khieman
03-21-2016, 11:20 PM
.
Hành trình tìm tự do bằng tàu thuyền qua ngả Thái Lan
Nhật Tiến
Lời người post:
Kể từ tuần lễ này (21-3-2016), dưới sự hướng dẫn của GS Trần Đông thuộc Văn Khố Thuyền Nhân, một phái đoàn gồm 36 người đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Pháp, Úc…đã đi Thái Lan với mục đích thăm viếng lại những dấu tích của thuyền nhân ở những nơi như Pakpanang, Songkhla….thuộc miền Nam Thái Lan và nhất là sẽ tìm tới đảo Kra (Koh Kra), một hòn đảo lẻ loi, đơn độc nằm giữa vịnh Thái Lan, nơi vốn được coi là một địa ngục kinh hoàng của thuyền nhân VN dưới bàn tay bạo hành của hải tặc vào thời điểm từ cuối thập niên 70’s qua gần hết thập niên 80’s của thế kỷ trước.
Vào thời gian ấy, kể từ 30-4-1975 khi cuộc chiến chấm dứt, dân chúng miền Nam đã phải sống dưới sự hà khắc của một đám lãnh đạo CSVN hung hãn, kiêu căng, ti tiện và thù dai một cách hèn mạt nên đã thiết lập một chế độ kỳ thị, nghiệt ngã, vừa tước đoạt tự do trên mọi lãnh vực vừa tịch thu nhà cửa, tài sản của hầu hết giới trung lưu rồi còn đẩy con người đi tới những vùng đất chết được gọi là Kinh Tế Mới. Đây là lý do đã có cả triệu con người liều chết bỏ nước ra đi bất chấp sóng gió, hải tặc ngoài biển Đông hay núi cao, rừng thẳm đầy đe dọa chết chóc nếu vượt biên bằng đường bộ, bởi thà chết còn hơn kéo dài một đời sống triền miên bị đọa đầy, mất tự do, mất nhân phẩm, mất quyền làm người kể cả tương lai của con cái. Theo ước tính của nhiều cơ quan thiện nguyện thì có đến gần nửa triệu người vùi xác ngoài biển Đông trên đường tìm tới Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Indonesia… và riêng trên đảo Kra hay ngoài khơi quanh đảo thì cũng đã có tới 600 thuyền nhân thiệt mạng.
Cho nên, thảm kịch thuyền nhân này truy tận nguồn gốc thì đã xuất phát từ chế độ tàn bạo, hà khắc của Đảng CSVN, điều mà lịch sử cận đại VN cần ghi rõ và nhân dân miền Nam không bao giờ quên cũng như luôn nhắc nhở con cháu về nguyên nhân tại sao thế hệ cha, ông của chúng phải bỏ nước ra đi.
Nhân dịp Đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV cũng có mặt trong phái đoàn đi thăm viếng đảo Kra để làm phóng sự tường trình cùng là tưởng niệm những thuyền nhân xấu số, chúng tôi xin mời quý vị đọc bài viết dưới đây của nhà văn Nhật Tiến. Ông vốn là một trong những chứng nhân trực tiếp từ đảo Kra và đã viết bản văn này ngay khi đặt chân tới trạm Cảnh Sát Quận Pakpanang sau 21 ngày bị bạo hành trên đảo Kra và được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Thái Lan giải cứu cùng với 156 thuyền nhân khác.
http://www.refugeecamps.net/images/kohkra.jpg
Hành trình tìm tự do bằng tàu thuyền qua ngả Thái Lan
Nhật Tiến
Ðào thoát khỏi quê hương đang bị Cộng sản cai trị để tìm về một xứ sở tự do, đó là điều mà hầu hết những người Việt Nam hiện nay đều mơ ước. Trước chúng tôi và cả sau chúng tôi nữa sẽ còn nhiều đoàn người tiến ra biển Ðông, bằng tàu thuyền, đem chính mạng sống của mình thách đố với muôn vàn hiểm nguy một phần sống, chín phần chết.
Có những đoàn người đã thành công rực rỡ, nay đã sống yên ổn ở một đất nước tự do, nhưng cũng có không thiếu gì những đoàn người đã chết dũng cảm trong âm thầm và tức tủi giữa sóng gió ngoài biển Ðông. Chúng tôi đã tích lũy những kinh nghiệm sống của người đi trước để chuẩn bị cho chuyến đi của chính mình, và chúng tôi cũng mong mỏi rằng cuộc hành trình gian khổ của chúng tôi sẽ đem lại cho những người đi sau một số kinh nghiệm mới. Chính vì tinh thần liên đới đó mà chúng tôi tường thuật lại chuyến đi của mình, đồng thời chúng tôi cũng mong mỏi rằng những đau thương mà chúng tôi phải chịu đựng trên con đường đi tìm tự do sẽ góp phần làm rạng rỡ thêm ý nghĩa cao quý của hai chữ TỰ DO.
Ðoàn chúng tôi gồm 81 người, bao gồm những nhóm nhỏ của nhiều gia đình chưa từng quen biết nhau, và chúng tôi chỉ thực sự gắn bó với nhau kể từ khi cùng nhau chia xẻ những biến cố đau thương mà chúng tôi đã trải qua trong cuộc hành trình. Kiểm điểm lại, thành phần của chúng tôi khá phức tạp: Có những người thuộc giới văn nghệ sĩ như nhà văn, ký giả, phóng viên báo chí, đạo diễn ngành vô tuyến truyền hình, có những người thuộc giới khoa học kỹ thuật như giáo sư đại học, kỹ sư nông lâm, kỹ sư hóa học, chuyên viên ngành vô tuyến viễn thông, huấn luyện viên ngành sửa chữa cơ khí máy bay, cũng có cả thầy tu, ni cô, các sĩ quan từ cấp Úy đến cấp Tá đào thoát khỏi trại cải tạo của Cộng sản, nhưng thành phần đông nhất cũng vẫn là các anh chị em sinh viên thuộc đủ mọi phân khoa đại học Sàigòn nằm trong hạn tuổi nghĩa vụ quân sự của nhà nước Cộng sản.
Chúng tôi rời Việt Nam vào ngày 19-10-1979 xuất phát từ Vũng Tàu, dự định tiến về hướng Mã Lai với hy vọng được tàu bè của các nước tự do cứu vớt. Nhưng chỉ mới ra khơi được gần một ngày thì biển động dữ dội. Tự liệu con thuyền mỏng manh 14 thước của chúng tôi không thể chịu nổi sóng gió to lớn, chúng tôi bắt buộc phải đổi hướng đi xuôi dọc theo bờ biển Việt Nam với chủ đích sẵn sàng chấp nhận số phận trở lại Việt Nam khi nào con thuyền không còn hy vọng đi xa. Quả nhiên, qua sang ngày thứ ba thì thuyền của chúng tôi bị chết máy, bình điện lại hư không thể cho máy nổ được trở lại. Thế là chúng tôi đành bó tay mặc cho sóng gió đưa đi qua mũi Cà Mâu và sau đó đẩy chúng tôi ngày càng xa hải phận Việt Nam. Kể từ đó chúng tôi mất định hướng, không chấm nổi toạ độ con thuyền, đành phó mặc cho sóng gió đưa đi.
Tám ngày lênh đênh trôi giạt, dù ở trên thuyền đói ăn, thiếu uống trầm trọng (có người phải đi tiểu rồi uống), nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì nhiệm vụ chia phiên tát nước bằng lon hộp cầm tay, 24 giờ trên 24 giờ để đối phó với tình trạng nước vào thường xuyên trong các khoang thuyền. Ðêm đêm, chúng tôi cũng còn chia phiên gác lửa đốt lên làm hiệu với hy vọng tàu bè lưu thông trên biển nhìn thấy mà cứu vớt. Tiếc thay chúng tôi đã gặp 7, 8 con tàu đi qua trước mắt, nhưng không một tàu nào quan tâm tới dấu hiệu báo nguy khẩn cấp của chúng tôi. Cho tới ngày thứ 10 của cuộc hành trình thì chúng tôi gặp một tàu đánh cá, khi đó chúng tôi mới biết là mình đã trôi giạt vào vịnh Thái Lan. Những ngư phủ trên tàu này đã mở một cuộc lục soát đầu tiên trên con tàu của chúng tôi, tịch thu tất cả đồ nữ trang, đồng hồ và một số quần áo mà họ ưng ý. Sau đó họ sửa chữa máy móc, cho mượn bình điện để nổ máy và chỉ tọa độ cho chúng tôi đi vào đất liền. Nghe tiếng máy nổ ròn rã trở lại trên thuyền, chúng tôi vô cùng phấn khởi và vui mừng.
Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu, ngay 5 giờ chiều của ngày hôm sau chúng tôi lại bị hai tàu đánh cá khác kè sát, những ngư phủ lại nhảy qua lục soát chúng tôi thêm 2 lần nữa, đồ đạc quần áo còn lại đều bị tước đoạt. Tuy mất mát đủ thứ nhưng chúng tôi vẫn khấp khởi mừng thầm bởi vì cho tới khi đó những phụ nữ trên thuyền của chúng tôi chưa có ai bị xâm phạm. Hình như vì không cướp bóc được vật gì quý giá, những ngư phủ trên một trong hai tàu đã tức giận muốn húc chìm con thuyền của chúng tôi. Toàn bộ phụ nữ và trẻ em trên thuyền phải kéo nhau lên hết trên mui quỳ lạy họ liên hồi, do đó con thuyền mong manh của chúng tôi chỉ bị húc văng xuống biển nguyên một cái mái che ở trên cùng dùng làm chỗ cho tài công quan sát, đặt hải bàn để lèo lái con thuyền.
Cuối cùng một chiếc tàu đánh cá bỏ đi, còn một cái nữa đã dòng giây qua thuyền của chúng tôi để kéo vào hoang đảo Kra nơi cách địa phận quận Pakpanang thuộc tỉnh Nakornsri Thamaraj chừng 5, 6 giờ tàu chạy. Trời lúc đó đã tối hẳn, chủ tàu cho đốt đèn lên, lùa chúng tôi qua hết bên tàu của họ, rồi sau đó lại tuần tự kêu từng người trong nhóm chúng tôi ra để lục soát tỉ mỉ một lần nữa với mục đích tìm vàng hay dollars cất dấu. Mọi người sau khi bị khám xong được đưa trở lại thuyền cũ, cứ thế cho đến hết. Cuối cùng chúng tôi được họ kéo thuyền cho cập sát vào đảo để đổ bộ lên, còn con thuyền thì họ dòng qua một bãi khác để tháo máy móc mang đi.
Toàn thể chúng tôi ai nấy đều vui mừng khi được đặt chân lên đất liền dù chỉ là một cái đảo hoang. Cơn sợ hãi vì đắm thuyền giữa biển cả kéo dài từng giờ, từng phút triền miên trong tám ngày đêm liên tiếp bây giờ kể như đã chấm dứt. Chúng tôi nằm lăn trên bãi biển đầy sỏi đá san hô, lòng nhẹ nhàng như vừa cất được một gánh nặng, sau đó ai nấy đều ngủ được một giấc an lành nhất kể từ ngày ra đi.
Hai ngày sau đó chúng tôi tổ chức tạm thời đời sống ở trên đảo với một số thực phẩm mang được từ thuyền xuống. Nhờ một hang đá chật hẹp, chúng tôi đã có thể trú chân che mưa nắng cho phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi cũng cho cắm một lá cờ trắng sơn ba chữ S.O.S lên một mỏm đá cao với hy vọng mong manh rằng các tàu bè hay phi cơ qua lại sẽ nhìn thấy chúng tôi mà cứu vớt. Do thực phẩm ít ỏi, chúng tôi hạn chế mỗi bữa chỉ ăn mỗi người một chén cháo loãng cầm hơi. Nước ngọt có sẵn ở những hõm đá trên núi cao do nước mưa đọng lại. Những toán thanh niên khỏe mạnh hàng ngày thay phiên nhau mang bình nhựa leo lên những sườn núi thật dốc và trơn trợt để lấy nước mang về. Bụng đói chân rũ, nhiều người suýt mất mạng vì trượt té trong những lần đi lấy nước suốt thời kỳ chúng tôi còn sống trên đảo. May mắn thay, không có ai bỏ mạng trừ một trường hợp duy nhất bị té rách một mảng da đầu.
Hai ngày đầu tiên trôi qua êm ả, chúng tôi có dịp đi quan sát một vòng quanh đảo. Chúng tôi phát hiện nhiều dấu tích của những toán người tỵ nạn Việt Nam đi trước chúng tôi cũng đã đặt chân trên đảo này. Có chỗ họ đã ghi lại kỷ niệm bằng sơn trắng trong vách đá, có chỗ họ đã dùng than củi ghi chép những kinh nghiệm sống trên đảo lên 4 bức tường vôi của một căn chòi xây bằng gạch, nơi chứa những bình gaz để thắp sáng một ngọn hải đăng duy nhất trên đỉnh núi. Dù thời gian có làm cho dấu than phai nhạt, chúng tôi cũng đã được truyền lại những kinh nghiệm hết sức hãi hùng: Nào là đàn bà phụ nữ khi đặt chân lên đảo phải lập tức tìm cách trốn lên núi cao hay rừng sâu để khỏi bị hãm hiếp, nào là những ngư phủ Thái Lan ở quanh vùng đó hầu hết vừa đánh cá, vừa cướp biển. Họ có thể cho gạo, cho cá ban ngày, nhưng ban đêm thì kéo phụ nữ đi hành hạ tập thể.
Ðể minh chứng cho những lời căn dặn này, rải rác ở trên đảo, chúng tôi đã gặp những đám tóc của phụ nữ đã bị cắt rời. Hẳn các phụ nữ trước đây đã phải cắt tóc giả trai để tránh cặp mắt của các ngư phủ Thái Lan. Những sự kiện đó băt đầu nhen nhúm trong lòng chúng tôi một nỗi kinh hoàng, mỗi lúc một thêm sâu đậm như mây đen dần dần lan tới bầu trời sắp nổi cơn dông bão. Chúng tôi bắt đầu đặt vấn đề để thực hiện theo lời căn dặn của những người đi trước, nhưng nỗi lo xa đó chưa kịp thực hiện thì ngay trong buổi chiều của ngày thứ nhì chúng tôi đặt chân lên đảo, mọi người phát hiện có một tàu hải quân Thái Lan đang rẽ sóng tiến vào đảo. Ôi xiết bao là vui mừng. Chúng tôi tưởng như đã có phép lạ ban xuống cứu giúp chúng tôi ra khỏi cơn hãi hùng mà đồng bào đi trước của chúng tôi đã phải chịu đựng. Mọi người trong chúng tôi đều kéo hết lên mỏm núi thi nhau vẫy gọi bằng cờ S.O.S, bằng quần áo, bằng khăn mặt. Cuối cùng, những người mặc sắc phục hải quân Thái Lan cũng neo tàu và đi xuồng vào đảo. Họ yêu cầu gặp đại diện của chúng tôi để hỏi han và ghi chép vào biên bản những dữ kiện cần thiết. Họ cũng đi thăm nơi ăn chốn ở của chúng tôi. Sau đó họ rời đảo với một hứa hẹn đầy khích lệ:
"Chúng tôi sẽ trở lại gặp các bạn sau."
Ðối với chúng tôi, sự hiện diện của họ là một cứu tinh của chúng tôi về cả hai phương diện, một là chắc chắn không bao giờ chúng tôi bị bỏ rơi trên đảo hoang giữa biển cả mênh mông này, hai là kể từ giây phút đó, chúng tôi đã được đặt dưới quyền bảo trợ của chính phủ Thái Lan, ít ra là cũng về mặt an ninh, không còn lo sợ cướp bóc hay hãm hiếp. Trong số chúng tôi đã có người lạc quan nói:
"Bây giờ ai đụng đến chúng mình tức là đụng đến luật pháp của nhà nước Thái. Chẳng ngư phủ nào lại dại dột đi làm chuyện đó."
Trên căn bản lạc quan ấy, chúng tôi lại được sống qua một đêm an lành nữa, mọi người vui vẻ trò chuyện bên đống lửa đốt cao, có thể nói đó là đêm an lành cuối cùng mà chúng tôi được sống trong chuỗi ngày còn lại sau này ở trên đảo. Bởi vì sau đó mòn mỏi từng ngày, từng giờ, chúng tôi đỏ mắt trông chờ chiếc tàu Hải quân mang số 15 quay trở lại như đã hứa nhưng họ vẫn biệt tăm.
Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không thể hiểu nổi thái độ bỏ rơi một cách phũ phàng đó của họ. Làm sao có thể hiểu nổi khi chúng ta đang sống ở giữa thế kỷ 20 này trong một quốc gia có truyền thống tốt đẹp như quốc gia Thái. Nhưng thực sự là chúng tôi đã bị bỏ rơi. Nếu ngày nay chúng tôi còn sống sót đó là nhờ vị đại diện của cơ quan Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan đã tổ chức và sắp xếp đưa chúng tôi vào đất liền.
Ngay buổi tối của ngày hôm sau chiếc tàu Hải quân đã bỏ đi, chúng tôi bắt đầu nếm mùi của đêm kinh hoàng thứ nhất. Trời vừa chập choạng tối thì một toán ngư phủ Thái Lan võ trang bằng súng trường, búa và dao găm đã đốt đuốc sáng rực ùa vào chỗ chúng tôi nằm. Họ bới tung khắp mọi chỗ, lục soát kỹ lưỡng từng người một, kiếm chác thêm một số quần áo nữa rồi bỏ đi. Toán này vừa ra, toán khác ùa vào, lại lục lọi, lại bới móc, cứ thế tiếp diễn đến quá nửa khuya, tổng cộng riêng trong tối hôm ấy chúng tôi bị ba toán cướp vào lục soát liên tục. Riêng toán cuối cùng sau khi moi móc đã dồn tất cả đàn ông, thanh niên vào hết trong hang đá rồi canh giữ bằng súng ở bên ngoài. Sau đó bọn chúng lùa đàn bà đi một chỗ xa để hãm hiếp.
Trong đêm tối của bầu trời đầy sương đêm và gió lạnh chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng của trẻ em la hét khi bị giật ra khỏi vòng tay người mẹ, tiếng kêu khóc van xin thảm thiết của những phụ nữ chân yếu tay mềm. Bọn đàn ông thanh niên chúng tôi chỉ đành cắn răng nghẹn ngào nuốt căm hờn và tủi nhục dưới họng súng để duy trì mạng sống cho tất cả mọi người. Cơn kinh hoàng tột độ đó kéo dài tới gần sáng mới chấm dứt. Những phụ nữ được kéo trở về nằm bết bát trên nền sỏi đá san hô. Nhiều người tấm tức khóc. Nhiều người lả đi trong vòng tay nghẹn ngào tủi nhục của thân nhân. Kiểm điểm lại nhân số, chúng tôi phát hiện thiếu mất một người. Thế là chúng tôi phải cùng nhau đốt đuốc đi tìm. Tiếng la, tiếng gọi hú lên trong vách đá át cả tiếng sóng vỗ vào men bờ nghe hãi hùng và thê thảm đến rợn người. Cuối cùng chúng tôi đã tìm được người bị mất tích nằm bất tỉnh trên mỏm đá ngoài bờ biển, thì ra cô này lúc bị bọn cướp lôi đi đã vùng chạy lên bờ đá cao ở ven biển rồi lao mình xuống nước tự tử, rất may sóng xô mạnh đẩy dạt vào bờ, kẹt vào một hốc đá nằm bất tỉnh.
Sau đêm đau thương và kinh hoàng đó, chúng tôi bắt buộc phải tổ chức cho phụ nữ đi trốn theo lời căn dặn của những người Việt Nam tới trước. Có nhóm phụ nữ lẻn vào rừng sâu nằm yên chịu trận với mưa gió lạnh lẽo suốt ngày đêm giữa những bụi rậm um tùm đầy rắn rết và bọ cạp, những con bọ cạp chỉ chích nhẹ một vòi là bắp thịt sưng vù lên và nhức buốt lên tới óc. Cũng có nhóm trèo lên núi cao chênh vênh, vách đá trơn trợt để chui vào những bụi cây um tùm, trong số này đã có những người bị trượt ngã xây xát khắp mình mẩy, nhưng rất may không có ai bị rớt xuống bãi biển qua vách đá dựng đứng ở cả hàng trăm thước bề sâu. Nhiều phụ nữ khác chui nhủi vào những mỏm đá ngoài bờ biển ngâm chân suốt ngày đêm trong nước mặn, lúc nào lưng cũng phải khom xuống vì trần đá thấp. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không thể hiểu được làm thế nào mà những phụ nữ yếu đuối như thế lại có thể chịu trận trong những điều kiện thảm thương đó trong suốt 18 ngày liền còn lại trên đảo. Chỉ biết tối hôm cuối cùng được cứu ra, hầu hết bị ngất xỉu và phải mất một thời gian khá lâu mới cử động lại được như bình thường. Nếu như thảm kịch đó kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa, chắc chắn sẽ có người bại liệt.
Công việc tiếp tế cháo loãng (khẩu phần cho một người mỗi bữa là một chén nhỏ) cho đám phụ nữ đi trốn đều do đàn ông thanh niên phụ trách. Nhưng biện pháp đi trốn như vậy không phải là nơi nào cũng an toàn. Những ngư phủ Thái lan quanh vùng hầu như đều rất thông thạo địa thế ở trên đảo vì thế trong những ngày kế tiếp họ thi nhau đi lùng sục cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhiều ổ trốn tránh đã bị phát hiện và những phụ nữ đã bị lôi ra đánh đập và chịu đựng những cuộc hãm hiếp tập thể có khi lên đến cả chục tên cùng một lúc. Nhiều tên có máu bạo dâm đã vừa hành lạc vừa đánh đập phụ nữa đến ngất xỉu, có người bị chúng đấm liên hồi vào bụng đến nỗi bây giờ hãy còn bị chấn thương.
Trong tình cảnh hãi hùng đó, chúng tôi phải thay đổi chỗ ẩn núp cho phụ nữ luôn luôn bằng cách đưa họ vào rừng sâu hơn, leo trên núi cao hơn, công việc tiếp tế hàng ngày vì thế mỗi lúc một cam go hơn, có một chỗ xa nhất chúng tôi đã phải vừa đi vừa về mất hết nửa ngày. Nhưng sự vất vả đó không thấm thía gì so với những nỗi gian truân mà các phụ nữ phải chịu đựng khi đi trốn. Ðói, lạnh, mưa gió có khi rả rích suốt đêm, quần áo ướt đẫm hàng tuần lễ không một lúc nào khô tráo, đã thế nỗi lo sợ bị cướp phát hiện, nỗi kinh hoàng về đêm nghe tiếng sột soạt trong bụi, có thế rắn, rết, cũng có thể là những đám chuột rừng đông nhung nhúc thường hay bò ra từng đàn đi lục lọi đồ ăn ở khắp mọi nơi. Kinh khủng nhất là những con rết trên núi cao, con nào con nấy to gần bằng cái đũa cả để ghế cơm hàng ngày. Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đã đủ rợn người, vậy mà những phụ nữ của chúng tôi đã thực sự nằm giữa rừng sâu trong bóng tối âm thầm lạnh lẽo với đủ loại sinh vật kinh tởm bao quanh, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.
Trong khi số phận đàn bà phải chịu trăm cay nghìn đắng như thế thì đàn ông, con trai cũng không tránh được những nỗi hiểm nguy. Hàng đêm chúng tôi không bao giờ được ngủ yên một giấc cho tới sáng, có khi là trời thường xuyên đổ mưa 3, 4 trận, phải chạy đi tìm gốc cây ẩn núp (chúng tôi ngủ ngoài trời) nhưng điều đó không đáng kể bằng sự thường xuyên chúng tôi bị những toán cướp soi đèn vào mặt mấy lần mỗi đêm để lùng tìm phụ nữ. Có những người bị chúng lôi ra đánh đập để tra khảo bắt chỉ chỗ trốn của phụ nữ, cũng có người đã bị chúng xiết cổ bằng dây thừng đến rướm máu để bắt cung khai kẻ nào còn cất dấu vàng hay đô la.
Thê thảm nhất là một trường hợp vì muốn bảo vệ tiết hạnh cho người thân, có người đã bị chúng dùng búa rìu bổ vào đầu đến bể trán rồi xô xuống vách đá ngoài bờ biển, nhưng rất may không chết. Một ông già mang mấy chiếc răng vàng ở hàm trên đã bị chúng dùng dao nậy ra lấy vàng, đau đớn đến ngất xỉu. Nói chung trong suốt khoảng thời gian còn lại sống trên đảo không một ngày nào chúng tôi không phải trải qua những cơn kinh sợ hãi hùng cả ngày lẫn đêm. Bởi vì tàu đánh cá thì đông, toán này đi toán khác tới, nhất là những hôm biển động họ đậu đen nghẹt quanh lối vào bãi biển ở trên đảo. Có những lần chúng tôi đếm được trên dưới 40, 50 chiếc. Tất nhiên không phải là tàu nào cũng đưa ngư phủ vào đất liền quấy nhiễu. Nhưng chỉ cần một vài tàu thôi cũng đủ gieo rắc cho chúng tôi biết bao tủi nhục, kinh hoàng.
Trong cơn tuyệt vọng cùng cực đó, chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện và chờ trông con tàu hải quân bữa trước trở lại cứu vớt chúng tôi ra khỏi địa ngục hãi hùng. Nhưng càng trông càng đỏ mắt, trong thâm tâm chúng tôi, nỗi tuyệt vọng bị bỏ rơi trên hoang đảo bắt đầu nhen nhúm và ngày càng trở nên rõ ràng sâu đậm hơn. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy thấm thía cái ý nghĩa chua xót và hãi hùng của cuộc sống không có ngày mai với số lương thực ngày càng cạn dần và cơn mỏi mệt, rã rời vì vẫn phải thường trực đối phó với những sự sách nhiễu, lùng sục của các ngư phủ cả ngày lẫn đêm.
Ngày 8-11-79, thêm một tàu tị nạn nữa được ngư phủ Thái lan đưa vào đảo, tổng số 21 người, bị tàu Thái Lan quăng xuống biển chết đuối ngoài khơi một người, nên chỉ còn 20 người. Qua ngày hôm sau, 9-11, lại thêm một tàu 37 người Việt Nam được đưa vào bờ. Rồi tới ngày 15-11, một tàu tị nạn thứ tư tới hoang đảo với tổng số 34 người, vì bị tàu đánh cá xô họ xuống biển cách xa bờ một cây số nên có 16 người bị chết đuối, trong đó có 4 phụ nữ và 3 trẻ em. Số 18 người sống sót bơi được vào bờ chưa kịp nghỉ ngơi, phụ nữ đã bị lôi đi hành hạ ngay, thật dã man và mọi rợ không thể tưởng tượng được. Qua ngày 16 tháng 11 có một xác thanh niên 19 tuổi được sóng đánh xô vào vách đá, mọi người xúm lại vớt lên và làm một đám tang giản dị. Thi hài được bỏ vào một túi nylon duy nhất còn lại trên đảo và đặt trên một tấm ván có 4 người khiêng. Nhiều người đi sau cầu kinh lâm râm. Một cái hố sẵn có ở gần đó được dùng làm huyệt: Sau này, chúng tôi được biết ngay cái hố đó đã chôn 4 xác trẻ em từ những tàu thuyền tới trước. Xác chết được đưa xuống hố và được lấp kín bằng đá sỏi san hô. Ðau thương đã cùng cực rồi nên không còn ai bật được ra tiếng khóc, chỉ thấy những giọt lệ nghẹn ngào rưng rưng qua khóe mắt.
Vài hôm sau, mùi tử khí bốc lên qua khe đá sỏi đưa lên nồng nặc, khiến cho các phụ nữ trốn ở một bụi rậm gần đó phải đi tìm một địa điểm mới. Tình trạng này nếu kéo dài, bệnh tật chắc chắn sẽ lan tràn nhưng rất may cho đến khi đó, trong tổng số cả 4 tàu bị kéo vào đảo gồm tổng cộng 157 người, chưa có ai đau nặng, trừ một thiếu nữ ẩn núp trong bụi rậm bị ngư phủ tưới dầu đốt rụi nên cháy phỏng lưng, một thanh niên leo vách đá bị té rách đầu, và một đàn ông bị ngư phủ Thái Lan chém bể trán và xô xuống vách đá xây xát hết mình mẩy. Trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát đó, chúng tôi không ngưng cầu mong cho số phận của mình không bị thế giới bên ngoài bỏ rơi, mặc dù trong thâm tâm sâu kín của từng người nỗi tuyệt vọng ngày một gia tăng.
Ðiều lo ngại nhất là vấn đề lương thực. Chúng tôi đã bắt đầu ăn tới lá cây rừng phụ thêm vào một chén cháo không đủ no. Một vài người đào được củ nưa phải ngâm nước biển 4, 5 ngày cho ra hết chất nhớt, tuy vậy lúc luộc lên ăn vào, cổ và miệng vẫn ngứa như bị bào. Một vài người lo lắng mất ngủ có thể hái lá vông luộc ăn thay cho thuốc an thần. Có nhóm kiếm được lá bình bát đem luộc ăn thay cho rau cũng rất mát. Về loài vật thì ai may mắn bắt được sẽ có thể ăn đủ thứ. Chuột, dơi (loài dơi mình to như một con mèo nhỏ), hào và rết, những con rết dài trên 30 phân, đem nướng lên và được khen ngon như thịt gà. Có một lần anh em đi tắm biển phát giác được một con vít (giống như con rùa biển) rất lớn, bèn xúm lại kéo lên bờ làm thịt. Xé ra cũng có trên dưới 100 ký thịt và hàng ngàn trái trứng. Thịt đem kho, trứng đem luộc, đó là lần may mắn duy nhất kiếm được thịt trong những ngày sống trên đảo.
Cũng trong ngày 15-11, chúng tôi phát hiện một trực thăng bay qua đảo. Mọi người xô ra vẫy gọi, nhưng tiếc thay họ đã bay xa. Tình thế tưởng như không còn hy vọng gì thì hai hôm sau họ trở lại, đổ xuống bãi biển cho chúng tôi gạo, cá khô và thuốc men. Chúng tôi mừng rỡ như những người được tái sinh. Thế giới bên ngoài đã biết đến chúng tôi. Chúng tôi đã không bị hoàn toàn bỏ rơi trong những nỗi gian khổ, nhục nhằn, kéo dài từng ngày, từng giờ, nhất là về phía các phụ nữ, chúng tôi thấy rõ họ đã kiệt sức sau bao nhiêu ngày đêm bị hành hạ và trốn chui trốn nhủi trong những điều kiện hết sức hãi hùng và thê thảm. Việc chúng tôi được tiếp tế, các ngư phủ Thái Lan đều nhìn thấy rõ. Chúng tôi hy vọng rằng họ đã biết chúng tôi được thế giới bên ngoài bảo trợ thì mọi hành động man rợ của họ sẽ chấm dứt. Nhưng đó chỉ là điều chúng tôi suy luận, trong thực tế thì trái lại, có những toán ngư phủ mới đến, lại sùng sục dữ dằn hơn bao giờ hết. Họ lục lọi để kiếm chác thêm ít quần áo đã xơ xác của chúng tôi, lấy đi từng cái áo mưa rách, từng cái áo len của trẻ con, và phụ nữ nào mệt mỏi quá không đủ sức đi trốn nữa phải bò về thì lại bị tiếp tục hãm hiếp. Có người bị cả ngày lẫn đêm. Nhưng điạ ngục kinh hoàng đó chỉ kéo dài thêm đúng một ngày nữa là chấm dứt. Buổi chiều ngày 18-11 nhóm người tiếp tế cho chúng tôi bằng trực thăng hôm trước nay trở lại bằng một tàu tuần của Hải quân.
Chúng tôi được biết đó là cơ quan HCR của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan do ông Theodore G. Schweitzer III là đại diện. Ông Schweitzer cặp đảo của chúng tôi cùng với một bác sĩ mang theo dụng cụ y khoa và thuốc men. Trong lúc các người bệnh được đưa lại băng bó, chích thuốc, thì chúng tôi đưa ông Schweitzer đi thăm một số địa điểm ẩn náu của phụ nữ, có người nghe tin được cứu đã tự động ra về. Có người trốn dưới hang sâu phải chờ chúng tôi tới kéo lên. Chính ông Theodore Schweitzer đã chứng kiến cái cảnh chúng tôi lôi từng phụ nữ từ khe đá lên mặt đất. Ai nấy nhìn thấy ánh sáng mặt trời đều ngất xỉu đến nỗi chính ông Theodore Schweitzer cũng phải xúc động quay đi không dám nhìn. Ống kính máy ảnh của ông đã thu được nhiều tài liệu quý giá: Cảnh kéo phụ nữ từ dưới khe đá sâu, cảnh một nơi ẩn náu của phụ nữ giữa một bụi cây rậm rạp, giữa rừng sâu, cảnh một bụi cây bị ngư phủ Thái tưới dầu đốt cháy xém mà lần đó đã làm phỏng nửa mảng lưng của một thiếu nữ trong nhóm chúng tôi, cảnh nấm mồ thô sơ phủ bằng đá san hô không có được một tấm mộ bia, và biết bao nhiêu khuôn mặt hốc hác, sợ hãi kinh hoàng khác đã được thu vào ống kính.
Trước tình cảnh cùng cực của chúng tôi, ông Schweitzer đã an ủi, khích lệ chúng tôi rất nhiều, ông tuyên bố mọi sự hãi hùng từ nay sẽ chấm dứt. Chúng tôi vô cùng xúc động và nhân đấy, nhân danh nhóm tổng số 157 người của 4 tàu tỵ nạn được cứu khỏi đảo Kra ngày 18-11-1979 chúng tôi xin ngỏ lời tri ân ông Theodore Schweitzer và toàn thể nhân viên trong phái đoàn LHQ đã theo ông tới đảo. Sự tận tâm và sốt sắng của quý vị đã thể hiện một cách cao quý tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của quý vị, những việc mà quý vị đã làm được cho chúng tôi kể từ ngày mà chúng tôi được phát hiện, đã là những việc hữu hiệu, nhanh chóng và cần thiết nhất, chúng tôi nghĩ rằng dù có ai sốt sắng và tận tụy cách mấy cũng khó có thể hành động được hữu hiệu hơn thế.
Hiện nay chúng tôi đang ở tại quận Pakpanang, chờ làm thủ tục trước khi được đưa về trại tỵ nạn Việt Nam ở Songkhla. Trong thời gian chờ đợi này, chúng tôi không quản ngại bất cứ vì lý do gì, đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo trước pháp luật của nhà nước Thái Lan, trước cơ quan HCR của Liên Hiệp Quốc về những sự chà đạp man rợ của một số ngư phủ Thái Lan đã dành cho chúng tôi, nhất là đối với các phụ nữ trong suốt 21 ngày chúng tôi sống trên đảo Kra. Ðau thương nào rồi cũng trôi qua, thời gian sẽ là liều thuốc xoa dịu mọi nỗi tủi nhục và đau buồn. Chúng tôi rất muốn áp dụng lời dạy của Phật Thích Ca là oán chỉ nên cởi chứ không nên thắt. Nhưng ở đây vấn đề không phải thuộc khía cạnh của triết lý về đời sống mà là vấn đề an toàn của những người tỵ nạn Việt Nam đi sau chúng tôi sẽ còn dịp trôi dạt theo lộ trình mà chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi hy vọng rằng sự tố cáo của chúng tôi trước lương tâm và dư luận thế giới về chuyến đi hãi hùng này sẽ làm cho chính phủ Thái Lan lưu tâm hơn nữa về tình trạng hãm hiếp và cướp bóc mà theo đồn đãi thì nhiều ngày trước nay đã xẩy ra, nhưng bây giờ mới có nhân chứng cụ thể. Chúng tôi hy vọng răng sự tố cáo của chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan có thẩm quyền quốc tế như HCR của Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Thập Tự quốc tế, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền quốc tế tìm được những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nhân phẩm và tính mạng của những người tỵ nạn đi sau không còn bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát như chúng tôi nữa.
Và sau cùng, chúng tôi cũng hy vọng rằng sự tố cáo của chúng tôi sẽ tạo được dư luận ảnh hưởng đến bạn bè thân nhân còn ở Việt Nam hay đã ra ngoại quốc, để mọi người cùng bảo nhau thận trọng hơn nữa trong lộ trình đi tìm tự do qua ngả Thái Lan, tốt hơn hết là nên tìm con đường khác.
Tự do là điều vô cùng cao quý. Cuộc hành trình tìm về tự do nào cũng phải trả giá. Chúng tôi mong mỏi với những kinh nghiệm bằng máu và nước mắt của chúng tôi khi được phổ biến tới những người đi sau thì cái giá nếu họ có phải trả cũng sẽ không phải là cái giá quá đắt.
Pakpanang ngày 24 tháng 11 năm 1979
NHẬT TIẾN
(Trích trong cuốn "Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan,
Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, San Diego, 1981)
Hành trình tìm tự do bằng tàu thuyền qua ngả Thái Lan
Nhật Tiến
Lời người post:
Kể từ tuần lễ này (21-3-2016), dưới sự hướng dẫn của GS Trần Đông thuộc Văn Khố Thuyền Nhân, một phái đoàn gồm 36 người đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Pháp, Úc…đã đi Thái Lan với mục đích thăm viếng lại những dấu tích của thuyền nhân ở những nơi như Pakpanang, Songkhla….thuộc miền Nam Thái Lan và nhất là sẽ tìm tới đảo Kra (Koh Kra), một hòn đảo lẻ loi, đơn độc nằm giữa vịnh Thái Lan, nơi vốn được coi là một địa ngục kinh hoàng của thuyền nhân VN dưới bàn tay bạo hành của hải tặc vào thời điểm từ cuối thập niên 70’s qua gần hết thập niên 80’s của thế kỷ trước.
Vào thời gian ấy, kể từ 30-4-1975 khi cuộc chiến chấm dứt, dân chúng miền Nam đã phải sống dưới sự hà khắc của một đám lãnh đạo CSVN hung hãn, kiêu căng, ti tiện và thù dai một cách hèn mạt nên đã thiết lập một chế độ kỳ thị, nghiệt ngã, vừa tước đoạt tự do trên mọi lãnh vực vừa tịch thu nhà cửa, tài sản của hầu hết giới trung lưu rồi còn đẩy con người đi tới những vùng đất chết được gọi là Kinh Tế Mới. Đây là lý do đã có cả triệu con người liều chết bỏ nước ra đi bất chấp sóng gió, hải tặc ngoài biển Đông hay núi cao, rừng thẳm đầy đe dọa chết chóc nếu vượt biên bằng đường bộ, bởi thà chết còn hơn kéo dài một đời sống triền miên bị đọa đầy, mất tự do, mất nhân phẩm, mất quyền làm người kể cả tương lai của con cái. Theo ước tính của nhiều cơ quan thiện nguyện thì có đến gần nửa triệu người vùi xác ngoài biển Đông trên đường tìm tới Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Indonesia… và riêng trên đảo Kra hay ngoài khơi quanh đảo thì cũng đã có tới 600 thuyền nhân thiệt mạng.
Cho nên, thảm kịch thuyền nhân này truy tận nguồn gốc thì đã xuất phát từ chế độ tàn bạo, hà khắc của Đảng CSVN, điều mà lịch sử cận đại VN cần ghi rõ và nhân dân miền Nam không bao giờ quên cũng như luôn nhắc nhở con cháu về nguyên nhân tại sao thế hệ cha, ông của chúng phải bỏ nước ra đi.
Nhân dịp Đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV cũng có mặt trong phái đoàn đi thăm viếng đảo Kra để làm phóng sự tường trình cùng là tưởng niệm những thuyền nhân xấu số, chúng tôi xin mời quý vị đọc bài viết dưới đây của nhà văn Nhật Tiến. Ông vốn là một trong những chứng nhân trực tiếp từ đảo Kra và đã viết bản văn này ngay khi đặt chân tới trạm Cảnh Sát Quận Pakpanang sau 21 ngày bị bạo hành trên đảo Kra và được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Thái Lan giải cứu cùng với 156 thuyền nhân khác.
http://www.refugeecamps.net/images/kohkra.jpg
Hành trình tìm tự do bằng tàu thuyền qua ngả Thái Lan
Nhật Tiến
Ðào thoát khỏi quê hương đang bị Cộng sản cai trị để tìm về một xứ sở tự do, đó là điều mà hầu hết những người Việt Nam hiện nay đều mơ ước. Trước chúng tôi và cả sau chúng tôi nữa sẽ còn nhiều đoàn người tiến ra biển Ðông, bằng tàu thuyền, đem chính mạng sống của mình thách đố với muôn vàn hiểm nguy một phần sống, chín phần chết.
Có những đoàn người đã thành công rực rỡ, nay đã sống yên ổn ở một đất nước tự do, nhưng cũng có không thiếu gì những đoàn người đã chết dũng cảm trong âm thầm và tức tủi giữa sóng gió ngoài biển Ðông. Chúng tôi đã tích lũy những kinh nghiệm sống của người đi trước để chuẩn bị cho chuyến đi của chính mình, và chúng tôi cũng mong mỏi rằng cuộc hành trình gian khổ của chúng tôi sẽ đem lại cho những người đi sau một số kinh nghiệm mới. Chính vì tinh thần liên đới đó mà chúng tôi tường thuật lại chuyến đi của mình, đồng thời chúng tôi cũng mong mỏi rằng những đau thương mà chúng tôi phải chịu đựng trên con đường đi tìm tự do sẽ góp phần làm rạng rỡ thêm ý nghĩa cao quý của hai chữ TỰ DO.
Ðoàn chúng tôi gồm 81 người, bao gồm những nhóm nhỏ của nhiều gia đình chưa từng quen biết nhau, và chúng tôi chỉ thực sự gắn bó với nhau kể từ khi cùng nhau chia xẻ những biến cố đau thương mà chúng tôi đã trải qua trong cuộc hành trình. Kiểm điểm lại, thành phần của chúng tôi khá phức tạp: Có những người thuộc giới văn nghệ sĩ như nhà văn, ký giả, phóng viên báo chí, đạo diễn ngành vô tuyến truyền hình, có những người thuộc giới khoa học kỹ thuật như giáo sư đại học, kỹ sư nông lâm, kỹ sư hóa học, chuyên viên ngành vô tuyến viễn thông, huấn luyện viên ngành sửa chữa cơ khí máy bay, cũng có cả thầy tu, ni cô, các sĩ quan từ cấp Úy đến cấp Tá đào thoát khỏi trại cải tạo của Cộng sản, nhưng thành phần đông nhất cũng vẫn là các anh chị em sinh viên thuộc đủ mọi phân khoa đại học Sàigòn nằm trong hạn tuổi nghĩa vụ quân sự của nhà nước Cộng sản.
Chúng tôi rời Việt Nam vào ngày 19-10-1979 xuất phát từ Vũng Tàu, dự định tiến về hướng Mã Lai với hy vọng được tàu bè của các nước tự do cứu vớt. Nhưng chỉ mới ra khơi được gần một ngày thì biển động dữ dội. Tự liệu con thuyền mỏng manh 14 thước của chúng tôi không thể chịu nổi sóng gió to lớn, chúng tôi bắt buộc phải đổi hướng đi xuôi dọc theo bờ biển Việt Nam với chủ đích sẵn sàng chấp nhận số phận trở lại Việt Nam khi nào con thuyền không còn hy vọng đi xa. Quả nhiên, qua sang ngày thứ ba thì thuyền của chúng tôi bị chết máy, bình điện lại hư không thể cho máy nổ được trở lại. Thế là chúng tôi đành bó tay mặc cho sóng gió đưa đi qua mũi Cà Mâu và sau đó đẩy chúng tôi ngày càng xa hải phận Việt Nam. Kể từ đó chúng tôi mất định hướng, không chấm nổi toạ độ con thuyền, đành phó mặc cho sóng gió đưa đi.
Tám ngày lênh đênh trôi giạt, dù ở trên thuyền đói ăn, thiếu uống trầm trọng (có người phải đi tiểu rồi uống), nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì nhiệm vụ chia phiên tát nước bằng lon hộp cầm tay, 24 giờ trên 24 giờ để đối phó với tình trạng nước vào thường xuyên trong các khoang thuyền. Ðêm đêm, chúng tôi cũng còn chia phiên gác lửa đốt lên làm hiệu với hy vọng tàu bè lưu thông trên biển nhìn thấy mà cứu vớt. Tiếc thay chúng tôi đã gặp 7, 8 con tàu đi qua trước mắt, nhưng không một tàu nào quan tâm tới dấu hiệu báo nguy khẩn cấp của chúng tôi. Cho tới ngày thứ 10 của cuộc hành trình thì chúng tôi gặp một tàu đánh cá, khi đó chúng tôi mới biết là mình đã trôi giạt vào vịnh Thái Lan. Những ngư phủ trên tàu này đã mở một cuộc lục soát đầu tiên trên con tàu của chúng tôi, tịch thu tất cả đồ nữ trang, đồng hồ và một số quần áo mà họ ưng ý. Sau đó họ sửa chữa máy móc, cho mượn bình điện để nổ máy và chỉ tọa độ cho chúng tôi đi vào đất liền. Nghe tiếng máy nổ ròn rã trở lại trên thuyền, chúng tôi vô cùng phấn khởi và vui mừng.
Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu, ngay 5 giờ chiều của ngày hôm sau chúng tôi lại bị hai tàu đánh cá khác kè sát, những ngư phủ lại nhảy qua lục soát chúng tôi thêm 2 lần nữa, đồ đạc quần áo còn lại đều bị tước đoạt. Tuy mất mát đủ thứ nhưng chúng tôi vẫn khấp khởi mừng thầm bởi vì cho tới khi đó những phụ nữ trên thuyền của chúng tôi chưa có ai bị xâm phạm. Hình như vì không cướp bóc được vật gì quý giá, những ngư phủ trên một trong hai tàu đã tức giận muốn húc chìm con thuyền của chúng tôi. Toàn bộ phụ nữ và trẻ em trên thuyền phải kéo nhau lên hết trên mui quỳ lạy họ liên hồi, do đó con thuyền mong manh của chúng tôi chỉ bị húc văng xuống biển nguyên một cái mái che ở trên cùng dùng làm chỗ cho tài công quan sát, đặt hải bàn để lèo lái con thuyền.
Cuối cùng một chiếc tàu đánh cá bỏ đi, còn một cái nữa đã dòng giây qua thuyền của chúng tôi để kéo vào hoang đảo Kra nơi cách địa phận quận Pakpanang thuộc tỉnh Nakornsri Thamaraj chừng 5, 6 giờ tàu chạy. Trời lúc đó đã tối hẳn, chủ tàu cho đốt đèn lên, lùa chúng tôi qua hết bên tàu của họ, rồi sau đó lại tuần tự kêu từng người trong nhóm chúng tôi ra để lục soát tỉ mỉ một lần nữa với mục đích tìm vàng hay dollars cất dấu. Mọi người sau khi bị khám xong được đưa trở lại thuyền cũ, cứ thế cho đến hết. Cuối cùng chúng tôi được họ kéo thuyền cho cập sát vào đảo để đổ bộ lên, còn con thuyền thì họ dòng qua một bãi khác để tháo máy móc mang đi.
Toàn thể chúng tôi ai nấy đều vui mừng khi được đặt chân lên đất liền dù chỉ là một cái đảo hoang. Cơn sợ hãi vì đắm thuyền giữa biển cả kéo dài từng giờ, từng phút triền miên trong tám ngày đêm liên tiếp bây giờ kể như đã chấm dứt. Chúng tôi nằm lăn trên bãi biển đầy sỏi đá san hô, lòng nhẹ nhàng như vừa cất được một gánh nặng, sau đó ai nấy đều ngủ được một giấc an lành nhất kể từ ngày ra đi.
Hai ngày sau đó chúng tôi tổ chức tạm thời đời sống ở trên đảo với một số thực phẩm mang được từ thuyền xuống. Nhờ một hang đá chật hẹp, chúng tôi đã có thể trú chân che mưa nắng cho phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi cũng cho cắm một lá cờ trắng sơn ba chữ S.O.S lên một mỏm đá cao với hy vọng mong manh rằng các tàu bè hay phi cơ qua lại sẽ nhìn thấy chúng tôi mà cứu vớt. Do thực phẩm ít ỏi, chúng tôi hạn chế mỗi bữa chỉ ăn mỗi người một chén cháo loãng cầm hơi. Nước ngọt có sẵn ở những hõm đá trên núi cao do nước mưa đọng lại. Những toán thanh niên khỏe mạnh hàng ngày thay phiên nhau mang bình nhựa leo lên những sườn núi thật dốc và trơn trợt để lấy nước mang về. Bụng đói chân rũ, nhiều người suýt mất mạng vì trượt té trong những lần đi lấy nước suốt thời kỳ chúng tôi còn sống trên đảo. May mắn thay, không có ai bỏ mạng trừ một trường hợp duy nhất bị té rách một mảng da đầu.
Hai ngày đầu tiên trôi qua êm ả, chúng tôi có dịp đi quan sát một vòng quanh đảo. Chúng tôi phát hiện nhiều dấu tích của những toán người tỵ nạn Việt Nam đi trước chúng tôi cũng đã đặt chân trên đảo này. Có chỗ họ đã ghi lại kỷ niệm bằng sơn trắng trong vách đá, có chỗ họ đã dùng than củi ghi chép những kinh nghiệm sống trên đảo lên 4 bức tường vôi của một căn chòi xây bằng gạch, nơi chứa những bình gaz để thắp sáng một ngọn hải đăng duy nhất trên đỉnh núi. Dù thời gian có làm cho dấu than phai nhạt, chúng tôi cũng đã được truyền lại những kinh nghiệm hết sức hãi hùng: Nào là đàn bà phụ nữ khi đặt chân lên đảo phải lập tức tìm cách trốn lên núi cao hay rừng sâu để khỏi bị hãm hiếp, nào là những ngư phủ Thái Lan ở quanh vùng đó hầu hết vừa đánh cá, vừa cướp biển. Họ có thể cho gạo, cho cá ban ngày, nhưng ban đêm thì kéo phụ nữ đi hành hạ tập thể.
Ðể minh chứng cho những lời căn dặn này, rải rác ở trên đảo, chúng tôi đã gặp những đám tóc của phụ nữ đã bị cắt rời. Hẳn các phụ nữ trước đây đã phải cắt tóc giả trai để tránh cặp mắt của các ngư phủ Thái Lan. Những sự kiện đó băt đầu nhen nhúm trong lòng chúng tôi một nỗi kinh hoàng, mỗi lúc một thêm sâu đậm như mây đen dần dần lan tới bầu trời sắp nổi cơn dông bão. Chúng tôi bắt đầu đặt vấn đề để thực hiện theo lời căn dặn của những người đi trước, nhưng nỗi lo xa đó chưa kịp thực hiện thì ngay trong buổi chiều của ngày thứ nhì chúng tôi đặt chân lên đảo, mọi người phát hiện có một tàu hải quân Thái Lan đang rẽ sóng tiến vào đảo. Ôi xiết bao là vui mừng. Chúng tôi tưởng như đã có phép lạ ban xuống cứu giúp chúng tôi ra khỏi cơn hãi hùng mà đồng bào đi trước của chúng tôi đã phải chịu đựng. Mọi người trong chúng tôi đều kéo hết lên mỏm núi thi nhau vẫy gọi bằng cờ S.O.S, bằng quần áo, bằng khăn mặt. Cuối cùng, những người mặc sắc phục hải quân Thái Lan cũng neo tàu và đi xuồng vào đảo. Họ yêu cầu gặp đại diện của chúng tôi để hỏi han và ghi chép vào biên bản những dữ kiện cần thiết. Họ cũng đi thăm nơi ăn chốn ở của chúng tôi. Sau đó họ rời đảo với một hứa hẹn đầy khích lệ:
"Chúng tôi sẽ trở lại gặp các bạn sau."
Ðối với chúng tôi, sự hiện diện của họ là một cứu tinh của chúng tôi về cả hai phương diện, một là chắc chắn không bao giờ chúng tôi bị bỏ rơi trên đảo hoang giữa biển cả mênh mông này, hai là kể từ giây phút đó, chúng tôi đã được đặt dưới quyền bảo trợ của chính phủ Thái Lan, ít ra là cũng về mặt an ninh, không còn lo sợ cướp bóc hay hãm hiếp. Trong số chúng tôi đã có người lạc quan nói:
"Bây giờ ai đụng đến chúng mình tức là đụng đến luật pháp của nhà nước Thái. Chẳng ngư phủ nào lại dại dột đi làm chuyện đó."
Trên căn bản lạc quan ấy, chúng tôi lại được sống qua một đêm an lành nữa, mọi người vui vẻ trò chuyện bên đống lửa đốt cao, có thể nói đó là đêm an lành cuối cùng mà chúng tôi được sống trong chuỗi ngày còn lại sau này ở trên đảo. Bởi vì sau đó mòn mỏi từng ngày, từng giờ, chúng tôi đỏ mắt trông chờ chiếc tàu Hải quân mang số 15 quay trở lại như đã hứa nhưng họ vẫn biệt tăm.
Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không thể hiểu nổi thái độ bỏ rơi một cách phũ phàng đó của họ. Làm sao có thể hiểu nổi khi chúng ta đang sống ở giữa thế kỷ 20 này trong một quốc gia có truyền thống tốt đẹp như quốc gia Thái. Nhưng thực sự là chúng tôi đã bị bỏ rơi. Nếu ngày nay chúng tôi còn sống sót đó là nhờ vị đại diện của cơ quan Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan đã tổ chức và sắp xếp đưa chúng tôi vào đất liền.
Ngay buổi tối của ngày hôm sau chiếc tàu Hải quân đã bỏ đi, chúng tôi bắt đầu nếm mùi của đêm kinh hoàng thứ nhất. Trời vừa chập choạng tối thì một toán ngư phủ Thái Lan võ trang bằng súng trường, búa và dao găm đã đốt đuốc sáng rực ùa vào chỗ chúng tôi nằm. Họ bới tung khắp mọi chỗ, lục soát kỹ lưỡng từng người một, kiếm chác thêm một số quần áo nữa rồi bỏ đi. Toán này vừa ra, toán khác ùa vào, lại lục lọi, lại bới móc, cứ thế tiếp diễn đến quá nửa khuya, tổng cộng riêng trong tối hôm ấy chúng tôi bị ba toán cướp vào lục soát liên tục. Riêng toán cuối cùng sau khi moi móc đã dồn tất cả đàn ông, thanh niên vào hết trong hang đá rồi canh giữ bằng súng ở bên ngoài. Sau đó bọn chúng lùa đàn bà đi một chỗ xa để hãm hiếp.
Trong đêm tối của bầu trời đầy sương đêm và gió lạnh chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng của trẻ em la hét khi bị giật ra khỏi vòng tay người mẹ, tiếng kêu khóc van xin thảm thiết của những phụ nữ chân yếu tay mềm. Bọn đàn ông thanh niên chúng tôi chỉ đành cắn răng nghẹn ngào nuốt căm hờn và tủi nhục dưới họng súng để duy trì mạng sống cho tất cả mọi người. Cơn kinh hoàng tột độ đó kéo dài tới gần sáng mới chấm dứt. Những phụ nữ được kéo trở về nằm bết bát trên nền sỏi đá san hô. Nhiều người tấm tức khóc. Nhiều người lả đi trong vòng tay nghẹn ngào tủi nhục của thân nhân. Kiểm điểm lại nhân số, chúng tôi phát hiện thiếu mất một người. Thế là chúng tôi phải cùng nhau đốt đuốc đi tìm. Tiếng la, tiếng gọi hú lên trong vách đá át cả tiếng sóng vỗ vào men bờ nghe hãi hùng và thê thảm đến rợn người. Cuối cùng chúng tôi đã tìm được người bị mất tích nằm bất tỉnh trên mỏm đá ngoài bờ biển, thì ra cô này lúc bị bọn cướp lôi đi đã vùng chạy lên bờ đá cao ở ven biển rồi lao mình xuống nước tự tử, rất may sóng xô mạnh đẩy dạt vào bờ, kẹt vào một hốc đá nằm bất tỉnh.
Sau đêm đau thương và kinh hoàng đó, chúng tôi bắt buộc phải tổ chức cho phụ nữ đi trốn theo lời căn dặn của những người Việt Nam tới trước. Có nhóm phụ nữ lẻn vào rừng sâu nằm yên chịu trận với mưa gió lạnh lẽo suốt ngày đêm giữa những bụi rậm um tùm đầy rắn rết và bọ cạp, những con bọ cạp chỉ chích nhẹ một vòi là bắp thịt sưng vù lên và nhức buốt lên tới óc. Cũng có nhóm trèo lên núi cao chênh vênh, vách đá trơn trợt để chui vào những bụi cây um tùm, trong số này đã có những người bị trượt ngã xây xát khắp mình mẩy, nhưng rất may không có ai bị rớt xuống bãi biển qua vách đá dựng đứng ở cả hàng trăm thước bề sâu. Nhiều phụ nữ khác chui nhủi vào những mỏm đá ngoài bờ biển ngâm chân suốt ngày đêm trong nước mặn, lúc nào lưng cũng phải khom xuống vì trần đá thấp. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không thể hiểu được làm thế nào mà những phụ nữ yếu đuối như thế lại có thể chịu trận trong những điều kiện thảm thương đó trong suốt 18 ngày liền còn lại trên đảo. Chỉ biết tối hôm cuối cùng được cứu ra, hầu hết bị ngất xỉu và phải mất một thời gian khá lâu mới cử động lại được như bình thường. Nếu như thảm kịch đó kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa, chắc chắn sẽ có người bại liệt.
Công việc tiếp tế cháo loãng (khẩu phần cho một người mỗi bữa là một chén nhỏ) cho đám phụ nữ đi trốn đều do đàn ông thanh niên phụ trách. Nhưng biện pháp đi trốn như vậy không phải là nơi nào cũng an toàn. Những ngư phủ Thái lan quanh vùng hầu như đều rất thông thạo địa thế ở trên đảo vì thế trong những ngày kế tiếp họ thi nhau đi lùng sục cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhiều ổ trốn tránh đã bị phát hiện và những phụ nữ đã bị lôi ra đánh đập và chịu đựng những cuộc hãm hiếp tập thể có khi lên đến cả chục tên cùng một lúc. Nhiều tên có máu bạo dâm đã vừa hành lạc vừa đánh đập phụ nữa đến ngất xỉu, có người bị chúng đấm liên hồi vào bụng đến nỗi bây giờ hãy còn bị chấn thương.
Trong tình cảnh hãi hùng đó, chúng tôi phải thay đổi chỗ ẩn núp cho phụ nữ luôn luôn bằng cách đưa họ vào rừng sâu hơn, leo trên núi cao hơn, công việc tiếp tế hàng ngày vì thế mỗi lúc một cam go hơn, có một chỗ xa nhất chúng tôi đã phải vừa đi vừa về mất hết nửa ngày. Nhưng sự vất vả đó không thấm thía gì so với những nỗi gian truân mà các phụ nữ phải chịu đựng khi đi trốn. Ðói, lạnh, mưa gió có khi rả rích suốt đêm, quần áo ướt đẫm hàng tuần lễ không một lúc nào khô tráo, đã thế nỗi lo sợ bị cướp phát hiện, nỗi kinh hoàng về đêm nghe tiếng sột soạt trong bụi, có thế rắn, rết, cũng có thể là những đám chuột rừng đông nhung nhúc thường hay bò ra từng đàn đi lục lọi đồ ăn ở khắp mọi nơi. Kinh khủng nhất là những con rết trên núi cao, con nào con nấy to gần bằng cái đũa cả để ghế cơm hàng ngày. Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đã đủ rợn người, vậy mà những phụ nữ của chúng tôi đã thực sự nằm giữa rừng sâu trong bóng tối âm thầm lạnh lẽo với đủ loại sinh vật kinh tởm bao quanh, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.
Trong khi số phận đàn bà phải chịu trăm cay nghìn đắng như thế thì đàn ông, con trai cũng không tránh được những nỗi hiểm nguy. Hàng đêm chúng tôi không bao giờ được ngủ yên một giấc cho tới sáng, có khi là trời thường xuyên đổ mưa 3, 4 trận, phải chạy đi tìm gốc cây ẩn núp (chúng tôi ngủ ngoài trời) nhưng điều đó không đáng kể bằng sự thường xuyên chúng tôi bị những toán cướp soi đèn vào mặt mấy lần mỗi đêm để lùng tìm phụ nữ. Có những người bị chúng lôi ra đánh đập để tra khảo bắt chỉ chỗ trốn của phụ nữ, cũng có người đã bị chúng xiết cổ bằng dây thừng đến rướm máu để bắt cung khai kẻ nào còn cất dấu vàng hay đô la.
Thê thảm nhất là một trường hợp vì muốn bảo vệ tiết hạnh cho người thân, có người đã bị chúng dùng búa rìu bổ vào đầu đến bể trán rồi xô xuống vách đá ngoài bờ biển, nhưng rất may không chết. Một ông già mang mấy chiếc răng vàng ở hàm trên đã bị chúng dùng dao nậy ra lấy vàng, đau đớn đến ngất xỉu. Nói chung trong suốt khoảng thời gian còn lại sống trên đảo không một ngày nào chúng tôi không phải trải qua những cơn kinh sợ hãi hùng cả ngày lẫn đêm. Bởi vì tàu đánh cá thì đông, toán này đi toán khác tới, nhất là những hôm biển động họ đậu đen nghẹt quanh lối vào bãi biển ở trên đảo. Có những lần chúng tôi đếm được trên dưới 40, 50 chiếc. Tất nhiên không phải là tàu nào cũng đưa ngư phủ vào đất liền quấy nhiễu. Nhưng chỉ cần một vài tàu thôi cũng đủ gieo rắc cho chúng tôi biết bao tủi nhục, kinh hoàng.
Trong cơn tuyệt vọng cùng cực đó, chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện và chờ trông con tàu hải quân bữa trước trở lại cứu vớt chúng tôi ra khỏi địa ngục hãi hùng. Nhưng càng trông càng đỏ mắt, trong thâm tâm chúng tôi, nỗi tuyệt vọng bị bỏ rơi trên hoang đảo bắt đầu nhen nhúm và ngày càng trở nên rõ ràng sâu đậm hơn. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy thấm thía cái ý nghĩa chua xót và hãi hùng của cuộc sống không có ngày mai với số lương thực ngày càng cạn dần và cơn mỏi mệt, rã rời vì vẫn phải thường trực đối phó với những sự sách nhiễu, lùng sục của các ngư phủ cả ngày lẫn đêm.
Ngày 8-11-79, thêm một tàu tị nạn nữa được ngư phủ Thái lan đưa vào đảo, tổng số 21 người, bị tàu Thái Lan quăng xuống biển chết đuối ngoài khơi một người, nên chỉ còn 20 người. Qua ngày hôm sau, 9-11, lại thêm một tàu 37 người Việt Nam được đưa vào bờ. Rồi tới ngày 15-11, một tàu tị nạn thứ tư tới hoang đảo với tổng số 34 người, vì bị tàu đánh cá xô họ xuống biển cách xa bờ một cây số nên có 16 người bị chết đuối, trong đó có 4 phụ nữ và 3 trẻ em. Số 18 người sống sót bơi được vào bờ chưa kịp nghỉ ngơi, phụ nữ đã bị lôi đi hành hạ ngay, thật dã man và mọi rợ không thể tưởng tượng được. Qua ngày 16 tháng 11 có một xác thanh niên 19 tuổi được sóng đánh xô vào vách đá, mọi người xúm lại vớt lên và làm một đám tang giản dị. Thi hài được bỏ vào một túi nylon duy nhất còn lại trên đảo và đặt trên một tấm ván có 4 người khiêng. Nhiều người đi sau cầu kinh lâm râm. Một cái hố sẵn có ở gần đó được dùng làm huyệt: Sau này, chúng tôi được biết ngay cái hố đó đã chôn 4 xác trẻ em từ những tàu thuyền tới trước. Xác chết được đưa xuống hố và được lấp kín bằng đá sỏi san hô. Ðau thương đã cùng cực rồi nên không còn ai bật được ra tiếng khóc, chỉ thấy những giọt lệ nghẹn ngào rưng rưng qua khóe mắt.
Vài hôm sau, mùi tử khí bốc lên qua khe đá sỏi đưa lên nồng nặc, khiến cho các phụ nữ trốn ở một bụi rậm gần đó phải đi tìm một địa điểm mới. Tình trạng này nếu kéo dài, bệnh tật chắc chắn sẽ lan tràn nhưng rất may cho đến khi đó, trong tổng số cả 4 tàu bị kéo vào đảo gồm tổng cộng 157 người, chưa có ai đau nặng, trừ một thiếu nữ ẩn núp trong bụi rậm bị ngư phủ tưới dầu đốt rụi nên cháy phỏng lưng, một thanh niên leo vách đá bị té rách đầu, và một đàn ông bị ngư phủ Thái Lan chém bể trán và xô xuống vách đá xây xát hết mình mẩy. Trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát đó, chúng tôi không ngưng cầu mong cho số phận của mình không bị thế giới bên ngoài bỏ rơi, mặc dù trong thâm tâm sâu kín của từng người nỗi tuyệt vọng ngày một gia tăng.
Ðiều lo ngại nhất là vấn đề lương thực. Chúng tôi đã bắt đầu ăn tới lá cây rừng phụ thêm vào một chén cháo không đủ no. Một vài người đào được củ nưa phải ngâm nước biển 4, 5 ngày cho ra hết chất nhớt, tuy vậy lúc luộc lên ăn vào, cổ và miệng vẫn ngứa như bị bào. Một vài người lo lắng mất ngủ có thể hái lá vông luộc ăn thay cho thuốc an thần. Có nhóm kiếm được lá bình bát đem luộc ăn thay cho rau cũng rất mát. Về loài vật thì ai may mắn bắt được sẽ có thể ăn đủ thứ. Chuột, dơi (loài dơi mình to như một con mèo nhỏ), hào và rết, những con rết dài trên 30 phân, đem nướng lên và được khen ngon như thịt gà. Có một lần anh em đi tắm biển phát giác được một con vít (giống như con rùa biển) rất lớn, bèn xúm lại kéo lên bờ làm thịt. Xé ra cũng có trên dưới 100 ký thịt và hàng ngàn trái trứng. Thịt đem kho, trứng đem luộc, đó là lần may mắn duy nhất kiếm được thịt trong những ngày sống trên đảo.
Cũng trong ngày 15-11, chúng tôi phát hiện một trực thăng bay qua đảo. Mọi người xô ra vẫy gọi, nhưng tiếc thay họ đã bay xa. Tình thế tưởng như không còn hy vọng gì thì hai hôm sau họ trở lại, đổ xuống bãi biển cho chúng tôi gạo, cá khô và thuốc men. Chúng tôi mừng rỡ như những người được tái sinh. Thế giới bên ngoài đã biết đến chúng tôi. Chúng tôi đã không bị hoàn toàn bỏ rơi trong những nỗi gian khổ, nhục nhằn, kéo dài từng ngày, từng giờ, nhất là về phía các phụ nữ, chúng tôi thấy rõ họ đã kiệt sức sau bao nhiêu ngày đêm bị hành hạ và trốn chui trốn nhủi trong những điều kiện hết sức hãi hùng và thê thảm. Việc chúng tôi được tiếp tế, các ngư phủ Thái Lan đều nhìn thấy rõ. Chúng tôi hy vọng rằng họ đã biết chúng tôi được thế giới bên ngoài bảo trợ thì mọi hành động man rợ của họ sẽ chấm dứt. Nhưng đó chỉ là điều chúng tôi suy luận, trong thực tế thì trái lại, có những toán ngư phủ mới đến, lại sùng sục dữ dằn hơn bao giờ hết. Họ lục lọi để kiếm chác thêm ít quần áo đã xơ xác của chúng tôi, lấy đi từng cái áo mưa rách, từng cái áo len của trẻ con, và phụ nữ nào mệt mỏi quá không đủ sức đi trốn nữa phải bò về thì lại bị tiếp tục hãm hiếp. Có người bị cả ngày lẫn đêm. Nhưng điạ ngục kinh hoàng đó chỉ kéo dài thêm đúng một ngày nữa là chấm dứt. Buổi chiều ngày 18-11 nhóm người tiếp tế cho chúng tôi bằng trực thăng hôm trước nay trở lại bằng một tàu tuần của Hải quân.
Chúng tôi được biết đó là cơ quan HCR của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan do ông Theodore G. Schweitzer III là đại diện. Ông Schweitzer cặp đảo của chúng tôi cùng với một bác sĩ mang theo dụng cụ y khoa và thuốc men. Trong lúc các người bệnh được đưa lại băng bó, chích thuốc, thì chúng tôi đưa ông Schweitzer đi thăm một số địa điểm ẩn náu của phụ nữ, có người nghe tin được cứu đã tự động ra về. Có người trốn dưới hang sâu phải chờ chúng tôi tới kéo lên. Chính ông Theodore Schweitzer đã chứng kiến cái cảnh chúng tôi lôi từng phụ nữ từ khe đá lên mặt đất. Ai nấy nhìn thấy ánh sáng mặt trời đều ngất xỉu đến nỗi chính ông Theodore Schweitzer cũng phải xúc động quay đi không dám nhìn. Ống kính máy ảnh của ông đã thu được nhiều tài liệu quý giá: Cảnh kéo phụ nữ từ dưới khe đá sâu, cảnh một nơi ẩn náu của phụ nữ giữa một bụi cây rậm rạp, giữa rừng sâu, cảnh một bụi cây bị ngư phủ Thái tưới dầu đốt cháy xém mà lần đó đã làm phỏng nửa mảng lưng của một thiếu nữ trong nhóm chúng tôi, cảnh nấm mồ thô sơ phủ bằng đá san hô không có được một tấm mộ bia, và biết bao nhiêu khuôn mặt hốc hác, sợ hãi kinh hoàng khác đã được thu vào ống kính.
Trước tình cảnh cùng cực của chúng tôi, ông Schweitzer đã an ủi, khích lệ chúng tôi rất nhiều, ông tuyên bố mọi sự hãi hùng từ nay sẽ chấm dứt. Chúng tôi vô cùng xúc động và nhân đấy, nhân danh nhóm tổng số 157 người của 4 tàu tỵ nạn được cứu khỏi đảo Kra ngày 18-11-1979 chúng tôi xin ngỏ lời tri ân ông Theodore Schweitzer và toàn thể nhân viên trong phái đoàn LHQ đã theo ông tới đảo. Sự tận tâm và sốt sắng của quý vị đã thể hiện một cách cao quý tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của quý vị, những việc mà quý vị đã làm được cho chúng tôi kể từ ngày mà chúng tôi được phát hiện, đã là những việc hữu hiệu, nhanh chóng và cần thiết nhất, chúng tôi nghĩ rằng dù có ai sốt sắng và tận tụy cách mấy cũng khó có thể hành động được hữu hiệu hơn thế.
Hiện nay chúng tôi đang ở tại quận Pakpanang, chờ làm thủ tục trước khi được đưa về trại tỵ nạn Việt Nam ở Songkhla. Trong thời gian chờ đợi này, chúng tôi không quản ngại bất cứ vì lý do gì, đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo trước pháp luật của nhà nước Thái Lan, trước cơ quan HCR của Liên Hiệp Quốc về những sự chà đạp man rợ của một số ngư phủ Thái Lan đã dành cho chúng tôi, nhất là đối với các phụ nữ trong suốt 21 ngày chúng tôi sống trên đảo Kra. Ðau thương nào rồi cũng trôi qua, thời gian sẽ là liều thuốc xoa dịu mọi nỗi tủi nhục và đau buồn. Chúng tôi rất muốn áp dụng lời dạy của Phật Thích Ca là oán chỉ nên cởi chứ không nên thắt. Nhưng ở đây vấn đề không phải thuộc khía cạnh của triết lý về đời sống mà là vấn đề an toàn của những người tỵ nạn Việt Nam đi sau chúng tôi sẽ còn dịp trôi dạt theo lộ trình mà chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi hy vọng rằng sự tố cáo của chúng tôi trước lương tâm và dư luận thế giới về chuyến đi hãi hùng này sẽ làm cho chính phủ Thái Lan lưu tâm hơn nữa về tình trạng hãm hiếp và cướp bóc mà theo đồn đãi thì nhiều ngày trước nay đã xẩy ra, nhưng bây giờ mới có nhân chứng cụ thể. Chúng tôi hy vọng răng sự tố cáo của chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan có thẩm quyền quốc tế như HCR của Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Thập Tự quốc tế, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền quốc tế tìm được những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nhân phẩm và tính mạng của những người tỵ nạn đi sau không còn bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát như chúng tôi nữa.
Và sau cùng, chúng tôi cũng hy vọng rằng sự tố cáo của chúng tôi sẽ tạo được dư luận ảnh hưởng đến bạn bè thân nhân còn ở Việt Nam hay đã ra ngoại quốc, để mọi người cùng bảo nhau thận trọng hơn nữa trong lộ trình đi tìm tự do qua ngả Thái Lan, tốt hơn hết là nên tìm con đường khác.
Tự do là điều vô cùng cao quý. Cuộc hành trình tìm về tự do nào cũng phải trả giá. Chúng tôi mong mỏi với những kinh nghiệm bằng máu và nước mắt của chúng tôi khi được phổ biến tới những người đi sau thì cái giá nếu họ có phải trả cũng sẽ không phải là cái giá quá đắt.
Pakpanang ngày 24 tháng 11 năm 1979
NHẬT TIẾN
(Trích trong cuốn "Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan,
Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, San Diego, 1981)