PDA

View Full Version : Ninh Thuận ngắc ngoải với nắng hạn



duyanh
03-31-2016, 01:41 PM
Ninh Thuận ngắc ngoải với nắng hạn




http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/ninh-thuan-is-dy-w-the-drought-ttvn-03302016105049.html/620.jpg/image
Sông Trà Khúc Quảng Ngãi - bãi bồi cát trước đây là lòng sông


http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/ninh-thuan-is-dy-w-the-drought-ttvn-03302016105049.html/03302016-ttvn-khohan.mp3

Nắng hạn đã làm một số huyện ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận khô cháy, đời sống của người dân khó khăn vì thiếu nước. Những dãy núi trơ đá và đất khô như bốc lửa, những con sông trơ đáy cát và người dân mang lều chõng xuống lòng sông để ở tạm, để lấy chút hơi nước còn sót lại nơi đây… Có thể nói rằng nắng hạn đã hoành hành trên toàn cõi Việt Nam. Và mối nguy khô cạn lương thực bởi các loại cây nông nghiệp không thể phát triển đang là mối nguy rình rập tương lai Việt Nam.

Đất đai khô cằn, nông nhiệp chết đứng

Ông Thống, một nông dân ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ:“Thuận Bắc, Thuận Nam với Bác Ái, hạn nắng. Mấy bữa nay cũng nóng nhưng đỡ hơn, nhờ bên quân đội họ cung cấp nước.”

Theo ông Thống, đã nhiều năm nay ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận dựa vào nước trời mặc dù vẫn có nhà máy thủy lợi và nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, một khi các con sông đều bị cạn và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì vấn đề nước sinh hoạt hết sức khủng hoảng. Ninh Thuận có điểm khác những tỉnh khác là rất khó để khoan giếng bởi khoan xuống chừng vài chục mét thì gặp toàn đá khối. Mà có khi khoan cả tháng trời vẫn không tìm thấy nước.

Chính vì địa hình quá phức tạp nên hầu hết các dịch vụ, các công ty chuyên về khoan giếng, khoan thăm dò nước đều ký những hợp đồng thăm dò với giá thành lên đến cả trăm triệu đồng mới dám tiến hành. Bởi nếu ký ở mức thấp thì các công ty này sẽ bị thua lỗ. Thậm chí ký hợp đồng với mức giá cả trăm triệu đồng, thăm dò cả tháng trời cũng chưa chắc đã lấy được tiền vì khoan không được giếng, không tìm ra mạch nước. Những trường hợp như vậy, công ty thăm dò nhận 20% giá trị hợp đồng để bù vào tiền xăng dầu, tiền công coi như mất trắng.

Và với người dân, mặc dù là người có tiền nhưng mất hai chục triệu đồng để biết được trong vườn nhà mình không có mạch nước cũng là một nỗi thất vọng. Trong khi đó mặt bằng kinh tế chung của của Ninh Thuận phải nói là nghèo khổ, bởi nắng hạn, bởi thời tiết khắc nghiệt và bởi các loại dịch vụ đều không phát triển. Chính vì vậy, hiếm có gia đình nào đủ tiền để ký hợp đồng thăm dò mạch nước, để khoan cho mình một cái giếng mà lấy nước.

Như gia đình ông Thống là một ví dụ, ông chưa bao giờ dám mơ mình có một giếng nước trong vườn nhà bởi chuyện đó quá xa vời. Ngay cả căn nhà gia đình ông đang sống, nếu tính hết từ trước ra sau, từ trên xuống dưới mà cộng lại vẫn chưa tới một trăm triệu đồng thì thử hỏi ông lấy đâu ra một trăm triệu mà khoan giếng?!

Bởi vì ngành nông nghiệp hay chăn nuôi ở Ninh Thuận vẫn quanh quẩn với cây lúa, cây táo, giàn nho, con dê, con cừu, con bò. Những gia đình có đủ điều kiện đầu tư thì trồng nho, trồng táo, nuôi cừu, nuôi dê. Những gia đình khó khăn thì bám đám ruộng, vãng mùa lại vào Nam làm thuê, đến mùa lại về, đôi khi đi làm vài tháng chỉ đủ tiền để đi xe, thuê máy gặt hoặc thuê công gặt, rồi lại vào Nam. Cái vòng lẩn quẩn này chưa bao giờ dứt đối với người nghèo.

Ông Thống cho biết thêm là hầu hết nông dân đều trồng lúa, chỉ có vài chục gia đình khá giả, đủ vốn mới đầu tư trồng nho, táo, trồng cỏ nuôi bò, cừu, dê. Nhưng những gia đình chăn nuôi cao cấp như vậy chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nước sử dụng gia đình thiếu hụt

Một nông dân khác tên Thị, ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: “Ở trên Bác Ái và Cà Ná, người dân phải mua nước giếng từ các xe tải nước, giá nước khá đắt, tùy vào đoạn đường vận chuyển mà người ta tính cước. Trâu bò thì người ta thả lên núi để ăn, tối tự tìm về, chứ dưới đồng bằng thì không có cỏ để ăn. Chỗ em gần sông, tuy có khô nhưng vẫn xoay xở được. Ở trên Bác Ái và Bồ Bnn thì ruộng bỏ khô hết, không có nước để canh tác…”.


http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/ninh-thuan-is-dy-w-the-drought-ttvn-03302016105049.html/400.jpg/image
Giếng khô nước ở Tháp Chàm. RFA photo

Theo bà Thị, thời tiết năm nay nắng nóng khác thường, trâu bò, heo gà suốt ngày thở dốc và người nông dân đã phòng ngừa chuyện gia cầm, gia súc chết vì nắng nóng nên hầu hết đã bán tháo từ tháng Giêng. Những gia đình nào giữ lại gia cầm, gia súc phải chật vật vì nước. Bởi con người mỗi ngày uống hai lít nước thì trâu bò, dê cừu cần đến cả chục lít.

Đương nhiên nước của gia cầm và gia súc không nhất thiết phải vệ sinh như nước dùng của con người. Nhưng trong tình trạng ao hồ, sông suối khô cạn, bao nhiêu vi trùng và trứng giun dồn vào một hố nước nhỏ, múc về cho gia cầm, gia súc uống chẳng khác nào thử vận đỏ đen. Chính vì vậy người nông dân phải dùng nước uống của mình để cho các con vật cùng uống.

Và giá thành mỗi mét khối nước hiện nay dao động từ năm mươi ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng. Tùy vào chỗ ở của người mua nước mà người cung cấp nâng giá, ví dụ như đường đất, có nhiều dốc và ở sâu trong làng thì giá mỗi khối nước là hai trăm ngàn đồng, còn nhà ở trên quốc lộ, đường lớn thì giá dao động từ năm chục ngàn đồng đến một trăm ngàn đồng, tùy vào khoản cách xa gần mà định giá.

Bà Thị cho rằng nước người ta bán không rõ nguồn gốc, có thể là nước thủy cục mà cũng có thể là nước bơm lên từ giếng. Chắc chắn không phải là nước sông bởi vì các con sông đều khô cạn và bẩn. Nếu chạy một quãng đường xa lên sông cái ở tít tận bên Phan Thiết để lấy nước thì người ta lấy nước thủy cục đi bán có nhiều lãi hơn.

Việc thiếu nước xảy ra trầm trọng đối với những nông dân nghèo, sống xa thành phố. Tuy nhiên, những nông trại được đầu tư tốt lại có nguồn nước tưới rất thoải mái, được cung cấp bởi thủy cục. Những vườn nho vẫn xanh rờn nhờ nguồn nước tưới dồi dào. Các trang trại nho có riêng đường ống dẫn nước từ đường ống của thủy cục về trang trại. Và mức đầu tư cho mỗi đường ống như vậy có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Mức giá này vượt ngoài khả năng của số đông nông dân nghèo nàn, lạc hậu và cộng đồng người Chăm trên đất Ninh Thuận.

Một chủ trang trại nho ở Thuận Nam, Ninh Thuận chia sẻ: “Nguồn nước ở đây của chúng tôi rất thong thả. Chỉ có mấy huyện ở xa thành phố kia mới thiếu nước, khô hạn chứ chúng tôi vẫn an toàn, vẫn ổn…”.

Theo ông này, nguồn nước để tưới tiêu cho trang trại nho của ông mỗi tháng có thể lên đến vài trăm khối, những ngày nắng nóng ông phải tốn vài chục khối nước để tưới nho, tưới cỏ cho bò và sinh hoạt trong gia đình. Nhìn chung, nguồn nước gia đình ông vẫn rất thoải mái, không có gì đáng quan ngại.

Lời chia sẻ hết sức chân thật của người chủ trang trại nho là một sự thật, hầu hết các chủ trang trại nho muốn tồn tại phải đầu tư mạnh vào nguồn nước và họ chấp nhận giá thành rất cao để có nước tưới hằng ngày. Thật khó để nói rằng khi nguồn nước dành cho tưới nho quá nhiều trong khi luợng nước cung cấp có hạn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sinh hoạt của người nông dân. Bởi làm ăn ở Việt Nam cũng giống như đã phóng lao thì phải theo lao, nếu dừng thì chết.

Ngay cả những người trồng nho cũng mong mỏi một chính sách có khoa học và hợp lý để cả những hộ kinh doanh và người nông dân không phải khắc khoải lo âu về nguồn nước, không phải chứng kiến cảnh cánh đồng ngày càng thêm giống sa mạc, đất đai khô khốc, tâm hồn con người cũng khô khốc, trơ trọi và hoang mang!



https://www.youtube.com/watch?v=J0e6BQ9xrQE


RFA