PDA

View Full Version : Ba gia đình người Việt vượt biên ở Indonesia đang chờ được LHQ phỏng vấn



duyanh
03-29-2017, 12:34 PM
Ba gia đình người Việt vượt biên ở Indonesia đang chờ được LHQ phỏng vấn





http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/3-vietnamese-families-fled-waiting-interviewed-ha-03282017142710.html/vuot-bien-Indonesia-622.jpg/image

Bữa ăn của các con bà Loan tại khách sạn ở Indonesia khi vừa bị bắt.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/3-vietnamese-families-fled-waiting-interviewed-ha-03282017142710.html/VHA032817.mp3


Ba gia đình ở Bình Thuận, từng bị chính phủ Úc trả về, đang bị giữ ở Indonesia gần tròn 2 tháng sau chuyến vượt biên mới nhất. Số phận của nhóm 18 người này hiện giờ ra sao?

Vượt biên lần thứ nhì

Chuyến vượt biên lần thứ hai của nhóm 18 người rời Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, với quyết tâm thà chết trên biển chứ không hồi hương, được nữ Ký giả Shira Sebban nhắc lại trên báo mạng Independentaustralia.net đăng tải hồi trung tuần tháng Ba.

Bà Shira Sebban là người lập quỹ giúp cho một số gia đình ở Bình Thuận, vượt biên sang Úc hồi tháng 3 năm 2015 nhưng bị trả về Việt Nam và phải chịu án tù, mặc dù Chính phủ Hà Nội cam kết không trừng phạt họ.

Qua bài viết có nhan đề, tạm dịch là “Số phận may rủi của trẻ em Việt tìm quy chế tị nạn”, Ký giả Shira Sebban chia sẻ rằng bà thật sự bị sốc khi hay tin ba gia đình phụ nữ lại quyết định vượt biên bằng tàu đến Úc lần thứ hai.

Bà cho biết luôn dặn dò đừng bao giờ nghĩ đến ra đi lần nào nữa mỗi khi tiếp xúc với gia đình của bà Trần Thị Thanh Loan và bà Trần Thị Lụa trong thời gian chuyển tiền gây quỹ giúp cho 7 đứa con nhỏ của họ được đến trường, từ giữa năm 2016 cho đến lúc họ khởi hành chuyến vượt biên lần thứ hai hồi cuối tháng Giêng năm 2017.

Bà Sebban nói với RFA đã liên lạc được với 3 gia đình của bà Loan, bà Lụa và bà Phúc sau khi bị cảnh sát Indonesia bắt giữ tại bờ biển Java do tàu của họ bị chết máy, đụng phải đá ngầm và bị đắm:


“Chúng tôi trả chi phí cho chỗ ăn ở của 18 người này trong 5 ngày và trả tiền thuê 2 người bảo vệ cho họ. Đó là những gì chúng tôi làm giúp họ trong lúc chờ được gặp với Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc và bảo đảm họ được an toàn.”

Bà Trần Thị Lụa nói với Ký giả Shira Sebban 3 gia đình quyết định liều mình ra đi vì nỗi ám ảnh ở tù mà bà đã thụ án 2 tháng 18 ngày trước khi được tạm ngưng tại ngoại để nuôi con.

Bà Lụa sợ hãi khi sắp đến thời hạn bị vô tù trở lại, kéo dài gần 28 tháng nữa. Bà Lụa chia sẻ với RFA vài ngày trước khi rời Việt Nam cho chuyến vượt biên lần thứ hai:


Ở trong đó bị hành hạ, em bị ói ra máu. Em được cho ra tại ngoại điều trị và được cho hoãn thi hành án để ở nhà chăm sóc cho con mấy tháng. Nghĩ đến cảnh phải vô đó em sợ lắm. Khủng khiếp lắm! Hàng ngày em cứ sợ tới ngày đó. Bây giờ đang suy nghĩ không biết có lối thoát nào không
-Bà Trần Thị Lụa

“Ở trong đó bị hành hạ, em bị ói ra máu. Em được cho ra tại ngoại điều trị và được cho hoãn thi hành án để ở nhà chăm sóc cho con mấy tháng. Nghĩ đến cảnh phải vô đó em sợ lắm. Khủng khiếp lắm! Hàng ngày em cứ sợ tới ngày đó. Bây giờ đang suy nghĩ không biết có lối thoát nào không…”

Ký giả Shira Sebban cho biết thêm đã nhờ cô Grace Bùi, một thiện nguyện viên giúp cho 3 gia đình vượt biên đang bị bắt giữ ở Indonesia làm giấy tờ xin quy chế tị nạn, chuyển quà và một số tiền chọ họ phòng khi gặp trường hợp khẩn cấp để xoay sở.

Được chấp nhận “người tìm quy chế tị nạn”

Chúng tôi liên lạc với cô Grace Bùi vào sáng Chủ Nhật, ngày 26 tháng 3 và được cho biết về tình hình của nhóm 18 người này:


“Tuần vừa qua họ được Cao ủy chấp nhận cho là ‘người tìm quy chế tị nạn’ (asylum seeker), chưa là người tị nạn (refugee). Sau khi được là ‘người tìm quy chế tị nạn’ thì họ sẽ đợi được phỏng vấn để xem coi họ có đủ quy chế để trở thành ‘người tị nạn’ hay không.

Hiện bây giờ họ đang trong tình trạng đó. Không ai biết họ sẽ được Liên Hiệp Quốc (UN) chấp thuận cho họ sẽ trở thành ‘người tị nạn’ hay không mà UN cũng không biết tại vì họ chưa phỏng vấn.

Những người này mới có cuộc sơ vấn đầu tiên và có số ‘người tìm quy chế tị nạn’ thì họ được bảo vệ dưới quyền của UN. Nhưng điều đó không có nghĩa là Indonesia sẽ không gửi họ về Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Indonesia rất tốt với những người này. Từ ngày họ tới đến bây giờ cũng chưa có chuyện gì xảy ra.”

Cô Grace Bùi cũng nói Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã liên lạc với cô và thông báo đang sắp xếp cho nhóm 18 người Việt được phỏng vấn lần hai để xác định họ được chấp thuận là người tị nạn hay không.


Tuần vừa qua họ được Cao ủy chấp nhận cho là ‘người tìm quy chế tị nạn’, chưa là ‘người tị nạn’. Sau khi được là ‘người tìm quy chế tị nạn’ thì họ sẽ đợi được phỏng vấn để xem coi họ có đủ quy chế để trở thành ‘người tị nạn’ hay không. Hiện bây giờ họ đang trong tình trạng đó
-Cô Grace Bùi
Trong khi chờ đợi được phỏng vấn lần thứ nhì với Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, ký giả Shira Sebban cố gắng tìm cách giúp cho 12 em nhỏ trong số 18 người được đến trường ở Indonesia:


“Tôi cũng muốn chia sẻ rằng tôi thấy các em nhỏ cần phải được học hành. Đây là vấn đề quan trọng đối với tôi, những đứa trẻ phải được đến trường.

Dĩ nhiên vì là ‘người tìm quy chế tị nạn’ nên chúng không được đi học trong hệ thống trường của Indonesia, nhưng tại Indonesia có trường dành cho người tị nạn.

Tôi đã liên lạc với trường này và họ đã hồi đáp cho tôi đang xem xét để giúp những đứa trẻ. Thông tin này thật là lạc quan.”

Như cô Grace Bùi cho biết rằng không ai có thể tiên liệu được số phận của nhóm 18 người Việt, ở La Gi, Bình Thuận sẽ thế nào, được định cư ở nước thứ ba trong thân phận tị nạn hay trả về Việt Nam và chịu cảnh tù đày.

Nhưng rõ ràng, những người đã từng vượt biên chung với họ và bị Chính phủ Úc trả về hồi tháng 7 năm 2015 đang đối mặt với sự trừng phạt mạnh tay của chính quyền địa phương.

Bà Trần Thị Thanh Loan, lúc vừa bị bắt giữ ở Indonesia, nói với Ký giả Shira Sebban bà nhận được tin từ gia đình cho hay chồng của bà, ông Hồ Trung Lợi đang thụ án tù 2 năm và sẽ mãn án vào tháng Tư tới đây, được quản giáo trại giam thông báo vợ con đã chết trên biển do tàu bị đắm.

Ông Lợi bị biệt giam, không được gặp người nhà cũng như không được nhận thức ăn hay thuốc men của gia đình chuyển vào. Trại giam nói với gia đình rằng ông Lợi sẽ bị trừng phạt vì vợ con vượt biên.

Còn những gia đình khác không tham gia trong chuyến vượt biên lần hai, như gia đình của ông Nguyễn Minh Quyết và ông Nguyễn Tuấn Kiệt. Hiện, 2 ông đang thụ án tù vì tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Vân, vợ của ông Kiệt, hiện đang thụ án 18 tháng tù treo, cho Đài Á Châu Tự Do biết cuộc sống của gia đình rất khó khăn vì bà không thể di chuyển, đi lại ra khỏi địa phương để kiếm sống nuôi các con nhỏ của mình. Bà Vân cũng cho biết tình trạng của chồng bà trong tù:


“Vô thăm ông xã một tháng cho thăm một lần mà chế độ ăn uống ở trong đó thì không có dinh dưỡng. Hàng ngày ăn rau luộc với muối chứ không có chất đạm gì hết mà phải làm lao động đúng giờ mới cho nghỉ. Làm đủ 8 tiếng lao động/ngày. Chế độ ăn uống không có dinh dưỡng nên ông xã suy yếu. Lúc trước bên ngoài mập, to nhưng vô trong tù bị ốm và xanh. Vô thăm ông xã gặp cứ khóc thôi.”

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Ký giả Shira Sebban nhấn mạnh mặc dù công việc gây quỹ để giúp cho 27 người trong số các gia đình vừa nêu gặp khó khăn, không được nhiều mạnh thường quân quyên góp như ban đầu, nhưng bà vẫn kiên trì công việc đó vì theo bà những ngày tháng tới của các gia đình này đều cùng chung số phận vô định, không biết sẽ về đâu.



https://www.youtube.com/watch?v=c8n6sigfOhk



Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-03-28