duyanh
04-27-2016, 02:09 AM
.
Nhớ về Tháng Tư Năm 1975
Ngô Quang Hòa
(https://www.facebook.com/quanghoa.ngo.980?fref=nf)
http://2.bp.blogspot.com/-GYVrFWXsRNo/UAb8wYOE8JI/AAAAAAAACAY/wCBk_n1o2gg/s1600/30-04-1975a1-danlambao.jpg
Lại một tháng tư nữa đến rồi. Bốn mươi mốt năm đã qua. Xin gởi lên FB một trích đoạn trong Hồi Ký của Quang Hòa đang viết. Hồi Ký không có những chuyện ly kỳ hay những bí mật “động trời” như những nhân vật quan trọng của bên này hay bên kia công bố. Đây chỉ là những chuyện mắt thấy tai nghe trong những ngày tháng không bao giờ quên. Thục Đoan tùy nghi sử dụng để chia sẻ.
“Năm Mẹo tháng Mẹo chưa buồn…”
Qua cái Tết Ất Mão, tình hình chiến sự ở miền Nam bắt đầu sôi động. Tin tức liên tục báo những cuộc tiến công của quân đội miền Bắc. Bình Long An Lộc thất thủ để người dân ngậm ngùi đau xót nghe bài hát chuyện tình cô sinh viên tên Mộng Thường. Bước qua tháng 3-1975, người dân vẫn còn nghe đài phát thanh Sài Gòn phát đi bài hát “Hãy tràn lên, trên tuyến xung phong, thi đua giết thù ú u ù…”
Tuy vậy, cuộc sống nơi thành thị nói chung vẫn yên tĩnh. Rồi từng ngày, chiến sự cứ lan rộng. Dân chúng bắt đầu bàn tán về tương lai của miền nam. Người ta bắt đầu hơi lo ngại khi biết tin chánh phủ Hoa kỳ không còn mặn mà với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Những người am tường chính trị nhắc nhiều đến Hiệp Định Paris. Các sĩ quan trong quân đội đã gọi ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là ngoại trưởng “láu cá” đã bán đứng miền Nam Việt Nam. Một số khác thì cho rằng ngoại trưởng Mỹ quá ngây thơ đã để cho Hà Nội qua mặt, xỏ mũi dễ dàng. Tuy nhiên, người dân dù có lo lắng nhưng vẫn còn niềm tin sau cơn mưa trời lại sáng.
Tình hình cứ tiếp tục diễn biến xấu hơn qua những bản tin quân sự. Từ tháng ba, Quảng Trị rồi Huế lần lượt bị quân Bắc Việt vây hãm khiến cho mọi người thật sự lo lắng. Vùng cao nguyên, quân đội miền Bắc lại tràn ngập tỉnh Quảng Đức khiến dân chúng xôn xao di tản theo quân đội lánh nạn. Bắt đầu từ lúc này sự lo lắng của dân chúng đã hiện rõ. Tin tức chiến sự tiếp tục báo hiệu thế bất lợi cho Sài Gòn. Và rồi…các nơi vẫn tiếp tục thất thủ. Người dân tranh nhau đi lánh nạn chiến tranh. Thế là mọi chiến thuật bắt đầu tan rã.
Bước qua đầu tháng tư, sáng ngày 08-04-1975, tôi đang ngồi uống cà phê vỉa hè, bỗng nghe một tiếng nổ lớn vọng lại từ hướng Sài Gòn. Rồi tiếp theo là một loạt tiếng súng vang lên khiến mọi người nhốn nháo. Tất cả khách hàng cà phê đứng lên dáo dác nhìn nhau thăm dò. Trong chốc lát, mọi người tản mác, ai về nhà nấy. Không khí buổi sáng trở lại yên tịnh.
Một lúc sau, ngoài đường lại ồn ào:
- Dinh Độc Lập bị ném bom. Tổng Thống sắp nói chuyện trên TV đó. Mở TV coi đi. Mở TV coi…
Tôi vội vã bước đến máy vô tuyến truyền hình và nhấn nút mở máy. Đài đang chuẩn bị chương trình tường thuật trực tiếp buổi nói chuyện đặc biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Một lúc sau, Tổng Thống xuất hiện với gương mặt khá bình thản. Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc xác nhận đã có một sĩ quan không quân tự ý rời khỏi đội bay và ném bom xuống dinh Độc Lập. Việc này không liên quan đến đảo chánh. Ông cho biết lúc đó, toàn thể gia đình đang dùng điểm tâm sáng và đã kịp thời di chuyển xuống tầng hầm tránh bom. Nhờ ơn Chúa, tất cả mọi người đã được an toàn. Dinh Độc Lập chỉ bị phá hỏng một góc nhỏ. Ông kêu gọi quân đội và toàn dân hãy bình tĩnh, đoàn kết để chống lại quân đội Bắc Việt. Đây là giờ phút hiểm nghèo của miền Nam tự do.
Sau đó, người dân biết chính xác Nguyễn Thành Trung là viên phi công đã lái máy bay xuất phát từ phi trường Biên Hòa, tách ra, nhắm hướng Sài Gòn và ném bom xuống dinh Độc Lập.
Buổi chiều cùng ngày, trời xuất hiện nhiều mây. Càng về chiều, bầu trời càng thêm u ám. Khoảng bốn giờ, từ phía dinh Độc Lập lại nổ ra nhiều loạt đạn, có vẻ như đạn phòng không. Tôi nhanh chân chạy ra nhà sau và thót lên mái nhà nhờ những thanh đố gỗ. Nhìn về phía Sài Gòn, bầu trời chuyển mưa đen kịt. Phía trên dinh Độc Lập còn thấp thoáng mấy viên đạn lửa phòng không chưa kịp tắt. Hai chiếc phản lực cơ A37 bay khá thấp từ hướng dinh Độc Lập vụt về phía Nhà Bè. Đứa em họ của tôi cũng leo lên mái nhà đứng cạnh tôi. Từ dưới cảng, nổ ra mấy tràng cao xạ phòng không “kình kình” của tàu Hải quân. Tuy nhiên, hai chiếc A37 vượt qua và bay mất dạng.
Trời chiều chuyển mưa, mây đen từ từ kéo về phía Thị Nghè. Gió thổi lồng lộng. Tôi tiếp tục ngồi trên mái tole hóng gió mát. Bỗng đâu có tiếng ù ù từ hướng Thủ Đức Biên Hòa. Một chiếc máy bay C130 xuất hiện bay thẳng về hướng dinh Độc Lập. Chiếc C130 bay rất chậm và hơi thấp. Tôi bắt đầu cảm thấy hồi hộp. Dường như chiếc máy bay chưa hay biết gì về những việc vừa xảy ra nơi đây. Nó cứ thản nhiên từ từ trực chỉ hướng dinh Độc Lập. Vượt qua Thị Nghè, nó bắt đầu lọt vào không phận cấm nhưng vẫn tiếp tục đường bay.
Từ dưới đất bắt đầu gầm gừ những tràng đại liên. Nhiều dây đạn lửa bay ngoằn nghèo dưới bụng chiếc C130. Càng lúc tiếng súng phòng không càng trở nên dày đặc hơn và tạo nên một mạng lưới đạn lửa đan chéo trên bầu trời. Thế mà chiếc máy bay vẫn chậm rãi tiến tới. Cho đến khi có mấy viên đạn lửa vụt lên cao, khỏi chiếc C130 thì nó có vẻ hốt hoảng. Tức thì, nó cất đầu bay thẳng lên cao bốn mươi lăm độ. Đạn phòng không vẫn tiếp tục đuổi theo nhưng không trúng đích. Lúc này dưới đất, hằng trăm khẩu súng khác từ khắp nơi cũng hùa theo nhả đạn. Bầu trời rền vang đủ loại tiếng súng nhỏ, súng lớn. Thật là khủng khiếp.
Tôi vẫn đứng trên nóc nhà, ngây người, chết đứng. Bỗng có vài tiếng đạn lạc đâu đó rơi trên mái tole làm tôi giật mình. Tôi vội vàng cùng đứa em họ biến khỏi mái nhà. Tiếng đạn rơi vẫn còn lác đác đâu đó.
Đến ngày 21-4-1975, khi không còn Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương đến văn phòng, thông báo là ông từ chức. Chiều tối hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình công khai quyết định của mình và giao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Trong bài diễn văn từ chức, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã điểm lại từng diễn biến liên quan đến Hiệp Định Paris. Ông nói chánh phủ Mỹ đã bội ước với nhân dân miền Nam Việt Nam. Họ đã cam kết bảo vệ tự do trên đất nước này và sẽ trả đũa ngăn chặn làn sóng đỏ của quân miền Bắc tiến công vi phạm Hiệp Định. Ông đau đớn, thất vọng nói “khi Cộng sản tiến công chiếm một tiền đồn họ vẫn giữ im lặng. Khi quân đội miền Bắc tràn vào một tỉnh lỵ, họ lại tiếp tục làm ngơ. Họ là đồng minh của ta hay của Hà Nội. Việt Nam Cộng Hòa không chỉ chiến đấu chống trả quân đội Bắc Việt mà còn cả thế giới xã hội chủ nghĩa đang hậu thuẫn tích cực cho Hà Nội.” Bài diễn văn gây xúc động mạnh với khán thính giả. Tuy niên nó cũng gây một phần tác động bất lợi đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ khiến họ càng hoang mang.
Có lẽ đây là bài diễn văn hay nhất, thật nhất trong cuộc đời chánh trị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Những ngày tiếp theo, làn sóng người chạy lánh nạn từ miền Trung bắt đầu xuất hiện. Anh tôi từ Viện Đại học Đà Lạt cùng vợ con di tản về Sài Gòn. Đại học Quản Trị Kinh Doanh tổ chức cho sinh viên trình luận án tốt nghiệp tại thương xá Tax. Báo chí liên tục báo tin từng bước co rút của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Một tờ báo đăng hình ảnh dòng người dân di tản kéo dài hằng ngàn mét với cái tít lớn: “Người dân miền Nam đã bỏ phiếu bằng chính đôi chân của họ”. Tình hình chiến sự mỗi ngày một lan rộng về miền Nam. Tin sân bay Biên Hòa rơi vào tay cộng sản và họ bắt đầu tiến quân về Thủ Đức khiến người Sài Gòn nhốn nháo.
Người Sài Gòn cũng bắt đầu chạy giặc. Đi đâu?!
Những người sống ở khu vực Thị Nghè, cửa ngỏ vào thành phố, khăn gói chạy về…Tân Định, Bà Chiểu. Nhiều nhà chỉ để lại một người trông coi. Xe lam, xe Daihatsu, xe gắn máy hai bánh chuyên chở mọi thứ có thể, chạy dập dìu trên đường phố. Những nhà ở ngay trung tâm thành phố thì thăm dò, chuẩn bị đi về miền Tây lánh nạn.
Đến ngày 24 tháng 4 tôi nhận sự vụ lệnh mới của Tổng Nha nhân viên, Bộ Giáo dục và Thanh niên thuyên chuyển về nhận nhiệm sở ở Ty Giáo dục và Thanh niên tỉnh Kiến Phong. Qua ngày hôm sau, ba tôi đèo tôi trên chiếc xe Yamaha nữ của anh chị tôi về miền Tây. Ra khỏi Sài Gòn thì chúng tôi bị chận lại ở chợ Bình Chánh. Tại đây, các xe đò về miền Tây bị giữ lại, kể cả xe hai bánh. Tôi cố nán lại hy vọng sẽ tiếp tục về quê nhưng đến xế chiều, tình hình vẫn không sáng sủa hơn. Tôi lại quay lại Thị Nghè và chờ đợi.
Thời gian không chờ đợi một ai cả. Ngày qua ngày… người Sài Gòn cuống cuồng vì có tin Cộng Sản Bắc Việt sẽ dành cho thành phố này một trận mưa pháo nếu… Rồi quân Bắc Việt cũng vượt qua cầu Sài Gòn và cầu Rạch Chiết.
Phó tổng thống Trần Văn Hương chưa kịp yên vị thì một hôm trên màn ảnh truyền hình xuất hiện vị Tổng Thống mới, Đại Tướng Dương Văn Minh. Ông chính thức lên tiếng kêu gọi toàn thể binh lính Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí. Đó là ngày trên tờ lịch hiện ra con số 30 tháng 04 định mệnh, cuộc sống của thành phố Sài Gòn dường như ngưng đọng lại trong một khoảnh khắc nào đó.
Đoàn quân Bắc Việt vượt qua ngã tư Hàng Xanh, dè dặt tiến vào Sài Gòn qua ngả Thị Nghè. Đi đầu là chiếc xe tăng T54, nối đuôi theo là những chiếc Mô lô tô va chở các bộ đội mang vẻ mặt ngơ ngác trước cảnh uy nghi đồ sộ của Sài Gòn. Họ rất cẩn thận khi một số dân chạy theo xe trao cho họ những ca nước mát. Khi đến gần cầu Thị Nghè, bỗng đâu có tiếng nổ phát ra từ chiếc tăng M48 đậu ngay dốc cầu, đoàn xe quân giải phóng khựng lại. Chiếc T54 lập tức chuyển qua tư thế tác chiến. Pháo tháp từ từ quay họng súng về phía chiếc M48. Người dân nhốn nháo tìm nơi ẩn náu. Một phát súng trực xạ nổ ra. Chiếc M48 run lên và khói đen bốc lên từ ổ pháo tháp. Một lúc khá lâu sau, khi không còn thấy phản ứng gì nguy hiểm, Chiếc T54 lại tiếp tục vượt qua cầu Thị Nghè.
Tôi nắm tay thằng em họ đi ngược về hướng Hàng Xanh, tò mò nhìn những anh bộ đội trẻ măng đang trố mắt nhìn người dân Sài Gòn đứng dọc theo hai bên đường. Họ lộ có vẻ ngỡ ngàng trước cảnh phố phường Sài Gòn khang trang đẹp đẽ. Được khoảng hơn trăm mét, gần ngã ba dẫn ra Hàng Xanh, tôi bỗng thấy một bãi bầy nhầy ngay trên mặt lộ. Khi đến gần thì rõ ra đó là một xác người bẹp dí xuống mặt đường như miếng bánh tráng. Miếng bánh tráng nằm dài, dẹp lép theo đúng đường bánh xích của một chiếc tăng vừa mới chạy qua. Thật là khủng khiếp.
Sau bữa cơm trưa, tôi lấy chiếc xe Yamaha đam đèo thằng em họ đi vào Sài Gòn. Qua cầu Thị Nghè, tôi cứ chạy tới mà không thật sự định hướng nào cả. Trên đường phố, vô số quân trang, quân dụng bị vứt bỏ nằm la liệt. Khi đến gần cổng sau Tòa Đại Sứ Mỹ, tôi chạy chậm lại và dừng xe tò mò nhìn vào. Bên trong cảnh tượng cũng bừa bộn như trên đường phố. Mấy đứa trẻ con bu quanh một chiếc đàn piano nằm hớ hênh ở lối vào hồ bơi. Chúng xòe cả hai bàn tay vỗ nhịp lên bàn phím như người ta chơi trống.
Rời khỏi nơi đây, tôi tiếp tục chạy về hướng Lê Văn Duyệt. Đến một ngả tư, nhiều người bu quanh một cây xăng. Một trạm bơm nơi đây không hiểu vì sao lại xì ra một dòng chảy toàn là xăng và mọi người đang thay nhau hứng lấy. Tôi dừng xe lại và để cho thằng em giữ xe. Tôi tìm được một lon nhớt không bên đường và cũng đến chờ phiên mình hứng được gần đầy lon. Thế là tôi an tâm tiếp tục cuộc hành trình.
Khá lâu sau, có lẽ đã vào gần tới Chợ Lớn. Tôi thấy một chiếc máy bay “đầm già” (L19) nằm vắt vẻo trên những sợi dây điện đường. Đoạn đường nơi đây hẹp hơn, hình như là đường Trần Hoàng Quân thì phải.
Khoảng hơn bốn giờ chiều, tôi quay về Thị Nghè và bị mắng cho một trận vì đã cả gan mạo hiểm.
Sáng hôm sau, ba tôi đưa tôi và đứa em họ ra bến xe miền Tây để tìm đường về quê. Lúc này, bến xe miền Tây gần như chưa hoạt động vì các quầy vé vẫn còn trông trơn. Xe trong bến cũng thưa thớt, có lẽ vì các xe từ miền Tây chưa lên được. Bên ngoài có mấy chiếc xe hàng trống không đang mở cửa sau để đón khách. Thế là chúng tôi phải về quê bằng xe hàng.
23 Tháng Tư - 2016
Từ Facebook của Ngô Quang Hòa
_https://www.facebook.com/quanghoa.ngo.980?pnref=story
Nhớ về Tháng Tư Năm 1975
Ngô Quang Hòa
(https://www.facebook.com/quanghoa.ngo.980?fref=nf)
http://2.bp.blogspot.com/-GYVrFWXsRNo/UAb8wYOE8JI/AAAAAAAACAY/wCBk_n1o2gg/s1600/30-04-1975a1-danlambao.jpg
Lại một tháng tư nữa đến rồi. Bốn mươi mốt năm đã qua. Xin gởi lên FB một trích đoạn trong Hồi Ký của Quang Hòa đang viết. Hồi Ký không có những chuyện ly kỳ hay những bí mật “động trời” như những nhân vật quan trọng của bên này hay bên kia công bố. Đây chỉ là những chuyện mắt thấy tai nghe trong những ngày tháng không bao giờ quên. Thục Đoan tùy nghi sử dụng để chia sẻ.
“Năm Mẹo tháng Mẹo chưa buồn…”
Qua cái Tết Ất Mão, tình hình chiến sự ở miền Nam bắt đầu sôi động. Tin tức liên tục báo những cuộc tiến công của quân đội miền Bắc. Bình Long An Lộc thất thủ để người dân ngậm ngùi đau xót nghe bài hát chuyện tình cô sinh viên tên Mộng Thường. Bước qua tháng 3-1975, người dân vẫn còn nghe đài phát thanh Sài Gòn phát đi bài hát “Hãy tràn lên, trên tuyến xung phong, thi đua giết thù ú u ù…”
Tuy vậy, cuộc sống nơi thành thị nói chung vẫn yên tĩnh. Rồi từng ngày, chiến sự cứ lan rộng. Dân chúng bắt đầu bàn tán về tương lai của miền nam. Người ta bắt đầu hơi lo ngại khi biết tin chánh phủ Hoa kỳ không còn mặn mà với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Những người am tường chính trị nhắc nhiều đến Hiệp Định Paris. Các sĩ quan trong quân đội đã gọi ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là ngoại trưởng “láu cá” đã bán đứng miền Nam Việt Nam. Một số khác thì cho rằng ngoại trưởng Mỹ quá ngây thơ đã để cho Hà Nội qua mặt, xỏ mũi dễ dàng. Tuy nhiên, người dân dù có lo lắng nhưng vẫn còn niềm tin sau cơn mưa trời lại sáng.
Tình hình cứ tiếp tục diễn biến xấu hơn qua những bản tin quân sự. Từ tháng ba, Quảng Trị rồi Huế lần lượt bị quân Bắc Việt vây hãm khiến cho mọi người thật sự lo lắng. Vùng cao nguyên, quân đội miền Bắc lại tràn ngập tỉnh Quảng Đức khiến dân chúng xôn xao di tản theo quân đội lánh nạn. Bắt đầu từ lúc này sự lo lắng của dân chúng đã hiện rõ. Tin tức chiến sự tiếp tục báo hiệu thế bất lợi cho Sài Gòn. Và rồi…các nơi vẫn tiếp tục thất thủ. Người dân tranh nhau đi lánh nạn chiến tranh. Thế là mọi chiến thuật bắt đầu tan rã.
Bước qua đầu tháng tư, sáng ngày 08-04-1975, tôi đang ngồi uống cà phê vỉa hè, bỗng nghe một tiếng nổ lớn vọng lại từ hướng Sài Gòn. Rồi tiếp theo là một loạt tiếng súng vang lên khiến mọi người nhốn nháo. Tất cả khách hàng cà phê đứng lên dáo dác nhìn nhau thăm dò. Trong chốc lát, mọi người tản mác, ai về nhà nấy. Không khí buổi sáng trở lại yên tịnh.
Một lúc sau, ngoài đường lại ồn ào:
- Dinh Độc Lập bị ném bom. Tổng Thống sắp nói chuyện trên TV đó. Mở TV coi đi. Mở TV coi…
Tôi vội vã bước đến máy vô tuyến truyền hình và nhấn nút mở máy. Đài đang chuẩn bị chương trình tường thuật trực tiếp buổi nói chuyện đặc biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Một lúc sau, Tổng Thống xuất hiện với gương mặt khá bình thản. Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc xác nhận đã có một sĩ quan không quân tự ý rời khỏi đội bay và ném bom xuống dinh Độc Lập. Việc này không liên quan đến đảo chánh. Ông cho biết lúc đó, toàn thể gia đình đang dùng điểm tâm sáng và đã kịp thời di chuyển xuống tầng hầm tránh bom. Nhờ ơn Chúa, tất cả mọi người đã được an toàn. Dinh Độc Lập chỉ bị phá hỏng một góc nhỏ. Ông kêu gọi quân đội và toàn dân hãy bình tĩnh, đoàn kết để chống lại quân đội Bắc Việt. Đây là giờ phút hiểm nghèo của miền Nam tự do.
Sau đó, người dân biết chính xác Nguyễn Thành Trung là viên phi công đã lái máy bay xuất phát từ phi trường Biên Hòa, tách ra, nhắm hướng Sài Gòn và ném bom xuống dinh Độc Lập.
Buổi chiều cùng ngày, trời xuất hiện nhiều mây. Càng về chiều, bầu trời càng thêm u ám. Khoảng bốn giờ, từ phía dinh Độc Lập lại nổ ra nhiều loạt đạn, có vẻ như đạn phòng không. Tôi nhanh chân chạy ra nhà sau và thót lên mái nhà nhờ những thanh đố gỗ. Nhìn về phía Sài Gòn, bầu trời chuyển mưa đen kịt. Phía trên dinh Độc Lập còn thấp thoáng mấy viên đạn lửa phòng không chưa kịp tắt. Hai chiếc phản lực cơ A37 bay khá thấp từ hướng dinh Độc Lập vụt về phía Nhà Bè. Đứa em họ của tôi cũng leo lên mái nhà đứng cạnh tôi. Từ dưới cảng, nổ ra mấy tràng cao xạ phòng không “kình kình” của tàu Hải quân. Tuy nhiên, hai chiếc A37 vượt qua và bay mất dạng.
Trời chiều chuyển mưa, mây đen từ từ kéo về phía Thị Nghè. Gió thổi lồng lộng. Tôi tiếp tục ngồi trên mái tole hóng gió mát. Bỗng đâu có tiếng ù ù từ hướng Thủ Đức Biên Hòa. Một chiếc máy bay C130 xuất hiện bay thẳng về hướng dinh Độc Lập. Chiếc C130 bay rất chậm và hơi thấp. Tôi bắt đầu cảm thấy hồi hộp. Dường như chiếc máy bay chưa hay biết gì về những việc vừa xảy ra nơi đây. Nó cứ thản nhiên từ từ trực chỉ hướng dinh Độc Lập. Vượt qua Thị Nghè, nó bắt đầu lọt vào không phận cấm nhưng vẫn tiếp tục đường bay.
Từ dưới đất bắt đầu gầm gừ những tràng đại liên. Nhiều dây đạn lửa bay ngoằn nghèo dưới bụng chiếc C130. Càng lúc tiếng súng phòng không càng trở nên dày đặc hơn và tạo nên một mạng lưới đạn lửa đan chéo trên bầu trời. Thế mà chiếc máy bay vẫn chậm rãi tiến tới. Cho đến khi có mấy viên đạn lửa vụt lên cao, khỏi chiếc C130 thì nó có vẻ hốt hoảng. Tức thì, nó cất đầu bay thẳng lên cao bốn mươi lăm độ. Đạn phòng không vẫn tiếp tục đuổi theo nhưng không trúng đích. Lúc này dưới đất, hằng trăm khẩu súng khác từ khắp nơi cũng hùa theo nhả đạn. Bầu trời rền vang đủ loại tiếng súng nhỏ, súng lớn. Thật là khủng khiếp.
Tôi vẫn đứng trên nóc nhà, ngây người, chết đứng. Bỗng có vài tiếng đạn lạc đâu đó rơi trên mái tole làm tôi giật mình. Tôi vội vàng cùng đứa em họ biến khỏi mái nhà. Tiếng đạn rơi vẫn còn lác đác đâu đó.
Đến ngày 21-4-1975, khi không còn Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương đến văn phòng, thông báo là ông từ chức. Chiều tối hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình công khai quyết định của mình và giao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Trong bài diễn văn từ chức, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã điểm lại từng diễn biến liên quan đến Hiệp Định Paris. Ông nói chánh phủ Mỹ đã bội ước với nhân dân miền Nam Việt Nam. Họ đã cam kết bảo vệ tự do trên đất nước này và sẽ trả đũa ngăn chặn làn sóng đỏ của quân miền Bắc tiến công vi phạm Hiệp Định. Ông đau đớn, thất vọng nói “khi Cộng sản tiến công chiếm một tiền đồn họ vẫn giữ im lặng. Khi quân đội miền Bắc tràn vào một tỉnh lỵ, họ lại tiếp tục làm ngơ. Họ là đồng minh của ta hay của Hà Nội. Việt Nam Cộng Hòa không chỉ chiến đấu chống trả quân đội Bắc Việt mà còn cả thế giới xã hội chủ nghĩa đang hậu thuẫn tích cực cho Hà Nội.” Bài diễn văn gây xúc động mạnh với khán thính giả. Tuy niên nó cũng gây một phần tác động bất lợi đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ khiến họ càng hoang mang.
Có lẽ đây là bài diễn văn hay nhất, thật nhất trong cuộc đời chánh trị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Những ngày tiếp theo, làn sóng người chạy lánh nạn từ miền Trung bắt đầu xuất hiện. Anh tôi từ Viện Đại học Đà Lạt cùng vợ con di tản về Sài Gòn. Đại học Quản Trị Kinh Doanh tổ chức cho sinh viên trình luận án tốt nghiệp tại thương xá Tax. Báo chí liên tục báo tin từng bước co rút của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Một tờ báo đăng hình ảnh dòng người dân di tản kéo dài hằng ngàn mét với cái tít lớn: “Người dân miền Nam đã bỏ phiếu bằng chính đôi chân của họ”. Tình hình chiến sự mỗi ngày một lan rộng về miền Nam. Tin sân bay Biên Hòa rơi vào tay cộng sản và họ bắt đầu tiến quân về Thủ Đức khiến người Sài Gòn nhốn nháo.
Người Sài Gòn cũng bắt đầu chạy giặc. Đi đâu?!
Những người sống ở khu vực Thị Nghè, cửa ngỏ vào thành phố, khăn gói chạy về…Tân Định, Bà Chiểu. Nhiều nhà chỉ để lại một người trông coi. Xe lam, xe Daihatsu, xe gắn máy hai bánh chuyên chở mọi thứ có thể, chạy dập dìu trên đường phố. Những nhà ở ngay trung tâm thành phố thì thăm dò, chuẩn bị đi về miền Tây lánh nạn.
Đến ngày 24 tháng 4 tôi nhận sự vụ lệnh mới của Tổng Nha nhân viên, Bộ Giáo dục và Thanh niên thuyên chuyển về nhận nhiệm sở ở Ty Giáo dục và Thanh niên tỉnh Kiến Phong. Qua ngày hôm sau, ba tôi đèo tôi trên chiếc xe Yamaha nữ của anh chị tôi về miền Tây. Ra khỏi Sài Gòn thì chúng tôi bị chận lại ở chợ Bình Chánh. Tại đây, các xe đò về miền Tây bị giữ lại, kể cả xe hai bánh. Tôi cố nán lại hy vọng sẽ tiếp tục về quê nhưng đến xế chiều, tình hình vẫn không sáng sủa hơn. Tôi lại quay lại Thị Nghè và chờ đợi.
Thời gian không chờ đợi một ai cả. Ngày qua ngày… người Sài Gòn cuống cuồng vì có tin Cộng Sản Bắc Việt sẽ dành cho thành phố này một trận mưa pháo nếu… Rồi quân Bắc Việt cũng vượt qua cầu Sài Gòn và cầu Rạch Chiết.
Phó tổng thống Trần Văn Hương chưa kịp yên vị thì một hôm trên màn ảnh truyền hình xuất hiện vị Tổng Thống mới, Đại Tướng Dương Văn Minh. Ông chính thức lên tiếng kêu gọi toàn thể binh lính Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí. Đó là ngày trên tờ lịch hiện ra con số 30 tháng 04 định mệnh, cuộc sống của thành phố Sài Gòn dường như ngưng đọng lại trong một khoảnh khắc nào đó.
Đoàn quân Bắc Việt vượt qua ngã tư Hàng Xanh, dè dặt tiến vào Sài Gòn qua ngả Thị Nghè. Đi đầu là chiếc xe tăng T54, nối đuôi theo là những chiếc Mô lô tô va chở các bộ đội mang vẻ mặt ngơ ngác trước cảnh uy nghi đồ sộ của Sài Gòn. Họ rất cẩn thận khi một số dân chạy theo xe trao cho họ những ca nước mát. Khi đến gần cầu Thị Nghè, bỗng đâu có tiếng nổ phát ra từ chiếc tăng M48 đậu ngay dốc cầu, đoàn xe quân giải phóng khựng lại. Chiếc T54 lập tức chuyển qua tư thế tác chiến. Pháo tháp từ từ quay họng súng về phía chiếc M48. Người dân nhốn nháo tìm nơi ẩn náu. Một phát súng trực xạ nổ ra. Chiếc M48 run lên và khói đen bốc lên từ ổ pháo tháp. Một lúc khá lâu sau, khi không còn thấy phản ứng gì nguy hiểm, Chiếc T54 lại tiếp tục vượt qua cầu Thị Nghè.
Tôi nắm tay thằng em họ đi ngược về hướng Hàng Xanh, tò mò nhìn những anh bộ đội trẻ măng đang trố mắt nhìn người dân Sài Gòn đứng dọc theo hai bên đường. Họ lộ có vẻ ngỡ ngàng trước cảnh phố phường Sài Gòn khang trang đẹp đẽ. Được khoảng hơn trăm mét, gần ngã ba dẫn ra Hàng Xanh, tôi bỗng thấy một bãi bầy nhầy ngay trên mặt lộ. Khi đến gần thì rõ ra đó là một xác người bẹp dí xuống mặt đường như miếng bánh tráng. Miếng bánh tráng nằm dài, dẹp lép theo đúng đường bánh xích của một chiếc tăng vừa mới chạy qua. Thật là khủng khiếp.
Sau bữa cơm trưa, tôi lấy chiếc xe Yamaha đam đèo thằng em họ đi vào Sài Gòn. Qua cầu Thị Nghè, tôi cứ chạy tới mà không thật sự định hướng nào cả. Trên đường phố, vô số quân trang, quân dụng bị vứt bỏ nằm la liệt. Khi đến gần cổng sau Tòa Đại Sứ Mỹ, tôi chạy chậm lại và dừng xe tò mò nhìn vào. Bên trong cảnh tượng cũng bừa bộn như trên đường phố. Mấy đứa trẻ con bu quanh một chiếc đàn piano nằm hớ hênh ở lối vào hồ bơi. Chúng xòe cả hai bàn tay vỗ nhịp lên bàn phím như người ta chơi trống.
Rời khỏi nơi đây, tôi tiếp tục chạy về hướng Lê Văn Duyệt. Đến một ngả tư, nhiều người bu quanh một cây xăng. Một trạm bơm nơi đây không hiểu vì sao lại xì ra một dòng chảy toàn là xăng và mọi người đang thay nhau hứng lấy. Tôi dừng xe lại và để cho thằng em giữ xe. Tôi tìm được một lon nhớt không bên đường và cũng đến chờ phiên mình hứng được gần đầy lon. Thế là tôi an tâm tiếp tục cuộc hành trình.
Khá lâu sau, có lẽ đã vào gần tới Chợ Lớn. Tôi thấy một chiếc máy bay “đầm già” (L19) nằm vắt vẻo trên những sợi dây điện đường. Đoạn đường nơi đây hẹp hơn, hình như là đường Trần Hoàng Quân thì phải.
Khoảng hơn bốn giờ chiều, tôi quay về Thị Nghè và bị mắng cho một trận vì đã cả gan mạo hiểm.
Sáng hôm sau, ba tôi đưa tôi và đứa em họ ra bến xe miền Tây để tìm đường về quê. Lúc này, bến xe miền Tây gần như chưa hoạt động vì các quầy vé vẫn còn trông trơn. Xe trong bến cũng thưa thớt, có lẽ vì các xe từ miền Tây chưa lên được. Bên ngoài có mấy chiếc xe hàng trống không đang mở cửa sau để đón khách. Thế là chúng tôi phải về quê bằng xe hàng.
23 Tháng Tư - 2016
Từ Facebook của Ngô Quang Hòa
_https://www.facebook.com/quanghoa.ngo.980?pnref=story