PDA

View Full Version : Khi giới truyền thông bị chụp mũ là "kẻ thù của nhân dân"



khieman
08-08-2018, 10:49 PM
Khi giới truyền thông
bị chụp mũ là "kẻ thù của nhân dân"



Từ ngữ “Fake News” thật ra cũng không có gì mới lạ, nhưng nó chỉ trở thành phổ thông hơn kể từ khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2016 dẫn đến kết quả thắng cử của nhà tỷ phú Donald Trump.

Từ ngữ này có thể được dịch bằng nhiều cách khác nhau để nói đến việc đó là những tin giả, tin sai, tin không đúng sự thật, hoặc là “tin vịt” theo ngôn ngữ phổ thông trong giới truyền thông thời Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Nói chung, nó muốn nói đến những loại tin tức giả tạo, hoặc được dựng đứng để loè mắt những người nhẹ dạ cả tin, hoặc là những tin được thổi phồng quá lố; đôi khi nó cũng là thứ tin được tung ra chỉ để mục đích đùa cợt chốc lát theo kiểu “Cá Tháng Tư” hay “Poisson d’Avril” hoặc “April’s Fool”. Nói tóm lại, đó là những điều không thể tin được, hoặc nếu lỡ dại tin vào nó thì “chỉ có bán thóc giống!” nói theo ngôn ngữ bình dân người mình.

Nhưng “Fake News” cũng có thể là thứ vũ khí lợi hại đã có từ xưa trong những cuộc đấu trí hoặc chiến tranh tâm lý giữa các phe phái hoặc các nước đối đầu, và thường được áp dụng trong những chiêu thức gây hoả mù để cho đối phương hoang mang không biết đâu là “hư, thực” trong mục đích tuyên truyền theo hướng của người tung ra.

Ngay cả trong lãnh vực thương mại, nó cũng thường được tung ra bằng những chiến dịch khá tinh vi để đánh lừa một khối đông quần chúng dễ lầm tin vì thiếu khả năng tìm hiểu và phán đoán sâu rộng nhưng lại dễ có thói quen tin vào phản ứng nhất thời của đám đông. Thí dụ điển hình là trường hợp của chiến dịch tung tin đồn vào đầu thập niên 1970 về chuyện chim cút rất quý giá khiến mọi người đổ xô đi mua tại thủ đô Sàigòn lúc đó để rồi xảy ra tình trạng giá cả lên cơn sốt tăng vọt kinh khủng, và sau cùng dẫn đến tình trạng phá sản tiêu tan sự nghiệp của nhiều người khi quả bóng thổi phồng này bị vỡ tan.

[Thật ra từ cả mấy thế kỷ trước cũng đã có một cơn sốt gây nên quả bóng to lớn nhất trong lịch sử là vụ nhiều người đổ xô đi mua hoa tulip (uất-kim-hương) tại Hoà Lan với những giá cao cực kỳ để rồi sau đó không lâu cũng bị trắng tay và mất hết của cải.]

Sau này, với sự phát triển của Internet và nhiều kỹ thuật cắt ghép tinh vi, những kẻ gian có thể đã thực hiện được những thông tin theo chiều hướng “fake news” rất độc địa khiến cho nhiều người dễ lầm tin, nhất là nếu chỉ đọc sơ qua và thấy có trích dẫn một vài tên tuổi cùng với chức vụ như bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, khoa học gia, nhà văn, nhà báo v.v. là nhiều người dễ tin theo ngay, và sau đó còn phát tán tứ tung cho bạn bè cùng đọc.

Phần lớn những loại “fake news” cũng thuộc loại “vô thưởng vô phạt” và thường được phát tán một cách rộng rãi do bởi nhiều người nhẹ dạ và nghĩ rằng nó có ích cho nhiều người, nhất là những loại thông tin theo kiểu hướng dẫn về kiến thức tổng quát, như làm cách nào để đổ xăng cho có lợi nhất, như phải tránh ăn tôm cua với nước chanh v.v. để khỏi bị phản ứng nguy hiểm đến tánh mạng!

Những thông tin kiểu này được phát tán quá nhiều khiến những ai chuyên theo dõi thời sự và đọc tin trên Internet đều cũng từng phải chứng kiến thường xuyên, và một chuyên gia là giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng đã phải cất công nghiên cứu và sưu tầm những dữ liệu khoa học để chứng minh là nó hoàn toàn sai lầm theo kiểu “tin vịt”, mà ông gọi việc làm đó là “đi bắt những con vịt để nhốt lại”. Nó phổ biến quá rộng rãi trong xã hội Hoa Kỳ nên người dân được khuyên là chỉ cần lên trang mạng www.snopes.com là có thể kiểm soát xem loại tin đó có chính xác hay chỉ là “tin vịt”.

Nhưng trong nhiều trường hợp khác, những người phát tán các bản tin này còn chơi trò độc địa hơn bằng cách trích dẫn một vài lời của những chuyên gia đó, nhưng kèm theo sau đó là một số những lời lẽ hoàn toàn do mình nguỵ tạo chứ không hề là do chính những chuyên viên được trích dẫn đó nói đến.

Đây là một đòn ma giáo theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người” rất độc địa, nhưng cũng khó phân biệt hư, thực nếu như người đọc không có bản lãnh và biết tìm cách kiểm chứng để truy nguồn từ bản gốc của những bài viết hay phát biểu của những người được trích dẫn để biết đích xác là họ có nói những điều như thế hay không, nhất là những bản nguyên tác được viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp mà không phải đa số người đọc đều có khả năng thấu hiểu rành rọt ngữ nghĩa. Cái lối cắt xén và ghép ráp ma lanh này, hoặc là không tường thuật đầy đủ những dữ kiện khiến người ta phải nhớ đến một câu ngạn ngữ rất phổ thông là “Một nửa ổ bánh mì vẫn còn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đôi khi không còn là sự thật nữa.”

Trong tình trạng phân hoá trầm trọng trong xã hội và chính trường nước Mỹ trong những thập niên gần đây với hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ chống đối nhau kịch liệt, không bên nào chịu nhường bên nào và luôn cho rằng chỉ có bên mình mới là có chính nghĩa, tình trạng các loại tin “fake news” còn dễ có cơ hội được sinh sôi và phát triển mạnh bạo hơn nữa. Do bởi tâm lý của đa số người dân hoặc cử tri chỉ thích tin vào những điều thuận tai hoặc hợp nhãn với quan điểm của mình, những thông tin kiểu “fake news” từ đó cũng dễ dàng được đón nhận một cách hoan hỉ hay nồng nhiệt nếu như nội dung của nó có lợi cho “phe mình”, thay vì phải cẩn thận và dè chừng kiểm tra cho kỹ lưỡng trước khi chấp nhận đó là tin tức đứng đắn và chính xác.

Và cũng chính vì cái tâm lý quá chủ quan và thích bè phái một cách cuồng nhiệt kiểu này nên đa số người dân cũng dễ rơi vào tình trạng sẵn sàng chê bai hay chối bỏ những thông tin hay bài viết có nội dung bất lợi cho “phe mình”, bất kể rằng đó là những thông tin được loan ra từ những cơ quan truyền thông chính mạch đã hoạt động lâu đời, với nhiều tờ báo đã có mặt từ cả trăm năm về trước với những thành tích đứng đắn và trung thực đứng vững với thời gian dù đã trải qua bao nhiêu sóng gió và thay đổi biến thiên trong cuộc đời.

Và nhân vật biết khai thác cái tâm lý đó một cách hữu hiệu nhất cho mình không ai khác hơn chính là đương kim tổng thống Donald Trump. Ngay cả trước khi đắc cử, ông Trump đã nhiều lần chê bai và chỉ trích các nguồn tin hoặc bài báo trên những cơ quan truyền thông nếu như nó có nội dung bất lợi cho ông, và cho rằng tất cả đó là những âm mưu của những thế lực thù địch muốn cùng toa rập lại để ngăn cản ông làm một cuộc cách mạng vĩ đại là hất tung cái giới đương quyền (the establishment) đã cai trị lâu năm, và “quét sạch cái đầm lầy ở Washington” (draining the swamp).

Nhưng nhiều người không thấy cái phi lý của lời cáo buộc hàm hồ này khi coi lại những người chống đối những lời phát biểu của ông Trump gồm đông đảo mọi giới thuộc cả hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến: nó không chỉ là những người theo phe bà Clinton và đảng Dân Chủ mà còn có nhiều chính trị gia kỳ cựu của đảng Cộng Hoà và nhiều nhà báo, bình luận gia bảo thủ nổi tiếng lâu đời như George Will, Charles Krauthammer, và gần như đại đa số các tờ báo chính mạch lâu đời tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Thế nhưng tất cả những thành phần đó, cho dù có là đại đa số đi chăng nữa, đều bị ông Trump gộp chung vào một cái giỏ để chụp lên đầu họ cái mũ “Fake News”, và đáng thương thay, nhiều cử tri ủng hộ ông cuồng nhiệt đến gần như mù quáng cũng sẵn sàng tin theo như vậy.

Ngay sau khi mới lên nhậm chức, có lẽ do cơn sảng khoái theo kiểu “thừa thắng xông lên”, TT Trump đã không ngần ngại bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để cáo buộc rằng:

“Cái giới truyền thông TIN VỊT đó (những thứ thất bại như New York Times, NBC News, ABC, CBS, CNN) không phải là kẻ thù của tôi, mà nó là kẻ thù của Nhân dân nước Mỹ!”

Đây quả tình là một lời tấn công trực diện vào giới truyền thông khi chụp mũ họ cái nón cối to tướng để khích động sự căm thù của người dân. Dĩ nhiên vào lúc đó, giới truyền thông cũng đã chỉ ra rất chính xác rằng rất nhiều thành viên trong nội các của chính TT Trump và đảng Cộng Hoà đều không đồng ý với lời cáo buộc nặng nề như vậy và đã lên tiếng bảo vệ cho ngành truyền thông cần phải được có tiếng nói độc lập và tự do.

Ngay cả Tổng trưởng Quốc phòng là James Mattis cũng thẳng thắn trả lời rằng ông không có vấn đề gì với giới truyền thông cả, dù rằng ông cũng có những lúc tranh cãi căng thẳng với họ. Nhưng ông cho rằng giới truyền thông là một thành phần mà chúng ta cần phải đối diện để giải quyết.

Còn nghị sĩ John McCain thì không ngần ngại chỉ trích lời cáo buộc của TT Trump để ví von rằng “Đó là cái cách mà những nhà độc tài thường bắt đầu sự nghiệp cai trị của mình.” Ông McCain nói rằng quyền tự do báo chí là điều “sinh tồn thiết yếu”.

Nghị sĩ Lindsey Graham cũng phát biểu tương tự khi nói rằng “Cái xương sống của một thể chế dân chủ là một ngành báo chí tự do và một nền tư pháp độc lập, và đó là những điều mà chúng ta sẵn sàng tranh đấu và hy sinh để bảo vệ nó. Bởi vì cái điều quan trọng sau cùng là Hoa Kỳ không thể trở thành một chế độ độc tài.”

Mới đây, TT Trump lại tiếp tục gây ra tranh cãi khi nhắc lại lời cáo buộc của ông về cái mà ông gọi là “Fake News” để tấn công hầu hết các diễn đàn truyền thông chính mạch, ngoại trừ đài Fox News là đài truyền hình được ông ưa thích nhất vì lập trường ủng hộ rõ rệt của họ và những luận điệu bênh vực ông Trump một cách thiên vị và trâng tráo cho dù nó đi hoàn toàn ngược lại với những gì mà trước đó họ có thể công kích.

Nhưng lần này, TT Trump đã bị phản bác thẳng thừng và mau chóng bởi một nhân vật chính trong câu chuyện mà có lẽ ít có ai dám phủ nhận lời phản bác, kể cả chính cá nhân ông Trump hoặc ngay cả những phụ tá cao cấp chuyên có nhiệm vụ biện hộ và đỡ đòn cho ông như các phát ngôn viên ở Toà Bạch Ốc.

Đó là việc ông A. G. Sulzberger, đương kim chủ nhiệm của tờ nhật báo New York Times, đã nói rằng lời kể của TT Trump về cuộc nói chuyện tay đôi giữa hai người ở Toà Bạch Ốc mới đây không hoàn toàn đúng sự thật. Nội dung cuộc nói chuyện này là để ông Sulzberger có dịp trình bày những lo ngại của ông trước việc ông tổng thống cứ thích đưa ra những ngôn từ có tính gây hấn nhắm về phía giới truyền thông, đặc biệt là những từ ngữ như “fake news” và gọi họ là “kẻ thù của nhân dân.”

Lý do là vì vào ngày Chủ Nhật cuối tuần qua, TT Trump đã bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter như sau:

“Tôi vừa có một cuộc gặp gỡ rất tốt và lý thú tại Toà Bạch Ốc với ông A.G. Sulzberger, Chủ Nhiệm tờ New York Times. Chúng tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ để nói về cái khối lượng khổng lồ những Tin Giả (Fake News) đang được phát tán bởi giới truyền thông và vì sao mà từ ngữ Fake News đã chuyển sang thành câu “Kẻ Thù của Nhân Dân.” Buồn chán quá đi! (Sad!)”

Từ hơn cả năm qua, những mẩu tin nhắn của TT Trump được phát ra, nhiều khi bất kể giờ giấc, thường gây ra rất nhiều phản ứng ngỡ ngàng và chống đối nổ lớn sau đó, do bởi nội dung của nó không chính xác hoặc hoàn toàn sai lầm và thường cũng gây chia rẽ dữ dội trong quần chúng.

Nhưng lần này, mẩu tin nhắn đó đã được đích thân người trong cuộc lên tiếng phản bác để nói rằng ông Trump đã không nói đúng sự thật (và một cách gián tiếp coi như đã chỉ rõ ông Trump mới là người đã loan ra cái “Fake News” đó). Và cũng nhờ vậy mà người dân mới được hé lộ một ít sự thật về những gì diễn ra sau hậu trường chính trị để phân biệt đâu là hư, thực của vấn đề.

Thay vì bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để nói cho rõ trắng đen, ông Sulzberger đã đưa ra một thông cáo ngắn gồm 5 đoạn để cho thấy là ông Trump đã tường thuật không đúng sự thật về câu chuyện này. Ông chủ nhiệm tờ New York Times kể lại rằng cuộc gặp gỡ đã diễn ra vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, và ông chấp nhận lời mời của TT Trump để đến nói chuyện tại Toà Bạch Ốc vì chính cá nhân ông đã thấy là ngôn từ của ông Trump dành cho giới truyền thông “càng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.”

Sau đây là nguyên văn bản thông báo:

"Mục đích chính của tôi khi chấp nhận cuộc gặp gỡ này là nhằm nêu lên những lo ngại đối với những luận điệu của ông tổng thống chống đối giới truyền thông rất nguy hiểm trầm trọng.

Tôi nói thẳng với tổng thống rằng ngôn từ của ông không những có tính cách gây chia rẽ mà càng ngày càng nguy hiểm hơn.

Tôi nói với ông ta rằng mặc dù cái từ ngữ “tin giả” mà ông dùng hoàn toàn không đúng sự thật và gây tổn hại, nhưng tôi lo ngại nhiều hơn về việc chụp mũ cho giới nhà báo là “kẻ thù của nhân dân”. Tôi đưa ra lời cảnh cáo rằng loại ngôn từ gây hiềm khích đó đang góp phần vào sự gia tăng cái mối nguy đối với giới nhà báo và sẽ dẫn đưa đến tình trạng bạo lực.

Tôi lập đi lập lại nhiều lần rằng điều này đang đặc biệt diễn ra tại hải ngoại, khi mà những luận điệu của tổng thống đang được nhiều chế độ đem ra để biện minh cho những chính sách đàn áp các phóng viên và nhà báo. Tôi đã cảnh cáo ông ta rằng những lời nói đó của ông đang khiến cho sinh mạng của nhiều nhà báo đang bị lâm nguy, và rằng nó đã làm suy yếu đi những lý tưởng về dân chủ của quốc gia chúng ta, và nó đang làm xói mòn đi một trong những điều tốt vĩ đại nhất mà chúng ta có thể đem truyền bá ra hải ngoại: đó là một sự cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Trong suốt cuộc nói chuyện này, tôi đã nhấn mạnh rằng nếu như Tổng Thống Trump, giống như bao nhiều vị tổng thống tiền nhiệm, có bực tức trước việc giới truyền thông tường thuật về hoạt động của chính quyền ông thì ông dĩ nhiên có toàn quyền tự do để nói điều đó cho cả thế giới biết. Tôi cũng nói rất rõ cho ông biết là tôi không hề yêu cầu ông hãy giảm nhẹ những lời tấn công của ông nhắm vào tờ báo New York Times nếu như ông thấy lối tường thuật của báo chúng tôi không công bằng. Thay vào đó, tôi đã khẩn cầu ông là hãy xét lại những lời lẽ tấn công quá rộng lớn đối với giới truyền thông, mà tôi tin rằng nó rất nguy hiểm và tổn hại cho quốc gia của chúng ta."

Nhật báo New York Times sau đó cũng cung cấp thêm nhiều chi tiết để người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh của cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa hai người. Theo nhà báo Hayley Miller của diễn đàn HuffPost tường thuật, Toà Bạch Ốc đã gửi lời mời ông Sulzberger đến gặp gỡ với TT Trump hồi đầu tháng 7. Nữ phát ngôn viên Eileen Murphy của tờ nhật báo này nói rằng điều này cũng không có gì lạ hoặc bất thường, vì từ trước tới nay đã có truyền thống lâu đời là các vị chủ nhiệm của tờ New York Times thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ với các vị tổng thống hoặc những nhân vật công quyền khác muốn bày tỏ sự lo ngại của họ đối với cách thức tường thuật tin tức trên tờ báo này.

Vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, ông Sulzberger đi cùng với một phụ tá khác để đến Toà Bạch Ốc gặp TT Trump, đó là ông James Bennet, chủ biên trang xã luận trên tờ báo này. Mặc dù các phụ tá của ông Trump đã yêu cầu coi cuộc gặp gỡ này thuộc loại “off the record”, tức là không hề có hồ sơ lưu lại chính thức, một từ ngữ thông dụng ám chỉ là phía nhà báo không được tiết lộ nếu như phía bên kia chưa đồng ý. Tuy nhiên khi TT Trump tự động bắn ra mẩu tin nhắn trên mạng Twitter vào sáng Chủ Nhật, coi như ông đã mặc nhiên xác nhận sự kiện này và do đó tờ báo New York Times có quyền tường thuật một cách chính thức về cuộc gặp gỡ này, và cho phép ông Sulzberger có quyền lên tiếng để trình bày vấn đề.

[Tưởng cũng nên nói thêm là tờ nhật báo New York Times, còn có thêm một biệt danh là “newspaper of record”, tạm dịch là tờ báo lưu lại tài liệu chính thức. Phần lớn các chính quyền trên thế giới thường lưu giữ các văn kiện và tài liệu chính thức của nhà nước trong một tờ Công Báo. Nó cũng có thể là một tờ nhật báo lớn ở trong nước, nhất là các nước độc tài, và được coi như là cơ quan ngôn luận chính thức của nhà cầm quyền đương thời.

Trong nhiều trường hợp khác, từ ngữ này cũng được dành để chỉ một tờ nhật báo lớn hàng đầu ở trong nước với số lượng phát hành to lớn và rộng rãi trên toàn quốc mà nội dung các bài xã luận và bài tường thuật thông tin được xem là có mức độ chuyên nghiệp đứng đắn để mọi người có thể tin tưởng là xác đáng và lưu lại cho hậu thế để các sử gia sau này có thể dựa vào đó để làm tài liệu nghiên cứu. Và đó là trường hợp của tờ New York Times, tuy là một tờ báo tư nhân, nhưng được tặng cái danh hiệu cao quí đó.

Tờ báo này được sáng lập từ năm 1851, đặt trụ sở tại thành phố New York nhưng có ảnh hưởng và số lượng độc giả tín nhiệm rộng khắp toàn cầu. Cho đến nay, tờ báo này đã đoạt được giải Pulitzer đến 125 lần, được coi như là con số kỷ lục cao nhất trên tất cả các tờ báo khác với giải thưởng được xem là cao quí nhất trong ngành truyền thông.

Nó nằm dưới quyền điều hành của dòng họ Ochs-Sulzberger từ lâu đời, với ông Arthur Ochs Sulzberger Jr. là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Chủ nhiệm trong nhiều năm dài là con cháu đời thứ 4 của ông cố nội. Đến đầu năm nay, ông này đã truyền lại chức vụ Chủ nhiệm cho người con trai là là A.G. Sulzberger, năm nay 37 tuổi, sau khi người con này đã trải qua một thời gian thực tập từ năm 2004 đến nay qua nhiều tờ báo khác nhau trong đủ các vai trò phóng viên và biên tập viên, để leo dần lên từng chức vụ cao hơn và trở thành Chủ nhiệm ngày nay.]

Cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến này diễn ra vào thời điểm có sự căng thẳng cao độ giữa TT Trump và giới truyền thông dòng chính tại Hoa Kỳ, với việc ông Trump luôn miệng chỉ trích các bản tin hoặc bài viết của họ là loại “tin giả”. Khi ông Sulzberger này được chính thức trao quyền chủ nhiệm của tờ báo này vào đầu năm nay, ông Trump đã bắn ra một mẩu tin ngắn trên mạng Twitter để nói rằng việc bổ nhiệm một người trẻ tuổi như ông đứng đầu một tờ báo lớn như vậy sẽ là “cơ hội cuối cùng” để chứng tỏ sự độc lập của mình và chịu tường thuật thông tin “mà không cần sợ hãi cũng như tạo ân huệ cho ai”.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tờ Times, thường viết tắt để nói về tờ New York Times, và rất nhiều các cơ quan truyền thông lớn khác đều tường thuật đầy đủ chi tiết về những rắc rối của ông Trump về mặt chính trị cũng như đời sống cá nhân. Họ đưa ra rất nhiều các bản tường thuật cho thấy những lời của TT Trump thường là sai trái, và dĩ nhiên là ông Trump cũng luôn luôn trả đũa. Ông Trump thường bắn ra các mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để gán cho tờ Times nhiều từ ngữ miệt thị rất nặng nề như “rất vô liêm sỉ”, “thất bại và hủ hoá”, cũng như cáo buộc rằng tờ báo này chuyên dùng “những nguồn tin giả tạo hoặc không có thực”.

Lý do là vì tờ Times cũng như hầu hết các tờ báo lớn khác đều dựa vào những nguồn tin xuất xứ từ những lời khai của một số những viên chức cao cấp trong chính quyền nhưng xin được giấu tên để có thể kể lại những sự thật trong hậu trường vì mục đích hay động lực riêng của họ. Vì thế nên các tờ báo này không thể trưng ra bằng cớ để xác nhận nguồn tin của mình, nhưng với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời họ cũng có trực giác và những phương cách khác để có thể xác nhận mức độ chính xác của những lời kể lại sau hậu trường này trước khi loan tin ra cho công chúng biết. Trong nhiều trường hợp, các nhà báo và ban chủ biên của các tờ báo này cũng sẵn sàng đi tù thay vì cung cấp xuất xứ của các nguồn tin. Thỉnh thoảng nếu như họ phát giác ra các nguồn tin này không chính xác, họ cũng sẵn sàng lên tiếng đính chính ngay trên mặt báo và ngỏ lời xin lỗi với độc giả về sự sơ xuất này. Tuy nhiên đây chỉ là những ngoại lệ hiếm khi xảy ra.

Vì thế nên tờ Times lần này cũng không ngần ngại bảo vệ mức độ chính xác của những bài viết và tường thuật của các phóng viên và nhà báo của họ. Họ chỉ rõ rằng thay vì nó đang thất bại (failing) theo như lời của TT Trump chê bai, nhưng thật ra tờ Times đang làm ăn rất khấm khá dù rằng ngành báo giấy từ hai thập niên qua đã gặp nhiều khó khăn chung vì sự ra đời và lớn mạnh của kỹ thuật truyền tin nhanh chóng trên mạng Internet chứ không phải vì lối tường thuật thiên vị và loan tin giả như lời cáo buộc của ông Trump. Tờ Times nói rằng mức thu nhập của họ trong năm ngoái đã lên đến 1 tỷ 700 triệu Mỹ-kim, tăng cao khoảng 8% so với mức thu nhập của năm trước, một sự tăng trưởng được coi như là hiếm thấy trong thời buổi báo giấy ngày nay đang càng ngày càng bớt người chịu mua đọc.

Sau khi ông chủ nhiệm Sulzberger của tờ Times chính thức phản bác lời tường thuật của TT Trump, không thấy các phụ tá ở Toà Bạch Ốc đã đưa ra lời nào để bênh vực cho sếp lớn của mình, và cá nhân ông Trump cũng không bắn ra một mẩu tin nhắn nào trên mạng Twitter để đáp trả.

Tuy nhiên, ông Trump cũng vẫn tiếp tục có lời chỉ trích đối với giới truyền thông, đặc biệt là hai tờ nhật báo hàng đầu là tờ Times và tờ Washington Post tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Mẩu tin nhắn mới nhất của ông viết rằng:

“Tôi sẽ không để cho đất nước vĩ đại của chúng ta sẽ bị bán rẻ bởi những thành phần chống đối Trump đang hiện diện trong kỹ nghệ báo giấy đang chết dần mòn. Cho dù họ cố gắng tìm cách gây rối để đánh lạc hướng và che đậy nó, quốc gia chúng ta đang thực hiện những phát triển to lớn dưới sự lãnh đạo của tôi, và tôi sẽ không bao giờ ngưng nghỉ việc tranh đấu cho người dân Mỹ! Để làm thí dụ điển hình, tờ báo New York Times đang thất bại và tờ Amazon Washington Post chẳng có làm gì hết ngoài việc viết những bài báo nói xấu ngay cả về bất cứ một thành quả tích cực nào, và họ sẽ không bao giờ chịu thay đổi!”

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong cuộc xuất hiện tại một cuộc đại hội thường niên của Hội Cựu Chiến Binh Mỹ đã từng tham dự những trận chiến tại hải ngoại vào tuần trước ở thành phố Kansas City, ông Trump cũng đã tấn công giới truyền thông dòng chính trong tiếng vỗ tay ủng hộ của nhiều người trong cử toạ, với lời phát biểu:

“Quý vị hãy ở lại với chúng tôi. Đừng tin vào những gì láo lếu mà quý vị thấy được phát ra từ những kẻ đó, những thứ tin giả tạo. Cái mà quý vị đang xem và đang đọc đều không phải là những gì đang xảy ra.”

Theo nhà báo Matt Bai của diễn đàn truyền thông Yahoo News, sở dĩ ông Trump và những phụ tá nịnh thần của ông cứ tiếp tục theo đuổi chiến thuật tấn công giới truyền thông bằng cách chụp mũ cho họ là chuyên loan tin giả chỉ vì hiện nay họ đã thành công trong chính sách này và không còn lo sợ trước những hậu quả của nó (về việc cáo buộc sai trái này).

Nhà báo này đưa ra lời nhận định như trên khi phân tích về chuyện ông Sean Spicer, với cuốn hồi ký mới phát hành tuần qua, đã gặp sự chỉ trích và chống đối của nhiều người và giới truyền thông khi ông đang có chuyến đi quảng bá cho cuốn sách này. Mặc dù rằng trong cuốn hồi kỳ này ông Spicer, phát ngôn viên đầu tiên tại Toà Bạch Ốc được ông Trump lựa chọn, đã phải thú nhận rằng ông ta đã nói dối nhiều lần để biện hộ cho sếp lớn của mình trong khi những điều nói dối đó khó lòng khiến mọi người tin được.

Thí dụ điển hình là trường hợp ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông Spicer đã dành hết thời gian để tranh cãi với các phóng viên và nhà báo về chuyện TT Trump đã có số người đến dự lễ đăng quang đông nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, những hình ảnh thu lại được cho thấy là con số của nó (khoảng 800,000 người) chỉ bằng khoảng 1/3 số người đến tham dự lễ đăng quang của ông Obama vào đầu năm 2009 lên đến khoảng 2 triệu người! Vì thế nên giờ đây ông Spicer đã phải thốt lên rằng nếu cho ông làm lại từ đầu, thì ông sẽ không nói như ông đã nói trước đây trong cương vị của một phát ngôn viên Toà Bạch Ốc!

Nhà báo Matt Bai cho rằng không phải chỉ có ông Trump mà rất nhiều các vị tổng thống khác và những phụ tá cao cấp của họ cũng đã từng ăn gian nói dối với những lời phát biểu không đúng sự thật, với hình ảnh được nhiều người còn nhớ đến là trường hợp của TT Richard Nixon và phụ tá cao cấp là Henry Kissinger.

Nhưng những người này còn biết cách dấu nhẹm những điều này, chẳng biết là họ còn có liêm sỉ hay lương tâm cắn rứt hay không, nhưng ít ra là họ sợ cái phản ứng bất lợi sẽ đến khi người dân và giới truyền thông biết được những lời lẽ gian dối đó.

Còn đối với TT Trump và những phụ tá cận thần hiện nay, họ không hề lo sợ những hậu quả về chuyện nói không đúng sự thật, bởi vì họ tin rằng những hậu quả đó sẽ không ảnh hưởng đến mình. TT Trump đã thường xuyên nói dối về nhiều đề tài, từ chuyện xen lấn của Nga trong vụ bầu cử năm 2016 cho đến việc trả tiền cho những cô đào phim khiêu dâm hoặc người mẫu khoả thân trên tạp chí Playboy để dấu nhẹm chuyện ngoại tình của ông, hoặc có thể nói ngược lại những gì mà ông mới nói ngày hôm trước cho dù nó đã được thu băng, do bởi lý do đơn giản là ông ta không sợ rằng sự thật khi mọi người biết được sẽ gây nguy hiểm cho ông về mặt chính trị. (Và ông đã thành công xuất sắc với cái biệt tài như vậy!)

Điều này được thấy rõ khi người ta nghe lập luận của nhiều người vẫn ủng hộ ông Trump sau khi biết được những thông tin hoàn toàn bất lợi, kể cả từ những vị lãnh tụ tôn giáo là các mục sư nổi tiếng bảo thủ khi nói rằng:

“Chúng tôi biết trước rằng ông ta không phải là mẫu mực của những thiếu niên dâng lễ trên bàn thờ Chúa (altar boys), nhưng chúng tôi bỏ phiếu và tiếp tục ủng hộ là vì ông đưa ra những chính sách bảo vệ những giá trị bảo thủ mà chúng tôi mong muốn, như việc bổ nhiệm một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có thành tích bảo thủ kiên trì v.v.”

TT Trump có thể tiếp tục nói dối vì ông ta biết chắc rằng ông có thể thuyết phục nhiều người tin vào bất cứ điều gì ông ta muốn họ tin như vậy, như trường hợp ông phát biểu với các cựu chiến binh tại Kansas City vào tuần trước. (Nói theo kiểu bình dân của mình là ông có biệt tài khiến cho những người tin ông sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì ông nói theo kiểu “khi yêu trái ấu cũng tròn”). Và quan trọng hơn hết là ông ta sẽ không phải lãnh nhận hậu quả nào với những điều nói dối này, ít ra là cho đến thời điểm này.

Để kết luận, nhà báo Matt Bai nói rằng trách nhiệm hiện nay của giới truyền thông là phải tạo lại niềm tin nơi độc giả. Tuy nhiên chính người dân trong nước cũng phải có trách nhiệm là phải biết tỉnh táo và khôn ngoan để thu thập những dữ kiện đầy đủ và chính xác.

Quý vị có thể tiếp tục hoài nghi về những gì được loan truyền trên các diễn đàn truyền thông. Tuy nhiên, cũng đừng nên mù quáng. Đừng vì sự bực tức của một vài điều tiểu tiết không đúng sự thật để rồi từ đó lại hoàn toàn tin tưởng vào một chính trị gia lão luyện khác trong nghề ăn nói để thuyết phục người nghe. Nhất là khi người đó muốn quý vị tin rằng tất cả những gì được tường thuật trên các diễn đàn truyền thông đều hoàn toàn là giả dối (fake news) nếu như nội dung của nó không phù hợp với cái nhìn hay quan điểm hiện thời của mình. Mà nhất là khi quý vị tin vào những điều đó chỉ vì lý do duy nhất là nó được nói bởi chính trị gia lão luyện đó.

Và một chi tiết cuối cùng cũng đáng chú ý. Trong cái mẩu nhắn tin của ông Trump trên mạng Twitter, ông hàm ý nói rằng cuộc nói chuyện của ông với Chủ nhiệm Sulzberger của tờ Times đang lan man từ chuyện mọi người tranh luận chuyện “fake news” để rồi sau đó nó dẫn đưa đến việc nhiều người nói đến từ ngữ “kẻ thù của nhân dân”, khiến cho ông cảm thấy “buồn chán quá đi!” (Sad!).

Nhưng ông Sulzberger đã chỉ rõ rằng chẳng có ai khác nói cái từ ngữ đó, mà chính cá nhân ông Trump mới là người phun ra cái từ ngữ độc địa đó để chụp mũ cho giới truyền thông. Thành ra trong chuyện này, ông Trump cũng bị lật tẩy là người đã không tường thuật đầy đủ và trung thực cuộc nói chuyện giữa hai người, theo kiểu chỉ “nói một nửa sự thật” mà thôi để mọi người muốn hiểu sao cũng được.



https://s2.yimg.com/lo/api/res/1.2/MGglkdQtwfFn9_QhkyuGrg--/YXBwaWQ9eW15O3E9NzU7dz02NDA7c209MQ--/http:/media.zenfs.com/en-US/homerun/the_huffington_post_584/0e8e6f735c17925f36708db376764d7b (https://s2.yimg.com/lo/api/res/1.2/MGglkdQtwfFn9_QhkyuGrg--/YXBwaWQ9eW15O3E9NzU7dz02NDA7c209MQ--/http:/media.zenfs.com/en-US/homerun/the_huffington_post_584/0e8e6f735c17925f36708db376764d7b)



TT Trump và ông A.G. Sulzberger, Chủ nhiệm tờ New York Times


MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 3 tháng 8/2018
anhtuantaberd74@gmail.com