PDA

View Full Version : Nhân cách sẽ ra sao khi mất trí nhớ ?



khieman
09-21-2016, 03:28 PM
.


Nhân cách sẽ ra sao
khi mất trí nhớ ?


https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTTqCJ6JRH7q8cVWBWPJnOh1P0JsBgPL csX4iEcoVz9-JtJ1WkDRQ


Tớ chưa chứng kiến một người mất trí nhớ là ra làm sao, ngoại trừ trong phim. Nhưng tớ từng săn sóc thời gian dài hai người bệnh mà bác sĩ kêu là "sống đời thực vật".

Trước là một em bé 7 tuổi, bị té từ cầu thang xuống, đập đầu vào thành bàn. Em bé bị chấn thương sọ, phải mổ hộp sọ và múc ra hơn 1/3 não bị hư. Em bé bị liệt hoàn toàn, ăn cũng phải bằng ống trong khoảng hơn một năm, sau đó uống được bằng miệng, nhưng chỉ toàn đồ lỏng. Khoảng một tháng sau khi mổ thì em bé mới có thể gọi là nhận biết được một ít sự việc chung quanh, ví như khi mẹ về. Nhưng tâm trí em bé, theo ghi nhận của tớ là vẫn có tiến bộ theo thời gian. Khi kể chuyện vui em bé biết cười. Khi nhắc lại chuyện vui đó, em bé vẫn có thể chuẩn bị cười trước khi kể đến cái chỗ đáng cười mà em từng biết.

Về nhân cách, thì tớ nghĩ em bé bị đình trệ, thậm chí có thể thụt lùi so với tuổi. Nghĩa là đến năm 10 tuổi, em bé vẫn chỉ ứng xử như một đứa trẻ lên 2, thậm chí còn ít hơn nữa, vì em hoàn toàn bị hạn chế thu thập thêm kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm cũ thì lâu quá không dùng tới chắc cũng chìm vào quên lãng rồi.

Người thứ hai là ông ngoại tớ, bị đứt mạch máu não và sau đó "sống đời thực vật". Tớ ở với ông ngoại 6 tháng trong bệnh viện Chợ Rẫy, ông như khúc cây hoàn toàn, chẳng còn nhận biêt gì nữa chung quanh, thỉnh thoảng có rên lên vì đau hay mỏi.

Sau 6 tháng thì bác sĩ cho về. Tớ theo về quê ở với ông ngoại 4 tháng nữa. Càng ngày ông càng ốm đi, bé lại như một em bé mười tuổi. Cũng mê man không biết gì. Cũng thỉnh thoảng rên nhẹ nhẹ trong cuống họng. Như vậy là đã gần 1 năm "sống đời thực vật". Tớ rất ít nói chuyện gì với ông bằng lời (vì cũng ngại phải nói lớn tiếng), chỉ săn sóc bằng cử chỉ, bằng hành động va chạm hàng ngày như lo ăn uống, vệ sinh, xoa bóp, vỗ lưng... Tuy nhiên tớ linh cảm rằng ông vẫn có thể cảm nhận cái gì đó, nên khi đọc sách hay làm việc riêng, tớ vẫn cố ý ngồi gần bên cho ông cảm nhận sự có mặt thường xuyên của tớ.

Nhưng bất ngờ đến tháng thứ 10, tớ bắt đầu thấy ông thỉnh thoảng chảy nước mắt, và miệng như ú ớ muốn nói gì đó, các ngón tay cũng cựa quậy như ra dấu. Một hôm thấy ông khóc quá, tớ linh cảm là ngày ông đi chắc gần rồi. Thế là tớ bèn - chậm rãi và rõ ràng từng tiếng - ... giảng đạo! http://www.thaoluanvietnam.com/forum/images/smilies/smile.gif

Đại khái tớ nhắc đến "các thánh tử đạo", vốn là tổ tiên ông bà dòng họ nhà tớ mà! Tớ biết lúc còn sống ông ngoại tớ rất ngưỡng mộ cái chết vì đức tin của cha ông mình. Rồi tớ nói ông ngoại phải vui lên mới phải, vì ngày ông ngoại về với Chúa và với ông bà đã gần rồi. Ngày đó không còn nước mắt, không còn những ngang trái trớ trêu cuộc đời v.v... Tớ nói chừng vài phút rồi ngưng. Thật là bất ngờ, ông ngoại tớ gật gật đầu, bàn tay giơ ra chụp lấy tay tớ, nắm nắm, lắc lắc, ra vẻ tán thành và cám ơn. Nét mặt ông giãn ra, thanh thản. Rồi ông chìm vào cơn mê mấy ngày liền sau đó. Tớ báo cho cậu mợ tớ là tớ nghĩ ông sắp đi rồi. Quả thực là ông mất chỉ độ hai tuần sau, khi tớ có việc phải về Sài Gòn.

He he, tớ là chuyên gia nuôi bệnh, nên cho tớ kể thêm vài trường hợp tớ biết nữa nhé?

Sư phụ dạy môn tâm lý cho tớ là một nữ tu. Cô ấy có bà mẹ lớn tuổi, và như cô cho biết về dòng họ cô, những người lớn đến mức tuổi nào đó thì bị bệnh mất trí nhớ. Mẹ cô hầu như không còn nhớ gì kể cả chuyện xưa lẫn chuyện mới xảy ra vài phút trước, mặc dù vẫn khỏe mạnh, đi lại, làm, việc, tiếp xúc... Tớ có quan sát bà cụ, thấy bà cụ vẫn dễ mến, hiền lành, nhưng đúng là giống như một người bị tàn tật về một phương diện cơ thể nào đó, bị hạn chế rất nhiều trong sinh hoạt. (Cái này gọi là bệnh Alzheimer gì đó thì phải, tay run run...). Sư phụ tớ nói rằng cô hay nói chuyện thật nhiều với mẹ, nhắc tới nhắc lui để tránh trí nhớ mẹ suy giảm thêm... Sau này khi sư phụ tớ đến tuổi đó thì cũng bị y như vậy.

Đây là trường hợp có thể nói là "quên hoàn toàn", chứ không phải chỉ quên một mảng quá khứ trước thời điểm tai nạn nào đó. Còn như trong phim thì tớ hay thấy những người "quên" đó chỉ quên những gì xảy ra trước lúc bị tai nạn thôi, còn từ lúc bị tai nạn trở về sau thì vẫn nhớ như... ranh ấy! Giống như người đó sinh lại vào một kiếp khác và không còn nhớ gì kiếp trước, hay là trở thành một con người khác hoàn toàn không nhớ gì đến những ký ức của con người cũ.

Tớ chưa từng thấy ngoài đời thực những trường hợp như trong phim bao giờ, cho nên tớ nghĩ đó chỉ là tưởng tượng của các nhà văn. Một sự ngắt đoạn ký ức hoàn toàn như thế mà "nhân cách" vẫn bình thường như trong phim, tớ cho là rất khó xảy ra! Nhân cách con người được cấu thành bởi ký ức nữa chứ!

Nhưng những trường hợp bệnh tâm thần thì tớ thấy có hiện tượng tương tự, nghĩa là trong những thời điểm họ có chút tỉnh táo để nói chuyện, họ cố nhớ mà không thể nhớ được những gì xảy ra trước kia. Người bệnh tâm thần thì "nhân cách" họ có thể nói bị vỡ nát nghiêm trọng rồi. Theo tớ thì cái "quên" này có thể vì chấn thương thần kinh (sinh học) mà cũng có thể vì chấn thương tâm lý nữa!

Thế rồi khi đã được điều trị hiệu quả, tớ lại thấy họ bắt đầu nhớ lại những mảnh quá khứ và bắt đầu ráp chúng lại ngày qua ngày. Cùng với sự hồi phục trí nhớ thì nhân cách cũng hồi phục lại theo. Theo tớ, đây là lúc tốt nhất để giúp họ về tâm lý (trước đó phải dùng đến dược phẩm). Những vướng mắc hay chấn thương tâm lý từ quá khứ có thể được giúp giải tỏa tốt nhất vào lúc này, và hy vọng họ bình phục trở lại gần như một người bình thường là điều có thể xảy ra (tuy lâu lâu họ vẫn cần thuốc ngủ hay thuốc an thần).


_http://www.thaoluanvietnam.com/forum/showthread.php?t=353