PDA

View Full Version : Ca Dao với truyện Kiều



giavui
03-20-2016, 10:22 PM
Ca Dao với truyện Kiều



http://saigonecho.com/images/2013/VanHoc/truyen-Kieu.jpg


Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một áng văn chương tuyệt tác của nền văn học Việt Nam, được phổ cập sâu rộng trong mọi từng lớp dân gian, từ trí thức cho đến bình dân. Sở dĩ được như vậy là vì ngoài giá trị độc đáo của văn chương, Truyện Kiều còn gói ghém những thực trạng xã hội với những tình tiết tâm lý éo le khiến người đọc có thể tìm thấy đâu đó trong Truyện Kiều hoàn cảnh và tâm trạng của chính mình rồi ngâm lên cho khuây khỏa nỗi lòng. Chẳng hạn như chúng ta, những kẻ đang sống nơi đất khách quê người bèn mượn hai câu Kiều để gởi gấm tâm trạng nhớ nước, thương nhà:

Đoái trông muôn dặm tử phần,

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Còn những kẻ chán ngán thế thái nhân tình, gác kiếm sống như một ẩn sĩ, xa lánh cõi trần ô trọc đầy gió tanh mưa máu rồi ngâm hai câu Kiều lẩy để ký thác tâm sự mình:

Từ nay khép cửa phòng thu,
Chẳng tu mà cũng như tu mới là.
Hay trong thời chiến tranh, người chồng đi chinh chiến ở chiến trường xa, người chinh phụ ở lại quê nhà chăn đơn gối chiếc, đêm đêm nhìn ánh trăng tưởng nhớ đến chồng rồi ngâm lên hai câu:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Hoặc những kẻ bị thất tình nhiều lần, yêu lần nào cũng dang dở cho nên vì tình mà tâm hồn điên đảo, vì tình mà áo nảo tâm can rồi chán đời, hận đời bèn mượn hai câu Kiều để chửi đời:

Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
Cụ Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương chửi đời mà không thô tục. Cụ Tố Như thì “Chém cha cái số hoa đào. Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!”. Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.”.
Cái triết lý mà cụ Nguyễn Du gởi gấm trong Truyện Kiều là thuyết “Tài mệnh tương đố” cho nên cụ mở đầu tập Truyện Kiều bằng hai câu:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Đôi khi những người có tài cũng khốn khổ lắm vì “Chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.
Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt tác, vì thế không những người ta đọc, người ta ngâm những vần thơ tuyệt tác này mà người ta còn làm thơ vịnh Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều...

Vịnh Kiều:
Nhiều nhất là thơ vịnh Kiều của tao nhân mặc khách và nổi tiếng hơn cả là một bài tổng vịnh và 20 bài thơ “Vịnh Kiều” của cụ Chu Mạnh Trinh. Về vịnh Kiều có ba phái, phái khen Kiều như Chu Mạnh Trinh. Còn phái chỉ trích Kiều thì có Nguyễn Công Trứ và phái trung dung như Tản Đà v...v...
Xin trích đăng một vài bài trong “Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập” của Chu tiên sinh:

Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương,
Sắc tài chi lắm để làm gương!
Công cha bao quản liều thân thiếp,
Sự nước xui nên phụ nghĩa chàng.
Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh,
Duyên may dun rủi lưới Tiền Đường.
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu,
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.
(Chu Mạnh Trinh)
Và sau đây một bài khác cũng của cụ Chu Mạnh Trinh:
Thằng bán tơ kia giở mối ra,
Làm cho bận đến cụ Viên già.
Muốn êm phải biện ba trăm lạng,
Khéo xếp nên liều một chiếc thoa.
Đón khách mượn màu son phấn mụ,
Bán mình chuộc lấy tội tình cha.
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ,
Đời trước làm quan cũng thế a?

Trong khi Chu Mạnh Trinh hết sức bênh vực Kiều thì Nguyễn Công Trứ lại nghiêm khắc lên án Kiều nào là mất nết, nửa đêm lẻn sang nhà Kim Trọng rồi lấy hết Mã Giám Sinh đến Thúc Sinh, Từ Hải..., trong vòng 15 năm lưu lạc đã làm vợ không biết bao nhiêu người:

Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt thoa đành phụ với Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thôi cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu.
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu?
Mà bướm chán, ong chường cho đến thế!
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đọan trường cho đáng kiếp tà dâm!
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai.
Nghĩ đời mà ngán cho đời!
(Nguyễn Công Trứ)

Còn cụ Tam Nguyên Yên Đỗ cũng mỉa mai Thúy Kiều và cười Kim Trọng cố tình nhặt cánh hoa tàn đã lấm bùn nhơ:

Kiều nhi giấc mộng thật nên cười,
Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi.
Số kiếp bởi đâu mà lận đận?
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi.
Cành hoa vườn thúy duyên còn bén,
Ngọn nước sông Tiền nợ chẳng xuôi.
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi,
Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi.
(Nguyễn Khuyến)
Và phái trung dung:
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
Gót ngọc chưa phai chốn thủy quan.
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
Một dây bạc mệnh đứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian.
(Phạm Quý Thích dịch)

Cũng thuộc phái trung dung, Tản Đà vịnh Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến:

Tiếng súng ân tình bốn mặt ran,
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn.
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng,
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng Đốc ví thương người bạc mệnh,
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.
Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ,
Hồn có xa nghe mấy tiếng đàn.
(Tản Đà)
Cũng về vịnh Kiều, còn có một giai thoại lý thú với quan án sát Từ Đạm ngày trước, giai thoại được truyền tụng như sau:
Một hôm lính hầu có bắt giam một thư sinh ngông cuồng. Đêm đã về khuya mà chàng thư sinh cứ ngâm Kiều vang dội. Lính canh la mắng bắt im, nhưng chàng thư sinh cãi lại rằng: “Quan lớn ra lệnh tống giam, chứ có ra lệnh cấm ngâm Kiều đâu?”. Sự cãi cọ ồn ào làm mất giấc ngủ của quan án, quan truyền giải chàng thư sinh lên hầu. Thấy nói là học trò biết chữ nghĩa lại thích ngâm Kiều, quan án bèn ra lệnh phải làm một bài thơ vịnh Kiều, nếu bài thơ hay thì sẽ được tha tội và thưởng cho ba quan tiền, còn nếu bài thơ dở sẽ bị đánh đòn ba roi, bắt trở lại nhà giam và phải ngậm miệng không được ngâm nga gì nữa.
Quan án sát ra đầu đề: “Vịnh thân thế nàng Kiều”. Chàng thư sinh suy nghĩ một lát rồi ứng khẩu đọc bài vịnh như sau:

Khóa cửa phòng xuân để đợi chờ,
Mà em mất nết tự bao giờ.
Chàng Kim mê gái công đeo đẳng,
Viên ngoại chiều con chết ngất ngơ.
Nợ trước hẹn hò con đĩ Đạm,
Duyên sau gặp gỡ bố cu Từ.
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng,
Còn trách làm chi chú bán tơ.

Đáng chú ý là hai câu thơ:

Nợ trước hẹn hò con đĩ Đạm,
Duyên sau gặp gỡ bố cu Từ.
Hai câu này thật tài tình, câu trước nói lên việc Thúy Kiều viếng mả Đạm Tiên trong tiết Thanh Minh, còn câu sau tả lúc Kiều gặp gỡ Từ Hải. Nhưng hai câu thơ ấy lại ghép tên quan án sát Từ Đạm, với danh xưng là “con đĩ Đạm” và “bố cu Từ”. Tuy vậy quan án Từ Đạm với tinh thần một nhà nho trọng lời hứa nên phải nuốt giận khen bài thơ hay, thưởng chàng thư sinh ba quan tiền và ra lệnh tha chàng thư sinh “ngông” thích ngâm vịnh Kiều.
Còn trong dân gian thì có cái thú “Đố Kiều”, tức là đặt ra những câu đố nhiều khi rất hiểm hóc về truyện Kiều để thử thách xem người đọc có thật thuộc, thật nhớ về Kiều hay không.
Ngày xưa, nhất là vào những ngày xuân người ta có các hội vui để hai bên nam nữ hát đố nhau về truyện Kiều thật hào hứng và trước khi đố, cả hai phe nam nữ đồng hát lên những câu hát trống quân để tăng phần trữ tình:
Một đàn cò trắng bay chung,
Bên nam, bên nữ ta cùng hát lên.
Hát lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta.
Những câu đố Kiều trong dân gian còn truyền tụng như sau:
NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh đã thuộc lòng,
Đố anh kể được hai dòng toàn nôm?
NAM ĐÁP:
Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em ruột, này là em dâu.

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thuộc đã thông,
Đố anh kể được hai dòng toàn nho?
NAM ĐÁP:
Hồ công quyết kế thừa cơ,
Lễ tiên binh hậu, khắc cờ tập công.

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thuộc từ lâu,
Đố anh đọc được một câu mười người?
NAM ĐÁP:
Hai bên mười vị tướng quân,
Đặt gươm, cởi giáp trước sân khấu đầu.
(Lúc Từ Hải sai binh sĩ rầm rộ đến đón Kiều)

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thuộc đã nhiều,
Đố anh đáp được câu Kiều ngàn năm?
NAM ĐÁP:
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thuộc đã lâu,
Đố anh đọc được hai câu hết Kiều?
NAM ĐÁP:
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thuộc từng vần,
Đố anh kể được ba lần trăm năm?

NAM ĐÁP:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không.

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thường đọc luôn,
Đố anh kể được, bốn buồn, bốn khi?

NAM ĐÁP:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
(Tả cảnh buồn lúc Kiều ở Lầu Ngưng Bích)

Và:
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.

NỮ ĐỐ:
Truyện Kiều anh thuộc đã nhiều,
Đố anh kể được câu Kiều mười cho?
NAM ĐÁP:
Làm cho cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân!
Từ nãy giờ phe nữ đố phe nam và phe nam đã đối đáp trôi chảy, mạch lạc, suông sẻ. Để tiếp tục mua vui bằng trò chơi trữ tình, bây giờ đến phiên phe nam đố phe nữ:

NAM ĐỐ:

Thấy em hay đọc truyện Kiều,
Cho nên anh hỏi mấy điều xem sao.
Kiều Vân em chị thế nào?
Tuổi ai hơn kém, má đào giỏi giang?

NỮ ĐÁP:
Hỏi chi ngoắt ngoéo hỡi chàng?
Thúy Kiều là chị rõ ràng hẳn hoi.
Hai người cùng vẻ sinh đôi,
Chàng xem trong truyện, chàng thời hiểu ra.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Hai người một tuổi, một năm,
Lấy đâu hơn kém mà thăm hỏi dò?
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
Cho nên bạc mệnh ai mà chẳng hay!

NAM ĐỐ:
Thúy Kiều sao tệ lắm thay,
Phụ lòng Kim Trọng, nước mây sao đành?
Cầu Lâm chàng đoái chút tình,
Hàm oan những để một mình chịu riêng.
Uổng công thuê Lẫm, Thúy Hiên,
Uổng công thề thốt chẳng nên việc gì!

NỮ ĐÁP:
Thực chàng vụng nghĩ chẳng suy!
Thau đồng lẫn lộn, bấc chì chưa tinh.
Thúy Kiều là bậc bi kinh,
Chàng Kim cũng bậc trâm anh con nhà.
Có đâu ép liễu nài hoa,
Có đâu tang bộc như là ai kia.
Bởi chưng gia biến trăm bề,
Bán mình trăm lạng đền nghì muôn chung.
Dở dang duyên phận vợ chồng,
Đó là tại bởi tơ hồng cợt trêu,
Âu là cũng tại ông xanh,
Vẽ ra cho đủ mọi vành mà chơi.
Sự tình em đã kể rồi,
Xin chàng suy nghĩ liệu lời khen chê!
Phe nữ đối đáp cũng trơn tru suông sẻ không thua gì phe nam, chứng tỏ phe nữ cũng thuộc Kiều rành mạch. Để tiếp tục cuộc chơi, phe nữ đố tiếp phe nam, lần này các nàng ra quân bằng các câu đố càng hiểm hóc hơn với những lời hứa hẹn đong đưa trữ tình:

NỮ ĐỐ:
Đầu Kiều có một chữ nho,
Anh mà giải được em cho làm chồng,
Giữa Kiều có một chữ thông,
Anh mà giảng được bế bồng em đi.
Cuối Kiều có một chữ chi,
Anh mà đáp được em thì cho không.
NAM ĐÁP:

Đầu Kiều nói đến nho phong,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
Giữa Kiều cũng đã nghĩ ra,
Như anh giảng được em là của anh.
Đêm ngày một mực giấu quanh,
Rày lần mai lữa như hình chưa thông.
Cuối Kiều cũng đã nghĩ xong,
Em đừng hối hận đổi lòng mà sai.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Em ơi bước lại cho gần,
Một lời em hứa thánh thần chứng tri.....


Thi hào Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế không những một áng văn chương tuyệt tác mà còn những thú vui tao nhã nữa. Tuy thế, Tố Như tiên sinh đã viết trong hai câu kết của Đoạn Trường Tân Thanh một cách thật khiêm nhường:
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.

tác giả : Lê Thương
.....
Tiền vào như nước Sông Đà,
Tiền ra nhỏ giọt như cà-phê phin.