PDA

View Full Version : Đài Loan và giải pháp ‘một nước, hai chế độ’?



duyanh
01-05-2019, 01:30 PM
Đài Loan và giải pháp ‘một nước, hai chế độ’?




https://ichef.bbci.co.uk/news/660/cpsprodpb/A373/production/_105034814_composite.jpg

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thống nhất hoàn toàn đất nước Trung Quốc là nhiệm vụ lịch sử, còn Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phản đối
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/1 nói bà hy vọng mọi đảng phái ở Đài Loan sẽ công khai bác bỏ giải pháp "một quốc gia, hai chế độ" mà Trung Quốc đề nghị cho Đài Loan.

Đây là phản ứng mới nhất của bà Thái sau diễn văn hôm 2/1 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó, ông Tập nhấn mạnh phải thống nhất Đài Loan và Trung Quốc.

Bà Thái có buổi gặp 47 phóng viên nước ngoài hôm 5/1.

Bà nói mọi đối thoại giữa hai phía phải diễn ra giữa chính phủ của Trung Quốc và Đài Loan.

Khi được hỏi chính phủ của bà sẽ nói chuyện với Bắc Kinh không, bà nói không phản đối đối thoại nhưng Bắc Kinh phải "đi về dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực với chúng tôi".

Từ đầu năm 2019, dư luận ở Đài Loan và Hong Kong tranh luận về thông điệp "Một quốc gia, hai chế độ" mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tới Đài Loan.

Vào hôm 2/1, ông Tập có bài phát biểu về Đài Loan, mang nhan đề "Cùng phấn đấu vì thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, thúc đẩy hoà bình thống nhất đất nước".

Trong bài, ông Tập đề xuất 5 chủ trương chính sách, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; tìm kiếm phương án Đài Loan "một nước hai chế độ", làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình.

Theo báo chí Trung Quốc, trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nói phương án Đài Loan theo "Một quốc gia, hai chế độ" sẽ khác với mô hình Hong Kong và Macau, "sẽ chiếu cố đầy đủ đến phúc lợi của nhân dân hai bờ, trong tiền đề đảm bảo chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, vị thế, chế độ xã hội, phương thức sống, lợi ích của Đài Loan đều sẽ được tôn trọng và đảm bảo đầy đủ, và sẽ ban hành chế độ liên quan".

Phản ứng diễn văn này, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố: "Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận cơ sở một nước hai chế độ."

Trang tin Đài Loan Taiwan News hôm 3/1 dẫn lại khảo sát năm 2018 của Đại học Quốc lập Chính trị của Đài Loan. Theo đó, chỉ có 3% dân Đài Loan muốn thống nhất ngay, và chỉ có 12,5% muốn sau này thống nhất.

Diễn văn ngày 2/1 của Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: "Tiền đồ của Đài Loan là ở thống nhất đất nước, phúc lợi của đồng bào Đài Loan gắn liền với phục hưng dân tộc; vấn đề Đài Loan phát sinh bởi dân tộc yếu và chiến tranh loạn lạc, tất sẽ kết thúc cùng với sự phục hưng dân tộc."

Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 2/1 đăng xã luận nói: "Bất chấp tranh luận ở Hong Kong về một nước hai chế độ, đó vẫn là giải pháp tốt nhất cho Đài Loan. Giải pháp khác thì xấu cho tất cả."

Còn trong mục bình luận của báo này, hôm 4/1, cây bút Alex Lo nói có nhiều lý do để 'một nước hai chế độ' sẽ thành công ở Đài Loan.

Alex Lo viết: "Quan hệ của Bắc Kinh với Đài Loan sau thống nhất có lẽ sẽ giống như Brussels với một nước thành viên EU, hơn là giữa Bắc Kinh với Hong Kong và Macau sau khi chuyển giao."

"Đài Loan, tóm lại, có vị trí tốt hơn hơn Hong Kong để 'một nước hai chế độ' thành công."


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/13F6E/production/_89747718_74da61c7-0305-4997-bfb7-957576557416.jpg

Ít người ở Đài Loan nói họ ủng hộ thống nhất với đại lục

'Đồng thuận 1992'?

Trang tin Đài Loan Taiwan News sang ngày 4/1 dẫn lại khảo sát qua phone của Hiệp hội Chính sách Lưỡng ngạn, thực hiện hôm 27/12, nói rằng 84,1% người Đài Loan được hỏi đã không chấp nhận cái gọi là "đồng thuận 1992" về "nguyên tắc một Trung Quốc".

"Đồng thuận 1992" là một thuật ngữ của một chính khách Quốc dân đảng, Su Chi, đưa ra năm 2000 về một cuộc gặp năm 1992 giữa hai tổ chức của Bắc Kinh và Đài Loan.

Các bên có cách hiểu khác nhau về chữ này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng cùng nói cả Đại lục và Đài Loan cùng thuộc về "một Trung Quốc".

Nhưng Bắc Kinh nói đảng cộng sản là đại diện chính thống của Trung Quốc, trong khi Quốc dân đảng nói Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) là đại diện chính thống.

Trong khi đó, đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn thì nói Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia riêng biệt.

Bắc Kinh đã nói rằng bất kỳ nhóm nào muốn có đối thoại chính thức với Bắc Kinh thì phải công nhận 'đồng thuận 1992'.

Khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống năm 2016, bà từ chối công nhận "đồng thuận 1992".

Kể từ đó, Trung Quốc gia tăng sức ép ngoại giao để loại Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế, và quan hệ giữa hai phía đã đóng băng.

Chủ tịch Quốc dân đảng Ngô Đôn Nghĩa ngày 4/1 lên tiếng giải thích về chữ 'đồng thuận 1992'.

Theo trang Focus Taiwan, ông Ngô nói Quốc dân đảng xem 'đồng thuận 1992' nghĩa là cả hai phía đều tự do diễn giải 'một Trung Quốc' là gì.

Ông Ngô cũng bác bỏ ý của ông Tập Cận Bình rằng 'một nước hai chế độ' là nội dung trong 'đồng thuận 1992'.

"Tự do diễn giải 'một Trung Quốc' chính là đồng thuận 1992," ông Ngô tuyên bố hôm 4/1.

Cựu thị trưởng Đài Bắc Eric Chu của Quốc dân đảng cũng khẳng định 'đồng thuận 1992' và 'một nước hai chế độ' là hai chuyện khác hẳn nhau.

"Trung Hoa Dân Quốc luôn trung thành con đường dân chủ và tự do và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai," ông Chu nói.


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/4A1C/production/_105027981_86c90d93-d3b5-4da4-b2a3-2f9ea801fc18.jpg

Bắc Kinh xem Đài Loan là tỉnh phản loạn



BBC
5-1-2019