PDA

View Full Version : Lần đầu tiên chữa khỏi thoái hóa não nhờ... virus HIV



sophienguyen
10-27-2017, 12:13 AM
Lần đầu tiên chữa khỏi thoái hóa não nhờ... virus HIV



Lần đầu tiên trong lịch sử các bác sỹ đã làm được điều mà tưởng chừng là bất khả thi khi chữa trị được bệnh thoái hóa não gây tử vong bằng liệu pháp chỉnh sửa gene. Đáng ngạc nhiên hơn, virus HIV lại chính là chìa khóa cho sự thành công này.

Tôi phải làm gì để cứu con tôi?

Năm 2000, cháu trai của tiến sĩ Amber Salzman, thuộc Ban quản trị của Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline, được chẩn đoán mắc bệnh ALD, một căn bệnh mà cô chỉ nghe trong phim "Lorenzo’s Oil” (Liều thuốc thần kỳ của Lorenzo).
“Đấy là một đứa bé thông minh, đáng yêu. Bất thình lình, cháu ngã quỵ trước mặt tôi và hoàn toàn mất đi mọi khả năng của mình”, Salzman chia sẻ.
Cô cũng có 1 đứa con trai 1 tuổi được chuẩn đoán mang gene đột biến di truyền như cháu trai của cô. Cô nhìn vào Lorenzo’s Oil và học tập chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt nhưng không mang lại hiệu quả.
Tiến sĩ Salzman đã gặp Tiến sĩ Tachi Yamada, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển tại Glaxo và nói: “Trước khi quả bom phát nổ trong người con trai tôi và các bé trai khác, tôi phải làm gì để cứu chúng đây?”
Tiến sĩ Yamada nói với cô ấy rằng cách tốt nhất là liệu pháp gene, nhưng nó chưa bao giờ được thử nghiệm để chống lại một căn bệnh như ALD.
Thật vậy, liệu pháp gen thường không được ưu tiên sử dụng khi bệnh nhân dưới 18 tuổi bởi có nhiều trường hợp tử vong xảy ra trước đó như Jesse Gelsinger: qua đời trong một cuộc điều trị thử nghiệm. Sau đó, vào năm 2003, bốn trong số chín trẻ em được điều trị gen cho bệnh bạch cầu cũng tử vong.
Không chần chừ gì, Tiến sĩ Salzman, với sự trợ giúp của chị gái, Rachel, và các nhà khoa học khác, đã tập hợp các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, tìm ra cách sử dụng một loại virus gắn một gen ALD tốt vào tế bào của các cậu bé. Sau một khoảng thời gian nghiên cứu, virus HIV đã bị vô hiệu trở thành sự lựa chọn tốt nhất để thực hiện "nhiệm vụ" này một cách an toàn.
Các nhà khoa học cũng có chút lo ngại về việc sử dụng virus HIV trong việc điều trị. Nhưng tiến sĩ Salzman cho biết: "Tôi sẽ không từ chối thử phương án này. Tôi chỉ có thể dè dặt trước những lời phản đối”.


http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/amber-salzman.jpg (http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/amber-salzman.jpg)
Bất chấp mọi sự phản đối, tiến sỹ Amber Salzman đã kêu gọi các nhà nghiên cứu tìm phương pháp chỉnh sửa gene để điều trị cho những bệnh nhi mắc căn bệnh hiếm gặp này. (Ảnh: New York Times).
Hiệu quả bất ngờ từ liệu pháp chỉnh sửa gene

ALD thường được phát hiện ở bé trai với tỉ lệ 1/20.000, trung bình các triệu chứng đầu tiên của bệnh thường xảy ra khi bé 7 tuổi. Biện pháp điều trị duy nhất là ghép tủy xương nếu có thể tìm ra một người hiến tương thích hoặc cấy ghép từ máu dây rốn nếu còn lưu giữ khi chào đời.
Nhưng những ca cấy ghép như vậy rất khó và nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 20% và một số người sống sót được cũng bị tàn tật suốt đời.
Sau một thời gian vận động hành lang, Tiến sĩ Salzman cùng các cộng sự đã được phép tiến hành một nghiên cứu nhỏ ở Pháp, trong đó, họ đã sử dụng một dạng HIV được vô hiệu hóa để đưa vào cơ thể.
Nghiên cứu tiến hành dựa trên 17 bé trai, từ 4 đến 13 tuổi. Sau hai năm, 15 bé trở lại cuộc sống bình thường và không còn bất kì triệu chứng gì rõ ràng của bệnh; 1 bé qua đời vì bệnh tiến triển quá nhanh, vượt qua khả năng của biện pháp trị liêu; 1 bé xin rút khỏi thí nghiệm để thực hiện cấy ghép tủy xương nhưng cũng qua đời trong quá trình phẫu thuật.
Tiến sĩ Jim Wilson, giám đốc chương trình trị liệu gen thuộc Trường Y khoa Perelman của Đại học Pennsylvania, người không tham gia vào nghiên cứu, phát biểu: "Đối với tôi, nó có vẻ hiệu quả".
Tiến sĩ Theodore Friedmann, nhà tiên phong điều trị bằng liệu pháp gen tại Trường Y thuộc Đại học California San Diego, cho biết nghiên cứu này mở ra những con đường mới cho việc sử dụng liệu pháp gen để điều trị bệnh não.
"Nhiều người nghĩ rằng hệ thần kinh trung ương là khó chữa và không thể tiếp cận được. Nghiên cứu này chứng minh họ đã sai”, ông phát biểu.
Ý tưởng đằng sau việc điều trị này cũng gần tương tự như việc: lấy tế bào gốc tủy xương từ một cậu bé có đột biến gen ALD. Chèn một gene tốt vào các tế bào và sau đó truyền chúng lại vào tủy xương. Chờ khoảng một năm trong khi các tế bào gốc có gene tốt nhân lên trong tủy xương. Cuối cùng, chúng di chuyển vào não, nơi chúng từ từ biến thành tế bào thần kinh để hỗ trợ các tế bào bao quanh các nơ-ron và bảo vệ các nơ-ron. Những gene tốt này sẽ thay thế gen đột biến trong tế bào não, ngăn chặn sự suy giảm của não nếu có thể xảy ra.
David A. Williams, giám đốc khoa học tại Bệnh viện Nhi Boston và là một nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, nói rằng quy trình này cũng giải thích tại sao việc cấy ghép tủy xương lại có hiệu quả. Các tế bào tủy xương mới, từ một người hiến tặng lành mạnh, cung cấp các gen tốt cho các tế bào ở người nhận và cuối cùng trở thành các tế bào thần kinh đệm.
Điều trị kịp thời trước khi "không thể cứu chữa"

Theo các nhà nghiên cứu, liệu pháp điều trị nào cũng phải được tiến hành sớm, trước khi các triệu chứng rõ ràng. Bởi trong thời gian điều trị, bộ não của những trẻ đã có các triệu chứng rõ ràng có thể trở nên xấu đi đến mức không cứu chữa được.

http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas.jpg (http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas.jpg)
Brandon Rojas, 10 tuổi, và mẹ, bà Liliana trong căn nhà của họ ở Dover Plains, New York. (Ảnh: New York Times).
Đối với ông Paul Rojas, sống ở Dover Plains, New York, cuộc nghiên cứu liệu pháp chỉnh sửa gen đã cứu sống tính mạng cậu con trai của ông. Ông chưa bao giờ nghe nói về căn bệnh này cho đến khi con trai ông Brandon lên 7 tuổi. Vào thời điểm đó, Brandon bắt đầu chảy nước dãi, mất khả năng tập trung và liệt một bên chân. Ông đã rất shock khi nghe kết quả chuẩn đoán. Brandon đã biểu lộ các triệu chứng nên đã quá muộn để ghép tủy xương.
Bác sĩ của Brandon đã thông báo cho Rojas và vợ ông - Liliana là cậu con trai của họ đã mắc một căn bệnh vô phương cứu chữa. Rojas ngay lậo tức cho đứa con thứ hai của ông là Brian, 4 tuổi đi kiểm tra và không may là cậu bé cũng mang gen đột biến di truyền.

http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-1.jpg (http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-1.jpg)
Trong khi Brian (áo xanh) không còn dấu hiệu của ALD thì Brandon, bây giờ đã 10 tuổi nhưng không thể nói, đi lại hoặc ăn uống. (Ảnh: New York Times).
Gia đình Rojas đã không thể tìm thấy một người hiến tặng tương thích để tiến hành cấy ghép tủy xương. Nhưng sau đó, ông biết được về cuộc thử nghiệm liệu pháp chỉnh sửa gene nên đăng kí đưa Brian tham gia thí nghiệm. Hiện giờ Brian đã lên 7 và không có bất kì dấu hiệu nào của bệnh. Nhưng anh trai của Brian, Brandon - hiện nay 10 tuổi đã hoàn toàn không thể nói chuyện, đi lại hay ăn uống. Brandon phải duy trì sự sống qua ống truyền thức ăn.
Rojas cho biết; “Brian rất nhớ những ngày vui đùa chung với Brandon, Brandon chính là thần tượng của nó”.
Đối với tiến sĩ Salzman, kết quả nghiên cứu đến khi đã quá muộn. Cô phải điều trị cho con trai mình trước khi cháu phát bệnh. Nhưng cũng may là con trai cô đã cấy ghép dây rốn thành công. Tuy nhiên, cháu trai cô đã bị biến chứng và phải dùng xe lăn.

http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-3.jpg (http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-3.jpg)http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-3.jpg (http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-3.jpg)http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-2.jpg (http://img.khoahoc.tv/photos/image/2017/10/26/Brandon-Rojas-2.jpg)
Brandon năm lên 7 tuổi, lúc em được chuẩn đoán mắc ALD. (Ảnh: New York Times).


Chi phí sẽ không hề rẻ?

Sự thành công của nghiên cứu thí điểm nhỏ này đã đủ để truyền cảm hứng cho việc thành lập một công ty. Hãng dược Bluebird Bio đã tài trợ cho nghiên cứu lớn hơn với hy vọng có thể sớm đưa liệu pháp này vào thực tế.
Công ty hiện đã mở rộng nghiên cứu thêm tám bé trai, song song với nghiên cứu này là nghiên cứu riêng biệt đối với các bé trai ghép tủy xương để so sánh kết quả.
Kết quả của nghiên cứu mới này cũng làm tăng mối quan tâm thường thấy của các liệu pháp gen và các liệu pháp công nghệ sinh học mới: Phương pháp trị liệu này tốn bao nhiêu?
Bluebird Bio không trả lời câu hỏi này. (Thông thường các công ty không thông báo giá cả cho đến khi thuốc của họ được chấp thuận.)
Tiến sĩ David A. Williams, giám đốc khoa học tại Bệnh viện Nhi Boston và là một nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu này, dự đoán chi phí sẽ tương đương với việc cấy ghép tủy xương (khoảng hàng trăm ngàn đô la).
Còn với Tiến sĩ Friedmann, ông không bị cuốn theo những lập luận như vậy. Nghiên cứu trước khi các sản phẩm này được bán ra thị trường thường được tài trợ từ chính phủ liên bang hoặc từ các quỹ tư nhân.
Ông phát biểu: “Đây là một liệu pháp trị liệu và thật điên rồ khi ra giá quá cao”.
Dù vẫn còn nhiều vấn đề đang được tranh cãi nhưng không thể phủ nhận rằng, liệu pháp chỉnh sửa gen đã và đang mang lại nhiều hi vọng tìm kiếm sự sống cho các bệnh nhân đang ở bên bờ tuyệt vọng.



Loạn dưỡng chất trắng gây teo não (Adrenoleukodystrophy - ALD) là một rối loạn hiếm gặp ở trẻ em, gây ra do gen đột biến di truyền.
ALD khiến tế bào thần kinh trong não bị chết từ từ, và chỉ một vài năm sau, bệnh nhi mất khả năng nói hoặc đi lại.
Hầu hết các em phải sống đời sống thực vật, không thể nghe, nhìn, suy nghĩ hay ăn uống mà không có ống thông hỗ trợ. Bệnh nhân thường chết trong vòng năm năm sau khi được chẩn đoán.






Theo khampha