PDA

View Full Version : Thụy Điển 'sẽ trục xuất 80.000 di dân'



duyanh
01-28-2016, 02:00 PM
Thụy Điển 'sẽ trục xuất 80.000 di dân'




http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/28/160128030321_sweden__624x351_reuters.jpg
Thụy Điển vừa áp dụng việc kiểm tra cửa khẩu tạm thời trong nỗ lực để kiểm soát dòng người di dân
Thụy Điển dự kiến sẽ tiến hành trục xuất đến 80.000 người bị từ chối đơn tỵ nạn, Bộ trưởng Nội vụ nước này được báo dẫn lời.

Anders Ygeman nói rằng máy bay thuê chuyến sẽ được dùng để trục xuất người di cư và phải mất một vài năm.

"Chúng tôi đang nói đến khoảng 60.000 người nhưng số lượng thực tế có thể lên tới 80.000," báo Thụy Điển dẫn lời ông Ygeman.

Khoảng 163.000 người nhập cư xin tỵ nạn ở Thụy Điển trong năm 2015, số lượng cao nhất trên mỗi đầu người ở châu Âu.

Trong số khoảng 58.800 trường hợp được xử lý năm ngoái, 55% được chấp nhận.

Trước đó, hôm thứ Tư 27/1, chính phủ Hy Lạp đáp trả những cáo buộc trong một dự thảo báo cáo của Ủy ban châu Âu rằng họ đã "xem nhẹ" nghĩa vụ của mình trong việc kiểm soát biên giới bên ngoài khu vực Schengen của châu Âu vốn không cần sử dụng passport khi đi lại.

Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Olga Gerovasili cáo buộc Ủy ban "chơi trò đổ lỗi" và cho biết họ đã không hành động theo một chương trình thỏa thuận năm ngoái về việc tái định cư hàng chục ngàn di dân và người tỵ nạn bị kẹt lại Hy Lạp.
http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/26/160126023729_sweden_refugee_centre_624x351_afp_noc redit.jpg

Một trung tâm tiếp nhận người tỵ nạn tại Thụy Điển

Châu Âu đang phải vật lộn để đối phó trước cuộc khủng hoảng có thêm hàng chục ngàn người di cư đến bãi biển Hy Lạp, bất chấp thời tiết giá lạnh.

Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 46.000 người đã đến Hy Lạp trong năm nay, hơn 170 người thiệt mạng trong hành trình nguy hiểm này.

Ông Ygeman được dẫn lời về con số 80.000 người trên truyền hình công cộng Thụy Điển và tờ báo Dagens Industri (nội dung tiếng Thụy Điển).

Sau đó, ông đã viết trên Twitter rằng ông không nắm chính xác số lượng người xin tỵ nạn, đấy là việc của cơ quan chức năng và tòa án.

Thụy Điển vừa áp dụng việc kiểm tra cửa khẩu tạm thời trong nỗ lực để kiểm soát dòng người di dân. Cùng với Đức, Thụy Điển được xem là quốc gia mà những người tỵ nạn và dân di cư muốn đến trước nhất để nhập cảnh vào EU bất hợp pháp.
Thất bại về chính sách người di cư

28 quốc gia thành viên không đạt được thỏa thuận về cơ chế Tái định cư cho người xin tỵ nạn trên toàn châu Âu, nghĩa là để giảm bớt gánh nặng cho Hy Lạp và Ý. Đến nay, chỉ một vài nhóm nhỏ được tái định cư, một số quốc gia ở Trung và Đông Âu từ chối nhận di dân
Hiệp ước Schengen về tự do đi lại đang bị đe dọa - Hungary rào biên giới với Serbia, Croatia và Slovenia; trong khi đó Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Pháp cũng tái lập việc kiểm soát biên giới
Điều luật Dublin, vốn quy định di dân phải đăng ký tỵ nạn ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân tới, không được áp dụng hiệu quả. Các nước không còn gửi trả di dân đến điểm đầu tiên mà họ nhập cảnh vào EU
Hàng ngàn người di cư - nhiều người trong số họ chạy trốn nội chiến Syria - vẫn đang đến từ Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày
Việc xử lý đơn xin tỵ nạn chậm chạp và tồn đọng với số lượng lớn - vì vậy trung tâm tiếp nhận rất đông đúc
Đức - điểm đến chính với người di cư - đang cân nhắc lại chính sách mở cửa, một phần là do sự bất bình của người dân về các vụ tấn công tình dục phụ nữ ở Cologne trong đêm 31/12/2015

http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2015/09/09/150909232156_migrants_640x360_reuters_nocredit.jpg

Di dân đi bộ hướng về biên giới Thụy Điển

Thụy Điển hồi đầu tuần này đã trở thành quốc gia mới nhất tại châu Âu chứng kiến căng thẳng về người di cư tăng cao liên quan đến bạo lực. Một thiếu niên 15 tuổi xin tỵ nạn bị bắt tại Molndal, gần Gothenburg, sau khi một nhân viên trung tâm tỵ nạn 22 tuổi bị đâm chết.

Các quan chức di trú cho hay 35.400 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng xin tỵ nạn tại Thụy Điển năm 2015, gấp 5 lần số lượng năm 2014.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Đan Mạch, chính phủ tuần này thông qua luật thu giữ tài sản có giá trị của những người tỵ nạn với hy vọng hạn chế dòng người nhập cư.

Một số người đã so sánh đề xuất của Đan Mạch với việc Đức Quốc xã tịch thu vàng và tài sản giá trị khác của người Do Thái trong Thế chiến II.



BBC