PDA

View Full Version : Báo chí nước ngoài lên tiếng vụ Formosa



duyanh
07-01-2016, 12:50 PM
Báo chí nước ngoài lên tiếng vụ Formosa




Không chỉ Việt Nam mà giới truyền thông nước ngoài cũng rất quan tâm tới vụ cá chết hàng loạt tại Việt Nam. Mới đây, báo chí nước ngoài đã đưa nhiều thông tin sau khi tham dự cuộc họp báo do chính phủ Việt Nam tổ chức chiều ngày 30.6.

http://static.laodong.com.vn/Uploaded/tranmyhang/2016_07_01/tin_AMIF.jpg
Hình ảnh quan chức Formosa xin lỗi và nhận trách nhiệm. Ảnh: Reuters.

Tờ Quartz của Mỹ cho biết sau nhiều tháng, cuối cùng một lời giải thích đã được đưa ra.

http://intermati.com/forum/attachment.php?attachmentid=904975&stc=1&d=1467376814

Dân Đài Loan trưng chứng cứ cá chết hàng loạt ở Việt Nam-nguồn Reuters.

Như một số người đã nghi ngờ, nguyên nhân chính là nhà máy thép mới xây của Đài Loan gây ô nhiễm theo thông báo của Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo chiều 30.6.

Trang tin này nêu hiếm khi có việc quân đội của một quốc gia được triển khai để chôn hàng tấn cá chết như ở Việt Nam sau khi các nhà nghiên cứu của chính phủ xác định “yếu tố độc hại” là nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc 200 km bờ biển Bắc Trung bộ Việt Nam cùng tại các trại nuôi cá, tôm lân cận.

Quartz ghi nhận nghề cá và du lịch miền Trung Việt Nam gánh chịu tổn thất nặng nề vì thảm họa môi trường này, đồng thời thảm họa này đã góp phần làm chậm tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm 2016.

Nghề cá chiếm từ 4% đến 5 % GDP của Việt Nam, sử dụng hơn 4 triệu lao động. Công nghiệp hải sản Việt Nam có giá trị xuất khẩu 7 tỉ USD/năm.

Trang tin này nêu Việt Nam đang tăng cường thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào sản xuất. Các tập đoàn như LG, Samsung và Panasonic tìm nguồn lao động với mức lương thấp hơn so với Trung Quốc và sử dụng nguồn lao động này vào hoạt động lắp ráp linh kiện. Trong khi đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường lại đang tăng cao.
Quartz đưa tin: “Từ đầu tháng 5, chính phủ Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế đã mở cuộc điều tra nguyên nhân chính xác của ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt và hứa sẽ công bố kết quả vào cuối tháng 6.

Ngay sau vụ cá chết hàng loạt, dư luận Việt Nam hướng nghi ngờ vào nhà máy thép mới trong khu vực của Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh, chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa ở Đài Loan. Nhà máy ở Hà Tĩnh có tuyến ống xả thải dẫn ra biển. Ngư dân địa phương cho biết đã nhìn thấy dòng nước đỏ chảy từ tuyến ống này trước khi cá chết hàng loạt”.

Quartz đưa tin gần đây, các nghị sĩ Đài Loan đã kêu gọi chính quyền xứ đảo này lưu ý thảm họa cá chết hàng loạt ở Việt Nam do Formosa gây ra có thể cản trở chính sách quảng bá đầu tư vào Đông Nam Á của nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Chính sách này nhằm kéo giảm việc kinh tế Đài Loan lệ thuộc vào Trung Quốc.

Trong khi đó, sau vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam, đã có ý kiến ở Mỹ kêu gọi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ tiến hành xét nghiệm, kiểm tra các loại hải sản từ Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ.

Cuối tháng 4.2016, Công ty gang thép Formosa ra tuyên bố “bị bất ngờ sâu sắc và lấy làm tiếc” về việc cá chết hàng loạt và nhắc việc đã chi 45 triệu USD để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải cho dự án nhà máy thép trị giá 10,6 tỉ USD. Đây là một trong những nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam.

Đến ngày 30.6, trong thư gửi các nhân viên, chủ tịch Công ty gang thép Formosa thừa nhận: “Chúng tôi tôn trọng kết quả điều tra của chính phủ Việt Nam và đang hợp tác với chính quyền để xử lý và khắc phục hậu quả”.

Quartz nêu trong cuộc họp báo, người phát ngôn của chính phủ Việt Nam nói Formosa sẽ bồi thường 500 triệu USD và chiếu video hình ảnh chủ tịch công ty xin lỗi, bày tỏ hối tiếc về thảm họa cá chết hàng loạt.

Trang tin này nhắc lại trong quá khứ, Tập đoàn nhựa Formosa đã có nhiều vấn đề về môi trường. Năm 2009, tổ chức môi trường Ethecon (Đức) đã “trao” giải Hành tinh Đen cho tập đoàn này. Đấy là giải được trao cho các công ty tàn phá môi trường.

Tổ chức Ethecon kể trong các vụ việc khác, hồi năm 1998, Tập đoàn Formosa xả 3.000 tấn rác độc hại xuống vịnh Thái Lan gần thành phố Sihanoukville (Campuchia) vốn là một địa danh thu hút khách du lịch quốc tế.

Theo một thông tin năm 1999 của BBC, Formosa đã xin lỗi Campuchia nhưng không chịu nhận trách nhiệm và cũng không bồi thường. BBC cho biết: “Các quan chức chính phủ cấp cao có thể đã nhận 3 triệu USD tiền hối lộ các quan chức tham nhũng để làm lơ cho xả thải độc hại vào Campuchia”.

http://intermati.com/forum/attachment.php?attachmentid=904976&stc=1&d=1467376814

Quân nhân Campuchia chôn chất thải độc hại mà Formosa thải xuống vùng biển gần thành phố Sihanoukville (Campuchia)-nguồn Reuters

Quartz nêu từ thảm họa cá chết hàng loạt dẫn đến chính quyền kiểm tra kỹ các xí nghiệp. Gần đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ quan ngại về tác động tiềm tàng đến môi trường từ một nhà máy giấy chuẩn bị vận hành vào tháng 8 tới tại tỉnh Hậu Giang.

VASEP lo ngại nhà máy của Tập đoàn Lee & Man có thể gây ô nhiễm môi trường và làm nhiễm độc nguồn hải sản.

Nhà máy này sử dụng công nghệ lạc hậu cùng nhiều loại hóa chất có thể sẽ gieo thảm họa cho môi trường khu vực.

Báo Channel News Asia nêu vụ xả thải chất độc hại của Formosa đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành ngư nghiệp Việt Nam ở nhiều tỉnh miền Trung với hàng tấn cá chết-gồm nhiều loài cá hiếm sống xa bờ, đã chết dạt vào bờ biển trong tháng 4.

Trang này dẫn lời Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói “đã có vi phạm quy định và sai sót” trong việc xây nhà máy thép Formosa (vẫn đang xây dựng) gây ô nhiễm và hiện tượng cá chết hàng loạt bất bình thường.

Báo The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: “Đây là một bài học cho các nhà đầu tư phải tuân thủ luật, gồm các quy định bảo vệ môi trường”.

Channel News Asia dẫn lời phát biểu với các nhà báo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: “Tôi tái khẳng định rằng chúng tôi không đánh đổi môi trường chỉ để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài”.

Channel News Asia cũng viết các tai tiếng của Formosa trải dài từ Texas (Mỹ) đến Đài Bắc (Đài Loan) và đã phải nộp phạt hàng triệu USD vì tàn phá môi trường.

Channel News Asia nhắc lại trong tháng 6, các nghị sĩ Đài Loan đã cảnh báo Formosa với tình trạng cá chết hàng loạt ở Việt Nam có thể gây hại cho nỗ lực của Đài Loan nhằm kích cầu quan hệ kinh tế với Đông Nam Á vào lúc kinh tế Đài Loan muốn giảm lệ thuộc Trung Quốc.

Báo Intenational Business Times (Mỹ) nêu khoản bồi thường 500 triệu USD là mức bồi thường tiền cao nhất đối với một công ty ở Việt Nam. Báo ghi nhận nhà máy thép Formosa là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Báo Nikkei Asian Review (Nhật) dẫn kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố, chất thải độc hại từ tuyến ống xả thải của nhà máy thép Formosa được xả vào vùng ven biển Hà Tĩnh, tiêu diệt cá ở cấp độ lớn. Từ đầu tháng 4, đã có khoảng 70 tấn cá biển chết ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Trong tuyên bố đăng trên trang web của mình vào tối ngày 30.6, cơ quan ngoại giao Đài Loan khẳng định chính quyền Đài Loan luôn coi trọng bảo vệ môi trường là điều quan trọng trong phát triển kinh tế cân bằng và bền vững.

Tuyên bố kêu gọi các doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ quy định pháp luật về môi trường tại Việt Nam, có trách nhiệm với xã hội Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh Đài Loan và mối quan hệ với Việt Nam.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền lợi, an ninh của doanh nghiệp Đài Loan cũng như công việc đầu tư, tài sản của họ để giữ niềm tin về đầu tư.

Theo Đầu Báo