PDA

View Full Version : “Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào dự án ngoài khơi Việt Nam”



duyanh
04-14-2018, 11:55 AM
“Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào dự án ngoài khơi Việt Nam”




https://gdb.voanews.com/FFA42A0E-E83F-4E75-9BC8-8F52ED031531_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg (https://gdb.voanews.com/FFA42A0E-E83F-4E75-9BC8-8F52ED031531_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg)

Dàn khoan dầu của PetroVietnam trên biển Đông. PetroVietnam nói những diễn biến phức tạp (trên biển Đông) sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài" tới Việt Nam.

Sau 2 lần Repsol bị Việt Nam yêu cầu ngừng các dự án khoan dầu trên vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo sẽ không có công ty nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi của Việt Nam nữa.

Đây là nhận định của hai chuyên gia về biển Đông của Mỹ, Gregory Poling của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) và Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye. Họ cho rằng Việt Nam “không biết phải tiến lên phía trước như thế nào.”

Tôi không biết (Việt Nam) sẽ tiếp tục thế nào với các dự án thăm dò ngoài khơi bởi vì không có công ty nước ngoài nào sẽ muốn đầu tư vào bất kỳ một dự án ngoài khơi nào của Việt Nam trên biển Đông nữa.

Gregory Poling, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS

Repsol, công ty năng lượng của Tây Ban Nha, được cho là đã phải dừng dự án khoan thăm dò dầu khí Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Reuters và BBC loan tin này hôm 23/3, trong cùng tháng sau khi Mỹ đưa hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới thăm cảng Đà Nẵng.

Tháng 7/2017, Repsol lần đầu tiên phải ngừng khai thác một lô trong dự án Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính do sức ép của Bắc Kinh lên Hà Nội. Sau động thái này, các chuyên gia về biển Đông cho rằng lối đe dọa này của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ khi Trung Quốc dọa dùng vũ lực, và trong bối cảnh đó Việt Nam phải nhượng bộ để có thời gian thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Dự án này nằm trong khu vực mà Việt Nam nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng lại gần với đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố.

Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Việt Nam lại bắt buộc Repsol, đối tác của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, ngừng dự án “sau áp lực từ phía Trung Quốc,” theo khẳng định của hai nguồn tin tại Repsol.


https://gdb.voanews.com/A3B080B4-944D-4148-9B8A-E284855A9655_w650_r0_s.jpg

Trung Quốc từng ép tập đoàn dầu khí BP của Anh ngừng thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Việt Nam, theo nhà nghiên cứu biển Đông của Viện nghiên cứu Chatham House ở London, Bill Hayton.

Điều này cho thấy “Việt Nam tự nhận rằng họ không có vùng đặc quyền kinh tế,” theo nhận định của Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS, Gregory Poling.

“Repsol đã phải 2 lần ngừng dự án và mất hàng trăm triệu đô la đầu tư vào việc thăm dò mà không được báo trước chỉ vì áp lực của Trung Quốc," ông Poling nói với VOA. "Điều này có thể làm hỏng nhiều kế hoạch thăm dò ngoài khơi của Việt Nam. Không giống bất cứ nước nào khác trên thế giới, Việt Nam không thể dễ dàng và có quyền khai thác các nguồn dầu khí trên biển một cách độc lập.”

Việc ngưng các dự án ở Cá Rồng Đỏ rõ ràng đã gửi đi một thông điệp ớn lạnh tới các công ty dầu khí muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi Việt Nam.
Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye

Theo báo cáo lỗ lãi năm 2017 của Repsol, hãng này đã chi khoảng 41 triệu đôla cho công tác thăm dò dầu khí ở Việt Nam hồi năm ngoái. Nguồn tin của BBC cho biết Repsol mất khoảng 200 triệu đô la cho dự án Cá Rồng Đỏ vừa bị ngưng lại trong tháng 3 vừa qua.

“Tôi không biết (Việt Nam) sẽ tiếp tục thế nào với các dự án thăm dò ngoài khơi bởi vì không có công ty nước ngoài nào sẽ muốn đầu tư vào bất kỳ một dự án ngoài khơi nào của Việt Nam trên biển Đông nữa,” ông Poling nhận định.

Đồng ý kiến của nhà nghiên cứu của CSIS, chuyên gia Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương cũng cho rằng “việc ngưng các dự án ở Cá Rồng Đỏ rõ ràng đã gửi đi một thông điệp ớn lạnh tới các công ty dầu khí muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi Việt Nam.” Giáo sư này cho biết ông nghĩ rằng Việt Nam đang lúng lúng trong việc “làm thế nào để tiến lên phía trước.”

Trung Quốc "bắt nạn" trên biển Đông

Trung Quốc trong lịch sử đã nhiều lần dùng sức ép để ngăn cản việc khai thác dầu khí trên các vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và nhiều nước khác.

Cách đây hơn 10 năm, chính phủ Trung Quốc từng ép tập đoàn dầu khí BP của Anh ngừng thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Việt Nam, theo nhà nghiên cứu biển Đông của Viện nghiên cứu Chatham House ở London, Bill Hayton, viết trong cuốn sách mới xuất bản gần đây có tên “Biển Nam Trung Hoa: Tranh giành quyền lực ở châu Á” (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia).

VOA tìm cách tiếp cận với một số giới chức và chuyên gia trong ngành dầu khí ở Việt Nam, trong đó có BP và những nhà thầu liên đới trực tiếp tới dự án của Repsol, nhưng họ đều từ chối bình luận về các “hoạt động dầu khí ở biển Đông.”

Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ công khai thừa nhận đã phải dừng các dự án thăm dò dầu khí với Repsol vì sức ép của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam đầu tháng này đã lên tiếng thừa nhận rằng tình hình căng thẳng trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí của họ trong năm nay. Theo bài viết đăng tải trên trang web của PetroVietnam hôm 3/4, tập đoàn dầu khí này nói “những diễn biến phức tạp (trên biển Đông) sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn.”

Hiện tại, Việt Nam đang xem xét rút lại một dự án hợp đồng thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ đôla Mỹ với tập đoàn ExxonMobil ở ngoài khơi bờ biển miền trung, Công ty cổ phần CNG Việt Nam cho VOA biết.

Trung Quốc cũng đã gây áp lực buộc Việt Nam trì hoãn dự án khí đốt nhiều tỷ đô la với tập đoàn ExoonMobil của Mỹ, theo nguồi tin từ trong nước của GS Vuving. Mỏ Cá Voi Xanh là một hợp tác của tập đoàn dầu khí Mỹ với PetroVietnam.

PetroVietnam nói rằng việc suy giảm sản lượng khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2018 dự báo còn diễn biến bất lợi, khó lường.




VOA
14/04/2018