View Full Version : Kẻ Tự Giết Chính Mình
giavui
08-06-2016, 06:23 PM
Kẻ Tự Giết Chính Mình
Alfred Hitchcock
Dịch giả: Đài Lan
http://vnthuquan.net/userfiles/images/hinh%20bia%20sach/KeTUGietChinhMinh.jpg
MỤC LỤC
Bên bờ hồ
Cô gái cưỡi ngựa xám
Người vợ câm
Kẻ thích đùa
Tượng sáp
Công thức giết người
Kẻ tự giết chính mình
Bên bờ hồ
Robert Bloch
Nhà hàng Như Ý, dòng chữ phai màu viết như thế trên cửa kính. Ăn bất cứ giờ nào, bảng hiệu nói rõ.
Hắn không đói và nhà hàng không thật đúng với suy nghĩ của hắn về sự như ý, nhưng hắn vẫn bước vào.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một quán ăn nhanh - quầy ăn nhanh và một dãy ghế cao có lưng tựa không tiện nghi xếp hàng dọc theo bờ tường. Hắn đi ngang qua trước mặt nửa chục khách ngồi gần cửa, rồi chọn chỗ ngồi ô cuối phòng.
Sau đó, hắn nhìn kỹ ba cô hầu bàn. Không có cô nào khớp với mô tả, nhưng phải mạo hiểm thôi.
- Anh dùng gì ạ? - Một cô hầu bàn hỏi.
- Coca.
Cô mang ra cho hắn. Hắn giả vờ nghiên cứu bản dồ, rồi hỏi, không nhìn lên :
- Cô cho tôi hỏi thăm, có cô nào tên là Helen Krauss làm việc ở đây không?
- Chính tôi đây.
Lần này thì hắn nhìn lên. Đây là trò gì nữa đây? Hắn nhớ lại những lời lải nhải của Mike suốt nhiều đêm dài: một nàng tóc vàng cao ráo nhưng đầy đặn. Dáng vẻ nàng trông y như những con bé ngốc nghếch trên truyền hình... Tao không nhớ tên con nhỏ truyền hình đó, nhưng chắc mày hiểu ý tao muốn sao rồi. Nhưng Helen thì không ngốc đâu. Còn về chuyện chăn gối, thì khỏi nói mày ơi....
Rồi lời mô tả tập trung vào những chi tiết thân hình chính xác mà hắn đã ghi chép vào trí nhớ.
Hắn lôi thông tin lưu trữ trở ra, nhưng không hề giống cảnh tượng trước mắt hắn.
Đúng là cô này cao thật, nhưng chỉ có điểm đó là giống. Có lẽ cô này nặng ít nhất tám chục ký. Và tóc màu nâu tẻ nhạt không sáng. Ngoài ra, cô ấy còn cặp kính dày để che đôi mắt xanh nhạt nhẽo tò mò.
Cô nhận ra hắn đang chăm chú nhìn cô. Phải làm nhanh thôi.
- Tôi tìm một cô tên Helen Krauss trước kia sống ở Norton Center. Cô ấy có chồng tên Mike.
Cặp mắt xanh phai màu chớp chớp.
- Đúng là tôi. Có chuyện gì vậy?
- Chồng cô có nhờ tôi nhắn lại với cô một chuyện.
- Anh Mike à? Nhưng anh ấy chết rồi mà.
- Tôi biết. Tôi ở bên cạnh anh ấy khi chuyện đó xảy ra. Đúng hơn là trước khi chuyện đó xảy ra. Tên tôi là Rusty Connors. Chúng tôi đã ở cùng một xà lim với nhau suốt hai năm.
Nét mặt cô hầu bàn không thay đổi, nhưng cô hỏi bằng một giọng hầu như không ra tiếng :
- Nhắn chuyện gì vậy?
Hắn liếc nhìn xung quanh.
- Nói chuyện ở đây không được. Cô xong việc lúc mấy giờ?
- Bảy giờ rưỡi.
- Rồi. Vậy ta gặp nhau bên ngoài nhé?
Cô lưỡng lự.
- Xa hơn một chút đi, ở góc đường. Có công viên ở đó.
Hắn gật đầu, rồi đứng dậy, bỏ đi, không ngẩng đầu lại.
Không khớp với những gì hắn dự kiến. Sau khi đã nghe tất cả những gì Mike kể về cô vợ... Khi mua vé đến Hainesville, hắn đã có những suy nghĩ khác trong đầu. Chụp cô nàng tóc vàng xinh đẹp đang mòn mỏi cô đơn, cô vợ góa của Mike, và có thể kết hợp làm ăn với vui chơi chẳng hạn. Thậm chí hắn đã nghĩ đến chuyện cặp bồ hẳn với nàng, nếu nàng hết xảy đúng như lời của Mike. Nhưng bây giờ, thì không thể có chuyện đó được rồi. Con nhỏ mập thù lù, nét mặt đờ đẫn với đôi mắt xanh nhợt nhạt không hề gây hứng thú gì cho hắn.
Rusty tự hỏi tại sao Mike đã nói láo như thế suốt hai năm. Đột nhiên hắn hiểu ra. Hai năm trong một xà lim trần trụi - không có đàn bà... Có lẽ sau một thời gian, Mike đã tin vào câu chuyện của chính mình, rằng Helen Krauss là một cô gái có dáng người mẫu. Có thể Mike đã loạn trí một chút và hăng lên trước khi qua đời.
Rusty chỉ hy vọng Mike đã nói thật về đúng một điểm. Phải như thế, bởi vì đó chính là lý do hắn đến Hainesville, lao vào chuyện lộn xộn này, bắt liên lạc với vợ của Mike.
Mong sao Mike đã không nói láo về chuyện năm mươi sáu ngàn đô la mà Mike đã giấu!
Trời tối thui khi cô ấy đến công viên. Càng tốt. Như vậy sẽ không ai để ý hai người đang đi chung. Ngoài ra, cô ấy sẽ không thấy mặt hắn, hắn cũng không thấy mặt cô ấy, và như vậy sẽ dễ nói chuyện hơn.
Hai người ngồi xuống một băng ghế phía sau kiôt, hắn châm một điếu thuốc. Rồi đột nhiên nhớ ra là mình phải tỏ ra ga lăng, hắn đưa bao thuốc cho cô ấy.
Cô ấy lắc đầu.
- Không, cám ơn. Tôi không hút.
- Phải. Mike có nói.
Hắn dừng một chút.
- Tôi nghe Mike nói rất nhiều về cô.
- Tôi cũng vậy, anh Mike nói rất nhiều về anh khi viết thư. Anh ấy nói là chưa bao giờ gặp một người bạn tốt như anh.
- Tôi rất mừng. Tôi mến Mike lắm. Lẽ ra Mike không phải đi tù.
- Anh Mike cũng nói thế về anh.
- Có lẽ cả hai chúng tôi không gặp may. Tôi chỉ là thằng nhóc con, không biết gì về đời. Khi ra khỏi quân đội, tôi nghỉ ngơi một chút, rồi khi hết tiền, tôi tìm được việc làm với một tay bán thuốc phiện. Tôi làm việc rất đàng hoàng, tôi chưa hề làm gì bậy cho đến tối hôm đó - khi có cuộc càn đột xuất của cảnh sát. Ông chủ cứ dí vào tay tôi một vali đầy tiền rồi bảo tôi chuồn bằng cửa sau. Rồi có một tay cớm ximt hiện, tay cầm súng. Tôi dùng vali nện vào đầu nó một cú. Xui thôi. Tôi không hề muốn giết nó. Chỉ muốn chạy thôi. Nhưng hắn chết do chấn thương sọ não.
- Anh Mike có kể cho tôi nghe. Bọn chúng xử anh rất nặng.
- Mike cũng bị thế, Helen à.
Rusty cố tình gọi cô bằng tên riêng. Giọng hắn thật dịu dàng. Kế hoạch hắn có một đoạn như thế.
- Thì đó, tôi không hiểu. Một người bạn tốt như Mike mà lại đi giết bạn thân để cướp tổng tiền lương! Làm một mình. Rồi sau đó lại giấu được xác chết sao cho người ta không bao giờ tìm ra. Bởi vì người ta chưa bao giờ tìm ra Pete Taylor, đúng không?
- Tôi xin anh... Tôi không muốn nói về chuyện đó nữa.
- Tôi thông cảm với cô.
Rusty cầm lấy tay cô. Một bàn tay mập và ướt mồ hôi, như một cục thịt âm ấm trong tay hắn. Nhưng cô ấy không rút tay về và Rusty nói tiếp :
- Họ chỉ dựa theo giả thiết nghi ngờ mà kết án Mike hả?
- Có người đã thấy anh Mike rước anh Pete lên xe chiều hôm đó. Anh Pete bị mất chìa khóa xe và có lẽ đã nhờ anh Mike chở đến nhà máy với số tiền lương công nhân. Cảnh sát chỉ cần bấy nhiêu thôi. Cảnh sát đã bắt anh Mike trước khi anh kịp xóa vết máu và dĩ nhiên là anh Mike không có chứng cớ ngoại phạm. Tôi đã thề là anh Mike ở nhà với tôi cả buổi chiều, nhưng người ta không tin tôi. Nên anh Mike lãnh mười năm.
- Và Mike đã chết hai năm sau. Nhưng Mike chưa bao giờ kể làm cách nào anh ấy giấu được xác. Và cũng không nói anh ấy giấu tiền chỗ nào.
Hắn nhìn thấy cô gái gật đầu trong bóng tối.
- Đúng vậy, cô nói khẽ. Có lẽ bọn chúng đã đánh anh Mike dữ dội lắm nhưng anh ấy không khai.
Rusty im lặng một hồi. Cuối cùng hắn hít diếu thuốc rồi hỏi :
- Còn với cô? Mike không nói với cô à?
Helen thốt một âm thanh giống như tiếng cười.
- Sao lại hỏi thế! Tôi đã rời Norton Center bởi vì tôi không chịu nổi cứ nghe người ta nói về chuyện đó. Tôi đến Hainesville và làm việc trong cái quán ăn dở hơi kia được hai năm rồi. Bộ anh có cảm giác anh Mike đã nói gì với tôi à?
Rusty vứt mẩu thuốc lá. Hắn nhìn thẳng trước mặt.
- Helen à, cô sẽ làm gì nếu cô tìm ra số tiền đó? Cô có giao cho bọn cớm không?
Cô gái lại phì một tiếng thở dài khàn như lúc nãy.
- Để làm gì? Để cám ơn bọn cớm đã cho anh Mike vào nhà đá và giết chết anh à? Bởi vì bọn chúng đã giết chết mất anh Mike. Người ta nói với tôi rằng anh ấy bị viêm phổi. Làm gì có chuyện bệnh viêm phổi nguy hiểm dữ vậy! Bọn chúng bỏ mặc anh ấy bệnh nặng cho đến khi trễ quá, đúng không?
- Tay bác sĩ nói Mike chỉ bị cảm thôi. Nhưng tôi khiếu nại riết rồi bọn chúng cũng đưa Mike lên phòng y tế.
- Tôi, thì tôi nghĩ bọn chúng đã giết mất anh Mike. Rằng anh ấy đã trả số tiền đó bằng chính mạng mình. Bây giờ tiền là của tôi. Tôi là vợ góa của anh ấy.
- Của ta. - Rusty thốt ra.
Các ngón tay của Helen co lại, móng tay đâm vào bàn tay của Rusty.
- Anh Mike đã nói cho anh chỗ giấu, phải không?
- Một phần nào. Trước khi bọn chúng mang anh ấy đi. Mike đang hấp hối và không còn nói được nữa. Nhưng tôi đã nghe dược đụ để có ý niệm. Tôi đã nghĩ là nếu đến gặp cô khi mãn hạn tù và nếu hai ta nói chuyện với nhau, thì sẽ ráp thông tin lại được và tìm ra số tiền. Năm mươi sáu ngàn đô la... Dù chia hai, cũng là khá lắm.
- Nếu anh đã biết tiền ở đâu rồi, thì tại sao anh lại cho tôi tham gia vụ này?
Giọng nói của Helen đột ngột để lộ sự đa nghi và Rusty cho rằng nên nói thẳng thắn.
- Bởi vì, tôi xin nói lại, Mike chưa nói đủ cho tôi nghe. Phải giải mã lời nói của Mike và đi tìm. ở đây, tôi là người lạ, và nếu người ta thấy tôi đi lục lạo, người ta sẽ đâm ra nghi ngờ. Nhưng nếu cô giúp tôi, thì có khi không cần phải đi lục lạo tìm kiếm. Rất có thể ta sẽ tìm ra ngay.
- Vậy anh đề nghị hợp tác làm ăn với tôi à?
Rusty nhìn mẩu thuốc lá còn đỏ.
- Không chỉ có thế thôi, Helen à. Cô đã biết tình bạn giữa tôi và Mike thế nào rồi. Mike cứ kể về cô suốt. Đến nỗi riết rồi tôi có một cảm giác rất lạ. Như thể tôi quen nhiều với cô. Quen gần bằng Mike. Và tôi đã muốn biết cô nhiều hơn.
Hắn nói chuyện rất khẽ. Móng tay của Helen càng bấu mạnh vào tay hắn. Đột nhiên hắn dùng hai tay cầm bàn tay cô rồi nói bằng một giọng nghẹn ngào :
- Tôi cũng không biết nữa, Helen à... có thể tôi khùng. Nhưng tôi đã sống hai năm trong nhà đá. Hai năm không có đàn bà. Cô có tưởng tượng được chuyện này có thể làm cho một thằng đàn ông điên lên như thế nào không?
- Tôi cũng vậy, đã hai năm rồi.
Hắn ôm cô - tự ép mình phải ôm cô, tự buộc mình áp môi mình vào môi cô.
- Em có phòng không? - Hắn thì thầm.
- Có.
Cả hai đứng dậy, vẫn ôm chặt nhau. Trước khi đi, Rusty nhìn ánh đỏ nhấp nháy của mẩu thuốc lần cuối trước khi dùng gót chân dập tắt.
Một con mắt đỏ hồng khác đang cháy trong phòng. Hắn cầm điếu thuốc sang một bên, để nó không chiếu sáng vào mặt hắn. Hắn không muốn Helen đọc thấy sự gớm ghiếc trên mặt hắn.
Có thể bây giờ cô ấy đã ngủ rồi. Hắn hy vọng là như thế. Hắn sẽ có thời gian suy nghĩ.
Cho đến nay, thì mọi thứ đã diễn ra rất tốt đẹp. Lần này, nhất định mọi chuyện phải diễn ra tốt đẹp. Bởi vì, những lần trước, lúc nào cũng bị trạc trắc vào một lúc nào đó.
Hắn đã nghĩ lấy cắp cái vali đầy tiền, lúc cảnh sát đang tràn vào chỗ tay buôn ma túy, là hay. Hắn tưởng hắn có thể chuồn dễ dàng bằng ngả sau nhân lúc hỗn loạn. Nhưng chuyện không thành và hắn lại rơi vào tù.
Làm thân với thằng Mike kia cũng là sáng kiến hay. Hắn đã không cần mất nhiều thời gian để biết hết về vụ cướp. Biết được tất cả, ngoại trừ chỗ giấu tiền. Về điểm này, thì im lìm. Phải chờ Mike ngã bệnh, Rusty mới ép Mike khai ra, mà không gây chú ý. Hắn đã chờ cho bệnh tình của Mike thật sự nghiêm trọng rồi toan bóp cổ Mike. Nhưng thằng Mike vẫn không chịu nói ra. Rusty đã gần như giết Mike. Có thể hắn đã hơi mạnh tay quá, bởi vì hắn chỉ moi được có một câu trước khi bảo vệ nhà giam chạy đến.
Có lúc hắn đã sợ chuyện sẽ quay ngược chống lại hắn. Nếu Mike sống sót được, thì chắc chắn Mike đã tố cáo hắn rồi. Nhưng Mike không qua khỏi. Mike đã chết ở phòng y tế trước khi mặt trời mọc. Và người ta nói rằng Mike chết do bị viêm phổi.
Thế là Rusty yên tâm và đã bắt đầu suy nghĩ.
Cho đến nay, thì kế hoạch của hắn hình thành từng điểm một. Hắn không hề xin được giam lỏng. Thà chịu đựng thêm sáu tháng, rồi ra luôn mà không bị ai giám sát. Khi ra tù, hắn lên chuyến xe đầu tiên đi Hainesville. Hắn biết phải đi đâu vì Mike có nói rằng Helen làm việc trong nhà hàng này.
Và hắn không hề nói láo với Helen khi cô hỏi tại sao hắn cho cô tham gia vụ này. Hắn cần cô. Cần cô giúp, cô bao che để tránh khỏi phải tự tìm kiếm một mình và gây nghi ngờ khi đi hỏi lung tung. Chuyện này thì đúng sự thật!
Nhưng hắn đã luôn tin những gì Mike kể: rằng cô rất xinh, loại con gái như sách hay mô tả. Hắn cứ tưởng là sau khi tìm ra tiền cả hai sẽ chuồn đi với nhau và cùng nhau chung sống.
Vậy mà về phần này, thì hỏng rồi.
Hắn nhăn mặt trong bóng tối, khi nhớ lại cái thân thể đầy mỡ và dính dính đã ôm chặt hắn với tiếng rên khàn hổn hển như bị suyễn. Không, hắn. không thể chịu nổi nữa đâu. Vậy mà hắn sẽ buộc phải chịu lép vê một khoảng thời gian. Đây là một phần kế hoạch của hắn. Nhất định phải hợp tác với cô và đây là cách tốt nhất để nắm được cô ta. Phòng trường hợp...
Bây giờ phải suy nghĩ đến phần tiếp theo. Nếu tìm ra số tiền, thì làm thế nào biết chắc là Helen sẽ trung thành sau khi đã chia tiền? Hắn không hề muốn bị ràng buộc suốt đời. Chắc chắn phải có cách...
- Anh dậy rồi hả, anh yêu?
Chính cô ấy. Và cô ấy gọi hắn là “anh yêu”! Hắn kiềm lại để không rùng mình.
- Dậy rồi. - Hắn trả lời rồi dập điếu thuốc vào gạt tàn.
- Bây giờ anh có thích nói chuyện không?
- Dĩ nhiên.
- Em nghĩ là nên lên một kế hoạch.
- Đúng là tính cách mà anh thích... loại phụ nữ có đầu óc thực tế.
Hắn tự buộc mình phải cười.
- Em nói đúng, cưng à. Bắt tay vào việc càng nhanh, càng tốt.
Rusty ngồi dậy, quay sang Helen.
- Ta hãy bắt đầu từ đầu. Điều mà Mike nói với anh trước khi chết. Mike nói rằng người ta sẽ không bao giờ tìm ra tiền. Không thể nào. Bởi vì Pete vẫn còn giữ tiền.
- Vậy thôi hả? - Helen hỏi sau khi suy nghĩ một hồi.
- Vậy thôi... nghĩa là sao? Chứ em còn muốn gì nữa? Quá rõ ràng rồi, không phải sao? Tiền giấu chung với xác của Pete Taylor.
Hắn cảm thấy hơi thở của Helen phả vào cổ hắn.
- Chẳng có gì là rõ ràng cả. Hai năm nay, cớm vùng này không tìm ra nổi xác của Pete Taylor.
Helen thở dài.
- Em tưởng anh thật sự có một đầu mối nào đó, nhưng em lầm. Lẽ ra em phải đoán trước.
Rusty chụp lấy vai cô.
- Em đừng nói kiểu đó! Ta đã có các yêu tố cơ bản rồi. Bây giờ chỉ cần tìm thôi.
- Nghe dễ quá!
- Em suy nghĩ đi. Bọn cớm đã tìm kiếm ở những chỗ nàù rồi.
- Dĩ nhiên là ở căn hộ. Bọn em chỉ có nhà thuê thôi, nhưng bọn chúng cũng lục soát khắp nơi, kể cả tầng hầm. Không có gì.
- Rồi sao nữa?
- Suốt một tháng người của cảnh sát trưởng đã lùng sục khu rừng quanh Norton Center. Bọn họ đã khám xét mọi kho thóc bỏ hoang, hay những nơi đại loại như thế. Thậm chí chúng đã cho nạo vét đáy hồ nữa. Pete độc thân, nhưng ngoài nhà trong thành phố, anh ấy còn có nhà nhỏ bên hồ. Bọn họ đã tìm mọi ngõ ngách. Không được gì.
Rusty suy nghĩ một hồi. Cuối cùng hắn hỏi Helen :
- Bao nhiêu thời gian đã trôi qua giữa lúc Mike cho Pete lên xe với lúc Mike về đến nhà?
- Gần ba giờ.
- Trời! Không thể đi đâu xa. Chắc chắn xác phải giấu không xa thành phố.
- Cảnh sát cũng nghĩ thế và họ không hề tiếc công sức. Bọn chúng đã cho đào hố, làm mọi thứ. Nhưng chẳng thấy gì.
- Nhưng phải có cách nào đó chứ. Ta hãy xem xét vấn đề ngược lại. Pete Taylor và chồng em là bạn, đúng không?
- Đúng. Từ lúc em lấy anh Mike, hai anh ấy không hề xa nhau.
- Hai người làm gì... ý anh muốn nói: có đi nhậu không? Đi đánh bài? Hay một cái gì đó khác?
- Anh Mike không hay nhậu. Không, thường hai anh đi săn hay đi câu. Như em nói, anh Pete có nhà nhỏ bên hồ.
- Gần Norton Center không?
- Khoảng năm cây - Helen trả lời có nét hơi bực bội trong giọng nói - Em biết anh nghĩ gì rồi, nhưng anh lầm. Em đã nói rằng bọn cớm đã xáo tung chồ đó lên rồi. Thậm chí bọn chúng đã lột ván gỗ sàn nhà lên, chưa kể những thứ khác.
- Còn nhà chứa tàu?
- Anh Pete chỉ có mỗi cái nhà đó trên lô đất. Khi đi câu cá với anh Mike, anh Pete mượn tàu của người hàng xóm.
Helen lại thở dài.
- Em đã suy nghĩ nát óc về chuyện này rồi. Suốt hai năm em đã vặn óc. Rất tiếc là không thấy câu trả lời đâu cả.
Rusty châm thêm một điếu thuốc.
- Khi giải thưởng là năm mươi sáu ngàn, thì chắc chắn phải có câu trả lời. Hôm Pete Taylor bị giết, chuyện gì đã xảy ra? Có thể em đã bỏ qua một điều gì đó.
- Thật ra em không biết chuyện gì đã xảy ra. Em ở nhà. Hôm đó là ngày nghỉ của anh Mike và anh ấy đi la cà trong thành phố.
- Trước khi đi Mike có nói gì không? Trông Mike có căng thẳng không? Em có thấy thái độ Mike kỳ lạ không?
- Không. Em không nghĩ anh Mike đã âm mứu trước một chuyện gì đó, nếu như anh đang nghĩ vậy. Đối với em, không hề có chuyện chủ mưu trước.
- Bọn cớm nghĩ sao?
- Dĩ nhiên bọn chúng tưởng là đã có âm mưu trước. Anh Mike biết hôm đó là ngày trả lương, biết rằng anh Pete luôn lấy xe đến ngân hàng lấy tiền. Lão Huggins, chủ xưởng, là một tay kỳ quặc. Lão không thích ngân phiếu. Lão thích trả tiền mặt cho công nhân. Nhưng theo bọn cớm, thì anh Mike đã chờ ngoài bãi đậu xe trong khi anh Pete vào ngân hàng. Anh Mike lấy cắp chìa khóa xe, và khi anh Pete trở ra cùng người bảo vệ, thì không đi được. Sau khi người bảo vệ đi, anh Mike giả vờ chạy ngang qua, như do tình cờ, và hỏi thăm xem có chuyện gì... đó là vẫn theo bọn cớm. Có lẽ chuyện đã xảy ra gần đúng như vậy, vì người coi bãi đậu xe có nói là thấy cả hai nói chuyện, rồi anh Pete leo lên xe anh Mike, rồi hai người cùng ra đi. Hết. Sau đó là lỗ hổng. Cho đến lúc Mike về đến nhà, ba tiếng sau.
Rusty gật đầu.
- Vậy Mike trở về nhà bằng xe, một mình. Mike có nói gì với em không?
- Chẳng nói gì nhiều. Có lẽ anh ấy không kịp nói. Hai phút sau, xe cảnh sát đến.
- Nhanh thế à? Ai báo bọn cớm vậy?
- Bọn nhà máy lo lắng khi không thấy anh Pete trở về với tiền lương. Lão Huggins gọi điện thoại đến ngân hàng, hỏi tin thủ qụỹ và lính bảo vệ. Có người ra gặp người bảo vệ bãi đậu xe, và biết được anh Pete đã ra đi như thế nào trong xe anh Mike. Thế là cớm đến tìm anh Mike.
- Mike đầu hàng mà không chống cự gì sao?
- Ừ. Thậm chí anh ấy không nói tiếng nào. Bọn cớm bắt anh ấy đi, vậy thôi. Anh ấy đang rửa ráy trong phòng tắm.
- Có bùn không?
- Chỉ trên tay thôi. Bọn chúng không tìm ra cái gì để phân tích cả. Dường như giày cũng dính đất. Và bọn chúng làm ầm ĩ lên vì cây súng của anh ấy không còn đó nữa. Anh Mike đã mang súng đi theo và chính điều này là nghiêm trọng nhất. Dĩ nhiên là không bao giờ tìm lại được súng, nhưng bọn chúng biết anh Mike có cây súng. Mà súng lại biến mất. Anh Mike nói là bị mất cây súng từ nhiều tháng nay, nhưng không ai tin.
- Còn em, em có tin không?
- Em cũng không biết nữa.
- Em còn nhớ gì nữa không?
- À có!... Anh ấy bị đứt tay. Lúc về, vết thương hơi chảy máu. Em có thấy và hỏi anh ấy bị sao. Anh ấy đang lên thang lầu. Anh ấy trả lời một cái gì đó liên quan đến chuột. Sau này, trước tòa, anh ấy nói là bị kẹt tay vào cửa sổ xe và chính vì vậy mà trong xe có máu. Kính bị vỡ nữa. Nhưng người ta đã phân tích máu. Nhóm máu không trùng. Mà lại trùng với máu của anh Pete Taylor, theo như ghi trong hồ sơ ở nhà máy.
Rusty hít sâu một ngụm thuốc.
- Nhưng lúc về thì Mike không hề nói thế với em. Mà nói là bị chuột cắn.
- Đúng, anh Mike nói đến chuột, nhưng em không hiểu rõ. Ông bác sĩ ra làm chứng nói rằng anh Mike bị đứt tay do lưỡi dao cạo. Người ta đã tìm ra dao cạo trên lavabo. Có máu trên đó.
- Khoan đã - Rusty nói khẽ từ từ - Lúc đầu Mike kể với em về chuột. Rồi Mike lên lầu tự làm đứt tay bằng lưỡi dao cạo. Em không hiểu sao? Đúng là Mike đã bị chuột cắn, có lẽ khi xử lý cái xác. Nhưng nếu có người biết được, thì người ta sẽ tìm xác ở một nơi có chuột. Thế là Mike tự làm bị thương tay để người ta không nhận dạng được vết thương.
- Có thể. Nhưng như vậy thì ta biết được thêm gì nào? Anh muốn đi lục tất cả những chỗ có chuột quanh Norton Center à?
- Hy vọng sẽ không đến nông nỗi ấy. Anh chúa ghét loại vật này. Chúng làm anh nổi da gà. Lúc ở trong quân đội anh gặp nhiều chuột lắm! Những con chuột béo chạy trên kè...
Rusty búng ngón tay.
- Khoan đã! Em nói rằng, khi đi câu cá, Pete và Mike mượn xuồng của hàng xóm. Bọn hàng xóm đó cất xuồng ở đâu?
- Họ có nhà tàu.
- Bọn cớm đã khám chỗ đó chưa?
- Em không biết. Chắc là rồi.
- Có thể bọn chúng không xem kỹ. Hôm đó hàng xóm có ở nhà không?
- Không.
- Em chắc không?
- Hoàn toàn. Đây là một cặp vợ chồng ở Chicago, ông bà Thomas. Hai tuần trước khi xảy ra vụ cướp tiền lương, hai ông bà bị đụng xe trên đường về nhà và chết luôn.
- Vậy không có ai trong khu vực đó. Và Mike biết điều này.
- Đúng. - Giọng Helen đột nhiên khàn lên - Mà hôm đó cũng đã là cuối mùa thu rồi. Y như bây giờ. Không có ai bên bờ hồ. Anh có nghĩ...
- Bây giờ ai ở trong nhà đó?
- Theo em biết thì nhà trống. Ông bà trước không có con và vẫn chưa có ai mua lại nhà đó. Nhà của anh Pete cũng vẫn còn trống. Cũng vì chưa có người mua. Có thể anh đã đoán ra được một cái gì đó anh yêu ơi!
- Bắt đầu thành hình rồi đó. Và nếu anh đúng, thì sẽ hình thành được năm mươi sáu ngàn đô la. Bao giờ thì có thể ra đó được?
- Ngày mai, nếu anh muốn. Ngày mai là ngày nghỉ của em. Em có xe. Ôi! anh yêu ơi, em nôn quá!...
Khỏi phải nói! Hắn cũng cảm nhận được điều này khi cô ấy chui vào vòng tay hắn. Và một lần nữa, hắn phải kiềm mình, phải cố gắng nghĩ đến chuyện khác để không để lộ sự gớm ghiếc. Nghĩ đến tiền. Nghĩ đến những gì hắn sẽ làm khi tìm ra tiền. Bởi vì nhất định hắn phải tìm ra tiền. Và thật nhanh!
Hắn vẫn còn nghĩ đến tiền khi Helen ngả đầu xuống gối. Và Rusty rất ngạc nhiên khi Helen hỏi :
- Anh yêu, anh đang nghĩ gì vậy?
Hắn mở miệng, rồi sự thật tuôn ra, trần trụi :
- Đến tiền. Đến cả đống tiền kia. Mỗi người sẽ được hai mươi tám ngàn đô-la.
- Tại sao lại cho mỗi người hả anh yêu?
Hắn lưỡng lự một giây, rồi mới tìm ra câu trả lời thích hợp :
- Nếu em không thích chia, thì anh đồng ý.
Chứ sao nữa! Khi tìm ra, thì toàn bộ năm mươi sáu ngàn sẽ thuộc về hắn. Hắn chỉ việc khử cô ấy.
Nếu Rusty còn lưỡng lự chút nào để thực hiện kế hoạch này, thì ngày hôm sau, sự lưỡng lự đó tan biến ngay. Hắn ở cả ngày với Helen trong căn hộ, vì không có cách nào khác. Xuất hiện cùng Helen trong thành phố hoặc gần hồ là không nên.
Nên hắn bắt buộc phải chăm lo tán tỉnh cô, và để làm chuyện này không có nhiều cách. Khi đêm xuống, hắn đă sẵn sàng giết chết cô.
Làm thế nào, Mike lại có thể lý tưởng hóa cô đến mức đó? Rusty sẽ không bao giờ biết được. Cũng như hặn sẽ không bao giờ biết điều gì đã nảy ra trong đầu Mike khi Mike quyết định hạ người bạn thân nhất để cướp tiền.
Nhưng bây giờ thì chuyện đó không quan trọng nữa Chỉ còn một điều đáng quan tâm: tìm ra cái hộp kim loại đen.
Đến bổn giờ chiều, hắn xuống đường và di vòng qua khu phố. Mười phút sau, Helen gặp lại hắn ở góc đường và hắn leo nhanh lên xe.
Đường đi đến hồ mất hơn một tiếng. Helen đi vòng thành phố, rẽ vào con đường rải sỏi dẫn ra bờ hồ. Rusty đòi cô phải tắt đèn pha, nhưng cô trả lời rằng không cần vì không có ai cả. Khi nhìn kỹ bờ, Rusty nhận ra rằng cô nói đúng: vào đêm tháng mười một này, hồ tối thui. Helen dừng xe ngay phía sau nhà của Pete Taylor. Rusty hiểu ra ngay rằng trong đó không có cái xác: thậm chí xác con ruồi cũng không thể giấu trong cái nhà nhỏ lụp sụp này.
Helen lấy đèn pin trong ngăn xe.
- Chắc là anh muốn đến nhà đậu tàu ngay. Hướng này, tay trái, cẩn thận nhé, đất trơn lắm.
Đúng vậy, đất rất trơn. Rusty bước theo cô và tự hỏi xem đã đến lúc ra tay chưa? Hắn chỉ cần lượm một cục đá to để đập đầu cô.
Không, nên chờ thêm. Kiểm tra xem tiền có ở đó hay không, tìm địa điểm lý tưởng để bỏ xác Helen. Chắc chắn phải có một chỗ như thế. Mike đã tìm ra mà, đúng không?
Nhà tàu phía sau kè đâm ra hồ. Rusty lắc cửa. Cửa bị khóa.
- Em lùi lại đi! - Hắn ra lệnh.
Rồi hắn lượm một cục đá. Ổ khóa bị mưa gió làm sét rỉ, không còn chắc nữa và dễ dàng vỡ ra.
Rusty cầm lấy đèn pin từ tay Helen, đẩy cửa. Chùm sáng làm thủng bóng đêm. Nhưng bóng tối không hoàn toàn: có một đống những đầu thuốc lá đỏ hồng đang nhấp nháy. Y như những con mắt.
Hắn đột nhiên hiểu ra rằng đúng là những con mắt.
- Chuột - Hắn nói - Đi... đừng sợ. Em thấy không, ta đã nghĩ đúng mà.
Helen bước theo hắn. Cô không sợ. Thật ra Rusty đã nói chuyện với chính mình. Hắn không thích chuột và cảm thấy nhẹ nhõm khi lũ chuột bị đèn chói bỏ chạy và biến mất. Tiếng chân bước khiến những con chuột dạn nhất cũng rút lui vào hang dưới nền nhà tàu.
Nền nhà! Rusty chĩa đèn xuống. Dĩ nhiên là nền nhà bằng xi-măng. Nhưng còn ở dưới?
- Chúa ơi! Chắc chắn bọn chúng có đến đây!
Đúng, họ có đến. Bởi vì nền xi-măng nát vụn. Cuốc của những người dưới quyền cảnh sát trưởng đã có tác dụng.
- Em đã nói mà - Helen thở dài - Bọn chúng đã tìm khắp mọi nơi.
Rusty rọi đèn một vòng. Không có tàu, không có đồ chất đống trong góc. Chùm sáng chỉ chiếu vào tường trần.
Rusty chĩa đèn lên trần nhà, làm sáng lên lớp mica của giấy tráng nhựa.
- Vô ích thôi - Helen nói - Nếu được, thì hay quá.
- Còn nhà nữa, đi!
Rusty quay lui, vui mừng được thoát khỏi mùi chuột hôi trong nhà tàu. Hắn rọi đèn lên trần lần cuối cùng, rồi dừng lại đột ngột.
- Em không để ý thấy gì sao? - Hắn hỏi Helen.
- Cái gì?
- Mái. Hơi cao hơn trần.
- Thì sao?
- Thì có thể có khoảng trống trên đó.
- Nhưng mà...
- Nghe kìa!
Helen im. Trong bầu im lặng, đột nhiên có tiếng sột soạt vang lên. Tưởng như tiếng mưa vỗ lên mái nhà. Nhưng trời không mưa. Và tiếng không xuất phát từ mái nhà. Mà từ phía dưới. Những cái chân nhỏ đang chạy lon ton giữa mái và trần giả. Trên đó có chuột. Chuột... Và có thể có cái khác nữa...
- Đi. - Rusty nói khẽ.
- Anh đi đâu?
- Ra kia. Tìm cái thang.
Không cần phải bẻ khóa, và như vậy rất hay: có cái thang trong buồng chứa dụng cụ. Rusty mang về. Còn Helen thì lấy được một thanh sắt dài. Cô chiếu sáng cho Rusty trong khi hắn dựng thang vào tường và leo lên. Hắn dùng thanh sắt đục thủng lớp giấy tráng nhựa. Chỉ có vài cái đinh. Rõ ràng người ta đã đóng hấp tấp. Một người chỉ có vài tiếng để hành động không thể mất thời gian.
Dưới lớp giấy tráng nhựa, Rusty thấy gỗ thô. Lần này, thanh sắt thật sự có ích. Phiến gỗ kêu rít lên làm lũ chuột hoảng sợ kêu chít chít và bỏ chạy vào khe tường. Chuột tháo chạy khiến Rusty thích thú. Nếu không, hắn sẽ không bao giờ đủ can đảm chui vào cái lỗ mà hắn đã đục ra giữa phiến gỗ để nhìn. Helen chuyển cái đèn pin cho hắn.
Hắn không phải tìm lâu: cái hộp đen ở đó, ngay trước mặt hắn. Còn phía sau, có... phần còn lại.
Rusty biết rằng đó là Pete Taylor, bởi vì chỉ có thể là anh ta mà thôi. Nhưng không còn gì giúp nhận dạng được Pete Taylor. Mảnh vải cũng không còn. Một mảnh thịt cũng không còn. Lũ chuột đã làm việc. Lũ chuột đã chén sạch đến tận xương. Chỉ còn một bộ xương. Một bộ xương và một cái hộp kim loại đen.
Rusty cầm lấy, kéo về phía mình. Hắn mở ra. Những xếp giấy bạc dày hiện ra trước mặt hắn. Hắn ngửi thấy mùi tiền. Một mùi lến át mùi gớm ghiếc của lũ chuột. Mùi nước hoa Pháp, mùi những miếng thịt bò thơm ngon, mùi đặc trưng của các xe sang trọng còn mới.
- Anh có tìm thấy gì không? - Helen lo lắng hỏi.
- Có. - Giọng Rusty hơi run - Anh lấy được rồi. Em giữ thang đi. Anh xuống đây.
Hắn leo xuống. Đã đến lúc rồi. Đến lúc ra tay. Hắn chuyển cho Helen thanh sắt và cái đèn, nhưng giữ cái hộp, vì hắn muốn tự hắn mang xuống. Khi hắn bỏ hộp xuống đất, thì Helen sẽ cúi xuống xem. Khi đó hắn sẽ lượm một cục xi-măng, rồi nện vào đầu cô một cú thật mạnh.
Rất đơn giản. Hắn đã dự kiến trước tất cả. Trừ một chi tiết: bây giờ chính Helen đang cầm thanh sắt.
Cô dùng thanh sắt để đánh gục hắn, khi hắn đến bậc thang cuối cùng.
Có lẽ hắn bất tỉnh ít nhất mười phút. Đủ thời gian để Helen tìm ra một sợi dây đâu đó. Có lẽ trong xe. Dù sao Helen biết cách dùng dây. Cổ tay và cổ chân Rusty đau gần bằng cái đầu, chỗ máu bắt đầu đông lại.
Hắn mở miệng, nhưng vô ích: Helen đã dùng khăn tay bịt miệng hắn rất kỹ. Hắn nằm đó, bất lực, giữa đống xà bần nhà tàu. Hắn thấy Helen lượm cái hộp lên, phá lên cười.
Cô đã bỏ đèn xuống đất và đèn chiếu vào mặt cô. Cô không còn đeo kính nữa. Rusty nhìn thấy mảnh kính vỡ dưới đất.
Khi thấy hắn đang quan sát cô, Helen lại phá lên cười nữa.
- Tôi không cần kính nữa - Helen nói với hắn - Mà tôi chưa hề cần kính. Đó là một phần của màn kịch, cũng như để tóc dài ra và tăng ký. Tôi đóng vai con mụ mập khờ được hai năm rồi, để không bị ai chú ý. Kể cả khi tôi ra đi, cũng sẽ không ai chú ý đến. Đôi khi giả khờ rất có lợi, anh hiểu không?
Rusty thốt ra tiếng kêu, khiến Helen cười nhiều hơn.
- Dường như anh bắt đầu hiểu - Cô nói tiếp - Anh Mike chưa hề có ý định ăn cắp tiền lương của ai cả. Tôi ngoại tình với Pete Taylor được sáu tháng, và Mike bắt đầu nghi ngờ. Tôi không biết ai thông tin cho anh ấy và người ta đã nói gì. Anh Mike không hề nói gì về chuyện này. Anh Mike chỉ xách súng lên thành phố tìm anh Pete để giết anh. Có thể anh Mike cũng định giết cả tôi nữa. Lúc đó Mike không hề nghĩ đến tiền. Anh ấy chỉ biết là sẽ dễ kêu anh Pete lên xe ngày lãnh lương. Chắc là Mike đã đánh anh Pete bất tỉnh rồi chở đến đây. Có lẽ trước khi chết, anh Pete đã hét lên là mình vô tội. Dù sao anh Mike đã nói thế với tôi khi về đến nhà. Tôi không kịp hỏi anh ấy đã chở Pete đi đâu và đã làm gì với số tiền. Khi về, những lời đầu tiên của anh Mike, là giải thích cho tôi nghe những gì anh đã làm. Và tôi đã bắt đầu nói láo ngay để tự vệ. Tôi đã thề với anh Mike là người ta đồn chuyện láo lếu, rằng anh Pete và tôi không hề làm gì xấu cả. Tôi đã đề nghị với anh ấy là lấy tiền và cùng anh bỏ trốn. Tôi đang đóng kịch thì bọn cớm đến. Tôi đoán anh Mike đã tin tôi, vì anh không hề nói gì khi ra tòa, nhưng sau đó tôi không còn cơ hội để hỏi xem anh ấy giấu tiền ở đâu. Anh Mike không thể viết thư nói cho tôi biết từ nhà tù, bởi vì thư bị kiểm duyệt. Nên tôi chỉ còn một giải pháp: chờ. Chờ anh ấy về hoặc gửi một ai đó đến với một bức thông điệp. Và chuyện ấy đã xảy ra.
Rusty muốn nói một cái gì đó, nhưng khăn bịt miệng quá chặt.
- Tại sao tôi đập đầu anh hả? Cũng vì nguyên nhân y như anh, khi anh chuẩn bị đập đầu tôi. Anh đừng chối. Đúng là anh có ý định đó, phải không? Tôi thừa biết loại người như anh suy nghĩ như thế nào.
Helen mỉm cười với Rusty.
- Và tôi cũng thừa biết người ta cảm thấy như thế nào khi bị tù. Hai năm nay, tôi cũng bị tù. Bị tù trong cái thân hình mập thù lù này. Tôi đã phải đau khổ nhiều để lấy được số tiền này. Bây giờ tôi sẽ ra đi. Trốn khỏi thành phố này, thoát khỏi cái lớp tù túng này; từ bỏ cái vai cô hầu bàn khờ khạo. Tôi sẽ sụt bớt hai chục ký và trở thành Helen Krauss như trước. Nhưng được thêm năm mươi sáu ngàn đô-la dể hưởng thụ cuộc sống.
Rusty lại cố nói một cái gì đó nữa. Nhưng từ cái miệng bị bịt, chỉ có tiếng ấp úng không rõ ràng.
- Anh đừng lo - Helen nói - Họ sẽ không tìm ra tôi và cũng sẽ không tìm ra anh, trong một khoảng thời gian rất lâu. Tôi sẽ lắp lại ổ khóa trước khi đi. Mà giữa tôi và anh cũng không có mối quan hệ ràng buộc nào. Quá rõ ràng.
Cô quay lưng lại và Rusty ngưng không kêu nữa. Hắn co người lại rồi bắn hai cái chân bị trói ra. Gót chân hắn đạp trúng ngay phía sau đầu gối Helen khiến cô ngã sụp xuống. Hắn lăn người, vòng lộn. Chân hắn va mạnh vào bụng Helen. Cô kêu lên khàn khàn rồi bị bắn vào cửa nhà tàu, chiếc cửa ra vào đóng lại. Thân thể cô làm kẹt cửa. Khi đó Rusty bắt đầu đạp liên tục thật mạnh vào mặt Helen. Chẳng bao lâu, đèn pin lăn giữa đống xà bần rồi tắt luôn. Hắn tiếp tục đánh chân về hướng có tiếng rên. Cuối cùng tiếng kêu rên tắt rồi cả căn nhà tàu im lặng.
Hắn lắng tai, chờ nghe tiếng thở của Helen. Nhưng hắn không nghe thấy gì cả. Hắn bò đến chỗ cô. Mặt hắn đụng phải một cái gì đó nóng và ướt nhẹp. Hắn rùng mình, lùi ra, nhưng rồi lại đến gần nữa. Ở chỗ Helen không bị đánh, da thịt lạnh ngắt.
Rusty lăn sang một bên, thử tự cởi dây trói tay. Hắn chà dây vào mảnh xi-măng có cạnh bên, hy vọng làm mòn dây. Cổ tay hắn chảy máu, nhưng dây không đứt. Và xác Helen làm kẹt cửa, cái cửa đóng kín, nhốt hắn trong bóng tối hôi hám.
Phải kéo Helen đi, mở cái cửa mắc dịch kia. Chui ra khỏi đây. Hắn bắt đầu đánh đầu vào xác Helen, nhưng cô quá đồ sộ, quá nặng. Không cách nào làm xác cô lay chuyển được. Hắn đập vào cái hộp, định ấp úng một cái gì đó qua khăn bịt miệng, định kêu Helen ngồi dậy để cả hai có thể ra khỏi đây, định giải thích với cô rằng, bây giờ, khi cả hai bị nhốt trong đây thì tiền không còn quan trọng nữa. Chỉ là chuyện hiểu lầm. Hắn không hề có ý định hại cô, hại bất cứ ai. Hăn chỉ muốn một điều thôi: ra khỏi chỗ này.
Nhưng hắn không ra được.
Sau một hồi, lũ chuột quay trở lại.
giavui
08-06-2016, 06:23 PM
Cô gái cưỡi ngựa xám
John Collier
Anh chàng Ringwood là đại diện cuối cùng của một gia đình Anh - Ái Nhĩ Lan ở thị trấn Clare, một gia đình đã sống một cuộc sống rất phóng đãng ba thế kỷ vừa qua. Dần dần, tất cả ruộng đất đã bị bán đi, nếu không cũng bị dân trong vùng đốt cháy do không chịu nổi áp bức nữa. Ngày nay, gia đình Ringwood không còn một tấc đất nào. Tuy nhiên, hậu duệ cuối cùng vẫn còn vài trăm đồng bảng tô tức và nếu đất đai sở hữu của tổ tiên đã biến mất, dù sao anh chàng vẫn thừa hưởng được một bản năng khiến anh xem toàn bộ Ái Nhĩ Lan như sở hữu của riêng mình. Do đó, anh lấy làm vui mừng rằng vùng đất này dồi dào ngựa, cáo, cá hồi, thú săn và gái.
Ringwood, khao khát những thú vui này, bỏ thời gian đi xuyên Ái Nhĩ Lan từ Dongeral đến Wexford hết năm này qua năm khác. Không có cuộc săn nào mà không có anh dẫn đầu ít nhất một lần, trên một con ngựa mượn. Không có một chiếc cầu nào mà anh chưa vượt qua vào một buổi sáng tháng năm, không có một phòng quán ăn nào mà anh không ngủ thiếp đi vào một buổi chiều mùa đông trước một đống lửa cháy trong lò sưởi.
Anh có một người bạn thân tên là Bates cũng thuộc loại như anh. Bates cũng có khuôn mặt xương xương rám gió, thái độ kiêu ngạo ti tiện và phong cách tán gái theo kiểu lãnh chúa, dù là ở nông trại hay chuồng bò.
Cả hai không bao giờ viết thư cho nhau, nhưng luôn luôn biết phải tìm người kia ở đâu vào bất cứ lúc nào. Bác soát vé xe lửa khi bắt gặp Ringwood ngồi toa hạng nhất với vé hạng ba luôn cố tình làm ngơ, báo cho anh biết về việc đi lại của ông Bates. Chẳng hạn, bác nói là đã gặp anh chàng Bates... cũng trong những điều kiện như vậy thứ năm tuần trước, khi anh chàng đi đến Killorglin một hai tuần. Cô hầu bàn ở một quán ăn của người đánh cá có thời gian để thông báo cho Bates rằng Ringwood có đi Lough Corrib để câu cá. Cảnh sát, linh mục, nhân viên coi khu săn bắn và cả công nhân sửa đường cũng truyền tin. Thành ra, khi một trong hai người biết tin, liền gói đồ ngay vào túi du lịch cũ, lấy cần câu và súng bắn để đến với bạn.
Thế rồi vào một buổi chiều mùa đông, Ringwood đang đi từ Ballyneary trở về. Ngày hôm đó đặc biệt buồn tẻ. Bỗng nhiên, anh nghe tiếng gọi của một tên lái ngựa chột quen anh đang đi ngược đường trên một chiếc xe độc mã nhẹ. Tên này báo cho anh bạn của chúng ta là hắn đi thẳng từ Galway đến đây, và nơi đó đã gặp ông Bates đang đi đến một làng tên là Knockderry. Tên lái ngựa còn nói thêm là ông Bates có dặn dồ hắn là phải báo tin này cho ông Ringwood nếu tình cừ gặp được anh.
Ringwood suy nghĩ hồi lâu về lời nhắn này và để ý thấy nó rất đặc biệt. Thật vậy, bạn anh không có nói rõ là cuộc săn bắn hay câu cá. Không lẽ anh ta đã làm quen được với một tên giàu sụ nào đó, có nhiều ngựa và sẵn lồng cho họ mượn. Ringwood tự nhủ: “Trong trường họp đó thì hắn đã nêu tên của ông giàu kia rồi. Chắc là hắn đang theo hai chị em: đó ỉà nguyên nhân hắn gọi mình. Mình chắc chắn như vậy!”.
Khi có ý nghĩ này, một nụ cười tinh ranh làm nhăn mũi anh theo kiểu con cáo. Anh lập tức xếp hành lý và đi về hướng Knockderry nơi mà những chuyến đi liên miên để săn thú lông mao, lông vũ hoặc gái chưa bao giơ đưa anh đến.
Anh thấy đường đi khá dài và, khi đến nơi, anh thấy chỗ đó thật tẻ nhạt. Cũng có những ngọn đồi như khi, thấp và buồn bao quanh ngôi làng, con sông đi qua thung lũng và luôn luôn có cái tháp bị phá vỡ ở trên một gò thấp mà ta có thể lên qua một lối đi giữa cây cối rải rác.
Bản thân ngôi làng này cũng giống như những ngôi làng khác: vai ngôi nhà nghèo nàn, chiếc cối xay gió đổ nát, nửa chục quán rượu bình dân và quán trọ nơi một nhà quý tộc đã quen với các món ăn nông thôn có thể ở.
Xuống chiếc xe thuê, Ringwood ghé vào quán trọ đó. Anh vào trong bếp, gặp bà chủ và hỏi bạn anh, ông Bates, đang ở đâu.
- Tất nhiên là ông ấy ở đây, thưa ngài - Bà chủ trả lời - Nhưng hiện giờ ông ấy đi vắng.
- Nghĩa là thế nào? - Ringwood kêu lên.
- Vali của ông ấy ở đây, và đồ đạc cũng thế. Mấy thứ đồ của ông ấy còn chiếm cả cái phòng lớn nhất của tôi (nhưng tôi còn có một phòng khác cũng đẹp như thế). Ông ấy ở quán trọ này gần như cả tuần nay. Nhưng ngày hôm kia, ông ấy ra ngoài đi dạo một chút, rồi, không biết ngài có tin không, từ đó chúng tôi không gặp lại ông ấy nữa.
- Anh ấy sẽ quay về - Ringwood nói - Bà hãy cho tôi xem một phòng, tôi sẽ ở đây để chờ.
Anh dọn đồ ở lại và chờ bạn cả buổi tối. Nhưng Bates không xuất hiện. Tuy nhiên, những việc loại như vậy không làm ai ngạc nhiên ở Ái Nhĩ Lan, còn nếu như Ringwood nôn nóng, chẳng qua là vì anh nghĩ đến hai chị em mà anh rất muốn làm quen.
Trong hai ngày tiếp theo, anh bỏ thời gian đi khắp các đường mòn trong vùng, hy vọng tìm thấy hai người đẹp hay, cùng lắm một người đẹp khác.
Anh không có ý nào định trước, nhưng anh thích một cô nông dân hơn vì anh không muốn mất thừi gian tán tỉnh.
Chiều ngày thứ nhì, khi trơi bắt đầu tối, anh đang ở cách làng khoảng một nghìn năm trăm mét. Anh gặp một đàn bò dính đầy bùn, do một cô gái chăn. Anh bạn chúng ta nhìn thấy cô gái vội dừng lại ngay. Nụ cười hình thành trên môi anh làm tăng thêm vẻ giống cáo của anh.
Đó là một thiếu nữ chưa tới hai mươi tuổi. Đôi chân trần dính bùn và bị gai làm trầy. Nhưng nàng đẹp đến nỗi khiến dòng máu quý tộc của dòng họ Ringwood bắt đầu sôi sục trong tĩnh mạch của vị đại diện cuối cùng trong dòng họ, bỗng nhiên anh chàng không cưỡng lại nổi ý muốn thèm uống một ly sữa.
Anh chờ một hai phút, rồi thản nhiên đi theo đàn bò. Anh dự định, ngay khi thấy chuồng bò, sẽ xin một ly thức uống giải khát vô tội ấy, điều này cho phép anh bắt chuyện và nhanh chóng kết thúc vụ này.
Người ta thường nói một chuyện may mắn không bao giờ đến một mình, và điều bất hạnh cũng vậy. Trong khi Ringwood đang đi theo cô bé quyến rũ ấy và tự bảo mình rằng nàng chỉ có một trong cả vùng, anh nghe tiếng chân ngựa và quay đầu lại. Một con ngựa màu ngọc trai đang tiến về phía anh, có lẽ là đến từ một đường tắt, vì vài phút trước không hề thấy nó.
Một con ngựa xám thì cũng không quan trọng lắm, nhất là khi ta đang cần gấp một ly sữa. Nhưng vì hai lý do, con ngựa xám này khác so với con khác cùng chủng loại và cùng màu: trước hết đó không phải con ngựa gầy xấu, mà cũng không phải con ngựa đua. Khi đi, nó nhấc chân trước lên một cách kỳ lạ, nó có cái đầu nhỏ xíu và lỗ mũi rộng trông khá tao nhã. Ngoài ra - việc này khiến Ringwood không còn tò mò về chủng loại của con vật - cưỡi con ngựa xám là cô gái, không thể phủ nhận được, đẹp nhất mà anh chưa bao giờ gặp trong cả đơi.
Ringwood nhìn nàng. Khi nàng từ từ ra khỏi hoàng hôn, đến lượt nàng cũng ngước mắt lên và nhìn chằm chằm Ringwood. Anh chàng quên ngay cô bé chăn bò. Hay đúng hơn anh đã quên đi tất cả.
Con ngựa đang tiến lại và vẫn tiếp tục quan sát Ringwood, mà anh cũng nhìn nàng. Và đây không còn đơn giản là một cuộc trao đổi cái nhìn mà như vừa là lời cam kết vừa là cuộc hôn nhân.
Một lúc sau, con ngựa đã vượt khỏi anh, bỏ anh lại bên đường đứng sững vì cảm phục. Ringwood không thể động đậy mà củng không thể la lên: anh đã quá xúc động nên không có một cử động nào. Anh chỉ nhìn con ngựa đi xa. Anh thấy con ngựa và cô gái cưỡi ngựa đi vào chiều hoàng hôn mùa đông, quẹo vào một cái cổng bị hư ngay khúc quanh. Trước khi đi vào, cô gái quay đầu lại và huýt sáo: chỉ khi đó Ringwood mới thấy có một con chó đứng lại bên anh đang ngửi chân anh. Lúc đầu, anh tưởng đó là một con chó nhỏ dạng sói nhưng anh nhận ra ngay đó là con chó lai. Anh thấy nó chạy khập khiễng theo cô gái cưỡi ngựa, đuôi cúp, và anh nghĩ cách đây không lâu có lẽ con chó đáng thương đã bị một trận đòn nhừ tử, do còn thấy mấy cái vết trên lưng nó.
Nhưng anh đâu có thời gian quan tâm đến con chó. Khi tỉnh lại, anh đi về hướng cổng. Đến nơi, không còn thấy cô gái nữa, nhưng anh nhận ra con đường bỏ hoang dẫn đến cái tháp bị hư trên dốc đồi.
Ringwood cho rằng cảm xúc cho ngày hôm nay như vậy là đủ và trở về quán trọ. Bates vẫn vắng mặt, như vậy tốt hơn. Ringwood muốn dành cả buổi tối này để chuẩn bị kế hoạch chiến dịch. Anh tự nhủ:
“Con ngựa này không đáng giá hai mươi bảng. Vậy, cô nàng không giàu. Càng tốt! Mà mình nhớ nàng ăn mặc cũng không đẹp lắm. Thậm chí mình không nhớ nàng mặc cái gì nữa... có lẽ là một cái áo choang hay một cái gì tương tự. Mà nàng sống trong cái tháp cũ rích ấy nữa... mình tưởng hoàn toàn đổ nát rồi chứ. Có thể chỉ còn một hai phòng còn ở được ở tầng trệt: lâu đài của sự nghèo đói! Một trong những cô gái thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng không có một xu dính túi. Nàng sống xa người tại một nơi khỉ ho cò gáy bị Chúa bỏ quên. Chắc một năm nàng cũng không gặp được một người đàn ông, hèn gì nàng nhìn mình! Nếu mình được biết chắc nàng ở đó một mình, mình không cần thư giới thiệu đâu. Nhưng làm sao mà biết được, lỡ có một ông bố, ông anh, hay một ai đó! Ôi! Thế nào mình cũng giải quyết được khó khăn thôi!”
Khi bà chủ quán trọ mang ngọn đèn đến, anh hỏi :
- Này, cái người phụ nữ trẻ cưỡi con ngựa xám kỳ quặc ấy là ai vậy?
- Một người phụ nữ trẻ, trên một con ngựa xám à? - Bà chủ quán ngạc nhiên lặp lại.
- Vâng, cô ấy đã qua mặt tôi trên đường dẫn đến đây và đi về con đường đưa đến tháp.
- Ồ! Cầu mong Đức Bà Marie Đồng Trinh phù hộ và bảo vệ Ngài! Ngài đã thấy phu nhân Murrough xinh đẹp. - Bà chủ quán nói.
- Murrough à, tên cô ấy đó hả? Thì ra đó là một cái tên lỗi lạc của miền đông Ái Nhĩ Lan. - Anh nói.
- Đúng, - Bà chủ quán trả lời - bởi vì xưa kia có những ông vua và hoàng hậu mang tên này ở vùng Connaught trườc khi người Saxon đến. Và nghe nói bà ấy có khuôn mặt của một hoàng hậu.
- Những ai nói vậy là đúng đó, Ringwood đồng ý và nói thêm: bà hãy mang cho tôi whisky và nước để tôi hoàn toàn được thoải mái.
Trong giây lát, anh xém hỏi xem cô Murrough có một ai đó tương tự như một ông bố hoặc một ông anh sống cùng cô ở trong tháp không; nhưng anh có một nguyên tắc là, đối với những vụ như vậy, nói càng ít càng tốt. Nên anh ra đống lửa ngồi và tưởng nhớ lại nhan sắc của cô gái, sắc mặt cô khi nhìn anh. Anh quyết định rằng cái cớ nhỏ nhất cũng đáng để anh đến tháp.
Ringwood không bao giờ thiếu cớ; chiều hôm sau, anh ăn diện thật bảnh và đi về hướng đường cũ. Anh đi qua cổng và đi theo con đường có hàng cây thõng xuống che mát. Dây thường xuân gần như hoàn toàn phủ hết cây tạo thành vùng tranh sáng tranh tôi bao trùm. Ringwood cố gắng nhìn thấy tháp, nhưng phía trườc con đường có khúc quanh và ngôi nhà bị che khuất.
Khi anh đi hết con đường, anh thấy cô gái đang đứng yên dường như chơ anh.
- Xin chào cô Murrough - Anh nói khi đến đủ tầm nghe của cô - Hy vọng tôi không quây rầy cô? Hình như tôi đã được vinh dự gặp một người bà con của cô cách đây không đầy một tháng ở Cork.
Lúc đó, anh đã đến đủ gần để nhìn thấy lại ánh mắt cô và anh ngưng nói. Bỗng nhiên, anh cảm thấy từ ngữ anh đang nói đều vô nghĩa.
- Tôi biết là anh sẽ đến. - Cô gái nói.
- Chúa ơi, tôi phải đến đây - Anh trả lời - Cô hãy nói... cô ở đây một mình à?
- Chỉ có một mình. - Cô trả lời và đưa tay ra như để dẫn dắt anh.
Ringwood mừng thầm vì vận may của mình và định nắm lấy bàn tay ấy. Nhưng khi đó, con chó lai nhảy phốc lên giữa hai người và suýt làm anh té.
- Nằm xuống! - Cô giơ tay lên và mắng - Về chuồng đi!
Con chó ngồi xuống, rên rỉ và bắt đầu bò phía sau cô.
- Cần phải dè chừng con chó này. - Cô nói.
- Nó dễ thương đấy chứ, - Ringwood trả lời - con chó có vẻ thông minh lắm. Tôi rất thích chó lai, chúng rất khôn. Sao? Mày muốn nói gì với ta à?
Ringwood co thói quen khen chó của các phu nhân và ngoài ra, con chó này rên rỉ và khóc lóc một cách khác thường.
- Yên đi! - Cô đưa tay lên ra lệnh và con chó im ngay - Nó là con chó lai bẩn thỉu - Cô tiếp tục nói với Ringwood - Có phải anh đến đây để ca ngợi với tôi về một con chó không nòi không giống không?
Một lần nữa, cô nhìn thẳng vào mắt Ringwood. Anh quên đi con chó tội nghiệp; cô đưa tay cho anh. Lần này, anh nắm lấy tay cô, và cả hai đi về hướng tháp.
Ringwood như đang ở cõi cực lạc. “May quá! Anh nghĩ thầm. Giờ này, có thể mình đang mất thời gian tán tỉnh cô nông dân trong một chuồng bò ẩm ướt và hôi thối, mà chắc chắn mười ăn một là cô ấy sẽ khóc và chạy đến kể hết chuyện cho mẹ! Còn đây, hoàn toàn khác hẳn!”.
Cô gái đã đẩy một cánh cửa nặng. Cô ra lệnh con chó đi ngủ và, qua một đại sảnh lát đá, cô dẫn anh bạn của chúng ta đến một căn phòng nhỏ hình vòm hoàn toàn không giống một chuồng bò, nhưng hơi có mùi mốc và ẩm, như thường có trong các ngôi nhà cũ. Những khúc củi lớn đang cháy trong lò sưởi, trước có một chiếc ghế đi-văng thấp và rộng. Phần còn lại căn phòng được trang trí theo kiểu cổ xưa thật đơn giản. “Có vẻ khá trung cổ, Ringwood nghĩ thầm. Một nơi lý tưởng cho tình yêu!”.
Nàng ngồi vào ghế đi-văng và ra hiệu cho anh ngồi cạnh nàng. Không ai nói một lời nào hết. Hoàn toàn không có tiếng động, chỉ có gió thổi và con chó đang rên rỉ cào vào cửa phòng.
Cuối cùng nàng nói :
- Anh là một trong những bọn xâm lăng saxon. - Nàng nói nghiêm trang.
- Em đừng giận - Ringwood đáp lại - Tổ tiên anh đến Ái Nhĩ Lan năm 1656. Dĩ nhiên, về mặt Liên Minh Dân Tộc Ga-en... nhưng dù sao, - Anh lấy giọng Ái Nhĩ Lan đặc để trả lời - chẳng lẽ chúng mình lại nói chuyện chính trị sao? Hai chúng ta như thế này, ngồi trước đống lửa ấm cúng, mà lại đi nói chuyện chính trị à?
- Có lẽ anh thích nói chuyện tình yêu hơn, bởi vì anh thuộc loại đàn ông coi thường các thiếu nữ đáng thương của xứ Erin xanh tươi. - Nàng cười và nói.
- Em lầm hoàn toàn rồi. Trái lại, anh thuộc loại đàn ông sống cô đơn và buồn tẻ trong khi chờ đợi mối tình thật sự mà thường lại không gặp được.
- Vâng, nhưng hôm qua, anh rất quan tâm nhìn một cô nông dân trẻ đang đưa đàn gia súc về chuồng.
- Đúng, tôi nhìn cô ấy, nhưng khi anh thấy em, là anh quên cô ấy ngay tức khắc.
- Ý muốn của tôi như thế - Nàng nói và đưa hai tay về phía anh - Anh có muốn ở lại đây với tôi không?
- Ồ! Muốn chứ. - Anh chàng vui sướng thốt lên.
- Ở luôn?
- Ở luôn - Ringwood khẳng định - Ở luôn và mãi mãi. - Anh nói thêm, vì cảm thấy thà nói hơi quá một tí còn hơn là tỏ ra bất nhã đối với phụ nữ.
Nhưng trong khi anh nói, nàng nhìn chằm chằm vào anh và nàng có vẻ tin tưởng anh đến nỗi chính anh cũng bắt đầu tin những gì anh nói.
- Ôi! - Anh la lên - Anh bị em bỏ bùa mê mất!
Anh ôm nàng. Anh đề môi mình vào môi nàng và ngây ngất đi tức khắc. Thường, anh tự hào là giữ được bình tĩnh trong những lúc như thế này nhưng lần nay, sự say sưa quá mạnh đối với anh. Dường như trí óc anh tan vào một sự dịu dàng khoái lạc và vào một đống lửa nóng bỏng. Cuối cùng khi ngọn lửa không còn giày vò anh nữa, anh nghe nàng nói: “Mãi mãi! Mãi mãi!”. Rồi anh ngất đi và chìm vào giấc ngủ.
Có lẽ anh ngủ được rất lâu. Dường như anh bị đánh thức bởi tiếng cửa mở rồi đóng lại. Trong giây lát, anh không biết mình đang ở đâu.
Nay căn phòng đã tối hoàn toàn và, trong lò sưởi, chỉ còn vài cục than hồng đang cháy. Anh nháy mắt, lắc đầu, cố nhớ lại việc. Bỗng nhiên anh nghe Bates nói chuyện với anh. Bates lẩm bẩm như còn đang ngái ngủ.
- Rồi mày cũng đến đây! - Bates nói - Tao đã cố gắng hết sức để cản mày.
- Xin chào! - Ringwood thốt lên, tưởng mình đã thiu thiu ngủ bên cạnh đống lửa ở quán trọ - Mày đó hả Bates? Ôi tao ngủ say quá. Tao cảm thấy hơi khó chịu. Trơi ơi! Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Mày làm sáng lên một chút đi. Có lẽ đã trễ rồi. Tao đói muốn chết! Để tao kêu người dọn cho chúng ta ăn.
- Ôi lạy Chúa, mày nằm yên đi! - Bates nói với giọng khác lạ - Tao van mày, mày đừng có kêu lên. Nếu không cô ấy sẽ đến đánh cả hai ta!
- Mày nói gì vậy? - Ringwood nói - Đánh chúng ta à? Mày điên rồi sao!
Khi ấy, một khúc củi sụp vào đống lửa, làm lóe lên một ngọn lửa nhỏ. Khi nhìn thấy đôi chân gầy và phủ đầy lông của mình, Ringwood hiểu ra tất cả.
giavui
08-06-2016, 06:23 PM
Người vợ câm
Thomas Burke
Chuyện tình này thật là đen tối, đen tối như các dãy nhà buồn tẻ chắn không cho ánh sáng chiêu vào đường phố dọc theo kè sông, ở những đường phố xám xịt này, không có tiếng ồn và không có cửa sổ hiếu khách, buổi trưa luôn lạnh lẽo. Ở đấy, lề đường tạo nên biên giới cách ly những người gầy gò đang sống tại đó và đá lót đường không vang dội tiếng bước chân đi.
Tuy nhiên, dù tình cảm khác chết đi, cái đẹp, tình yêu và lòng hy sinh vẫn tồn tại dai dắng. Tại những nơi vắng vẻ trên sông của thành phố Luân Đôn, điều bất chính bất công lan truyền và nảy nở, có khuynh hướng tiêu diệt những gì đẹp đẽ và dũng cảm. Nhưng cái đẹp vẫn tồn tại. Thậm chí trong lòng bóng tối, tình yêu bắt rễ và tạo nên những điều mê ly bất diệt như ánh trăng, vườn hoa tràn trề ánh nắng, khúc nhạc xuân.
Ở một trong những đường phố không vui vẻ ấy, xa khu Tàu một ít, có một hiệu giặt ủi Tàu. Suốt nhiều năm trời, một phụ nữ lai châu Á ngồi ở cửa sổ phía trên của hiệu giặt ủi. Cô ngồi đó, hết ngày qua ngày khác, hết tháng này đến tháng kia, gợi nên lòng trắc ẩn nơi những người bất hạnh mà nỗi đau khổ vẫn chưa vùi dập được lòng thương hại. Người ta biết được một phần câu chuyện của cô. Cô là vợ của ông Ng Yong, chủ hiệu giặt ủi, và cô bị câm.
Khi trời vẫn còn sáng, cô ngồi ở cửa sổ và nỗi buồn đã xóa đi biểu lộ nơi khuôn mặt vốn điềm tĩnh của cô. Cô không nhìn gì cả, không nghe gì cả. Cô bất động và im lặng, như một bức tượng Trung Quốc nhỏ. Và cặp mắt nhỏ của cô phản ánh một nỗi khiếp sợ âm thầm đến nỗi những người lạ đi ngang qua cửa sổ đều muốn bước chân nhanh về con dường chính của khu vực. Người ta sẽ không bao giờ biết được điều gì xảy ra phía sau gương mặt cứng đờ ấy. Người ta chỉ có thể thử tưởng tượng thôi. Những tình cảm căm thù nào, những cảm giác sợ hãi nào, những ý muốn báo thù nào, những ước ao chạy trốn nào, những ý nghĩ đen tối nào và những kỷ niệm nào còn đen tối hơn nữa đang tích dồn trong cái đầu ấy? Chúng ta không thể biết được.
Thỉnh thoảng, không hề báo trước, cô mất đi tính trơ ì và cô lên con thịnh nộ. Cô chạy về phía cửa và những nỗ lực của cô đạt đến cực điểm. Nhưng trong khi qươ tay một cách tuyệt vọng về hướng kho cảng Ăng-Ti, từ miệng cô chỉ phát ra những âm thanh không thành tiếng. Khi ấy, chồng cô lao đến. Ông buồn bã nắm lấy tay cô và, một cách kiên quyết dịu dàng, đưa cô trở về chỗ ẩn cư cô đơn. Còn người láng giếng thì thương xót và khâm phục thái độ ông trong thử thách này.
Ông đã giải thích cho họ biết về nỗi bất hạnh ập lên nhà ông, và thường họ giúp ông dỗ dành bệnh nhân. Là một người chồng ân cần, ông luôn đi cùng vợ trong những buổi đi dạo hiếm hoi của cô. Khi cô cứ quẹo hết đường này sang đường khác, thể như cô muốn tìm lại một nơi chỉ mình cô biết, và khi người qua đường dừng lại, ngạc nhiên vì gương mặt van xin và đôi môi nhấp nháy vô hiệu của cô, ông lại lôi kéo cô đi. Người lạ tránh xa đi, còn những ai biết cặp vợ chồng này thì tiến lại gần để tiếp sức ông chồng.
Đó là những gì người ta biết được. Còn sau đây là toàn bộ câu chuyện.
Khi Moy Toon ra đời ở Poplar, từ người mẹ gốc Anh và cha gốc Tàu, cô không được niềm nở đón tiếp. Gia đình mẹ hoàn toàn không nhìn cô, còn gia đình cha chỉ lo sao cho cô không chết đói. Sớm mồ côi, cô vào làm những công việc nặng nhọc nhất cho một phòng trà khu kiều dân Tàu. Ở đó, cô sống qua nhiều năm cực khổ, không đếm ngày. Cô không suy nghĩ nhiều. Cô không cảm giác gì cả. Cô ít khi hỏi tại sao. Cô hài lòng với số phận mình, giống như một nô lệ sinh ra trong chế độ nô lệ và không được học hỏi gì cả. Cô thừa hưởng tính phục tùng của người phương Đông nhiều hơn, là tính hoài nghi và ý thích đấu tranh của người phương Tây. Sự việc như vậy và cô chấp nhận thế. Cô lớn lên trong kho cảng hỗn tạp. Cô ít được giáo dục về đạo đức và những gì cô biết chỉ giới hạn ở những điều người ta dạy cho một phụ nữ thuộc tầng lớp cu-li. Và cô trải qua những năm tuổi trẻ như trong một cơn mơ dài.
Một đêm, có một chàng phụ tá cai thủy thủ đến phòng trà trong tình trạng hoàn toàn say xỉn. Cô đã thấy anh nhiều lần ngoài đường phố và đã khâm phục, theo kiểu của cô, dáng đi tự nhiên, khuôn mặt rám nắng biển của anh. Đêm đó, anh chàng say bia đã để ý cô gái có nét duyên với tính sắc sảo phương Tây và tính nghiêm trang phương Đông trộn lẫn với nhau. Anh tán tỉnh cô. Thật ra, anh chỉ cần nói chuyện, vì cô gái lai đã bị chinh phục ngay bởi người đàn ông kỳ diệu xuất hiện trong cuộc đời cô.
Có nhiều đêm khác tiếp theo đêm đó. Anh săn sóc cô từng ly từng tí, anh gọi cô là Baby Doll hoặc đặt cho cô nhiều bí danh tình tứ khác, mang đến cho cô những món quà rẻ tiền. Khi trở về đất liền, lần kế tiếp, anh lại tiếp tục mời cô đi chơi, vui sướng vì có cô bên cạnh. Vài tháng sau, anh chào từ biệt cô vĩnh viễn và báo với cô là anh sắp lấy vợ và định cư ở một khu khác của Luân Đôn. Cô không gặp lại anh nữa. Cô bình thản chấp nhận việc anh bỏ đi, không oán hận, cũng như cô đã chấp nhận việc khác, dù hạnh phúc hay bất hạnh, cô không đòi hỏi anh điều gì cả.
Sau đó đứa con ra đời. Chủ nhà hàng không hài lòng lắm về sự lầm lạc vụng về này trong cách ăn ở của cô. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng chút ít cho cô hầu của mình và đứa trẻ được gởi cho một bà già ở Blackwall mà cộng đồng kiều dân Tàu biết rõ. Moy Toon say mê đứa bé. Đối với cô, đó là kỷ niệm bằng xương bằng thịt của mối tình duy nhất đời cô và cô yêu đứa bé tha thiết. Ban đầu, cô không chịu rời bỏ nó. Bằng cách giữ nó bên cạnh cô, cô tỏ thái độ khinh thường tất cả những ai xem rẻ việc làm mẹ tuyệt vời của cô. Rồi dần dần, cô hiểu ra lời khuyên này là đúng. Với đứa con, cô không thể hy vọng kiếm được số tiền ít ỏi mà cô cần, mà cô không thích sống theo lối của những cô gái cùng giai cấp và cùng xuất xứ như cô. Cô chỉ có một mối tình duy nhất và, vì lợi ích con trai cô, cô muốn mình nghiêm túc. Cô thích chế độ làm việc cực nhọc ở phòng trà hơn là những cuộc dan díu buồn chán ngoài đường phố. Cô hiểu rằng, cả nếu như bị trao vào tay người lạ, đứa trẻ sẽ nhận được những chăm sóc cần thiết mà cô không thể làm được. Cô đành để cho sự khôn ngoan chiến thắng tình cảm mình và chịu gởi đứa bé, tuy nhiên với điều kiện là được gặp nó mỗi khi cô muốn.
Trong sáu năm liền, cô tiếp tục cuộc sống khô cằn của mình. Cô cũng rất mang ơn số phận vì cuộc đời buồn tẻ của cô được dứt đoạn mỗi tuần bởi những chuyến đi thăm con trai. Tuy vậy, trong suốt những năm này, cô thường khóc ban đêm. Cô nhớ sức sống trẻ thơ và bộ điệu mảnh dẻ của đứa con mà cô không thể công khai nhận lấy, và trong bóng đêm cô cố vươn tay về hướng con một cách hão huyền. Nó chơi ngoài đường phố cảng, lớn lên và trở thành một cậu bé trai khỏe mạnh so với tuổi nó. Cô bỏ những buổi trưa vui thích hóa trang cho nó thành thủy thủ: áo hạ sĩ, nút vàng, mũ cát két có lưỡi trai gắn nhiều quân hàm. Cô gọi con là “thủy thủ nhỏ bé của mẹ”, và những buổi trưa như vậy bù lại cho những đêm cô đơn.
Khi ấy, Ng Yong xuất hiện. Ông đã mua lại hiệu giặt của một đồng hương trở về nước, và làm ăn phát đạt. Nhưng khi nhìn kỹ nhà mình, ông phát hiện thiếu một cái gì đó. Cái đó là một người vợ. Ông nhận ra rằng một người vợ sẽ như một món đồ gỗ đẹp làm cho cửa hiệu hoàn chỉnh hơn. Ông bắt đầu tìm kiếm vợ, và ở phòng trà Trăm Rồng Vàng ông đã tìm thấy Moy Toon. Ông cảm thấy Moy Toon đúng là món hàng mình đang cần. Ông hỏi thăm ông chủ phồng trà, và được biết Moy Toon không có ai và là sở hữu ông chủ.
Ng Yong rất nghiêm khắc về đức hạnh của phụ nữ (ông tự đặt mình vào vị trí người có thể mua) và đặt ra vô số câu hỏi với chủ phòng trà về cuộc đời và hạnh kiểm của Moy Toon. Ông chủ Trăm Rồng Vàng trả lời: nhưng không hoàn toàn thành thật, với một độ ti tiện nào đó cùng một vẻ chân thành quyến rũ. Khi Ng Yong đòi hỏi lời bảo đảm là món hàng chưa bị ô uế, ông chủ đã cam kết. Trên thế giới không có một nhà buôn nào lại tự ý làm giảm giá trị hàng hóa của mình và ông biết nếu để lộ một mối tình dan díu như vậy giá bán món hàng sẽ giảm đi nhiều.
Moy Toon cũng được báo trước riêng về bước đầu của cuộc thương lượng và người ta lưu ý với cô, bằng cách ca ngợi sự phát đạt của Ng Yong, rằng tình cảnh của cô sẽ được cải thiện đến mức nào nếu lấy được ông ta. Người ta còn nhấn mạnh rằng việc giữ bí mật chuyện đứa con là rất cần thiết. Người ta thúc ép cô từ bỏ mãi mãi đứa con, nhưng về vấn đề này, cô không trả lời gì cả. Cô không bác bỏ cuộc hôn nhân mà người ta đề nghị với cô. Ng Yong cũng già rồi, nhưng cô không hề để ý đến sự khác biệt về tuổi tác. Cô mang đủ tính cách Tàu để làm quen với việc này. Cô nhìn thấy trong cuộc hôn nhân này một cơ hội để được giúp đỡ và, một cách gián tiếp, cải thiện cuộc sống của con trai cô. Vậy cô sẵn lòng lấy chồng, mà không cần suy nghĩ thêm. Không một lúc nào, cô tự hỏi xem mình có giữ nổi bí mật không, về việc này, cô hoàn toàn tự tin.
Một thời gian sau, Ng Yong đến gặp cô, phỏng vấn cô, rồi tuyên bố là ông hài lòng về cô và về tính khiêm tôn của cô. Nhưng ông cũng không bỏ qua cơ hội giảng dạy dài dòng về hạnh kiểm của một người vợ. Ông ngồi trước mặt cô, trong nhà bếp của phòng trà, đôi tay mập mạp đặt trên đầu gối, cái đầu già gật gù, những ý nghĩ thầm kín của đôi mắt được che giấu kín phía sau hai mí mắt xếch để bạn bè không thể đoán được. Ông ta nói, vợ của Ng Yong phải vâng lời, luôn phục vụ đức ông chồng và không bao giờ được hỏi, thường xuyên chăm lo quản lý nhà cửa, cắt đút quan hệ với những người ở phòng trà và trên hết, là phải trung thực và chung thủy. Cô phải thuộc hoàn toàn về ông, và chỉ một mình ông mà thôi. Ông đọc cho cô nghe mấy đoạn trong Bốn Điều Dạy về người phụ nữ đức hạnh, và giọng nói của ông chỉ còn thì thầm khi ông nói đến hình phạt dành cho người phụ nữ không tuân theo điều luật thứ nhất.
Moy Toon cũng không hăng hái nghe theo bài thuyết giáo đó và trả lời câu hỏi có hơi thư thái, nhưng với một giọng nói vẫn từ tốn. Khi đó, vụ buôn bán được giao ước. Đã phải mất nhiêu đêm trả giá mới thống nhất được một giá trung bình. Tiền được trả cho quán Trăm Rồng Vàng và Moy Toon bước vào ngưỡng cửa ngôi nhà của Ng Yong.
Tát cả những gì ông đòi hỏi cô về chăm sóc và phục tùng, cô làm trọn. Nhưng cô không từ bỏ con trai. Người ta không yêu cầu trái tim cô và cô giữ lấy nó. Con trai là thần tượng của cô và cô tôn sùng con. Phần còn lại, cô phục tùng Ng Yong tốt. Cô không hề có ý muốn cư xử cách khác. Trách nhiệm của cô là đoán những ý muốn của ông, cô cố gắng làm việc nhà tốt và không bao giờ nhìn một ngươi đàn ông khác.
Mặt khác, cô cũng không thể hành động khác, vì chồng luôn luôn ở bên cạnh cô. Có thể thái độ khiêm tốn của cô chưa thuyết phục được ông hoàn toàn. Ông chăm chú theo dõi cô. Ông không bao giờ để cô tự do và thậm chí, cả khi cô đi chợ, cô cũng có cảm giác là cặp mắt ông luôn đi theo cô.
Do đó, những cuộc gặp gỡ với đứa con trai trở nên phức tạp. Đến ngôi nhà Canning Town mỗi ngày thứ năm, như cô đã làm suốt sáu năm trời, sẽ làm Ng Yong nghi ngờ. Ông sẽ để ý đến những buổi vắng mặt thường xuyên và định kỳ của cô. Ông sẽ đặt ra những câu hỏi và có thể sẽ không vừa ý với câu trả lời của cô. Ông sẽ đi theo cô hoặc cho người đi theo và như vậy, bí mật của cô sẽ bị phát hiện. Khi đó chỗ trú thân duy nhất của cô sẽ là đường phố và con trai cô và cô sẽ chết đói.
Cô suy nghĩ cẩn thận để tìm ra những cách sắp xếp mới rồi quyết định gặp con ở những nơi ngẫu nhiên. Những cuộc gặp sẽ xảy ra vào thời điểm không báo trườc, và mỗi lần sẽ ấn định cuộc hẹn mới. Sự khôn ngoan khuyên bảo cô nên từ bỏ. Hiện tại cô đang hưởng tiện nghi an toàn và cuộc sống hằng ngày của cô được tổ chức tốt. Tốt hơn là cô nên hài lòng với việc nhìn con từ xa mà không được nói chuyện và được tin của con qua người lạ, hơn là mạo hiểm sự bình yên hiện tại chỉ vì thú vui được hôn con, bởi vì nếu người ta phát hiện được sự thật, cô sẽ bị đuổi ra khỏi nhà Ng Yong, điều này đồng nghĩa với khốn khổ và thiếu thôn. Đầu óc cô không vượt quá những ý nghĩ này. Cô không nhớ một từ nào hết của bài thuyết giáo về đức hạnh vợ chồng của chồng cô, y như từ ngữ đi vào tai này và chui ra tai khác. Chồng cô sẽ rất giận dữ, sẽ đuổi cô, con cô và cô sẽ đau khổ. Cô không thể nghỉ đến đau khổ. Cô ghét và sợ đau khổ.
Tuy nhiên, một đêm, trong tháng đầu tiên sau đám cưới, vì cô không ngủ, cô nghĩ đến con trai cô, cô tưởng tượng hai cánh tay nhỏ của nó ôm cổ cô và giọng nói nó bên tai xin cô vài xu. Con trai của cô. Sáng ngày hôm sau, cô sẽ sắp xếp, bằng cách thông qua nhiều người trung gian, nhắn với bà giữ nó dẫn nó đến Tunnel Garden vào buổi trưa hôm sau nữa. Ở đó, cô có thể ở bên cạnh con và người phụ nữ, và nghe con nói chuyện. Nếu Ng Yong hoặc bạn bè ông nhìn thấy cô như vậy, cô có thể nói, giống như thật, là người phụ nữ và đứa bé trai là người lạ, nhưng trong lúc chơi, đứa trẻ đã làm cô chú ý và cô bắt chuyện với bà mẹ. Điều này không có gì xấu. Cô làm như vậy và việc xảy ra tốt đẹp.
Lần kế tiếp, cô chọn một tiệm bánh kẹo gần Blackwall và đứa bé được nhồi nhét bánh. Cô ở với con một giờ và khi cô về nhà, cô thấy Ng Yong đang chờ cô ở đầu cầu thang, trong khi thường vào lúc này, ông đang trông hiệu giặt. Ông nói cô ra ngoài lâu quá và cô trả lời cô đi chợ ở Sandwell vì thứ ở đó rẻ hơn. Cô nói thêm là cô bị trễ do đang sửa đường. Ông nhìn cô một cách chăm chú và lạ lùng, nhưng cô không thấy điều đó. Cặp mắt cô đang tràn đầy hạnh phúc: con trai cô đẹp và bộ điệu của nó thật là mạnh dạn!
Sau khi suy nghĩ, cô ấn định cuộc hẹn kế tiếp trong một hầm kho ở một góc xa kho cảng Ăng-Ti. Cô đã phát hiện hầm này vài năm trước đây và chỗ đó cũng không thay đổi mấy. Cô đã ở đó vài giờ cùng anh chàng thủy thủ của cô vào một đêm hè ẩm ướt, vì họ không tìm được chỗ trú tạm thời nào khác. Vào đó rất dễ, và vì trong hầm không có gì để ăn cắp, nên không có ai trông nom. Nơi này đã bị bỏ hoang từ khi nước sông tràn ngập vào. Người ta cũng có cố gắng xây lại nhưng, mỗi khi triều lên, nước lại dâng lên đến nửa người. Có một lối đi chật hẹp dẫn xuống đó qua một cầu thang với bậc thềm bị mọt, được che kín đến nỗi ta chỉ có thể phát hiện đưạc nó nếu biết trước là có.
Và đứa bé được dẫn đến đó. Cậu bé không sợ cái hầm được Moy Toon chiếu sáng bằng đèn pin. Cô tự bảo, đây là một cậu bé mang tâm hồn của cha nó, vì nó lấy làm thích về cuộc phiêu lưu này và chạy lon ton khắp nơi, lục lọi đây đó, làm tràn ngập trái tim mẹ nó bởi tiếng cười. Cô đứng cạnh nó, khuôn mặt rạng rỡ vì tự hào. Cô khuyến khích những trò tinh nghịch của con, không quan tâm đến gì khác ngoài cái vồng trong đó con cô đang chuyển động. Nhưng trong khi cậu bé đang vui đùa, người phụ nữ đưa ngón tay lên căng thẳng :
- Nghe kìa! Im lặng đi!
Cậu bé dùng lại đột ngột và Moy Ton ôm con sát vào mình. Họ lắng nghe.
- Ơ... Ơ... - Người phụ nữ kêu lên - Có ai đến. Tôi chắc chắn sẽ gặp phiền phức khi đến đây mà. Làm gì đây? Đi đâu đây? Ơ... Ơ... Tôi phải ra khỏi đây. Không phải chuyện của tôi. Chuyện của các ngươi. Tôi không muốn dính dáng...
Lo lắng xoay cuốn váy và giày, bà ta bước nặng nề lên cầu thang. Còn ở lại phía dưới, Moy Toon nghe tiếng động giống như như tiếng va chạm đục và tiếng la: “Ớ..”, sau đó: “Coi chừng..”.
Lúc đó cô hốt hoảng. Người phụ nữ kia đã thấy một cái gì đó làm cho bà sợ hãi và theo phản xạ ý nghĩ đầu tiên của Moy Toon dành cho con trai cô. Vào lúc đó, cô không còn sức suy nghĩ gì nữa. Cách đó ba bước, cô thấy một cái hốc mà con cô đã thám hiểm trong khi chơi. Hốc được giữ bởi một cửa lớn có ổ khóa và then cài bằng sắt. Cô nắm lấy cánh tay con và kê sát miệng vào tai nó :
- Vào đây đi, con của mẹ. Nhanh lên, vào đi con. Con đừng làm ồn nhé. Vì mẹ con nhé.
Đứa bé hiểu và nhảy vào cái hốc. Moy Toon đóng cửa lại và nhanh chóng khóa lại. Cô quay lại lấy đèn pin và tắt đèn đi, khi xoay người lại cô nhìn thấy Ng Yong đang bước xuống bậc thềm cuối cùng, tay giơ lên, với một cử chỉ hăm dọa mà theo bản năng cô tuân theo ngay. Ông vào hầm và đứng yên, nhìn trái, nhìn phải. Việc ông chồng đến đột ngột và cửa vừa mới đóng lại làm cho cô hết hơi, mất khả năng hành động hoặc nói chuyện. Cô tựa vào tường thở hổn hển, trong khi trong đầu óc chậm chạp của cô chỉ còn hiện lên một ý nghĩ: “Ông ấy đã thấy được gì? Ông ấy đã thấy được gì?”. Cô thầm lặng cầu cho ông nói ra.
Cuôi cùng ông cũng nói một cách bình thản :
- Thì ra cô gặp tình nhân ở đây. Đưa hắn ra.
- Tình nhân? Em ấy à?... Không! Em không có tình nhân.
- Vậy thì cô làm gì ở đây?
- Mà... kìa... Anh đừng có buồn cười thế! Tình nhân à? Em đến đây để...
- A, đúng rồi, cô đến đây - đến chính nơi này - để tán gẫu với một mụ già hả? Thôi đi, đưa thằng tình nhân của cô ra đây!
- Nhưng... em... em không có tình nhân.
Bỗng nhiên, cô hiểu ra rằng để cứu con trai, cách duy nhất là bám lấy ý nghĩ về một tình nhân, phát triển cái ý đó.
- À, thì... em muốn nói, anh thử giả thiết rằng...
Ông giơ tay lên :
- Cô hãy nhìn tôi.
Bản năng phục tùng khiến cô ngước mắt lên, cô nhìn ngay vào mặt ông và những điều cô thấy làm cho cô hốt hoảng. Cô bắt đầu nói lúng túng :
- Nhưng, em đâu có tình nhân... em đâu có tình nhân...
- Cô... tôi đã tin cô. Đồ chó đẻ!
- Nhưng em muốn nói... em...
Từ miệng ông thoát ra một tiếng càu nhàu. Ông giúi tay vào túi. Mắt cô lồi ra nhìn ông: ông lục lọi trong áo vét bằng vải. Cô thấy ông rút ra một con dao dài cong, mà lưỡi dao bị cùn do lâu rồi không sử dụng. Ông cầm cán dao bằng ngà, chĩa mũi về hướng cô rồi, chậm chạp, theo hướng ngang, bình thản, ông tiến mũi dao lại gần cô. Y như những giọt nước rơi xuống, từ ngữ của bài thuyết giáo về người phụ nữ đức hạnh của ông đi vào trí óc của Moy Toon.
- Cô đã chọn đúng chỗ. Ở đây chúng ta an toàn. Tôi đã nói cô tôi sẽ trừng phạt lòng bất trung như thế nào.
Mỗi khi ông tiến lên một bước, cô lùi lại một bước, tránh xa khỏi ông. Ông đi theo cô. Cô run rẩy lùi lại, tay dang ra. Cô càng tựa vào tường mạnh hơn, như thể cô muốn bị tường hút đi. Ông tiếp tục theo cô từng bước. Họ di chuyển chầm chậm trên nền đất ẩm ướt. Cô tiếp tục lùi từng bước, mắt dán vào ông. Ông theo cô. Ông theo cô đến khi cô đụng vào đầu tường, nơi hàng rào sắt chắn cửa ra sông. Ở đó, cô đứng yên, miệng há ra, bị dồn đến đường cùng. Như một con thỏ, cô bị thôi miên bởi cái lưỡi dao cùn bằng thép đang từ từ đu đưa trên cổ cô và càng lúc càng gần hơn. Cô cảm thấy nó chạm vào ngực, rồi nó đâm vào da. Khi ấy, đúng vào lúc ấy, cô mở miệng thật lớn định thét lên :
- Xin anh thương cho! Xin anh thương cho! Em không có tình nhân!
Nhưng mặc dù cô đã mở miệng thật lớn, không có từ nào thoát ra cả. Môi cô mở ra, khép lại, răng cô đụng nhau, rồi rời nhau, nhưng cô không phát được tiếng nào cả. Con dao lại cao lên và xa cổ của cô đi vài cm. Rồi Ng Yong lại đưa dao xuống ngang hông và lùi lại. Ông nhìn cô lâu trước khi nói tiếp :
- Tình nhân của cô đâu?
Môi cô nhấp nháy và những âm thanh không thể hiểu được thoát ra. Cô lắc đầu, chấp tay lại để van xin. Ng Yong đút dao lại vào túi và gật đầu một cách nghiêm trang: nỗi khiếp sợ của Moy Toon khi bị phát giác và lời hăm dọa trừng phạt đã cướp đi hình phạt khỏi tay ông. Cô đã bị trừng phạt bởi một công cụ khéo léo và sắc bén hơn bất kỳ lưỡi thép nào: cô đã bị câm.
Ông nắm lấy cánh tay cô. Cô rùng mình khi ông chạm vào cô và ông mỉm cười với cô. Ông dẫn cô đến các bậc thềm đưa ra đường hẻm. Trong khi ông kéo cô đi, cô giãy giụa và dùng ngón tay chỉ cánh cửa lớn chỗ cái hốc và phát ra những tiếng đục: “Con t.. con t..”
Ng Yong cũng nhìn cái cửa và nở một nụ cười thông cảm. Ông nhẹ nhàng ép buộc cô bước lên bậc thềm. Cô giãy giụa để thoát khỏi tay ông, ra dấu bằng tay và môi, như để giải thích một điều gì đó. Nhưng ông lôi cô ra ngoài, một cách bình thản, đến cái lối đi chập hẹp, và không ai nhìn thấy họ khi họ đến con đường chính. Ông dẫn cô về nhà, và đối với những ai thương hại hỏi thăm, ông kể rằng vợ ông đã bị một cú sốc thần kinh khi phải chứng kiến một tai nạn ngoài đường. Từ đó cô đã bị câm và mất trí.
giavui
08-06-2016, 06:24 PM
Kẻ thích đùa
Robert Arthurt
Sáng kiến là từ Bradley. Đêm thật là buồn chán và tại Trụ sở cảnh sát, nơi tụ họp của các phóng viên phụ trách mục tin hình sự của các nhật báo, Bradley, phóng viên tờ L’Express, đang chán nản vì cứ phải chơi bài bridge ba người, trong khi chờ có chuyện gì đó xảy ra.
- Tớ có sáng kiến, - Bradley vừa nói vừa vứt bài xuống - ta sẽ chơi lão Pop một cú.
Pop Henderson là nhân viên trực đêm ở nhà xác, dưới tầng hầm tòa nhà. Đó là một người có bộ điệu chậm chạp, trí óc còn chậm chạp hơn nữa, đã trên bảy mươi tuổi rồi. Đáng lẽ chính quyền thành phố đã cho ông nghỉ hưu từ lâu, nhưng ông còn gánh nặng gia đình, một bà vợ bệnh, mà với khoản lương hưu, thì không làm được gì cả. Do công việc không có gì phức tạp, nên cấp trên đã nhắm mắt về tuổi tác của ông và cho phép ông tiếp tục làm việc.
- Trò gì vậy? - Furness hỏi.
Furness cao gầy, phụ trách mục án mạng của báo Record. Bradley trình bày, nhưng Furness lắc đầu :
- Tớ không thích. Lão Pop không được lanh lợi lắm. Tha cho lão đi.
Nhưng làm cho Bradley bỏ cuộc không phải là chuyện dễ. Bradley là kẻ thích đùa bất trị và có tiếng nghĩ ra những trò độc đáo. Đối với Bradley, cái quan trọng nhất là trò đùa; anh không thèm để ý đến chuyện ai là đối tượng của trò đùa.
Bradley vẫn cứ nói, và Furness, là người không thích tranh cãi, cuối cùng chịu thua. Morgan, thuộc tờ Chronicle, vui tính, đã uống hết một hai ly, đang trong tâm trạng hùa theo. Thế là cả ba đi xuống phòng nhà xác rùng rợn, nơi Pop Henderson đang ngồi trong văn phòng bé tí chờ hết phiên trực. Ông không đọc báo đọc sách, vì cận thị rất nặng. Ông cũng không nghe đài. Ông chỉ ngồi đó, chờ hết giờ làm.
Dọc theo một vách tường gian phòng chính có hai chục ngăn khoảng bốn mươi lăm trên sáu mươi phân, đủ để chứa một người lớn trung bình, với điều kiện người đó không được trở người. Dĩ nhiên là khách trọ trong những ngăn này không bao giờ có ý muốn trở người. Các ngăn này được làm lạnh, được giữ ở nhiệt độ dưới không, và do đây là một thành phố lớn có nạn nhân tai nạn và nhiều xác chết không nhận dạng được tên tuổi nên phần lớn các ngăn đều có khách.
- Bác Pop ơi, - Bradley nói - tụi cháu cần xem số 11. Tụi cháu vừa mới nhận được tin cho rằng đó là xác của ông chủ ngân hàng ở New York bị mất tích.
- Số 11 hả?
Pop đứng dậy từ từ, rồi dẫn ba anh phóng viên dọc theo các ngăn; ông kéo khóa của cửa ngăn đề số 11, rồi kéo trượt ra hết. Một hình thù có phủ vải đang nằm trên đó. Bradley kéo tấm vải ra, giả vờ xem xét mặt.
- Trông cũng giống - Bradley gật đầu nói - Phải, khớp với mô tả. Bác Pop ơi, bác làm ơn đi lấy hồ sơ của vị này được không?
- Được thôi, cậu Bradley à.
Ông già gác đêm quay lui, bước đi nặng nề. Bradley nháy mắt về hướng Furness đang theo lão Pop về văn phòng. Khi không còn thấy cả hai nữa, Bradley và Morgan, vẫn còn hơi say, chuẩn bị trò đùa.
Để giữ lão Pop ở lại văn phòng, Furness giả vờ nghiên cứu thật kỹ hồ sơ của số 11, cho đến khi Morgan trở ra.
- Bác Pop ơi, bác đừng bận tâm nữa - Morgan nén tiếng cười và nói - Dường như tụi cháu lầm rồi. Bác cứ cho số 11 trở vào giường ngủ. Đi, Furness à, ta trở lên đánh bài tiếp đi.
Hai anh nhà báo rút lui, nhưng khi đến cuối hành lang, hai anh đứng lại chờ. Lão Pop cất giấy tờ hồ sơ, một cách có hệ thống và chậm chạp. Sau đó, vẫn từ từ, như một người sống cả cuộc đời chờ những gì công việc đòi hỏi mình phải làm, lão lê chân trở ra ngăn còn mở, với hình thù phủ tấm vải.
Lão đang còn cách xa khoảng bốn mét, thì tấm vải động đậy. Một tiếng càu nhàu vang lên, rồi hình thù phủ tấm vải từ từ ngồi dậy, tấm vải trắng rơi ra khỏi một gương mặt nằm trong bóng tối, mà đôi mắt cận thị của lão già khiến ông không nhận ra đó là Bradley.
- Ta đang ở đâu đây? - Anh chàng phóng viên hỏi bằng một giọng vang dội - Các người đã làm gì ta vậy?
Pop Henderson lưỡng lự dừng lại; Bradley đưa một cánh tay quấn trong tấm vải lên cao, chĩa về hướng lão già, đầy đe dọa.
- Ông...! - Bradley kêu lên - Ông đã làm gì ta? Ông đã toan giết chết ta!...
Trò đùa thô lỗ, như phần lớn các trò của Bradley. Nhưng anh chỉ muốn gây ấn tượng với một ông già có trí óc chậm chạp do tuổi tác. Và theo quan niệm của Bradley, thì hiệu quả sẽ rất đạt. Suốt một hồi, Pop Henderson đứng sững tại chỗ, nín thở. Rồi ông quay lui, lê chân nhanh nhất trong vòng hai chục năm vừa qua, hướng về cầu thang.
- Chúa ơi! Ông ta còn sống! - Lão già hét lên bằng một giọng the thé - Ông ta còn sống! Hạ sĩ, hạ sĩ Roberts ơi! Lại đây nhanh! Có một xác chết còn sống!
Lão Pop hổn hển đi ngang qua Furness và Morgan, leo lên cầu thang đi tìm hạ sĩ đang trực.
Nén tiếng cười, Dave Bradley nhảy xuống đất, nhét tấm vải vào ngăn số 11, rồi đóng rầm cửa lại.
- Nhanh lên! - Bradley cười gần muốn nghẹt thở khi trở ra cùng hai anh chàng phóng viên kia - Nhanh, ta hãy đi cầu thang khác, trước khi hạ sĩ xuống đây. Không có ai rầu rĩ hay làm mất vui như hạ sĩ từ khi hạ sĩ bị loét dạ dày, và hạ sĩ sẽ giận lắm!
Cả ba đã trở về phòng nhà báo, thì nghe ngoài hành lang tiếng chân của ông bảo vệ nhà xác và hạ sĩ. Hạ sĩ, một người to cao, đang càu nhàu. Lão Pop vẫn còn cà lăm, nói chuyện không rõ.
- Ông ta ngồi dậy, thưa hạ sĩ... Tôi thấy ông ta ngồi dậy, nhìn tôi và....
Tiếng nói chuyện tắt đi khi đến cuối hành lang, hai người bước xuống cầu thang dẫn xuống nhà xác. Bradley ngả lưng ra ghế, phá lên cười lớn. Morgan cười khúc khích vẻ lúng túng, rồi im. Furness, vẫn còn giận mình vì đã nhận lời tham gia, châm điếu thuốc, nhưng lại dập tắt ngay.
Ba phút sau, anh hạ sĩ to cao bước dọc theo hành lang trở lại. Hạ sĩ dừng trước phòng nhà báo, giận dữ nhìn ba anh phóng viên.
- Đồ giễu dở! - Hạ sĩ càu nhàu - Đùa kiểu gì không biết nữa!
Sau đó, hạ sĩ trở về văn phòng mình.
- Ôi! Cái mặt tay hạ sĩ! - Bradley cười nấc và ôm bụng - Chắc là hạ sĩ đang bị đau bao tử. Hạ sĩ... Ủa, các cậu làm sao thế? - Bradley hỏi khi thấy Furness và Morgan không cười theo - Các cậu không biết cười một trò đùa nữa hả?
- Tớ đi ra ngoài - Furness nói rồi chìa tay lấy nón - Nếu tòa soạn của tớ gọi đến, nhờ các cậu nói giúp là tớ đang đi kiểm tra tính xác thực của một thông tin.
Furness bước ra.
- Đồ hãm tài. - Bradley lầm bầm.
Morgan, đã hết men rượu, nhún vai.
- Cũng có thể trò đùa này không hay lắm - Morgan nói - Tớ ra ngoài một chút, kiếm cái gì đó ăn, rồi về nhà. Dù sao, bây giờ tòa soạn đã ngưng nhận tin rồi.
Nói rồi Morgan bước ra. Dave Bradley nhăn mặt, rồi lấy một điếu xì gà, cắn cái đầu, nhả xuống đất.
- Mình chúa ghét những kẻ không biết đùa. - Bradley nói khẽ.
Bradley đang châm điếu xì gà, thì Pop Henderson lê chân đến, dừng trước cửa, nhìn vào phòng.
- Không nên chơi những trò kiểu như thế, cậu Bradley à - Ông già nói nhẹ nhàng - Tôi bị một cú hú hồn, nhưng tôi không phiền điều này. Chỉ phiền là có chuyện với hạ sĩ Roberts. Hạ sĩ cứ than phiền về tôi suốt và hạ sĩ tức giận vì lúc nãy tôi chạy ào vào phòng hạ sĩ. Chúng tôi xuống dưới và thấy mọi cái xác đâu vào đấy. Hạ sĩ nói tôi bị ảo ảnh. Rồi khi tôi nói các cậu nhà báo vừa mới ghé qua, hạ sĩ đã hiểu ra rằng đây lại là một trò đùa của cậu.
Lão Pop dừng lại để thở, mắt nhìn chằm chằm vào Bradley, nhưng không oán giận gì. Bradley châm điếu xì gà chậm rãi.
- Hạ sĩ nói nếu tôi còn để bị đưa vào một trò đùa của cậu hay tôi phạm sai lầm gì, thì hạ sĩ sẽ lo cho tôi đi luôn, như lẽ ra tôi phải đi từ nhiều năm trước - Ông già bảo vệ nói - Mà tôi không thể nghỉ việc được. Tôi cần khoản tiền lương nặy. Nên cậu Bradley à, tôi xin cậu, đừng đùa nữa.
Lão đứng tại đó suốt một hồi nữa, rồi lê chân bỏ đi. Dave Bradley nhún vai, phì một vòng tròn khói, rồi chụp lấy máy điện thoại.
- Báo L’Express? Phòng thư ký biên tập phải không? Tôi Bradley đây. Ở đây không có gì đáng chú ý cả. Tòa soạn ngưng nhận tin chưa? O.K. Tôi về nhà đây. Sáng mai tôi mới gọi lại nhé.
Bradley gác máy, phì thêm một vòng tròn khói khác, và bước ra.
Khi đã ra ngoài, trong cái lạnh và bóng tối, Bradley lưỡng lự. Tâm trạng của anh lại buồn chán, bởi vì cái thứ thiết yếu đối với anh, hơn cả rượu hay phụ nữ, là cười, đùa, pha trò. Anh quyết định đi uống một cái gì đó, nhưng lại không muốn bước vào một chỗ có thể đụng Furness và Morgan. Anh chọn một quán nhỏ ở khu kè, nơi không có thành viên nào trong nhóm phóng viên lui tới.
Quán rượu chật hẹp và dơ dáy; nhưng whisky làm ấm người lên. Sau ly thứ ba, Bradley đã thấy vui vẻ trở lại. Tính thích đùa của anh đang hồi sinh. Thêm một ly nữa, và Bradley thấy yêu đời như trước. Anh bắt đầu suy gẫm về một trò đùa khác. Làm thế nào qua một buổi tối mà không có một trò đùa hay một trận cười hả dạ và một nhóm bạn cùng vui vẻ với nhau? Mặc kệ Morgan và Furness! Lũ hãm tài!
Bradley nhìn xung quanh. Đã hai giờ sáng, trễ quá rồi. Quán rượu gần như không còn ai. Chỉ còn Bradley, chủ quán và một người đàn ông nhỏ gầy đang uống bia, một chân tựa trên thanh đồng. Xét theo vẻ bề ngoài, chủ quán là một người biết cười, còn người đàn ông nhỏ sẽ bắt buộc phải cười theo thôi: ông ta chỉ rặt xương và da, thì có thể làm gì khác được?
Bradley nén nụ cười, rồi cúi xuống cột dây giày. Bằng một động tác nhanh nhẹn, anh nhét một que diêm giữa đế và mặt giày của người đàn ông nhỏ. Anh đốt cháy que diêm, rồi đứng dậy kêu thêm một ly rượu.
Bradley nháy mắt với chủ quán, khi ông rót whisky. Rồi anh hất đầu chỉ ông khách thứ nhì.
- Rồi anh sẽ thấy. - Bradley thì thầm.
Người phục vụ không hiểu và mở to mắt. Nhưng Bradley đang nín cười. Người đàn ông nhỏ hét lên một tiếng, nhảy thụt lùi, lò cò. Ông dùng tay đập mạnh vào que diêm đang cháy.
Bradley cười to lên, chờ đợi chủ quán cười với mình. Người đàn ông nhỏ đặt chân trở xuống đất, rồi quay sang anh phóng viên.
- Đồ.... - Chỉ một từ ngắn không thèm nói hết câu, cánh tay ông đã vung lên.
Rồi ông đánh.
Cú đấm trúng ngay miệng Bradley đúng lúc anh đang quay đầu, làm dập môi anh vào răng. Bradley choáng váng, không vịn nổi vào quầy và ngã nằm dài ra phía sau; cổ anh va mạnh vào thanh đồng của quầy. Bradley vừa kịp nghe tiếng kêu rắc rùng rợn đâu đó giữa cổ và đầu, rồi mắt anh tối sầm lại.
Người đàn ông nhỏ hung hăng nhìn Bradley.
- Thằng ngu! - Ông nói - Dám đốt chân ta! Ta, Kid Wilkins!
Chủ quán bước ra trước quầy, lau tay vào cái tạp dề dơ.
- Kid, dường như anh đánh mạnh tay quá - Người phục vụ căng mắt ra và nói - Sao nó nằm yên quá.
- Có gì đâu! Một cú đấm thẳng vào miệng, - Người đàn ông nhỏ nói - chỉ đủ làm bể một hai cái răng, thế thôi... Lần sao nó sẽ suy nghĩ trước khi đùa kiểu đó.
- Cái đầu nó, - Người phục quầy lo lắng nó - sao nghiêng quá. Anh có nghĩ...
Chủ quán không nói hết câu, và ngồi xuống. Ông bắt mạch Bradley, rồi thò tay dưới áo sơ-mi. Sau đó, gương mặt đỏ hồng của ông chuyển sang màu đất.
- Nó chết rồi - Ông nói bằng một giọng khàn - Chết queo rồi.
- Chết sao?
Người đàn ông nhỏ dùng tay xoa môi.
- Đây là một tai nạn! Tôi đâu có đánh đủ mạnh để giết chết nó. Đây là một tai nạn, anh có nghe không?
- Phải, tất nhiên rồi, tất nhiên, Kid à! Tai nạn mà.
Chủ quán bước nhanh ra cửa, quay chìa khóa, kéo màn sáo xuống như để đóng cửa quán, rồi tắt đèn bên ngoài. Sau đó, ông trở lại chỗ Bradley.
- Không ổn đâu, Kid ơi - Ông vừa nói khẽ vừa lục túi áo Bradley - Tôi đang bị rắc rối với cảnh sát, mà bây giờ lại lãnh thêm cái xác chết trong quán. Còn anh thì đã bị án hai lần vị tội đánh nhau.
- Thôi, thôi, - Kid Wilkins xẵng giọng nói - tôi rất nóng tính và hay dùng nắm đấm, vậy thôi. Làm gì bây giờ?
Ông chủ quán xem xét qua bóp giấy tờ mới lấy trong túi Bradley.
- Kid ơi, không phải chỉ là chuyện xui - Ông nói - Mà là rắc rối to. Thằng ngu này là nhà báo. Báo L’Express! Gần giống như cảnh sát.
- Nhà báo - Kid Wilkins cay đắng nói - Vậy mà đi châm lửa vào chân tôi, rồi tôi lại đánh nó, rồi nó lại gãy cổ! Tại sao vậy? Tôi hỏi anh? Tại sao vậy?
- Đừng tìm hiểu tại sao, tôi có sáng kiến thế này. Phải mang nó ra khỏi đây. Ra ngoài kè, rồi thảy nó xuống nước. Làm sao cho trông giống như nó say, rồi té xuống nước.
- Đúng! - Người đàn ông nhỏ bớt nhăn nhó - Sáu giờ, tàu tôi sẽ nhổ neo, tôi sẽ không bao giờ quay lại cảng này nữa, thế thôi. Nếu người ta điều tra đến tận đây thì anh cứ trả lời nó say khi ra về khi anh đóng cửa, và anh không biết gì.
- Đúng. Bây giờ, ta hãy lấy tất cả những gì nó có trên người. Như vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm ra tên tuổi nó. Cuộc điều tra sẽ kéo dài. Tôi và anh sẽ mang nó ra kè.
Chủ quán nhanh tay lục túi áo Bradley chuyển tất cả những gì có trong túi vào túi mình, rồi tắt hết đèn quán, mở cánh cửa sau, cửa dẫn ra một con hẻm tối om.
Một hồi sau, hai người dìu Bradley ở giữa, như một kẻ say rượu.
Bradley đột ngột tỉnh lại. Đúng hơn là chỉ tỉnh một nửa, đủ để nhận thức mình vẫn còn sống. Anh thử động đậy, nhưng toàn thân ê ẩm và cơ bắp không chịu tuân lệnh. Anh hoàn toàn không cảm thấy đau, hoàn toàn không có cảm giác gì cả. Thậm chí anh không thể biết mình đang ở tư thế như thế nào; nhưng anh có cảm giác mình đang nằm ngửa.
“Cái cổ mình, ý nghĩ đột nhiên xuyên qua đầu anh, mình bị đụng cổ lúc té. Cái đốt sống mà mình bị trật lúc chơi đá bánh khi còn ở trường. Mình lại bị trật nữa rồi. Cũng như lúc mình nằm giường một tháng, hầu như không nhúc nhích được. Nhưng lần này, tệ hơn. Cú té mạnh hơn nhiều. Mình nghe tiếng rắc trong đầu”.
Rồi Bradley nghe tiếng nói, tiếng nói rất nhỏ, như đến từ rất xa.
- Được rồi, tôi giao anh này cho bác - Giọng đó nói - Người ta tìm thấy anh ta phía kè. Xét cái mặt, thì có lẽ anh ta bị đấm mạnh thẳng vào mặt. Xác đã lạnh khi bác sĩ đến; không nên nằm ngoài trời vào một đêm lạnh như thế này. Bác sĩ trực không thấy mạch, không nghe tim đập. Nên bác sĩ gửi anh ta đến cho bác. Không có tên tuổi gì. Bác hãy cho anh ta một chỗ nằm, chăm sóc cho kỹ nhe. Ngày mai, ta sẽ mổ xác.
Giọng nói tắt đi. Bradley cảm thấy mình bị nâng lên, bị di chuyển đi. Có tiếng kêu rắc nhẹ ở cổ anh rồi anh đột nhiên mở mắt ra được, như thể dây thần kinh tối quan trọng này được nhẹ đi.
Cho dù chỉ tỉnh lại một phần, những gì xung quanh quá quen thuộc nên Bradley nhận ra ngay.
- Pop, - Bradley nói khẽ - Pop Henderson.
Lão già không chú ý và xếp cho xong tay chân Bradley cho ngay ngắn. Bradley thử kêu lại.
- Pop ơi (lần này mạnh hơn một chút). Pop ơi, cháu còn sống!
Ông già bảo vệ đang cúi xuống. Ông quay lại, nhíu mày. Nỗ lực cực độ, Bradley kêu thêm một lần nữa :
- Pop!
Tiếng kêu nghe như tiếng ọc ọc.
- Cháu, Dave Bradley đây! Cháu còn sống. Gọi bác sĩ, nhanh!
Nét mặt Pop Henderson hốt hoảng lên. Lão cúi xuống Bradley, nhìn anh :
- Cậu Bradley! - Lão sửng sốt kêu - Tôi đã không nhận ra cậu do cái mặt bị sưng vù. Không ai nhận ra cậu cả.
- Bác đừng để ý chuyện này (Bradley phải cố gắng khủng khiếp để thốt ra mỗi từ). Cháu còn sống. Bác kéo cháu ra khỏi đây. Đi gọi bác sĩ đi.
Pop Henderson lưỡng lự, bối rối, không biết làm gì. Rồi lão cầm tấm vải lên, giũ ra :
- Cậu Bradley à, tôi đã nói rồi, không được đùa nữa. Một lần đêm nay là đủ rồi.
Lão thận trọng trải tấm vải ra trên thân thể đang nằm dài.
- Nếu tôi bị lừa thêm một lần nữa, hạ sĩ Roberts sẽ không bỏ qua đâu - Lão nghiêm trang nói - Không, cậu Bradley à, không thể đùa hai lần trong cùng một đêm.
Lão chậm rãi đẩy ngăn có bánh xe lăn vào, đóng ô cửa đề số 12, rồi xoay cái nút để đóng kín.
Rồi lão lê chân bước trở về văn phòng, ngôi xuống kiên nhẫn chờ giờ đi về.
giavui
08-06-2016, 06:24 PM
Tượng sáp
Alfred McLelland Burrage
Trong khi các bảo vệ mặc đồng phục của Viện Bảo Tàng Tượng Sáp Marriner mời những người khách cuối cùng bước ra khỏi hai cánh cửa kính, giám đốc viện bảo tàng đang trao đổi với Raymond Hewson trong văn phòng.
Giám đốc là một người đàn ông khá trẻ, tóc vàng, to người, cao trung bình. Ông biết cách ăn mặc và có được vẻ bề ngoài lịch thiệp nhưng không phô trương. Raymond Hewson thì không được như thế. Có lẽ trang phục ông đã lịch thiệp lúc còn mới, nhưng cho dù được chải và ủi kỹ, chúng bắt đầu cho thấy rằng chủ nhân chúng đang thua trận đấu chống lại sự nghèo khó. Đó là một người đàn ông nhỏ và xanh xao, tóc nâu. Và mặc dù ông nói chuyện tự tin, đôi khi nói hơi lớn tiếng, nhưng ta cảm giác ông đang ở thế phòng thủ và có thái độ rụt rè của một người quen bị hắt hủi. Tóm lại, ông có vẻ bề ngoài đúng con người thật của ông: một người đã qua tuổi trung niên nhưng không thành công ngoài đời do thiếu tin tưởng vào bản thân.
- Yêu cầu của anh không có gì mới mẻ cả - Giám đốc đang nói - Chúng tôi phải từ chối lời yêu cầu y như thế khoảng ba lần một tuần, phần lớn xuất phát từ giới trẻ cá độ với bạn bè. Chúng tôi không được gì khi cho phép một người qua đêm trong phòng Hang Ổ Sát Nhân của Viện bảo tàng. Nếu chúng tôi cho phép và nếu có một thằng bé nào bị mất trí, thì viện bảo tàng chúng tôi sẽ bị rắc rối to! Nhưng ông là nhà báo, thì khác một chút.
Hewson mỉm cười :
- Có phải ý ông giám đốc muốn nói rằng các nhà báo đã mất trí sẵn rồi không?
- Không, không phải! - Giám đốc cười nói - Nhưng thường thì nhà báo có thần kinh rất vững vàng. Mà trong trường hợp này, viện bảo tàng lại được lợi: quảng cáo miễn phí.
- Đúng, - Hewson đồng tình - chính vì thế nên tôi nghĩ chúng ta sẽ thỏa thuận được với nhau.
Giám đốc lại cười rồi thốt lên :
- Ồ! Tôi hiểu ý đồ của anh rồi. Anh muốn được một công hai việc, đúng không? Từ nhiều năm nay, có tin đồn rằng viện bảo tàng bà Tussaud sẵn sàng trả một trăm bảng cho kẻ chịu qua đêm một mình trong phòng Kinh Dị. Tôi hy vọng anh không nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm như thế chứ? À mà anh làm cho báo nào vậy?
- Hiện, tôi là phóng viên độc lập và tôi làm việc theo dòng cho nhiều chỗ - Hewson nói - Nhưng tôi tin chắc là sẽ không gặp khó khăn gì để cho đăng bài này. Chẳng hạn như tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng, chắc chắn sẽ nhận. Sẽ không có tờ báo nào bỏ qua cơ hội đăng một bài báo như thế đâu.
Giám đốc gãi cằm :
- Ờ... Ờ... Và anh định viết theo kiểu nào?
- Dĩ nhiên là nhấn mạnh tính kinh dị, rùng rợn, nhưng có pha thêm chút hài hước.
Giám đốc gật đầu, rồi đưa thuốc lá mời Hewson.
- Được rồi, anh Hewson à. Khi nào bài của anh được đăng trong tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng, thì viện bảo tàng sẽ có một tờ năm bảng cho anh. Nhưng anh phải biết trước rằng công việc chờ đợi anh không dễ đâu. Tôi mong anh ý thức được rõ, bởi vì, nếu là tôi, tôi sẽ không chịu qua một cuộc thử nghiệm như thế. Mặc dù tôi đã thấy các tượng sáp lúc mặc quần áo, cũng như lúc không mặc quần áo, và tôi biết rõ chúng đã được chế tạo như thế nào. Nên tôi có thể đi qua lại giữa chúng mà không có cảm xúc gì. Nhưng còn chuyện qua đêm với chúng, thì không, tôi không đủ can đảm.
- Tại sao vậy? - Hewson hỏi.
- Tôi không biết. Thật ra không có nguyên nhân. Tôi không tin là có hồn ma, và nếu có tin đi nữa, thì tôi nghĩ ma sẽ hiện về nơi đã thực hiện tội ác, nơi cái xác chúng đang yên nghỉ, hơn là về một tầng hầm nơi tượng sáp của chúng được trưng bày. Chỉ là tôi không tưởng tượng nổi mình ngồi một mình giữa chúng, suốt cả đêm, đôi mắt chúng chĩa vào mình. Dù sao, những cái tượng sáp đó thể hiện những gì xấu xa kinh tởm nhất của nhân loại, cũng như - nhưng tôi sẽ không công khai thừa nhận điều này - những người đến xem chúng thường không có ý tốt lắm. Chính không khí của chỗ đó làm tôi khó chịu, và nếu anh nhạy cảm với bầu không khí, thì tôi xin báo trước với anh rằng anh sẽ qua một đêm đặc biệt khó chịu.
Hewson đã biết rõ tất cả những điều này ngay từ lúc ý nghĩ nảy ra trong đầu ông. Ông lo sợ gần như bệnh hoạn, nhưng ngay lúc này thì ông cố tỏ ra bình tĩnh thoải mái hoàn toàn và mỉm cười với người đối thoại. Nhưng ông có vợ có con; mà tháng trước ông chỉ lãnh được có vài bài viết, nên khoản tiết kiệm của ông đang tan nhanh. Vì vậy ông không được bỏ qua cơ hội đăng một bài trong tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng, ngoài tiền nhuận bút rất khá, còn thêm tờ năm bảng nữa. Đối với ông, đó là một tuần sống tương đối thoải mái hoặc hai tuần không phải lo chạy tiền. Ngoài ra, nếu người ta thích bài báo của ông, có thể người ta sẽ đề nghị ông làm cộng tác viên thường xuyên ở Tiếng Vọng Buổi Sáng.
- Nhà báo quen sống cực rồi, - Ông nói - và tôi đã biết rằng mình sẽ qua một đêm cực khổ ở Hang Ổ Sát Nhân, chắc chắn không được tiện nghi như phòng khách sạn. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ bị các tượng sáp của ông quấy nhiễu.
- Anh có tin dị đoan không?
- Hoàn toàn không! - Hewson cười cam đoan.
- Nhưng là nhà báo, chắc là anh giàu trí tưởng tượng lắm chứ?
- Ông trưởng phòng thông tin ở tòa soạn tôi làm việc trước kia cứ trách tôi thiếu óc tưởng tượng. Trong nghề chúng tôi không chỉ chấp nhận một mình các sự kiện, mà báo còn yêu cầu chúng tôi phải biết chế biến lại cho hợp với khẩu vị độc giả.
Ông giám đốc lại mỉm cười, đứng dậy, rồi nói :
- Được rồi. Dường như không còn khách tham quan nào nữa cả. Anh chờ một chút nhé... Tôi sẽ ra lệnh để không phủ vải che lên tượng, rồi báo cho đội gác đêm rằng anh sẽ ở trong đây đêm nay. Sau đó tôi sẽ dẫn anh đi tham quan hiện trường.
Ông giám đốc nhấc ống nghe máy điện thoại nội bộ, nói những lời cần thiết rồi gác máy.
- Anh Hewson à, còn một điều tôi yêu cầu anh nữa, là không được hút thuốc. Gần đây, chúng tôi đã bị báo động cháy trong Hang Ổ Sát Nhân. Tôi không biết ai đã kêu “cháy” nhưng chỉ là một trò đùa không hay. Cũng may là lúc đó rất ít khách tham quan, nếu không đã hỗn loạn lên rồi. Bây giờ ta hãy đi, nếu anh sẵn sàng.
Hevvson bước theo ông giám đốc qua khoảng nửa chục phòng, nơi đội nhân viên đang loay hoay phủ vải che lên tượng các vị vua và hoàng hậu Anh quốc, các vị tướng hoặc nguyên thủ quốc gia danh tiếng, tất cả đều là đại diện nhân loại đã trở nên bất tử nhờ tiếng tốt hay xấu. Giám đốc đứng lại bên một nhân viên và yêu cầu bố trí một chiếc ghế bành trong phòng Hang Ổ Sát Nhân.
- Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm giúp anh- Giám đốc nói với Hewson - Hy vọng anh sẽ chợp mắt được một chút.
Giám đốc dẫn Hewson qua một cổng nhỏ, rồi xuống một cầu thang bằng đá tối tăm gây cảm giác rùng rợn là sẽ xuống đến hầm giam tối. Ớ một hành lang ngay dưới cầu thang, như để gây ấn tượng ban đầu, có thể nhìn thấy di tích thời Tòa án Dị giáo, cái giá có nguồn gốc từ một lâu đài thời Trung cổ, sắt để nung đỏ đánh dấu lên da, dụng cụ tra tấn và những đồ vật khác thuộc một thời đại tàn ác. Cuối hành lang này là phòng Hang Ổ Sát Nhân.
Đó là một phòng mái vòm, hình dạng không đều, và được chiếu sáng rất ít từ những bóng đèn giấu trong quả cầu thủy tinh mài. Nhờ vậy, không khí rùng rợn tăng thêm, khiến khách tham quan phải hạ giọng khi nói chuyện. Hơi giống nhà thờ, nhưng là một nhà thờ của một tà giáo nào đó.
Tượng sáp của những kẻ sát nhân được đặt trên đế thấp có đề số. Nếu thấy chúng trong một khung cảnh khác mà không biết chúng là tượng của ai, thì có lẽ người ta chỉ chú ý đến trang phục thời trang đa dạng của chúng.
Nhiều kẻ khét tiếng đứng cạnh các “ngôi sao” của một thời đã qua nhưng tiếng tăm vẫn còn lại. Thurtell, kẻ sát nhân Weir, như đã bị hóa đá trong khi vẫy tay gọi cậu bé Frederick Bywaters. Có cả Lefroy, tay ngu ngốc đòi làm sang, đã giết người để có được vài món đồ bắt chước “giới thượng lưu”. Cách hắn năm mét, là bà Thompson, người đàn bà đã yêu quá lãng mạn, bị treo cổ để làm gương cho các phu nhân tiểu tư sản. Trong cả đám, chỉ có mình Charles Peace là thật sự có vẻ độc tâm, nhìn qua lối đi, cười khẩy với Norman Thorne. Brown và Kennedy, hai mẫu vật mới nhất, đứng giữa bà Dyer và Patrick Mahon.
Khi đi qua, giám đốc chỉ cho Hewson một vài kẻ khét tiếng không hay này :
- Đây là Crippen... Chắc là anh đã nhận ra hắn qua vẻ mặt hiền như bụt. Còn đây là Armstrong, trông y như một tay nông dân hiền lành, đúng không? Kia là lão Vaquier, với bộ râu dễ nhận ra. Còn đây dĩ nhiên là...
- Ai vậy, đằng kia? - Hewson ngắt lời chỉ ngón tay.
- Tôi định nói đây - Giám đốc hơi thích thú nói - Anh lại gần đi, và nhìn cho kỹ. Đó là siêu sao của viện bảo tàng chúng tôi, kẻ duy nhất trong bọn không bị treo cổ.
Tượng mà Hewson chỉ là một người đàn ông nhỏ gầy, cao khoảng một mét rưỡi, có bộ ria hai đầu nhọn, cặp kính to, và mặc áo bành tô dài có mũ chụp. Trông ông ta rõ ràng là người Pháp, giống như các nhân vật hài thường gặp trên một số sân khấu kịch Luân Đôn. Hewson không thể nói tại sao người đàn ông có vẻ hiền như cục đất kia lại làm mình có cảm giác ghê tởm, nhưng Hewson tự động lùi lại một bước ngay, và dù đang có ông giám đi bên cạnh, Hewson phải cố gắng lắm mới dám nhìn lại kẻ sát nhân này một lần nữa.
- Ai vậy? - Hewson hỏi.
- Bác sĩ Bourdette.
Hewson lắc đầu từ từ :
- Tôi có nghe tên này rồi, nhưng không nhớ nổi là liên quan đến vụ gì.
Giám đốc mỉm cười :
- “Nếu là người Pháp, thì anh dễ nhớ ra hơn. Tay bác sĩ này từng là nỗi kinh hoàng của cả Paris suốt nhiều tháng. Ban ngày, hắn chữa bệnh, còn ban đêm, khi bị lên cơn, hắn đi cắt cổ người ta. Hắn giết người chỉ vì thích thú và luôn tiến hành theo cùng một kiểu: bằng dao cạo râu. Sau án mạng cuối cùng, hắn đã để lại một manh mối, khiến cảnh sát có hướng nghi ngờ hắn. Từ manh mối này sang manh mối khác, cảnh sát nhanh chóng lần ra dấu vết của kẻ tương đương với tay Jack Mổ Bụng của ta. Người ta thu thập đủ chứng cớ để nhốt hắn vào nhà thương điên hoặc đưa lên máy chém, vì khoảng một chục tội danh.
Nhưng hắn lại tỏ ra khôn hơn cảnh sát. Khi nhận thấy cái lưới đang khép chặt dần, hắn biến mất một cách bí ẩn. Và từ đó, cảnh sát khắp thế giới văn minh này vẫn hoài công truy lùng hắn. Có lẽ hắn đã tự sát, và xoay sở sao cho người ta không tìm ra xác. Sau khi hắn biến mất, có một hai vụ giết người cùng một kiểu như thế, nhưng người ta vẫn cho răng hắn đã chết rồi và các chuyên gia cho rằng những vụ sát nhân này là tác phẩm của một kẻ bắt chước. Thật đáng ngạc nhiên rằng các kẻ sát nhân khét tiếng cũng có đệ tử?”
Hewson rùng mình và bối rối nhìn xuống chân mình :
- Ghê quá! Tôi không thích tay bác sĩ tí nào! Đôi mắt kinh quá!
- Phải, tượng sáp này là một tuyệt tác. Ta cảm nhận được ánh mắt này đè nặng lên ta.. Trông càng thực hơn nữa, nếu ta biết rằng Bourdette áp dụng phương pháp thôi miên và người ta nghĩ rằng hắn thôi miên nạn nhân trước khi cắt cổ. Nếu không, làm thế nào một người nhỏ bé như thế lại luôn thắng thế? Người ta chưa bao giờ phát hiện được dấu hiệu có chống cự.
- Dường như hắn vừa mới nhúc nhích! - Hewson cà lăm.
Giám đốc mỉm cười :
- Có lẽ từ đây đến hết đêm, anh sẽ còn bị nhiều ảo giác như thế nữa. Nhưng anh sẽ không bị nhốt và anh có thể leo lên tầng trệt khi nào thấy chịu hết nổi. Anh sẽ không cô đơn, bởi vì trên kia có bảo vệ đêm. Vậy anh đừng hoảng hốt nếu nghe tiếng chân bước. Tôi rất tiếc vì không thể cho anh thêm nhiều ánh sáng hơn nữa. Hiện đèn đều được bật lên hết rồi đó, anh cũng dễ hiểu rằng chúng tôi dùng đèn cường độ yếu. Thôi, mời anh trở lên văn phòng tôi uống một ly whisky trước khi bắt đầu canh gác đêm khuya.
* * * * *
Người bảo vệ đêm mang ghế bành đến cho Hewson là người thích đùa.
- Ông muốn để ghế ở đâu ạ? Đây, để nói chuyện với bác sĩ Crippen khi thấy thời gian trôi qua lâu quá? Hay ông thích mụ Dyer hơn? Xin ông vui lòng cho biết ý thích.
Hewson mỉm cười. Ông thấy thích người này, chỉ vì nhờ câu đùa khiến ông cảm thấy phòng này chỉ là một phòng trưng bày ở viện bảo tàng, chứ không phải là cái gì khác.
- Tôi sẽ tự tìm chỗ đặt ghế, - Hewson nói - sau khi nghiên cứu hướng gió.
- Ồ! Dưới này không có luồng gió nào. Chúc ông qua đêm yên lành. Nếu ông cần tôi, thì tôi ở trên kia. Ông đừng để chúng nó lẻn qua sau lưng ông mà bóp cổ ông nhé. Và ông nhớ cảnh giác mụ Dyer: dường như mụ ta để ý và thích ông rồi đó!
Hewson cười, rồi chào người bảo vệ. Coi bộ sẽ không nặng nề như ông tưởng. Hewson đẩy cái ghế bành da trên lối đi, bố trí ghế quay lưng lại với bác sĩ Bourdette. Vì một lý do không rõ, trong tất cả, Hewson ghét nhất tay bác sĩ này. Trong khi xếp đặt ghế bành, Hewson cảm thấy gần như vui trong lòng. Nhưng khi tiếng chân của người bảo vệ đêm im hẳn xa xa và bầu im lặng nặng nề ập xuống phòng, Hewson nhận ra rằng cuộc thử thách mà ông sắp phải qua không phải là chuyện đùa.
Dưới ánh sáng yếu ớt, những hàng tượng sáp trông quá giống người thật đến nỗi sự bất động và im lặng của chúng gần như có một điều gì đó bất bình thường và đáng sợ. Cái thiếu vắng, chính là tiếng thở, tiếng sột soạt, những tiếng vớ vẩn mà ta vẫn nghe thấy khi một đám đông hoàn toàn im lặng. Nhưng không khí lắng đọng y như nước dưới ao. Trong phòng không có chút gió để thổi bay rèm, tạo tiếng sột soạt khẽ của tấm rèm tường hay làm cho bóng động đậy. Chỉ có cái bóng của chính Hewson nhúc nhích khi ông đưa cánh tay lên hoặc động đậy chân. Mọi thứ đều bất dộng và im lặng. “Có lẽ dưới đáy biển cũng y như thế này”, Hewson nghĩ bụng và tự nhủ là phải ghi câu này vào bài viết.
Hewson cảm thấy tương đối can đảm trước đám hình nộm rùng rợn này. Dù sao, chúng chỉ là tượng sáp mà thôi. Khi ý nghĩ này lấn át được những suy nghĩ khác trong đầu ông, thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Nhưng riết rồi nó cũng không ngăn ông cảm thấy khó chịu khi biết ánh nhìn của bác sĩ Bourdette đang chĩa vào mình. Hewson bị ám ảnh bởi những gì ông còn nhớ về ánh mắt của tay người Pháp nhỏ bé và rất muốn quay lại.
- Thôi đi nào, - Hewson nghĩ bụng - thần kinh lại lung tung lên rồi! Nếu quay lại nhìn thằng hình nộm mặc quần áo kia, thì có nghĩa là mình đang sợ mất rồi.
Nhưng trong đầu Hewson, có một giọng nói khác đang nói :
- Chính vì ngươi sợ mà ngươi không dám quay lại nhìn.
Cứ như thế, Hewson lưỡng lự giữa hai thái độ suốt một hồi, và rồi cuối cùng xoay ghế lại nhìn phía sau lưng.
Trong đám tượng sáp bất động, tượng của tay bác sĩ khủng khiếp có vẻ nổi bật lên hết sức đặc biệt, có lẽ vì được một bóng đèn chiếu thẳng vào. Nghệ nhân đặc biệt tài giỏi đã thành công trong việc làm cho nét mặt có một vẻ dịu dàng giả tạo, và Hewson rùng mình khi, trong khoảnh khắc một giây, ánh mắt đụng phải mắt của tượng sáp, trước khi quay lại.
- Nó cũng bằng sáp, y như mọi tượng khác thôi - Hewson lầm bầm với ngữ điệu thách thức - Tất cả chúng bây chỉ là tượng sáp mà thôi!
Đúng, đó chỉ là tượng sáp... Nhưng tượng sáp, thì không động đậy. Không phải là Hewson đã thấy một cử động, nhưng bây giờ dường như có một sự thay đổi rất khó nhận biết trong cách mấy hình tượng nhóm lại trước mặt Hewson. Chẳng hạn như Crippen, dường như bây giờ lại hơi quay sang trái nhiều hơn. Tuy nhiên, có lẽ là do Hewson không ngồi lại đúng vị trí cũ khi quay lại. Nhưng Field và Grey... Lúc nãy bàn tay chúng đâu có gần nhau đến thế... Trong chốc lát, Hewson nín thở, rồi cố gắng hết sức để can đảm lên, như đang nhấc một tải nặng lên. Rồi Hewson nhớ lại những gì nhiều biên tập viên đã nói về mình và tự cười mình.
- Vậy mà dám nói mình không có óc tưởng tượng!
Hewson rút sổ tay ra khỏi túi và ghi nhanh lại:
Im lặng như chết. Tượng sáp bất động một cách không bình thường. Như thể ta đang ở dưới đáy biển. Ánh nhìn thôi miên của bác sĩ Bourdette. Có cảm giác như tượng sáp nhúc nhích ngay khi ta không nhìn chúng nữa.
Hewson khép cuốn sổ lại, nhìn nhanh qua vai phải. Hewson không nghe không thấy gì, nhưng như thể có giác quan thứ sáu mách bảo. Hewson nhìn chằm chằm vào Lefroy, dường như hắn đang nói: “Không phải tôi”.
Không, dĩ nhiên là không phải hắn, cũng không phải những tên khác, mà chỉ là thần kinh của Hewson... Nhưng có phải Crippen lại động đậy nữa, lúc Hewson đang chăm chú nhìn hướng khác? Không nên tin vào tên này. Khi ta quay đầu đi chỗ khác, là hắn lợi dụng ngay để đổi tư thế. Và tất cả bọn chúng đều làm như thế!
Không thể để tiếp diễn như thế được! Hewson đứng dậy một nửa khỏi ghế bành và tự nhủ mình không thể ở lại cả đêm với một đống tượng sáp cứ động đậy ngay khi Hewson không nhìn chúng nữa...
Nhưng Hewson ngồi trở xuống. Hewson vừa mới tỏ ra nhát gan và ngốc nghếch. Đó chỉ là tượng sáp và chúng không thể động đậy được. Khi mà Hewson vẫn nghĩ như thế, thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nhưng vậy thì tại sao lại có sự náo động im lặng quanh Hewson? Cái điều tinh tế không hẳn là tiếng động, nhưng lại xảy ra khi Hewson nhìn đi chỗ khác?
Hewson nhanh nhẹn quay lại và đụng ánh mắt dịu dàng vờ và kinh tởm của bác sĩ Bourdette. Rồi Hewson đột ngột đối mặt trở lại với Crippen. A! Lần này Hewson xém bắt quả tang được Crippen! “Crippen và tất cả những tên còn lại, hãy coi chừng đấy! Nếu bắt gặp được tên nào động đậy, là ta sẽ đập tan nó ra! Hiểu chưa?”
Hewson nghĩ bụng có lẽ ông nên đi, bởi vì ông đã trải quá đủ cảm giác để viết câu chuyện, và viết thêm vài bài nữa nếu cần. Vậy thì ở lại làm gì? Tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng sẽ hỏi thời gian chính xác Hewson đã ở lại đó... Và họ cũng cóc cần biết, miễn bài báo hay là được, phải không? Nhưng, tên bảo vệ đêm sẽ ngồi lê đôi mách. Còn ông giám đốc - ai biết được! - sẽ lợi dụng để không cho tờ năm bảng mà Hewson cần. Hewson tự hỏi không biết Rose đang ngủ hay đang thức, vợ có nghĩ đến mình không. Rose sẽ cười biết bao nhiêu, khi nghe Hewson kể lại những gì đã tưởng tượng...
Không được, bây giờ thì thật quá đáng! Hewson đã thấy khó chịu khi đám tượng sáp nhúc nhích trong khi Hewson không nhìn chúng, nhưng bây giờ chúng còn thở nữa, thì không thể nào chấp nhận được! Bởi vì có một tên đang thở. Hay là chính tiếng thở của Hewson, như đang xuất phát từ chỗ khác? Hewson bất động hoàn toàn, lắng tai nghe, cho đến khi phì ra không khí chứa trong phổi. Phải, đúng là tiếng thở của chính mình... trừ phi, đoán trước được phản ứng của Hewson, kẻ kia cũng nín thở cùng lúc với Hewson.
Hewson quay đầu lại thật nhanh, nhìn ngơ ngác và hoảng hốt, nhưng chỉ thấy tượng sáp. Nhưng Hewson luôn có cảm giác mình đã bị trễ trong một khắc và không thấy được cái chân hoặc cái tay di chuyển, môi nhấp nháy, lông mi chớp. Bọn chúng như học trò một lớp học vô kỷ luật, thì thầm, cười và đập lưng nhau sau lưng thầy giáo, nhưng lại ngoan ngay khi thầy sắp quay mặt lại.
Không thể tiếp tục như thế được! Không, không thể nào tiếp tục như thế! Hewson phải bám vào một cái gì đó, ép đầu óc nghĩ về một cái gì đó thuộc đời thường, thuộc ánh sáng ban ngày của đường phố Luân Đôn. Ông là Raymond Hewson, một nhà báo không được nổi tiếng, nhưng vẫn là một con người sống và thở, còn những hình bóng xúm quanh ông chỉ là tượng sáp, nên không có khả năng động đậy cũng như không có khả năng thì thầm. Chúng là tượng hình những kẻ sát nhân, nhưng điều này không quan trọng bởi vì chúng chỉ làm bằng sáp và mạt cưa. Người ta đặt chúng đứng ở đây để cho khách thích rùng rợn và du khách không biết đi đâu đến xem. Xong rồi, bây giờ Hewson cảm thấy đỡ hơn nhiều... Câu chuyện vui mà người ta kể cho Hewson nghe hôm qua ở Falstaff là gì nhỉ...?
Hewson chỉ nhớ được một phần thôi, bởi vì Hewson đang cảm thấy ánh nhìn của bác sĩ Bourdette chằm chằm vào gáy mình, như để thách thức Hewson quay đầu lại.
Sau khi liếc nhìn đột ngột qua vai, Hewson cho xoay hẳn ghế để đối mặt với gã đàn ông khủng khiếp có ánh nhìn thôi miên kia. Hewson cảm thấy mắt mình mở to ra, miệng nhăn nhó sợ hãi trước khi nhe răng như một con chó sắp cắn.
- Mày đã nhúc nhích! - Hewson la lên bằng một giọng gây tiếng dội rùng rợn - Phải, mày nhúc nhích! Tao đã thấy mày rồi!
Rồi Hewson bất động trên ghế, nhìn thẳng trước mặt, như một người bị đông cứng được tìm thấy trong băng đá Arctique.
Cử chỉ của bác sĩ Bourdette hết sức chậm rãi. Hắn bước xuống cái bục thận trọng như một cô gái điệu bước xuống xe búyt. Bục cao khoảng sáu chục phân và được một dây nhung đỏ bao quanh. Dây nhung có hai cọc nâng đỡ. Bourdette nhấc sợi dây lên, chui xuống dưới, bước xuống bục, và ngồi trên bục, đối diện với Hewson. Rồi hắn gật đầu, mỉm cười và nói :
- Chào. Tôi khỏi phải nói rõ cho ông rằng, - Hắn nói tiếp bằng tiếng Anh hoàn hảo có pha chút giọng Pháp nhẹ - cho đến khi tôi nghe lén được cuộc nói chuyện giữa ông với vị giám đốc của viện bảo tàng này, tôi hoàn toàn không ngờ là sẽ được hân hạnh qua đêm cùng ông. Ông không thể nhúc nhích hay nói chuyện, nếu tôi không cho phép, nhưng ông nghe tôi rất rõ. Tôi có cảm giác rằng ông, nói thế nào nhỉ... hơi căng thẳng hả? Xin ông đừng ảo tưởng. Tôi không phải là một pho tượng gớm ghiếc kia tự nhiên sống lại. Tôi là bác sĩ Bourdette bằng xương bàng thịt đây.
Hắn dừng một chút, ho rồi động đậy chân.
- “Xin lỗi, tôi hơi tê chân. Để tôi giải thích cho nghe nhe - Hắn nói tiếp - Do điều kiện bắt buộc, nếu kể ra thì quá dài, tôi phải sang Anh sinh sống. Tối hôm nay, tôi đang đi qua gần đây, thì tôi thấy một viên cảnh sát nhìn tôi hơi kỹ quá. Tôi sợ viên cảnh sát có ý định theo tôi và đặt vài câu hỏi không hay, nên tôi đã trà trộn vào dòng người đang vào đây. Rồi tôi vào được phòng hiện ta đang ở, rồi tôi đột nhiên nảy ra sáng kiến để thoát khỏi sự truy lùng có thể có của tay cảnh sát.
Tôi kêu ‘Cháy!’, và khi đám người ngốc nghếch chạy ra cầu thang, tôi đã vớ cái áo khoác của tượng tôi, hiện ông đang thấy tôi mặc cái áo đó. Rồi tôi giấu tượng dưới cái bục to ở cuối phòng, và leo lên cái bục này.
Tôi thú thật với ông là tôi đã sống qua một buổi tôi đặc biệt cực nhọc, nhưng nhờ không bị quan sát liên tục, nên tôi thở thật sâu và đổi tư thế được. Có một lúc, có thằng bé la lên là thấy tôi nhúc nhích. Tôi nghe cha mẹ nó dọa đánh đòn và phạt không cho ăn bánh, và tôi hy vọng bố mẹ nó đã thi hành lời đe dọa kia.
Những gì giám đốc nói về tôi, mà tôi đã nghe được, là đúng một phần, nhưng nói chung tương đối chính xác. Ông cũng thấy là tôi chưa chết, mà thật đáng mừng rằng người ta nghĩ tôi chết. Và giám đốc đã mô tả khá chính xác thú giải trí của tôi suốt nhiều năm, nhưng khoảng thời gian gần đây, do điều kiện, tôi đã không được vui vẻ thỏa thích lắm. Lời trình bày của tay giám đốc không được thông minh lắm. Để làm rõ mọi thứ, ta cứ cho rằng thế giới chia làm hai: một bên là người thích sưu tập, bên kia là người không thích sưu tập. Ta không quan tâm đến nhóm này. Còn những người sưu tập, thì họ sưu tập bất cứ gì, tùy sở thích: từ đồng tiền vàng cho đến hộp diêm, từ bươm bướm cho đến gạt tàn. Còn tôi, tôi sưu tập cổ họng”.
Hắn lại dừng một hồi, và chăm chú nhìn cổ Hewson, nhưng hơi phật ý.
- Tôi phải mang ơn số phận đã cho chúng ta gặp nhau tối nay - Hắn nói tiếp - Nếu than phiền là tỏ ra vô ơn. Vì lý do an toàn cá nhân, hoạt động của tôi đã bị giảm đi chút ít trong những năm vừa qua, và tôi vui mừng vì được dịp thỏa mãn sở thích hơi đặc biệt này của mình. Tôi không muốn làm ông bực, nhưng xin phép cho tôi nói rằng cổ ông rất gầy. Chắc chắn tôi đã không chọn ông, nếu được lựa chọn, bởi vì tôi thường thích người có cổ to... mập và đỏ...
Hắn lục túi trong, lấy ra một vật, thử độ bén bằng đầu ngón tay ướt, rồi liếc nhẹ trong lòng bàn tay trái.
- Đây là con dao cạo Pháp, - Hắn tử tế giải thích - ở Anh quốc rất ít dùng loại dao này, nhưng có thể ông đã có dịp thấy rồi? Người ta mài trên da. Ông thấy lưỡi dao rất nhỏ. Vết cắt của loại dao này không sâu, nhưng cũng đủ. Lát nữa chính ông sẽ thấy thôi. Còn bây giờ, là câu hỏi của mọi thợ cạo uy tín: “Thưa ngài, ngài có chịu con dao cạo này không?”
Hắn đứng dậy, hiện thân của tội ác, nhỏ nhưng đáng sợ, và bước lại gần Hewson, lặng lẽ như một con beo đang săn.
- Xin ông vui lòng hất cầm lên một tí... Cám ơn... Thêm một tí nữa... Chỉ thêm một tí xíu nữa thôi... Rồi! Cám ơn... Cám ơn ông, cám ơn!
* * * * *
Ở cuối phòng, có cửa tầng hầm kính mài để lọt chút ánh sáng từ bên ngoài vào ban ngày. Sau khi mặt trời mọc, ánh sáng này hòa vào ánh đèn, để chiếu sáng một cảnh tượng tự nó đã đủ khủng khiếp rồi.
Các tượng hình đờ đẫn chờ có người đến ngắm hoặc sợ hãi xem chúng. Giữa chúng, trên lối đi ở giữa, Hewson vẫn ngồi đó, thân ngã vào lưng ghế bành. Hewson đưa cằm lên cao, như thể đang chờ được cạo râu, và mặc dù trên cổ họng Hewson không hề có vết trầy nào, cũng như trên phần thân thể còn lại, nhưng Hewson đã chết và lạnh ngắt.
Trên bục, bác sĩ Bourdette trơ trơ nhìn người chết. Hắn không động đậy, vì không thể cử động được. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì hắn được làm bằng sáp.
giavui
08-06-2016, 06:24 PM
Công thức giết người
C. P. Donnell
Biệt thự với những khóm hoa tươi tắn không hề giống những gì ông nghĩ trước, và cả bà chủ nhà cũng là một yếu tố mới trong tính toán của ông. Bà Chalon, bốn chục tuổi, không thuộc nhóm tội phạm nào cả. Bà không phải là một Cléopâtre mà cũng phải một mụ phù thủy “Bà là nữ thần Minerve”, ông nghĩ ra ngay. Đôi mắt to, sáng trong của bà chỉ hơi nhạt hơn màu xanh cobalt Địa Trung Hải đang long lanh qua cửa sổ lớn phòng khách, nơi hai người đang ngồi.
Không hẳn là nữ thần Minerve, ông quyết định sau khi xem xét kỹ hơn. Làn da mịn màng như vỏ trái đào của bà khiến ta nhớ đến làn da của một thiếu nữ mười tám; thân hình đầy đặn, tính dịu dàng của bà gợi nên sự ham muốn, và điều này, mặc dù không sang trọng bằng, nhưng lại thú vị hơn. Nếu là một người phụ nữ không duyên dáng, thì người ta đã nói bà ta đang trên đà béo phị, nhưng nơi bà Chalon, thì ông biết ngay theo bản năng rằng thân thể vững vàng về khối lượng cũng như đường nét: khi sáu chục, dáng bà cũng sẽ y như hiện nay.
- Một ly rượu Dubonnet, anh cảnh sát trưởng Miron nhé?
Trong khi ông nói, bà đã chuẩn bị mọi thứ để rót cho ông. Phản xạ do dự của cảnh sát trưởng làm nảy một tia sáng tinh nghịch trong mắt bà, nhưng do lịch sự bà không nói gì.
- Cám ơn.
Do tự giận chính mình, ông đã hơi mạnh giọng.
Với sự hàm ý rất khó nhận ra, bà Chalon chủ động uống trước như để nói: “Anh Miron à, anh thấy không, có gì phải ngại đâu”. Thật là tinh khôn, quá tinh khôn.
Rồi với một nụ cười, bà nói thẳng thừng :
- Anh đến gặp tôi bởi vì tôi đã đầu độc mấy đức lang quân của tôi.
- Thưa bà! (Ông lại lưỡng lự, sửng sốt) Thưa bà, tôi...
- Có lẽ anh đã ghé qua Tòa thị chính rồi. Và cả thành phố Villefranche này đều nghĩ như thế. - Bà thản nhiên cam đoan.
Ông bình tĩnh lại, rồi lấy thái độ bình tĩnh chuyên nghiệp.
- Thưa bà, tôi đến xin bà cho phép khai quật tử thi của ông Charles Wesser, mất tháng giêng năm 1939, và tử thi của ông Etienne Chalon, qua đời tháng 5 năm 1946 để các chuyên gia có thể phân tích nội tạng. Bà đã từng từ chối không cho phép với hạ sĩ Luchaire, thuộc đồn cảnh sát khu vực. Tại sao?
- Luchaire không lịch sự. Tôi cho rằng anh ta thật thô lỗ. Không được như anh. Tôi lên án thái độ của con người đó chứ không phải luật pháp.
Bà nâng ly lên đôi môi mọng.
- Còn với anh, thì tôi sẽ không từ chối thưa anh cảnh sát trưởng Miron à.
Ánh mắt bà gần như khâm phục.
- Bà quá khen tôi.
- Bởi vì, - Bà nhẹ nhàng nói tiếp - thừa biết phương pháp làm việc của ngành cảnh sát Paris, tôi tin chắc người ta đã bí mật cho tiến hành khai quật rồi.
Bà chờ thấy gương mặt của Miron đỏ lên, nhưng vẫn giả vờ như không thấy nét mặt ông thay đổi.
- Và khi đã cho phân tích xong, thì các anh không hiểu gì - Bà nói tiếp như không hề có sự gián đoạn - Các anh không tìm thấy gì. Cho nên, là người chưa hề lo vụ này cho đến hôm nay, anh muốn xem tôi là người thế nào, tính khí ra sao, biết tôi làm chủ bản thân được đến mức nào và từ đó, đánh giá được khả năng lôi kéo tôi vào một cuộc đối thoại sẽ cung cấp manh mối rằng tôi đã phạm tội.
Những lời này trúng đích quá chính xác đến nỗi không thừa nhận mình bị bắn trúng là một việc ngốc nghếch, nên thẳng thắng, cảnh sát trưởng Miron quyết định nhanh.
- Đúng, thưa bà Chalon, hết sức đúng.
Ông chăm chú nhìn bà :
- Khi chôn hai ông chồng - ở một tuổi nào đó, nhưng không già - do rối loạn đường tiêu hóa nặng, sau không đầy hai năm cưới, trong khi mỗi ông chồng đều có một gia tài kha khá và để lại hoàn toàn cho vợ góa.... thì bà hiểu chứ?
- Vâng, tất nhiên.
Bà ra đứng cửa sổ, nhờ vậy đường nét tròn trĩnh trên thân hình bà, đường nét tuyệt đẹp của ngực bà hiện rõ trên nền biển xanh.
- Cảnh sát trưởng Miron ơi, anh có muốn tôi khai ra hết với anh không?
Trông bà đầy nữ tính, rất khêu gợi, và giọng nói mềm mại của bà báo trước cho Miron rằng ông nên cảnh giác.
- Tùy bà. - Ông trả lời với sự thản nhiên tối đa mà ông có được.
Đây là một phụ nữ nguy hiểm, hết sức nguy hiểm.
- Vậy, thì tôi sẽ làm chuyện này vì anh.
Bà Chalon không mỉm cười. Qua cửa sổ mở, một luồng gió bay lang thang mang hương thơm của bà đến cho cảnh sát trưởng Miron. Trừ phi đó là hương thơm từ ngoài vườn. Do thận trọng, cảnh sát trưởng quyết định không ghi chép. Không thể nào bà chấp nhận nói hết một cách dễ dàng như thế. Vậy mà...
- Anh Miron ơi, anh có hay làm bếp không?
- Tôi là người Paris mà...
- Và anh hay làm tình nữa chứ?
- Tôi nói rồi, tôi là người Paris mà.
- Vậy thì...
Ngực bà nâng lên, khi bà hít mạnh vào.
- Tôi có thể nói với anh rằng tôi, Hortense Eugénie Villerois - Wesser - Chalon, tôi đã từ từ và cố tình giết chết ông chồng đầu tiên của tôi, anh Wesser, năm mươi bảy tuổi, cũng như ông chồng thứ nhì, anh Chalon, sáu mươi lăm tuổi.
- Chắc là phải có nguyên nhân chứ?
Phải chăng cảnh sát trưởng đang nằm mơ? Hay là bà bị điên?
- Tôi đã lấy ông Wesser, do bị gia đình ép. Tôi không còn là một thiếu nữ nữa. Chưa đầy mười lăm ngày, tôi biết được rằng ông Wesser là một con heo, một con heo không thể nào thỏa mãn nổi. Hết sức thô lỗ, cảnh sát trưởng ạ. Ông ta nói bậy nói khoác, bóc lột người nghèo, lừa đảo người vô tội. Đó là một con người bừa bãi háu ăn, có những thói quen gớm ghiếc. Tóm lại, ông ta có mọi thói hư tật xấu của một người đàn ông đứng tuổi, mà không có được sự trìu mến lẫn phẩm cách của lứa tuổi đó. Và vì tất cả những lý do đó ông bị đau bao tử rất nặng.
Vì đã nghiên cứu rất kỹ trường hợp của ông Wesser, lúc còn ở Paris và vì đã đi đến một kết luận tương tự, cảnh sát trưởng gật đầu rồi hỏi hơi mỉa mai :
- Thế còn ông Chalon? Cũng bị đau bao tử nặng à?
- Đúng hơn là ý chí của ông này bị bệnh. Có thể ông ta không có thú tính bằng Wesser, nhưng thật ra có khi ông ta còn tệ hơn Wesser, bởi vì ông ta quan hệ với quá nhiều người Đức trong thời kỳ bị chiếm đóng. Tại sao người Đức cứ chăm lo sao cho chúng tôi có những thức ăn và rượu ngon nhất, khó tìm nhất, trong khi trẻ con chết đói hằng ngày ngoài đường? Có thể tôi là tội phạm, anh Miron à, nhưng tôi còn là người Pháp. Chính vì vậy mà tôi đã quyết rằng Chalon sẽ chết y như Wesser.
Bằng một giọng rất bình tĩnh để không làm bà lúng túng trong lời khai, cảnh sát trưởng hỏi :
- Bằng cách nào, thưa bà Chalon?
Bà quay lại, nét mặt sáng rỡ nhờ một nụ cười :
- Có thể anh biết những món như Gà tây nhồi hạt dẻ, hay Súp thăn gà tẩm xốt kem kiểu Ấn, hay Thăn bò Mascotte, hay Trứng chiên nhồi thịt kiểu Ý, hay món Cà tím kiểu Thổ, hay món Chim cút đông, hay?...
- Xin bà! Bà làm tôi chảy nước miếng, đồng thời bà làm tôi sợ quá! Những món ăn nhiều dầu mỡ như thế, và...
- Anh đã hỏi phương pháp của tôi, anh cảnh sát trưởng Miron à. Tôi đã dùng những món này và hàng trăm món khác. Trong mỗi món, tôi bỏ thêm một chút...
Bà đột ngột ngưng nói.
Cảnh sát trưởng Miron nỗ lực dữ dội để tay ông không run khi uống hết ly rượu Dubonnet.
- Một chút gì, thưa bà?
- Anh đã điều tra về tôi rồi. Anh biết cha tôi là ai.
- Jean Marie Villerois, đầu bếp, đệ tử bậc nhất của thầy Escoffier bậc nhất. Trước kia được gọi là người kế thừa xứng đáng của thầy Escoffier.
- Đúng. Mà lúc tôi chưa đầy hai mươi hai tuổi, thì cha tôi, trước khi qua đời, đã công nhận rằng, ngoại trừ một vài thiếu sót về các món nướng than, tay nghề tôi ngang hàng với cha.
- Rất hay. Tôi thật khâm phục bà.
Miron bị căng thẳng thần kinh vì cái tài tán rộng xa đề của người phụ nữ xinh đẹp này.
- Nhưng bà vừa mới nói là bà đã cho thêm vào mỗi món nấu đó một chút...?
Bà Chalon quay lưng lại với ông. Bờ vai rất đẹp, cảnh sát trưởng nhận thấy, cái eo đáng chú ý, hông tuyệt đẹp.
Bà nói, như nói với biển :
- Một chút tài nghệ của tôi, thưa cảnh sát trưởng. Tài nghệ của đầu bếp bậc thầy Escoffler, của Villerois. Làm sao một người như Wesser, như Chalon có thể chịu nổi? Ba, bốn lần một ngày, tôi dọn cho mấy ông những món thuộc loại giàu chất dinh dưỡng nhất, nhiều dầu mỡ nhất và luôn thay đổi; tôi khích mấy ông ăn cho nhiều, ngủ, rồi ăn nữa, và uống quá nhiều rượu để có thể ăn nhiều hơn nữa. Ở tuổi đó, làm sao mấy ông có thể chịu được lâu một chế độ như thế?
Im lặng.
- Thế còn tình yêu, thưa bà Chalon? Tôi xin lỗi, nhưng chính bà đã đề cập đến chuyện này.
- Ăn uống nhiều thì mở đường cho tình yêu hay đúng hơn là cho một cái gì đó giống tình yêu mà mấy ông gọi là tình yêu. Tôi sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của mấy ông và không hề ngăn cản mấy ông đi gặp thêm vài bạn gái. Và mấy ông đã chết như thế: ông Wesser, lúc năm mươi bảy tuổi; ông Chalon, lúc sáu mươi lăm tuổi. Thế thôi.
Im lặng nữa. Một sự im lặng đầy chờ đợi. Cảnh sát trưởng Miron đứng dậy đột ngột đến nỗi bà Chalon giật mình và quay lại. Bây giờ mặt bà đã tái hơn.
- Bà Chalon, tối nay bà sẽ theo tôi xuống Nice.
- Đến đồn cảnh sát hả anh cảnh sát trưởng?
- Đến casino, thưa bà, để uống sâm banh và nghe nhạc. Khi đó hai ta sẽ tiếp tục cuộc nói chuyện này.
- Nhưng, anh cảnh sát trưởng Miron ơi!...
- Bà hãy nghe tôi. Tôi còn độc thân. Bốn mươi bốn tuổi. Tôi không xấu trai lắm, người ta nói thế. Tôi có dành dụm được chút ít tiền. Tôi không phải là một đám xuất sắc lắm, nhưng cũng đáng được xem xét.
Ông nhìn thẳng vào mặt bà :
- Tôi muốn chết.
Ông đứng thẳng vai lại để trông được hơn, trong khi đôi mắt của bà Chalon ngắm ông rất hài lòng.
- Ăn uống ngon, - Bà Chalon đăm chiêu kết luận - nhưng điều độ, thì không phải lúc nào cũng gây tử vong. Anh cảnh sát trưởng Miron à, anh hôn tay tôi nhé?
giavui
08-06-2016, 06:25 PM
Kẻ tự giết chính mình
James Francis Dwyer
Anh trăng chiếu vào cái đầu trọc của Schreiber đúng lúc ông giật một cú thật mạnh để lôi cái thân ra khỏi cái ghế dài chế tạo sơ sài. Ánh nhìn ông quay về hướng khối xanh đen của khu rừng, nhưng tai ông vẫn ghi nhận được những tiếng động nhỏ thốt ra từ bên trong nhà chòi. Lối đi, y như một dải được quét vôi, kéo dài đến khối đen kỳ lạ của cây cối; suốt dọc theo lối đi, những cành cây rirro dựng thẳng và cao như để chống lại sự khô cằn do con người tạo ra. Rừng rậm không chấp nhận những khoảng khai hoang để lộ sự hiện diện của con người.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi hỏi.
- Không có gì, nhà tự nhiên học nói khẽ nhưng vẫn bấu chặt tay vào khung ghế làm bằng gỗ thông thô.
Trông ông như đang vận dụng toàn thân thể để sàng lọc những tiếng động đêm khuya.
Đột nhiên cái đầu ông rơi mạnh xuống ngực, rồi ông nhảy phắt ra khỏi ghế. Một đường đen hình thành trên lối đi trắng sáng nhờ ánh trăng, rồi ông người Đức phóng lên đó, mềm mại khéo léo như con mèo, mặc dù ông có thân hình đồ sộ.
- Con rắn đỏ quỷ quyệt - Ông càu nhàu trong khi lê chân về hướng cửa, tay cầm đuôi con rắn ngo nguậy. Đây là lần thứ nhì nó xổng chuồng.
Khi cái ghế dài đón ông trở về với tiếng kêu rắc kéo dài vang to, tôi đặt một câu hỏi với ông.
- Anh đã thấy nó trước khi nó bò qua đường hả? - Tôi hỏi.
- Không - Schreiber xẵng giọng nói - Tôi nghĩ có “một cái gì đó bất bình thường”. Đơn giản thôi. Khi nó xổng chuồng, tất cả những con vật đang rên rỉ bỗng đổi giọng. Bây giờ anh nghe đi.
Từ bên trong nhà chòi tối tăm, vang lên tiếng ù ừ rất đặc biệt, như tiếng ong kêu, nghe liên tục trong màn đêm huyền bí. Cả khu rừng như lắng nghe âm thanh này. Thoạt đầu, tiếng động này đánh bại những nỗ lực của lỗ tai muốn phân tích nó, nhưng rồi dần dần ta xác định ra từng âm thanh một. Đó là tiếng các tù nhân của ông người Đức kêu lên không thành lời. Có tiếng rên khẽ của con vượn luôn thức tỉnh, tiếng pat-pat của con cầy, tiếng khóc than của con khỉ cái đen, tiếng khịt khịt của những con thú nhỏ bị nhốt trong lồng, tiếng sột soạt của rắn bò mệt mỏi trong chuồng. Dường như những tiếng động này tạo quanh nhà chòi một bầu không khí đặc biệt, cách ly nhà khỏi khu rừng rậm bao quanh tứ phía.
- Bây giờ mọi thứ đã đâu vào đấy rồi - Ông người Đức hài lòng nói khẽ - Chúng nó nằm yên rồi.
- Nhưng làm sao bọn chúng biết con rắn đỏ đã xổng chuồng? - Tôi hỏi - Bọn chúng ở trong bóng tối, và con rắn đâu có gây ra tiếng động.
Nhà tự nhiên học phá lên cười, tiếng cười mãn nguyện của một người thích nghe một câu hỏi như câu hỏi của tôi.
- Làm thế nào hả? - Ông hỏi lại - Anh bạn vượn của tôi trong kia, đã cảm nhận ra trong lòng nó. Nó rên khẽ, ôi, thật khẽ, rồi tin này lan truyền khắp các chuồng. Bóng đêm không hề làm cho các sinh vật hoang dã khác đi. Từng bộ phận nhỏ nhất trong cơ thể chúng đều là một con mắt. Từng sợi lông nhỏ lắng nghe rồi mách bảo cho chúng một điều gì đó. Phải như thế. Tôi đã nhận thấy sự thay đổi trong tiếng kêu của bọn chúng. Tôi đang mơ về sở thú Jan Wick ở Amsterdam, và đúng lúc đó tôi tỉnh dậy nhanh. Con khỉ cái đen rất khôn ngoan, nhưng những con khác đã hạ giọng nhanh, rất nhanh. Rắn là một con vật có thể lẻn đi khắp nơi. Bây giờ anh hãy nghe bọn chúng. Tôi đâu có nói với bọn chúng rằng rắn đã về, nhưng bọn chúng biết.
Tôi cảm thấy buồn nôn khi tay người Đức nói chuyện ngập ngừng, tìm từ. Đối với tôi, nhà chòi hiện ra như vết nhơ trong khu rừng cây đàn hương dại, cây dứa dại đu đưa được nối với nhau bằng dây leo. Tiếng kêu rên, tiếng khịt khịt, tiếng sột soạt phản đối làm tôi rùng mình, và tôi bất ngờ nói thành tiếng những suy nghĩ của mình.
- Thật là độc ác quỷ quyệt - Tôi ấp úng nói - Nếu xem...
Nhà tự nhiên học ngắt lời tôi bằng tiếng cười bình thản, và tôi im lặng. Ông hút những ngụm thuốc mạnh từ ống điếu.
- Không có gì độc ác cả - Ông nói chậm chạp - Trong kia - Ông vẫy tay về hướng cái vệt xanh đen của khu rừng rậm, như làm nền cho bầu trời sáng - bọn chúng ăn thịt nhau để mà sống. Đám tù của tôi được ở nơi an toàn, không thiếu thốn gì. Lúc nãy anh có nghe bọn chúng lo lắng như thế nào khi con rắn đỏ xổng chuồng không? Đúng! Con khỉ cái đen có con nhỏ và nó sợ. Cuộc sống ở rừng không thọ đối với kẻ yếu. Cách đây năm năm, tôi ở Amsterdam. Tưởng như cách đây năm chục năm rồi, và ở chỗ Hagenbeck, tôi thấy một con khỉ chỉ còn có một tai. Tôi đã bẫy được nó vài năm về trước. Nó vẫn khỏe. Nhưng liệu ở nơi này, nó còn sống nổi không? Không biết.
Nhà chòi vẫn phát ra cái tiếng ù ù khó chịu. Âm thanh bay bổng, tràn khắp màn đêm, và bóng đêm như lắng tai ghi nhận tiếng này.
- Không, bị nhốt trong chuồng không tệ đâu, nếu thú được chăm sóc tốt. Mà anh có nói được cho tôi nghe ở đâu thú không được đối xử tốt không?
Tôi không trả lời. Tôi không biết nói gì, không cần đưa ra lý lẽ cho lời phản đối mà tôi đã ấp úng nói ra. Những con thú bị nhốt của Schreiber được nuôi tốt. Chú khỉ con được bảo vệ khỏi con rắn.
Ông người Đức mập im lặng hút thuốc suốt vài phút, mắt dán vào khu rừng trước mặt.
- Các nhà sinh vật học đối xử với thú vật tốt hơn là xã hội đối xử với con người - Ông nói khẽ - Còn các nhà tự nhiên học thì sao? Thì đối xử rất tốt. Tôi chưa hề thấy ai làm khác.
Ông dừng một hồi; rồi kêu khẽ. Trí nhớ đã gợi dậy một chuyện gì đó mà ông không thích.
- Tôi sai lầm - Ông cục cằn nhận xét - Tôi từng biết một tay. Màn đêm mới xuống thôi; tôi sẽ kể cho anh. Chuyện xảy ra cách đây lâu lắm rồi, lúc ban đầu, khi tôi còn ở trên bờ Samarahan, Fogelberg và tôi đến đó cùng với nhau. Tay đó tên là Lesohn. Pierre Lesohn, một loại nhà tự nhiên học. Nghĩa là hắn không cho tấm lòng vào công việc. Không! Hắn luôn nghĩ đến những cách khác để kiếm tiền, mà một người tự cho là nhà tự nhiên học không thể làm như thế được. Việc làm của một nhà tự nhiên học chiếm toàn bộ con người anh: tâm, hồn, trí, tất cả. Chính vì vậy mà tôi nói rằng Lesohn không phải nhà tự nhiên học. Sự bất mãn gậm nhấm tâm hồn hắn, mà trong cái nghề này, thì không có chỗ cho sự bất mãn. Không có, anh bạn à.
Một hôm, tôi đi xuồng tới nhà Lesohn, và hắn chúi vào mặt tôi một tờ tạp chí từ Paris. Hắn cười, kích động. Hắn hầu như luôn luôn như thế, những kẻ bất mãn luôn như thế.
- Anh nghĩ sao về cái này? - Hắn hỏi.
Tôi đọc dòng chữ trên tạp chí, rồi nhìn hình đi kèm. Đó là hình một con đười ươi và phía dưới có tên con vật. Nó có họ và tên. Y như ta. Nó ngồi trước một bàn viết, hút xì gà và đang giả bộ viết thư. Tôi thấy gớm. Không tốt đối với tôi. Tôi trả báo lại cho Lesohn, và không nói gì.
- Sao - Hắn xẵng giọng nói - Tôi muốn biết anh nghĩ thế nào.
- Không nghĩ gì cả - Tôi nói - Tôi không quan tâm.
- Thật là ngốc nghếch! - Hắn la lên - Con khỉ này kiếm được hai trăm bảng một tuần ở Royal Music Hall tại Picadilly. Nó làm giàu cho kẻ đã huấn luyện nó.
- Tôi không cần biết. - Tôi nói.
- À! - Hắn cười khẩy - Anh muốn làm việc trong khu rừng mắc dịch này cho đến chết hả? Schreiber à, tôi có những kê hoạch khác trong đầu.
Tôi biết, nhưng tôi không nói gì.
- Đúng, - Hắn la lên - tôi không muốn bị chôn ở đây, để mấy con wawa đến thăm mộ tôi. Tôi muốn chết tại Paris, tôi muốn hưởng thụ cuộc sống trước khi chết, Schreiber à. Tôi có quen một cô gái, cha nàng là chủ quán cà phê Primeroses. Chúa ơi! Tại sao tôi lại đến cái xứ khỉ ho cò gáy này?
- Thế anh sẽ được lợi gì? - Tôi hỏi và chỉ hình con đười ươi trên báo.
- Lợi gì hả? - Hắn hét lên - Lợi gì hả? Đồ ngu, ta Pierre Lesohn đây cũng sẽ huân luyện một con đười ươi.
- Chuyển một con vật thành người là không tốt đâu - Tôi nói - Ở địa vị anh, tôi sẽ không làm thế.
Khi tôi nói thế, Lesohn cười dữ dội đến nỗi hắn bị run giật. Hắn cho rằng đó là một chuyện đùa hay. Hắn thả người xuống giường, ngồi cười thêm mười phút nữa. Tay Lesohn này rất khôn, quá khôn để rời bỏ Paris. Những người khôn nên ở lại thành phố. Rừng rậm không phải là một nơi dành cho họ. Nó chỉ dành cho những ai đã qua thử thách. Lesohn chưa hề có thời gian trải qua thử thách. Hắn quá bận lo lên kế hoạch này kế hoạch kia.
Schreiber ngưng nói và lại cúi ra phía trước. Có một âm chói tai trong tiếng ù ù phát ra từ nhà tù, và như một nhạc trưởng ông đang cố phân biệt ra nốt sai lệch đó. Ông thận trọng đứng dậy, rồi biến vào bóng tối bên trong.
Khi trở ra, ông châm ống điếu từ từ - cuộc sống trong rừng rậm làm cho con người có động tác bình tĩnh và ung dung hơn - rồi ngả lưng xuống cái ghể do ông tự chế.
- Con khỉ con bị bệnh - Ông giải thích - Nếu sống trong rừng rậm, thì nó đã chết rồi. Ở đây, tôi nghĩ nó sẽ sống. Nhưng ta hãy nói tiếp về Lesohn, tay người Pháp ma-lanh, lẽ ra nên ở lại Paris. Hắn dán hình con khỉ - người lên đầu giường, và nhìn mỗi ngày. Hình ảnh ấy xen vào giữa giấc ngủ và hắn.
- Hai trăm bảng một tuần - Hắn la lên - Đồ người Đức cứng đầu, thử nghĩ xem! Gần năm ngàn franc rồi! Bốn ngàn mark! Sao ta không dạy được một con?
- Tôi thì không - Tôi nói - Tôi thích con đười ươi như cũ hơn. Nó phù hợp với tôi hơn. Nếu nó trở nên đủ khôn để hút xì gà của tôi và đọc thư tôi, thì tôi sẽ không còn thích nó nữa. Nó sẽ không còn ở vị trí mà Chúa đã xếp đặt cho nó trong thế giới động vật.
Tôi làm Lesohn phát chán khi nói thế. Rất chán. Ba ngày sau, một người bẫy được một con đười ươi vừa mới lớn, và tay người Pháp vội mua về.
- Đúng cái tuổi tôi cần - Hắn nói với Fogelberg và tôi - Tôi muốn dạy nó thật sớm. A ha! Hai bạn ngố ơi, hãy đợi đấy. Cả cô bé có cha là chủ quán cà phê; hãy đợi đấy, anh bạn Đức à. Giáo sư Pierre Lesohn và con đười ươi khôn! Năm ngàn franc một tuần! Có hay không?
Nhưng Fogelberg và tôi không nói gì. Chúng tôi biết địa vị của con đười ươi trong thế giới động vật, và chúng tôi chỉ muốn để nó ở đúng vị trí của nó. Mẹ tạo hóa đã sắp đặt cấp bậc, và tạo hóa biết rằng đười ươi không phải là loại sinh thể sinh ra để viết thư cho bạn gái, hay để ngồi đó phì phèo xì gà, đeo ủng quá chật kẹp chặt ngón chân, những ngón chân này được tạo ra để nó đu trên cây mà di chuyển. Từ con tê tê ăn kiến, có áo giáp bằng sừng, cho đến chính Pierre Lesohn, tạo hóa đã xếp đặt mọi thứ rất đúng đắn và phù hợp.
Lesohn không thích hợp với cuộc sống trong rừng. Không anh bạn à. Hắn luôn sôi nổi, và mười lần trong một ngày, cần phải có một cái gì đó để nuôi dưỡng sự kích động quá mức này. Ở đây không có gì đặc biệt cả. Hoàn toàn không có gì cả. Dân thành thị cứ tưởng chỗ chúng tôi có nhiều chuyện xảy ra. Họ lầm. Đây là một cái nôi nơi anh có thể nghỉ ngơi nếu anh thích. Anh hiểu không? Tay người Pháp không thể ngồi yên nổi. Hắn mới sở hữu được con đười ươi có hai ngày, mà đã tưởng tượng mình là triệu phú. Đúng, đúng. Hắn mơ sẽ mua nhà ở Paris, mua xe, mua nụ cười của các cô vũ nữ ở Grand Casino. Có những người như thế. Ảo tưởng chính là những cỗ xe dẫn họ đi thẳng xuống địa ngục. Dưới giường hắn có cái chai vuông, và thỉnh thoảng hắn cứ uống mừng con khỉ và mừng cuộc sống mới mà hắn sẽ có ở Paris. Theo tôi, thì hắn uống mừng quá nhiều.
Con khỉ này học được nhiều trò rất nhanh. Nó bắt chước tài lắm. Mỗi khi Fogelberg và tôi chèo xuồng đến nhà Lesohn, hắn cứ lôi con vật lông lá kia ra làm trò cho chúng tôi xem. Cả Fogelberg lẫn tôi đều không thích như thế. Chúng tôi nói thẳng cho Lesohn biết, hắn cười và trêu chọc chúng tôi.
- Ôi! Hai lão ngốc! - Hắn thốt lên - Hãy đợi đấy! Xem giáo sư và con đười ươi năm ngàn franc một tuần! Năm ngàn franc! Thử nghĩ xem! Ở quán cà phê Primeroses, tôi sẽ nhớ đến hai bạn già ngốc nghếch của tôi đây, còn ở lại trên bờ sông Samarahan hôi hám.
Hắn như điên lên do nghĩ về cuộc sống ăn chơi mà hắn sẽ được hưởng. Hắn uống rượu! Chúa ơi, hắn uống! Hắn tưởng tượng mình đi khắp châu Âu, với con khỉ đẻ ra tiền. Hắn thật sự điên mất. Và tôi nghĩ con đười ươi bắt đầu nghĩ hắn bị điên. Nó cứ ngồi bên cạnh Lesohn, nghĩ nát óc xem tại sao tay người Pháp kích động lên như thế. Con vật không hề biết gì về những giấc mơ của ngài Pierre Lesohn. Không, anh bạn à. Nó không hề biết rằng tay người Pháp định biến trí khôn của nó thành một cái bục, từ đó hắn leo lên thiên đường. Ồ không, nó chỉ là đười ươi mà! Làm sao nó hiểu được lý do khiến người ta có thể trả bốn ngàn mark một tuần để xem nó chúi mũi vào cái ly và hút thuốc. Ồ! Nghĩ đến đó tôi phát bệnh luôn.
Nhưng đến một hôm, con khỉ giở chứng và không chịu làm gì nữa. Dường như hôm đó Lesohn say rượu. Có lẽ hắn say rượu. Con vật thì giận hờn, còn tay người Pháp thì say. Về sau Pierre kể lại cho tôi nghe. Con đười ươi phá đổ hết mấy hộp chứa mẫu vật và giở đủ trò nhõng nhẽo; Lesohn cũng làm y như vậy. Hắn thấy nhà, xe, vũ nữ và quán cà phê Primeroses tan tành, do con đười ươi giở chứng, và hắn lăn ra bệnh rất nặng. Hắn uống rất nhiều, đến nỗi gần điên luôn, rồi hắn đã làm một chuyện.
Khu rừng rậm như run lên từ độ sâu xanh thẳm, khi Schreiber ngưng nói để một lần nữa lắng nghe tiếng động từ bên trong. Trong màn đêm ấm áp, có một thứ ma thuật quỷ quái, như chạm nhẹ vào ta bằng những ngón tay vô hình, và đang rình rập bên ngoài cái nhà chòi đơn độc.
- Có lẽ hắn bị điên, - Ông người Đức nói tiếp - điên hoặc say. Sông Samarahan chảy ngay bên cạnh nhà Lesohn, và dòng Samarahan chỗ đó đầy sự sống. Cá sấu, phủ đầy bùn, xấu xí, cứ nằm ngủ trong bùn suốt cả ngày. Gớm! Tôi ghét cá sấu lắm. Chúng làm tôi buồn nôn. Còn tay người Pháp, thì bị khùng, vì rượu và vì hắn tưởng con đười ươi trở nên ngu ngốc.
- Rồi sao? - Tôi hỏi - Chuyện gì xảy ra?
Màn đêm cũng lắng nghe câu chuyện này. Tiếng ù ù của những con bị nhốt trong nhà cũng giảm xuống đến chỉ còn là tiếng rì rầm.
- Rồi Pierre Lesohn dạy cho con đười ươi một bài học vâng lời - Schreiber kể tiếp - Hắn trói con vật vào gốc cây gần bờ sông đầy phù sa, hôi hám, ướt nhẹp, trong khi chính hắn, Lesohn, thì nằm dưới mái hiên nhà, khẩu Winchester trên chân.
Con đười ươi khóc rên, còn Lesohn thì cười. Về sau, hắn kể cho tôi nghe. Con khỉ cứ rên rỉ. Rồi nó hét lên khiếp sợ. Một mảnh bùn động đậy, và con khỉ sợ, rất sợ. Anh đã biết ánh mắt lạnh như đá của con cá sấu. Y như mắt con cá mập ăn thịt người. Không có con vật nào có ánh mắt lạnh như thế. Cá mập hả? Không! Cá mập có ánh mắt chiến đấu. Cá sấu không chiến đấu. Nó chờ đến khi mọi lợi thế đã thuộc về nó. Nó là một con quỷ. Con khỉ bị Lesohn trói đang thu hút con cá sấu chui ra khỏi đống bùn nhơ nhớp, và con đười ươi đã dại dột để lộ cho cá sấu biết nó đã nằm trong tay cá sấu khi khóc rên lên như thế. Anh hiểu không?
Cá sấu rình nó suốt một tiếng, hai tiếng, ba tiếng. Cá sấu nghĩ đó là cái bẫy. Lesohn cũng rình. Hắn dạy cho con đười ươi biết dân từ Paris đến khôn như thế nào.
Con cá sấu vẫy bùn trên lưng xuống để nhìn cho rõ hơn. Con đười ươi hét lên để van xin Lesohn đến cứu nó. Nó hét lên hết sức lực. Nó cà lăm để nói nó sẽ chịu học bao nhiêu trò nếu Lesohn đến cứu nó, nhưng Lesohn chỉ mỉm cười và không nhúc nhích.
Con cá sấu chui ra khỏi đống bùn và nhìn con đười ươi. Con đười ươi run toàn thân. Sau này, Lesohn kể cho tôi nghe rằng con đười ươi chửi bới hắn khi con cá sấu giật một cái để vẫy nước ra khỏi con mắt và tiến lên bờ một chút. Ánh mắt lạnh lùng đó làm mê hoặc con đười ươi. Rồi nó lấy lại bình tĩnh. Nó la lên và cầu nguyện bằng tiếng khỉ, và nhờ đó con cá sấu mạnh dạn hơn. Ồ, đúng! Cá sấu nghĩ nó cầm được bốn con ách trong ván bài với con đười ươi và nó nghĩ nên thử vận may. Nó phóng về hướng cây. Nhưng Lesohn đang chờ giây phút đó. Hắn tỳ súng vào vai, thật nhanh. Viên đạn trúng ngay mắt con cá sấu làm nó rơi trở xuống bùn.
Anh thấy Lesohn là loại người như thế nào chưa? Hắn là một thằng khùng.
Ngày hôm sau, khi Fogelberg và tôi đến nhà hắn, hắn kể hết cho chúng tôi nghe và hắn cười. Con đười ươi quá sợ Lesohn lặp lại cái trò đó đến nỗi nó lăng xăng quanh chúng tôi, cố làm tất cả những gì làm được. Mỗi khi Lesohn nhìn nó, nó run lên như sắp lên cơn, rồi rên khóc như trẻ con. Cá sấu rình nó suốt ba tiếng mà. Anh hiểu không?
- Nhìn nó kia - Tay người Pháp gào lên - Nó không giở chứng nữa! Tôi đã trị được nó rồi! Lại đây - Hắn hét con đười ươi - Đem chai rượu đến cho ta!
Con đười ươi hấp tấp chạy đi lấy chai rượu! Nó chạy như thể đó là vấn đề sống còn đối với nó, và có lẽ đúng như thế trong đầu nó. Còn Lesohn thì bò lăn ra ôm bụng cười, cười to đến nỗi ở tận Brunei cũng nghe thấy. Hắn cứ thề rằng ánh nhìn lạnh đá của cá sấu là thứ tốt nhất để dạy đười ươi.
- Tuần sau, tôi sẽ mang nó đi Singapore, từ đó tôi sẽ lấy tàu biển đi Columbo, rồi chuyển tàu đi Paris bằng Messageries Maritimes. Năm ngàn franc một tuần! Các anh sẽ thấy hình tôi trên báo. Chúa ơi! Đúng! Các anh sẽ đọc bài báo kể về Pierre Lesohn, giáo sư Pierre Lesohn, và con đười ươi biết làm trò...
Schreiber dừng kể. Ngọn gió thổi đến từ biển Đông, đi thẳng vào rừng, làm rách tàu lá cây cọ, như một đoàn quân ào đến trong tiếng ồn ào. Gió đột ngột tắt, nhường chỗ cho một bầu không khí chờ đợi lạ lùng, căng thẳng. Màn đêm như lắng tai để nghe một cái gì đó mà nó biết là sẽ đến.
- Anh kể tiếp đi - Tôi hăng hái nói - Kể đi! Hãy kể chuyện gì đã xảy ra!
- Bốn ngày, sau buổi tối hôm đó, - Schreiber bình tĩnh nói - tôi đi xuồng xuống dòng sông Smarahan. Khi đến nhà Lesohn, tôi gọi hắn, nhưng không có trả lời. Hắn đi vào rừng rồi, tôi tự nhủ thế; tôi sẽ vào nhà hắn, tìm cái gì đó uống. Trời nóng dữ dội, và dòng sông Samarahan không phải là một nơi nghỉ mát. Không! Hoàn toàn không!
Anh có bao giờ cảm giác rằng một sự im lặng vượt quá mức không? Có lúc, trong rừng, tôi phát hiện một sự bình lặng khả nghi. Đó là điều tôi đã cảm giác, tối hôm nay, khi con rắn đỏ xổng chuồng. Thông thường, trong rừng, sự bình lặng này lấn át tiếng dế kêu, và dường như ngăn không cho những cọng cỏ con động đậy. Vâng! Lạ lắm. Mỗi khi tôi cảm nhận một sự im lặng như thế, là tôi cảnh giác ngay. Tôi không sợ, nhưng tôi biết rằng những sinh vật khác, những con vật cảm nhận những chuyện tôi không thể cảm nhận được, đều rất sợ. Tôi cảm nhận chính một bầu im lặng như thế khi bước trên lối đi dẫn lên nhà Lesohn. Sự im lặng sờ mó vào tôi y như hàng ngàn cái bàn tay lạnh. Tôi không có đầu óc tưởng tượng, nhưng trong rừng riết rồi làn da tôi mách bảo cho trí óc tôi một điều mà tôi không hiểu nổi.
Tôi rón rén đi đến khóm cây xoài ở cuối lối đi. Để làm gì? Tôi không biết, nhưng như thế đấy. Tôi sắp phát hiện ra một cái gì đó. Tôi biết như thế. Tôi đứng lại, liếc nhìn qua cành cây, và tôi thấy gì? Đúng, tôi thấy một cái gì đó toan cố làm cho trí óc tôi hiểu được cái tin mà làn da tôi đang cố truyền đạt cho tôi. Tôi biết, nhưng lại không biết. Anh có hiểu không? Tôi rượt đuổi theo điều đó khắp mọi ngõ ngách trong trí óc tôi, và cứ mỗi phút trôi qua là tôi tiến lại gần nó hơn. Những gì tôi nghĩ làm cho điều đó gần hơn, và môi tôi bị khô. Tôi nhớ đến chuyện mà Lesohn đã làm đối với con đười ươi, cột nó vào cây, làm cho nó điên lên vì khiếp sợ, vì cái nhìn lạnh đá của con cá sấu. Tôi vừa xoay tròn những suy nghĩ này trong đầu, vừa quan sát sân hiên nhà. Tôi tưởng như thấy con đười ươi bị cột vào cây, và con mắt lạnh đá nhìn nó từ đống bùn, rồi... tôi hiểu ra! Đột nhiên hiểu ra như tia chớp. Tưởng như tôi bị bịch cát rơi trúng đầu.
Suốt ba phút, tôi không động đậy được. Cuối cùng tôi loạng choạng bước đến sân hiên. Anh biết ở đó có gì không? Con đười ươi ghê gớm và to tướng kia cầm cây súng của tay người Pháp và đang khóc như người.
- Lesohn đâu? - Tôi la lên - Hắn đâu rồi?
Rồi tôi cười như thằng điên vì câu hỏi của mình. Làn da, cũng là mắt và tai tôi, đã cho tôi biết Lesohn ở đâu. Vâng! Đúng như thế.
- Hắn đâu? - Tôi la lên lần nữa - Chỉ cho ta xem Lesohn ở đâu.
Con đười ươi lau nước mắt chảy trên cái mũi xanh gớm ghiếc của nó, dùng cái tay lông lá chạm vào tôi, rồi lê chân bước đi về hướng bờ sông đầy bùn, nơi tay người Pháp đã cột nó để dạy cho nó một bài học vâng lời.
Tôi thấy buồn nôn. Bầu không khí làm đảo lộn ruột gan tôi. Tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Đúng, tôi biết. Đầu óc tôi đã ráp lại tất cả, như các mảnh trong trò chơi ghép hình. Tôi biết Lesohn đã làm gì con vật. Tôi biết cái tật hay bắt chước của con đười ươi, và tôi biết rằng Lesohn thường hay say xỉn, rất thường hay say rượu. Và có cả cái điều mà làn da tôi đã rút ra được từ bầu im lặng. Trong khi đi theo con đười ười, tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh. Khi gần đến bờ sông, tôi ôm chặt cây súng, tìm kiếm xung quanh một cái gì đó xác nhận cho điều kinh khủng mà linh tính tôi đã cảm nhận. Và bằng chứng có đó. Một tay áo vét cột vào cái cây nơi tay người Pháp đã cột con đười ươi một tuần lễ trước đó, và tay áo không trống rỗng. Không! Dây đã được siết chặt quanh cổ tay Lesohn, và dây rất chặt. Dây, đã chống lại nổi sức kéo và còn đó, như một chứng cớ về chuyện đã xảy ra.
Tất cả quá rõ ràng đối với tôi. Có lẽ Lesohn say mềm, anh hiểu không? Và trong khi hắn say, ý nghĩ đã nảy ra trong đầu con đười ươi là phải bắt Lesohn cảm giác sự rùng rợn khi chịu cái nhìn lạnh đá của con quỷ nằm trong bùn. Con đười ươi đã cột Lesohn vào cây, rồi nó đã cầm cây súng và bắt chước tay người Pháp, ngồi trên sân hiên để chờ con cá sấu đầu tiên phát hiện ra rằng Lesohn không tự vệ được.
Rất rõ, ôi, quá rõ ràng! Nhưng, khi dạy con đười ươi, tay người Pháp đã quên dạy nó nạp đạn vào súng. Xui qua, đúng không? Cây súng không có đạn, và khi cá sấu chui ra khỏi bùn, thì con đười ươi không làm gì được. Không! Nó cứ cầm súng và khóc như người cho đến khi tôi đến, nhưng lúc đó đã quá trễ.
- Thế anh làm gì? - Tôi la lên trong khi giọng trầm của Schreiber như bị im lặng tấn công và dồn nén.
- Không làm gì cả - Schreiber bình tĩnh trả lời - Lesohn đã kể cho tôi nghe những gì hắn làm con đười ươi. Định mệnh có những hướng đi lạ lùng. Tôi nhìn con đười ươi, rồi nó vừa khóc vừa bước thụt lùi. Nó quay lại khoảng một chục lần, vẫn khóc lóc, cho đến khi rừng rậm nuốt mất nó. Ở một nơi nào đó trong kia (ông người Đức vẫy tay chỉ về hướng khu rừng tối thui đang rình rập và lắng nghe ông), có một con đười ươi bị ám ảnh bởi một tấn bi kịch.
HẾT
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.