PDA

View Full Version : Mỹ, Nhật, Nam Hàn ‘sát cánh’ phản ứng vụ bom H



duyanh
01-07-2016, 01:31 PM
Mỹ, Nhật, Nam Hàn ‘sát cánh’ phản ứng vụ bom H




http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/07/160107090815_south_korean_protesters__640x360_gett y_nocredit.jpg (http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/07/160107090815_south_korean_protesters__640x360_gett y_nocredit.jpg)

Người dân Seoul biểu tình phản đối Bắc Hàn hôm 7/1

Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản tuyên bố liên kết để phản ứng lại Bắc Hàn, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố “thử thành công một quả bom nhiệt hạch”.

Bắc Hàn cho biết vụ thử bom diễn ra hôm thứ Tư 6/1.

Đây là vụ thử hạt nhân thứ tư của Bắc Hàn kể từ 2006, nhưng nếu được xác nhận thì đây sẽ là vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã nhất trí sẽ bắt đầu tiến hành ngay các biện pháp phản ứng lại Bắc Hàn.

Tuy nhiên vẫn có nghi ngờ liệu Bắc Hàn có thực sự tiến hành được vụ thử bom như vậy.

Các chuyên gia cho rằng các chấn động do vụ nổ gây ra không đủ lớn đối với một vụ nổ nhiệt hạch thật sự.

Nhà Trắng cho hay Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hội đàm với Tổng thống Nam Hàn Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Họ "đồng ý cùng nhau tạo nên một phản ứng quốc tế hợp nhất và mạnh mẽ trước hành vi liều lĩnh mới nhất của Bắc Hàn", tuyên bố chung của ba nước viết.

Ông Abe nói với các phóng viên: "Chúng tôi nhất trí rằng hành động khiêu khích của Bắc Hàn là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ ứng phó với tình trạng này một cách dứt khoát thông qua việc hợp tác với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc."


http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/06/160106110633_north_korea_640x360_epa.jpg

Văn phòng tổng thống Nam Hàn tuyên bố rằng bà Park và ông Obama nhất trí hợp tác chặt chẽ và rằng cộng đồng quốc tế "đảm bảo rằng Bắc Hàn phải trả giá tương xứng" cho vụ thử hạt nhân, hãng thông tấn Yonhap tường thuật.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn hôm thứ Tư 6/1 và lên án tuyên bố thử bom của Bắc Hàn là "mối đe dọa rõ ràng với hòa bình và an ninh quốc tế."

Đại sứ Nhật tại Liên Hiệp Quốc, Motohide Yoshikawa,kêu gọi có một nghị quyết nhanh và mạnh.

Ông nói: "Thẩm quyền và uy tín của Hội đồng Bảo an sẽ bị nghi ngờ nếu không đưa ra được các biện pháp."

Nhưng đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, có lẽ vì quan hệ ấm áp với Bình Nhưỡng, cho biết sẽ đi ‘quá xa’ nếu nói Moscow ủng hộ thêm lệnh trừng phạt với Bắc Hàn.


http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/07/160107090525_south_korean_vehicles_head_for_north_ korea_624x351_getty.jpg

Đường dẫn vào khu công nghiệp Kaesong

Hôm 7/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam kêu gọi các bên liên quan có hành động thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

"Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bắc Hàn thử bom nhiệt hạch, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực", ông Bình cho biết.

Ông khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này.

Bắc Hàn có khả năng phóng tên lửa hạt nhân?

Dù Bắc Hàn tuyên bố đã thử bom thành công, các chuyên gia nghi ngờ việc Bắc Hàn có thể chế tạo vũ khí hạt nhân có kích cỡ đủ nhỏ để lắp vào một tên lửa.

Chúng ta biết gì về vụ thử bom mới nhất?

Các nhà quan sát đồng ý rằng một vụ nổ hạt nhân đã diễn ra tại Bắc Hàn và nó dường như có quy mô lớn hơn một chút so với vụ thử hạt nhân gần nhất năm 2013, nhưng chấn động gần như không đủ lớn với một vụ nổ bom nhiệt hạch - như tuyên bố của Bình Nhưỡng.

Tại sao thế giới không thể ngăn Bắc Hàn?

Bắc Hàn quyết tâm để thách thức cả thế giới và bất chấp các biện pháp cấm vận để đạt được mục tiêu hạt nhân. Điều quan trọng, đồng minh chính của họ, Trung Quốc, cho thấy không muốn hoặc không thể giúp Bắc Hàn việc này.

Trong khi đó, Nam Hàn bắt đầu hạn chế người được phép vào khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Hàn do cả hai nước điều hành. Chỉ những người làm trực tiếp ở nhà xưởng mới được phép vào khu công nghiệp, Bộ Thống nhất Nam Hàn cho hay.

Seoul được ghi nhận cũng xem xét thực hiện các bước khác, bao gồm việc khởi động lại chương trình phát sóng tuyên truyền qua biên giới. Chương trình này bị dừng lại vào năm ngoái như một phần của thỏa thuận với Bắc Hàn để giảm bớt căng thẳng leo thang trong mùa hè 2015.

Bom nhiệt hạch, hay bom H, được cho là lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch, gây nổ dữ dội hơn bom nguyên tử thông thường nhiều lần.

Bom nguyên tử, loại bom tàn phá hai thành phố của Nhật trong Thế Chiến II, là bom phân hạch, dùng phản ứng chia tách hạt nhân nguyên tử.

Bruce Bennett, phân tích gia từ Rand Corporation, là một trong những người tỏ ý nghi ngờ: "Vụ nổ mà họ nói là họ đã thực hiện lẽ ra phải mạnh gấp 10 lần so với vụ họ vừa có."

Người phát ngôn Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói "phân tích sơ bộ không khớp với việc Bắc Hàn tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch”.

Ông nói thêm: "Không có gì xảy ra trong 24 giờ qua khiến chính phủ Hoa Kỳ phải thay đổi đánh giá về năng lực kỹ thuật và quân sự của Bắc Hàn.”

Hoa Kỳ và các nước lân cận được cho là đang thực hiện lấy mẫu khí quyển, hy vọng tìm được chất phóng xạ rò rỉ giúp lần ra đầu mối loại bom mà Bắc Hàn thử.


BBC