PDA

View Full Version : Con Đường Diệt Khổ



khieman
03-21-2016, 02:40 AM
.

Con Đường Diệt Khổ


https://encrypted-tbn3.gstatic.com/shopping?q=tbn:ANd9GcTGPDpdvdm2BRbesfmZO4k1G74guhx hQzuDzh_GK2VIVYKOfVklRtLpnwuqLHPt0nmsW_Jrqmc&usqp=CAE


Mục đích của đạo Phật được đức Phật tóm tắt bằng tuyên ngôn sau:

- "Này chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về “Khổ” và về “Con Đường Diệt Khổ".

Tuyên ngôn này rút ra từ Bốn Chân Lý Thâm Diệu mà Ngài đã Chứng Ngộ, đó là :

- Thứ nhất là Chân Lý về Khổ (Khổ Đế)
- Thứ hai là Chân Lý về nguồn gốc của Khổ (Tập Đế)
- Thứ ba là Chân Lý về sự Diệt Khổ (Diệt Đế)
- Thứ tư là Chân Lý về Con Đường đưa đến sự Tận Diệt Khổ (Đạo Đế)

Bốn Chân Lý này tức là Tứ Diệu Đế ( Đế nghĩa là Chân Lý).

Trong đó, Chân Lý thứ tư, Đạo Đế, là con đường Niết Bàn.

Vì từ ngữ Niết Bàn thường được thế gian dùng khi có tin buồn, chúng tôi xin nhắc lại rằng đó là điều hiểu lầm rất đáng tiếc.

Niết Bàn không phải là sự chết, mà là một trạng thái tâm thức đã hoàn toàn chấm dứt những ô nhiễm do Vô Minh mà duyên theo Tham Sân Si, tạo Nghiệp, chịu khổ, bị cuốn vào dòng đời sinh tử triền miên. Chứng ngộ Niết Bàn là tâm thức chuyển sang trạng thái khác, tạm nói là an lạc và giải thoát. Trạng thái này chỉ người đã Chứng Ngộ mới biết thực tế là thế nào, có thể dùng câu “như người uống nước, nóng hay lạnh ra sao, chỉ chính người đó tự biết” để nói lên tính cách không thể trình bày ra được. Các vị đã chứng Đạo thường dùng câu “như người câm muốn kể lại chuyện xảy ra trong giấc mộng” để mô tả tâm trạng của mình, muốn nói ra mà không có cách nào, vì nếu dùng thí dụ bằng những trạng thái tâm thức ở thế gian để mô tả thì không đúng, vì tất cả đều chỉ là những sự vui buồn trong điều kiện của đời sống quy ước, không có niềm an lạc vô biên của người đã giải thoát khỏi những ràng buộc của Tham Sân Si.

Chân Lý Thâm Diệu thứ nhất, Khổ Đế, đức Phật chỉ rõ cho chúng ta nhận ra sự thực, rồi tới Tập Đế, Ngài chỉ cho chúng ta thấy nguyên nhân, Diệt Đế, Ngài chỉ con đường cho chúng ta tận Diệt nỗi Khổ và Đạo Đế, là con đường Niết Bàn, tức là Chứng Ngộ thực tại, Phật Tánh, Giác Tánh, Buddha Nature, True Nature vân vân..., mà đức Phật đã cho biết rằng tất cả chúng ta đều có khả năng khiến cho hiển lộ y như Ngài, trong lời tuyên bố ngay khi Ngài mới bừng tỉnh, rằng:

- Lạ thay, tất cả chúng sanh đều có Trí Huệ Như Lai, mà để bị trôi giạt trong vòng Vô Minh, đến nỗi phải chịu biết bao thống khổ!

Trí Huệ Như Lai cũng còn được gọi là Trí Huệ Phật, là Giác Tánh, Phật Tánh. Đức Phật dạy Bốn Chân Lý Thâm Diệu để cuối cùng, do sự “Tự tịnh kỳ ý” mà Trí Huệ Phật hiển lộ.

Đạo Phật không hề chủ trương rằng công trình tu chứng của Phật tử chỉ thành tựu sau khi chết. Một hành giả chứng ngộ Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tiền, nghĩa là trong lúc còn mang thân ngũ uẩn, thì gọi là "Hữu Dư Niết Bàn". Lúc đã chấm dứt đời sống của cơ thể vật lý thì gọi là "Vô Dư Niết Bàn".

Như thế, Niết Bàn không phải là chết, mà là tâm thức chuyển qua một bình diện mới.

Để quý vị có thêm tài liệu về quan điểm của nhà Phật đối với Niết Bàn, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị một bài pháp trích từ cuốn The Tree of Enlightenment, tác giả là tiến sĩ Peter Della Santina, do thượng tọa Thích Tâm Quang dịch ra Việt ngữ.

Tiến sĩ Peter Della Santina sinh quán tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp cử nhân ngành tôn giáo tại Wesleyan University, tiểu bang Connecticut, và tiến sĩ Phật học tại University of Delhi, Ấn Độ. Ông đã có một thời gian dài dạy về triết học và Phật học tại các miền Đông và Nam Á Châu. Đồng thời, ông còn tích cực tới nhiều trường đại học và các Phật Học Viện tại Âu Châu và Á Châu để diễn giảng về Phật giáo. Ông cũng viết nhiều sách luận giải đạo Phật, trong số đó có cuốn The Tree of Enlightenment dạy những điều căn bản, được rất nhiều độc giả hâm mộ.

Vốn không phải là một Phật tử theo truyền thống gia đình, nhưng từ khi khám phá ra viên kim cương Phật giáo, ông tích cực học hỏi và hành trì theo lời đức Phật dạy. Ông từng là đệ tử của ngài Sakya Trizin, thuộc truyền thống Phật giáo Tây Tạng trong 25 năm. Từ những điều hiểu biết do học và hành, ông tận tụy trình bày ra sách báo, đi diễn thuyết vân vân, để giảng giải lại cho mọi người.

Ông qua đời ngày 14 tháng 10 năm 2006, trong khi đang đứng trên bục giảng về Phật giáo Đại Thừa cho sinh viên làm luận án cao học Phật học tại trường International Buddhist College, Penang, Malaysia.

Sau đây là luận giải của tác giả Peter Della Santina về Niết Bàn và Đạo Đế là con đường chấm dứt đau khổ, con đường Niết Bàn:

...”...Khi chúng ta nói về Niết Bàn, chúng ta gặp phải một số khó khăn trong việc diễn đạt vì bản chất xác thực của một kinh nghiệm không thể truyền đạt bằng cách nói về nó, đúng hơn là Niết Bàn phải được chứng nghiệm trực tiếp. Ðiều này rất đúng với tất cả kinh nghiệm, dù đó là kinh nghiệm về vị của muối, đường hay sô cô la hay lần đầu tiên bơi ở đại dương. Tất cả những kinh nghiệm ấy không thể diễn tả cho đúng được.

Ðể giải thích đầy đủ điểm này, thí dụ như tôi vừa tới Ðông Nam Á, và tôi được biết có một trái cây địa phương rất được ưa chuộng gọi là trái sầu riêng. Tôi có thể hỏi người dân trong vùng thường ăn và thích trái sầu riêng, nhưng làm sao họ có thể diễn tả thật đúng cho tôi hiểu, ăn trái đó giống như ăn gì? Ðơn giản là không có thể nào mô tả trung thực mùi vị của trái sầu riêng cho một người chưa bao giờ ăn trái đó.

Chúng ta cố gắng so sánh, tùy theo sự lựa chọn, hoặc phủ nhận; chẳng hạn chúng ta có thể nói rằng trái sầu riêng có chất như kem hay nó ngọt và chua, và có thể nói thêm nó cũng giống như trái mít và chưa hết nó không giống như trái táo tí nào. Nhưng vẫn không thể nào truyền đạt bản chất xác thực về điều đã kinh qua khi ăn trái sầu riêng. Chúng ta thấy mình cũng đương đầu với một vấn đề tương tự khi chúng ta cố gắng mô tả Niết Bàn.

Ðức Phật và các đạo sư Phật Giáo qua nhiều thời đại cũng dùng một phương sách tương tự để diễn tả Niết Bàn gọi là so sánh, và phủ nhận.

Ðức Phật nói rằng Niết Bàn là hạnh phúc, niềm an lạc tối thượng. Ngài nói Niết Bàn là bất tử, không có tạo tác, không hình tướng vượt ra ngoài đất nước gió lửa, mặt trời, mặt trăng, khó dò và không thể đo lường được.

Nơi đây chúng ta có thể thấy một số phương sách mà Phật Giáo dùng để miêu tả Niết Bàn, loại Niết Bàn giống như ta nếm trải trong thế giới này. Ðôi khi chúng ta đủ may mắn để nếm trải hạnh phúc to lớn kèm theo bởi niềm an lạc sâu xa trong tâm khảm, có thể tưởng tượng như chúng ta đang nếm trải một thoáng Niết Bàn.

Nhưng trái mít không thực sự giống trái sầu riêng, và Niết Bàn thực sự không giống một thứ gì trong thế giới này. Nó không giống như bất kỳ kinh nghiệm nào hàng ngày, vượt qua tất cả hình tướng và danh xưng chúng ta sử dụng để chỉ cái mà ta kinh nghiệm trên thế gian này.

Vấn đề là để hiểu Niết Bàn thực sự như thế nào, bạn phải tự mình nếm trải, giống như muốn biết trái sầu riêng như thế nào, bạn phải ăn nó. Không có một bài tiểu luận hay mô tả thi văn nào về trái sầu riêng có thể giống kinh nghiệm ăn nó.

Tương tự như vậy, chúng ta phải kinh qua việc chấm dứt khổ đau tự nơi chúng ta, đó là phương cách duy nhất để loại bỏ nguyên nhân của khổ đau - những tai họa của quyến luyến, chấp chặt, sân hận, và vô minh. Khi chúng ta loại bỏ được những nguyên nhân của khổ đau, chúng ta sẽ chứng nghiệm Niết Bàn cho chính mình.

Làm thế nào chúng ta có thể loại bỏ được những nguyên nhân của khổ đau ấy? Bằng những phương cách nào chúng ta có thể loại bỏ được những tai họa nguyên nhân của khổ đau? Ðó là con đường do Ðức Phật dạy, con đường Trung Ðạo, con đường tiết chế điều độ.

Cuộc đời Ðức Phật trước khi giác ngộ được chia thành hai thời kỳ khác biệt. Thời gian trước khi từ bỏ trần tục của Ngài là thời gian mà Ngài vui hưởng cực kỳ xa hoa; thí dụ, những chuyện kể Ngài có ba lâu đài, mỗi lâu đài cho mỗi mùa, tràn đầy những nguồn vui không thể tưởng tượng nổi ở thời đó.

Theo sau thời gian vui hưởng này là sáu năm cực kỳ khổ hạnh và hành xác, khi ngài sống không tiện nghi căn bản của cuộc sống, màn trời chiếu đất, mặc quần áo thô sơ nhất, và nhịn ăn trong một thời gian dài. Thêm vào những sự thiếu thốn như vậy, Ngài hành hạ thân xác qua những sự tu tập như nằm ngủ trên giường gai và ngồi dưới cái nóng gay gắt như lửa của mặt trời lúc trưa hè.

Vì đã chứng nghiệm những xa hoa và thiếu thốn cực đoan này và vì đã tiến tới giới hạn của những cực đoan này, Đức Phật nhìn thấy sự phù phiếm của chúng và Ngài đã khám phá ra con đường Trung Ðạo, tránh cả nuông chiều cực đoan những dục lạc của giác quan và cực đoan hành hạ thân xác.

Nhờ có sự nhận thức bản chất của hai cực đoan này trong chính đời sống của Ngài mà Đức Phật đã có thể đi đến lý tưởng Trung Ðạo, con đường tránh cả hai cực đoan. Có nhiều giải thích đầy ý nghĩa và sâu xa về Trung Đạo, nhưng căn bản nhất là điều hòa lối sống và thái độ, đối với tất cả mọi sự vật.

Chúng ta có thể lấy thí dụ về ba sợi dây của một cây đàn để minh họa cho điều ta muốn nói về thái độ này. Ðức Phật có một người đệ tử tên là Sona tu tập thiền định rất hăng say nhưng không có kết quả gì mà lại còn gặp nhiều trở ngại. Sona bắt đầu có ý không giữ lời thệ nguyện và muốn từ bỏ đời sống của một thầy tu. Ðức Phật hiểu rõ vấn đề, liền nói với Sona rằng:

- " Sona con, trước khi con trở thành nhà tu, con là một nhạc sĩ phải không?"

Sona trả lời :

"Thưa đúng ạ".

Ðức Phật hỏi tiếp:

"Là một nhạc sĩ con biết cách phải làm sao cho dây đàn tạo ra âm thanh hay và du dương, dây đàn phải thật căng phải không?

Sona trả lời:

- "Thưa không, dây căng quá sẽ tạo ra âm thanh không hay và sẽ bị đứt bất cứ lúc nào ".

Ðức Phật tiếp:

- " Dây chùng quá thì sao?

Sona trả lời :

- “ Thưa không, dây chùng quá không tạo được âm thanh hay và du dương. Dây tạo được âm thanh hay và du dương phải không căng quá và cũng không chùng quá".
Trong trường hợp này, sống buông thả và xa hoa thì quá phóng túng bừa bãi, vô kỷ luật hay không chuyên tâm, trái lại sống hành xác thì quá khắt khe, quá khắc nghiệt và căng thẳng có thể gây ra sự suy sụp của tâm và thân xác, giống như dây đàn quá căng có thể đứt bất cứ lúc nào.

Ðặc biệt hơn nữa, con đường đi tới mục tiêu chấm dứt khổ đau trong Phật giáo giống như một toa thuốc. Khi một vị bác sĩ giỏi chữa một bệnh nhân có bệnh nặng, toa thuốc của ông không chỉ chữa thể xác mà còn tâm lý. Nếu bạn đang đau đớn, chẳng hạn, về bệnh tim, bạn không những được cho thuốc men mà bạn còn được yêu cầu phải kiêng khem trong việc ăn uống và tránh tình trạng căng thẳng.

Nơi đây cũng vậy, nếu bạn nhìn vào những chỉ dẫn đặc biệt để theo con đường chấm dứt khổ đau của Phật Giáo, chúng ta thấy chúng không chỉ đề cập đến thân xác - hành động và lời nói - mà còn đề cập đến tư tưởng.

Nói một cách khác, Bát Chánh Ðạo cao quý, con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, là một con đường toàn diện, một phương pháp chữa trị tổng hợp. Nó được đặt ra để chữa lành chứng bệnh về khổ đau bằng cách loại bỏ nguyên nhân của nó, và cũng chữa trị áp dụng không chỉ cho thân xác mà còn cho cả tinh thần...”...

Trên đây là bài luận giải của tiến sĩ Peter Della Santina về nội dung của Niết Bàn. Niết Bàn là một cảnh giới tâm thức đã có nhiều người kinh nghiệm và sống trong cảnh giới đó, thí dụ đức Phật, sau khi đắc đạo, Ngài còn trụ thế gần 50 năm nữa và như các vị A La Hán, các thiền sư Kiến Tánh, các tu sĩ đã xong việc, nghĩa là đã hóa giải được các ô nhiễm Tham Sân Si.

Bài kệ tóm tắt con đường tu hành của Phật tử là:

Không làm những điều ác
Siêng làm những việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy rành.

“Tự thanh tịnh tâm ý” chính là con đường Niết Bàn. Tâm ý con người luôn luôn hoạt động, dòng tư tưởng trôi chảy triền miên khiến cho trí óc luôn bị dính mắc với hết chuyện này tới chuyện khác, nhà Phật gọi là vọng tâm sinh diệt.

Tất cả các pháp môn tu hành của nhà Phật đều để đạt mục tiêu chấm dứt tâm viên ý mã, tức là tâm ý nhảy nhót lung tung, từ chuyện này qua chuyện khác như con vượn con ngựa, không lúc nào yên. Chấm dứt được những trói buộc của sự suy nghĩ liên tục, vọng tâm sinh diệt, thì tâm hồn sẽ được giải thoát.

Có một câu chuyện Thiền như sau:

Một thiền sinh tới gặp vị thiền sư danh tiếng, xin làm đệ tử. Thiền sư liệng cái gối ngồi thiền ra ngoài hè rồi nói:

- Ông ra kia ngồi đi.

Thiền sinh hỏi:

- Ngồi rồi có làm gì nữa không ạ?

Thiền sư đáp:

- Không làm gì cả, có cái gì trong đầu thì ông xả bỏ đi.

Nhiều ngày trôi qua, một hôm thiền sinh bước vào gặp thiền sư:

- Bạch thày, con đã xả hết rồi.

Thiền sư nhẹ nhàng:

- Ông xả luôn cái ý nghĩ về xả đi.

Thiền sinh hỏi:

- Bạch thày, nếu con xả hết như thế thì con được gì ạ?

Thiền sư cười:

- Ông chẳng được gì cả, chỉ ra khỏi thùng rác thôi.

Nhà Phật coi những hoạt động của tâm ý thức, suy nghĩ triền miên là vọng tâm, không phải chân tâm. Nghĩ điều tốt là tạo ý nghiệp tốt, sẽ được hưởng thiện quả, nghĩ điều xấu thì tạo ý nghiệp xấu, sẽ lãnh quả báo xấu, đều trong vòng sinh diệt nhân quả của thế gian, thuộc về hai lời dạy của chư Phật là “Không làm những điều ác” và “Siêng làm những việc lành”.

Nhưng mục tiêu của hành giả tu thiền Phật giáo là ngộ Đạo, giải thoát khỏi mọi khổ não, cho nên phải giải quyết phần thứ ba là “Tự thanh tịnh tâm ý”. Đó là ý nghĩa câu “ra khỏi thùng rác” của vị thiền sư

Nơi kinh Viên Giác, đức Phật dạy:

- ....”...chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử Niết Bàn đều như việc trong mộng".

Bồ tát Kim Cang Tạng thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sanh bổn lai thành Phật, tại sao lại có tất cả vô minh? Nếu chúng sanh bổn lai thành Phật, rồi sau mới khởi vô minh, vậy chư Như Lai đến lúc nào sẽ sanh khởi lại tất cả phiền não?

Phật dạy:

- Như luyện quặng vàng, vàng chẳng phải do luyện mà có, mà trong quặng vốn đã có vàng. Sau khi đã thành vàng ròng thì dù trải qua vô lượng kiếp tánh vàng chẳng hoại, chẳng thể trở lại làm quặng nữa; vậy chẳng nên nói rằng vàng ròng vốn chẳng thành tựu, Viên Giác của Như Lai cũng như thế.

Vàng quặng đã vốn có vàng, lọc bỏ tạp chất thì vàng ròng xuất hiện. Tâm ý thức của con người lăng xăng che mờ Giác Tánh, vì thế cần “thanh tịnh hóa” để Giác Tánh hiển lộ.

Khi thiền sinh xả bỏ được tất cả, là ông ta “thanh tịnh hóa tâm ý”. Cũng như vàng quặng lọc bỏ tạp chất sẽ xuất hiện vàng ròng. Hành giả ngưng dứt cuồng tâm bay nhẩy như vượn như ngựa, thì sẽ thể nghiệm được cảnh giới an lạc, giải thoát của Hữu Dư Niết Bàn.


Trích "Chương trình phát thanh Tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"