bị bạo hành học đường ở mức báo động trong những năm gần đây.


Hiện tại thì trường chưa thực hiện. Nhưng sau một số vụ việc xảy ra thì tôi bắt đầu tìm hiểu trên các mạng xã hội của nước ngoài và chia sẻ thông tin về các vấn đề đó cho con mình nghe-Phụ huynh

Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc Công ty truyền thông Economist Group, hồi trung tuần tháng 1 năm 2019 công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam xếp thứ 37 trong số 40 quốc gia về chống xâm hại tình dục trẻ em, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.

Trước đó, hồi tháng 3 năm 2017, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc-UNICEF cũng ra thông cáo về tệ trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại Việt Nam xảy ra trên diện rộng và đa số các vụ việc không được báo cáo hoặc không được chính quyền xử lý một cách đầy đủ ngay cả khi đã được báo cáo.

Bộ Công An Việt Nam cho biết trong năm 2018 đã phát hiện hơn 1500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt có đến 425 hiếp dâm trẻ em và 43 vụ trẻ em bị giết hại.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc Hội thông qua với những quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, nhằm bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định nhận thức và các hoạt động liên quan bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Một số vụ việc liên tiếp xảy ra trong những tháng đầu năm 2019 như các vụ học sinh trẻ vị thành niên bị đánh ở Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh hay vụ bé gái bị nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô trong thang máy chung cư Galaxy, quận 4 thành phố Hồ Chí Minh làm dấy lên câu hỏi ai chịu trách nhiệm đối với vấn nạn này?

Đài RFA ghi nhận đa số ý kiến trong dư luận quy trách nhiệm cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, một số nhân viên của ngành giáo dục lên tiếng phân trần rằng trách nhiệm còn thuộc về gia đình và xã hội.

Qua tiếp xúc và tìm hiểu với một vào gia đình ở thành thị và nông thôn, hầu hết các bậc cha mẹ chia sẻ với RFA rằng họ không có nhiều thông tin từ trường học hay từ cơ quan chức năng để biết cách hướng dẫn con em mình tránh bị xâm hại. Một vài người nói rằng họ có xem được một vài chương trình trên truyền hình về thông tin bảo vệ trẻ em, tuy nhiên họ cũng lơ là do không có thời gian để dạy dỗ con cái trong vấn đề này. Một phụ huynh ở Đồng Tháp cho biết:

“Không có quan tâm vì bận đi làm tối ngày và gửi con ở trường mầm non hay chỗ giữ trẻ…Ít có thời gian gần gũi với con. Đi làm từ sáng đến chiều, rước con về nhà, cho ăn uống rồi ngủ chứ đâu có dạy gì mấy chuyện đó.”
Một bà mẹ trẻ ở Sài Gòn lên tiếng:

“Hiện tại thì trường chưa thực hiện. Nhưng sau một số vụ việc xảy ra thì tôi bắt đầu tìm hiểu trên các mạng xã hội của nước ngoài và chia sẻ thông tin về các vấn đề đó cho con mình nghe.”


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-parliament-will-monitor-crimes-against-children-04172019080357.html/09de8d3e-2de4-4af2-ba60-28e58e162329.jpeg/@@images/9459e665-8951-4a73-a5cd-bf3cb04bc1e6.jpeg (https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-parliament-will-monitor-crimes-against-children-04172019080357.html/09de8d3e-2de4-4af2-ba60-28e58e162329.jpeg/@@images/9459e665-8951-4a73-a5cd-bf3cb04bc1e6.jpeg)
Ông Nguyễn Hữu Linh (góc trên bên trái), và hình chụp đoạn trich từ video trong thang máy. Courtesy of Facebook, RFA edit

Liên quan thắc mắc của dư luận rằng Việt Nam có đến 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em, thế nhưng trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức này ở đâu khi tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng trở nên tồi tệ hơn; Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nêu lên nhận định của bà về hoạt động của các cơ quan, tổ chức này:“Theo quan sát của tôi thì thường phản ứng của họ thường khá là chậm vì các bộ máy càng cồng kềnh thì các phản ứng càng chậm chạp hơn. Và có thể nói phần lớn những cán bộ làm việc trong các hiệp hội đó thường vốn là cán bộ nhà nước nghỉ hưu rồi. Họ có tuổi nên cũng chậm chạp hơn. Thêm nữa là cách làm việc của họ không có nhiều đổi mới, không phù hợp với thực tại cuộc sống đang thay đổi. Họ không có những cách làm truyền thông phù hợp và nhanh nhạy để thật sự đáp ứng kịp thời nhu cầu về thôn tin, về kỹ năng của người dân cũng như là trẻ em. Cho nên có thể nói các hoạt động của họ tương đối nghèo nàn, gần như không đến được với dân chúng.”

Phần đông ý kiến của dư luận cho rằng chính quyền chưa thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, do đó gây nên những hậu quả càng tiêu cực hơn. Bà mẹ trẻ ở Sài Gòn phàn nàn cách làm việc của chính quyền địa phương không thấu đáo:

“Trẻ em hay cả người lớn cũng vậy. Họ xâm hại bản thân mình thì mong chính quyền nhanh chóng giải quyết cho. Khi người thân trong gia đình bị xâm hại hay bị mất mát một món đồ gì đó và trình báo, thưa kiện lên phường, với công an thì họ ủm ờ. Đi thưa, đi chầu mệt dữ lắm mà họ chỉ nói từ từ rồi giải quyết. Cái từ từ đó kéo dài mấy năm cũng chưa thấy.”
Giải pháp

Trước sự bức xúc và quan tâm của cộng đồng liên quan các vụ việc xâm hại trẻ em và bạo lực học đường ở tuổi vị thành niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, diễn ra trong ngày 2 tháng 4, yêu cầu xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường để giữ kỷ cương phép nước và cần phải làm rõ trách nhiệm của địa phương về quản lý giáo dục-đào tạo đối với các vi phạm như thế.


Hoạt động giám sát sắp tới của Quốc Hội sẽ giúp cho các Đại biểu Quốc hội nhìn nhận vấn đề rõ hơn, phân tích được các nguyên nhân, tìm hiểu được những khoảng trống ở chỗ nào để mà trên cơ sở đó có thể bổ sung, điều chỉnh các quy định luật pháp và chính sách để thật sự có thể xử lý những vụ việc đấy nghiêm minh hơn nhằm răn đe những hành vi xấu có thể tái phát trong tương lai-TS. Khuất Thu Hồng

Vào ngày 8 tháng 4 vừa qua, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu ngành tư pháp xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cần phải đúng người, đúng tội, đúng luật và áp dụng biện pháp tư pháp, hình phạt nghiêm khắc.

Qua thông tin Quốc Hội sẽ giám sát tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, giới chuyên gia cho rằng họ kỳ vọng sẽ có những giải pháp thiết thực cho vấn nạn trẻ em bị xâm hại tại Việt Nam. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nêu lên quan điểm cá nhân của bà:
“Hoạt động giám sát sắp tới của Quốc Hội sẽ giúp cho các Đại biểu Quốc hội nhìn nhận vấn đề rõ hơn, phân tích được các nguyên nhân, tìm hiểu được những khoảng trống ở chỗ nào để mà trên cơ sở đó có thể bổ sung, điều chỉnh các quy định luật pháp và chính sách để thật sự có thể xử lý những vụ việc đấy nghiêm minh hơn nhằm răn đe những hành vi xấu có thể tái phát trong tương lai.

Ngoài ra, tôi cũng trông đợi Quốc Hội cũng có những giải pháp về việc giáo dục về nhận thức, trang bị kiến thức cho các em cách nhận biết về các vấn đề xâm hại hay về bạo lực học đường, các kỹ năng giải quyết vấn đề…Ví dụ như giải quyết các mâu thuẫn không dẫn đến bạo lực hay nhận biết các hành vi xấu để phòng ngừa, bảo vệ bản thân…Và cũng hy vọng Quốc Hội sẽ có những giải pháp gọi là căn bản hơn như giải pháp cải cách nội dung giáo dục trong trường học chẳng hạn, đưa vào nội dung giáo dục dạy về kỹ năng sống nhiều hơn….Tôi rất hy vọng như thế!”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số tổ chức xã hội dân sự độc lập và tổ chức phi chính phủ cùng với cộng đồng trong những năm vừa qua cũng kêu gọi Chính phủ cùng xã hội có hành động thiết thực giúp bảo vệ và ngăn ngừa vấn nạn trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là bị xâm hại tình dục. Mới đây nhất, rất nhiều tiếng nói trong xã hội đồng loạt kêu gọi khởi tố vụ việc dâm ô bé gái trong thang máy đối với ông Nguyễn Hữu Linh, như là một minh chứng thực tiễn cho quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em Việt Nam.



RFA
17-4-2019