PDA

View Full Version : Giới trẻ Anh nhìn 'Brexit' với sự sợ hãi và thất vọng



khieman
06-26-2016, 05:45 PM
.


Giới trẻ Anh nhìn 'Brexit' với sự sợ hãi và thất vọng




LONDON, Anh (NV) – Kết quả quá bán cử tri Anh chọn rút chân hội viên khỏi khối Liên Âu phơi bày những căng thẳng và sơ sót trong xã hội Anh, và có lẽ không hố cách biệt nào rộng lớn bằng sự chia rẽ giữa các thế hệ.




http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/230826-REMAIN_600.jpg

Nhóm cử tri trẻ ủng hộ nước Anh ở lại với Liên Âu bày tỏ sự thất vọng trước kết quả khác với mong đợi của họ
. (Hình: Getty Images/Rob Stothard)



Báo NY Times trích dẫn thăm dò của tổ chức Survation trước ngày bỏ phiếu, cho thấy 57% dân Anh tuổi từ 18 đến 34 có dự tính bỏ phiếu giữ nước Anh ở lại, trong khi cùng tỉ lệ 57% của người tuổi từ 55 trở lên lại muốn ngược lại, tức rời khỏi Liên Âu.

Đối với lứa dưới 25, ước muốn ở lại cao một cách đặc biệt, chiếm hơn ba phần tư.

Nhiều người trẻ ở Anh lớn lên với ý nghĩ rằng sự hợp nhất với Âu Châu như là điều đã định sẵn, không phải là một thử nghiệm chính trị mà có thể thu hồi lại trước khi trở nên hoàn toàn hòa nhập thành một khối.

Họ thấy thoải mái khi sinh hoạt trong một xã hội đa văn hóa, khác với suy nghĩ của thế hệ lớn tuổi hơn, đặc biệt tại những đô thị như London và Edinburgh, nơi tràn ngập người từ khắp lục địa Âu Châu, sang đây để học tập và làm việc.

Nhiều người trẻ bày tỏ sự kinh ngạc, tức giận lẫn thất vọng khi thấy rằng bậc cha mẹ và ông bà họ muốn tìm sự hạn chế du lịch, tiếp xúc với các nền văn hóa khác, cơ hội làm việc và học tập ở ngoại quốc, những thứ mà Liên Âu cống hiến cho họ.

Một người Anh trẻ tuổi tên Dan Boden viết trên trang mạng Twitter: “Thật chán chường khi thế hệ ông bà chúng tôi ghét người ngoại quốc hơn cả việc họ thương chúng tôi và tương lai chúng tôi.”

Anh Lewis Phillips, 27 tuổi, và bạn bè tìm cách lấp nỗi sầu bằng rượu bia và ca nhạc. Anh nói: “Chúng tôi muốn sống lâu dài với Liên Âu nhưng những người sống với lương hưu lại là người quyết định thay cho chúng tôi.”

Anh Phillips nói, anh “e sợ” cho viễn ảnh kinh tế của nước Anh.

Cô Louise Driscoll, 21 tuổi, cư dân của London, suốt ngày chỉ biết ngồi khóc. Cô than thở: “Tôi đau đớn tận đáy lòng. Bây giờ chúng tôi biết làm gì đây? Tôi lo sợ lắm.”

Cô cho biết cha mẹ cô bỏ phiếu chọn sự rút ra khỏi khối.

Hơn một triệu cử tri trong hạng tuổi 18 đến 34 ghi danh đi bầu trong những tháng gần đây, nhiều nhất trong mọi cuộc bầu cử ở Anh.

Trong cuộc trưng cầu dân ý, lứa tuổi này đạt đến tỉ lệ 72%, cao nhất so với mọi cuộc bầu cử ở Anh tính từ năm 1992.

Nhưng mà vậy vẫn chưa đủ.

“Buổi sáng thức dậy mới hay thế hệ lớn hơn vừa làm hỏng đi tương lai của chúng tôi,” một người trẻ tên Toby Pickard viết trên Twitter.

Một người khác tên Sarah Hartley viết rằng “nền kinh tế của chúng ta bị tan tác” vì “ông bà chúng ta quan tâm đến sự thoải mái của họ hơn là tương lai của chúng ta.”

Tại Edinburgh, một thành phố đại học nơi ủng hộ mạnh sự ở lại với Liên Âu, anh Robert Jack, một sinh viên 21 tuổi trường University of Glasgow, lo ngại cho dự định sang học ở Romania theo chương trình trao đổi sinh viên Erasmus của anh, mà nay coi như tan thành mây khói.

Nhiều cử tri trẻ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra đối với quỹ nghiên cứu và khoa học do Liên Âu tài trợ.

Các trường đại học ở Anh hiện đang nhận khoảng 16% chi phí nghiên cứu của họ và chuyên viên do Liên Âu gửi đến.

Cô Hannah Shaw, 25 tuổi, người làm việc tại bệnh viện National Health Service và sống với cha mẹ, đổ lỗi cho truyền thông đã loan truyền thông tin sai lạc về Liên Âu.

Cô Shaw nói: “Rất nhiều người thuộc thế hệ trước chỉ biết tin theo báo chí để thu thập dữ kiện cho họ mà không thật sự tự tìm hiểu như thế hệ của tôi.”

Cô nói: “Nước Anh đột nhiên cảm thấy như hết sức nhỏ lại.” (TP)

Saturday, June 25, 2016 4:15:13 PM

_http://www.nguoi-viet.com/