khieman
12-24-2015, 03:17 PM
.
Sự Sợ Hãi và Địa Ngục
Liên Hương
Hỏi:
Năm nay tôi đã trên sáu chục tuổi, ở cái tuổi mà hằng ngày tìm tên bạn bè trên những mục cáo phó, phân ưu trong các nhật báo và tuần báo. Biết rằng giờ phút ra đi của mình cũng chẳng còn bao xa, cho nên đêm đêm nằm trằn trọc, tôi băn khoăn không biết tương lai sau khi tắt hơi, mình sẽ về đâu.
Thuở nhỏ, mỗi khi làm điều lỗi, tôi thường được nghe người lớn hù dọa về Thập Điện Diêm Vương, về các loại địa ngục ở dưới đất, vân vân, nhưng tôi không quan tâm. Đến nay gần đất xa trời, nhiều lúc tôi mơ hồ cảm thấy một nỗi sợ hãi mênh mông, nên gửi thư này xin thỉnh ý quý vị về vấn đề địa ngục.
Đáp:
Không riêng vị thính giả gửi là thư này, mà nhiều người trong chúng ta, dù có niềm tin về một tôn giáo nào đó, hoặc không tin thần thánh gì cả, cũng có đôi chút ấn tượng trong đầu về một cảnh giới được đặt tên là địa ngục.
Ý niệm về địa ngục được hình thành từ thời cổ xưa, xuất hiện cùng với ý niệm về ông Trời, về Thượng Đế, về các loại Thánh Thần vân vân. Hầu hết các tôn giáo đều nói đến những sự thưởng phạt sau khi chết, được thưởng thì được sinh lên thiên đường hưởng phước, bị phạt thì bị đầy xuống địa ngục chịu tội. Thời trước người ta tin là trái đất vuông, mặt đất bằng phẳng, cho nên thiên đường được giới thiệu là ở cao tít trên mây, và địa ngục ở dưới sâu trong lòng đất. Lý do để được thưởng hay bị phạt thì tùy theo luật lệ của mỗi tôn giáo quy định.
Suốt chiều dài của lịch sử loài người, hình ảnh về thiên đường và địa ngục đã giúp những bậc trưởng thượng trong các bộ lạc, làng mạc, thôn xóm, gia đình, như là một trợ huấn cụ đắc lực để răn đe con cháu khỏi làm điều sai trái.
Sau này, khi các tổ chức tôn giáo hình thành, thì vai trò thiên đường và địa ngục lại càng đắc lực hơn, trong việc tạo ấn tượng về thưởng phạt, về nỗi khiếp sợ sẽ bị đầy xuống địa ngục nếu trái lệnh, hoặc sự cứu rỗi nếu người tín đồ vâng lời, khiến cho từ trong tiềm thức, người ta tin chắc rằng cần phải có một nơi để bấu víu, để nương tựa sau khi chết, nếu không sẽ phải chịu muôn vàn khốn khổ, thiêu đốt vĩnh viễn trong địa ngục.
Có niềm tin cho là sau khi con người chết đi, linh hồn xuống tới âm phủ, thì “quỷ thần hai vai” của người ấy sẽ đem tất cả công và tội của họ tâu lên vua Diêm Vương để ông ta quyết định sự thưởng phạt, hoặc cho lên trời hưởng phước, hoặc đầy vào các loại địa ngục mà tên gọi thường là rất rùng rợn, tùy theo sáng kiến của người phát minh.
Đạo Phật không tin chuyện quỷ thần hai vai và ông Diêm Vương nào đó lại có thể quyết định vận mạng của ai được. Nền đạo đức Phật giáo không xây dựng trên sự thưởng phạt ở thiên đường hoặc địa ngục, do các Thần Linh áp đặt, mà lấy quy luật nhân quả làm căn bản.
Tâm lý học của đạo Phật cho rằng tất cả những việc mà mỗi dòng đời tạo ra, trải dài theo cuộc hành trình trong thế giới hiện tượng tương đối này, là những hạt giống, hay còn gọi là chủng tử thiện hoặc ác, trong tương lai khi hội đủ cơ duyên, sẽ nẩy nở thành những thiện quả hoặc ác báo, đều chứa tại Thức Thứ Tám, còn gọi là Tàng Thức hoặc A Lại Da Thức, của chính dòng sinh mạng đó. Thức này là lớp Vọng, cũng mênh mông như Chân Tâm, tạm ví như làn sóng điện trong không gian.
Những chủng tử thiện hoặc ác này sẽ xuất hiện vào giây phút lâm chung, để quyết định cảnh giới tái sinh của đương sự, nhà Phật gọi là “gió Nghiệp cuốn đi tái sinh”. Một số người có kinh nghiệm về cận tử (near death experience) kể lại đại khái rằng vào cái lúc họ cảm thấy muốn ngừng thở, bỗng nhiên trước mắt nổi lên một cảnh tượng tràn ngập không gian, cả quãng đời quá khứ, những việc làm khiến cho họ rất sung sướng hoặc rất đau khổ, xuất hiện như là đồng thời. Họ cảm thấy như trong giấc mơ, như là hình ảnh của ký ức. Đối với quan điểm của nhà Phật thì đó là giây phút mà một người có thể nhìn thấy được chính cái kho chứa các nghiệp nhân, tức là Tàng Thức của mình.
Chiếu theo thành quả tự tu, tự giác ngộ lại Bản Thể của đức Phật, người Phật tử không tin vào sự cứu rỗi do bên ngoài mang đến, mà tin vào chính mình, theo gương sáng của đức Bổn Sư. Trong đời sống, người Phật tử từng bước chuyển hóa tâm, từ xấu ác trở thành lành thiện, đó là giai đoạn chuyển hóa tương đối. Sau đó sẽ bước qua giai đoạn cốt tủy của quá trình tu chứng là “thanh tịnh hóa tâm”, vượt lên trên những khái niệm thiện và ác tương đối, chỉ còn lại tâm Từ Bi và Trí Tuệ Bình Đẳng, hóa giải tam độc Tham Sân Si, vốn là căn bản trói buộc con người vào vòng sinh tử. Từ đây dòng sinh mệnh được hoàn toàn giải phóng, đạt được mục tiêu tối cao của con đường tu Phật, là Toàn Giác.
Có câu chuyện ẩn dụ về sự tự tu, tự độ như sau:
“Trong khu vườn kia có một nhóm thiền sinh đang đứng chung quanh vị thiền sư. Góc vườn là một con cọp bị trói. Thiền sư hỏi đám học trò:
- Có ai biết cách cởi trói cho con cọp không?
Đám thiền sinh góp ý, người thì bàn “lấy tấm lưới chụp nó”, người thì bảo ”xông thuốc mê cho nó”. Cuối cùng, một thiền sinh ung dung:
- Cứ bảo người nào đã trói được nó, thì chính người đó mở trói cho nó là xong.''
Câu chuyện nói lên tính chất của quy luật nhân quả, người nào tạo nhân thì người đó lãnh quả, người nào ăn thì người đó no, người nào tu hành thanh tịnh hóa tâm thì người đó giác ngộ.
Như thế về căn bản, đạo Phật không tin vào sự cứu rỗi, mà tin lời Phật tuyên bố khi mới thành đạo: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, và câu di huấn khi Ngài sắp nhập cảnh giới Niết Bàn: “Mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đuốc ở đây là đuốc Tuệ, là ngọn đèn trí tuệ mà đức Phật đã giơ cao, nay còn nằm trong kinh điển, mỗi người đều cần phải “tự học, tự tu, tự giác thành Phật”.
Tuy nhiên, trên con đường giáo hóa chúng sinh từng bước, đạo Phật đi trong nhân gian thường dùng những phương tiện đã sẵn có của người dân địa phương để truyền bá tư tưởng nhà Phật, theo tôn chỉ “tùy duyên mà bất biến”, dùng bình địa phương đựng thuốc Phật giáo, khiến cho mọi người đều được thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả mà không cảm thấy nền văn hóa truyền thống của họ bị xúc phạm. Thí dụ tượng ảnh đức Phật khi ở Ấn Độ thì gầy gò, nghiêm túc, đúng là hình ảnh người tu khổ hạnh. Sang tới Mỹ, tại tu viện Shasta trên sườn núi Shasta, nơi có trên sáu chục vị sư người Tây Phương từ các tôn giáo khác chuyển qua đạo Phật đang tu hành, thì tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lại giống hệt tượng Đức Mẹ. Trong khi đó, tượng ảnh Phật và chư Bồ Tát bên Trung Hoa thì lại mập mạp, hơi mỉm cười, đượm vẻ từ bi, cảm thông với chúng sinh, theo truyền thống hiếu khách của người Á Đông là “đem lại niềm vui cho nhau”.
Tóm lại, đạo Phật cũng nói về thiên đường và địa ngục, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Từ quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm, thiên đường và địa ngục dưới mắt người Phật tử chính là những cảnh giới tâm thức, mà mỗi người đều trải qua hằng ngày. Nếu con người không chế ngự được ba thói xấu là tham lam, sân hận và si mê, để cho bản thân rong ruổi trong sự bon chen, tính toán lợi mình hại người, thì tâm hồn không được an lạc, mà phiền não triền miên, ăn không ngon, ngủ không yên, thường thấy ác mộng do những bực bội bất mãn gặp phải hằng ngày, đó cũng đã được coi là cảnh giới địa ngục của tâm thức rồi.
Trong kinh Địa Tạng, chúng ta cũng thấy nói đến những cảnh giới địa ngục. Vì “nhất thiết duy tâm tạo” nên những cảnh giới trong kinh Địa Tạng cũng là những cảnh giới tâm thức. Địa Tạng cũng có nghĩa là Tâm Địa, là Đất Tâm. Nhà Thiền có câu “Đất Tâm nếu trống không thì mặt trời Trí Tuệ tự chiếu”. Người nào có thể “thanh tịnh hóa tâm”, khiến cho Đất Tâm trống không, thí Trí Tuệ Bình Đẳng tự hiện, cũng có nghĩa là Bồ Tát Địa Tạng đã phá xong cửa ngục tâm thức cho người đó rồi. Còn như nếu Đất Tâm mà ô nhiễm quá, thì vào giờ phút lâm chung, do nghiệp thiện hoặc ác trong quá khứ, mà thần thức người đó sẽ bị chiêu cảm vào cảnh giới tương ưng.
Quan điểm của nhà Phật về tất cả hiện hữu trên thế gian là vô thường. Tâm cũng vô thường, khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, đối với nhà Phật, không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Mỗi người đều có thể tự ra khỏi địa ngục bằng sự “thanh tịnh hóa tâm” của họ. Đó là niềm hy vọng về giải thoát của tất cả mọi người.
Nhà Phật có câu: “ Buông dao đồ tể là thành Phật” hoặc “Biển khổ mênh mông quay đầu là bến”. “Buông dao” và “quay đầu” ở đây có nghĩa là buông bỏ đời sống ô nhiễm, bước vào con đường thực hành các phương pháp để “thanh tịnh hóa tâm” như Mật Tông, Thiền Bắc Tông, Thiền Nam Tông, Tịnh Độ Tông, vân vân …
Nói về nỗi sợ hãi thì tất cả loài người chúng ta, mà có lẽ luôn cả các loài sinh vật nữa, kể từ thời tiền sử, đều đã mang sẵn một nỗi sợ hãi mênh mông. Ngay khi vừa mới lọt lòng mẹ, đứa bé đã khóc thét lên vì sợ, tay chân quờ quạng, chới với. Nó đang được nằm trong bào thai, được bảo bọc chặt chẽ, ấm áp trong lòng mẹ nó, nay bỗng nhiên rơi tõm vào một khoảng không gian trống rỗng, nên nó thất kinh hồn vía. Rồi theo với thời gian, càng ngày con người càng có thêm nhiều nỗi sợ hãi, từ những nỗi sợ nhỏ nhít linh tinh như sợ bị đòn, cho tới nỗi sợ mất mát người thân yêu, mất nước, vân vân. Vì nỗi sợ hãi triền miên này mà tinh thần con người bị giam hãm, không khai phóng nổi.
http://www.onelittleangel.com/common/images/auteur/Jiddu-Krishnamurti-173.jpg
Tư tưởng gia J. Krishnamurti đã trình bày trong cuốn On Fear như sau:
“Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi “sợ là gì” và “nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào”?
Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ “sợ” nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi “sợ là cái gì”, chứ không phải là “tôi sợ cái gì”.
Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhẩy vào lên giọng: “Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu”, hoặc “Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn… ”
Bây giờ chúng ta hãy thử xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ “yêu” có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?
Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, — phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ “chết” làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.
Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở “Coi chừng, đừng để bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé”. Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.
Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm - tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ “Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!”
Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.”
Vậy thì, như J. Krishnamurti nói ...“… chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi”.
Đạo Phật từ hai ngàn năm trăm năm trước cũng đã khuyên mọi người nên “thanh tịnh hoá tâm”, nghĩa là đừng để cho tâm chạy nhẩy như con vượn, con ngựa (tâm viên ý mã), thì sẽ được hưởng một đời sống giải thoát từng bước, rồi sẽ tới giải thoát triệt để.
Không cần phải đi tới đích mới được hưởng hoa trái, mà ngay khi quyết định bước lên con đường thanh tịnh hóa tâm là đã bắt đầu được hưởng kết quả, tâm hồn đã thấy thơ thới hân hoan rồi.
Có bài kệ trong kinh Phật như sau:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thẩy đều không
Ấy mới thật là chân sám hối.
Sám hối ở đây là “thanh tịnh hoá tâm”, làm cho “tâm tịnh”, chứ không phải là đem nải chuối tới chùa cúng Phật, hứa hẹn và cầu xin lung tung.
Nhà Phật cho rằng con người ta vì vô minh mà tạo nghiệp, thọ báo, cũng ví như một người đang đi trong căn nhà tối. Khi tâm được tịnh rồi “Trí Tuệ Bình Đẳng tự chiếu”, thì cũng ví như bật ngọn đèn bừng sáng lên, bóng tối biến mất, màn vô minh bỗng tan rã, là lúc con người giác ngộ giải thoát vậy.
Liên Hương (ĐPK)
Sự Sợ Hãi và Địa Ngục
Liên Hương
Hỏi:
Năm nay tôi đã trên sáu chục tuổi, ở cái tuổi mà hằng ngày tìm tên bạn bè trên những mục cáo phó, phân ưu trong các nhật báo và tuần báo. Biết rằng giờ phút ra đi của mình cũng chẳng còn bao xa, cho nên đêm đêm nằm trằn trọc, tôi băn khoăn không biết tương lai sau khi tắt hơi, mình sẽ về đâu.
Thuở nhỏ, mỗi khi làm điều lỗi, tôi thường được nghe người lớn hù dọa về Thập Điện Diêm Vương, về các loại địa ngục ở dưới đất, vân vân, nhưng tôi không quan tâm. Đến nay gần đất xa trời, nhiều lúc tôi mơ hồ cảm thấy một nỗi sợ hãi mênh mông, nên gửi thư này xin thỉnh ý quý vị về vấn đề địa ngục.
Đáp:
Không riêng vị thính giả gửi là thư này, mà nhiều người trong chúng ta, dù có niềm tin về một tôn giáo nào đó, hoặc không tin thần thánh gì cả, cũng có đôi chút ấn tượng trong đầu về một cảnh giới được đặt tên là địa ngục.
Ý niệm về địa ngục được hình thành từ thời cổ xưa, xuất hiện cùng với ý niệm về ông Trời, về Thượng Đế, về các loại Thánh Thần vân vân. Hầu hết các tôn giáo đều nói đến những sự thưởng phạt sau khi chết, được thưởng thì được sinh lên thiên đường hưởng phước, bị phạt thì bị đầy xuống địa ngục chịu tội. Thời trước người ta tin là trái đất vuông, mặt đất bằng phẳng, cho nên thiên đường được giới thiệu là ở cao tít trên mây, và địa ngục ở dưới sâu trong lòng đất. Lý do để được thưởng hay bị phạt thì tùy theo luật lệ của mỗi tôn giáo quy định.
Suốt chiều dài của lịch sử loài người, hình ảnh về thiên đường và địa ngục đã giúp những bậc trưởng thượng trong các bộ lạc, làng mạc, thôn xóm, gia đình, như là một trợ huấn cụ đắc lực để răn đe con cháu khỏi làm điều sai trái.
Sau này, khi các tổ chức tôn giáo hình thành, thì vai trò thiên đường và địa ngục lại càng đắc lực hơn, trong việc tạo ấn tượng về thưởng phạt, về nỗi khiếp sợ sẽ bị đầy xuống địa ngục nếu trái lệnh, hoặc sự cứu rỗi nếu người tín đồ vâng lời, khiến cho từ trong tiềm thức, người ta tin chắc rằng cần phải có một nơi để bấu víu, để nương tựa sau khi chết, nếu không sẽ phải chịu muôn vàn khốn khổ, thiêu đốt vĩnh viễn trong địa ngục.
Có niềm tin cho là sau khi con người chết đi, linh hồn xuống tới âm phủ, thì “quỷ thần hai vai” của người ấy sẽ đem tất cả công và tội của họ tâu lên vua Diêm Vương để ông ta quyết định sự thưởng phạt, hoặc cho lên trời hưởng phước, hoặc đầy vào các loại địa ngục mà tên gọi thường là rất rùng rợn, tùy theo sáng kiến của người phát minh.
Đạo Phật không tin chuyện quỷ thần hai vai và ông Diêm Vương nào đó lại có thể quyết định vận mạng của ai được. Nền đạo đức Phật giáo không xây dựng trên sự thưởng phạt ở thiên đường hoặc địa ngục, do các Thần Linh áp đặt, mà lấy quy luật nhân quả làm căn bản.
Tâm lý học của đạo Phật cho rằng tất cả những việc mà mỗi dòng đời tạo ra, trải dài theo cuộc hành trình trong thế giới hiện tượng tương đối này, là những hạt giống, hay còn gọi là chủng tử thiện hoặc ác, trong tương lai khi hội đủ cơ duyên, sẽ nẩy nở thành những thiện quả hoặc ác báo, đều chứa tại Thức Thứ Tám, còn gọi là Tàng Thức hoặc A Lại Da Thức, của chính dòng sinh mạng đó. Thức này là lớp Vọng, cũng mênh mông như Chân Tâm, tạm ví như làn sóng điện trong không gian.
Những chủng tử thiện hoặc ác này sẽ xuất hiện vào giây phút lâm chung, để quyết định cảnh giới tái sinh của đương sự, nhà Phật gọi là “gió Nghiệp cuốn đi tái sinh”. Một số người có kinh nghiệm về cận tử (near death experience) kể lại đại khái rằng vào cái lúc họ cảm thấy muốn ngừng thở, bỗng nhiên trước mắt nổi lên một cảnh tượng tràn ngập không gian, cả quãng đời quá khứ, những việc làm khiến cho họ rất sung sướng hoặc rất đau khổ, xuất hiện như là đồng thời. Họ cảm thấy như trong giấc mơ, như là hình ảnh của ký ức. Đối với quan điểm của nhà Phật thì đó là giây phút mà một người có thể nhìn thấy được chính cái kho chứa các nghiệp nhân, tức là Tàng Thức của mình.
Chiếu theo thành quả tự tu, tự giác ngộ lại Bản Thể của đức Phật, người Phật tử không tin vào sự cứu rỗi do bên ngoài mang đến, mà tin vào chính mình, theo gương sáng của đức Bổn Sư. Trong đời sống, người Phật tử từng bước chuyển hóa tâm, từ xấu ác trở thành lành thiện, đó là giai đoạn chuyển hóa tương đối. Sau đó sẽ bước qua giai đoạn cốt tủy của quá trình tu chứng là “thanh tịnh hóa tâm”, vượt lên trên những khái niệm thiện và ác tương đối, chỉ còn lại tâm Từ Bi và Trí Tuệ Bình Đẳng, hóa giải tam độc Tham Sân Si, vốn là căn bản trói buộc con người vào vòng sinh tử. Từ đây dòng sinh mệnh được hoàn toàn giải phóng, đạt được mục tiêu tối cao của con đường tu Phật, là Toàn Giác.
Có câu chuyện ẩn dụ về sự tự tu, tự độ như sau:
“Trong khu vườn kia có một nhóm thiền sinh đang đứng chung quanh vị thiền sư. Góc vườn là một con cọp bị trói. Thiền sư hỏi đám học trò:
- Có ai biết cách cởi trói cho con cọp không?
Đám thiền sinh góp ý, người thì bàn “lấy tấm lưới chụp nó”, người thì bảo ”xông thuốc mê cho nó”. Cuối cùng, một thiền sinh ung dung:
- Cứ bảo người nào đã trói được nó, thì chính người đó mở trói cho nó là xong.''
Câu chuyện nói lên tính chất của quy luật nhân quả, người nào tạo nhân thì người đó lãnh quả, người nào ăn thì người đó no, người nào tu hành thanh tịnh hóa tâm thì người đó giác ngộ.
Như thế về căn bản, đạo Phật không tin vào sự cứu rỗi, mà tin lời Phật tuyên bố khi mới thành đạo: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, và câu di huấn khi Ngài sắp nhập cảnh giới Niết Bàn: “Mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đuốc ở đây là đuốc Tuệ, là ngọn đèn trí tuệ mà đức Phật đã giơ cao, nay còn nằm trong kinh điển, mỗi người đều cần phải “tự học, tự tu, tự giác thành Phật”.
Tuy nhiên, trên con đường giáo hóa chúng sinh từng bước, đạo Phật đi trong nhân gian thường dùng những phương tiện đã sẵn có của người dân địa phương để truyền bá tư tưởng nhà Phật, theo tôn chỉ “tùy duyên mà bất biến”, dùng bình địa phương đựng thuốc Phật giáo, khiến cho mọi người đều được thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả mà không cảm thấy nền văn hóa truyền thống của họ bị xúc phạm. Thí dụ tượng ảnh đức Phật khi ở Ấn Độ thì gầy gò, nghiêm túc, đúng là hình ảnh người tu khổ hạnh. Sang tới Mỹ, tại tu viện Shasta trên sườn núi Shasta, nơi có trên sáu chục vị sư người Tây Phương từ các tôn giáo khác chuyển qua đạo Phật đang tu hành, thì tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lại giống hệt tượng Đức Mẹ. Trong khi đó, tượng ảnh Phật và chư Bồ Tát bên Trung Hoa thì lại mập mạp, hơi mỉm cười, đượm vẻ từ bi, cảm thông với chúng sinh, theo truyền thống hiếu khách của người Á Đông là “đem lại niềm vui cho nhau”.
Tóm lại, đạo Phật cũng nói về thiên đường và địa ngục, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Từ quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm, thiên đường và địa ngục dưới mắt người Phật tử chính là những cảnh giới tâm thức, mà mỗi người đều trải qua hằng ngày. Nếu con người không chế ngự được ba thói xấu là tham lam, sân hận và si mê, để cho bản thân rong ruổi trong sự bon chen, tính toán lợi mình hại người, thì tâm hồn không được an lạc, mà phiền não triền miên, ăn không ngon, ngủ không yên, thường thấy ác mộng do những bực bội bất mãn gặp phải hằng ngày, đó cũng đã được coi là cảnh giới địa ngục của tâm thức rồi.
Trong kinh Địa Tạng, chúng ta cũng thấy nói đến những cảnh giới địa ngục. Vì “nhất thiết duy tâm tạo” nên những cảnh giới trong kinh Địa Tạng cũng là những cảnh giới tâm thức. Địa Tạng cũng có nghĩa là Tâm Địa, là Đất Tâm. Nhà Thiền có câu “Đất Tâm nếu trống không thì mặt trời Trí Tuệ tự chiếu”. Người nào có thể “thanh tịnh hóa tâm”, khiến cho Đất Tâm trống không, thí Trí Tuệ Bình Đẳng tự hiện, cũng có nghĩa là Bồ Tát Địa Tạng đã phá xong cửa ngục tâm thức cho người đó rồi. Còn như nếu Đất Tâm mà ô nhiễm quá, thì vào giờ phút lâm chung, do nghiệp thiện hoặc ác trong quá khứ, mà thần thức người đó sẽ bị chiêu cảm vào cảnh giới tương ưng.
Quan điểm của nhà Phật về tất cả hiện hữu trên thế gian là vô thường. Tâm cũng vô thường, khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, đối với nhà Phật, không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Mỗi người đều có thể tự ra khỏi địa ngục bằng sự “thanh tịnh hóa tâm” của họ. Đó là niềm hy vọng về giải thoát của tất cả mọi người.
Nhà Phật có câu: “ Buông dao đồ tể là thành Phật” hoặc “Biển khổ mênh mông quay đầu là bến”. “Buông dao” và “quay đầu” ở đây có nghĩa là buông bỏ đời sống ô nhiễm, bước vào con đường thực hành các phương pháp để “thanh tịnh hóa tâm” như Mật Tông, Thiền Bắc Tông, Thiền Nam Tông, Tịnh Độ Tông, vân vân …
Nói về nỗi sợ hãi thì tất cả loài người chúng ta, mà có lẽ luôn cả các loài sinh vật nữa, kể từ thời tiền sử, đều đã mang sẵn một nỗi sợ hãi mênh mông. Ngay khi vừa mới lọt lòng mẹ, đứa bé đã khóc thét lên vì sợ, tay chân quờ quạng, chới với. Nó đang được nằm trong bào thai, được bảo bọc chặt chẽ, ấm áp trong lòng mẹ nó, nay bỗng nhiên rơi tõm vào một khoảng không gian trống rỗng, nên nó thất kinh hồn vía. Rồi theo với thời gian, càng ngày con người càng có thêm nhiều nỗi sợ hãi, từ những nỗi sợ nhỏ nhít linh tinh như sợ bị đòn, cho tới nỗi sợ mất mát người thân yêu, mất nước, vân vân. Vì nỗi sợ hãi triền miên này mà tinh thần con người bị giam hãm, không khai phóng nổi.
http://www.onelittleangel.com/common/images/auteur/Jiddu-Krishnamurti-173.jpg
Tư tưởng gia J. Krishnamurti đã trình bày trong cuốn On Fear như sau:
“Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi “sợ là gì” và “nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào”?
Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ “sợ” nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi “sợ là cái gì”, chứ không phải là “tôi sợ cái gì”.
Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhẩy vào lên giọng: “Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu”, hoặc “Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn… ”
Bây giờ chúng ta hãy thử xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ “yêu” có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?
Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, — phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ “chết” làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.
Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở “Coi chừng, đừng để bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé”. Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.
Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm - tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ “Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!”
Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.”
Vậy thì, như J. Krishnamurti nói ...“… chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi”.
Đạo Phật từ hai ngàn năm trăm năm trước cũng đã khuyên mọi người nên “thanh tịnh hoá tâm”, nghĩa là đừng để cho tâm chạy nhẩy như con vượn, con ngựa (tâm viên ý mã), thì sẽ được hưởng một đời sống giải thoát từng bước, rồi sẽ tới giải thoát triệt để.
Không cần phải đi tới đích mới được hưởng hoa trái, mà ngay khi quyết định bước lên con đường thanh tịnh hóa tâm là đã bắt đầu được hưởng kết quả, tâm hồn đã thấy thơ thới hân hoan rồi.
Có bài kệ trong kinh Phật như sau:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thẩy đều không
Ấy mới thật là chân sám hối.
Sám hối ở đây là “thanh tịnh hoá tâm”, làm cho “tâm tịnh”, chứ không phải là đem nải chuối tới chùa cúng Phật, hứa hẹn và cầu xin lung tung.
Nhà Phật cho rằng con người ta vì vô minh mà tạo nghiệp, thọ báo, cũng ví như một người đang đi trong căn nhà tối. Khi tâm được tịnh rồi “Trí Tuệ Bình Đẳng tự chiếu”, thì cũng ví như bật ngọn đèn bừng sáng lên, bóng tối biến mất, màn vô minh bỗng tan rã, là lúc con người giác ngộ giải thoát vậy.
Liên Hương (ĐPK)