PDA

View Full Version : Tranh cãi gay gắt về quyết định hủy trừng phạt Nga vì doping



duyanh
09-23-2018, 02:10 PM
Tranh cãi gay gắt về quyết định hủy trừng phạt Nga vì doping


Một bước quan trọng cho phép Nga trở lại các định chế thể thao quốc tế vừa được thực hiện. Ngày thứ Năm, 20/09/2018, Cơ Quan Chống Doping Thế Giới (WADA) đã quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga ban hành năm 2015 sau những tiết lộ về một hệ thống doping cấp Nhà nước.


http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_large_600_338/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/2018-09-20t133634z_1422349804_rc11f1657a50_rtrmadp_3_sport-doping-russia.jpg

Quyết định đã được Matxcơva rất hoan ngênh, nhưng lại làm dấy lên nhiều lời chỉ trích gay gắt từ giới thể thao, cho rằng chính quyền Nga làm chưa đủ để được xóa tội doping.
Nhân cuộc họp tại Seychelles, ban chấp hành của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới đã biểu quyết thông qua việc phục hồi tư cách thành viên của RUSADA, Cơ Quan Chống Doping Nga, xóa bỏ lệnh cấm hoạt động ban hành từ tháng 11/2015 sau khi bê bối doping tại Nga được chính phủ bảo trợ bị một báo cáo điều tra của WADA vạch trần.

Hệ quả của án phạt RUSADA là rất nhiều vận động viên Nga, đặc biệt là điền kinh, trong thời gian qua, đã bị cấm thi đấu trên trường quốc tế. Nổi bật nhất là vụ Nga bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế cấm thi đấu tại Thế Vận Hội mùa đông 2018, tổ chức tại Pyeongchang (Hàn Quốc) hồi tháng 2 vừa qua. Các vận động viên Nga được xét là « sạch » đã được quyền tranh tài, nhưng dưới màu cờ Thế Vận!

Theo chủ tịch WADA Craig Reedie, đai đa số ủy viên ban chấp hành đã quyết định khôi phục hoạt động của RUSADA nhưng kèm theo một số điều kiện nghiêm ngặt. Cũng theo nhân vật này, quyết định bao gồm một thời gian biểu cụ thể để các chuyên gia của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới tiếp cận với dữ liệu và mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm của RUSADA, một lịch trình mà cơ quan Nga đã cam kết tôn trọng. Ông Craig Reedie cảnh cáo: Nếu Nga không tuân thủ thời gian biểu đã ấn định, WADA sẽ tái lập trừng phạt.

Quyết định của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới sẽ mở đường cho vận động viên Nga sớm trở lại thi đấu trong các giải thể thao quốc tế lớn. Liên Đoàn Điền Kinh Thế Giới (IAAF) chẳng hạn, sẽ có cuộc họp vào tháng 12 tới đây tại Monaco để xem xét việc có cho phép các vận động viên Nga trở lại thi đấu hay không.

Nga được thi đấu trở lại, nhưng hình ảnh doping khó rửa

Quyết định của WADA dĩ nhiên đã được Matxcơva hoan hỉ đón nhận, cho rằng một trang sử đen tối đối với Nga đã được đóng lại. Tuy nhiên, theo thông tín viên Daniel Vallot tại Matxcơva, nền thể thao Nga còn phải rất khó khăn để khôi phục lại uy tín đã bị tai tiếng doping làm hoen ố:

Đối với chính quyền Nga, quyết định của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới là kết quả của công việc được thực hiện trong những năm gần đây trong cuộc chiến chống tệ nạn doping tại Nga.

Ông Yuri Ganous, lãnh đạo RUSADA, cơ quan chống doping của Nga khẳng định: « Chúng tôi đã bắt đầu lật qua trang sử đen tối đó của nền thể thao Nga và Liên Xô » Chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Nga cũng đưa ra phát biểu tương tự: « Thời kỳ vẩn đục giữa Nga và cộng đồng thể thao quốc tế đã kết thúc ».

Đối với Mátxcơva, trên thực tế, quyết định của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới là một bước quan trọng hướng tới việc tái lập các hoạt động bình thường. Nhưng đó mới chỉ là một bước, vì Cơ Quan Chống Doping Thế Giới có quyền đình chỉ Nga một lần nữa.

Tuy nhiên, ngay cả khi quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được thực hiện ba năm trước đây chỉ mang tính chất tạm thời, Cơ Quan Chống Doping Thế Giới có thể ra các quyết định khác thuận lợi cho Nga tại các cơ chế thể thao khác: bắt đầu với việc Nga trở lại Ủy Ban Thế Vận dành cho người khuyết tật (Paralympic) và Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế.

Cuộc chiến để tô bóng lại hình ảnh của Nga tuy nhiên vẫn sẽ còn gay go, nếu căn cứ vào hàng loạt những phản ứng bất bình trong các giới thể thao sau quyết định về Nga của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới.

Theo AFP, ngay sau khi Cơ Quan Chống Doping Thế Giới biểu quyết thông qua việc dỡ bỏ trừng phạt RUSADA, phó chủ tịch cơ quan này là bà Linda Helleland đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng quyết định đã « phủ bóng tối trên uy tín » của định chế.

Phản ứng bất bình từ giới vận động viên

Theo bà Helleland – người từng công khai tiết lộ việc bà bỏ phiếu chống lại đề nghị dỡ bỏ án phạt RUSADA, thì cơ quan chống doping của thế giới « đã thất bại trong việc bảo vệ sự công bằng cho các vận động viên sạch của thế giới ».

Cùng quan điểm với bà Helleland là ông Travis Tygart, giám đốc điều hành của Cơ Quan Chống Doping Hoa Kỳ. Trên đài RFI, ông gọi quyết định xóa án cho RUSADA là một đòn hủy diệt đánh vào các vận động viên sạch của thế giới:

« Đó là một vố đau đánh vào các vận động viên trong sạch và tất cả những ai bảo vệ tính chất fair-play công minh trong thể thao ở khắp nơi trên thế giới.

Đặc biệt, đây là một vố đau cho Cơ Quan Chống Doping Thế Giới, và tính khả tín của định chế này.

Giờ đây, chúng ta phải tiến thêm về phía trước và thúc đẩy cải tổ, hoặc là thành lập hẳn một cơ chế mới, hoặc thay thế giàn lãnh đạo hiện thời hay cách thức điều hành của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới.

Chúng ta phải làm sao bảo đảm cho được là cơ quan giám sát việc doping đóng đúng vai trò của mình, và đừng quay lưng lại với các vận động viên trong sạch ».

Mátxcơva bị cho là vẫn ngoan cố

Đối với nhiều quan sát viên, quyết định của WADA khôi phục tư cách của cơ quan chống doping Nga là một hành động quá nóng vội. Ngày 20/09 vừa qua, thông tín viên nhật báo Pháp Le Figaro tại Matxcơva, đã nhấn mạnh đến hai yếu tố bị cho là thiếu chân thành của Nga trong việc sửa sai sau khi vụ doping cấp Nhà nước bị phanh phui, dẫn đến tình trạng thể thao Nga bị cấm thi đấu trên trường quốc tế:

« Nga đã bị loại khỏi các cuộc thi thể thao lớn sau khi bản báo cáo Mc Laren được công bố, tố cáo sự tồn tại của “một hệ thống gian lận được nhà chức trách Nga tổ chức, đặc biệt là tại Thế Vận Hội Sotchi (2014). Trong số các điều kiện cho việc khôi phục cơ quan phòng chống doping Nga RUSADA có yêu cầu là Matxcơva phải công nhận các kết luận của báo cáo McLaren.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, giới chức hữu trách Nga đã liên tiếp có những tuyên bố mâu thuẫn, chưa từng thừa nhận rằng Bộ Thể Thao thời đó do ông Vitaly Mutko, (một người thân tín của tổng thống Nga Putin) lãnh đạo, với sự giúp đỡ của cơ quan an ninh FSB, đã tổ chức và giám sát hệ thống doping của Nga.

Một điểm mập mờ khác liên quan đến lời hứa cung cấp cho Cơ Quan Chống Doping Thế Giới các dữ liệu từ phòng thí nghiệm ở Matxcơva. Đài truyền hình Nhà nước Vesti nhắc lại rằng Ủy Ban Điều Tra Nga – một cơ quan tư pháp trực thuộc điện Kremlin – đã bắt đầu nghiên cứu các mẫu xét nghiệm trong khuôn khổ cuộc điều tra riêng của họ, và do đó khó có thể bàn giao các bằng chứng đó cho các cơ quan chống doping. Theo đài này thì mong muốn lấy mẫu từ phòng thí nghiệm Nga của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới đi ngược lại luật hình sự của nước Nga.

Như vậy có thể nói là Matxcơva vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sai lầm của mình trong vụ bị cáo buộc doping cấp Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là vì sao Cơ Quan Chống Doping Thế Giới lại phải mau mắn xóa tội cho Nga để mở đường cho thể thao nước này trở lại trường đấu quốc tế?

Trọng lượng thể thao của Nga là nguyên do khiến WADA hòa dịu

Trên vấn đề này, trả lời RFI, ông Jean Baptiste Guégan, chuyên gia về địa chính trị thể thao, tác giả quyển: « Điều tra bóng đá: mặt khuất của bóng đá tại Nga » nêu bật trọng lượng và sự đóng góp đáng kể của nền thể thao Nga trên thế giới, khiến cho giới lãnh đạo thể thao quốc tế không thể để cho Nga phải vắng bóng lâu.

« Quyết định xóa bỏ việc trừng phạt Nga nằm trong một tiến trình đàm phán. Ý tưởng chủ đạo là thể thao thế giới thấy rằng không thể thiếu vắng một nước như Nga, vừa là một cường quốc thể thao, vừa có thể có đóng góp đáng kể cho thể thao thế giới.

Nguyên do thứ hai là Nga đã có cố gắng sửa sai sau khi vụ việc bị phơi bày. Họ đã thừa nhận là thể thao của họ « có vấn đề », một cách để nói rằng « Đúng là chúng tôi có vấn đề và chúng tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó ». Do đó, việc WADA thương thuyết với Nga về khả năng tiếp nhận Nga trở lại là hệ quả đương nhiên.»

Về những lời đả kích quyết định của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới, cho rằng định chế quốc tế đã phục hồi nền thể thao Nga khi mà những cố gắng của Matxcơva chưa thỏa đáng, chuyên gia Guégan cho là hai bên WADA và Nga mới ở vào bước đầu của một tiến trình thương thuyết.

«Hai bên vẫn đang đàm phán về một giai đoạn chuyển tiếp khả dĩ được mọi người chấp nhận, cho phép nền thể thao Nga hội nhập trở lại vào thế giới. Phía Nga thì tìm cách đẩy lùi tối đa ngày mà họ phải mở cửa hoàn toàn phòng xét nghiệm doping của họ; chắc chắn họ phải mở, không hoàn toàn, nhưng họ sẽ mở. Lợi ích của Nga là trở lại dưới mái nhà thể thao quốc tế mà không phải cúi đầu.

Tóm lại, chúng ta đang ở giữa một tiến trình thương thuyết quốc tế, với Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế giới ở tâm điểm và bị nhiều sức ép, từ các vân động viên, không muốn Nga trở lại khi chưa hoàn toàn sạch sẽ, từ phía các chính phủ, lại muốn Nga trở lại mau mau, và từ Nga đang lợi dụng tình trạng nhốn nháo đó.

Phải thấy là ban chấp hành của WADAcó một nửa thành viên là quan chức các chính phủ, phần còn lại đại diện giới thể thao. Điều đó giải thích tại sao có hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong định chế, liên quan đến quyết định về Nga.»

Theo ông Guégan, các lo lắng của giới vận động viên về thái độ miễn cưỡng của Matxcơva trong việc công nhận là họ có doping trên quy mô Nhà nước, hoàn toàn có cơ sở, nhưng đối với một định chế như WADA, cần phải mở ra một thời kỳ chuyển tiếp để Nga hội nhập trở lại vào nền thể thao quốc tế:

« Nếu ta cho Nga hội nhập trở lại hoàn toàn vào nền thể thao thế giới ngay vào lúc này, mà không đảm bảo được rằng họ đã làm hết sức để các vận động viên của họ sạch sẽ, để phòng xét nghiệm doping của họ đáng tin cậy hơn, tức là để cho nền thể thao Nga không còn tỳ vết, thì việc thu nhận họ quả là điều không nên làm.

Nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần là đạo đức, là thể thao, mà còn là điều có thể gọi là ngoại giao thể thao. Cơ Quan Chống Doping Thế giới đang có một cái nhìn thực tiễn, cho rằng Nga không thể nào hội nhập trở lại vào nền thể thao quốc tế nếu không trải qua một giai đoạn chuyển tiếp, và đó là điều đang được đàm phán giữa WADA và Nga.

Matxcơva sẽ từng bước được thu nhận trở lại vào nền thể thao thế giới, cho đến khi hội nhập hoàn toàn. Việc khôi phục cơ quan chống doping Nga RUSADA là bước đầu tiên của tiến trình hội nhập nền thể thao Nga, vì sẽ mở đường cho việc hủy bỏ lệnh đình chỉ các liên đoàn thể thao của từng bộ môn khác nhau tại Nga.

Một điểm nữa là Nga phải có một cố gắng tối hậu như quốc tế yêu cầu: Đó là chính thức thừa nhận đã có những hành vi gian lận bằng doping, điều mà cho đến nay họ chỉ mới công nhận một cách mặc nhiên mà thôi. Đồng thời, Nga cũng phải cho quốc tế tiếp cận các dữ liệu của RUSADA một cách toàn diện, và đây là một vấn đề khá phức tạp.»

Tóm lại, dù bước đầu được khôi phục, nhưng thể thao Nga vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của quốc tế.

Theo RFI