PDA

View Full Version : Ukraine có bị Nga đánh sau vụ đoạt tàu ở Biển Azov?



duyanh
11-27-2018, 02:01 PM
Ukraine có bị Nga đánh sau vụ đoạt tàu ở Biển Azov?



Sự kiện va chạm tại Eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine xảy ra không tình cờ mà vào thời điểm khá nhạy cảm.


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/12925/production/_104496067_0988cc22-9ddc-4ea0-8f99-0a3963f51269.jpg

Sự kiện Biển Azov hôm 25/11 sẽ còn đẩy căng thẳng Moscow -Kiev lên cao


Nga "ra tay" bắt ba tàu hải quân của nước láng giềng Ukraine đúng lúc EU và Anh lo ký kết Brexit, khối Nato vừa tập trận xong ở Bắc Âu và đã rút quân về.

Kế hoạch của Ukraine tăng cường cho căn cứ hải quân bên Biển Azov vào Giáng Sinh năm nay đã bị Nga phá tan.

Ukraine sắp có cuộc bầu cử vào mùa xuân 2019 và Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko đang mất điểm.

Ta hãy xem kỹ chi tiết dẫn đến Khủng hoảng Biển Azov.

Năm 2003, khi Moscow và Kiev còn chưa thù địch, hai bên đã thỏa thuận Biển Azov là có vùng chia sẻ chủ quyền (shared sovereignty).

Có diện tích 39 nghìn km2, chỉ nối ra Biển Đen bằng eo Kerch, Biển Azov thực ra chẳng có ý nghĩa chiến lược gì với Ukraine cho đến năm 2014.

Chỉ sau khi Nga sáp nhập Crimea bằng vũ lực, vùng này trở nên quan trọng với Ukraine vì hai cảng của họ, Mariupol và Berdyansk nằm ở đây.


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/1581A/production/_104509088_gettyimages-1065130616-594x594.jpg

Nga cho một tàu container chắn lối qua eo biển Kerch vào Biển Azov

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/152A2/production/_104509668__104495066_ukraine_crimea_russia_v3_640-nc.png

Bản đồ Biển Azov và Biển Đen

Ukraine còn cảng Odessa nhưng đường ra Biển Đen từ đây bị quân cảng Sebastopol ở Crimea của Nga án ngữ.

Tháng 5 năm nay, Nga xây xong cây cầu trị giá trên 3 tỷ USD, nối vùng đất liền của Nga về phía Đông với Crimea về phía Tây.

Với gầm cầu cao 30 mét, quá thấp cho tàu lớn của Ukraine qua lại phía dưới, công trình này trên thực tế đã khóa lại lối nhỏ vào Biển Azov của Ukraine.

Nhiều tháng qua, Nga hoặc để một tàu container chặn lối, hoặc cho lực lượng an ninh liên bang (FSB) xét giấy tờ các tàu Ukraine qua lối này, theo tờ Moscow Times.

Kiev sợ Moscow lập lại phương án Donbas: lấn dần từng bước, tạo sự đã rồi, biến không thành có - lần này là cuộc chiến trên biển - nên cố tăng cường hải quân.

Nhưng với một chính phủ còn rất yếu về kinh tế, tham nhũng nặng, hiệu năng quản lý kém và bất ổn nội bộ nhiều, Ukraine đang ở vào bị thế bị động.

Mất cân bằng lực lượng quá nghiêm trọng

Cuộc chiến từ 2014 trên bộ ở cả một vùng miền Đông của Ukraine cũng làm chảy máu nước này ghê gớm.

Về hải quân, tương quan lực lượng nghiêng về phía Nga quá rõ.

Trang Kiev Post của Ukraine điểm ra rằng sau khi Liên Xô tan rã, Nga giữ quân cảng Sevastopol và ngày càng tăng cường quân bị.

Còn Ukraine sau khi mất Crimea chỉ còn vỏn vẹn 2 tàu chiến loại nhỏ, chiếc Hetman Sahaydachniy và chiếc Vinnytsia.

Thêm vào đó là dăm bảy chiếc thuyền có gắn đại liên, 20 chiếc xà lan chở quân, ba xe bọc thép đổ bộ, một tàu gỡ mìn.

Sau vụ việc ngày 25/11/2018, Ukraine bị Nga tước mất luôn ba chiếc tàu (thực tế là thuyền có vũ trang, không phải chiến hạm).

Ukraine không có nổi một tàu khu trục, không có tàu ngầm và trực thăng hỗ trợ hải quân.

Còn về phía Nga, tuy các tài liệu của họ không tiết lộ nhiều nhưng phía Ukraine tin rằng Moscow đang duy trì 120 tàu và chiến thuyền các loại và ít nhất 500 phi cơ trong khu vực Biển Đen và Biển Azov.

Riêng số trực thăng vũ trang của Nga ở đây lên tới 340 chiếc.

Điều quan trọng hơn là Nga đã điều về các phi công có nhiều giờ bay tại cuộc chiến Syria.

Câu hỏi nay không phải là nếu Nga muốn đánh Ukraine trên biển thì ai thắng, mà là ông Putin có thực sự muốn thêm một chiến thắng sau khi đoạt được Crimea.

Nhà bình luận Leonid Bershidsky từ Moscow thì tin rằng câu trả lời là 'Không'.

Ông mới viết cho Bloomberg rằng sẽ không có thêm một cuộc chiến toàn bộ Nga - Ukraine.


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/2382/production/_104509090_gettyimages-1065476616-594x594.jpg

Thủy thủ Sergei Tsybizov từ thuyền vũ trang Nikopol của Ukraine bị đặc vụ Nga bắt tại Eo biển Kerch và đem về giam ở Crimea. Hình từ video do phía Nga chiếu trên truyền hình.

Nhưng ông Vladimir Putin muốn làm chủ sự căng thẳng để kéo sự chú ý của dư luận Nga khỏi các vấn đề kinh tế nội bộ.

Và có vẻ giống như Trung Quốc làm ở Biển Đông, Nga sẽ dần dần biến cả Biển Azov thành vùng nội thủy của họ.

Các thành phố, khu vực dân cư Ukraine bên trong vùng này sẽ coi như bị bao vây vĩnh viễn, chỉ có thể ra vào nhờ 'lòng thương' của Nga.

Thế giới lại có thêm một bài học về chuyện "cùng quản trị, cùng khai thác" biển đảo.

Hoa Kỳ và Nato, gồm cả Anh Quốc phản đối sự kiện Eo biển Kerch 25/11 và yêu cầu Nga để lưu thông hàng hải vào Azov như cũ.

Nhưng các nước bên ngoài sẽ không chiến đấu vì Biển Azov.

Điều họ có quyền làm là tuần tra Biển Đen, như tàu HMS Duncan của Anh tới gần Crimea tuần này.

Chiếc khu trục hạm của Anh ngay lập tức bị 17 chiến đấu cơ Nga bay sát, quần đảo ngay trên đầu "như đàn ong" (swarm over) hôm 26/11.

Một phi công Nga còn gửi tín hiệu 'Good Luck' đến thủy thủ đoàn Anh Quốc, rồi bay đi.

Cuộc chơi của Nga từ lâu nay có hai mục tiêu.

Một là để mở rộng vùng ảnh hưởng và kiểm soát quanh biên giới của họ và làm suy yếu láng giềng.

Hai là thách thức các đại cường bên ngoài chứ không phải để đánh chiếm Ukraine.

Tuy thế, Leonid Bershidsky tin rằng không thể loại trừ các vụ va chạm nhỏ Nga - Ukraine.

Chỉ thân Phương Tây thôi không đủ


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/71A2/production/_104509092_gettyimages-1065541236.jpg

Thanh niên Ba Lan đem hình thuyền hòa bình ra đặt ngoài Sứ quán Nga tại Warsaw hôm 26/11 để phản đối sự kiện Biển Azov. Ba Lan là nước EU ủng hộ Kiev nhiều trong cuộc đối đầu với Nga

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/BFC2/production/_104509094_gettyimages-1065349612-594x594.jpg

Thanh thiếu niên cực hữu ở Ukraine biểu tình chống Nga tại Kiev hôm 26/11

Hiện có chỉ trích rằng tổng thống Petro Poroshenko ra thiết quân luật là nhằm trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 3/2019 vì cơ hội của ông không cao.

Một điều tra dư luận tháng 4/2018 cho thấy tổng thống đương nhiệm chỉ còn có 9% ủng hộ.

Có thể cũng vì thế, Quốc hội Ukraine chỉ cho ông Poroshenko được duy trì thiết quân luật ở tám trong 24 khu vực hành chính (oblast), trong 30 ngày, thay vì 6 tháng như ông muốn.

Về cơ bản, từ sau khi thắng cử năm 2014, Poroshenko đưa ra chính sách ba phần:

Phục hồi chủ quyền lãnh thổ

Tạo bản sắc Ukraine gần châu Âu, tách xa Nga, cả về ngôn ngữ và tôn giáo (xem bài Chính thống giáo chia rẽ)
Cải cách kinh tế theo mô hình thị trường tự do

Hoa Kỳ và EU, nhất là Ba Lan, đã ủng hộ Poroshenko rất nhiều.

Công dân Ukraine nay được sang EU lao động dài ngày, các khoản viện trợ, đầu tư cũng đổ vào.

Nhưng xã hội Ukraine vẫn chưa thoát ra hoàn toàn khỏi di sản Liên Xô, với tham nhũng cao, dịch vụ xã hội kém, cải cách chậm.

Ukraine theo các giá trị EU nhưng kinh tế thấp nhất châu Âu với thu nhập bình quân đầu người chừng 2700 USD/năm, bằng một nửa Belarus, và 1/3 của Nga.

Và dù đề cao các giá trị châu Âu, chính trị và truyền thông Ukraine lại thường bị các nhóm cực hữu, thậm chí tân phát-xít tác động.

Kinh tế Ukraine vẫn chịu ảnh hưởng của các đại gia như Rinat Akhmetov, Yuriy Boyko, Victor Pinchuk.

Đây cũng là môi trường xuất thân của Poroshenko và bà Yulia Tymoshenko, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tới.

Từ yếu kém về kinh tế dẫn đến chỗ quân sự của Ukraine cũng bết bát trên bộ ở vùng Donbas và không đủ lực để kịp hiện đại hóa hải quân.

Xu thế thân Phương Tây không thôi có vẻ như chưa đủ để giúp Kiev tăng cường nội lực mấy năm qua.

Và ông Putin với tầm nhìn dài hơi hơn đã thấy điều này để có kế hoạch từng bước siết lại vòng vây và ra tay đúng lúc.

Trước mắt, người ta chờ xem ông Putin sẽ ứng xử thế nào tại G20 ở Argentina và thái độ của ông Trump với "bạn cũ Putin" ra sao.

Nhưng điều chắc chắn là căng thẳng Ukraine - Nga vì vậy sẽ không giảm đi mà còn có thể tăng lên.

Nguy cơ va chạm nhỏ trên biển rất dễ bùng phát thành chiến tranh trong năm 2019, kể cả khi hai bên không muốn.





Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com