PDA

View Full Version : Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày Tết



duyanh
02-05-2016, 01:27 PM
Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày Tết



http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/food-safety-during-tet-02032016145613.html/000_Hkg10235877-620.jpg/image (http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/food-safety-during-tet-02032016145613.html/000_Hkg10235877-620.jpg/image)

Một tấm áp phích khuyên mọi người làm thế nào để xử lý an toàn thực phẩm tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình hôm 01/12/2015.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/food-safety-during-tet-02032016145613.html/thucphamtet.mp3


Tình trạng có nhiều loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong dịp Tết, đã khiến cho nhiều người lo lắng. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Bính thân năm nay ra sao?

Hàng năm, mỗi khi Tết đến thì nhu cầu tiêu thụ phẩm của người dân lại tăng lên đột biến. Tuy vậy tình trạng các hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn lưu thông trên thị trường là phổ biến, đã khiến cho người tiêu dùng hết sức lo lắng.

Chị Út một người nội trợ ở Bình Dương cho rằng, hầu hết các loại thực phẩm bày bán ở chợ bây giờ đều dùng các chất phụ gia để chế biến, nhằm tăng mùi vị hoặc để bảo quản được lâu hơn. Chị chia sẻ với chúng tôi:

“Bây giờ ăn uống cũng lo sợ lắm, nhưng vẫn cứ phải mua để ăn thôi, cũng phải xem những cái nào ít thuốc thì dám mua, chứ nghĩ mà thấy ớn, nhất là trái cây thì ít dám ăn. Cũng lo lắm chứ, ăn thì cứ ăn nhưng vẫn sợ không an toàn, nhiều khi ăn cũng sợ nhưng không ăn thì biết ăn cái gì?”

Để tìm mua được hàng hóa hợp về sinh và không bị ngâm tẩm hóa chất trong dịp Tết bây giờ là điều hết sức khó khăn. Bà Huệ ở thành phố Vinh nói:

Vào dịp Tết thì gia đình nào cũng mua rất nhiều loại thực phẩm, vì vậy chúng ta nên chọn mua các loại thực phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ và những cơ sở sản xuất có thương hiệu, có uy tín.
- TS. Hồ Diệu Hoàn
“Bây giờ thì khó biết lắm, vì thứ hư hỏng họ cũng làm cho như thịt mới mổ, mình thì mờ mắt nên không biết chi cả. Nên thì cứ tìm những hàng quen mà mình hay mua, chứ bây giờ mua hàng thì chịu, không chọn được.”

Trước tình trạng nói trên, chuyên gia Dinh dưỡng TS. Hồ Diệu Hoàn thấy rằng, người tiêu dùng cần cẩn thận khi lựa chọn các hàng hóa khi mua là giải pháp tốt nhất, để tránh các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Bà cho biết:

“Vào dịp Tết thì gia đình nào cũng mua rất nhiều loại thực phẩm, vì vậy chúng ta nên chọn mua các loại thực phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ và những cơ sở sản xuất có thương hiệu, có uy tín. Khi mua thực phẩm thì cần phải xem kỹ nhãn mác, thành phần và hạn sử dụng của sản phẩm. Và sử dụng cảm quan để xác định đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Thường là các cơ sở sản xuất lớn thì đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, vì họ đã áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.”

Báo Người lao động ngày 30/01/2016 cho biết, ngay cả siêu thị, nơi vốn được người tiêu dùng tin tưởng sẽ mua được hàng chất lượng, song gần đây một số vụ việc thực phẩm kém chất lượng đã bị phát hiện. Vì phải cạnh tranh, thì rất nhiều người bán hàng cạnh tranh bằng cách… giảm chất lượng. Từ đó dẫn đến tình trạng các siêu thị muốn bán hàng giá rẻ phải yêu cầu chiết khấu cao từ nhà sản xuất, ban đầu doanh nghiệp cung cấp hàng có thể làm đúng chất lượng, nhưng những đợt hàng tiếp theo sẽ không đảm bảo 100% chất lượng.

Nói về nguyên nhân tình trạng các loại hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn ngang nhiên được tiêu thụ ở các chợ, kể cả trong siêu thị. Ông Bảy cán bộ quản lý chợ Bửu hòa, TP Biên hòa bày tỏ:

“Nếu mọi người dân chúng ta chỉ vì cái đồng lợi bất chính mà bỏ hóa chất vào thực phẩm là chúng ta đã tự giết lẫn nhau. Song cái này rất khó là hậu quả của nó không bộc lộ liền, chẳng thà ăn vào rồi đi bệnh viện liền, nhưng cái này thì nó ngấm dần dần và những cái đó nó gây tổn thất cho người tiêu dùng. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho xã hội”

Theo báo Thanh niên, chỉ trong 2 ngày giữa tháng 1/2016 vừa qua, Cảnh sát môi trường TPHCM liên tiếp kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở chế biến hàng tấn măng khô, tươi tại TPHCM vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất măng đều dùng hóa chất trong dệt may công nghiệp để ngâm măng tươi, tạo màu cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sử dụng hóa chất

Đây không phải là trường hợp cá biệt, việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong bảo quản, chế biến thực phẩm là điều hết sức phổ biến và hết sức nguy hiểm cho sức khỏe. TS. Hồ Diệu Hoàn cảnh báo:

“Bây giờ chế biến thực phẩm người ta dùng cả hóa chất cho công nghiệp, như dùng chất tẩy chẳng hạn, chất tẩy dùng để tẩy bông, vải, sợi thôi thế mà dùng để tẩy trong bánh, trong bún là không được. Vì nó sẽ gây bệnh, mà đó là một trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Cho nên bệnh ung thư gần đây phát hiệt ra rằng, bệnh ung thư 40% là do ăn các thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Mà nguyên nhân là sử dụng hóa chất công nghiệp. ”

Theo VNN cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm. Theo đó, quy định rõ mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Nói về việc quan tâm trong quản lý của cơ quan chức năng trong dịp Tết Bính thân, một cán bộ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế không muốn nêu danh tính cho biết:

Bây giờ chế biến thực phẩm người ta dùng cả hóa chất cho công nghiệp, như dùng chất tẩy chẳng hạn, chất tẩy dùng để tẩy bông, vải, sợi thôi thế mà dùng để tẩy trong bánh, trong bún là không được.
- TS. Hồ Diệu Hoàn
“Người dân nếu phát hiện ra các vi phạm thì hãy thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước, để chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp đó. Còn ở Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có đường dây nóng để cho người dân có thể là thông báo kịp thời các thông tin đến cơ quan quản lý của chúng tôi. Đồng thời trên trang thông tin điện tử, chúng tôi cũng có các địa chỉ liên hệ để lắng nghe các ý kiến của người dân.”

Nếu chỉ áp dụng các biện pháp xử lý bằng pháp luật như hiện nay thì sẽ không có hy vọng sẽ giải quyết triệt để được tình trạng này. TS. Hồ Diệu Hoàn khẳng định:

“Cần phải tăng cường truyền thông để phổ biến kiến thức cho người sản xuất chế biến thực phẩm, để họ hiểu được là sử dụng phụ gia nào là an toàn và họ phải thấy có trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra phải đảm bảo được uy tín của mình. Có như vậy thì việc quản lý mới dễ, chứ bây giờ người sản xuất cứ cố tình làm sai thì có bao nhiêu nhân lực quản lý cũng không đủ.”

Theo chuyên gia Mai Thể Thanh - Viện Hàn lâm KHXH, trong những năm qua tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng và ở mức khó kiểm soát. Điều đó khiến cho người tiêu dùng lo lắng và mất dần niềm tin. Những bài viết nói về an toàn thực phẩm đăng tải trên báo chí VN đều có cùng kết luận: nếu vì chạy theo lợi nhuận mà có người người sản xuất kinh doanh đánh mất lương tâm, thì đó là điều thật đáng trách, vì những người làm ăn bất chính này đã tạo ra các tác nhân gây bệnh sau này cho người tiêu dùng, đồng thời điều đó còn ảnh hưởng tới vấn đề duy trì và phát triển nòi giống.



https://www.youtube.com/watch?v=bTfmnihLZqY


RFA