PDA

View Full Version : Truyền thông quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?



duyanh
08-04-2017, 11:52 AM
Truyền thông quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?


https://gdb.voanews.com/E38D431D-EB2B-4900-BCB2-266DFB64E14C_w1023_r1_s.jpg

Ông Trịnh Xuân Thanh (Ảnh của badamxoe -RFA)

Tin Bộ Ngoại giao Đức tố cáo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ một công viên ở thủ đô Berlin của Đức đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, sau khi vụ Trịnh Xuân Thanh trở thành tin nóng trong suốt mấy ngày qua trên các trang mạng xã hội của người Việt ở trong và ngoài nước. Báo chí quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh và về hệ quả của vụ xích mích ngoại giao giữa Việt Nam và Đức?

Truyền thông quốc tế bắt đầu chú ý tới tin Trịnh Xuân Thanh sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo hôm 2/8, tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh ‘giữa ban ngày’ từ công viên Tiergarten ở Berlin, một địa điểm du lịch ăn khách, trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường, và những người này đã đi báo với cảnh sát.

Nếu thực sự đây là một vụ bắt cóc như Bộ Ngoại giao Đức tố cáo, thì hành động liều lĩnh ấy sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ song phương. Hậu quả đầu tiên là tùy viên tình báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam bị trục xuất về nước, Đại sứ Việt Nam ở Berlin được triệu lên làm việc, và ngoài ra, một thông báo đóng cửa tạm thời bộ phận làm thủ tục visa của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội vì ‘lý do kỹ thuật’, cũng được nhiều người cho là có liên hệ tới vụ Trịnh Xuân Thanh.

Báo Financial Times, một tờ báo có uy tín ở Mỹ, hôm 2/8 giật hàng tít “Đức trục xuất Đại sứ Việt Nam sau vụ bắt cóc”, với tiểu tựa ‘Berlin khuyến cáo cú sốc có thể tác động tiêu cực tới các quan hệ song phương’.

Bài viết của ký giả Stefan Wagstyl, sau đó được tạp chí Times trích dẫn, nói Berlin trục xuất Đại sứ Việt Nam và Tùy viên Tình báo của sứ quán về nước sau vụ ‘bắt cóc’. Tác giả nói hai quan chức của Việt Nam được gia hạn 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức. Thế nhưng sau đó Financial Times cải chính tin đại sứ Việt Nam bị trục xuất khi đăng lại bài viết dưới hàng tít “Đức trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam sau vụ bắt cóc”, kèm theo lời cải chính ở cuối bài:

Bài báo này đã được đính chính sau khi phát hành. Một phiên bản trước nói đại sứ Việt Nam bị trục xuất khỏi nước Đức. Điều đó không đúng.”

Báo Financial Times nói Đại sứ quán Việt Nam ba lần không trả lời điện thoại của họ, và cũng không trả lời email của tòa soạn yêu cầu bình luận.

Hãng tin Deutshe Welle của Đức ngày 2/8 nói “vụ bắt cóc doanh nhân người Việt Trịnh Xuân Thanh ở Berlin đã khơi lên một vụ 'xích mích ngoại giao' giữa Đức và Việt Nam”, và dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nói “vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một hành động chưa hề có tiền lệ, vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế.” Bộ Ngoại giao Đức nói vụ việc này có “thể phương hại nặng nề tới các quan hệ giữa Việt Nam và Đức.”

Chính phủ Đức thừa nhận Việt Nam đã yêu cầu Đức dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg. Đức đòi Việt Nam phải lập tức đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức trở lại, để đơn xin tị nạn của ông và yêu cầu dẫn độ của Việt Nam có thể được xem xét “theo đúng trình tự pháp lý."

Tờ báo cũng trích phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng, nói bà “lấy làm tiếc về thông cáo ngày 2/8 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức”.

Luật sư của ông Thanh nói thân chủ của bà bị bắt cóc bằng vũ lực vào 10:40 sáng giờ địa phương trên một con đường gần công viên Tiergarten, trong khi truyền thông Việt Nam tường thuật tin của Bộ Công An nói ông Thanh tự nguyện ra đầu thú ở Hà nội.

Theo tờ báo thì Bộ Ngoại giao Đức phản ứng giận dữ trước những thông tin đó, và sau khi xác định ‘không còn nghi ngờ gì nữa’ về sự dính líu của tình báo Việt Nam và Đại sứ quán của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Quốc vụ Khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đã triệu Đại sứ Việt Nam ở Berlin, yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện ở Hà nội hôm thứ Hai tuần này, các giới chức Bộ Ngoại giao Đức đã cho triệu đại sứ Việt Nam ở Berlin và ra tối hậu thư cho Hà nội, là tới thứ Tư phải đưa ông trở về Đức. Hết thời hạn đó, các giới chức Đức mới lên tiếng và dùng những lời lẽ gay gắt “bất thường” để lên án vụ bắt cóc.

Deutsche Welle còn dẫn lời ông Hoàng Tứ Duy, đại diện của Việt Tân, bày tỏ kinh ngạc trước vụ bắt cóc ông Thanh. Ông Duy nói: “Bắt cóc những nhân vật bất đồng là điều mà tình báo Việt Nam thường tìm cách thực hiện ở Đông Nam Á, nhưng chưa từng nghe xảy ra ở các nước Tây phương. Chính phủ Đức cần lên án hành động trắng trợn này bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất.”

Báo Washington Post và các hãng tin quốc tế khác như Reuters, AFP, đều thuật lại những tình tiết quanh vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, và điểm qua những dấu mốc trong sự nghiệp của ông Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam, thời ông nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trước khi trở thành đối tượng của lệnh truy nã đỏ.

Báo Deutche Welle nhắc tới chiến dịch chống tham nhũng đang được đẩy mạnh ở Việt Nam, mà tờ báo miêu tả là được dùng như “một vũ khí chính trị”, như ở Trung Quốc.

Deutche Welle nói có nhiều lý do để Hà nội đeo đuổi ông Trịnh Xuân Thanh, ngoài cáo trạng gây thua lỗ lớn cho PVC.

Tờ báo Đức dẫn lời ông Thanh trong một cuộc phỏng vấn với blogger Người Buôn Gió ở Berlin cách đây vài tháng, nói rằng ông thuộc một phe cánh của Đảng Cộng sản Việt Nam mà giờ đã trở thành một mối nguy cho cựu Chủ tịch nước và đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Thanh dọa sẽ công khai các cấu trúc quyền lực trên chính trường Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đấu đá tranh giành quyền lực đang tiếp diễn giữa một bên là thành phần bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và bên kia là thành phần ủng hộ cải cách theo xu hướng tư bản thực tiễn, mà hiện giờ phe bảo thủ đang chiếm thế thượng phong. Ông Thanh nói cũng giống như ở Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng đã trở thành “phương pháp được ưa chuộng để loại bỏ các đối thủ chính trị.

Trễ hơn trong ngày 3/8, đài VTV phát hình đoạn video ông Thanh ra đầu thú ‘để được hưởng sự khoan hồng’, câu chuyện bắt đầu từ một status trên trang facebook của Trương Huy San- Osin Huy Đức hôm 30/7, hỏi “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!” giờ hứa hẹn sẽ còn nhiều tình tiết ly kỳ trong những ngày tới.



VOA
04/08/2017