PDA

View Full Version : Về Công nghệ giáo dục: càng chửi, lợi ích nhóm càng hưởng lợi? *



duyanh
09-09-2018, 11:50 AM
Về Công nghệ giáo dục: càng chửi, lợi ích nhóm càng hưởng lợi? *




https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2018/09/sffg.jpg

Say mê chửi

‘Chửi’ là hình thức phổ biến nhất được thấy trong mạng xã hội, nhất là đối với hệ thống nhận tiếng bằng hình tam giác, vuông, tròn của GS Hồ Ngọc Đại.

‘Chửi’ là sự bất mãn với một vấn đề, nhưng nó cũng chỉ ra sự ‘bất lực’ về mặt lý luận với vấn đề đó. Không khó để nhận ra, việc chửi chỉ gắn liền với những từ ngữ thô lỗ và xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Và khi ‘chửi’ thì đồng thời sự tôn trọng, phản biện dường như biến mất
.
Người viết đồng ý với Facebooker Phan Thanh Thanh Chúc rằng, chị thấy đáng sợ những người ngồi chửi giáo sư Đại. Bởi ở đó nó lấp lửng một chút gì đó thiếu hiểu biết, một chút gì đó lười, và một chút gì đó bảo thủ.

Một đứa trẻ vào lớp 1 làm được, tại sao người lớn không làm được việc nhận diện tiếng qua hình?

Một đứa trẻ vào lớp 1 chưa biết khai niệm trừu tượng chữ nghĩa, tại sao cứ bắt các em nhận diện rõ ràng mặt chữ.

Một đứa trẻ tại sao cứ phải là ‘Bờ, bờ a ba’ trong khi một phương thức tiếp cận khác giúp các em hiểu nhanh hơn?.

Và đến khi nào, những người đang say mê ‘chửi’ mới nhận ra rằng: Phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại không làm ảnh hưởng đến việc học sinh biết chữ và nhận mặt chữ, mà nó giúp trẻ định hình được tư duy ngay từ bé.

Và đến khi nào, những người đang say mê ‘chửi’ mới nhận ra rằng: sáng kiến của PGS Bùi Hiền – người đòi cải cách chữ viết tiếng Việt, khác với phương pháp dạy trẻ học về âm rồi mới bắt đầu ghép vào chữ cái để đọc của GS Hồ Ngọc Đại?

Rõ ràng, điều cản trở sự phát triển tư duy đa chiều ở Việt Nam chính là ‘chửi’, là sự độc tôn phương thức đánh tiếng truyền thống và coi đó là một chân lý vĩnh cửu. Một khi chúng ta chưa tôn trọng sự khác biệt, chúng ta có đủ điều kiện và phẩm chất để chạm vào cái gọi là ‘dân trí cao’.?

Người viết không sợ hay ngại những phản biện thẳng thắn và quyết liệt đối với cách đánh tiếng của GS Hồ Ngọc Đại, đặc biệt càng trân trọng những phương thức phản biện như của GS Nguyễn Văn Lợi (nguyên Phó Viện trưởng, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) trên báo Lao Động, hoặc một phần bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tuấn trên VNTB. Nhưng cả hai trường hợp này đều là phản biện ngôn ngữ ôn hòa và có dẫn chứng, chứ nó không phải là sự ‘chửi bới, lăng mạ’ kéo dài như thời gian qua.

Chửi và tự biến mình thành chiến binh bảo vệ lợi ích nhóm?

Vấn đề của đám đông ‘chửi’ là chúng ta bị dắt mũi bởi một hệ thức ‘1 con số 7 và 13 con số 0’. Con số này do GS Hồ Ngọc Đại đưa ra, và nếu viết tròn trịa thì đó là con số thuộc Đề án cải cách giáo dục trị giá 70,000,000,000,000 (bảy mươi nghìn tỷ đồng) do Bộ GD&ĐT chủ trì. Và có vẻ một số tiền khá lớn chi cho SGK.

Vấn đề của GS Hồ Ngọc Đại nổi lên khi Bộ GD&ĐT Việt Nam cho ra đời Bộ sách giáo khoa mới, và đồng thời yêu cầu các trường không được phép đăng ký chuyển đổi chương trình dạy sang Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Tại vì sao? Vì SGK là nguồn lợi nhuận khổng lồ, tức càng cải cách thì nguồn lợi càng lớn.

Nói thêm về vụ cải cách giáo dục, bao năm qua chúng ta nhận thấy Bộ GD&ĐT đã làm được những gì từ các đề án khác nhau liên quan cải cách? Không gì cả, ngoài hàng tỷ đồng thu lợi được liên quan trực tiếp đến độc quyền in sách. Chẳng phải ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng lên tiếng về đề án 70 nghìn tỷ đồng, và khi vấp sự phản ứng của dư luận thì con số đó mau chóng rớt xuống còn 962 tỷ đồng? Nói chính xác, cải cách giáo dục là một kho kim cương mà Bộ GD&ĐT luôn tìm cách đào, bòn rút đồng tiền từ xương máu nhân dân – nhân danh cái gọi là giáo dục.

GS Hồ Ngọc Đại vô tình rơi vào thế bẫy của Bộ GD&ĐT, và ông đã lên tiếng thẳng khi đề cập dãy số 7 và 13 nêu trên, ý chỉ là bên Bộ GD&ĐT tìm cách lợi dụng đầu sách của ông để chia tiền. Thế nhưng, khi báo Giáo dục phản ánh thì lại quy về việc GS Hồ Ngọc Đại thừa nhận chương trình mới cơ bản là để chia tiền qua bài viết: Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để CHIA TIỀN!.

Vấn đề chia tiền cái gì? Chính là SGK. Và trong chương trình phỏng vấn đề cập đến dãy số nêu trên, GS Hồ Ngọc Đại đã gắn liền với chương trình cải cách của Bộ GD&ĐT, không đề cập đến vấn đề công nghệ giáo dục của ông.

Chia tiền là chính là cơ sở mấu chốt của vấn đề đấu đá truyền thông hiện nay. Cụ thể là từ khi báo Giáo dục đăng nội dung: Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh.

Nếu đây không phải đấu đá vì ‘ăn chia’ không đều trong nội bộ Bộ GD&ĐT thì đó là gì?

Hãy để ý lời GS Hồ Ngọc Đại khi phóng viên câu hỏi: ‘Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào…’. GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn trả lời: Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.

Tức bản chất hiện thời chính là chia chác tiền qua SGK, còn chương trình thực nghiệm chỉ đơn thuần là công cụ gây tranh cãi khi bản thân sự chia chác này không đồng đều.
Vậy tại sao chúng ta chửi GS Hồ Ngọc Đại? Vì ông giáo sư trả lời quá thẳng, quá thật, và quá đau lòng về ‘nồi cám heo’ mang tên Bộ GD&ĐT với chương trình cải cách giáo dục (đổi mới SGK)?

Và chẳng phải tự nhiên mà trang báo Giáo dục (trực thuộc chủ quản của Bộ GD&ĐT) lại ‘hăng say) đưa tin và đả kích về chương trình thực nghiệm.

Và khi chúng ta chửi một cách vô cớ GS Hồ Ngọc Đại, thì vô tình, bản thân chúng ta lại trở thành những chiến binh kiên cường nhất để bảo vệ lợi ích nhóm còn lại – trong Bộ GD&ĐT. Lợi ích của hàng triệu học sinh trở về con số 0 tròn trĩnh.

Cần nhấn mạnh rằng, bản thân sách của GS Hồ Ngọc Đại chỉ là sách mang tính tham khảo, nhưng nó có ý nghĩa mở đường cho việc phá thế độc quyền SGK, trong đó nhiều NXB được tham gia soạn và ấn hành. Còn nhóm sách mới năm sau sẽ áp dụng, và tất nhiên, không đến từ GS Hồ Ngọc Đại.

Rõ ràng, một cộng đồng chuyền tin nhanh là điều tốt, nhưng tỉnh táo trước một sự kiện là điều cần thiết, và trong hệ thức xã hội này, cần nhất vẫn là ngừng chửi lại, xã hội này chửi quá nhiều rồi, chúng ta cần phản biện: khoa học và ôn hòa.

Nếu phản biện sai, thì có người khác chỉnh lại; nhưng nếu chửi thì sẽ không phân đúng sai. Nghĩa là, không sợ phản biện sai, chỉ sợ chửi.
Khi chúng ta chửi bới, chúng ta không còn thì giờ đặt lại vấn đề phải cứu học sinh – thế hệ tương lai trong nền giáo dục độc quyền và chia tiền ra sao.
* Bài viết phản ảnh quan điểm riêng của tác giả.

Theo Việt Nam Thời Báo