PDA

View Full Version : Tục chém lợn mùng 6 Tết: Truyền thống văn hóa hay sự tụt dốc của lương tri?



duyanh
02-22-2018, 12:45 PM
Tục chém lợn mùng 6 Tết: Truyền thống văn hóa hay sự tụt dốc của lương tri?



https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2018/02/in.jpg

Sau khi Tổ chức bảo vệ động vật Animals Asia vận động chiến dịch ngừng hành hạ động vật ở lễ hội Ném Thượng, Bắc Ninh vào năm 2014, lễ hội vẫn được tổ chức đều đặn cho đến nay. Có người cho rằng nên tôn trọng tín ngưỡng dân gian, đó là truyền thống văn hóa. Thế nhưng có một truyền thống văn hóa còn lâu đời hơn, được người xưa công nhận rộng rãi, mà lễ hội chém lợn đang đi ngược lại hẳn với truyền thống đó.[/B]

Xuân này, dù người dân làng Ném Thượng đã không còn công khai chém “ông ỉ” giữa đình mà quây bạt xung quanh, nhưng chém thì vẫn cứ chém. Có vẻ như mục đích của cuộc vận động bỏ nghi lễ “rùng rợn” này vẫn chưa được hiểu đúng, bởi nó không phải chỉ là để bảo vệ người xem mà là để bảo vệ cả “vật bị hiến tế”.

Truyền thuyết và tục lệ chém lợn

Lễ hội chém lợn thường diễn ra vào mùng 6 Tết tại thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh. Khi đó những con lợn khỏe mạnh được chọn làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước đám đông, trong đó có cả trẻ em. Sau đó người xem sẽ lấy tiền quết máu lợn vào với hy vọng mang lại nhiều may mắn cho năm mới.

Lễ hội này được cho là bắt nguồn từ một truyền thuyết được dân làng truyền nhau kể lại. Người ta cho rằng sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hoặc tướng Đoàn Thượng trong một trận đánh đã đem quân chạy tới vùng núi Ném Thượng đồn trú.

Vì không có đủ lương thực cho binh sĩ, trong khi xung quanh có rất nhiều lợn rừng, nên ông đã ra lệnh chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ Thành Hoàng làng có công khai khẩn đất đai.

Sau rất nhiều tranh luận, ý kiến nổi bật nhất của bên muốn bảo tồn lễ hội là của Giáo sư Ngô Đức Thịnh. Ông cho rằng cái lý của những người yêu cầu bỏ lễ hội này là “cái lý của người đứng ngoài, không có cảm nhận văn hóa của chủ thể văn hóa”, và “trên nguyên tắc của văn hóa và tín ngưỡng thì không ai có quyền phủ nhận niềm tin tín ngưỡng của người khác, chứ chưa nói đây là của một cộng đồng”.
Thế nhưng nhìn lại xuất xứ của truyền thống này, người ta lại không thấy có sự liên quan nào giữa việc giết lợn rừng nuôi quân với chém lợn nuôi để lấy may mắn.

Ở một hoàn cảnh lâm vào đường cùng, thiên nhiên đã trợ giúp đoàn quân bằng nguồn thực phẩm dồi dào. Còn ở một hoàn cảnh khác, người ta vỗ béo động vật, rồi đem nó ra chém đôi không phải vì đói khát và cùng quẫn về miếng ăn, chỉ để tưởng nhớ về một hành động trong quá khứ mà mục đích và hoàn cảnh là hoàn toàn khác hẳn nhau.

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2018/02/1_zing-1.jpg

Những con lợn khỏe mạnh được chọn làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước đám đông, trong đó có cả trẻ em. (Ảnh: zing.vn)

Cũng không chắc rằng Thành Hoàng làng có thật sự muốn được cúng tế như thế không hay đó chỉ là một sự suy diễn của người xưa. Mà không phải sự suy diễn nào cũng đều là hợp lý.

Đối với việc ứng xử với động vật hay thiên nhiên, cổ nhân thật sự đã từng nghĩ như thế nào? Truyền thống cổ xưa, điều gì cũng có, nhưng không phải điều nào cũng hợp với lẽ của Đất Trời. Người thời nay phải biết suy xét mà gạn đục khơi trong, tìm và giữ những di sản thúc đẩy nhân tính, đồng thời bỏ đi những thứ không còn phù hợp với dòng chủ lưu Thiện lương của nhân loại.

Tư tưởng chủ đạo của cổ nhân đối với thiên nhiên và cầm thú

Trong dòng chảy chính đó của văn hóa loài người, tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh tử vốn đã được cả thế giới công nhận, là di sản văn hóa truyền thống vẫn mãi luôn còn đúng của nhân loại, chứ không chỉ của riêng người Trung Hoa. Bàn về việc trị nước, Mạnh Tử đã viết rằng:

“Không làm trái thời canh tác của dân thì thóc dư ăn; Không dùng lưới dày ở ao đầm thì cá và ba ba dư ăn; Tùy theo mùa mới khai thác gỗ rừng thì gỗ dư dùng”… “Không giết hại gà, lợn, chó vào mùa chúng sinh sản thì dân bảy mươi tuổi có thịt để ăn”.

Kinh Thánh của người phương Tây cũng có đoạn viết:

“Trong sáu ngày ngươi hãy làm công việc của mình, nhưng qua ngày thứ bảy hãy nghỉ, hầu cho bò và lừa ngươi được nghỉ” – (Xuất Ai Cập, 23:12).

Đối với thiên nhiên, con người không phải là ở cái thế làm chủ và càn quét, tham lam vô độ, thích sao làm vậy. Mà phải có thái độ chân trọng và biết ơn.

Thiên nhiên đã cho chúng ta những điều kiện cơ bản nhất để trường tồn, trong rất nhiều truyền thuyết của các dân tộc không ở gần nhau về mặt địa lý, vào cái thời thông tin liên lạc là vô cùng khó khăn, đều có chung giải thích rằng Thượng Đế, các vị Thần đã cho con người những con vật để giúp đỡ con người trong đời sống hàng ngày. Con gà để gáy sáng, con trâu để kéo cày, con chó để giữ nhà, con lợn để làm thực phẩm…

Vậy nên họ rất chân trọng các con vật, dù là phải ăn chúng, bắt chúng làm việc thì cũng không phải là vô độ, mà cũng phải cho chúng thời gian hồi phục, sinh trưởng. Con vật là để phục vụ con người, thế nhưng nếu phải giết chúng, người xưa cho rằng phải giết cho thật nhanh gọn, dao phải mài thật bén, điểm đặt dao cũng phải là nơi chí mạng, không gây đau đớn kéo dài cho con vật.


https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2018/02/love1-1.jpg

Thượng Đế và các vị Thần đã cho con người những con vật để giúp đỡ con người trong đời sống hàng ngày. (Ảnh: euntes.net)


Trong cuốn Luân Lý Giáo khoa Thư của Trần Trọng Kim cùng nhiều tác giả được dùng để dạy trẻ nhỏ ở Việt Nam những năm 40, 50 của thế kỷ trước, có đoạn về bổn phận của con người đối với cầm thú như sau:

“Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với các loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình. Vì ta cần dùng làm đồ ăn, cho nên mới phải làm thịt con gà, con chim, hoặc con dê, con lợn.

Nhưng khi làm thịt, phải giết cho nó chết ngay, đừng làm nó đau đớn, khổ sở. Ta thấy có người làm thịt con chim, để sống mà vặt lông, hay làm thịt lợn thì trói buộc cả ngày, thật là dã man lắm.

Vậy người có lòng nhân ái thì không những là chỉ thương xót đồng loại thôi, lại còn thương xót đến cả loài vật nữa”.

Con người đối với cầm thú hay vạn vật thì đều phải có lòng nhân: “Khi thấy chim và thú run rẩy kêu la thảm thiết, người ta ắt có lòng bất nhẫn. Cái lòng nhân ấy hợp nhất một thể với chim và thú. Chim và thú cùng một loại với loài có tri giác. Khi thấy cây cỏ bị đốn gãy, người ta ắt có lòng thương xót. Cái lòng nhân ấy hợp một thể với cây cỏ.

Khi thấy ngói và đá bị hủy hoại, người ta ắt có lòng thương tiếc. Cái lòng nhân ấy hợp nhất một thể với ngói và đá. Cái lòng nhân hợp nhất một thể với vạn vật ấy, ngay cả bụng dạ tiểu nhân cũng có nữa. Lòng nhân ấy là tính do trời cho, sáng láng tự nhiên, không bị tối tăm” – (Tư tưởng Vương Dương Minh, Lịch sử triết học Trung Quốc – Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007).

Đạo con người ta nên đối với cầm thú là gì?

Chẳng phải là vẫn cần có lòng nhân ái và biết ơn sao?Không phải là không ăn thịt chúng, không giết chúng, mà chúng được sinh ra là để phục vụ con người, thế nhưng con người cũng phải đối xử với “thiên chức” của chúng bằng lòng nhân ái.

Có người chê cười Khổng Tử rằng, bản thân ông nói “Nhân cập cầm thú” (lòng nhân ái đạt đến cả loài chim thú) mà vẫn bắt cá, ăn thịt. Thế nhưng cái nhân của người xưa khi đối với chim thú là ở chỗ: “Tử điếu nhi bất võng, dặc bất xạ túc”, nghĩa là câu cá thì không dùng lưới, bắn chim thì không bắn những con chim đang nằm ngủ trong tổ. Trong Hiếu Kinh, Khổng Tử cũng từng nói: “Chặt một cây, giết một con thú, nếu không phải lúc, chẳng phải là hiếu”.

Nghĩa là không phải cứ dùng cái lý “cùn” rằng nhân từ với loài vật thì không ăn thịt chúng nữa cho rồi. Chúng sinh ra cũng là để cho con người lúc cần thì dùng tới, nhờ sức, nhờ thịt, hay nhờ tiếng gáy, tiếng sủa của chúng, nhưng không có nghĩa là con người có quyền lạm dụng, tàn ác với chúng.


https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2018/02/chamsocin_680x0.jpg

“Chúng tôi coi ông như một thành viên trong gia đình, lo lắng từng bữa khi thời tiết khắc nghiệt. Nay nghĩ đến việc không còn gặp lại nữa, tôi rất buồn”, chị Phương chia sẻ sau khi lau mặt cho “ông ỉn” lần cuối. (Ảnh: vnexpress.net)

Tồn tại vì nơi khác cũng có?

Lại cũng có cái lý bảo vệ hội chém lợn rằng, nếu lên án tục chém giết đẫm máu của các lễ hội tại Việt nam thì các tổ chức nước ngoài có lẽ cũng nên xem lại môn đấu bò tót hay trò đấm bốc của con người. Đây là cái lý kiểu “các anh cũng sai thì có quyền gì mà nói tôi sai”. Là cái lý cũng “cùn” không kém.

Cái chưa đúng thì phải bị lên án, hãy tập trung vào vấn đề bị lên án chứ không phải là người lên án có xứng đáng hay không, hay người khác chưa bị xử lý thì tôi cũng cứ chây ỳ ra đó. Có nhiều cái sai tương tự còn tồn tại thì chúng ta tự cho mình quyền cũng sai cho có hội có phường sao? Nếu vậy thì đến bao giờ những thứ man rợ mới được chấm dứt?

Thứ văn hóa anh sai thì không có quyền nói tôi sai là một kiểu đè nén lẫn nhau cùng tụt lùi. Người ta không tập trung vào sự việc mà chỉ nhăm nhe tập trung vào chủ thể và phán xét, so bì lẫn nhau. Thế nên sự việc sai sẽ chẳng bao giờ được giải quyết.

Người ta nhân nhượng, nhắm mắt cho cái sai tồn tại chỉ vì không có ai đủ trong sạch để có quyền lên án, tẩy chay điều chưa đúng. Đã đến lúc vượt qua khỏi cái vòng phong tỏa đó, bằng cái nhìn phóng khoáng hướng tới tương lai tốt đẹp mà bứt phá chứ không chỉ đi so kè hơn thua.

Văn hóa truyền thống là để nhắc cho con người nhớ về những điều tốt đẹp, truyền cảm hứng và niềm tin về sự Thiện lương vốn là bản tính và cái đích của con người mọi thời đại.

hững điều đi chệch với điều đó đều không nằm trong dòng chảy chính của tri thức và tinh thần kết nối các thế hệ loài người qua hàng nghìn năm. Con người siêu việt hơn cầm thú cũng bởi cái lòng Nhân được bao thế hệ nhắc nhở và lưu truyền. Gạn đục, khơi trong là bổn phận của các thế hệ tiếp theo, chứ không phải là sự tiếp nối những tục lệ man rợ không rõ nguồn gốc.

Trương Thanh