PDA

View Full Version : Lũ lụt miền Trung, con người không còn nơi bám víu



duyanh
09-28-2016, 02:27 PM
Lũ lụt miền Trung, con người không còn nơi bám víu





http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/flood-in-the-central-hopeless-f-pp-09272016134408.html/votvatsaululut-620.jpg/image (http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/flood-in-the-central-hopeless-f-pp-09272016134408.html/votvatsaululut-620.jpg/image)
Vớt vát sau lũ lụt.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/flood-in-the-central-hopeless-f-pp-09272016134408.html/lu-lut-mien-trung-con-nguoi-khong-con-noi-bam-viu



Miền Trung nổi tiếng với đặc trưng nghèo khổ và gặp nhiều thiên tai. Điều này có muốn chối bỏ cũng không được. Và miền Trung cũng trở nên mạnh mẽ, quật cường bởi người miền Trung biết dựa vào thiên nhiên, yêu thiên nhiên và hòa mình với thiên nhiên để sống. Nhưng khi thiên nhiên trở nên trơ trọi, rừng bị tàn phá, biển bị nhiễm độc, con người trơ nên khô cằn, khi thiên tai đến, người miền Trung chẳng biết tựa vào đâu để mà sống. Hiện tại, tình trạng sống dở chết dở của nhiều gia đình Bắc miền Trung sau một trận lụt nhỏ đã chứng minh điều này.
Rừng chết, biển chết
Một người dân Hà Tĩnh tên Đại, chia sẻ: “Hàng về đến dân thì một kí lô gạo thì dân còn được một hạt cho đủ lệ đấy mà. Nó ăn sạch, người dân có biết thì cũng làm thinh chứ có dám nói gì đâu. Nghệ An, Hà Tĩnh thường bị lụt ở vùng phía Tây, nước hay chảy làm lở núi, gây nguy cơ lâu dài. Nói chung trận lụt vừa rồi không lớn nhưng lại làm hoang mang…”.
Ông Đại cho biết thêm là so với trước đây, trận lụt trong tuần vừa qua tại Hà Tĩnh chưa phải là trận lụt lớn. Tuy nhiên, mức độ hoang mang của con người lại rất cao. Bởi rừng đầu nguồn không còn, thủy điện treo những túi nước lủng lẳng khắp dãy Trường Sơn, trong khi đó với kiểu xây dựng qua loa, cẩu thả, rút ruột công trình như đã thấy thì chẳng biết bao giờ những cái túi nước mang tên thủy điện sẽ đổ xòa lên đầu người dân miền Trung.

Hàng về đến dân thì một kí lô gạo thì dân còn được một hạt cho đủ lệ đấy mà. Nó ăn sạch, người dân có biết thì cũng làm thinh chứ có dám nói gì đâu.
- Một người dân Hà Tĩnh

Bên cạnh, nếu như trước đây, vào độ tháng Tư, tháng Năm, người dân miền Trung sẽ tự mua cá biển về phơi khô để dành vào mùa mưa lũ. Chuyện này đã trở thành thói quen, thậm chí là truyền thống tích cốc phòng cơ của người miền Trung. Những con cá nục khô phơi trên mái nhà của người dân miền Trung khắp từ Bắc miền Trung vào tận Phú Yên, Khánh Hòa giống như lời hứa và một sự yên tâm về vấn đề lương thực, thực phẩm khi mùa mưa tới.
Bên cạnh đó, làm mắm cá cơm cũng là một tập tục lâu đời của người dân miền Trung. Vào dịp tháng Tư, tháng Năm, hàng triệu con cá cơm kết thành đàn gần bờ, ngư dân dùng lưới quét để đánh. Mỗi mẻ lưới vào buổi sáng sớm có thể kéo lên hàng tấn cá cơm. Những người buôn cá mang rổ đến mua sỉ và chở bằng xe đạp hoặc xe gắn máy đi bán dạo khắp xóm. Một ký cá cơm có giá tương đương với một ký gạo, cao lắm cũng có giá chừng hai ký gạo. Người nông dân tha hồ mua nhiều ký về ướp muối, bỏ vào hủ làm mắm.
Mùa mưa đến, sáng sớm, dưới cái lạnh rét của tiết Đông, chỉ cần một chén cơm ấm, một chén mắm cá cơm trộn gừng giã nhuyễn và một dĩa rau lang luộc. Có thể nói rằng cả một thiên đường đang bừng sáng trong bữa cơm đạm bạc của người nông dân. Nếu siêng hơn, bắc một bếp lửa củi và nướng sơ mấy con cá nục khô, mùi cá nướng quyện với mùi cơm thơm phức… Thế nhưng chỉ chưa đầy một năm, câu chuyện đã thành quá khứ, mọi chuyện cứ như một dĩ vãng buồn.
Kể từ ngày biển nhiễm độc, cá tôm và các loài hải sản chết hàng loạt đến nay, hầu như người nông dân không dám phơi cá nục để dành mùa mưa hoặc làm mắm cá cơm để dành cho mùa mưa. Biển chứa độc tố đã lấy đi lương thực, thực phẩm dự trữ của hàng chục triệu gia đình nông dân miền Trung. Và gia đình của ông Đại cũng không ngoại lệ. Lượng mắm và cá nục khô dự trữ từ năm ngoái của gia đình ông đã hết sạch. Ông chỉ còn trông vào măng rừng dầm ớt. Nhưng rừng cũng trơ trọi, măng cũng không còn để mà dầm ớt đưa cơm qua mùa mưa!
Con người trở nên ích kỉ tự bao giờ?
Một nhà giáo về hưu ở Quảng Bình, không muốn nêu tên, chia sẻ: “À trước kia, cho dù cái dân trí của người Việt thập hơn bây giờ. Nhưng mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên lại gần gũi hơn. Lúc đó không có khái niệm cân bằng giữa con người và thiên nhiên nhưng lại có sự cộng cảm giữa con người và thiên nhiên. Lúc đó, cách đây chừng bốn chục năm thì con người cộng vào thiên nhiên và thiên nhiên cộng vào con người. Bây giờ thì người ta nhìn thiên nhiên trong con mắt ô trọc, người ta chỉ nhìn thấy mối lợi nhuận từ thiên nhiên chứ không phải là một dòng sông đẹp, một cánh đồng bát ngát hay một buổi chiều thu mơp màng… Người ta đã phá tan hoang thiên nhiên và càng lúc, mối quan hệ giữa người với thiên nhiên trở nên mờ nhạt lần”.


http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/flood-in-the-central-hopeless-f-pp-09272016134408.html/400.jpg/image
Mùa lưới quét đã trở thành dĩ vãng nơi miền Trung. RFA photo

Vị thầy giáo này chia sẻ thêm là hiện tại, vấn đề lãnh cảm, thậm chí vô cảm trong người miền Trung đã đạt mức chạm trần. Nghĩa là người ta không còn quan tâm đến nhau như trước đây. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này lại do phía nhà cầm quyền địa phương. Trước đây, mỗi khi miền Trung bị thiên tai, khắp các miền đất nước chung tay để chia sẻ. Hiện tại chuyện đó trở nên quí hiếm. Sở dĩ sự chia sẻ trở nên quí hiếm không phải vì người dân nơi khác không còn biết chia sẻ mà do nơi nào trên đất nước Việt Nam bây giờ cũng có thể gặp thiên tai. Bên cạnh đó, mỗi đợt hàng cứu trợ là một lần đau cho những nhà cứu trợ.

Giới quan chức đia phương đã thi nhau tùng xẻo, ém nhẹm hàng cứu trợ của nhân dân trong vùng thiên tai, điều này dẫn đến những bức xúc và thất vọng cho những người có lòng lân mẫn với đồng loại. Sự chắt chiu từng đồng để gởi đến người nghèo vô tình lại nuôi mập đám quan tham địa phương. Theo ông, có lẽ do vậy mà người ta không còn mặn mà với chuyện cứu trợ, chia sẻ với đồng bào của mình nữa. Bởi nước xa chẳng cứu được lửa gần. Đó là một thực tế hết sức phũ phàng mà vị thầy giáo này cảm nhận được sau nhiều lần chứng kiến thiên tai trên quê nhà.

Không còn nơi bám víu

Chị Liên, cư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An, buồn bã chia sẻ: “Người ta đã có hỗ trợ cho các gia đình ngư dân thất thu mỗi hộ ba yến (30 kg) gạo để ăn, chưa thấy khoản nào khác. Người ta cứu trợ là cứu vậy thôi chứ có thấm béo vào đâu. Tượng trưng thôi. Ăn thì miệng ăn núi lở mà người ta xén trên cắt dưới thì con gì nữa!”.

Theo chị Liên, hiện tại đang là mùa mưa, lũ lụt, bão tố có thể kéo đến bất kỳ giờ nào. Và những lúc như vậy, con người trở nên nhỏ nhoi, trơ trọi trước trời đất bao la. Người ta chỉ biết trông chờ trời yên bể lặng để làm lại từ đầu, để vớt vát cái đã mất. Và đâu đó giữa khốn cùng, một sự chia sẻ dù rất nhỏ của đồng loại cũng giúp cho người chịu thiên tai thấy ấm áp hơn, dễ thở hơn.

Người ta cứu trợ là cứu vậy thôi chứ có thấm béo vào đâu. Tượng trưng thôi. Ăn thì miệng ăn núi lở mà người ta xén trên cắt dưới thì con gì nữa!.
Chị Liên, Nghệ An

Tuy nhiên, càng ngày, sự bóc lột một cách không thương tiếc của giới quan lại địa phương từ các khoản tiền sưu thuế hằng năm cho đến ém nhẹm và nói thẳng ra là cướp trắng phần quà cứu trợ, quà từ thiện của người nghèo đã làm cho người nghèo càng thấy lạnh lẽo hơn.
Với hoàn cảnh nghèo khổ nuôi hai con nhỏ, chồng chết sớm do tai nạn lao động, nhưng thay vì nhà cầm quyền giúp đỡ chị, trong một lần nhận quà cứu trợ, trưởng thôn đã rủ chị đi uống cà phê và đặt thẳng vấn đề chị phải trao thân xác cho y để y trao lại quà cứu trợ. Quá bức xúc nhưng không có bằng chứng nên chị chỉ biết im lặng, ngậm đắng nuốt cay mà nuôi con. Lần đó chị mất trắng phần quà cứu trợ gồm ba trăm ngàn đồng và gạo, nước mắm, mì tôm bởi không chấp nhận lời yêu cầu của trưởng thôn.
Câu chuyện người dân bị mè nheo, hạch sách và bóc lột đến từng phần quà cứu trợ như trường hợp chị Liên không phải là hiếm ở miền Trung. Và chuyện này chỉ có thể chấm dứt khi hệ thống cầm quyền không còn bẩn thỉu và man trá như hiện tại!


Nhóm phóng viên RFA tường trình từ VN