PDA

View Full Version : Đức xử nghi can tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh



duyanh
04-24-2018, 12:19 PM
Đức xử nghi can tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh



http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/239/3500/1977/1024/578/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/2018-01-08t050256z_1599460349_rc147e92b750_rtrmadp_3_vietn am-security_0.jpg

Trịnh Xuân Thanh được đưa tới tòa án, Hà Nội, ngày 08/01/2018
VNA/Doan Tan via REUTERS

Hôm nay, 24/04/2018, tư pháp Đức bắt đầu xét xử một nghi can mang quốc tịch Cộng Hòa Séc, gốc Việt Nam, dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngày 23/07/2017 ngay tại thủ đô Berlin, để đưa về Việt Nam.

Ông Long N.H – một số báo chí tiếng Việt ở hải ngoại nêu tên Nguyễn Hải Long - bị ra tòa với tội danh « tham gia vào hoạt động của các cơ quan mật vụ Việt Nam dẫn đến việc bắt cóc » hai người Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh và nhân tình.

Theo AFP, ngoại trưởng Đức vào lúc đó, ông Sigmar Gabriel, đã tố cáo vụ bắt cóc diễn ra như trong phim trinh thám về thời kỳ chiến tranh lạnh : trong lúc ông Trịnh Xuân Thanh và nhân tình đi dạo ở công viên Tiergarten, Berlin, một nhóm người có vũ trang đã tấn công bắt giữ hai người và tống lên xe thùng loại nhỏ, đưa đến sứ quán Việt Nam tại Berlin rồi sau đó bị đưa về Việt Nam.

Bị tư pháp Việt Nam truy nã với tội danh biển thủ 120 triệu euro, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên là một trong những lãnh đạo của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đã chạy sang Đức xin tị nạn.

Trong phiên xử ngày hôm nay tại Berlin, bên công tố khẳng định nhóm bắt cóc đã hành động theo sự chỉ đạo của các cơ quan chính phủ Việt Nam. Tuy vậy, chỉ có một mình nghi can Long ra tòa.

Ông Long, 47 tuổi, bị bắt tại Cộng Hòa Séc ngày 12/08/2017 và sau đó bị trao cho tư pháp Đức. Nguyên là « lao động xuất khẩu » tại Đông Đức, nghi can không được cấp quy chế tị nạn và sau đó phải sang Praha sinh sống, mở một quầy đổi tiền.

Theo cáo trạng, nghi can Long đã thuê xe thùng loại nhỏ ở Praha, lái sang Berlin và xe này được dùng để chở các nạn nhân vụ bắt cóc. Ngoài ra, dường như nghi can còn thuê một xe hơi khác, được dùng để theo dõi các nạn nhân trước khi tiến hành bắt cóc.

Khi khai thác các dữ liệu GPS của hai chiếc xe thuê, hình ảnh video theo dõi, các nhân chứng và nội dung điện thoại của ông Thanh bỏ lại hiện trường, các nhà điều tra Đức đã lập được lộ trình hành động của nhóm bắt cóc.

Theo nhật báo Suddeutsche Zeitung, tư pháp Đức còn mở điều tra nhắm vào trung tướng công an Đường Minh Hưng vì dường như đã chỉ đạo phối hợp thực hiện vụ bắt cóc, rồi sau đó trở về nước.

Vẫn theo tờ báo Đức, một nửa nhân viên sứ quán Việt Nam tại Berlin dường như có dính líu đến vụ bắt cóc. Vợ của tùy viên quân sự Việt Nam trực tiếp đặt vé máy bay cho các nhân viên mật vụ.

Phiên tòa xử ông Long kéo dài cho đến ngày 17/05 và nghi can có thể bị kết án tới 10 năm tù.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Berlin tố cáo đó là hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Đức và đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam, nhiều lần triệu đại sứ Việt Nam lên bộ Ngoại Giao để phản đối và chất vấn.

Trong khi đó, chính quyền Hà Nội khẳng định ông Thanh tự nguyện hồi hương. Vừa qua, ông Thanh đã bị đưa ra xét xử trong hai vụ án với cáo buộc tham nhũng và biển thủ công quỹ và bị tư pháp Việt Nam kết án tù chung thân trong hai vụ này.




RFI
24-04-2018