PDA

View Full Version : Nhân loại sắp phải uống nước bồn cầu?



duyanh
02-23-2016, 01:46 PM
Nhân loại sắp phải uống nước bồn cầu?




http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/08/160108120419_water_recycling_640x360_lukepetersonf lickrccby2.0_nocredit.jpg

Ở một số nơi trên thế giới, nước thải đi qua các cống rãnh, bao gồm từ các toilet, đang được lọc và xử lý cho đến khi nó sạch như nước suối, nếu không muốn nói là sạch hơn.

Nghe thì không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm, nhưng nước được tái chế rất an toàn và có mùi vị giống như tất cả những loại nước đóng chai hay lấy từ vòi ra.

“Nước được tái chế thậm chí còn có vị hơi ngọt,” Anas Gadouani, kỹ sư môi trường từ Đại học Wester Australia ở Crawley, nói.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấy khó mà chấp nhận chuyện uống nước thải tái chế.

Mặc dù vậy, khi đối mặt với hạn hán và dân số tăng cao, nhiều thành phố đã bắt đầu tái sử dụng nước thải. Việc tái sử dụng nước thải không chỉ cần thiết mà nó còn quan trọng đối với việc duy trì nguồn cung nước trong tương lai.

Không sớm thì muộn bạn sẽ phải uống nước thải tái chế.

“Chuyện đương nhiên thôi. Điều đó sẽ xảy ra,” Ghadouani nói.

Nước thải tất nhiên là không chỉ bao gồm nước xả từ toilet. Hãy nghĩ tới những lượng nước đi xuống cống mỗi khi bạn rửa một trái táo hay rửa xe. Lượng nước này là một nguồn tài nguyên dồi dào chưa được sử dụng.

“Nó rẻ hơn và là nguồn tài nguyên luôn sẵn có,” Peter Scales, kỹ sư hoá học tại Đại học Melbourne ở Úc, nói.
Nếu một thành phố có quy mô trung tái sử dụng lượng nước thải, nó có thể giảm nhu cầu nước xuống tới 60%.


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/08/160108120257_water_tap.jpg

Dùng nước thải tái chế thành nước sạch có thể sẽ tạo ra các rắc rối chính trị cho giới lập pháp (Hình: Getty Images)

Việc tái sử dụng nước thải cho việc tưới cây trong nông nghiệp và các mục đích phi tiêu dùng khác là điều thường thấy.
Trên thực tế, nó cũng giống công nghệ được sử dụng để xử lý các nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn, và công nghệ này đã được sử dụng nhiều năm nay.
Đầu tiên, bạn phải lọc hết toàn bộ những chất ở dạng rắn trong nước. Sau đó, bạn sẽ áp dụng một quy trình gọi là thẩm thấu ngược nhằm lọc bỏ những hạt nhỏ nhất.

Sau đó, nước được chiếu tia cực tím nhằm khử trùng các vi khuẩn gây bệnh.

“Chúng tôi có thể cung cấp nước rất tinh khiết, tinh khiết hơn cả những gì họ có thể lấy từ sông hay từ các bể chứa,” Scales nói.
Tuy nhiên, rõ ràng là xuất nguồn của nó còn khiến nhiều người ngần ngại.

Gần đây, nhà tâm lý học Paul Rozin từ Đại học Pennsylvania ở Hoa Kỳ và một nhóm nghiên cứu đã khảo sát 2.000 người Mỹ.

Kết quả cho thấy dù 49% nói họ sẵn sàng sử dụng nguồn nước thải tái chế, vẫn có 13% từ chối và số còn lại nó họ chưa chắc.

Đối với một số người, cảm giác ghê tởm là quá khó để vượt qua, dù bạn muốn giải thích là nguồn nước này an toàn đến thế nào đi nữa.
Vấn đề chính trịNăm 2006, một thành phố bị hạn hán ở phía đông Úc tên là Toowoomba đã tìm cách tái sử dụng nước thải. Tuy nhiên nỗ lực này là một thảm hoạ chính trị do 62% người dân thành phố bỏ phiếu bác kế hoạch trong một cuộc trưng cầu dân ý.
“Tái sử dụng nước là điều có tác động lớn, nhưng nó cũng là một vấn đề thực sự nếu xét về khía cạnh chính trị,” Scales nói.

Tình trạng thiếu nguồn nước đã đẩy giới chức Toowoomba vào cảnh tuyệt vọng.

Họ đã tìm cách áp dụng việc tái sử dụng nước thải mà không cho người dân đủ thời gian để tìm hiểu và làm quen với điều này, Clare Lugar, phát ngôn viên của Water Corporation, công ty cung cấp nước cho Perth và Tây Úc, vùng đã trải qua các cơn hạn hán từ 15 năm qua, nói.


http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/08/160108120257_water_desalination.jpg

Việc khử mặn để tạo ra nước sạch đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều năng lượng (Hình: Science Photo Library)

Tập đoàn đã bắt đầu cung cấp nước thải tái chế, nhưng họ muốn rút kinh nghiệm từ vụ Toowoomba và đang triển khai một cách từ từ.

Tây Úc là một trong những nơi khô nhất trên Trái Đất, và tình trạng thay đổi khí hậu sẽ làm cho nơi này càng trở nên khắc nghiệt.
“Nó là điểm nóng của tình trạng hạn hán,” Ghadouani nói.

“Đó là những gì đã được dự báo, và thực sự là những gì đang xảy ra”.

Hồi năm ngoái, con đập ở Perth chỉ có 72,4 tỷ lít nước, chưa bằng một phần ba so với nhu cầu.

Để ứng phó với tình trạng hạn hán, Water Corporation vào năm 2006 đã sử dụng các nhà máy ở ngoài khơi để biến nước muối thành nước thường.

Việc khử muối rất tốn công nhưng lại hiệu quả. Ngày nay, nước được khử muối chiếm 39% tổng nguồn cung nước cho khu vực. Nguồn nước khai thác tại chỗ chiếm 43% và nước ở các bể chứa cung cấp cho phần còn lại.

Tuy nhiên với tình trạng hạn hán và dân số liên tiếp tăng, việc tái sử dụng nước thải sẽ giúp củng cố an ninh với chi phí thấp hơn.
Tập đoàn này đang sử dụng mô hình mà Quận Cam, California đang sử dụng: Bơm nước thải vào tầng ngậm nước. Các tầng ngậm nước sẽ làm các bồn chứa tự nhiên miễn phí và đóng vai trò là vùng đệm về tâm lý đối với người dùng.

Ngay cả khi nước thải qua xử lý đạt chất lượng an toàn để uống, nhiều người vẫn cho rằng nước sẽ được thanh lọc một cách tự nhiên dưới lòng đất.

Năm 2012, Water Corporation đã hoàn thành một thử nghiệm kéo dài ba năm, với việc xử lý hàng triệu lít nước để thay đổi cách nhìn nhận về toàn bộ quy trình.

Họ đã xây dựng một trung tâm dành cho khách tham quan và những người đến đây được đưa đi thăm các nhà máy xử lý. Đại diện tập đoàn cũng nói chuyện với chính quyền, các cộng đồng và các nhóm thổ dân địa phương.


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/08/160108120257_water_waste.jpg

Với tình hình dân số ngày càng tăng, sẽ có thêm nhiều thành phố cần tái chế nước thải để đáp ứng nhu cầu sử dụng (Hình: Science Photo Library)
Cách tiếp cận bình dân này có vẻ như đang phát huy tác dụng, thể hiện qua việc các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ là 70%.
“Thành công của chúng tôi là nhờ việc tiếp cận với cộng đồng và làm tốt việc đó,” Lugar nói.

Giờ đây, họ đang tăng cường hiệu suất, với 10 tỷ lít nước tại Perth được xử lý từ năm 2013 đến 2014. Dự tính sang năm 2017, Water Corporation sẽ cho ra mắt một nhà máy quy mô lớn có khả năng tái chế 14 tỷ lít nước mỗi năm, và thậm chí tăng lên 28 tỷ nếu cần. Cuối cùng, lượng nước thải đã tái chế có thể chiếm 20% tổng nguồn cung cấp nước cho Perth.

Chu kỳ xử lý, khử muối, và có lẽ quan trọng nhất là việc tiếp xúc với cộng đồng, đang giúp Perth tránh được tình trạng hạn hán.
“Chúng tôi đã trở thành một tấm gương cho các nước trên thế giới về cách thức ứng phó với khí hậu khô hạn,” Lugar nói.

Cách thực hiện từ nhiều khía cạnh là rất quan trọng. Ví dụ như, theo Scales, một trong các nguồn nước chưa được khai thác khác là nước mưa, và nếu bạn tái sử dụng nước thải và thu thập lượng nước lũ ngấm vào đất, bạn có thể cung cấp nước cho cả một thành phố.
Nhưng việc làm cho người khác chấp nhận việc tái sử dụng và xây dựng cơ sở hạ tầng để thu thập nguồn nước lũ có thể tốn nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.

“Việc mở rộng sử dụng nước thải hay nước lũ giữa mùa hạn hán sẽ không có hiệu quả,” ông nói.

“Bạn cần đợi cho tới khi công chúng chấp nhận chuyện này và chịu sử dụng nó.”

Những nơi như Singapore, Bỉ, Windhoek tại Namibia, và Wichita Falls ở Texas đã bắt đầu tái chế nước thải. Trước vấn đề tăng dân số, cả thế giới cũng sẽ sớm phải đi theo mô hình này, cho dù vì lý do hạn hán hay thay đổi khí hậu.

“Không có sự lựa chọn nào khác,” Scales nói.

Ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, như ở châu Á và Nam Phi, việc thiếu nguồn nước sạch từ vòi dẫn tới các căn bệnh.
“Đó là do nước ở đây bị nhiễm nước thải,” ông nói.

Tuy nhiên việc xử lý nước nhiễm khuẩn cũng giống như tái sử dụng nước thải, và vì vậy hai vấn đề này là giống nhau.

Vì vậy, dù bạn có muốn gọi quy trình này là gì đi nữa, thì việc thanh lọc, tái chế nước thải, hay quá trình "từ toilet tới vòi nước", tất cả chỉ có một ý nghĩa cuối cùng, đó là: Nước sạch cho tất cả mọi người.

Bản tiếng Anh (http://www.bbc.com/future/story/20160105-why-we-will-all-one-day-drink-recycled-wastewater) bài này đã đăng trên BBC Future (http://www.bbc.com/future).