View Full Version : Nhật ký Rồng Rắn
sophienguyen
06-07-2017, 01:20 AM
Nhật ký Rồng Rắn
tác giả :Trần Độ
https://2.bp.blogspot.com/-48qD2JipByc/Uf-NYp6z_TI/AAAAAAAAIt4/WjPUWg8ucG0/s1600/trando12-Nhat+ky.jpg
http://www.mediafire.com/file/56pvctthxoj9v9f/Nh%E1%BA%ADt_k%C3%BD_r%E1%BB%93ng_r%E1%BA%AFn.pdf
Lời đầu
Ông Trần Độ(Năm 2000 - Canh Thìn, và 2001 - Tân Tỵ)
Đây là tập nhật ký lúc cuối đời của ông Trần Độ, người đã từng hy sinh cả cuộc đời cho đảng cộng sản, để rồi khi ông nhìn thấy rõ những tội lỗi mà đảng này đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, ông nói lên tiếng nói trung thực thì liền bị đảng trù dập bạo tàn. Ông bị quản thúc chặt chẽ cho đến lúc chết, và ngay trong tang lễ của ông, đảng cũng thực hiện những thủ đoạn bất nhân đối với người đã chết, kiểm soát từng người đến tham dự, kiểm duyệt từng dòng chữ trên những vòng hoa phúng điếu... Tập "Nhật ký rồng rắn" của ông đã bị công an tịch thu, nhưng tập bản thảo đã được những nhà đối kháng kịp lưu trữ và phổ biến. Chúng tôi xin gửi đến qúy độc giả tập hồi ký này đăng nhiều kỳ liên tiếp. (VNN)
“…Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ…”
Để tặng các bậc lão thành và các cựu chiến binh hai cuộc kháng chiến, cùng các nhà trí thức và tất cả những ai quan tâm đến tiền đồ đất nước
Lời đầu
Bản viết này để tặng các bậc lão thành cách mạng, các bậc trí giả và các người có trọng trách lãnh đạo hiện nay.
Đây không phải là các luận văn, và không phải các bài văn chương. Đây là một tấc lòng “để tặng người đời và cuộc đời”.
Đây là những ý nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm Rắn, và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia.
Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người.
Đây chỉ là những ý nghĩ được ghi lại trong những ngày cuối năm Thìn và đầu năm Tỵ nên được gọi là nhật ký và nhật ký Rồng Rắn.
sophienguyen
06-07-2017, 01:22 AM
PHẦN MỘT
I. Hiện nay, cái gì là quan trọng nhất ?
14.11.2000
Thử nghĩ về tình hình đất nước Việt Nam hiện nay.
Thử nêu một câu hỏi?
Điều gì là điều quan trọng nhất cho đất nước hiện nay, điều gì là quan trọng cốt tử?
Đó là tìm ra con đường phát triển đất nước cho mau chóng để thoát khỏi nghèo khổ, lạc hậu, để bù lại 50 năm gian khổ và 30 năm chiến tranh, gọi tắt là tìm đường phát triển.
Nay lại có vấn đề quan trọng hơn, quan trọng nhất, là: giải quyết bằng được cái gọi là Chủ nghĩa xã hội, đề cao và giữ vững vai trò của Đảng cộng sản?
Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và nước có tên là: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa” thì đất nước ra thế nào? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không? Thắng lợi 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hoá, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải.
Đó có phải là một sự thật hiển nhiên không?
Đảng cộng sản chân chính thì coi việc “phát triển đất nước” là quan trọng hơn là cố giữ vững và đề cao vai trò của Đảng.
Mọi tư duy phải xuất phát từ điểm này. Hồ Chí Minh cũng luôn nói về Đảng rằng Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và dân tộc. Thế là rất đúng.
17.11.2000
Nếu chỉ lấy yêu cầu phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng nhất để xem xét, thì thử hỏi:
Có nhất thiết chỉ có chủ nghĩa Mác- Lênin, chỉ có chủ nghĩa xã hội, mới làm cho đất nước phát triển hay không? Nếu chỉ cần nêu cao vai trò của Đảng, thì có nghĩa là đất nước phát triển hay không phát triển là không quan trọng.
Vậy hãy cứ xem quanh ta: Đài Loan, Đại Hàn, Singapore và thêm nữa, Thái Lan và Malaysia, mấy nước này có do chủ nghĩa Mác-Lênin hướng dẫn không? Những nước ấy có cần có một Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối theo chủ nghĩa xã hội không? Thế mà cả 5 nước ấy, khi bắt đầu còn nghèo khổ, vậy mà chỉ sau khoảng 20-30 năm họ đã trở thành những nước phát triển rõ ràng, nhân dân đa số có đời sống khá phong lưu.
Họ không có một Đảng cộng sản “tài tình”, “sáng suốt”, mà chỉ có những chính khách, có được chính sách kinh tế xã hội thông minh và có hiệu quả. Còn Việt Nam, kể từ khi toàn thắng trong cuộc chiến tranh đến nay đã hơn 25 năm và sắp sửa có hoà bình 30 năm, dài bằng thời gian chiến tranh rồi, mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Chậm hay nhanh không quan trọng, cứ phải là xã hội chủ nghĩa đã. Thế tại sao hiện nay đất nước lại có những mặt phát triển rõ rệt là nông nghiệp, thương mại. Là vì nông dân được tự do làm ăn, tiểu thương được tự do buôn bán, là nhờ sau Đại hội VI, hai mặt đó được mở ra. Mới chỉ thế thôi, đất nước đã chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng còn nhiều người, nhiều cái không được tự do, còn nhiều trở ngại. Muốn cho đất nước phát triển nhanh thì cần phải làm sao cho mọi người dân đều được tự do làm ăn, nông dân, thương nhân, nhà doanh nghiệp (nhà doanh nghiệp sẽ kéo theo công nhân), các nhà khoa học, trí thức văn nghệ sĩ. Tất cả đều phải được tự do.
Tự do là chìa khoá của phát triển.
Tôi nghĩ thế này: nước Việt Nam ta hiện nay, sau bao nhiêu năm đấu tranh và chiến tranh gian khổ, cần phải hoà bình phát triển và cần phải phát triển nhanh, để bù lại những thời gian đã mất, và để theo kịp các nước chung quanh. Đó là mục đích và yêu cầu quan trọng nhất của đất nước. Những cái khác là phụ. Do đó, để phát triển đất nước thì rõ ràng ta phải tìm đường lối nào, học thuyết nào phục vụ được yêu cầu đó.
Nếu thật sự coi phát triển đất nước là quan trọng nhất thì Đại đoàn kết dân tộc là quan trọng hơn đấu tranh giai cấp; trí thức quan trọng hơn công nhân và nông dân; phát triển sức sản xuất là quan trọng hơn mọi thứ; để dân làm chủ mọi lĩnh vực quan trọng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu thập được nhiều ý kiến khác nhau và trái ngược nhau kể cả về đường lối chính sách, quan trọng hơn là bắt mọi người phải tuân theo một quan điểm, một ý kiến.
22.11.2000
Thật ra, không cần phải tranh cãi lý luận nhiều. Cứ nhìn một số sự thật hiển nhiên thế này:
- Cả thế giới, cả cuộc đời cứ vận động và cứ diễn biến, khó có thể dự liệu trước được.
- Trên thế giới có đến hơn 100 nước không cần chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội, không cần có Đảng cộng sản “tài tình” và “sáng suốt” mà cứ phát triển đến trình độ giàu có, văn minh cao. Gần 100 nước khác còn đang nghèo đói cực kỳ, nhưng họ cũng không phát triển theo chủ nghĩa xã hội.
- Bây giờ chỉ còn lại có 4 nước theo chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội. Trong đó nước lớn nhất và quan trọng nhất thì miệng nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng họ đưa đất nước tiến lên theo kiểu “có màu sắc Trung Quốc”. Họ phải chơi với Mỹ, xác định vai trò kinh tế tự do và vai trò kinh tế tư nhân. Còn Bắc Triều Tiên cũng đang buộc phải mở cửa, phải hoà hợp với Nam Triều Tiên để thoát khỏi cảnh đói nghèo và khó khăn.
- Nửa đầu thế kỷ, Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, rồi Liên Xô ra đời và sau đó, cả một thế giới xã hội chủ nghĩa hình thành, có sự phát triển một thời rất mạnh. Nhưng sau 70 năm thì chủ nghĩa xã hội không phát triển kịp với thế giới, bị sụp đổ và tan rã. Tiếp theo đó, nhiều Đảng cộng sản phải thay đổi tôn chỉ và đường lối. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa không hề tỏ ra nhớ tiếc.
- Càng ngày càng rõ ra là chủ nghĩa Mác - Lênin không dự đoán đúng được mọi việc, không giải quyết được tất cả mọi vấn đề mới nảy sinh của cuộc sống. - Có người nói cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga thành công và Liên Xô ra đời là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20. Vậy thì sự sụp đổ của cái “quan trọng” ấy lại càng “siêu quan trọng”.
- Ở Việt Nam, từ 1975 đến 1985 ta chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Điều đó đã làm đất nước và nhân dân khốn khổ. May mà năm 1986, Đảng cộng sản phải nghe theo dân và phải đổi mới, nhưng sự đổi mới ấy lại cứ nửa vời, chập chờn, làm cho sự phát triển đất nước cũng cứ chập chờn, cứ nhùng nhằng, do đó đã qua đi 25 năm mà tương lai chưa hứa hẹn gì nhiều. Trong khi đó sự tụt hậu cứ càng ngày càng tụt xa, ta không sao theo kịp các nước không xã hội chủ nghĩa. Như vậy “xã hội chủ nghĩa” chỉ là một lý thuyết của một học thuyết chưa được chứng thực (chỉ mới có sự chứng thực của sự thất bại và đổ vỡ sau 70 năm tưởng rằng đã thành công).
Như vậy nó không thể là con đường duy nhất để phát triển đất nước.
Cách mạng và xây dựng, và tiến hoá
Hình như mỗi xã hội, mỗi đất nước trong tiến trình phát triển của mình đều phải trải qua những thời kỳ cách mạng và thời kỳ xây dựng.
Cách mạng là đập phá, đánh đổ. Nó có ý nghĩa xây dựng ở chỗ nó đập phá và đánh đổ những cái gì là lỗi thời cũ kỹ để tạo điều kiện cho những cái mới mẻ, cái tiến bộ ra đời và phát triển.
Khi xây dựng thì vẫn tiếp tục phải loại bỏ những cái gì lạc hậu, lỗi thời, cũ kỹ, phản động, nhưng xây dựng thì chủ yếu phải có việc xây đắp và tạo ra những giá trị mới cả tinh thần vật chất làm cho xã hội tiến bộ và phát triển cao hơn.
Nhưng cho đến ngày nay, với sự phát triển rất cao của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, thì hình như ỏ tất cả các xã hội nhân dân đều mong muốn đất nước phát triển hoà bình và mong muốn tránh bớt những bạo lực, những lật đổ và chiến tranh. Phải chăng lịch sử loài người đã bước sang kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên hoà bình và loại trừ bạo lực, loại trừ chiến tranh? Nhân dân chỉ muốn tiến hoá, chứ không muốn cách mạng bạo lực! Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử kéo dài gồm những cuộc chiến đấu chống xâm lược giành độc lập, hoà bình xây dựng, rồi lại bị xâm lược. Và lại chiến tranh chống xâm lược. Qua quá trình đó mà đất nước ta trưởng thành và phát triển. Cho đến nay, đất nước đã được hoà bình độc lập, thống nhất.
Không biết tương lai loài người sẽ phát triển, tiến bộ thế nào và do đó đất nước ta sẽ gặp những tình huống thế nào? Nhưng chắc chắn là những bước đi sắp tới của ta cũng không có thể lặp lại y nguyên những tình hình trước đây. Tuy nhiên, trước mắt ta thấy rất rõ là đất nước ta đang ở chỗ đã thực hiện được 3 chữ trong 5 chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra: đó là một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Ta đã đạt 3 chữ hoà bình, độc lập, thống nhất. Ta đang phải thực hiện cho được 2 chữ dân chủ và giàu mạnh.
Theo cách khác, cũng do Hồ Chí Minh nêu ra 3 chữ:
1. Độc lập,
2. Tự do,
3. Hạnh phúc.
Ta đã đạt được độc lập và phải tiếp tục thực hiện nốt tự do và hạnh phúc, cũng tức là hai chữ dân chủ và giàu mạnh.
Hồ Chí Minh đã nói một câu mà bây giờ rất nhiều người biết và nhắc đến: “Độc lập mà không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng vô nghĩa”.
Như thế cũng có nghĩa là phải có dân chủ và giàu mạnh. Nhiều người cho rằng: có xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên có tự do hạnh phúc. Nhưng sự thật lớn của thế giới đã chứng thực là không phải vậy. Chiến tranh lớn và các hoạt động bạo lực, lật đổ càng ngày càng trở nên lạc hậu lỗi thời.
Để có tự do và hạnh phúc, không nhất thiết phải có bạo lực, không nhất thiết phải đánh đổ ai. Thậm chí ngày nay có những nền độc lập giành được cũng không cần có bạo lực và chiến tranh. Hiện nay nước ta đang bước vào xây dựng, mà xây dựng thì phải hoà bình, mà hoà bình xây dựng thì đất nước cũng hoà bình phát triển, tiến hoá ngày càng cao.
Không nên lạm dụng chữ cách mạng. Ta bây giờ không phải là cách mạng chống ai cả, không phải đánh đổ ai cả. Xây dựng hoà bình thì phải đoàn kết, có gì trở ngại thì hoá giải nó để tiến lên. Ta đã làm chủ đất nước. Vậy thì ta thực hiện cái nguyên lý mà Đảng cộng sản đã nêu ra và đề cao chất ngất. Đó là phê bình và tự phê bình. Ta có thể tự phê bình dân tộc, tự phê bình chính quyền, tự phê bình các cơ quan. Tự phê bình thì sẽ tiến bộ và có dân chủ. Tự ca ngợi, lại tự ca ngợi quá nhiều, quá đáng, thì đó là chỉ dấu báo hiệu sự tàn tạ.
Không được lạm dụng chữ cách mạng. Ta đang xây dựng thì chỉ có xây dựng: xây dựng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể lúc nào cũng phải có chương trình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng phải hành động cách mạng.
Sản xuất không phải là cách mạng. Giáo dục không phải là cách mạng. Đại hội cũng không phải là cách mạng. Hội nghị liên hoan văn nghệ càng không phải là cách mạng. Chống lụt chống bão, cứu trợ từ thiện cũng không phải là cách mạng. Ở rất nhiều nơi, nhiều lúc, không cần đến cách mạng. Nhưng ở tất cả các nơi đều cần có tự do, và lớn nhất là “tự do làm ăn” phải có tự do hưởng lợi ích của kết quả sự làm ăn đó.
Chính quyền bây giờ không phải là chính quyền cách mạng. Điều đó chỉ có ý nghĩa khi cách mạng vừa mới thành công.
Ngày nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng.
Chính quyền xây dựng thì phải có những chủ trương, chính sách làm cho mọi người dân đều được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm thông tin và trao đổi thông tin. Như thế tự do làm ăn mới thực hiện được. Xây dựng thì hàng ngày hàng giờ phải tạo ra những giá trị mới, từ nhỏ đến lớn. Nhưng công tác tư tưởng của Đảng thì lại chỉ quan tâm tới những công việc có ý nghĩa - có ý nghĩa kỷ niệm, có ý nghĩa lịch sử vv…, mà không quan tâm tới những công việc có hiệu quả tạo ra những giá trị mới.
Nguyện vọng tha thiết và sâu sắc của dân là được quyền sống, được quyền tự do kiếm sống nuôi mình, được quyền tự do lo cho con cái, cháu chắt. Mọi người ai cũng đều mong có nhà, có phương tiện đi lại, có phương tiện học tập giải trí. Muốn thế phải được tự do làm ăn, tự do thu nhập hợp pháp. Đó là điều cốt yếu và là lý tưởng thiết thực, chứ không cần một thứ tinh thần cách mạng để đánh đổ ai, không cần một lý tưởng cách mạng xã hội nào. Chính quyền của nhân dân cần hiểu rõ điều đó. Chỉ có nhân dân được tự do, đất nước mới phát triển được. Làm khác đi chỉ trở ngại cho sự phát triển của đất nước.
Ở Việt Nam cuộc cách mạng 50 năm đã đập tan được cái gì và xây dựng nên cái gì?
3.12.2000
Quanh đi quẩn lại vẫn phải trả lời cho câu hỏi: nước ta đã từ cái gì bước sang cái gì và hiện đang là cái gì?
Rõ ràng là ta đã từ chiến tranh bước sang hoà bình, đang từ tình trạng cách mạng bước sang tình trạng bình thường.
Và cũng có thể nói cách khác là ta đã từ tình thế chiến tranh cách mạng bước sang cuộc sống hoà bình đời thường.
Ai cũng phải nhận thấy rằng tình thế chiến tranh và cách mạng là tình thế không bình thường, là tình thế bất thường. Và hoà bình xây dựng là bình thường, là đời thường. Những ai cả đời, hoặc phần lớn cuộc đời, sống trong chiến tranh và cách mạng là những người có cuộc đời phi thường. Nhưng dù như thế những người phi thường đó cũng phải có một cuộc sống đời thường: ăn, ngủ, mặc, ốm đau, học tập, giải trí, nhất là lấy vợ (chồng) đẻ con, nuôi con vv… Chỉ có điều những chi tiết cuộc sống đời thường đó đã phải giải quyết và thực hiện một cách bất thường.
Bây giờ phải giải quyết và thực hiện cuộc sống đời thường đó một cách bình thường.
Đó là lẽ tự nhiên, và lẽ tự nhiên đó phù hợp với sự tự nhiên của tạo hoá. Ai cứ muốn làm khác lẽ tự nhiên đó thì trở nên gàn dở và điên cuồng.
Cuộc sống chiến tranh và cách mạng có những yêu cầu đặc trưng của nó. Những yêu cầu như:
• Có Đảng lãnh đạo tuyệt đối toàn diện;
• Có nguyên tắc tập trung dân chủ. Có yêu cầu kỷ luật sắt, chỉ có chấp hành không bàn cãi;
• Chịu đựng gian khổ, hi sinh;
• Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Đó là những yêu cầu cần thiết và hợp lý, mỗi người và toàn thể nhân dân vui lòng chấp nhận, tự nguyện chấp nhận và thực hành. Và thực sự, cuộc đấu tranh đã nhờ những yêu cầu đó mà có sức mạnh để giành thắng lợi.
Nhưng khi đất nước đã chuyển sang hoà bình xây dựng và cuộc sống đời thường thì không thể tiếp tục yêu cầu như vậy được nữa.
Trước đây phải có một Bộ chỉ huy, một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ để lãnh đạo và chỉ huy chiến tranh và cách mạng. Bộ máy lãnh đạo có quyền đề ra những yêu cầu như vậy và mọi người sẵn sàng tự nguyện tuân theo.
Nhưng không thể cứ kéo dài những yêu cầu đó trong hoà bình và xây dựng.
Nếu cứ tiếp tục cứ yêu cầu như vậy trong hoà bình xây dựng thì đó là phản tiến bộ, phản dân chủ, là phản động.
Trong điều kiện hoà bình xây dựng, tức là trong đời thường cần có một bộ máy quản lí xã hội phù hợp với cuộc sống đời thường.
Tôi được đọc ý kiến của một số nhà nghiên cứu nêu lên một cách có lý luận là một xã hội đời thường như vậy cần có 4 thứ: (coi như 4 bánh xe của một cỗ xe)
1. Một xã hội công dân.
2. Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi.
3. Một nhà nước pháp quyền.
4. Một nền dân chủ đầy đủ.
Như vậy là một xã hội đời thường phải có: xã hội công dân, thị trường, pháp quyền và dân chủ.
Bộ máy quản lý xã hội ấy là một bộ máy dân chủ. Nói dân chủ thì cứ phải dân chủ đã, không phải chưa nói dân chủ đã đề phòng “dân chủ quá trớn”, đề phòng “lợi dụng dân chủ”. Khi dân có dân chủ thì dân phải “dùng” cái quyền dân chủ đó, “dùng” không phải là “lợi dụng”. Mà dân chủ nào cũng là dân chủ có quy chế, có quy tắc. Ai làm sai những quy chế, quy tắc đó thì phải phạt. Người đứng đầu như Chủ tịch, Thủ tướng, Chánh án, Giám đốc mà làm sai quy chế dân chủ thì cũng phải phế truất, không thể có chuyện đổ cho người ta tội “dân chủ quá trớn” và “lợi dụng dân chủ”. Và tại sao lại chỉ đề phòng “lợi dụng dân chủ” mà không đề phòng “lợi dụng không dân chủ”? Bộ máy quản lý xã hội dân chủ là một bộ máy phải được xây dựng nên một cách dân chủ, nó có đủ quyền hạn mà nó được phân công, nhưng quan trọng nhất là nó phải được giám sát, tức là phải được nhân dân giám sát và các cơ quan trong bộ máy ấy giám sát lẫn nhau. Muốn thế phải thực hiện tự do ngôn luận và tự do bầu cử.
Ở ta, những điều đó đã được ghi trong Hiến pháp. Phải rà soát lại, phải thay đổi tất cả các bộ luật và các điều luật để bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp.
Nhưng rõ ràng có nhiều hiện tượng người dốt người kém lại cai trị, điều khiển người có tri thức; người không biết chuyên môn lại có quyền sai bảo dạy dỗ người có chuyên môn; người có trình độ rất thấp lại đi dạy dỗ chỉ đạo khắp nơi khắp chốn. Những hiện tượng đó là có thật, có thật rõ ràng, ai ai cũng thấy, ai ai cũng biết.
Quả là vào thập kỷ 80 thì cả nước mong ước thoát khỏi khủng hoảng toàn diện. Quả là đất nước lúc ấy ở vào tình trạnh “suýt chết”. Đó là chưa kể sau khi thắng lợi, hàng trăm nghìn người đã bỏ nước ra đi. Thế là hình thành nhiều trung tâm người Việt ở thế giới gần 2 triệu người.
Vậy là tại sao? Tình trạng đó có phải do kẻ địch nào tạo ra, có kẻ địch nào bịa ra để nói xấu ta?
Không!
Tất cả những ai đến nay ở tuổi 40-50 đều chứng kiến, cả “thắng lợi” lẫn “suýt chết”!
Vậy là do đâu?
Quả thật là 50-70 năm vừa qua, đất nước ta đã trải qua nhiều biến động long trời lở đất, đã biến chuyển vĩ đại từ một đất nước nô lệ không tên tuổi trên thế giới, cực kỳ đói nghèo, dốt nát và lạc hậu, đầy nhục nhã, đầy dối trá, lừa đảo, đầy tệ nạn và oan khuất, trở thành một đất nước tên tuổi lừng lẫy, sự đói nghèo đó giảm bớt, sự dốt nát bị tiêu diệt.
Suốt quá trình đó, đều có vai trò nổi bật của Đảng cộng sản Việt Nam, có lúc tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Nhưng tất cả những thắng lợi và tiến bộ ấy không thể quy hết vào công của Đảng cộng sản được, tuy rằng Đảng cộng sản có công lớn. Cũng không thể quy hết công vào chủ nghĩa Mác được.
Vì 50 năm và 70 năm ấy, nhiều nước ở quanh ta cũng có những biến chuyển lớn, lớn hơn cả nước ta. Họ đã từ nghèo nàn lạc hậu trở thành những nước giàu có và văn minh, còn nước ta vẫn còn ở trạng thái tụt hậu, đang phải cố gắng đuổi theo, mà sự đuổi theo ấy còn đang đuối sức.
Những nước ấy không hề nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản. Đó là một sự thực hiển nhiên, bất cứ ai dù có nhắm mắt cố tình cũng không thể không nhìn thấy.
Hiện nay những người khoảng trên 70 tuổi, tức những người được sinh ra trước năm 1930, cũng tức là những người đã được sống trong xã hội trước Cách mạng Tháng 8, thường có sự so sánh mặt nọ mặt kia của xã hội ngày nay với xã hội ngày xưa.
Khi so sánh như thế, ai nấy cũng đều thấy xã hội ta, đất nước ta ngày nay được độc lập, đã “sạch bóng quân xâm lược”. Thật là rõ ràng, hiển nhiên ngày nay dân ta có đời sống khá hơn nhiều so với trước đây. Trước đây là đường phố đầy người chết đói và ăn mày, ngày nay một người dân trung bình cũng mơ ước và có khả năng thực hiện một ngôi nhà cho mình, cho con, một xe máy, một bộ ti vi, tủ lạnh, bếp ga, nhất là đối với người ở thành phố và đô thị. Như thế so với thời chết đói và ăn mày thì đã là một trời một vực. Cái chuyện thời nay khác thời trước cách đây 50- 70 năm là một sự thường vì nhiều nước được như thế và còn hơn thế nữa. Không thể nói là nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản được.
Nhưng còn xã hội ngày nay đã tốt đẹp chưa? đã tự do, dân chủ chưa? thì không ai thấy được. Nhưng ai cũng thấy rằng:
1. Xã hội hiện nay có một bộ máy quản lý to lớn kềnh càng quá, nhất là ở xã phường và huyện tỉnh. Bộ máy lại có nhiều Quan quá. Có một thời chữ Quan mất đi rồi, thay vào đó là chữ “Cán bộ”, “Đồng chí”. Nhưng ngày nay chữ “Đồng chí” chỉ còn trên giấy, còn thường ngày dân vẫn nói “các Quan” và “Quan càng to, càng nhiều bổng lộc”. Ngôn ngữ ấy trở lại như ngày xưa, trong xã hội rất nhiều người cũng cố gắng “phấn đấu” để được làm Quan. Vợ kiêu hãnh vì có chồng là Quan, con hãnh diện vì có bố, mẹ là Quan. Điểm này, xã hội ngày nay giống trước và trắng trợn, tệ hại hơn trước.
2. Càng Quan to thì lễ lạt, biếu xén càng to và bổng lộc càng nhiều.
3. Nhiều Quan to có mức độ sống không kém gì các quan ở những nước giàu có (nhà cửa, xe cộ, quần áo, ăn uống).
4. Trong bộ máy, có nhiều người khiến nhân dân phải sợ, phải kiêng nể, có nhiều bộ máy to nhỏ đáng sợ. Dân phải sợ công an, sợ cán bộ Đảng, vì cán bộ Đảng giống công an quá, cũng hay dò la, xem xét, hay doạ nạt. Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố, là hình ảnh doạ trẻ con được “Ấy chết, chú Công an kia kìa!”.
5. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khá đông đảo, nhưng không bênh vực được nhân dân chút nào. Nhân dân vẫn phải khiếu kiện nhiều, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người (tức là biểu tình), vừa gửi đơn, vừa muốn trực tiếp đưa đơn, có rất nhiều trường hợp oan trái và oan khuất từ đời cha, đời ông đến đời con, đời cháu.
Những điều đó, báo chí lẻ tẻ đều có nói đến, nhưng còn rất ít. Phải nghe nhân dân nói với nhau ở hè phố, góc chợ và khắp nơi mới thấy rõ được bức tranh xã hội thật.
Vậy một xã hội mà ta mơ ước, ta lý tưởng hoá, lại tồn tại trong hiện thực như vậy, thì có thể coi là ta đã xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay chưa?
Ta đã từng mơ ước, và từng lý tưởng hoá, ta đã từng chỉ ra là xã hội tương lai sẽ không có thất nghiệp, không có cờ bạc, không có gái đĩ, không trộm cắp vv... Nhưng xã hội ta ngày nay như thế nào? Vẫn có đầy đủ các tệ nạn của một xã hội cũ mà ta đã từng nguyền rủa và đã từng đập tan. Trước đây ta cho rằng chỉ có xã hội tư bản mới xấu xa như thế. Còn xã hội xã hội chủ nghĩa thì một trăm phần trăm tốt đẹp, một trăm phần trăm ngược lại với xã hội tư bản.
Thực ra, chủ nghĩa Mác rất nhân đạo, rất nhiều lòng tốt, nó chỉ ra cho loài người một tương lai sáng lạn: sẽ không có tư hữu, do đó không có bóc lột, thế là cuộc sống xã hội hoàn toàn công bằng và dân chủ.
Nhưng thực tiễn cuộc sống chỉ ra rằng nó không thể đơn giản như vậy. Hình ảnh ấy chỉ là một cái bánh vẽ khổng lồ. Thực tiễn cuộc sống khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Loài người cứ phải tìm kiếm và tìm kiếm, tạo ra cho mình những kinh nghiệm và những giá trị tốt đẹp. Xã hội tư bản có những cái xấu, nhưng trong xã hội đó, nhân dân cũng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho mình, miễn là nhân dân được tự do. Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng có nhờ nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm được mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người, chỉ là một ảo tưởng hão huyền.
Thế mà Đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.
Đảng cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng.
Nhân dân cần được tự mình làm chủ cuộc đời của mình, nghĩa là phải được tự do sống, tự do làm ăn, rồi mọi việc của cuộc sống sẽ được giải quyết dần, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả.
Nói đúng hơn là nhân dân cần đến tất cả các học thuyết, các chủ nghĩa, rồi nhân dân sẽ chọn lọc, cân nhắc, so sánh chúng với nhau để tìm ra cái nào có lợi cho đường đi của mình.
Đảng nào sáng suốt và tài tình là đảng tạo ra được những tự do như vậy cho nhân dân. Chứ còn đảng nào mà cứ bắt nhân dân phải nghe theo và sống theo các nghị quyết của mình thì đảng ấy chỉ là duy ý chí một cách dốt nát và tàn bạo.
Đảng ấy quyết không thể tồn tại.
7.12.2000
Tiếp tục câu hỏi lớn: cuộc cách mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam?
Cứ xem xã hội Việt Nam hiện nay, cuộc sống Việt Nam hiện nay, thì có thể thấy một nét lớn rất đau lòng là: tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng đã có lúc xoá bỏ và đập tan thì nay đang được khôi phục lại hoàn toàn, mà khôi phục lại còn mạnh hơn, cao hơn, nhân danh cách mạng.
Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính.
Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói … Những điều luật quy vào các tội: có hại cho lợi ích cách mạng, không lợi cho sự nghiệp cách mạng, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo vv… để đàn áp tàn khốc mọi tiếng nói.
Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hoặc ít nhất cũng không muốn suy nghĩ gì, nói năng gì. Thực ra, nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch.
Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Đảng, lệ thuộc vào cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm.
Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài.
Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ.
Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống cuả con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc.
Nó đang làm hại cả một nòi giống.
9.12.2000
Vẫn có một câu hỏi lớn mà không biết có tìm được câu trả lời thoả đáng hay không? Câu hỏi đó là:
Nhân dân Việt Nam, sau 70 năm đấu tranh gian khổ và 30 năm chiến tranh ác liệt với những hi sinh rất lớn lao và sâu sắc đã mang lại cho mình, cho đất nước một chế độ xã hội và một chính quyền thế nào? một xã hội kiểu gì?
Ta biết chắc là có những câu trả lời ngon lành như sau:
“Ta đang có một chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và có một xã hội xã hội chủ nghĩa cũng rất tốt đẹp. Vì nhà nước của ta ngày nay tên là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng cộng sản lãnh đạo. Bản chất của chế độ ta là công bằng dân chủ, nhân dân rất hạnh phúc.”
Đó là câu trả lời chính thống.
Ai nói khác đi là chống lại chủ nghĩa xã hội, chống lại Đảng cộng sản. Nhưng người dân thường và nhất là nhiều bậc lão thành, nhiều nhà trí thức và cả nhiều thanh niên nữa, đều thấy là không phải thế. Những người này thường lấy sự thực thường ngày ra đối chiếu, rồi thấy rằng chữ xã hội chủ nghĩa thật là vô duyên và vô nghĩa. Vì vậy đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nên trở lại với tên nước mà Hồ Chí Minh đã đặt: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
sophienguyen
06-07-2017, 01:24 AM
Phần I - (TT)
II. Chế độ xã hội chủ nghĩa và chính quyền hiện nay
là thế nào và là cái gì ?
Hãy nhìn vào sự thật rõ ràng và những đặc điểm đang có mà xem xét.
12.12.2000
Phải thấy một cách rõ ràng là sau Cách mạng Tháng 8. 1945 ở Việt Nam đã có một chính quyền cách mạng, tên là Việt Nam dân chủ cộng hoà, với 3 tiêu ngữ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, thuận theo tôn chỉ của chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc.
Chính quyền mới xuất hiện với những bộ máy, cung cách làm việc và những con người trái hẳn với chính quyền thực dân phong kiến trước kia. Nhân dân nô nức đi bầu ra Quốc hội, được thấy những đại biểu gần gũi và quen biết của mình. Đặc biệt nhất là hàng ngày thấy và nghe một vị Chủ tịch nước rất bình dân, giản dị, nói năng dễ hiểu và thân gần với tất cả các tầng lớp dân từ nông thôn đến thành thị, miền ngược đến miền xuôi, từ trẻ nhỏ đến cụ già. Mọi người sống trong không khí hữu ái, bạn bè, bình đẳng, không còn ai phải sợ ai. Một không khí dân chủ mới mẻ bao trùm cả xã hội.
Chính quyền ấy phải lãnh đạo và bảo đảm sự lãnh đạo toàn dân đi vào cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến càng diễn ra rộng khắp và ác liệt thì nhiều yêu cầu khắt khe càng được đặt ra. Yêu cầu phổ biến nhất là mọi người, mọi nơi, phải tuyệt đối phục tùng kế hoạch chung thống nhất, mọi cấp phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nhiệm vụ lớn nhỏ của mình.
Thế là một tình trạng phổ biến là phải tập trung cao độ, phải kỷ luật chặt chẽ. Trong thời gian này Đảng cộng sản nhấn mạnh sự lãnh đạo dân tộc của mình và đòi hỏi có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Đó là điều cần thiết và mọi người đều tự nguyện chấp nhận và chấp hành.
Đảng giành quyền lãnh đạo lúc này là giành quyền chịu gian khổ, chịu thiếu thốn khó khăn, giành quyền hy sinh trước hết. Vì vậy giành quyền lãnh đạo cũng tức là giành lấy sự vẻ vang hy sinh vì nước.
Do đó, cả một thời gian chiến tranh dài dằng dặc, không ai có ý kiến gì khác và vai trò Đảng cộng sản ngày càng vững chắc, được công nhận đầy đủ và sâu xa.
Trong đời sống xã hội, ít có những yêu cầu dân chủ, tự do, độc lập cá nhân. Nếu có xuất hiện ở bộ phận nào, cá nhân nào đó thì lập tức yêu cầu của chiến tranh cũng làm cho bộ phận ấy, cá nhân ấy phải tự nguyện từ bỏ yêu cầu ấy đi.
14.12.2000
Thế nhưng, sau năm 1975, trên một đất nước thống nhất hoàn thành, một chế độ chính trị xã hội nghiễm nhiên buộc tất cả mọi người phải công nhận nó. Thực ra, một nửa nước, tức là miền Bắc, đã công nhận nó từ lâu, còn một nửa miền Nam thì phải miễn cưỡng công nhận. Hàng trăm ngàn người không công nhận chế độ chính trị xã hội và cả đời sống nghèo khổ đã bỏ đất nước ra đi. Đó là một hiện tượng xã hội cần được xem xét khách quan, không thể quy hết vào âm mưu phá hoại của địch và là hành động của những phần tử phản động.
Cái chế độ chính trị xã hội được hình thành ấy là một chế độ Độc Đảng và Toàn Trị.
Vì Đảng cộng sản công khai tuyên bố là Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, Đảng huy động bộ máy chính quyền quét sạch các thứ Đảng khác như Việt Quốc, Việt Cách, hạn chế các hoạt động tôn giáo, vận động (và thực chất là ép buộc) hai Đảng đồng minh trong Mặt trận tổ quốc phải tự giải thể và rút lui với lý do “đã hoàn thành sứ mệnh”, đó là Đảng dân chủ và Đảng xã hội. Trong khi đó thì thực ra Đảng cộng sản cũng đã hoàn thành sứ mệnh độc lập, thống nhất, và hoàn thành một cách vẻ vang.
Còn sứ mệnh dân chủ giàu mạnh thì thật ra một mình Đảng cộng sản không thể làm nổi. Đã độc Đảng thì tất yếu phải kéo theo nhiều thứ “độc” khác: độc tài, độc đoán, độc quyền. Thế mà lại còn đòi lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, rồi lại còn thực hành chuyên chính của một giai cấp.
Rõ ràng một chế độ như vậy mang theo đầy đủ tính chất của một chế độ không dân chủ và phải nói là phản dân chủ. Chế độ ấy rất có họ hàng với chế độ phát xít mà nhiều nhà trí thức thế giới đã nói.
Có điều rất hài hước là chế độ đó lại luôn cao giọng nói những lời hoa mỹ:
- Vì nhân dân phục vụ - Vì dân, do dân, của dân - Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. (Thực ra chỉ có Dân làm còn thì dân không được biết, không được bàn …) - Dân là gốc - Đại đoàn kết, đoàn kết toàn dân
Thế mà có ý kiến nào nói đến chuyện này thì lập tức bị kết tội là nói xấu chế độ và bị thực hiện “chuyên chính” ngay.
Một xã hội có nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau, mà đòi thực hiện chuyên chính của một giai cấp trên các giai cấp khác, tức là trên toàn dân (và giai cấp ấy gồm những người như thế nào mới được chứ?).
Thật rõ ràng là đã có một bộ phận người nắm quyền lực thực hành chuyên chính với toàn xã hội.
Nếu chỉ căn cứ trên ngôn ngữ, mọi người đã thấy bản chất của chế độ là thế nào? Có các nhà lý luận “lý luận” rằng: những hiện tượng mất dân chủ là “hiện tượng”, còn “bản chất” chế độ là tốt đẹp vô cùng, dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Trong khi ấy mọi người chỉ cần được dân chủ bằng một nửa dân chủ tư sản thôi, thực ra mọi người muốn được thực hiện một nửa những điều đã công bố ở nhiều văn kiện: Hiến pháp, phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng. Cái lý luận “bản chất - hiện tượng” thực ra đang chửi lại và vạch trần những lời nói láo.
Vì thế, đặc điểm bao trùm của chế độ chính trị xã hội này là:
a) Nói một đàng, làm một nẻo
Nói thì “dân chủ, vì dân” mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề “nói vậy mà không phải vậy”.
Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng cũng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa.
Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con phải đóng trò, bắt nhiều người già phải đóng trò.
Đặc điểm này đã góp phần quyết định vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa: lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay!
b) Đặc điểm thứ hai là quá lợi dụng quá khứ thắng lợi
Quả thật nhân dân ta có một lịch sử đấu tranh hết sức quyết liệt và đã thắng lợi vẻ vang. Trong đó Đảng cộng sản có vai trò quan trọng và Đảng cộng sản đã tự nói về điều đó một cách quá đầy đủ rồi. Thế mà đến nay đã gần 30 năm hoặc đã gần 80 năm vẫn còn ngày đêm phất cờ đánh trống, ngày đêm hò hét tự biểu dương, và cũng ngày đêm vơ vét các thành tựu nhân dân làm ra dồn vào cái túi “thắng lợi vẻ vang” và cái túi “sáng suốt, tài tình”. Lúc nào cũng bắt nhân dân phải tung hô, phải chào mừng, phải ca ngợi.
- Chào mùa xuân cũng phải mừng Đảng, mừng Xuân
- Kỷ niệm nông dân, phụ nữ, thanh niên cũng phải biểu dương thành tích Đảng, Đảng là nguyên nhân thắng lợi.
- Nhân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tổ tiên và vui chơi cũng phải tưởng nhớ công lao Đảng và chào mừng Đảng.
- Đám cưới, đám ma cũng phải tưởng nhớ và chào mừng Đảng.
Một câu ca dao rất tuyệt vời của nhân dân nói lên bản chất của tình hình và nói lên chân lý thời đại:
Mất mùa thì tại thiên tai,
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta!
Nhắc đi nhắc lại mãi “chân lý” này càng làm nó sáng rõ. Thực ra, mỗi người cộng sản có lương tâm phải biết xấu hổ về cái “chân lý” ấy.
Có người đã nói rằng: Đảng đã ăn cái “xái” (xái thuốc phiện) của thắng lợi quá nhiều lần. Người ta ăn xái thuốc phiện thì ăn đến xái ba, xái bốn là hết, còn xái thắng lợi thì Đảng ta ăn đến xái 100 rồi mà còn chưa chán.
c) Đặc điểm thứ ba là bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội này (cả Đảng và nhà nước) càng ngày càng đuối, càng bộc lộ trình độ kém cỏi của mình trước “nhiệm vụ dân chủ” giàu mạnh của đất nước
Tất cả những nhu cầu, những thiết yếu hàng ngày của một người dân muốn nhờ vào bộ máy lãnh đạo và quản lý gỡ rối cho, giải quyết cho thì đều gặp:
- Giải quyết sai làm cho đời sống dân khó thêm, rắc rối thêm
- Giải quyết chồng chéo, không biết giải quyết thế nào, cứ bộ phận nọ bắn sang bộ phận kia, kéo dài vô tận.
- Không giải quyết được.
- Đòi hỏi dân phải tốn kém nhiều mới chịu giải quyết.
Vì thế mới nhiều khiếu kiện, nhiều oan khuất, nhiều điểm nóng …
Cũng do đặc điểm độc tài, độc đoán, cho nên mỗi người dân không được độc lập bộc lộ tài năng của mình (tuy rằng tài năng đó không hiếm). Việc chọn lựa những người có trách nhiệm cứ theo lối phe phái, theo lối ăn cánh, theo lối nịnh bợ, cơ hội, theo lối “bầu cử có lãnh đạo”, (Đảng cử dân bầu) thì các tài năng cứ bị vùi dập, bị thui chột, và đó là tai hoạ cho toàn dân tộc.
Trong thực tế, đây là một trong những tội ác lớn nhất của Đảng đối với đất nước, dân tộc.
21.12.2000
d) Đặc điểm thứ tư là đặc điểm lớn nhất, tai ác nhất, dã man nhất. Đó là độc quyền tư tưởng, độc quyền ý thức hệ
Đặc điểm này của chính quyền là trước mắt tạo ra một xã hội tẻ nhạt, khô cứng, nó vùi dập khoa học và văn nghệ, ép buộc thiếu nhi và thanh niên, làm cho không một giá trị tinh thần nào được xuất hiện và phát triển, về lâu dài nó làm cùn mòn cả nhiều thế hệ và do đó cùn mòn cả một dân tộc, một giống nòi. Nhưng những tai ác của đặc điểm này không duy trì được lâu. Đã có nhiều người trong thế hệ thanh niên và trung niên được tiếp xúc với nhiều thông tin thế giới bắt đầu nhận rõ tình hình và đang tìm cách rũ bỏ cái ách này. Chính quyền chỉ có một tiền đồ là bị phản đối và sẽ tan rã. Ta đã tha thiết mong mỏi biết bao nhiêu; chính quyền này đừng phản lại lịch sử nữa, hãy thích ứng với thời đại và tự đổi mới. Được như thế thì dân tộc ta gặp may mắn. Nhưng hình như những lực lượng bảo thủ, giáo điều, và cuồng tín còn quá nhiều và nhiều tham vọng nên còn đang kìm hãm nhịp sống bình thường của toàn dân tộc.
e) Đặc điểm thứ năm là Đảng đã độc đoán và toàn trị, lại xử lý các việc theo kiểu bí mật và nội bộ, rất sợ công khai, sợ dân biết
Càng bí mật nội bộ thì càng tha hồ tuỳ tiện, muốn duy trì độc đoán nên càng sợ hãi và cấm đoán công khai, không dám tranh luận công khai, không dám thông tin công khai.
g) Đặc điểm thứ sáu là thích hình thức, phô trương
Bệnh hình thức thì Hồ Chí Minh lên án từ lâu, nhưng ngày nay, bệnh cứ ngày càng phát triển nặng, ngày càng phổ biến, trở nên nhàm chán, kệch cỡm, đến nỗi dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội phải lên tiếng.
Suốt ngày, ta chỉ thấy kỷ niệm “chào mừng”, “lễ hội”, “mít tinh long trọng”,… Những người lãnh đạo suốt ngày phải đi biểu diễn “mở miệng nói”, không thấy có lúc nào họ có thì giờ để suy nghĩ và chuẩn bị được ý tưởng để lãnh đạo.
22.12.2000
Tóm lại, sự thật của mấy chục năm qua là:
Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ.
Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải chấp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hại hơn tất cả những xấu xa mà ta từng chửi rủa, từng căm thù.
Như thế là vì sao?
Có thể nói sự biến chuyển từ xấu đến xấu ấy là sự biến chuyển tự nó, không ai chủ động được. Con người có thể đề ra những lý tưởng, những mơ ước, nhưng cuộc sống quá phức tạp và tế nhị, mà con người chỉ có những ảo tưởng vẫn là sản phẩm của một sự vận động quái ác.
Nhìn lại, thấy rất rõ tâm sự của Nguyễn Huệ lúc còn trẻ:
Ta đập tan cái xấu xa này rồi thay thế nó bằng cái gì? Hay lại lập lại những cái mà ta đã đập tan?
Ta lại thấy rất rõ Nguyễn Nhạc khi lên ngôi, và sau này, chính Nguyễn Huệ cũng khi lên ngôi, đều không dám cho diễn vở tuồng “chàng Lía” là vở tuồng ca ngợi sự nổi dậy.
Và chân lý hiện ra là: người nổi dậy khi đã cầm quyền lại rất sợ nổi dậy!?
Trong nhân dân cũng có một chuyển biến tâm lý như tôi đã ghi trong bút ký “Một Cái Nhìn Trở Lại” (bài 2): từ quan hệ dân và cán bộ là mẹ con, vậy mà chỉ sau mấy ngày đã trở thành quan hệ giữa “thưa ông” và “nhà cháu’’.
Ta không lấy làm lạ là tất cả những mỹ từ được sử dụng chỉ là để củng cố sự cầm quyền của Đảng cộng sản. Đó chính là sự chuyển biến từ Đảng cộng sản là những người con thân yêu thực sự của nhân dân lao động thành một tầng lớp thống trị gồm một tập đoàn các quan chức chỉ muốn bóc lột, hành hạ, sai khiến nhân dân và lừa bịp nhân dân, và lại cứ nhân danh là “con của nhân dân” và “đầy tớ của nhân dân”
Sự nỗ lực toàn bộ và trung tâm của Đảng cộng sản hiện nay chỉ tập trung vào sự củng cố quyền lực của Đảng. Cả một bộ máy công tác tư tưởng đồ sộ ngày đêm hò hét chỉ để ca ngợi Đảng, đề cao Đảng, khai thác hết mức thắng lợi của toàn dân và tô vẽ thành thắng lợi của Đảng. Cả một bộ máy “nói lấy được”, lừa bịp, dối trá đến trắng trợn, kiểu lưu manh.
Bên cạnh đó, nảy sinh một hệ thống các tổ chức an ninh, từ Bộ công an mà lực lượng lớn bằng nửa Quân đội, đến các cơ quan an ninh nội bộ đủ các loại, đầy quyền lực và thủ đoạn. Những thủ đoạn an ninh đều được học tập từ các chế độ phong kiến, phát xít và độc tài cộng sản. Tất cả nhằm bảo vệ cho quyền lực của Đảng cộng sản. Trong lúc Đảng cộng sản ngày càng tỏ ra kém sức lực trong việc quản lý xã hội bình thường.
Vì Đảng cộng sản chỉ quản lý được một “xã hội trại lính”.
Đây chả phải sự xét lại, sự sám hối gì hết. Mà đây chỉ là một nỗi lòng cay đắng trước một sự thật phũ phàng. Cả đất nước ngày ngày kỷ niệm, ngày ngày đại hội và lễ hội, chỉ để tụng niệm một quyền lực đã lung lay và đã thoát ra khỏi lòng tin của nhân dân, luôn luôn bắt toàn quân toàn dân và cả toàn Đảng phải ca ngợi và dối trá.
Bây giờ làm sao?
Thực ra, ta chỉ mong Đảng cộng sản, vốn là Đảng trọng sự thật, nhận ra cái sự thật cay đắng này, cái sự thật lịch sử này, tự điều chỉnh mình cho thật phù hợp với lý tưởng mà mình đã hứa với nhân dân. Nhưng càng ngày lại càng thấy cái mong ước đầy thiện chí nọ vẫn chỉ là ảo tưởng lớn, toàn Đảng (tức là nhóm người cầm đầu) càng ngày dấn sâu vào tâm lý, tư duy và phong cách của một lớp thống trị xa rời và ngược lại với nhân dân, càng ngày càng trở thành sản phẩm của chính những tâm lý, tư duy và phong cách của chính họ, càng ngày càng trở thành vật cản nặng nề cho mọi tiến bộ xã hội.
Càng ngày bộ máy càng làm những việc tàn ác, độc đoán và vẫn cứ cao giọng nhân danh cách mạng, nhân danh nhân dân, nhân danh Hồ Chí Minh, nhân danh lịch sử thắng lợi của dân tộc.
24.12.2000
Thế là tận những ngày cuối của Thế kỷ XX và của Thiên niên kỷ thứ II thì mới nhận được rõ nét một sự kiện lịch sử lớn của đất nước.
Đó là:
Từ một Đảng sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi nấng và bảo vệ, có những đảng viên tiên phong gương mẫu đi đầu trong gian khổ chiến đấu và hy sinh nhằm đưa đất nước giành được độc lập. thống nhất, hoà bình, nhưng từ ngày toàn đất nước được thống nhất hoà bình và độc lập, thì cái Đảng ấy lại tồn tại như một Đảng cai trị. Đảng đó ra sức củng cố tình trạng độc đảng chuyên chế về tư tưởng và chính trị, tạo ra một xã hội đầy tham nhũng, đầy dối trá và lừa bịp, mọi người sống trong cảnh đóng trò giả dối, ngày ngày nảy sinh lớp lớp người nịnh bợ, cơ hội, các tệ nạn xã hội lan tràn phát triển. Càng hô hào chống, bỏ và xoá, lại càng nặng nề thêm. Đảng cai trị ngày càng chuyên chế một cách quyết liệt để giữ vững sự chuyên chế của mình, che lấp sự kém cỏi bất lực của mình, đàn áp mọi phát triển ở các lĩnh vực khoa học chuyên môn, luôn coi sự giữ chắc truyền thống giá trị xã hội của mình là quan trọng hơn tất cả mọi phát triển của xã hội, mọi sự nảy nở và phát triển của mọi cá nhân trong xã hội đó.
Tình trạng này đặt đất nước đứng trước hai tình huống cơ bản:
1. Đảng cai trị phải nhận thức rõ được sự kém cỏi, bất lực của mình mà tự đổi mới, chấp nhận một thể chế dân chủ phù hợp với thông lệ dân chủ của thế giới, bỏ đi cái quan niệm lạc hậu lỗi thời phân biệt dân chủ tư sản và dân chủ vô sản; tự hạn chế mình trong vai trò lãnh đạo chính trị thực lòng vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Như thế thì Đảng vẫn giữ được cái lịch sử vẻ vang của mình mà vẫn có vai trò quan trọng trong lịch sử.
2. Không làm như thế mà cứ khai thác một cách bừa bãi thắng lợi của dân tộc, ngoan cố duy trì chế độ độc đảng và toàn trị thì sớm muộn nhân dân sẽ chán ghét và do đó dẫn đến đổ vỡ, tạo ra những tai hoạ khôn lường cho đất nước và dân tộc, tai hoạ ấy còn nặng nề gấp nhiều lần tai hoạ của Cải cách ruộng đất và tai hoạ bắt cả nước xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tai hoạ ấy sẽ xoá sạch vai trò của Đảng trong lịch sử và Đảng sẽ phải chịu tội trước lịch sử.
Sự thực quá trình đó đã bắt đầu. Nhân dân cứ có cuộc sống của nhân dân, nhân dân cứ sống, và xã hội cứ tiến lên.
Đáng lo thay cho bộ phận lãnh đạo mà tài và tầm nhìn thì dưới trung bình, đức thì cũng không hơn mức thông thường trong nhân dân, mà ngày càng kém hơn.
Đáng lo thay cho những bộ phận lãnh đạo ấy và đáng lo thay cho số phận của nhân dân phải chịu đựng sự lãnh đạo ấy.
Có thể thấy rõ rằng: chế độ độc đảng, độc tài và toàn trị ngày càng đi sâu vào các thủ đoạn gian dối và tàn bạo để tự duy trì, tự bảo tồn chế độ ấy, thế mà còn huênh hoang nói là chế độ xã hội chủ nghĩa đầy dân chủ và nhân đạo. Thực chất là chế độ thì rất dã man, cho nên phải dùng nhiều thủ đoạn để lừa bịp nhân dân.
Tạm kê một số thủ đoạn như sau:
A.- Thần thánh hoá, thiêng liêng hoá Đảng, cấp uỷ và các nghị quyết. Điều vô lý là bắt toàn dân phải học nghị quyết của Đảng.
- Đảng có nhiều Nghị quyết quá, Nghị quyết của nhiều cấp, Nghị quyết của nhiều ngành. Đẻ ra nhiều thứ tổ chức Đảng quá, và những tổ chức đó lại tha hồ mà có nghị quyết và chủ trương.
- Một người dân phải học, phải biết và phải thi hành nhiều thứ quá.
- Có một đòi hỏi phổ biến là coi Nghị quyết của Đảng quan trọng hơn, cao hơn quyết định của các cấp chính quyền.
- Quyết định của chính quyền mà không có ý kiến của Đảng chấp nhận thì không có giá trị thi hành. Nhiều khi quyết định của Đảng phủ nhận hoặc bác bỏ quyết định của chính quyền. Người có trách nhiệm ở chính quyền mà không phải là đảng viên và cấp uỷ viên thì ý kiến thường bị coi thường.
- Nghị quyết thường là nói những khái niệm và thành ngữ chung chung, bao quát phạm vi rất rộng, thế rồi bất cứ việc gì trong sinh hoạt xã hội cũng đều phải quy chiếu vào nghị quyết nọ, nghị quyết kia, làm ra vẻ Đảng soi sáng đến tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống
- Khi trong thực tế thấy rõ là những điều nêu trong Nghị quyết không thể thực hiện được, thì lại quay vẽ chữ: Nghị quyết là đúng, là hay, nhưng những người tổ chức thực hiện kém. Chỉ có thi hành nghị quyết là kém, còn nghị quyết thì lúc nào cũng đúng, cũng có ý nghĩa quan trọng, thậm chí tài tình. Không có bất cứ một hiện tượng xấu nào có nguồn gốc từ Nghị quyết cả!
- Không ai, kể cả báo chí, cá nhân được quyền nhận xét phê phán, phân tích các nghị quyết cả. Đã là nghị quyết thì chỉ có đúng và tài tình, là rất thiêng liêng!
B.- Khuyến khích và bồi bổ tệ nạn sùng bái cá nhân là tệ nạn đã bị lên án nặng nề trong phong trào cộng sản thế giới.
- Bao giờ ý kiến của Bí thư, uỷ viên Thường vụ và cấp uỷ cũng là quan trọng, là thiêng liêng, là chân lý. Luôn luôn những ý kiến này được trích thuật, có khi chỉ là một ý kiến vớ vẩn, ai cũng nói được. Trong các phương tiện thông tin đại chúng, mục “hoạt động của các vị lãnh đạo” bao giờ cũng là mục quan trọng ở trang nhất, tất cả chiều dài của tin, khổ rộng của ảnh đều được quy định chặt chẽ.
- Ở tất cả các loại báo thì các thông tin và hoạt động, và hội nghị về lễ kỷ niệm, Đại hội và chào mừng vv… chiếm đến 80%, còn những thông tin có ích chỉ chiếm 10-20%.
- Một người có địa vị trong xã hội thì chức vụ trong Đảng cũng là quan trọng nhất, bao giờ cũng đưa ra trước hết như là Bí thư, uỷ viên Bộ chính trị, uỷ viên cấp uỷ.
- Trong các cáo phó người chết thì danh hiệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam cũng là danh hiệu vẻ vang lớn nhất, hơn tất cả các danh hiệu khác …
- Đảng cố tạo nên các phong tục tập quán, các tục lệ xã hội, cái gì cũng phải thần phục Đảng, thần phục các quan chức của Đảng, tạo ra một tục lệ là mọi người bình thường phải lập công để trở thành đảng viên, dù phải lạy lục, nịnh bợ, chạy chọt, thậm chí có lúc phải hối lộ tiền nữa. Tôi nhiều lần tự hỏi Đảng có cần gì phải có đến 2-3 triệu đảng viên và vẫn còn đang tìm cách phát triển nữa, trong khi bây giờ không cần có sự hy sinh như trong chiến tranh và trong khi ai cũng thấy chất lượng đảng viên ngày càng sa sút. Vậy cố gắng tăng số lượng làm gì? Đó cũng lại là một sự phi lý nữa …
30.12.2000
Bài thơ rất tâm đắc của Bùi Minh Quốc:
Cay đắng thay!
Các guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
ù lì quay
Quay
Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này.
sophienguyen
06-07-2017, 01:25 AM
PHẦN HAI
III. Thư gửi anh Lữ Phương:
Tết Tân Tỵ ngày 5 tháng giêng, (ngày 28.1.2001)
Nhân dịp Tết, tôi lục các bài viết cũ, đọc lại chơi, tiện thể lục được bức thư anh viết cho tôi từ đầu năm 1999, sau khi anh đã đọc xong 2 bài bút ký "Một Cái Nhìn Trở Lại" của tôi, và biết tin tôi đã bị (hay được) khai trừ.
Ngay từ trang đầu của thư anh, tôi thấy anh đã hiểu rõ tâm can tôi. Anh viết rằng: "Nếu có một cái gì đó có ý nghĩa mà Đảng cho anh, thì đó là cái lý tưởng cực kỳ tươi đẹp để anh đi vào tù đày và chết chóc thôi. Anh có bảo vệ Đảng thì cũng chỉ bảo vệ cái lý tưởng đã trả bằng máu ấy. Chính là với lý tưởng ấy, thái độ của anh là nhất quán trước sau. Trước đây Đảng có một thời đẹp đẽ thì bây giờ anh muốn Đảng giữ gìn mãi mãi điều đẹp đẽ ấy”. Anh đã nói rất trúng tâm tư của tôi.
Tôi không có điều kiện để nghiên cứu sâu vào các vấn đề lý thuyết, tuy rằng tôi cũng đọc được và được nghe giảng khá nhiều nhưng tôi chỉ “vận dụng những ý tưởng có trong sách vào cuộc đời”, và nhìn vào thực tiễn của cuộc đời mà suy ngẫm. Tôi đọc lại bút ký của tôi, tôi lại càng thấy rõ té ra hơn chục năm nay, có thể cả mấy chục năm nay, tôi cứ trăn trở chỉ có một điều, và vẫn cứ tiếp tục trăn trở về cái điều đó, càng ngày càng sâu sắc, càng ngày càng day dứt đau đớn. Cái điều đó tôi đã khái quát vào bốn câu mà anh có nhắc đến:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xoá đi thay bằng Cực Thiện
Tháng ngày biến hoá, Ác luân hồi.
Với tâm trạng ấy tôi rất tâm đắc với mấy câu trong bài thơ "Cay đắng thay” của Bùi Minh Quốc.
Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
………….
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này.
Tôi cứ nghiền ngẫm mãi cái cay đắng và mỉa mai đó và ngày ngày, tháng ngày đau khổ về cái cay đắng ấy.
Không biết đã bao nhiêu lần, tôi muốn giải đáp mấy câu hỏi... cay đắng ấy:
Cuộc cách mạng ở Việt Nam, rút cục đã xoá được cái gì, đập tan được cái gì? và đã lập nên được cái gì, xây dựng được cái gì?
Rõ ràng ta đã xoá được cuộc đời nô lệ mất nước, nhục nhã. Đời sống nhân dân giảm được đói nghèo dốt nát. Mới giảm được thôi, chứ chưa thoát được hẳn đói nghèo và "dốt nát", nghĩa là ta còn quá lạc hậu.
Ta đã đập tan được bộ máy đàn áp, nô dịch, bóc lột, xoá được nỗi nhục mất nước và ta đã xây dựng được một bộ máy như thế nào? và một xã hội như thế nào? Những tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Dân chủ Cộng hoà, và mục tiêu một nước độc lập, thống nhất, hoà bình, dân chủ giàu mạnh, đã thực hiện được đến đâu???
Trong các mục tiêu lý tưởng của ta thì lý tưởng lớn nhất, tha thiết nhất, bao trùm nhất là tự do dân chủ.
Nhưng hiện nay, ta đã có một bộ máy nhà nước có mấy đặc điểm:
• To lớn, cồng kềnh, chồng chéo và do đó ít hiệu quả, nhiều mặt bất lực.
• Làm được một số việc xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhưng quá kém trong việc đưa đất nước phát triển nhanh. Đất nước ngày càng phát triển chậm chạp và tụt hậu xa so với các nước láng giềng trong khu vực.
• Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ “lưỡi gỗ” rất đông đảo, chuyên “ngụy biện”, “nói lấy được”, “nói bừa bãi”, “trắng trợn” bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như "lưu manh".
Trong khi ấy, bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường xuyên lo lắng, sợ hãi. Đó, ta đã xây dựng nên một bộ máy như vậy và một xã hội như vậy đó.
Bao nhiêu những điều tốt đẹp xuất hiện sau cách mạng tháng Tám, ta tưởng nó sẽ mở rộng và nâng cao thì nay tình hình lại phát triển ngược lại.
Từ một Đảng chịu gian khổ hy sinh để giải phóng nhân dân, nay trở thành một Đảng cầm quyền xa rời nhân dân, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống hết thảy theo ý của Đảng: nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Tất cả quyền và lợi trong xã hội, thâu tóm trong tay Đảng và cụ thể là trong tay một nhóm đảng viên có địa vị ở các cấp. Đảng tự do yêu cầu dân đóng góp và tự do sử dụng mọi sự đóng góp của dân, không có tổ chức và lực lượng nào giám sát và kiềm chế.
Đảng nói những lời hay, làm ra Hiến pháp và luật pháp có nhiều điều hợp lý, nhưng bộ máy của Đảng đều làm ngược lại Hiến pháp và luật pháp, bất chấp đạo lý.
Đảng còn làm ngược lại cả Điều lệ của chính mình như tự nhiên đẻ ra chế độ cố vấn; Bộ chính trị và Trung ương quyết định những điều cấm đoán đảng viên ngoài quy định của Điều lệ như là tước cả quyền công dân của đảng viên.
Đảng luôn tạo ra một không khí khủng bố đối với bất cứ ai có chính kiến độc lập, làm cho xã hội khô cằn, Đảng bưng bít và cấm tất cả những ý kiến dồi dào phong phú để đưa đất nước tiến lên.
Thế là Đảng đã tạo ra ở Việt Nam một xã hội đầy tham nhũng, phản dân chủ (vì độc tài độc đoán và toàn trị), đầy dối trá lừa bịp (vì nói một đàng làm một nẻo), đầy thủ đoạn (nịnh nhau, hất nhau và hại nhau). Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ở bất cứ người nào, ta cũng nghe thấy được những lời phàn nàn về sự không dân chủ, tàn bạo, lừa bịp, dối trá; về những hiện tượng lưu manh, hãnh tiến. Trong bút ký của tôi, tôi đã nói nhiều lần.
Trước 1945, xã hội ta có một bộ máy của thực dân phong kiến có đủ các đặc điểm của sự tàn bạo, dã man, của sự vơ vét, bóc lột và xa hoa hưởng thụ, của sự lừa bịp, dối trá, thủ đoạn đểu giả.
Tôi “trọn tuổi xuân hiến dâng cuồng nhiệt” để tham gia đập tan bộ máy đó và tích cực tham gia xây dựng bộ máy mới, mà ngày nay ta gọi là "của dân, do dân, vì dân", có những nét đẹp như trong những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945 và một xã hội, mọi người thương yêu nhau, tôn trọng nhau. Tôi đã mơ ước hững nét đẹp ấy sẽ được mở rộng và nâng cao tạo nên một xã hội lý tưởng.
Nhưng rồi …..
Cái không giống với mơ ước thì nhiều và những cái giống với cái đã được đánh đổ thì lại càng ngày càng nhiều.
Và những gì trước đây ta khinh bỉ, chửi rủa và chống phá thì ngày nay những cái đó lại xuất hiện nhiều và ngày càng nâng cao.
Như vậy là ta lại xây nên chính cái mà ta đã đập tan. Ta đã làm cho xã hội hiện nay lại có đủ các đặc điểm của bộ máy ta đã đập tan, của cái xã hội ta đã phá bỏ.
° ° °
Bộ máy cai trị bây giờ ngày đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những "lưỡi gỗ" xây dựng và truyền lan các thứ "lý luận" "nói lấy được", dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, nguỵ biện để nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là "sự lãnh đạo của Đảng”. Suốt năm suốt tháng họ tổ chức đủ thứ đại hội, kỷ niệm, lễ hội…để làm cho mọi người đều thấy đang sống trên những thắng lợi, và mọi thắng lợi từ trước đến nay đều do bộ máy này tạo nên, dân phải biết ơn bộ máy này. Tất cả những ý nghĩ, tư tưởng chệch chút ít so với tư tưởng chính thống đều bị kết tội “chống đối” nặng nề.
Do đó, trong thực tế bộ máy này là bộ máy phá dân chủ, phá dân chủ một cách trắng trợn, tinh vi và tàn bạo.
° °
5.2.2001
Như thế là tôi cũng như anh, ta đứng trước một sự biến động, một sự biến chuyển và biến dạng, là một Đảng từ một tổ chức gồm những con người chịu hy sinh gian khổ, phấn đấu để đập tan một bộ máy thống trị gian ác, giải phóng nhân dân, rồi sau khi đập tan được bộ máy ấy thì lại trở thành một bộ máy cai trị, thống trị nhân dân. Nói thật gọn, là từ người giải phóng biến thành kẻ thống trị. Khi là người giải phóng thì mọi nguyện vọng, mục tiêu, tâm lý và tình cảm là của người giải phóng, và khi là kẻ thống trị thì sẽ có đầy đủ nguyện vọng, mục tiêu, tình cảm và tâm lý của kẻ thống trị. Đó là "cố giữ vững địa vị thống trị của mình", tình hình ấy hình như không phải của riêng Việt Nam. Đó là một biến chuyển tất yếu. Xem ra không ai cố ý, không ai có ý kiến trong việc này, không ai (kể cả những người chủ chốt) tự giác được trong quá trình chuyển biến này, tất cả đều bị cuốn vào sự vận hành của một cỗ máy khổng lồ.
Vậy đâu là nguồn gốc của sự biến chuyển này. Có thể nói sự chuyển biến này có nhiều nguồn gốc:
Có nguồn gốc thứ nhất là từ ở những học thuyết.
Rõ nhất là học thuyết về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Học thuyết này được người vận dụng nó đưa tới những chủ nghĩa kinh khủng như “chủ nghĩa thành phần”, “chủ nghĩa công nông”, “chủ nghĩa lý lịch” … Các thứ chủ nghĩa ấy làm cho học thuyết giai cấp bị méo mó thành bất nhân bất nghĩa. Ta có thể tin một cách chắc chắn rằng nếu Mác và Lênin (là những trí thức lớn) còn sống đến bây giờ thì các ông tổ đó cũng không thể chấp nhận các thứ chủ nghĩa “vô học” đó.
Học thuyết ấy bị méo mó ngày càng lớn, càng cực đoan, nó thành ra kiểu Mao-ít, cao hơn nữa là kiểu Pôn Pốt. và trở thành những tội phạm ghê tởm của loài người.
May mà Việt Nam ta chưa đi tới chỗ đó.
Còn nhiều vấn đề học thuyết khác, nhiều cách lý giải những khái niệm không theo kịp sự biến đổi tiến bộ của nhân loại, vì không theo kịp mà thành ra sai lầm, thiếu sót. Những khái niệm cơ bản như “lao động”, “bóc lột”, “sở hữu” … cứ bị quan niệm như cũ, như thế tất phải đưa tới những cách xử lý cứng nhắc, không đúng và nhiều tai hại. Phải thấy rõ rằng những đầu óc giáo điều đáng ghê tởm biết là chừng nào!
Về nguyên lý tổ chức của Đảng.
Khi cần tổ chức Đảng thành một Đảng chiến đấu thì cần có những nguyên lý tổ chức thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh và cách mạng. Những nguyên lý ấy không thể thích hợp với thời hoà bình xây dựng. Nhưng khốn thay, vẫn không có sự phân tích lại để điều chỉnh cho hợp lý. Vì vậy Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cứ như mắc trong mớ bòng bong những mâu thuẫn khi đề ra yêu cầu cho đảng viên của Đảng: lúc thì đảng viên phải làm giàu để làm gương cho mọi người, và cũng để bảo đảm cho cuộc sống gia đình, lúc thì lại cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân. Cho nên có những đảng viên làm kinh tế đã phải thốt lên: "Tôi phải ra khỏi Đảng thôi". Cái kiểu gò bó bảo thủ, giáo điều tạo nên một lớp người khá đông đảo chỉ biết “ngu trung” (nghĩa là trung thành một cách ngu xuẩn), mất hết óc xét đoán để tìm hiểu thực tiễn đời sống mới đang tiến triển mạnh mẽ, làm cho cả Đảng bị rơi vào trạng thái tê liệt, tư duy ngày càng xa cuộc sống và do đó càng xa dân.
Xa dân mà lại cai trị dân thì ngày càng đối lập với dân.
Nguồn gốc thứ hai của tình hình biến đổi xã hội, đó là vai trò của những người có trách nhiệm chủ chốt.
Những người này càng về sau càng là những người ít học, lại ít được tôi luyện, thành ra những người thô sơ đơn giản. Những người đó có trách nhiệm lớn, nhưng lại vẫn mang đủ trong mình bản tính tiêu cực của người bình thường: hám lợi, hám danh, thích quyền, ích kỷ vv… Vì thế, những người đó trở thành thủ phạm của mọi tội lỗi: dốt nát, quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết, bè phái. Đó là những tội không sao xoá bỏ được, chỉ có ngày càng nặng thêm, và kết cục là toàn bộ cơ chế quyền lực không có một sức mạnh nào làm phanh hãm và giám sát nó. Sức mạnh giám sát ấy chỉ có thể là sức mạnh của một chế độ dân chủ. Dân chủ phải là vấn đề của một chế độ, chứ không phải chỉ là mấy cái công tác lặt vặt như “dân chủ cơ sở”, “lấy ý kiến việc nọ việc kia”, “ghi điều nọ điều kia vào Hiến pháp, nghị quyết và luật pháp” v. v…
Ta không thể mơ tưởng có những ông Thánh để thực hiện những học thuyết và nguyên lý. Rút cục thì vẫn là những con người trần tục phải thực hiện các học thuyết ấy, mà con người trần tục thì có đầy đủ những “cái trần tục”, làm hỏng học thuyết. Phải có một chế độ, một cơ chế, một chiến lược dân chủ, có tác dụng hạn chế các tệ nạn quan liêu độc đoán và tuỳ tiện.
Sự vận dụng các nguyên lý của học thuyết và của tổ chức, tuỳ thuộc vào cá tính của những con người chủ chốt. Người lãnh đạo như Hồ Chí Minh vận dụng các nguyên lý của học thuyết và nguyên tắc tổ chức có lẽ sẽ mang lại những hệ quả kém xấu hơn. Ngược lại những người không đủ trình độ và nhiều ham muốn cá nhân sẽ đưa đến những hậu quả ngày càng tệ hại.
Nguồn gốc là ở “trình độ” cộng với lòng “ham muốn quyền và lợi” của cá nhân, hai cái đó có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất.
Những tình trạng yếu kém và khuyết điểm trong quản lý, cai trị và tình trạng xã hội không tốt đẹp. Không thể tìm nguyên nhân gần được, mà phải tìm từ nguồn gốc xa, ở chỗ Đảng đã xây dựng nên một thể chế phản dân chủ và trọng quyền lực. Những câu chữ tốt đẹp như “nhà nước của dân, vì dân, do dân” và “cán bộ nhà nước phải là đầy tớ trung thành của nhân dân” chỉ còn là những câu nói mỉa mai, những cái màn mỏng manh che giấu các thói hám quyền tham lợi, chia chác và giành giật nhau ghế ngồi và danh vị.
Thật ra, cuộc cách mạng với những lý tưởng cao đẹp của nó đã bị phản bội. Trốtsky là người đã nhận ra điều này ở Liên xô từ năm 1936. Tôi cũng dần dần thấy ra điều này từ vài chục năm nay.
Tôi không thể trung thành với sự biến dạng này.
Tôi vẫn cầu mong Đảng này tự phê bình mà nhận ra sự thật. Như thế tốt cho Đảng, và quan trọng hơn là tốt cho đất nước. Nhưng tôi lại cũng thấy rằng cái Đảng này, với thể chế và trình độ của nó hiện nay, không thể, không dám, và không muốn tự phê bình. Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng có tự phê bình chỉ là một sự “gãi ghẻ” thôi.
Tôi không thể không trung thành với lý tưởng tốt đẹp của thời tuổi trẻ, thời Đảng là người giải phóng. Phải chăng quy luật của lịch sử các triều đại là cứ lúc bắt đầu thì nhiều tốt đẹp, tiến bộ thông minh, sáng suốt? Thế rồi có những thắng lợi được ca ngợi nhưng dần dần cứ sa sút, kém cỏi, dốt nát, sa đoạ, xuống cấp dần, đi đến phản bội.
Cái triều đại Đảng cộng sản này cũng đang thế chăng? Đảng cộng sản cứ để mình bị sa vào cái quy luật suy thoái ấy hay muốn cứu mình thoát khỏi sự suy thoái?
Ngày nay Đảng này muốn bước ra khỏi con đường phản bội cách mạng thì phải:
1. Xác định cho đúng vị trí khiêm tốn của mình là một bộ phận của dân tộc, thực hiện lãnh đạo đất nước bằng cách tôn trọng tất cả mọi người, nhất là những người trí thức, những người tài năng có chính kiến độc lập.
2. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ về tự do ngôn luận và tự do bầu cử, nhân dân được tự do làm ăn.
3. Phải để cho mọi tổ chức, từ Chính phủ, Quốc hội, Toà án, cho đến các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức của nó có quyền độc lập quyết định những vấn đề và hoạt động của mình. Phải để cho công dân, nhất là thanh niên, được suy nghĩ độc lập, có tư cách độc lập. Muốn thế phải xoá bỏ quyền lực của cơ quan tư tưởng và văn hoá của Đảng, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng và định chức năng rõ rệt của các lực lượng Công an.
Nhà nước phải được chỉnh huấn về tư tưởng và tác phong “đầy tớ của nhân dân”
Đảng phải tách khỏi nhà nước, không làm những việc thay cho nhà nước, thay Chính phủ, Quốc hội phải được thành lập bởi những người thực sự có đức, có tài và do dân thực sự lựa chọn vô tư, không có bất cứ sự “sắp xếp” và “hiệp thương” nào.
4. Cụ thể là phải sửa ngay Luật báo chí, xuất bản, công nhận quyền có báo và xuất bản tư nhân. Các báo chí có quyền độc lập của mình, không chịu sự “chỉ đạo” và kiểm soát của bất cứ cơ quan nào.
21.2.2001
Đúng như anh nói, tôi có một quãng đời tươi đẹp, sống với những lý tưởng cao thượng, tốt đẹp và ở trong một Đảng cũng rất cao đẹp.
Và tôi mong muốn cho những cao đẹp đó cứ tiếp tục mãi mãi và ngày càng cao lên.
Nhưng thực tiễn cuộc sống lại diễn ra ngược lại.
Đảng cộng sản từ một Đảng người-giải-phóng đã trở thành một Đảng cai trị, thực hiện một nền thống trị không dân chủ và phản dân chủ. Đảng thực hiện độc tài và toàn trị. Đảng thực hiện đúng cái mà Đảng đã từng phê phán, đó là chế độ Đảng trị. Có người không thích chữ Đảng trị, nhưng chữ đó chỉ là phản ảnh và diễn tả đúng cái thực trạng mà Đảng đã tạo ra, không hơn không kém.
Đảng đang thực hiện một nền thống trị khe khắt, kiểm tra từng người trong toàn xã hội, kiểm soát và can thiệp mọi chi tiết trong cuộc sống của xã hội, và điều dã man và tàn bạo nhất là độc tài về ý thức hệ. Bất cứ một khác biệt nào đều bị quy vào là chống đối, là phản động, là tội phạm. Hệ quả của chế độ này là trong xã hội không ai dám nói khác, không ai dám có ý nghĩ khác, hoặc ít nhất thì dù có nghĩ một đàng cũng phải nói một nẻo. Như vậy, xã hội bao trùm một sự giả dối, lừa bịp, bao trùm một sự sợ hãi, bao trùm một sự tê liệt, về tư duy và cả về tình cảm. Đã có một xã hội và một chế độ, mà tôi biết có người đã khái quát (chưa thật đúng nhưng cũng không sai).
Lưu manh hoá xã hội
Bần cùng hoá nhân dân
Nô lệ hoá con người
Bình quân hoá cá tính.
Như vậy, văn hoá chỉ còn ngày càng tàn tạ và hư hỏng. Buồn thay! Điều đó không chỉ có tai hại trước mắt, mà còn có tác hại làm suy thoái đời sống tinh thần của cả một dân tộc, một giống nòi.
Thực ra, chắc chắn giống nòi sẽ không để cho có sự sa sút và suy thoái ấy. Nhưng cái chế độ thống trị của Đảng cộng sản đẻ ra hậu quả như thế. Đảng không nhận ra điều này mà tự đổi mới, tự cách mạng, tôn trọng chế độ dân chủ và sinh hoạt dân chủ thì Đảng sẽ bị giống nòi và dân tộc loại trừ, Đảng không thể cứ ngoan cố và đi sâu vào vũng lầy tội ác được. Đảng đã từng coi quyền lợi dân tộc và đất nước cao hơn sinh mệnh của mình, chính vì vậy mà Đảng làm cho dân tộc thắng lợi. Thế mà ngày nay, Đảng lại coi sinh mệnh và vai trò của mình quan trọng hơn cả sự phát triển của đất nước, hơn cả cuộc sống của nhân dân, hơn cả sự nghèo khổ và tụt hậu của đất nước. Chắc chắn là Đảng sẽ đi vào ngõ cụt của sự tàn lụi.
Tôi nhìn thấy rõ điều này, tôi lo và buồn cho Đảng nhiều. Đảng đã phản lại cả nguyên lý của Mác và của Lênin. Lênin chuẩn bị cho nhà nước đi đến chỗ tiêu vong, để nhân dân tự tổ chức quản lý. Còn Đảng cộng sản Việt Nam thì ngày càng tăng cường mở rộng quyền lực của nhà nước và bó khuôn tất cả nhân dân vào khuôn phép và ý nghĩ của mình, làm cái việc triệt tiêu mọi sức sống tinh thần của xã hội.
Anh có chia sẻ với tôi nỗi buồn và lo ấy không???
13.3.2001
Có người nói: Đảng là một dòng nước chảy, cái dòng nước Cách mạng Tháng 8 và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã chảy ra biển Đông mất rồi. Giữa hai bờ của Đảng hiện nay là dòng nước khác, những người lớn tuổi chúng ta chỉ có thể trung thành với cái dòng nước “ngày xưa” ấy. Tôi thấy hình ảnh ấy khá đúng.
Tôi vẫn không ân hận gì về tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ, tôi vẫn tự hào với lý tưởng đó và tôi thấy tôi vẫn trung thành với lý tưởng đó, cũng như tôi tự hào và trung thành với cái Đảng của thời xưa mà có người gọi là Đảng của Hồ Chí Minh. Tôi không phân vân chút nào với cái lòng trung thành và tự hào ấy. Tôi cho rằng bất kể sau này ai viết lịch sử Việt Nam thế nào cũng không thể không có những trang đẹp nói về quãng 30 năm và 70 năm ấy.
Còn ngày nay thì cứ phải trăn trở day dứt với hiện tình, không thể nào yên được.
Cũng có người trách tôi là sao không đưa ra được một đường hướng gì, có những biện pháp gì để khắc phục tình hình ngày nay mà đưa đất nước phát triển mạnh mẽ lên. Còn nói về những mất dân chủ và những tệ nạn khác thì mọi người biết cả rồi, mọi người đều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Ai đó mà cứ mong có người nào đó đưa ra được một đường hướng và những biện pháp nào có hiệu lực ngay để tác động vào tình hình đất nướcthì đó cũng là một điều ảo tưởng.
Tôi cũng đã được nghe và đọc nhiều những ý kiến đề nghị với Đại hội IX. Tôi thấy rất nhiều ý kiến hay, nhưng ngay như riêng tôi muốn chấp nhận một ý kiến nào cũng khó lắm. Mỗi ý kiến đều có những điều phải trao đổi lại.
Tôi vẫn mơ ước có một sinh hoạt dân chủ thực sự, gạt bỏ mọi cấm kỵ, mọi khuôn phép, bỏ qua những gì gọi là “vấn đề nguyên tắc” mà tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghe hết những ý kiến ngược nhau rồi tổ chức tranh luận. Cuộc phát biểu và tranh luận phải được tổ chức trên các báo, phải cho xuất hiện những tờ báo độc lập có những cây bút độc lập đề xuất và tranh luận. Có những cuộc tranh luận công khai và độc lập trên truyền hình.
Làm như vậy để cả nước nghe, cả nước bộc lộ ý kiến của mình.
Tôi thấy rõ như bản thân tôi, tôi có nhiều nhận xét về tình hình, nhưng tôi thấy có những người có những nhận xét hay hơn tôi và tôi cũng thấy rõ có nhiều nhận xét khác nhau thì thế nào cũng tìm ra được một đường lối, một chiến lược cho đất nước đi lên, và chắc chắn nó sẽ hay hơn nhiều cái văn kiện Đại hội IX mà báo chí đang làm rùm beng.
Tôi tin là như thế, anh Lữ Phương ạ!
sophienguyen
06-07-2017, 01:26 AM
Phần II (tt)
IV. Nhân Đại Hội Đảng Lần IX, Bàn Về Đường Lối
20.4.2001
I. Đại Hội Và Đổi Mới:
Nhiệm vụ của Đại hội là quyết định các vấn đề “đường lối”.
“Đường lối” của Đảng cầm quyền hiện tại và cũng là đường lối của đất nước. Vì vậy mỗi người dân đều có quyền và trách nhiệm góp phần về đường lối, vì đường lối có tác động đến số phận từng người dân, mà đa số không phải là đảng viên.
Thông thường, từ trước các Đại hội đều diễn ra như sau (tôi là người đã từng là đại biểu dự 5 Đại hội III, IV, V, VI, VII):
Tài liệu về đường lối đều là do một nhóm người chỉ đạo và một nhóm người biên tập. Khi đã hình thành rồi mới công bố lấy ý kiến mọi người, kể cả đảng viên và không đảng viên. Ý kiến góp có đến hàng triệu, được tập hợp lại, do một nhóm người biên tập tổng hợp và xử lý, mà sự tổng hợp này thường được gói gọn trong công thức “căn bản, nhất trí, đa số tán thành”. Đến ngày họp Đại hội thì việc quan trọng là bầu cử cơ quan lãnh đạo, còn việc quyết định đường lối thì chỉ là việc "biểu diễn" để tài liệu được long trọng và chính thức thông qua mà thôi.
Khi chuẩn bị Đại hội IX, sự góp ý kiến có hai phần, một phần (đúng là phần quan trọng nhất) là những ý kiến góp về đường lối, và một phần là những phân tích dẫn chứng rất dài và những ý kiến thêm bớt câu chữ trong các lĩnh vực khác nhau. Theo những thông tin công bố thì có bản ý kiến góp đến mấy nghìn trang. Những ý kiến góp về xây dựng và sửa đổi đường lối thì thường nhiều nhất là mấy chục trang. Riêng tôi được thấy có bản dài đến 50 trang, nhưng đó lại là những ý kiến góp nhiều nhất vào vấn đề đường lối. Đó là:
• “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, đúng hay không đúng?
• “Kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, phải hay không phải?
• Tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa đúng, vì ta có phải là nước xã hội chủ nghĩa đâu. Có nên lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?
• Có mâu thuẫn lớn trong đường lối là: cần “đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước”, nhưng lại nêu “đấu tranh giai cấp”. Mà đấu tranh giai cấp thì trong dân tộc đấu tranh làm gì có đoàn kết.
• Hô hào dân chủ và phê phán tình trạng mất dân chủ nhưng lại kiên trì “Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”, đã kiên trì cái thứ ấy là phản dân chủ rồi.
Vân vân và vân vân.
Tiếc rằng những người nêu lên các ý kiến lớn và quan trọng về đường lối thông thường là các bậc lão thành cách mạng và các nhà trí thức lớn. Các vị này đều là những người trăn trở về con đường phát triển của đất nước, đều mong muốn cho đất nước được phát triển nhanh hơn, tốt hơn và đều nhận thấy con đường hiện nay (định hướng, chủ đạo) làm cho sự phát triển đất nước chậm chạp, trục trặc, nhiều tệ nạn xã hội trầm trọng mà không giảm được, đạo đức xã hội sa sút nguy hiểm. Trong khi không ít nước quanh ta trong thời gian 20-30 năm thì có thể từ một nước lạc hậu trở thành nước giàu có tiên tiến. Thế mà ta đã hoà bình thống nhất hơn 25 năm rồi vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mà lại còn tụt hậu ngày càng xa so với thế giới và cả so với khu vực.
Nhưng những vị nào có ý kiến muốn chia sẻ với mọi người thì đều không có phương tiện nào để phát biểu: gửi đăng báo thì báo không đăng, không có một tờ báo nào độc lập để có thể gửi đăng, gửi ý kiến cho các cơ quan thì các cơ quan giấu biệt, giữ bí mật. Có lúc cơ quan làm việc gọi là “trả lời” thì lại gọi “người có ý kiến” đến rồi nhơn nhơn thông báo rằng ý kiến đã bị bác bỏ, mà không cần biện ra bất cứ lý lẽ nào, cứ như thế rồi tuyên truyền rằng dân chủ đã được thực hiện tuyệt vời. Có hàng triệu ý kiến góp, nhưng bản Dự thảo khi được công bố thế nào thì khi chính thức thông qua ở Đại hội cũng vẫn gần như thế.
Ai muốn phát biểu gì thì phát biểu, nhưng có ý kiến nào khác đường lối đã định sẵn thì đều bị quy là chống đối, là phản động. Tất cả đều bắt buộc phải kiên trì và kiên định đường lối đã định sẵn. Như vậy là không hề có thảo luận về đường lối.
Hiện nay, thời đại và tình hình thế giới, tình hình xã hội đã thay đổi rất lớn, thay đổi về cơ bản. Mọi lĩnh vực, mọi tổ chức, mọi người đều có nhu cầu phải đổi mới. Đó là vấn đề không có không được, các Đảng cộng sản đều phải tự đổi mới. Có Đảng phải đổi tên, đổi mục tiêu đấu tranh, có Đảng phải đổi mới học thuyết, đổi mới tư tưởng, có Đảng phải đổi mới mục tiêu nhiệm vụ và đổi mới phương thức đấu tranh, phương thức lãnh đạo.
Đảng cộng sản cũng tuyên bố phải đổi mới, nhưng trong thực tế thì vũ như cẫn (vẫn như cũ), không có một dấu hiệu nhỏ nào về đổi mới cả. Với những thông tin ít ỏi mà tôi có được, tôi suy nghĩ nhiều về sự đổi mới của Đảng cộng sản Pháp. Đảng đó công khai tuyên bố không độc tôn chủ nghĩa Mác nữa, từ bỏ học thuyết chuyên chính vô sản và nguyên tắc tập trung dân chủ. Đổi mới to lớn cả tổ chức Đảng và cách tiến hành Đại hội. Đảng không có ban chấp hành Trung ương, có quyền chỉ huy tối cao và duy nhất nữa, mà chỉ có Hội đồng toàn quốc, không có tổng bí thư mà chỉ có Thư ký toàn quốc. Đặc biệt là không tổ chức Đại hội có hệ thống từ cơ sở đến toàn quốc mà chỉ có một Đại hội được tiến hành như một loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học về trí thức và phương hướng hoạt động (cũng tức là đường lối). Cụ thể là đến kỳ Đại hội lần thứ 30 họ phân ra 7 nhóm vấn đề. Tất cả các đảng viên đều được huy động vào 7 nhóm nghiên cứu và đều phải chuẩn bị ý kiến để phát biểu vào nhóm vấn đề mà mình tham gia. Mỗi nhóm vấn đề đều có nhiều đề án. Đến Đại hội các đề án được trình bày và Đại hội biểu quyết từng đề án, từng vấn đề. Toàn Đảng sẽ nhất trí vào những vấn đề mà Đại hội biểu quyết như vậy. Quá trình tiến hành Đại hội là quá trình hoạt động khoa học, hoạt động trí tuệ, mỗi đảng viên thực sự phát huy vai trò trí tuệ của mình và tham gia lãnh đạo đất nước bằng những ý kiến lý thuyết của mình. Tôi thấy đó mới thực xứng với câu “Đại hội trí tuệ” còn ở ta chữ trí tuệ chỉ là một lời nói suông rỗng cho sang trọng mà thôi, vì sự gạt bỏ những ý kiến trái ngược thì còn đâu là dân chủ, còn đâu là trí tuệ và còn đâu là đoàn kết. Đoàn kết là đoàn kết với những người khác nhau, thậm chí ngược nhau thì mới là đoàn kết, chứ chỉ đoàn kết những người giống nhau thì chẳng qua chỉ là sự “Đoàn kết của đàn cừu” (đàn cừu của Panurge) và chỉ đáng gọi là "ăn theo nói leo".
II. Đường Lối Và Đại Hội:
Đại hội là để quyết định đường lối. Vậy đường lối là đường lối của ai? Và để làm gì? Tôi vẫn cho rằng vấn đề hiển nhiên phải là “Đường lối để phát triển đất nước”.
Đã là đường lối để phát triển đất nước thì đường lối đó phải khai thác các thông tin và các học thuyết thuận lợi và phù hợp với việc phát triển đất nước, không lệ thuộc vào bất cứ một loại thông tin nào, loại học thuyết nào, dù cho học thuyết đó lâu đời đến đâu, có uy tín cao đến đâu.
Cần phải đặt vấn đề như vậy, chứ không phải tìm một đường lối chỉ để chứng minh cho một chủ nghĩa hay một học thuyết, thậm chí chỉ để chứng minh cho những nguyên lý lỗi thời. Trước đây, ta có một đường lối cứu nước, đường lối ấy có những điều cần khai thác ở học thuyết Mác-Lênin và ta cũng đã làm như vậy.
Ngày nay ta cần đường lối xây dựng đất nước, khi chủ nghĩa Mác-Lênin không còn đủ sức mạnh toàn năng của nó nữa, ta khai thác nhiều tri thức khác của loài người.
Vậy thì ở Việt Nam ta, đường lối xây dựng phát triển có những vấn đề gì phải xem xét, phải thảo luận và phải tranh luận cho sáng rõ.
Hiện nay, đường lối mà các Đại hội đảng VII, VIII, IX đều quyết định là phải kiên trì và kiên định có những nội dung gì? Rõ ràng đó là sự tuyên truyền, và Đảng yêu cầu cả gần 80 triệu người phải nghe theo, phải tuân phục và thực hành những yếu tố sau:
1. Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Mà tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chỉ là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin.
2. Phải tuân phục sự lãnh đạo của một đảng, đó là Đảng cộng sản Việt Nam, và sự lãnh đạo đó là tuyệt đối và toàn diện.
Đảng quyết định tổ chức nhà nước, chỉ định nhân sự của nhà nước, quyết định các chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước, quyết định các kế hoạch và chủ trương của nhà nước. Ở các bộ phận và các ngành thì có những cấp uỷ Đảng bộ phận (Đảng bộ) địa phương, các Đảng đoàn và các Ban cán sự quyết định mọi công việc, tất cả mọi người đều phải tuyệt đối chấp hành. Đảng ra các nghị quyết, các nghị quyết này đều được phổ biến trong toàn thể nhân dân, và yêu cầu mọi người phải học tập, chấp hành, rồi tất cả mọi diễn biến của cuộc sống đều phải diễn ra dưới ánh sáng của các nghị quyết ấy. Và, những nghị quyết và nghị quyết nhiều khi vượt qua, thậm chí còn ngược lại những quy định của Hiến pháp, pháp luật của nhà nước do Quốc hội thông qua. Mà Quốc hội thông qua cái gì thì cũng phải được Đảng (tức là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương) phê duyệt. Điều này cho phép các quan chức và các tổ chức nhà nước, mà ở đây chỉ toàn những người của Đảng, cứ tuỳ tiện quyết định, phán xử những việc quan hệ đến số phận và tính mệnh của mỗi người dân, miễn là những quyết định ấy đều được “có ý kiến” của Đảng (cấp uỷ).
3. Đường lối về kinh tế thì phải tuân theo nguyên lý kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, tuy kinh tế có nhiều thành phần, nhưng kinh tế nhà nước (quốc doanh) phải giữ quyền chủ đạo.
Thực ra Đại hội VI đã làm một đột phá ngoạn mục xoá bỏ rào cản của kinh tế kế hoạch tập trung, tạo nên sức sống mới cho kinh tế xã hội, do đó nước ta thoát được khủng hoảng “bên bờ vực thẳm”. Nhưng sau này lại thêm vào hai yếu tố “định hướng”, và “chủ đạo”, làm cho sự phát triển kinh tế trở nên hết sức chập chững, chậm chạp. Điều đó làm cho thời kỳ 15 năm đổi mới, ta tuy có những tiến bộ khá tốt đẹp nhưng chưa thoát được khỏi đói nghèo và lạc hậu.
4. Đảng cộng sản kiên trì chế độ “một Đảng lãnh đạo” lại nhấn mạnh nguyên tắc “tập trung dân chủ”, yêu cầu mọi người đều phải phục tùng tuyệt đối, tuyên bố trong nội bộ (thực ra ai cũng biết cả) là thực hiện vô sản chuyên chính.
Do đó đã xây dựng “hai công cụ” chuyên chính là:
Một là Bộ máy văn hoá thông tin rất hùng hậu với 600-700 tờ báo viết và hàng trăm đài phát thanh truyền hình, một hệ thống trường học hùng hậu để nhồi sọ chính trị, hàng nghìn báo cáo viên với những “lưỡi gỗ”, “nói lấy được”, để ngu hoá và mê hoặc nhân dân. Bộ máy này được trang bị hiện đại và đầy đủ, có quyền lực và tha hồ nói láo.
Hai là một hệ thống các cơ quan an ninh của Bộ công an, Tổng cục II Bộ quốc phòng, Cục an ninh bảo vệ của tổng cục chính trị. Hệ thống này tha hồ lộng quyền theo sát hành vi từng công dân, được trang bị rất hiện đại (và tốn tiền) để tổ chức nghe trộm điện thoại, phá hoại thông tin của công dân. Đảng cộng sản Việt Nam.
5. Đảng cộng sản đã và đang thực hành đường lối độc đảng (và tất yếu là độc quyền) lãnh đạo toàn diện (tức toàn trị).
Vì vậy thực chất chế độ xã hội không phải là có “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, mà là một chế độ xã hội phản dân chủ.
Đảng đã thực hành điều đó một cách ngày càng kiên quyết, ngày càng triệt để. Trong khi lại buộc phải nói những lời đẹp đẽ về dân chủ, về “quyền làm chủ của nhân dân”. Vì vậy, đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội hiện nay là lừa bịp, là “nói một đàng làm một nẻo” là “chỉ nói mà không làm” và vì vậy không thể là một xã hội tốt đẹp được, những thành tựu về kinh tế xã hội hiện có nguy cơ tan vỡ.
Điều rõ nhất là Đảng phải đưa ra Hiến pháp 1992. Đưa ra Hiến pháp đó, Đảng bắt nhân dân phải chấp nhận điều 4 là điều nói rằng nhân dân phải chịu sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản. Trong Hiến pháp lại có rất nhiều điều về quyền dân chủ của dân, nhưng trong đó ba điều dân chủ cơ bản là tự do ngôn luận, tự do bầu cử và tự do lập hội, thì đều bị chôn vùi bởi những đạo luật phản động và những thủ đoạn bỉ ổi. Ví dụ như về bầu cử thì có những thủ đoạn “Đảng cử, dân bầu”, “hiệp thương”, thực chất là không ai được quyền tự ứng cử. Ví dụ như về báo chí, xuất bản, thì những đạo luật ngược với Hiến pháp lại bắt buộc mọi người phải tuân theo nghiêm ngặt. Ví dụ như về tự do lập hội thì trong thực tế không ai có quyền gì hết, vì các thủ tục xin phép đủ làm nản lòng tất cả những ai muốn lập hội, các thủ đoạn Đảng phải bố trí đảng viên để nắm các tổ chức xã hội cũng làm cho các hội trở nên vô nghĩa.
Lại ví dụ như trong khi có sự tuyên truyền cho khẩu hiệu “sống theo Pháp luật” thì Đảng lại là người sống ngoài pháp luật và sống trên pháp luật trắng trợn nhất. Và Đảng cũng chỉ đạo các cơ quan nhà nước làm như vậy. Xã hội ta ở trong tình trạng vô pháp luật thì người đầu tiên gây ra tình trạng đó là Đảng. Chống tham nhũng không được, cũng chỉ vì Đảng không thật sự chống. Chế độ độc đảng, độc quyền và tuyệt đối toàn diện, tức toàn trị, là thủ phạm và là nguồn gốc của mọi sự lộn xộn tiêu cực trong xã hội và tình trạng phản dân chủ của đất nước.
6. Đảng có một bộ máy công tác lý luận khá to nhưng công tác lý luận của Đảng thì Đại hội nào cũng nhận xét là kém cỏi, hoặc quá kém cỏi. Vì công tác lý luận của Đảng chỉ có một nhiệm vụ là nhắc lại và chứng minh những nguyên lý đã lỗi thời từ 50 năm đến 100 năm, chứ không có nhiệm vụ trả lời những vấn đề mà cuộc sống hiện thực ngày nay đặt ra. Đảng bịt tai, nhắm mắt trước tất cả hiện thực thế giới và trong nước. Như thế thì xã hội phát triển làm sao được?
Vậy 6 vấn đề nêu trên có phải là những vấn đề của đường lối về chính trị, kinh tế và xã hội hay không? Và Đại hội lần thứ IX được nhiều cờ hoa và kèn trống chào mừng nhất có muốn giải đáp những vấn đề ấy không? Và có giải đáp được không?
III. Vấn Đề Chống Chủ Nghĩa Xã Hội:
Hiện nay trong xã hội ta, mà đúng hơn là trong giới chuyên chính (văn hoá, tư tưởng, và công an) hay có phổ biến các “cụm từ tội danh”:
• Chống xã hội chủ nghĩa, chống Mác- Lê nin, chống Đảng.
• Có hại cho lợi ích cách mạng.
• Không lợi cho lợi ích nhà nước.
• Làm lợi cho kẻ xấu, cho kẻ thù.
• Bị người xấu lợi dụng. v. v…
Lâu nay ta vẫn quan niệm: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là mang lại hạnh phúc cho nhân dân, vì vậy chống chủ nghĩa xã hội là chống lại hạnh phúc của nhân dân, và như thế là phản động.
Từ đây có những câu hỏi:
• Có thật chủ nghĩa xã hội mang hạnh phúc cho nhân dân không?
• Hiện thực ở Việt Nam 1979 đến 1985 sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước mang lại kết quả thế nào?
• Tại sao Đại hội VI đổi mới lại cứu được nhân dân?
• Tại sao Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn 70 năm rồi mà không tiếp tục đứng vững được? Các nước Đông Âu theo Liên Xô cũng bị thay đổi cả. Nhân dân ở các nước đó đều thấy bất bình với chế độ xã hội chủ nghĩa?
• Tại sao chỉ có từ các nước xã hội chủ nghĩa và chủ yếu là từ Việt Nam có hàng triệu người bất kể sống chết, hiểm nguy cứ ra đi tìm đường sống ở các nước khác?
• Ta cứ nói toàn thể nhân dân đã lựa chọn thể chế xã hội chủ nghĩa nhưng thực tế thì tất cả đều chưa thấy xã hội chủ nghĩa đâu cả, chỉ thấy xã hội chủ nghĩa (những năm cuối 70 và đầu 80 ở Việt Nam) là: “xếp hàng cả ngày” và đói khổ, mất tự do. Không ít người không thích chủ nghĩa xã hội và không muốn xã hội chủ nghĩa.
• Ta thường hứa hẹn xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hoàn toàn tốt đẹp không có nghèo khổ, không thất nghiệp, trộm cắp và đĩ điếm. Thế mà sau hơn 25 năm ta xây dựng xã hội Việt Nam lên chủ nghĩa xã hội thì xã hội lại càng nhiều tệ nạn hơn, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng có nặng nề hơn rất nhiều nước không xã hội chủ nghĩa?
Đó là những câu hỏi không cao xa, không cần lý thuyết, những câu hỏi của cuộc sống hàng ngày, khiến từng người dân có thể thấy một sự thật hiển nhiên là con đường đi lên hạnh phúc có thể xã hội chủ nghĩa và cũng có thể không xã hội chủ nghĩa, và có khi “không xã hội chủ nghĩa” lại thoải mái, dễ chịu và tiến đến hạnh phúc nhanh hơn.
Không cần đến các nhà lý luận người ta cũng có thể nhận thấy như thế. Ngoài ra, lẽ đương nhiên trong cuộc sống mỗi người dân đều có quyền tán thành chủ nghĩa xã hội hay không tán thành chủ nghĩa xã hội. Mà ở đây người ta không tán thành chỉ là không tán thành cái cung cách bắt người ta phải theo để đi lên hạnh phúc!
Cũng đơn giản như chuyện người dân nào cũng mong muốn thành phố xanh, sạch đẹp và trật tự văn minh, nhưng còn miếng ăn hàng ngày của người ta? Không cho phép người ta thì chớ, lại còn tiến hành việc đuổi bắt, đánh đá, phạt văng mạng. Và tất nhiên người ta phải mong muốn có một cách nào khác.
Vì vậy, việc truy chụp những người phê bình trật tự xã hội hiện tại và tệ hại của chế độ xã hội hiện tại … là “chống chủ nghĩa xã hội” thì tức là thừa nhận rằng chính xã hội chủ nghĩa là những cái tệ hại đó. Người ta chống là phải.
Việc quy tội nói trên là việc quy tội rất tuỳ tiện, rất dốt nát, rất lưu manh, và thậm chí rất phản động, đối với nhân dân. Như bản thân tôi, tôi không có một chút lý do gì để chống chủ nghĩa xã hội và chống Mác- Lênin cả. Tôi vẫn mong muốn cho đất nước phát triển, nhân dân hạnh phúc và tôi rất sốt ruột về bước đi chậm chạp của đất nước ta. Cũng như tôi vẫn cảm ơn chủ nghĩa Mác-Lênin đã dạy tôi hiểu biết cuộc đời và bước đi của cách mạng. Cho đến nay, tôi vẫn kính trọng Mác-Lênin và chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi vẫn vận dụng tinh thần của chủ nghĩa Mác là phép biện chứng để nhận xét tình hình ngày nay, và từ đó tôi thấy rằng phải theo Mác mà phân tích tình hình cụ thể thế giới và trong nước ngày nay mà quyết định bước đi. Và cũng từ đó tôi thấy rằng sau hàng trăm năm mà vẫn nhại như vẹt những câu nói của Mác-Lênin để giải quyết các vấn đề ngày nay, thì đó chính là những người chống lại Mác-Lênin một cách trắng trợn nhất và ngu dốt nhất.
Càng ngày tôi càng thấy chủ nghĩa Mác-Lê nin có những dự báo sai và có những bất lực trong việc lý giải các hiện tượng mới của thế giới, mà các ông ấy không còn sống để tiếp tục suy nghĩ và dìu dắt nhân loại nữa. Tôi thấy những trí thức mà tôi gặp cũng đều nghĩ như tôi, chứ không ai chống Mác-Lênin cả. Vì vậy tôi càng hết sức bực bội và khinh ghét những lời lẽ quy chụp tôi là chống chủ nghĩa xã hội và chống Mác-Lênin.
Không nên nói định hướng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ nói xây dựng chủ nghĩa xã hội thêm cái ngoặc vào là: dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, với ngụ ý cái chủ nghĩa xã hội mà ta xây dựng chính là cái chủ nghĩa xã hội ấy đấy.
Hết sức quan trọng là ở mấy chữ xã hội công bằng, dân chủ. Vì đã dân chủ thì phải đả phá chuyên chính, đả phá toàn trị, đả phá độc quyền. Nếu đúng như vậy thì tôi vẫn hô: “Muôn năm chủ nghĩa xã hội” và tôi vẫn phê phán cái chủ nghĩa xã hội công hữu bao cấp và quan liêu, hoặc nói là tôi “chống” lại cái thứ chủ nghĩa xã hội đó thì cũng được. Tôi vẫn hoan hô Đại hội IX đã thêm chữ dân chủ vào khẩu hiệu mục tiêu chiến lược, là “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng - dân chủ - văn minh” và mong nó được thực hiện.
IV. Đại Hội IX
Đại hội thế là đã xong (tôi nói XONG, chứ tôi không nói THÀNH CÔNG RỰC RỠ được, ngượng mồm lắm). Đại hội làm được một số việc: Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành mới. Việc thay đổi nhân sự kỳ này có cái được là:
• Đã loại bỏ được một số yếu tố của sự bảo thủ, trì trệ quá lỗi thời. Và sự loại bỏ này tuy mới chỉ là một số, nhưng là một số quan trọng. Nó giảm đi được các yếu tố bảo thủ.
• Đã ngăn chặn được một số yếu tố cơ hội hãnh tiến và lưu manh côn đồ. Tôi biết là trước Đại hội có nhiều người rất e ngại, nay ngăn chặn được, nhiều người thở phào.
• Đã có được vài chữ tích cực trong văn kiện đó là chữ Dân Chủ trong khẩu hiệu chiến lược, và sự xác định thứ tự các nguy cơ, nguy cơ lớn nhất là Tụt Hậu và nguy cơ Tham nhũng …
Đó mới là những cái được ở chữ nghĩa, chứ còn nội dung của Dân Chủ và đường lối Dân Chủ thì chưa có gì rõ ràng. Nội dung Tụt hậu và Tham nhũng cũng như đường lối khắc phục cũng chưa rõ.
Dù sao cũng cần ghi nhận rằng Đại hội IX có mấy cái được đó. Còn vấn đề cơ bản lớn là đường lối thì chưa giải quyết, chỉ mới là một sự lặp lại vô duyên các khẩu hiệu và công thức quá lỗi thời, đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn rõ là: đã nói huy động sức mạnh của toàn thể dân tộc (tức là tất cả già trẻ, lớn bé, trai gái, các dân tộc và giai cấp khác nhau) thế mà lại nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, tức là khuyến khích các giai cấp đấu lẫn nhau. Lại còn nhấn mạnh Đảng của giai cấp công nhân và Đảng giành quyền lãnh đạo độc tôn, tức là xoá bỏ sạch các Đảng khác. Đảng chỉ chấp nhận và đoàn kết với những người giống như Đảng và nói theo y nguyên ý Đảng, coi tất cả mọi người có ý kiến khác đều là chống đối, là phản động. Ngay cả những đảng viên lâu năm mà có ý kiến khác cũng khai trừ và đối xử như thù địch.
Như vậy là vấn đề đường lối chưa được giải quyết và thậm chí chưa được đặt ra. Đất nước đang bị tụt hậu nghiêm trọng.
Bây giờ phải có đường lối phát triển đất nước cho nhanh. Đảng cộng sản có muốn làm việc ấy không và có làm được không?
Còn cứ kêu gọi kiên định, kiên trì... thì thực chất vẫn cứ là trì kéo đất nước trong vòng lạc hậu, đất nước có tiến lên được chút nào thì cũng vẫn cứ tụt hậu ngày càng xa so với những đất nước không cần có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và họ cũng không cần “kiên định”, “kiên trì” cái gì hết.
Tôi nhắc lại: bây giờ điều quan trọng nhất là làm thế nào cho đất nước phát triển nhanh, để đất nước được nhanh chóng giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thực sự.
Không cần “kiên định, kiên trì” cái gì cả!
Đại hội IX đã sắp xếp lại nhân lực, lựa chọn người vào bộ máy lãnh đạo mới có trình độ học vấn cao hơn và tuổi cũng trẻ hơn. Đó là hiện tượng đáng mừng.
Nhưng về đường lối thì vẫn ở trong tình trạng nửa vời. Một mặt thì phải thích nghi với những vận động mới của thế giới và trong nước, nhưng mặt khác lại ra sức kìm hãm các yêu cầu đổi mới và dân chủ hoá tích cực, tạo nên một cơ chế vừa thích nghi vừa kìm hãm. Trong tình thế ngày nay, không thích nghi thì sụp đổ nhưng lại sợ thích nghi. Hy vọng sắp tới yếu tố thích nghi có thể có sự nhúc nhắc nhỉnh hơn. Nhưng rõ ràng đường lối chưa thoát ra khỏi sự kìm hãm, chưa thoát khỏi tình trạng nửa vời.
sophienguyen
06-07-2017, 01:28 AM
PHẦN BA
I. Thực Trạng Về Đường Lối Hiện Nay
Hiện nay, sau 15 năm đổi mới, quả thực đất nước có nhiều thành tựu, tiến bộ, nhưng tại sao lòng người vẫn chưa yên? Hàng ngày rất nhiều lễ hội, rất nhiều cờ hoa, rất nhiều mít tinh, rất nhiều khẩu hiệu, rất nhiều băng cờ, biển báo, rất nhiều diễu hành, rất nhiều ca nhạc v. v. và v.v.
Cứ chỉ trông vào đó thì có thể tưởng rằng nước ta lúc nào cũng đang tưng bừng phấn khởi. Thế nhưng đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai mà gợi chuyện thời sự thì đều có thể được nghe các điều dằn vặt, các điều trăn trở, các điều phàn nàn. Có những người trong các cuộc hội nghị vẫn hăng hái “hoan hô thắng lợi”, “hoan hô Đảng sáng suốt và tài tình”, nhưng khi gặp trao đổi riêng thì vẫn thở vắn than dài … Người nghĩ đến những vấn đề chung thì phàn nàn nhiều nhất về hai vấn đề:
1. Sao đất nước mình nghèo nàn và chậm chạp thế. Cái nhục nghèo khổ và lạc hậu kéo dài đến bao giờ? Bây giờ đã thắng lợi vẻ vang 26 năm rồi …
2. Sao mà xã hội này nhiễu nhương quá thể, người dân không được tự do. Nơi nơi tham nhũng, cấp cấp tham nhũng, ngành ngành tham nhũng. To tham nhũng to, nhỏ tham nhũng nhỏ. Người dân đóng góp nhiều thứ, nhiều lần quá, trong khi lương thực không đủ ăn. Mất dân chủ mọi lúc mọi nơi, mất tự do hơn cả khi còn chế độ thực dân.
Tình hình có thật thế không? Tôi không phải nói dài, cứ gặp bất cứ vị lão thành nào hoặc một người dân lao động bình thường nào mà khơi chuyện ra thì đều được nghe đầy đủ, phong phú, sinh động không bút mực nào tả xiết. Gặp bất cứ một trung niên hoặc thanh niên nào đang làm ăn khấm khá, phong lưu (không nói đến những đại gia đầy quyền lực) thì đều gặp những lời kêu ca vô tận, kêu ca công an, thuế vụ, các cơ quan nhà nước v.v.
Một sự kêu ca nữa thường nghe là sự kêu ca về đạo đức xuống cấp, tệ nạn xã hội không giảm mà ngày càng tăng, sự quan liêu bất lực của cơ quan nhà nước đến phát sợ. Nhiều việc oan khuất ngất trời và kéo dài vô tận. Vậy thì xã hội tươi đẹp ở đâu?? Xã hội dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư bản là ở chỗ nào?
Ta đã tốn bao công sức để mà xây đắp mộng tưởng về một chế độ tươi đẹp, một xã hội tuyệt vời, ta lại tốn công tô vẽ cho nó. Khi gặp đôi điều trục trặc, ta thường an ủi nhau rằng đó là cục bộ, là hiện tượng, còn về toàn thể và bản chất, chế độ ta vẫn tuyệt vời. Nhưng càng ngày các hiện tượng tiêu cực, tệ hại trong xã hội càng nặng thêm, rộng rãi thêm, kéo dài thêm, đậm đặc thêm. Vì thế, cái câu an ủi cho là “cục bộ”, cho là “hiện tượng” … không thiêng nữa.
Càng ngày cái hiện tượng càng bộc lộ rõ bản chất. Bản chất chế độ ta, xã hội ta là không đẹp, mà chủ yếu là không dân chủ.
Như vậy thì hiển nhiên là đường lối xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chưa ổn, chưa thích hợp. Đường lối (tôi nhấn mạnh là “xây dựng và phát triển đất nước”, chứ không phải đường lối làm một cuộc cách mạng nào và đánh đổ cái gì nữa cả).
Đường lối xây dựng và phát triển hiện nay có nhiều mâu thuẫn và nhiều điều duy ý chí chủ quan, không làm cho đất nước phát triển nhanh mạnh được. Đất nước không thể phát triển nhanh được bằng các cuộc đón chào, chào mừng, bằng thi đua, bằng băng cờ, bằng các cuộc vận động … Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh bằng kỹ thuật và năng suất, và trước hết là bằng dân chủ. Xã hội ta hiện nay đầy tham nhũng, đầy tệ nạn, sự phát triển cứ chập chờn. Đường lối thì cứ nửa vời đầy mâu thuẫn. Mỗi một tệ nạn đều có nguyên nhân trực tiếp của nó, tìm ra nguyên nhân trực tiếp nhưng không thể giảm bớt được tệ nạn (chưa nói đến xoá bỏ).
• Chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng tăng.
• Chống quan liêu thì quan liêu ngày càng nặng.
• Giảm biên chế thì giảm một lại tăng ba v.v.
Đó là vì ta không chịu phân tích đến nguồn gốc của vấn đề. Nguồn gốc đó là đường lối. Đường lối đã sản sinh ra một hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo, quan liêu, “nhà nước hoá” tất cả các tổ chức xã hội. Đó là một hệ thống chính trị phản dân chủ và nặng nề, bất lực. Mỗi người dân khi gặp khó khăn và oan khuất khi tìm đến bộ máy thì chỉ gặp phải sự đưa đẩy và chờ đợi. Người dân không còn biết kêu vào đâu! Đó là hệ quả tất yếu của một tình trạng đường lối nửa vời, bắt buộc phải tự thích nghi với biến động thế giới, trong nước, nhưng lại sợ sự thích nghi tổn hại đến vai trò lãnh đạo và những danh cùng lợi.
Khi đọc Dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội IX, tôi có nhận thấy nhiều mâu thuẫn và nhiều điều đầy duy ý chí chủ quan, tôi có viết một số ý kiến nhưng rồi không gửi, vì tôi biết có gửi cũng không ai chú ý, thành ra vô ích. Nay tôi trích một vài đoạn ghi vào đây như sau:
1. Bản dự thảo có một cái tên rất hay, nhất là vế mở đầu “phát huy sức mạnh toàn dân tộc …”. Đó là một tư tưởng cực kỳ hay, và đúng ý Hồ Chí Minh.
Nhưng nếu nói tiếp theo là để “đẩy nhanh phát triển đất nước” thì ngắn gọn và nâng cao tư tưởng… sức mạnh dân tộc hơn.
2. Nhưng đọc tiếp bản dự thảo, thì thấy bản dự thảo có hai điều không tốt. Đó là nó đầy mâu thuẫn và hết sức duy ý chí.
Cái mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa phát huy sức mạnh toàn dân tộc với định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng vào công hữu, định hướng vào quyền lợi và vai trò của giai cấp công nhân, mà đại diện là nhà nước chuyên chính chỉ lo lãnh đạo đấu tranh giai cấp. Vai trò của toàn dân tộc ở đâu?
3. Mâu thuẫn nói trên thể hiện rõ ràng nhất ở đoạn nói về đấu tranh giai cấp: “Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo …. xây dựng nước ta thành …”. Buồn cười thật, nội dung của đấu tranh giai cấp là thực hiện, khắc phục, xây dựng, … Dự thảo không chỉ ra được đấu tranh giai cấp giữa cái gì và cái gì …
Hơn thế, tiếp theo, dự thảo lại khẳng định mạnh mẽ:
“Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết toàn dân … kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội”.
Thế mà lại cứ nhấn mạnh định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế quốc doanh là chủ đạo, thì chẳng phải là triệt tiêu cái “động lực chủ yếu” đi không?
Có đoạn khác, có câu “Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp...”
Nhưng trước đó, lại nói: do còn nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế … nên “tất yếu còn mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp”.
Thật là mâu thuẫn và gượng ép …
4. Dự thảo có rất nhiều điểm duy ý chí rất nặng. Có đoạn viết:
“Con đường công nghiệp hoá của nước ta có thể rút ngắn thời gian so với các nước đã đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt …”
Trong khi ấy, thực tế là về tăng trưởng kinh tế (GDP đầu người hàng năm), ta đã trải qua 15 năm (1986- 2000) mới tăng được 1,5 lần. Trong khi đó, các nước họ chỉ cần thời gian để tăng gấp đôi GDP như sau:
• Indonesia 2-3 năm.
• Hàn Quốc 28 tháng.
• Đài Loan 19 tháng.
Về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thì sau 15 năm, lực lượng lao động nông nghiệp chỉ giảm được 4% (từ 74% rút xuống 70%), trong khi đó Hàn Quốc giảm được 50%. Thế mà ta muốn “nhảy vọt” nhanh hơn các nước đã đi trước. Chuyện ngược đời!!! Có lẽ chỉ nên nêu “cố gắng đỡ chậm hơn”.
Ta đỡ chậm hơn các nước không xã hội chủ nghĩa cũng đã là may cho dân tộc, cho đất nước lắm rồi.
Ai lại phát huy sức mạnh toàn dân tộc để cả nước đấu tranh mà tụt hậu ngày càng xa, cứ “định hướng” để ngày càng đi chậm, thì chẳng uổng công cho sức mạnh dân tộc lắm sao!
Ví dụ nữa về cái duy ý chí là:
- Nêu lên “Thực hiện công bằng trong phân phối, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng và hợp pháp” mà lại không có một chiến lược chống tham nhũng cho rõ rệt, chỉ nêu lên chống tham nhũng như là sửa chữa một khuyết điểm “mụn ghẻ”, thì vẫn là dung túng tham nhũng, dung túng làm giàu bất hợp pháp.
- Nêu lên “Khắc phục dần sự cách biệt giữa thành thị với nông thôn…”, “hàng năm tạo ra hàng triệu việc làm mới …”. Thế mà báo cáo chính trị, về đường lối, chính sách, lại chỉ loanh quanh với “bằng nhiều biện pháp, khuyến khích các thành phần kinh tế, mở rộng ngành nghề” thì lấy đâu ra hàng triệu việc làm?
- Đáng lẽ phải khẳng định một chiến lược xác định vị trí doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích sao cho xuất hiện hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa, mỗi doanh nghiệp thu hút vài chục lao động, thì việc gì Bộ Lao động - thương binh - xã hội phải chạy vạy tìm công việc. Đáng lẽ phải tôn trọng kinh tế tư nhân, thu hẹp hợp lý kinh tế quốc doanh kém hiệu quả, thì lại cứ sợ tư bản xuất hiện. Một nền kinh tế muốn phát triển, không có các nhà doanh nghiệp, các ông chủ và các người quản lý giỏi, mà chỉ có người đi tìm chỗ làm thuê thì tìm chỗ làm thuê ở đâu?
Vấn đề này nằm trong đường lối và chiến lược chứ không phải chỉ là những khuyết điểm, thiếu sót mặt nọ mặt kia.
Cái đường lối và chiến lược “định hướng” và “chủ động” rất tai hại. Càng phát huy sức mạnh toàn dân tộc, mà không sửa đường lối và chiến lược, càng đẩy đất nước vào chỗ trì trệ, chậm chạp.
Đảng đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc đánh thắng giặc ngoại xâm rất oanh liệt, nay vì sai lầm đường lối mà không phát triển đất nước thì cái “chệch hướng” (nếu có) chính là cái chệch hướng rất nguy hại này, nó làm tổn hao và phung phí sức mạnh toàn dân tộc.
Lại một ví dụ duy ý chí nữa:
Trong báo cáo có chỗ nêu:
“Văn nghệ sĩ … phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng …”
Ai mà chẳng muốn thế, các văn nghệ sỹ lại càng muốn thế, và nhiều đại hội cũng đã từng phấn đấu rồi đấy. Nhưng làm sao có được các tác phẩm đó trong khi chính sách tự do báo chí và xuất bản bị bóp nghẹt.
Rõ ràng, chỉ có tự do thì các mặt xã hội mới phát triển. Đại hội VI đã mở ra đường lối tự do, đưa lại cho nông dân quyền được tự do làm ăn, người buôn được quyền tự do buôn bán, mở cửa cho xuất nhập khẩu, đầu tư … thì xã hội mới đổi, mới có bộ mặt phồn vinh. Tình hình đến đây rồi đóng lại, chựng lại. Các thứ tự do, từ tự do kinh doanh đến tự do sáng tác đều bị xét nét, ngăn cấm, thì làm sao mà “phấn đấu có nhiều” được.
Báo cáo chính trị lẽ ra phải có đường lối mới, chính sách mới, tư tưởng mới … thì lại cứ khư khư những khẩu hiệu cũ, rồi nêu lên những nguyện vọng để phấn đấu, tăng cường và nâng cao, đẩy mạnh, thì đại hội chỉ “thắng lợi rực rỡ” trong hội trường mà thôi.
II- Hãy Tìm Một Lối Ra:
- Thực ra trong những người có ý kiến khác về đường lối, không có ai chống chủ nghĩa xã hội cả. Ai cũng có lòng muốn đem lại hạnh phúc cho nhân dân, thì việc gì phải chống chủ nghĩa xã hội. Có ý kiến khác nhau chỉ là do nhận thức và hiểu biết về chủ nghĩa xã hội khác nhau.
Tôi thấy:
- Có một cách hiểu chủ nghĩa xã hội thô thiển và nóng vội: chỉ cần xoá tư hữu và thực hiện công hữu thì có chủ nghĩa xã hội. Cách hiểu đó ngược lại tinh thần chủ nghĩa Mác. Mác thấy rằng sức sản xuất xã hội cần phát triển ở mức cao, cao đến độ không xã hội hoá không được, cao đến mức của cải thừa mứa, cần tổ chức sự phân công cho công bằng hợp lý. Lúc ấy, cần thực hiện những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và lúc ấy mới có chủ nghĩa xã hội, còn nếu cứ gượng ép có chủ nghĩa xã hội trước khi đủ điều kiện thì chỉ có một chủ nghĩa xã hội nghèo nàn bất công.
- Có một cách hiểu chủ nghĩa xã hội khác, một cách hiểu bình tĩnh hơn, khoa học hơn. Đó là đến được với chủ nghĩa xã hội còn là một con đường xa tít tắp, lâu lắm. Trung Quốc nói thời kỳ quá độ dài đến hàng 100 năm. Cách nói đó cũng không đúng; quá độ là từ cái gì “quá độ” sang cái gì chứ? Mác nói đó là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Thế mà ở ta đã có chút chủ nghĩa tư bản nào đâu. Ta chỉ có từ nghèo khổ lạc hậu phát triển lên giầu có và văn minh chứ không có quá độ nào cả. Mà nếu có quá độ thì phải có cái quá độ này:
Phải: quá độ từ tiền tư bản chủ nghĩa lên thẳng hậu tư bản chủ nghĩa, từ tiền công nghiệp lên thẳng hậu công nghiệp, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa (đúng hơn là không qua chính quyền tư bản chủ nghĩa). Tình thế thời đại hiện nay buộc ta phải bước quá độ (hay là bước như vậy).
Đại hội IV nêu khẩu hiệu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đó là khẩu hiệu bốc đồng, duy ý chí, là kết quả của sự bốc đồng của Lê Duẩn, quá say sưa về thắng lợi độc lập thống nhất, ngược lại với di chúc của Bác.
Nếu sau 1975, ta tập trung nỗ lực vào sự hàn gắn vết thương chiến tranh, giải quyết các yêu cầu của các tầng lớp nhân dân, tạo sự yên bình và bình thường hoá cuộc sống như việc giảm thuế, chăm lo cho thương binh liệt sỹ và gia đình v.v… để bù lại 30 năm gian khổ hy sinh của dân, rồi từ đó đặt kế hoạch từng bước phát triển đất nước. Thì như thế tốt hơn nhiều, và thiết thực hơn nhiều. Sau những năm 90, mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết đã thất bại (rõ là thất bại chứ không phải thoái trào hay tiến trào gì cả), chủ nghĩa xã hội phải tự điều chỉnh. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản cũng đang tự điều chỉnh, và ngày càng tiến đến hậu tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản không thể đế quốc, phát xít hơn như Mác hoặc Lê nin, dự đoán, mà tự nó muốn cứu nó thì nó buộc phải dân chủ hơn. Thực ra, chưa ai hình dung được sau chủ nghĩa tư bản thì xã hội loài người là thế nào, và chủ nghĩa xã hội cần điều chỉnh như thế nào? Nhiều học giả thế giới, trong đó có những nhà dự đoán thiên tài, đều thấy rằng, phải chờ có đủ yếu tố mới vẽ được ra cái xã hội tương lai đó, và mới đặt tên được. Tình hình thời đại đã và đang biến động lớn như thế, xã hội Việt Nam cũng biến động lớn. Việt Nam từ một xã hội thuộc địa tiểu nông lạc hậu dưới hai tầng thống trị của thực dân, phong kiến đã trở thành một xã hội của một đất nước được thống nhất, độc lập và tự do. Từ một dân tộc hầu như mù chữ đã trở một dân tộc đầy trường học, có hàng trăm trường đại học, có hàng vạn giáo sư tiến sỹ, cử nhân, hàng triệu tú tài, hàng năm đều có gần 100% trẻ em 7 tuổi đến trường.
Những biến động thế giới trong nước như vậy mà không có sự phân tích nghiêm túc, cứ cố hô những khẩu hiệu từ cách đây ít ra 50 năm rồi, hò hét kiên trì, kiên định. Đó là một sự trì trệ khủng khiếp, đã không đúng với duy vật biện chứng của Mác-Lênin mà lại còn tự hào là giữ vững quan điểm lập trường. Đó là một thứ tư duy trì trệ lạc hậu cổ lỗ rất kém thông minh. Nói cho sang trọng: đó là một sự ngu trung (nghĩa là trung thành một cách ngu xuẩn).
Bây giờ phải làm gì?
Sự thật không có gì khó khăn, và không có gì đảo lộn cả. Các vị lãnh đạo đã nói được nhiều điều tốt đẹp. Những điều tốt đẹp đó cũng là nói theo dân mà thôi. Dân căm ghét tham nhũng thì lãnh đạo cũng phải hò hét “kiên quyết chống tham nhũng”. Dân thấy tình hình đang bê bết, lãnh đạo phải nói tự phê bình, và các văn kiện đều phải nói về sự yếu kém nhiều hơn. Dân yêu cầu dân chủ và kêu ca tình trạng thiếu dân chủ thì lãnh đạo cũng phải thêm chữ dân chủ vào khẩu hiệu chiến lược.
Nhưng nói thêm chữ thêm nghĩa vào chỗ này chỗ khác thì tốt đấy, nhưng hầu như chưa có ý nghĩa gì. Vì ta vốn đã có một thói tệ trầm trọng là nói một đàng, làm một nẻo. Cứ căn cứ vào chủ nghĩa thì ta có bao nhiêu là tốt đẹp. Ví như để trả lời điều nhận xét là ta kém dân chủ, thì một nhà lãnh đạo (hoặc một người phát ngôn thay mặt lãnh đạo) nói trên diễn đàn rằng nước tôi có đầy đủ dân chủ, chứng cứ là các quyền dân chủ ghi đầy đủ ở Hiến pháp và các bộ luật, có cả một văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sỏ. Và thế là các vị lãnh đạo đã “yên chí lớn” về nền dân chủ của nước nhà. Trong khi đó, những người trí thức và người dân thường, từng ngày từng giờ cứ phải tiếp sức với sự bưng bít thông tin, cứ phải đối phó với công an, thuế vụ, và dân phòng, Vậy thì họ chỉ thấy những lời nói tốt đẹp kia là vô nghĩa.
Quả thật là đất nước ta, xã hội ta đang ở tình trạng không yên. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ ai cũng có thể nghe thấy những lời phàn nàn về tham nhũng, về đạo đức, về tệ nạn và về mất dân chủ.
Xét cho cùng thì cũng là do thiếu dân chủ.
Nhân dân (và nhất là giới lão thành và giới trí thức) có rất nhiều ý kiến hay. Nhưng vì không có dân chủ, nên không thu hút được những ý kiến hay, bổ ích, thiết thực đó. Vì vậy, phải giải quyết từ vấn đề đường lối. Đại hội IX đã qua rồi và không giải quyết vấn đề đường lối. Vậy thì Ban Chấp hành Trung Ương phải bắt tay vào chuẩn bị vấn đề đường lối (có thể cho Đại hội sau).
Đường lối sắp tới, theo ý tôi phải là đường lối dân chủ hoá.
Dân chủ hoá không phải là một số công tác, một số quyết định luật lệ. Dân chủ hoá phải là vấn đề đường lối, vấn đề chiến lược, vấn đề chính trị xã hội. Ta biết có những nhà trí thức quan trọng đã vẽ ra một bức tranh xã hội tươi đẹp cho nước ta ngay trước mắt, không cần phải định hướng, cũng không cần xã hội chủ nghĩa.
Bức tranh xã hội đó là: Một xã hội có 4 yếu tố thiết yếu và quan trọng sau:
1. Thực hiện một xã hội công dân, tức là một xã hội mà trong đó mỗi người dân thực sự làm chủ thân phận, cuộc sống của mình, có một sự độc lập tương đối trong làm ăn và sinh sống. Nó khác hẳn hiện trạng xã hội ta ngày nay, một xã hội mà trong đó mỗi người dân chỉ là một người tuân phục. Xã hội ta bây giờ chỉ có thần dân, không có công dân.
2. Một nhà nước pháp quyền. Đó là một nhà nước có kỷ cương tinh nhuệ, không phải là một nhà nước cồng kềnh và bất lực như hiện nay. nhà nước đó phải thực sự là công bộc của nhân dân, phục vụ từng người dân, chứ không phải là một nhà nước chỉ biết cai trị dân, sai bảo dân, và tìm cách đục khoét của dân.
3. Một nền kinh tế thị trường. Đó là một nền kinh tế hoàn chỉnh chứ không cần định hướng gì hết. Nền kinh tế đó có đủ các yếu tố của thị trường và được vận hành theo quy luật vận động của nó. Nền kinh tế này sẽ kích thích phát triển xã hội nhanh chóng tức là thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sức sản xuất. Rồi mỗi khi có một bước phát triển khách quan của nó thì lại có chính sách thích hợp cho nó phát triển, khắc phục mọi yếu tố kìm hãm. Vì vậy càng không nên “định hướng”.
4. Là một nền dân chủ thật sự. Nền dân chủ này bao gồm cả xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Nhưng một điều nữa là bảo đảm tất cả mọi quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế. Chủ yếu nhất là thực hiện ngay (thực hiện chứ không phải ban bố) quyền tự do ngôn luận, tự do ứng cử, bầu cử, và quyền tự do lập hội.
°
Như vậy, rõ ràng là Dân chủ là vấn đề bao trùm lên mọi mặt của xã hội, về chính trị, về kinh tế và văn hoá, tất cả đều quy vào vấn đề dân chủ.
Dân kêu ca hàng ngày, kêu ca ở mọi nơi mọi chốn về sự thiếu dân chủ, kém dân chủ. Còn lãnh đạo thì trên diễn đàn cũng như trên văn kiện đã công khai thừa nhận kém dân chủ cả ở trong Đảng và ở ngoài xã hội. Đại hội IX đã ghi thêm vào, khẩu hiệu chiến lược: “… Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Một xã hội như thế quả thật cần có 4 yếu tố như trên đã nói (bốn bánh xe của một cỗ xe), đúng là không đủ 4 yếu tố đó (4 bánh xe) thì xã hội không vận hành được. Vậy thì vấn đề dân chủ là vấn đề chiến lược, vấn đề đường lối, chứ không phải là vấn đề một số công tác cụ thể như kiểm tra, như lấy ý kiến, như bầu cử có đa số, thiểu số v.v… Muốn thúc đẩy sự phát triển đất nước, phải xây dựng được một nền dân chủ, nói cách khác, phải có một chiến lược, một đường lối dân chủ hoá. Đường lối dân chủ hoá hiện nay, cần phải có, gồm:
1. Một mặt, phải đặt ra nghiên cứu, cải cách lại toàn bộ hệ thống chính trị hiện có, xoá bỏ chế độ Đảng độc tôn lãnh đạo. Phải thực hiện đa nguyên, đa đảng. Các bộ máy khác phải được xác định đúng vị trí, chức năng, theo hướng sau:
• Quốc hội phải là cơ quan quyền lực cao nhất, có chức năng lập pháp.
• Chính phủ phải là cơ quan quyền lực đầy đủ để thực hiện hành pháp.
• Đảng có thể là tổ chức chính trị quan trọng nhất, là người đề xuất và kiến nghị những vấn đề đường lối, chính sách để Quốc hội và Chính phủ quyết định. Nhưng nghị quyết của Đảng không có giá trị chấp hành ở chính quyền hay toàn dân. Toàn dân không phải học nghị quyết của Đảng mà chỉ chấp hành những quyết định của chính quyền, tuân theo luật pháp của nhà nước.
• Các đoàn thể xã hội trong Mặt trận Tổ quốc và ngoài Mặt trận Tổ quốc thực hiện đúng những quy chế về tổ chức xã hội, có hoặc không có trợ cấp của nhà nước, không được biến thành một bộ máy hành chính và can dự vào các việc hành pháp. Như thế mới thực hiện được tinh giảm biên chế, giảm được tệ nạn quan liêu, và như thế Đảng cộng sản không mất đi lịch sử và vai trò của mình, trái lại sẽ có uy tín nhiều hơn và được yêu mến hơn.
Bộ máy nhà nước phải thực hiện đúng khẩu hiệu đã nêu, và đó cũng là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nhà nước phải thực sự là đầy tớ của nhân dân, là nhà nước của dân, do dân, và vì dân.
Muốn thế phải có quy chế thể hiện đúng tinh thần đó. Ví dụ:
Cần quy định:
- Mỗi khi một người dân đến hỏi ở cơ quan nhà nước, và yêu cầu Cơ quan nhà nước giải quyết việc gì thì cơ quan nhà nước đó phải giải quyết từ A đến Z và có thời hạn. Nếu việc đó phải nhiều cơ quan và cấp Bộ giải quyết, thì chính cơ quan mà người dân tìm đến phải là đầu mối đứng ra liên hệ với cơ quan khác để giải quyết, và phải giải quyết cho rõ ràng, có xác định “được” hay “không được”. Cấm triệt để thói “kính chuyển” đánh bùn sang ao, chỉ chỏ, rồi mặc cho dân chạy vạy vô tận và tốn kém. Chấm dứt tình trạng người dân cứ phải chờ đợi và chạy vạy. Cơ quan nhà nước có hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, phải dùng hệ thống thông tin liên lạc đó phục vụ cho nhân dân,, chứ không được ngồi chỉ tay năm ngón.
Lại ví dụ:
- Người dân yêu cầu giải quyết công việc, cơ quan nhà nước định cho mình thời hạn và báo cho người dân biết. Thời hạn đó phải là tối thiểu, ví dụ 2 ngày, hay 3 ngày. Ngoài thời gian đó mà người dân phải chờ thêm thì cơ quan phải có kinh phí trả cho người dân phải chờ đợi: mỗi ngày phải có tiền ăn và tiền trọ cho người dân. Như thế dân mới yên tâm, nhà nước mới đúng là nhà nước vì dân, của dân v.v…v.v…
Việc cải cách hệ thống chính trị và cải cách bộ máy nhà nước (thay vì cái gọi là cải cách bộ máy hành chính) là một việc lớn và lâu dài, cần có nghị quyết của Đảng, có nhiều đề thi, nhiều hội thảo, thực hiện từng bước, không thể làm ngay và làm đơn giản được.
2. Mặt khác có những việc cần làm ngay và có thể làm được ngay:
Đó là mấy việc như sau:
A. Sửa đổi ngay Luật báo chí và xuất bản, bảo đảm thực sự cho tự do ngôn luận như điều 69 của Hiến pháp. Nghĩa là quy định rõ: ra báo không phải xin phép, chỉ cần đăng ký, tư nhân có thể ra báo, xuất bản cũng thế.
B. Sửa đổi các Luật bầu cử, bãi bỏ thể chế “hiệp thương”, bảo đảm mọi người đủ điều kiện tự do ứng cử, tự do vận động và tự do lựa chọn trong bầu cử, như điều 54 của Hiến pháp.
C. Nếu có đặt ra sửa Hiến pháp, thì sửa theo tinh thần Dân chủ hoá. Việc bỏ điều 4 có thể trưng cầu dân ý, nhưng cần bỏ hết những cái đuôi “theo luật định” và “theo quy định của pháp luật” ở một số điều, vì khi ra luật thì luật thường lại ngược với tinh thần của Hiến pháp, rõ nhất là điều 69 về tự do báo chí, quyền thông tin và lập hội.
D. Đối với kinh tế thì nên quan niệm lại vai trò kinh tế tư nhân. Tư nhân được tự do kinh doanh và được khuyến khích phát triển thì sự phát triển của đất nước mới nhanh được; mới có điều kiện giải quyết công ăn việc làm, và có điều kiện tốt cho việc xây dựng nông thôn mới (công nghiệp hoá, đô thị hoá).
Không nên sợ tư bản phát triển, mà cần khuyến khích sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, trong đó có những doanh nhân thông minh và giỏi giang, có như thế thì đất nước mới phát triển nhanh. Việc này cũng chỉ là thực hiện tinh thần "các thành phần kinh tế đều bình đẳng" một cách rõ hơn và công bằng hơn mà thôi. Mặt này Chính phủ đã làm nhiều việc tích cực, cần chính thức thúc đẩy thêm mà thôi. Cần chấn chỉnh công tác văn hoá và tư tưởng. Hiện nay, văn hoá và tư tưởng bộc lộ rõ tính chất chuyên chính độc Đảng, bóp nghẹt và hăm doạ mọi tiếng nói một cách vừa tinh vi vừa trắng trợn.
E. Toàn bộ công tác văn hoá được tiến hành và biểu hiện như là một sự tuyên truyền cổ động khổng lồ, tốn kém công sức và tiền của. Hiện nay toàn bộ hệ thống bộ máy văn hoá của nhà nước, các báo chí, nhà xuất bản, các đoàn nghệ thuật đều chỉ là công cụ của Đảng, chỉ được huy động rầm rộ để đón chào, kỷ niệm và chào mừng. Nghệ thuật đích thực rất khó sống, trừ sự hoạt động của một số ít văn nghệ sỹ có lòng tự trọng và phần nào độc lập. Các nhà lãnh đạo nên tổ chức gặp gỡ ngay những lão thành cách mạng và trí thức có ý kiến khác về đường lối, về chủ nghĩa xã hội. Gặp gỡ một cách bình tĩnh và trung thực, công khai, có báo chí tham gia. Nghe một lần rồi nghe nhiều lần nữa, nghe một nhóm rồi nghe nhiều nhóm nữa. Chắc chắn lãnh đạo sẽ nghe được nhiều ý kiến bổ ích. Chấm dứt hiện tượng mấy chữ “mở rộng dân chủ” chỉ dừng lại ở nói, mà không thấy làm, chỉ nghe được những lời nói theo, những lời ca ngợi. Việc này sẽ có một tác động thật lớn, làm phấn khởi toàn xã hội. Tôi tin chắc như thế.
F. Phải giảm bớt các lễ hội, các lễ kỷ niệm, các cuộc thi và các cuộc đón chào (theo báo Đại Đoàn Kết: trong 6 tháng đầu năm 1998, ngân sách chi kinh phí cho các cuộc đón huân chương là 500 tỉ đồng). Như vậy thì các cuộc kỷ niệm, mít tinh và chào mừng còn tốn kém đến đâu nữa? Trong khi ai cũng thấy nước ta còn nghèo. Sự lãng phí của các cơ quan nhà nước ai cũng trông thấy: các trụ sở tỉnh, huyện, xã, các xe hơi xịn, mà chỉ riêng tiền sửa xe hơi con trong một năm cũng mất 1.500 (một nghìn năm trăm) tỉ đồng. Trong khi tiền đầu tư thì còn thiếu vv…
G. Phải thay đổi tư duy. Hãy từ bỏ lối tư duy chỉ biết ca tụng, khen ngợi, biểu dương, tâng bốc. Hãy khuyến khích lối tư duy khách quan phê phán, luôn xét đoán và phê phán những điều kém cỏi.
H. Phải giao cho Viện ngôn ngữ giám sát và uốn nắn ngôn ngữ của báo chí, vì báo chí hiện nay có tác dụng phát triển ngôn ngữ, nhưng cũng làm hỏng tiếng Việt nhiều lắm. Có thể có một chuyên đề lớn về tình trạng này.
Xin tạm thời nêu mấy việc rất thiết thực như trên, cần sớm làm. Chỉ cần thực hiện mấy việc đó (hoặc chỉ 2 việc A và D) thì có thể xã hội đã có ngay bộ mặt mới và không khí mới. Đó là bộ mặt và không khí dân chủ hoá.
Vấn đề vai trò của Đảng cộng sản:
Lịch sử đã ghi nhận, và trong lòng người dân cũng đã ghi nhận rằng Đảng cộng sản đã từng có một lịch sử oanh liệt và vẻ vang. Đảng cộng sản đã góp phần quan trọng (chỉ góp phần thôi, chứ không phải là tất cả và duy nhất) vào thắng lợi lớn lao của đất nước.
Điều đó hơn 25 năm nay đã được nói đi nói lại đầy đủ và quá đầy đủ, thừa mứa nữa. Nay phải nói cái khác đi, nói mãi thắng lợi và vẻ vang, người nghe và người đọc bắt đầu chán rồi đấy.
Bây giờ phải thấy dân chủ là vấn đề thể chế, vấn đề chế độ. Đảng cộng sản đã tạo ra một chế độ không dân chủ. Đó là chế độ độc đảng (độc tài) và toàn trị, chính đảng đã thấy rõ điều này và toàn dân cũng biết điều này. Tôi đã biết rõ là "Hội đồng lý luận” của Đảng đã đặt ra nghiên cứu một “đề tài khoa học" là "Một đảng lãnh đạo có dân chủ được không”. Riêng tên đề tài đã chứng tỏ tình trạng một đảng nắm quyền là có "vấn đề" về dân chủ. Tôi biết rõ là Hội đồng lý luận đặt ra việc “nghiên cứu khoa học" này chỉ hòng để "chứng minh một điều không thể chứng minh được”, đó là “một đảng lãnh đạo cũng có thể có dân chủ!”
Tôi không biết kết quả nghiên cứu có ra được "công trình" nào không, nhưng tôi được đọc qua bản “báo cáo đề dẫn” để thảo luận, thì tôi đã thấy rõ sự lúng túng và tắc tị. Rõ ràng là không thể chứng minh được. Rõ ràng là một đảng không thể dân chủ, mà chỉ có thể phản dân chủ.
Trong đề dẫn có một đoạn nói về: 6 trở ngại và nguy cơ đối với dân chủ của chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền. Chú ý là trở ngạivà nguy cơ. Đó là:
1. Đảng sẽ chủ quan, duy ý chí và quan liêu trong xác định chủ trương, đường lối.
2. Đảng dễ áp đặt ý chí của mình với nhà nước và xã hội, sắp đặt người của Đảng vào các cơ quan nhà nước, và đoàn thể xã hội, tự đặt mình lên trên nhà nước và pháp luật, bao biện làm thay công việc của nhà nước, mà không chịu trách nhiệm pháp lý về những quyết định của mình.
3. Hệ thống các đoàn thể xã hội có thiên hướng về hoạt động phục vụ đường lối của Đảng hơn là làm tròn trách nhiệm đại biểu cho nguyện vọng lợi ích của đoàn viên, hội viên mà mình đại diện. (Tôi ghi chú thêm: các đoàn thể xã hội đã biến thành công cụ tay sai của Đảng. TĐ)
4. Các đảng viên có chức có quyền dễ sa vào đặc quyền đặc lợi, tham nhũng cửa quyền, gây phiền hà cho dân. (Tôi ghi thêm: tệ nạn sùng bái cá nhân được nhấn mạnh và khuyến khích. TĐ).
5. Người dân rất khó kiểm tra giám sát được các cơ quan quyền lực (gồm toàn người của Đảng). (Tôi ghi thêm: Không phải là khó, mà là không kiểm tra được, không giám sát được, vì chế độ của Đảng là bịt mồm tất cả mọi tiếng nói. TĐ)
6. Dân chủ xã hội bị vi phạm quá mức thì sẽ đổ vỡ tất cả (từ chính quyền đến Đảng). (Tôi xin nói thêm: Đúng ra không phải là 6 điều trở ngại và nguy cơ, mà đây là thực trạng xã hội mà chế độ độc Đảng đã gây ra và đang gây ra).
Tôi rất khen bản đề dẫn đã nhận ra được sự thật, và dám nói lên những sự thật này. Tôi chắc là các cơ quan lãnh đạo cấp cao đã được báo cáo, cũng hiểu biết không kém cái sự thật này. Tôi không biết trái tim các vị có còn biết rung động, và đầu óc các vị có thể xét đoán được không?
°
Thế rồi tháng 11 năm 1999, có một cuộc sơ kết cái đề tài này. Trong bản sơ kết, một “nhà lý luận” nêu ra điều kiện để một đảng duy nhất nắm chính quyền mà vẫn dân chủ được.
1. Phải là một Đảng cách mạng chân chính. (Tôi bình thêm: một Đảng đầy rẫy quan liêu, tham nhũng, phải vận động để chỉnh đốn mà không có kết quả, hoặc kết quả ít, có phải là Đảng chân chính không? TĐ)
2. Phải đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và của cả dân tộc. (Tôi bình thêm: một Đảng hơn 2 triệu đảng viên, rồi một Ban chấp hành 150 người, rồi một Bộ chính trị và Ban bí thư 20 người. Có một lần, một vị lão thành đặt câu hỏi: Đảng, hơn 2 triệu người, có là nơi tập trung được trí tuệ của 80 triệu dân được không? Hơn 150 người hiện nay có phải đã là tập trung trí tuệ của toàn Đảng không? Hơn 20 người có phải là tập trung trí tuệ của 150 người không?
Người đặt câu hỏi ra là đã đặt ngay được câu trả lời: chữ KHÔNG to tướng. Đó là sự thật. TĐ)
3. Coi trọng đề cao và phát huy vai trò của mặt trận dân tộc, các đoàn thể nhân dân.
4. Phải có một tiền đề dân trí cao. Nước ta có nhược điểm là không trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, dân chưa biết, chưa trải qua, chưa cần dân chủ. (Tôi bình thêm: như vậy, người sơ kết thừa nhận xã hội có chế độ tư bản chủ nghĩa có dân chủ hơn. Thế nào là dân chủ, thế nào là không dân chủ?. TĐ)
5. Đảng phải có phương thức tổ chức và phương thức lãnh đạo đúng đắn. (Tôi bình thêm: hiện nay chưa đúng đắn phải không? Vậy có cần đổi mới không? TĐ)
Vậy chỉ cần căn cứ vào mấy điểm đó của đề dẫn và sơ kết thì đã thấy rõ: không thể chứng minh được rằng “một đảng độc quyền lãnh đạo cũng có thể dân chủ!” Thực trạng đã chứng minh một cách rõ rệt là một Đảng mà lại độc tôn và toàn trị thì chỉ có thể phản dân chủ.
Đảng cộng sản muốn xứng đáng với lịch sử và nhân dân, phải đổi mới triệt để. Con đường đổi mới chỉ có thể là con đường dân chủ hoá.
Và Đảng phải tự cải cách triệt để, nếu không nguy cơ không thể lường được. Không nên cứ tập trung cố gắng vào việc đề cao và củng cố vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng, mà phải thực hiện khẩu hiệu “Đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân, tức là sự phát triển nhanh và đất nước trở nên giầu mạnh, dân chủ”
Phải hành động theo khẩu hiệu đó mà chấm dứt tệ nạn nói một đàng, làm một nẻo.
°
Ý kiến của tôi về đại hội IX của Đảng, và lý giải đâu là sức cản, cũng như khi nói về tình hình đất nước, nói về Đảng, thì thường là bất tận ngôn …
Nhưng tôi muốn kết thúc đoạn nhật ký này ở đây. Tôi chỉ biểu thị mong ước của tôi là các nhà lãnh đạo nên có sự đối thoại trực tiếp (đối thoại thực sự, chứ không phải là gặp qua loa lấy tiếng) với các bậc lão thành và các nhà trí thức có ý kiến khác. Đó là những người về tuổi tác, từng trải, kinh nghiệm và học vấn đều hơn rất nhiều so với phần đông những người có trách nhiệm ở bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội hiện nay. Tôi cũng cho rằng, cần phải truất bỏ ngay những thủ đoạn của các cơ quan Công an như:
• Quản chế khi không đủ lý lẽ và chứng cớ để kết tội (Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh)
• Bắt giam người vô tội vạ (Nguyễn Thanh Giang trước đây). Đón bắt dọc đường như bắt cóc (gần đây: Vũ Cao Quận- Hải Phòng)
• Cho công an, những chú nhỏ đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại đến nhà hạch sách, đòi gọi các cụ nhiều lần (Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính).
• Khám nhà lấy tài liệu, cả khi vắng mặt (Vũ Cao Quận), và giữa đêm hôm (Lê Hồng Hà).
• Theo dõi, nghe trộm điện thoại, phá rối điện thoại, ngăn chặn điện thoại một cách tuỳ tiện, xâm phạm quyền thông tin và thư tín. (Hoàng Minh Chính, Trần Độ)
v. v…v. v…
Những hành vi đó không chỉ mất dân chủ, phi luật pháp, xâm phạm quyền tự do công dân, mà còn là những hành vi man rợ, vô văn hoá, bất lịch sự, rất đáng lên án và phỉ nhổ.
Tôi biết rất rõ là những ý kiến của tôi chưa thể đầy đủ, và chưa thể hoàn toàn chính xác. Tôi rất mong có dịp được gặp gỡ với những người có khả năng xét đoán để trao đổi ý kiến, và tôi sẽ được tranh luận, bổ sung, đào sâu hơn.
Việc này bộ phận lãnh đạo chủ chốt đứng ra chủ trì thì tốt nhất.
Còn nếu chúng tôi có gặp nhau năm bẩy người thì lập tức lại có sự dò xét, theo dõi, và rồi lại xì xào cho là chúng tôi bàn chuyện chống đối. Còn nếu chúng tôi có định hướng cho rõ ràng theo Hiến pháp thì lại phải xin phép "theo luật định" và xin phép thì chắc chắn không được cho phép.
Rõ ràng là dân chủ hoá là yêu cầu cấp bách quá rồi.
Không thể để đất nước quá ngột ngạt như thế này.
Tôi nói đây là nói với tất cả mọi người, nhưng cũng muốn được coi như là nói riêng với các nhà lãnh đạo chủ chốt.
Tôi kết thúc tập nhật ký này ở đây.
Ngày 30 tháng 4 và ngày 7 tháng 5 năm 2001
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.