PDA

View Full Version : Nhà văn Việt Nam và Văn học Việt Nam Hải ngoại



khieman
11-04-2015, 05:30 AM
.


Nhà văn Việt Nam và Văn học Việt Nam Hải ngoại:
Những năm Tiền-Bến Hải xuôi dòng Văn học Miền Nam
Nguyễn Tà Cúc
Kỳ 1


A- MỘT ĐỜI KHÔNG QUY ẨN: Mặc Đỗ

I- Mặc Đỗ: Tiền - Bến Hải với Phổ Thông, Hà Nội

II-Mặc Đỗ và Văn học Miền Nam

1- Nhật báo Tự Do

2- Đạo Phật và nhóm Quan Điểm
2 A-Nghiêm Xuân Hồng
2 B- Mặc Đỗ

III-Mặc Đỗ: Hậu-1975 với các tạp chí tục bản tại Hoa Kỳ

1- Tạp chí Lửa Việt, tháng giêng 1976
2- Tạp chí Đuốc Tuệ, tháng 5.1976
3- Tạp chí Văn học Nghệ thuật-Bộ cũ, tháng 4. 1978 và Bộ mới, tháng 5. 1985
4- Tạp chí Thời Tập-Bộ Cũ, 4 số- tháng 4.1979 và Bộ Mới, 12 số- năm 1989
5-Tạp chí Văn -tục bản với Mai Thảo, 1982-1996
6-Tạp chí Khởi Hành-tục bản, Tháng 11.1996-Hiện tại, Hoa Kỳ

B-NHÀ VĂN VIỆT NAM: Từ thời Tiền-Bến Hải, Hà nội đến Văn học Miền Nam, Sài gòn rồi Hậu-1975, Hoa Kỳ

I-Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
II-Nhà văn Nhật Tiến
III-Nhà thơ Viên Linh

C- ĐỜI VĂN và ĐỜI SỐNG

I- "Quy ẩn" hay "không quy ẩn"
II-Cần đưa tài liệu "ẩn" ra ánh sáng

CHÚ THÍCH

***


...Bao nhiêu thuyền lá vàng
rụng xuống
ôi những chuyến đi vời
không gian
Duy Thanh, Hành trình


Lời tác giả: Chỉ mươi ngày trước khi bài viết này gần hoàn thành, nhà văn Mặc Đỗ [1917-2015*] qua đời. Tin dữ nào, dù có sửa soạn đến đâu, cũng vẫn là tin dữ, huống hồ lại là một tin rất dữ và bất ngờ. Mặc Đỗ, như nhiều người Việt khác, đã hai lần phải "Một phen thay đổi sơn hà. Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu..." [Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh], nhưng tôi có linh tính rằng ông biết sẽ "về đâu" với đời văn của ông rồi bên cạnh, còn có bà cùng đi hơn 60 năm. Bài viết này, như thế không chỉ để tưởng niệm một trong những nhà văn/dịch giả danh tiếng nhất Miền Nam mà hy vọng còn là lời chứng về sự góp phần một cách nhiệt thành và không ngưng nghỉ qua một "trăm năm Mặc Đỗ" cùng độc giả và lớp thế hệ nhà văn Tiền-Bến Hải, tại Miền Nam rồi ngoại quốc.- NTC

Cách đây rất nhiều năm, tôi hầu như thúc thủ lúc khởi đầu tìm kiếm các tài liệu liên quan đến vấn đề phiên dịch cuốn Kinh Thánh Tin Lành Việt ngữ do Hội Tin lành Đông Pháp, Hà Nội thực hiện với sự phụ trách đặc biệt của Mục sư và bà W. C. Cadman. Đây là một thành quả lớn lao do ông mục sư W.C. Cadman và bà cùng Hội Thánh Tin lành Đông Pháp, Hà nội thực hiện từ khi đảm trách phần phiên dịch cho đến lúc hoàn tất công trình ấn loát rồi xuất bản vào năm 1925. Lý do của sự thúc thủ ấy, trước hết, nằm ngay trong một thực tế hiển nhiên: trước hết, tài liệu về tiến trình truyền giáo của Hội Thánh Tin lành Việt Nam chỉ tồn tại rải rác trong nội san hay báo chí thuộc Hội Thánh mà lại bằng ngoại ngữ nghĩa là càng khó truy cập hơn nữa vì lan ra từ Hoa Kỳ, Anh quốc rồi Trung Hoa. Tôi có đọc một bản tin về việc ông Cadman cho quảng cáo tờ Thánh kinh báo trên một tờ báo ở Hà nội mà vẫn chưa tìm được. Sau nữa, bản thân nhà báo Phan Khôi, người vẫn có tiếng giúp phiên dịch một phần cuốn Kinh thánh đã không hề có tác phẩm xuất bản lưu lại đời viết gồm cả thành quả này. Sự nghiệp đồ sộ của học giả/nhà báo/ dịch giả Phan Khôi, từ các cuộc tranh luận với đồng nghiệp đến cuộc cổ võ cho nữ quyền, vẫn nằm im lìm trên các trang báo cách đây gần trăm năm mà ông cộng tác.

Sau này, tôi vượt qua được trở ngại ấy một phần cũng là nhờ công trình nghiên cứu của linh mục Thanh Lãng trước 1975 và Lại Nguyên Ân sau 1975. Cả hai đã thu thập các bài báo Phan Khôi nhắm nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại đồng thời soạn sách giáo khoa cho sinh viên Đại học Văn khoa Sài gòn [trường hợp Thanh Lãng], hay vì sớm nhận ra đó là một di sản cần được bảo vệ rồi có can đảm phổ biến [trường hợp Lại Nguyên Ân, người xứng đáng được gọi là "nhà Phan Khôi học".] Trong các bài báo họ sưu tập được, có hai tài liệu do chính Phan Khôi xác định khoảng thời gian và tên các sách Kinh Thánh do ông góp phần phiên dịch. Sau khi chứng minh bằng các tài liệu phối hợp như hơn mười lăm bản Kinh thánh khác nhau qua nhiều thời đại và nhân sự, thư từ giữa mục sư Cadman và Hội thánh cùng các văn bản liên hệ vv... tôi có thể đưa ra một kết luận tương đối khả tín về phần vụ của Phan Khôi trong tiến trình phiên dịch. Với tôi, kinh nghiệm này không phải đầu tiên, nhưng càng cho thấy khi cần đối chiếu với tài liệu thì vai trò quyết định của báo chí để giải quyết một vài vấn đề văn học không còn là một sự đáng ngạc nhiên nữa.

Tôi không rõ Thanh Lãng tìm các bài báo của Phan Khôi ở đâu nhưng có thể là ông đã sử dụng những chồng báo cũ, những chồng báo từ Hà Nội rồi lưu trữ tại Thư viện Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa. Trong một chương trình Người dân muốn biết, phát hình&phát thanh tại Miền Nam vào ngày 14, tháng giêng, 1972, ông Phan Văn Hữu, Giám đốc Thư viện Quốc gia, đã nhắc đến các tờ báo đó khi trả lời một cuộc phỏng vấn do ký giả thuộc Việt Nam Thông tấn xã thực hiện:

Hiện nay số sách báo của Thư viện Quốc gia chia ra như sau:

- Thư viện Gia Long có khoảng 80.000 quyển sách, báo có 499 loại, công báo và tạp chí 1890 loại. Ngoài ra còn có 100 quyển sách quý và dành riêng.

- Tạp chí gồm có: Nam Phong tạp chí, Phụ nữ Tân văn, Gia Định báo và Bulletin des Amis du Vieux Huế, Viễn Đông Bác Cổ, Bulletin du Service Géologique de l'Indochine.

Tại tổng thư viện, số sách khoảng 18.000 ngàn quyển, tạp chí: 2.300 loại. Những loại chánh gồm Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong, Tao Đàn, Phong Hóa, Ngày Nay, Văn Hóa Tạp Chí, Tri Tân, Trung bắc Chủ Nhật, Thanh Nghị, Vệ Nông Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ami de la Jeunesse Studieuse, Amical Tonkinoise des Anciens Combattans...

[Phan Văn Hữu, "Thư viện Quốc Gia", đăng lại trong Người dân muốn biết-Tập III- Phát thanh&phát hình từ ngày 26. 9. 1971 đến ngày 15.9. 1972, Việt Nam Thông Tấn Xã xuất bản, Tổng giám đốc Đại Tá Trần Văn Lâm viết lời giới thiệu (1)]

Qua lời ông Phan Văn Hữu, người ta còn có thể mường tượng đến "499 loại" báo, ngoài các tạp chí kể trên, đã góp phần rất lớn vào sinh hoạt văn học và xã hội, giúp cung hiến một chân dung sống động và muôn mặt của dân tộc một thời. Người nghiên cứu, qua thí dụ Kinh thánh Tin Lành Việt ngữ và những chồng báo cũ, đã có thể cùng "đi tìm dĩ vãng", một dĩ vãng như một bóng ma ẩn hiện sau bức màn khắc nghiệt do các chế độ chính trị tạo nên nay bị phân ly với hiện tại và tương lai của lịch sử một cách oan uổng. Nhờ sự cố gắng chung của một cộng đồng văn chương liên kết bằng nỗ lực đi tìm sự thực, chúng ta đã được biết đến tương đối chính xác hơn về những đoạn Kinh Thánh mà Phan Khôi góp công phiên dịch. Từ nay, những chữ hay những ý tình trong Sách Nhã Ca-Kinh thánh Tin lành như "ái tình ta", "lương nhơn", "người nữ" " hoặc "Lòng ghen hung dữ như Âm phủ/ Sự nóng nó là sự nóng của lửa" hay "Người nữ này là ai, hiện ra như rạng đông,/Đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời..." vv ...không còn quá xa lạ với độc giả Việt Nam.

Chỉ tới gần đây, các nhà nghiên cứu mới nhận ra được tầm quan trọng của loại truyền thông này trong toàn cảnh của văn chương và văn hóa một thời kỳ, nhưng nhận ra được là một chuyện mà có làm nổi hay không lại là một chuyện khác. Sự phong phú của một vùng báo chí như Miền Nam, nhất là nhật báo, tạo thành số lượng khổng lồ cộng thêm khổ báo lớn khiến việc lưu giữ càng khó khăn hơn. Tôi xin đưa vài con số sơ khởi nhắm cho thấy, sau 1975, với chính sách tiêu hủy sách báo Tiền-Bến Hải rồi Miền Nam, người Cộng sản đã tiêu hủy luôn một phần rất lớn loại di sản này trong khi cũng cho tới nay, nỗ lực tái bản, khôi phục hay sưu tầm tác phẩm của Văn Học Miền Nam chỉ mới thành công phần nào khi tiến đến phần sách. Bởi vậy, chỉ đến khi nào chúng ta được biết con số ấy một cách tương đối chính xác, chúng ta mới có thể hình dung sự mất mát này một cách thiết thực hơn.

Vào tháng 5. 1972, Miền Nam có khoảng 34 tờ nhật báo từ trung bình đến lớn nếu tính theo một tài liệu bằng Anh ngữ, tuy không rõ nguồn nhưng rất chính xác vì danh tính chủ nhiệm&chủ bút đều được phối kiểm bằng nhiều tài liệu khác hay nhân chứng hiện còn sống. Một số các tờ quan trọng có thể được kể như Chính Luận, Độc Lập, Điện Tín, Hòa Bình, Tiền Tuyến, Tia Sáng, Trắng Đen, Xây Dựng, Sóng Thần vv...Tờ Chính Luận với Chủ nhiệm Đặng Văn Sung& Thư ký Tòa soạn Thái Lân [thay cho Từ Chung bị Cộng sản ám sát] dẫn đầu với số phát hành lớn nhất: 20.000 số. Kế đó là Trắng Đen với Việt Định Phương hay Đuốc Nhà Nam với Trần Tấn Quốc với 15.000 số. Các báo khác du di từ 3.000 số như Làm Dân--phát hành không đều đặn-- với Trần Gia Thoại, Thế Nguyên và Diễm Châu đến 10.000 số như Sóng Thần, Xây Dựng vv... Ngoài ra, cũng theo tài liệu này, Miền Nam còn có 12 nhật báo hay tạp chí Hoa ngữ, 3 nhật báo hay tạp chí Anh ngữ và 1 nhật báo Pháp ngữ. Sau đó, một danh sách độc đáo khác do Linh mục André Gelinas thuộc Dòng Jesuit lập vào tháng giêng, 1974 cho thấy có 94 tờ của tư nhân hay đoàn thể và 41 tờ do chính phủ ấn hành. Danh sách này dĩ nhiên không thể đầy đủ lại không liệt kê các tờ nhật báo nhưng rất cần thiết vì gồm cả danh tính chủ nhiệm&chủ bút, địa chỉ tòa soạn, ngày phát hành đầu tiên và khoảng 2 dòng tóm tắt nội dung.

Sự thất thoát của di sản báo chí cũng đương nhiên đưa tới những định giá sai lầm có khi rất thiệt hại cho Văn học Việt Nam nói chung. Sự thiệt hại ấy lại càng đau đớn khi sự định giá sai lầm lại do chính những người tự nhận là nhân chứng của nền văn học này phổ biến mà trường hợp “Con đường Mặc Đỗ từ Hà Nội Sài Gòn tới Trưa Trên Đảo San Hô” của nhà văn Ngô Thế Vinh là một thí dụ điển hình và đủ trầm trọng. Tôi sẽ sử dụng thí dụ này để trình bầy tài liệu về đời văn Mặc Đỗ nhắm chứng minh thái độ "quy ẩn" mà Ngô Thế Vinh gán cho Mặc Đỗ sau 1975 không những thiếu căn cứ mà còn thiệt hại tới thanh danh văn nghệ và chính trị của ông lan sang tới một phần văn sử hải ngoại.

Trong bối cảnh ấy, sự nghiệp của một số nhà văn di cư như Mặc Đỗ đã khởi đi từ những cái mốc sớm sủa từ thập niên 1950 tại Miền Bắc rồi theo thời gian mà đầy đặn lên trong làng báo Miền Nam. Khi ấy, những tạp chí quen thuộc vẫn được mệnh danh "văn học nghệ thuật" của Miền Nam như Sáng Tạo-Tháng 10.1956, Bách Khoa-Tháng giêng. 1957, Văn hóa Ngày nay-Tháng 6.1958, Hiện Đại-Tháng 4.1960, Thế kỷ Hai Mươi-Tháng 7.1960, Văn Nghệ-Tháng giêng & 2.1961, Văn-Tháng giêng.1964, Nghệ Thuật-Tháng 10.1965, Vấn Đề-Tháng 4.1967, Khởi Hành vv...đều chưa ra đời. Sau này, cũng như Mặc Đỗ, nhiều nhà văn/nhà báo Tiền-Bến Hải đã gia nhập làng báo và Văn học Miền Nam, góp phần đưa nền văn học này vượt hẳn văn học Miền Bắc ở sự đa dạng và độc đáo. Sau khi di tản ra hải ngoại, đa số vẫn tiếp tục hoạt động, dựng lại Văn học Hải ngoại với hầu hết đặc tính của Văn học Miền Nam nghĩa là giữ được truyền thống văn học dân tộc-không Cộng sản trong khi chờ đợi thế hệ sau xây dựng một nền văn học khác.

Nhưng trên hết thẩy, còn đáng lưu ý hơn nữa, hoạt động văn nghệ của Mặc Đỗ cũng là chứng cớ cho thấy sự quan trọng đặc biệt để chúng ta lưu tâm tới vùng báo chí của những năm Tiền-Bến Hải bắc qua những năm đầu tại Miền Nam. Tôi đặt tên cho vùng báo chí và văn nghệ sĩ xuất hiện trong quãng thời gian trên dưới mươi năm trước khi đất nước bị chia cắt bằng dòng Bến Hải, 1954, là thời Tiền-Bến Hải vì đó là một giai đoạn sôi nổi cả về chính trị lẫn văn nghệ. Cuộc tỷ thí giữa tự do và Cộng sản xẩy ra tại Miền Bắc đã lưu lại dấu vết trên vùng báo chí này. Thế nên, sau khi người Cộng sản nắm được Miền Bắc thì các tờ báo, các tạp chí và các nhà văn chống lại họ trong thời Tiền-Bến Hải rồi ra sẽ bị tiêu hủy, hạ sát hay cầm tù. Số phận bị phần thư của Tiền-Bến Hải tại Miền Bắc như thế đã xảy ra đầu tiên, hơn hai mươi năm trước một cuộc phần thư khác tại Miền Nam. Giai đoạn Tiền-Bến Hải này còn gồm cả thế hệ nhà văn di cư có khi trẻ hơn từng xuất thân, dù trong một thời gian ngắn ngủi, cũng từ báo chí hay văn nghệ tại Miền Bắc như Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Nam, Nhật Tiến, Viên Linh vv...Nghĩa là tôi muốn nhấn mạnh đến giai đoạn báo chí mở đầu cho bất cứ một nền văn học nào mà vì những lý do kể trên, chúng ta chưa có đầy đủ tài liệu để nghiên cứu sâu xa hơn. Bài viết sau đây là một bài sơ khởi-- bằng cách sử dụng tiểu sử văn nghệ của của 4 nhà văn/nhà thơ Việt Nam --Mặc Đỗ, Thanh Tâm Tuyền, Nhật Tiến và Viên Linh-- nhắm quan sát một hành trình khởi đi từ thời Tiền-Bến Hải, Hà nội rồi Miền Nam, Sài gòn cho tới khi họ định cư tại hải ngoại, đa số tại Hoa Kỳ-nơi kết thúc cuộc hành trình ấy.

A- MỘT ĐỜI KHÔNG QUY ẨN: Mặc Đỗ


http://pp2.s3.amazonaws.com/f7f03c33f1d34fb0/1237bfe1cb2c4edcb1425abe647157ec.jpg

Tạ Tỵ/ Ký họa Mặc Đỗ
Tài liệu của nhà thơ Lê Minh Quốc



_http://leminhquoc.vn/hoi-hoa/tu-lieu-le-minh-quoc/1343-ta-ty-ky-hoa-van-nghe-si-sai-gon-ii.html


Ngày 20 tháng 6, 2015, nhà văn Ngô Thế Vinh cho phổ biến bài “Con đường Mặc Đỗ từ Hà Nội Sài Gòn tới Trưa Trên Đảo San Hô” mà theo ông, cốt ý giúp độc giả hiểu biết thêm về nhà văn Mặc Đỗ, một nhà văn Miền Nam, vốn vẫn được biết tới như một trong ba thành viên chính của nhóm Quan Điểm và thái độ chính trị chống Cộng sản của nhóm này. Ngô Thế Vinh sử dụng khoảng hơn 10 lá thư riêng, thậm chí còn trích một đoạn trong di chúc "về sức khỏe", xem chúng như những viên gạch để phác họa thành con đường "quy ẩn" của Mặc Đỗ sau 1975. Mở đầu, ông giải thích lý do sự xuất hiện của những lá thư riêng và một đoạn di chúc ấy như sau:

Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại — , thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng […] Do gần nửa phần đời sau ở hải ngoại, từ 1975 cuộc sống nhà văn Mặc Đỗ gần như khép kín, thật khó để để vẽ một chân dung toàn diện về anh. Chọn lựa và trích dẫn từ những bức thư anh gửi cho tôi, bớt đi những phần quá riêng tư có lẽ giúp bạn đọc biết được nhiều hơn về một nhà văn Mặc Đỗ quy ẩn[…] Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật. [Ngô Thế Vinh, sđd]

Một độc giả, trong nước hoặc ở biển-ngoài, tức là “hải ngoại”-chữ của Mặc Đỗ, không có cơ hội theo dõi cặn kẽ đời văn của ông, thì rất nhiều phần sẽ mặc nhiên tin tưởng vào bài viết thượng dẫn, một bài viết có tham vọng trưng bày một nửa sau chân dung của Mặc Đỗ khi ông cùng gia đình rời Sài gòn, Miền Nam vào cuối tháng 4, 1975. Nghĩa là, theo Ngô Thế Vinh, Mặc Đỗ đã “quy ẩn” hướng với đạo Phật tìm chữ “AN” "từ bao năm nay". Thế nên, hậu quả tất nhiên, cũng theo Ngô Thế Vinh, là “thật khó để vẽ một chân dung toàn diện” khiến ông phải sử dụng thư riêng và đến nỗi cả một đoạn trong di chúc về sức khỏe, một văn bản mà lẽ ra không nên đến mắt công chúng trừ khi có sự cho phép chính thức. Nhưng bỏ qua sự lấn cấn ấy, trên thực tế, nếu căn cứ vào sáng tác của Mặc Đỗ đã xuất hiện sau 1975 thì với một người trong giới như Ngô Thế Vinh khiến việc truy cập tài liệu phải có phần dễ dàng hơn độc giả, quả có khó lắm để đi tìm chân dung Mặc Đỗ như Ngô Thế Vinh kết luận không? Tôi quả không tin như thế.

Tôi còn có thể nói rằng chân dung ấy do Ngô Thế Vinh đưa ra có quá nhiều phần mù mờ và khiếm khuyết. Trong trường hợp này, những lá thư riêng --bị hạn chế cũng có thể vì sự lựa chọn-- lại trở nên bất lợi một cách bất ngờ khi không phản ảnh được văn nghiệp Mặc Đỗ vì Ngô Thế Vinh không cung cấp đầy đủ tin tức về các sáng tác Tiền-Bến Hải và nhất là rất thiếu sót về các sáng tác Hậu-1975. Sự bỏ qua đó trong hai giai đoạn này sẽ không thể được bào chữa bằng bất cứ định nghĩa nào của mấy chữ "sinh hoạt cộng đồng văn chương nào ở hải ngoại" : cứ tưởng tượng một thân hữu viết về Ngô Thế Vinh mà bỏ qua giai đoạn Tiền-1975 lúc ông làm tờ Tình Thương hay các cuốn ông viết về thảm họa môi sinh Hậu-1975 là sẽ không cần phải tranh luận về ý nghĩa hay lý do xuất phát của mấy chữ trên.

Trên căn bản, sự nghiệp của một tác gia phải được căn cứ rồi nhìn nhận ngay trên cả những sáng tác xuất hiện trên báo chí. "Báo chí" nói đến đây, như thế, không giới hạn vào loại tạp chí sau này mới được mệnh danh tạp chí văn học nghệ thuật đã xuất hiện tại Miền Nam như Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn Nghệ, Văn, Khởi Hành hay Thời Tập vv... Sở dĩ tôi có thể đề nghị một cách tự tin như thế vì không thể bỏ qua những cái mốc sớm sủa ấy bao gồm sinh hoạt cùng sáng tác của họ trong làng báo. Các tạp chí văn học này mới chỉ xuất hiện vào những năm cuối 50 hay đầu 60 thì chắc chắn càng không thể được sử dụng để làm mốc cho nhiều tiểu sử nhà văn khởi đi từ trước đó.

Trong văn sử Việt Nam, làng báo Miền Nam 54-75 là một làng báo rất may mắn vì được thừa hưởng cùng lúc ít nhất ba sức mạnh. Thứ nhất, Miền Nam có làng báo Nam kỳ trước đó với Lục tỉnh Tân văn, Nữ giới Chung, Thần Chung, Trung Lập, Phụ nữ Tân văn vv... cùng “tứ đại” Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ vv. Kế đó, thứ hai là lớp nhà văn, nhà báo Miền Nam kế tiếp như Bình-nguyên Lộc, hay Nguiễn Ngu Í vv. và thứ ba là lớp nhà văn ngoài Bắc di cư vào Nam.l Họ đã tiếp theo bước tiên phong của đồng nghiệp các thế hệ trước mà sáng tác, xiển dương di sản văn chương Việt, tranh đấu cho một xã hội tiến bộ hơn và du nhập các trào lưu mới trong lãnh vực văn học và triết học vào Miền Nam. Tinh thần sôi nổi dấn thân của làng báo Nam Kỳ rồi Sài gòn rồi Hải ngoại khiến dựng nên 3 nền văn học có chung quá nhiều điểm tương đồng đã bị lu mờ qua Ngô Thế Vinh với một tiểu sử Mặc Đỗ đầy những sai sót rất đáng kinh ngạc.

Trên thực tế, “con đường” mà Ngô Thế Vinh xây đắp có mấy ổ gà nhỏ và một ổ gà rất lớn: Ngô Thế Vinh chỉ đề cập rất vắn tắt về quãng thời gian Mặc Đỗ xuất hiện trên tạp chí Tiền-Bến Hải như Phổ Thông và rất thiếu sót sau 1975 như Văn-tục bản [Chủ nhiệm/Chủ bút Mai Thảo, Hoa Kỳ], Thời Tập-tục bản [Chủ nhiệm/Chủ bút Viên Linh, Hoa Kỳ] và hầu như không đề cập đến một thời gian rất dài với Khởi Hành -tục bản [Chủ nhiệm/Chủ bút Viên Linh-Thư ký Toà soạn Nguyễn Tà Cúc, Hoa Kỳ]. Chính mấy “ổ gà” này đã chứng minh-- hoàn toàn trái ngược với lời xác quyết của Ngô Thế Vinh-- Mặc Đỗ quả có tham dự vào sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại và hai chữ “quy ẩn” đáng lẽ không bao giờ nên gán cho một tác giả có những sinh hoạt cụ thể như thế cho dù sinh hoạt ấy được biết đến ít hay nhiều. Ngay chính Mai Thảo, người dùng chữ "quy ẩn" mà Ngô Thế Vinh sử dụng lại, đã chào mừng người bạn văn Mặc Đỗ trong chính bài viết có cùng nhan đề:

Khoảng hai năm trước đây, thời gian đánh dấu cho sự im lặng kéo dài, đầy và lớn nhất của Mặc Đỗ, cũng là thời gian sau này những tri kỷ và thâm giao được biết là tuyệt vọng và bi thảm nhất của Mặc Đỗ trong nhận thức riêng tây về thân thế cuối chiều, cũng như trong nhận thức tổng thể về xã hội về thời đại của người trí thức lưu đầy ở nơi ông, và buồn bực vô chừng trước bệnh trạng, trước cái điều ông gọi là sự "vô dụng của bản thân" đã tới, Mặc Đỗ có như rớt xuống một đáy thẳm. [...]Nhưng Mặc Đỗ gần đây, Mặc Đỗ của lần gặp mới, trong cái phong thái đi ra, trong ánh mắt và nụ cười đón bạn, đã có một vẻ gì đổi khác. Gần như sự trở về với một Mặc Đỗ xưa. Gần như sự trở lại với đời. Gần như một Mặc Đỗ mới [...]Câu chuyện về bằng hữu, về quê nhà kéo dài tới thật khuya. [...]Bảo với X. sắp dựng diễn đàn chung tôi sẽ có bài. Nhất định. Tươi tắn, ấm áp, rộng rãi. Đó, Mặc Đỗ gặp lại. Trên con đường trở lại bàn viết, đó Mặc Đỗ mùa hè năm nay. Và người bạn xa vừa đến thăm Mặc Đỗ vẫn không trả lời được cho câu hỏi hắn từ biệt bạn mang theo lên đường, ra khỏi Texas. Điều gì, động lực nào đem lại cho người nhà văn của nhóm Quan Điểm xưa cái phong thái tươi tắn, điềm tĩnh của lần gặp này không thấy ở lần gặp trước. Sự thỏa thuận mới sự bình yên mới? Một giác ngộ tâm linh, một phóng thoát tinh thần. Cái bóng mát đằm đằm của đạo Phật lúc cuối đời thanh thản? Một kết quả trong suốt của quy ẩn. Một hiệu quả bất ngờ của tịnh thất? Một cửa ngõ nhập thiền? Cái hiệu năng cuối cùng của văn chương. Có thể. Không rõ. Không biết.

[Mai Thảo, "Mỗi kỳ một chân dung văn chương: Mặc Đỗ quy ẩn", Tạp chí Văn số 2, tháng 8. 1982, trang 2-9. Đăng lại trong Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản, 1985, Hoa Kỳ]

Truyện ngắn "Trưa trên đảo san hô", đăng cùng số Văn với bài thượng dẫn của Mai Thảo, sau này sẽ được dùng làm tên cuốn tuyển tập truyện ngắn xuất bản năm 2011, như Ngô Thế Vinh đã rõ. Mặc Đỗ-- qua sự xuất hiện trên những tạp chí mà Ngô Thế Vinh bỏ qua, nhất là với Khởi Hành-- đã cho công bố sáng tác cũ và mới, nghĩa là tham dự một cách tích cực nhất với cộng đồng văn chương hải ngoại gồm một loạt độc giả cũ mới cùng một loạt tác giả khác. Những tin tức mà Ngô Thế Vinh gạn ra từ các lá thư ấy lẽ ra phải được bổ sung bằng sáng tác của Mặc Đỗ đã xuất hiện tại Hà nội và hải ngoại, là những tài liệu chung mà bất cứ độc giả hay người nghiên cứu nào, không cần có mối liên hệ với tác giả, cũng có thể tìm đọc không ít thì nhiều nếu được hướng dẫn, hoặc tệ lắm cũng được biết đến nội dung sơ qua của chúng. Nói một cách khác, Ngô Thế Vinh đã có thể làm công việc tái- giới thiệu Mặc Đỗ một cách hoàn hảo hơn và hết sức dễ dàng bằng cách giới thiệu người đọc tới các tài liệu chung ấy. Dĩ nhiên, nhiều khi thư riêng cần được sử dụng để quyết định một vấn đề có liên quan trực tiếp đến văn học hay văn nghiệp của một tác giả. Nhiều tập thư riêng của một số tác gia đã được xuất bản để cho thấy mối song hành hay vực thẳm giữa tác giả và tác phẩm. Nhưng tại đây, ngay từ đầu, vấn đề đã rất đơn giản: Ngô Thế Vinh đã làm trái với mục đích đặt ra khi chỉ sử dụng những mẩu thư vụn nhắm thay hẳn một phần đời viết sau 1975, một phần đời quan trọng đồng nghĩa với chính tiểu sử của Mặc Đỗ.
Tôi cũng phải nói ngay rằng, với một chủ trương rất rõ từ khi nghiên cứu về Văn học Miền Nam, tôi không lưu tâm nhắm phản bác những bài viết hay hồi ký kiểu “tâm tình nghệ sĩ” mà mục đích chỉ có mĩ ý là cung cấp thêm vài nét đan thanh của một văn hữu. Nhưng trường hợp này lại rất đặc biệt vì sự khiếm khuyết của Ngô Thế Vinh không chỉ giới hạn vào cá nhân một nhà văn mà lại còn liên quan trực tiếp đến hai nhà văn khác và văn sử hải ngoại. Mặc Đỗ, một trong những cây bút cự phách của Miền Nam, đã cộng tác kể ra cũng lâu dài với Mai Thảo và Viên Linh- nhất là Viên Linh, một tay cự phách khác của làng báo Sài gòn. Thế nên, văn sử ấy không chỉ gồm có tác giả, mà còn cả độc giả, tỏa ra và cọ xát với phần lịch sử quan trọng của một cuộc di tản văn học và dân tộc lần thứ hai để tránh nạn Cộng sản chỉ trong vòng 20 năm. Đó cũng là một lý do quan trọng khác khiến tôi phải viết phần này, để mọi sự tách bạch hơn, để văn sử-- nhất là văn sử chống Cộng sản của người Việt di tản-- không vắng một người đã góp phần hăng hái từ đầu.

[B] I- Mặc Đỗ: Tiền - Bến Hải với Phổ Thông, Hà Nội


http://pp2.s3.amazonaws.com/f7f03c33f1d34fb0/e10459f06cd14f92867fc9c335e9e24e.jpg


Ngô Thế Vinh thiếu sót quá chừng về phần Tiền - Bến Hải này, toàn những thứ quan trọng cả, nên mới viết một câu rất mơ hồ: “Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo”
[Ngô Thế Vinh, sđd].

Thật ra, đại đa số sáng tác buổi đầu của Mặc Đỗ xuất hiện trên Phổ Thông, "Cơ quan văn hóa của Hội Ái hữu Cựu Sinh Viên Trường Luật", Hà nội. Tạp chí này phát hành số 1&2 vào tháng 9&10. 1951 và số cuối 27 vào tháng 5&6. 1954. Lúc ấy Mặc Đỗ chỉ vài năm nữa đã gần 40 nên cũng không “khá sớm” gì đâu. Truyện dịch Một Giấc Mơ (Vicki Baum) xuất hiện lần đầu từng kỳ trên Phổ Thông và hơn một thập niên sau mới được Cảo Thơm xuất bản (1966). Ông xuất hiện tổng cộng khoảng 23 lần từ kịch đến truyện ngắn, truyện dịch và các bài tiểu luận về nhiều đề tài khác nhau: chính trị có, xã hội có, phụ nữ có. Lần cuối là một truyện ngắn, "Bát phở", xuất hiện trên số 19&20, tháng 6&7. 1953. Chính vì đã bỏ qua Phổ Thông mà Ngô Thế Vinh không cách nào biết được "thời điểm sáng tác" của Mặc Đỗ: "... tuyển tập Truyện Ngắn (2014); 30 truyện, gồm cả 13 truyện đã in trong tập Trưa Trên Đảo San Hô. Và không có một truyện nào được ghi thời điểm sáng tác"[Ngô Thế Vinh, sđd] , nghĩa là không soi sáng được gì hơn một độc giả bình thường, thậm chí có thể nói còn kém một độc giả đã đọc tạp chí này.

Còn “kịch” của Mặc Đỗ thì chính ra là có đến hai vở dài. Một vở kịch thơ có tên "Động Phù Vân", 38 trang, về những biến động xẩy ra khi Trần Thủ Độ quyết định truất Nữ hoàng bị phế Lý Chiêu Hoàng và thay người chị của bà vào làm hoàng hậu cho chồng Trần Thái Tông, đăng trên số 12&13, Tháng 11&12. 1952. "Về Nam", một vở kịch khác, cực tả sự tàn nhẫn của một số sinh viên giàu có cố tình lường gạt những thanh nữ ngây thơ, là một sáng tác hết sức quan trọng với người nghiên cứu khi đặt nó vào khung cảnh tiếp nối của dòng sáng tác trong cảnh loạn ly rối bời lúc ấy. "Về Nam" cũng cho thấy khuynh hướng quan tâm đến phụ nữ của tác giả sau này sẽ tái hiện với nhiều truyện ngắn khác như "Tình thương trong ngoặc kép", diễn tả nỗi truân chuyên và kết cục bi thảm của một người con gái nhà quê bị bóc lột cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đến nỗi phải nhẩy lầu tự tử. Phổ Thông xuất bản Động Phù Vân vào năm 1952 và Về Nam vào năm 1953, Hà Nội. Cả hai hiện vẫn còn được lưu giữ tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ. Một người như Ngô Thế Vinh, từng tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, thì phải biết điều đầu tiên khi muốn tra cứu một tác giả Miền Nam là vào tìm hiểu tại website của thư viện thuộc các đại học vốn có tiếng lưu giữ sách báo Miền Nam như Yale, Havard, Cornell, University of Hawaii hay University of California tại Berkeley hay Los Angeles vv... Dù không mượn được, ít nhất ông cũng sẽ có một khái niệm bao quát về tác phẩm của Mặc Đỗ nay đã quá tầm với của đại chúng, hơn là cung cấp một thứ tin tức còn tệ hại hơn nữa.

Về phần khảo cứu chuyên môn, cũng trên Phổ Thông, Mặc Đỗ có các loạt như "Hợp lý hóa nông nghiệp", "Người đàn bà Việt Nam trong sinh hoạt nông nghiệp" ký tên thật Đỗ Quang Bình. Không chỉ trong sáng tác, Mặc Đỗ đã gia nhập hàng ngũ của các nhà trí thức tranh đấu cho nữ quyền bằng những phát biểu cụ thể. Trong lãnh vực này, Phan Khôi sẽ luôn luôn được biết đến như người tiên phong nhưng có lẽ đến thập niên 50, không có nhà văn nào, ngoài Mặc Đỗ, viết một bản tường trình thống thiết hầu đề nghị một cách quyết liệt những phương cách nhắm thay đổi 80 phần trăm đời sống phụ nữ Việt Nam, nghĩa là phụ nữ nông thôn. Nếu có số nhà văn hay trí thức nhắm vào một sự thay đổi, thậm chí cách mạng, từ phụ nữ thành thị, thì Mặc Đỗ--cũng như Tự lực Văn đoàn--hướng sự cải cách vào nông thôn. Lời kêu gọi của ông đứng hẳn ở một vị trí đặc biệt: không những đó là lời tuyên chiến với một xã hội phong kiến, nó còn là một chân dung rất không quyến rũ của 80 phần trăm đàn bà Việt Nam dựa trên những con số hết sức thực tế:

Đã bao nhiêu thế hệ này, trong sinh hoạt nông thôn, người ta càng ngày càng đè nén địa vị của người đàn bà. Sự vùi dập lâu đời quá khiến đã thành một thói quen, thói quen cho kẻ hà hiếp, thói quen cho người vâng chịu. Thử hỏi những người mẹ đời đời rèn đúc trong một hoàn cảnh trói buộc và câm lặng như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người con, trai hay gái, những thế hệ tương lai? Chí quật cường nhiều phen còn phát lộ trong dân chúng quả là một điều đại phước trong dân tộc[...]

Tính đổ đồng một người đàn ông trở về già ít nhất cũng có 5 con còn sống. Với một tỷ số tử trung bình là 21-22 phần 100 thì đổ đồng một bà mẹ nông dân phải thụ thai đến 8 lần mới đúng. Tám lần sinh sản liên tiếp với những điều kiện vệ sinh thiếu thốn bậc nhất thì người đàn bà nông dân lấy đâu sức khỏe để sống và nuôi con?[...] Nếu nhìn vào một đám đông phụ nữ thôn quê khỏe mạnh tươi tắn, họa chăng chỉ có số thiếu nữ chưa chồng là da mặt còn có sắc máu. Những cô thiếu nữ đó một khi về nhà chồng và sớm sinh một hai mụn con là sắc diện đã khác hẳn. Màu da mai mái đặc biệt của phụ nữ thôn quê chính là cái mầu da thiếu máu, thiếu máu vì sinh sản, vì ăn uống kém, vì bệnh tật kinh niên[...] Ba cái ách cha, chồng, con mãn đời treo cổ người phụ nữ...

[Mặc Đỗ, "Người đàn bà Việt Nam trong sinh hoạt nông nghiệp", Phổ Thông Số 14-15, Tháng Giêng&2.1953, trang 23, 71]

Một vài truyện ngắn như Thằng bé khác màu, Ý nghĩa cuộc đời vv...lần lượt xuất hiện và vài bài tường thuật về các buổi sinh hoạt nghệ thuật như " Xem trưng bày ảnh tại nhà Hát lớn" [Số 6, tháng 3. 1952, trang 149-152] nhắc đến Nguyễn Cao Đàm, Trịnh Bách, Võ An Ninh, Bàng Bá Lân, Phạm Ngọc Chất vv hay bài "Nhiếp ảnh hay hội họa" [Số 17, tháng 4. 1953, trang 82-84]. Nhà phê bình/dịch giả Cao Việt Dũng, cũng ký là Nhị Linh, đề cập đến tiểu sử "khởi đầu muộn" của Mặc Đỗ trong một bài viết rất ngắn nhưng đầy đủ chi tiết về Phổ Thông, nhất là chi tiết quan trọng giúp bạn đọc biết đến một Phổ Thông-Hà nội chứ không phải Phổ Thông-Sài gòn của Nguyễn Vỹ, chủ soái trường phái thơ Bạch nga, thường quen thuộc hơn với bạn đọc Miền Nam:

Mặc Đỗ, giống Khái Hưng, thuộc kiểu nhà văn đợi rất lâu rồi mới thực sự bắt đầu văn nghiệp. Khái Hưng viết tác phẩm đầu tay, Hồn bướm mơ tiên, ở tuổi ba mươi sáu, ba mươi bảy, còn Mặc Đỗ, như nhan đề Bốn mươi đã thể hiện, ở tuổi tứ thập mới bắt đầu viết văn (tất nhiên trước đó cả Khái Hưng và Mặc Đỗ đều đã có viết, chỉ có điều là chưa thực sự bắt đầu). Những người khởi đầu muộn rất khác với các nhà văn thành danh từ tuổi mười tám, đôi mươi[...] Không ít tác phẩm trong hai tập sách trên đây của Vũ Khắc Khoan đã xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ tạp chí ở Hà Nội: tờ Phổ thông. Không phải tờ Phổ thông của Nguyễn Vỹ bắt đầu ra từ năm 1958 ở Đà Lạt, sau một thời gian thì tiếp tục ở Sài Gòn (mấy số đầu có bản dịch Buồn ơi chào mi) mà là tờ Phổ thông tồn tại 27 số trong vài năm cho tới 1954. Tờ tạp chí ấy, giờ đây ít người biết, rất dễ nhớ, không chỉ vì nó là của các nhân vật trong ngành luật, mà còn bởi các nhân vật chủ chốt toàn họ Vũ: Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, Vũ Trọng Thông, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan.

[Nhị Linh, _http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/06/van-hoc-mien-nam-mac-do.html]

Phương châm của 2 tờ cũng khác nhau. Tờ Phổ Thông-Hà Nội, trong tình cảnh nghiêng ngửa của quốc gia, chọn thái độ "Thà thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi mà nguyền rủa bóng tối [Khổng phu Tử]". Tờ Phổ Thông-Sài gòn, ra đời khi đất nước đã qua phân, tập trung nỗ lực vào "Góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam-Phổ biến Văn hóa Đông Tây kim cổ".

Ngoài các ông họ Vũ như đã kể còn hai ông họ Lê: Chủ nhiệm Lê Văn Ky và sau này, Chủ bút Lê Quang Luật cộng thêm một ông họ Đỗ [Đỗ Quang Bình]! Tạp chí này cần được nhắc đến một cách chi tiết vì nó không tuyền là một cơ quan ngôn luận của cựu sinh viên Trường Luật, Hà Nội mà ban chủ trương đã mở rộng qua phần sáng tác văn học nghệ thuật. Bắt đầu từ số số 17, tháng 4. 1953, Ban biên tập thông báo một sự "Chuyển hướng" để "nhường một chỗ ngồi sứng [sic] đáng cho văn nghệ." Điển hình cho tính chất đa dạng của sự chuyển hướng này là Bến nước Ngũ Bồ, Hoàng Công Khanh [Số 17, tháng 4. 1953, trang 89-96] với lời giới thiệu và cổ võ cho tác giả & ngành kịch; bài tiểu luận "Cô nghĩ gì cô gái Đô thành năm 1953" của Bà Thụy An Hoàng Dân [Số 17, tháng 4. 1953, trang 75-76] vv. Nhưng đặc biệt nhất là 2 bài thơ, một của Bùi Giáng - Nỗi lòng Tô Vũ và một của Cung Trầm Tưởng -Tương Phản mà sau này, cả hai sẽ hoặc không xuất hiện như bản đã xuất hiện trên Phổ Thông hoặc được tác giả hoàn chỉnh.

Trừ các sách tái bản sau 1975 tại Việt Nam mà tôi chưa có cơ hội đọc, bài Nỗi lòng Tô Vũ xuất hiện trong tập Mưa nguồn do Nhà xuất bản Trang Phượng xuất bản tại Sài gòn, 1962-- do một người bạn từ Việt Nam gửi sang một bản scan--có mấy khác biệt so với bản Phổ Thông. Thứ nhất, lời đề tặng cho "T.B., Huế" trên bản Phổ Thông không còn nữa. Thứ hai, 2 chú thích về tính chất địa lý của các địa danh trong bài được bỏ ra. Thứ ba các chữ "Dê" không được viết hoa và thứ tư, bản Mưa Nguồn có thêm 2 đoạn, tổng cộng là 15 đoạn thay vì chỉ có 13 đoạn như đã đăng trên Phổ Thông.

Đây là đoạn thứ nhất của Nỗi lòng Tô Vũ trích từ Phổ Thông, Số 19-20, tháng 6&7. 1953, trang 133-134] có lời đề tặng và "Dê" viết hoa trong toàn bài:

(Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn Dê ở núi đồi Trung-Việt: Nam, Ngãi, Bình, Phú.)
(Tặng T. B. (Huế)

Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi,
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh.
Chiều xuống rồi, tơ lòng rộn ràng rối,
Trời, núi, đồi, ngây ngất nhảy Dê nhanh...
[Bùi Giáng, sđd]

Còn đây là 2 đoạn 8 câu thêm vào trong bản Mưa Nguồn. Hai đoạn này xen vào giữa đoạn 3 và 4 của bản Phổ Thông:

Những bận nào Quếsơn [sic] Rùrì [sic] con suối ngược
Nước trôi nguồn [sic] nướclũ [sic] xuống phăng phăng[sic]
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng

Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa...[sđd, trang 149-150]

Tương tự là trường hợp bài thơ Tương Phản của Cung Trầm Tưởng. Có lần ông nói với tôi cách đây mươi năm, trong một buổi trình bày về nhóm Sáng Tạo, là chính ông cũng không còn giữ được nguyên bản; thế nên Tương Phản lại được biết đến một cách phổ thông qua bài hát "Bên ni bên nớ" do Phạm Duy phổ nhạc có thể theo trí nhớ của tác giả sau này. Bù lại, lời đề tặng cho "H. V. và Nguyễn Nhuệ Hồng", tức sinh viên Luật Nguyễn Hữu Thống lúc ấy, không còn nữa. Ghi chú của Cung Trầm Tưởng ở cuối bài cũng mờ dần theo thời gian: "Ngoại ô Sài cảng chiều mưa, 3-8-1953, CUNG -TRẦM-TƯỞNG, Tác giả 'Bản Thổ'". Đây là mấy câu khác nhau giữa bản nhạc-Phạm Duy và bản thơ- Cung Trầm Tưởng, Phổ Thông:

Bản nhạc-Phạm Duy
Đêm nay ai say đất lở
Em ơi có nghe rạn vỡ
Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười.
Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô.[...]
Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bóng ai giang hồ?
Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ
Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?
Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đeo mong...

[Ghi theo các bải hát đã được thu thanh trước 1975 như Khánh Ly, _https://www.youtube.com/watch?v=cXl25BWQRfc
hay Anh Ngọc, _https://www.youtube.com/watch?v=VB81n1alzUE]

Bản thơ- Cung Trầm Tưởng, Phổ Thông

Đêm ni say đất lở
Em có nghe rạn vỡ
Ra muôn mảnh ly rơi
Pha lê vạn chuỗi cười
Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ
Trơ trẽn giai nhân phô lõa thể.
Bên ni phố vắng, lòng ngoại ô,
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò;
An-đài ngõ cụt
Bóng hoang giang hồ
Bên nớ bên ni đều lạnh cả.
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng...
[Cung Trầm Tưởng, Phổ Thông Số 22, Tháng 10&11. 1953, trang 86-87]

Sở dĩ tôi nhắc tới mấy chi tiết hơi dài dòng đó vì Mặc Đỗ được biết đến 2 tác giả này qua Phổ Thông ngoài Bắc rồi sẽ hội ngộ trên các tạp chí trong Nam. Khi Bến Hải trở thành dòng sông phân lìa đất nước, Mặc Đỗ chọn Miền Nam cùng anh em nhóm Quan Điểm. Tại đây, nhóm Quan Điểm sẽ khởi đi bằng bước đầu ngoạn mục: thành lập nhật báo Tự Do, quy tụ một lực lượng hùng hậu văn nghệ sĩ. Sau năm 1975, Bùi Giáng ở lại Sài gòn, nổi tiếng với các hành động điên-mà-rất-tỉnh như mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa dạo đường phố. Cung Trầm Tưởng bị giam 12 năm rồi định cư tại Hoa Kỳ. Đến lượt Cung Trầm Tưởng sẽ tái ngộ Mặc Đỗ trên Khởi Hành-tục bản.

II-Mặc Đỗ và Văn học Miền Nam

1- Nhật báo Tự Do

Ngô Thế Vinh đã nhầm nhóm Quan Điểm, những người sáng lập nhật báo Tự Do, với nhân viên tòa báo như Mặc Thu và Như Phong Lê Văn Tiến: “Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam….”
(Ngô Thế Vinh, sđd)

Về điểm này, quả rất khó để phản bác chính người trong cuộc: Mặc Đỗ trả lời tôi hết sức cặn kẽ như sau:

Nghị định cho phép Tự Do chính tôi ký (Công Báo Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản còn giữ đủ bộ tại thư viện Sài Gòn), tôi tập hợp ban chủ trương, suốt thời kỳ Tự Do hoạt động, mọi sự việc hoàn toàn do chúng tôi. Khởi đầu trào di cư có một số là chuyên viên báo, để bày một nơi làm việc cho những anh em đó, đồng thời dựng lên tiếng nói của người di cư và đề cao lý tưởng tự do dân chủ, tôi bàn với Khoan (hồi đó cùng ở bộ Thông tin) nên cho ra một tờ báo. Tôi đứng ra mời anh Tam Lang vì ảnh to đầu nhất trong đám nhà báo di cư và rất đứng đắn. Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. May sao có tổ chức quốc tế International Rescue Committee (IRC) đại diện tới SG là ông Joseph Buttinger sẵn sàng tài trợ cho tờ báo. […]Ban chủ trương (in rõ mỗi ngày trên măng-xét) chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi; có bốn người quen biết từ lâu, Mặc Thu và Như Phong mới gặp ở SG di cư. Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với J. Buttinger của IRC, tôi không dự […] Gần như liên tục từ đầu đến đuôi (đôi khi tôi đi vắng xa) mỗi ngày tôi viết một bài ngắn in ở góc trái cuối trang nhất, viết xong ghé tòa báo nộp anh Tam Lang rồi đi lo công viêc; ít khi tôi ngồi lâu ở tòa báo trừ một thời kỳ trưa nào tôi cũng phải đến để gợi ý cho họa sĩ Phạm Tăng vẽ tranh ngạo chính trị mỗi ngày….”

["Văn học Miền Nam, Tờ Tự Do, Nhóm Quan Điểm và Văn học Hải ngoại", Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc -- Đăng lần đầu trên Khởi Hành Số 98, trang 12-17, Tháng 12. 2004]

Mặc Đỗ từng giữ chức Đổng lý Văn phòng nên mới có quyền ký giấy cho phép. Ông làm chức vụ này chỉ trong một thời gian rất ngắn hầu giúp một người bạn đang chấp chính. Ngoài câu trả lời của Mặc Đỗ, tôi còn biết tới khoảng 10 lá thư viết tay với phong bì của Mặc Thu gửi đi và đóng dấu từ bưu điện Hoa Kỳ, dụng ý tìm hiểu về sự thành lập của Tự Do để viết hồi ký. Hồi Mặc Thu sang đây tạm cư một thời gian ngắn, chính ông cũng không hề dấu diếm sự thật rằng ông, và cả Như Phong nữa, không được cho biết chi tiết về xuất xứ của nhật báo Tự Do. Sự nhầm lẫn về nguồn gốc sáng lập của nhật báo này kể ra cũng không có gì đáng phàn nàn. Điều đáng tiếc ở đây là sự nhầm lẫn ấy lại từ một người cố chứng minh là có quen biết lâu dài với Mặc Đỗ. Tôi đã từng được đọc mấy bài có loại tin tức đại khái như thế và đã bỏ qua, không bình phẩm gì, nhưng nay chính vì lối viết nại toàn thư riêng của Ngô Thế Vinh mà tôi bắt buộc phải trưng ra chứng cớ từ chính Mặc Thu, một trong những người được nhắc đến, để làm sáng tỏ. Khi tôi phỏng vấn Mặc Đỗ, cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng những tin tức liên quan đến loạt thư của Mặc Thu sẽ chỉ công bố cho tới khi nào tối cần thiết. Trong một lá thư đề ngày 9 tháng 5, 1998, gửi đi và với dấu bưu điện từ Quận Cam [Orange County], Mặc Thu đã xin ý kiến của Mặc Đỗ như sau:

"Tôi muốn nhờ anh giúp tôi một việc: trong hồi ký "Một hạt đời", tôi viết tới đoạn vào Nam (1954) [...]Mặc Đỗ : Đổng lý Văn Phòng, V. K. Khoan Chánh Văn phòng, Nguyễn Ngọc Tú làm gì? Lê Văn Tiến làm gì? Ở bộ này? Rồi chúng ta họp với Buttinger ở Dinh độc lập trước khi ra báo Tự Do...Sự việc này ra sao, tôi chưa được rõ về chi tiết, và lúc đó, hẳn anh là người tổ chức [...] Tôi cũng muốn làm sáng tỏ một lần, sự việc báo Tự Do trong hồi ký của tôi. Anh biết được điều gì, nhất là việc Buttinger, xin cho tôi biết. Ngoài ta, tôi cũng muốn nhắc tới nhóm Quan Điểm trong hồi ký của tôi, nhưng tôi lại biết rất ít về nhóm này. Vũ Khắc Khoan mất rồi, không ai có thẩm quyền để nói về nhóm Quan Điểm hơn anh. Mà không ai nhắc tới sinh hoạt văn học của Q. Đ. thì cũng là điều đáng tiếc! Một bất công!...
- Mặc Thu

Lá thư này không phải là lá thư duy nhất của Mặc Thu. Ngày 15 tháng chạp, 1998, Mặc Thu gửi một lá thư khác, có đoạn như sau:

''Lại gắng ngồi viết cho xong cuốn hồi ký. Đương viết đến đoạn: làm nhật báo Tự Do. Có mấy điều cần nhờ anh chỉ cho biết: Mong rằng không làm phiền anh: 1.-Tên đầy đủ của ô. Buttinger với tổ chức của ông ta [....] 4.-Buổi họp ở phòng Khánh Tiết Dinh Độc lập do anh tổ chức, để anh em làm báo mình, họp giới thiệu với Buttinger có những ai...?
- Mặc Thu

Chưa hết, năm ngày sau, ngày 20 tháng chạp, 1998, một bức thư nữa từ Mặc Thu có đoạn sau đây:

''Cách đây ít ngày, tôi có gửi tới anh 1 lá thư, trong có hỏi anh ít điều về Bộ Thông Tin (thưở ấy) và lai lịch của ông Buttinger...Rất mong anh bớt chút thì giờ cho tôi ít chữ về các vấn đề ấy...
- Mặc Thu

Mấy mẩu thư trên sẽ cho Ngô Thế Vinh thấy rõ hơn sự sai lầm của ông. Thí dụ như Mặc Thu thú nhận "biết rất ít về nhóm Quan Điểm". Như thế, có thể nào một người ngoài vòng thân hữu hay chí hướng như Mặc Thu lại có thể cùng sáng lập một tờ nhật báo do nhóm Quan Điểm và thân hữu thành lập rồi điều khiển? Nhất là khi phần vụ của Mặc Thu chỉ về phần tài chính?


(còn tiếp)

khieman
11-05-2015, 01:32 AM
(tiếp theo)


Kỳ 2


2- Đạo Phật và nhóm Quan Điểm

Theo Ngô Thế Vinh: “Ba nhà văn chủ lực trong nhóm Quan Điểm mà tôi được biết, phần cuối cuộc đời đều có khuynh hướng tìm về đạo Phật[…] Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật….”
[Ngô Thế Vinh, sđd].

Tôi quả không rõ về Vũ Khắc Khoan nhưng tôi e rằng việc quyết đoán một cách khá hời hợt về Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ không được chính xác, nhất là khi khuynh hướng "tìm về đạo Phật" ấy lại được đưa ra làm một thứ xương sống chống đỡ cho giả thuyết Mặc Đỗ quy ẩn.

2 A-Nghiêm Xuân Hồng

Ngay từ thuở thiếu niên, Nghiêm Xuân Hồng đã hướng tới đạo trong vô thức, tìm đạo suốt thời thanh niên, ngộ đạo lúc 50 rồi chính thức dồn cả đời cho đạo lúc ông khoảng 58 tuổi - nghĩa là ít nhất từ 20 tới gần 30 năm trước khi qua đời. Những chi tiết trong tiểu sử ấy đã được chính ông xác nhận khi trả lời nhóm Giao Điểm như sau:

"Về cơ duyên đến với đạo Phật, tôi nghĩ mỗi người là một loài hoa. Có những thứ hoa nở sớm, lồ lộ, lộng lẫy. Có thứ hoa nở muộn. Có lẽ tôi thuộc loại hoa nở muộn. […] Cho nên dần dần tôi mới hiểu ra rằng: mọi sự ở đời, trong cuộc sống của mình, đều chỉ là sự NỞ RA CỦA NHỮNG CHỦNG TỬ NẰM SÂU TRONG VÔ THỨC của mình. Và mỗi khi nở ra, chúng thường chiêu cảm sự DẪN DẮT ÐƯA ÐẨY của các vị quỷ thần và thần linh, và lần lần, tôi cũng hiểu ra rằng, trên trái đất này cũng như trên vô lượng hành tinh khác, loài người chỉ có ba bốn tỷ, nhưng quỷ thần và thần linh cùng các loài chúng sinh phi nhân khác thì vô lượng. Có lẽ cục nghiệp khắc khoải siêu hình cứ lần lần nở ra trong tôi. Ðọc sách luật thì thấy chán phè, nhưng đọc những mộng tưởng kỳ ảo thì rất khoái trá. Hồi đó tôi có một người bạn cùng một xu hướng: đó là ông anh ruột tôi tên là Nghiêm Xuân Cẩn, nay là Thượng Tọa Thích Tâm Cẩn, trụ trì chùa Một Cột ở Hà Nội. Hai anh em cứ bỏ học đi thăm chơi các chùa và tuy chẳng hiểu Phật pháp gì bao nhiêu nhưng cứ vấn nạn lung tung các vị tăng. […]

"Nhưng thực ra, tôi còn một cơ duyên khác để đi vào giáo lý Phật đà. Cơ duyên này thích thú hơn, có vẻ lãng tử hơn. Ðó là mấy cuốn tiểu thuyết mà tôi say mê. Hồi chín, mười tuổi tôi say mê Tây Du Ký, nhất là nhân vật Tề thiên đại thánh. Nghĩ rằng nếu mình có được 72 phép thần thông biến hóa thì mới thực là sướng. Lớn lên chút nữa, say mê cuốn Lục Giả Tiên Tung với những nhân vật như Lãnh Vu Băng và Kim Bất Hoán. Mơ màng tu tiên và luyện đơn trường sanh bất tử. Lớn lên chút nữa, mê Liêu Trai Chí Dị. Giật mình nghĩ rằng thế giới này có nhiều thứ chúng sinh phi nhân mà mắt thịt không nhìn nổi. Thấy có nhiều thứ hồ ly quỷ mị và các thứ tình chướng giăng mắc. Lớn lên ít nữa, đọc Nam Hoa Kinh. Thấy nói: nằm ngủ mơ màng hóa thành bướm, nhởn nhơ bay lượn... Lấy làm thích thú, nhưng hồi ấy vẫn hoang mang không chắc ý. Không chắc rằng cái vụ BIẾN HOÁ đó có thể thực hay chỉ là một giấc mơ thôi. Tới gần 50 tuổi, mới đọc kinh Ðại Thừa. Tôi bàng hoàng nhận thấy rằng: trong các kinh, chư Phật nhiều như cát sông Hằng, khác miệng nhưng đồng lời, đều khẳng định rằng “các cõi, các thế gian đều chỉ là BIẾN HÓA, các chúng sinh chỉ là biến hóa. Biến hóa của cái TỰ TÂM ấy. […] Cho nên tất cả thế gian này chỉ là một trường biến hiện của Thức tâm, một trường nhân duyên trùng trùng khởi lên, một trường ảo ảnh... chẳng phải hư, nhưng cũng chẳng phải thực. Những điều đó thường được giảng dạy trong các kinh, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Tôi bàng hoàng vì lời kinh xưa không ngờ rằng lại rốt ráo xác nhận cái khả năng BIẾN HÓA KHÔNG CÙNG của Tâm thức; vì đó chính là giấc mơ thưở nhỏ của tôi. Từ đó tôi say mê kinh Ðại Thừa và chính chân lý ấy làm tôi sống…

[Giao Điểm phỏng vấn cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, Giao Điểm số 9 ngày 15-7- 1992, _http://thuvienhoasen.org/p82a17297/phong-van-cu-si-tinh-lien-nghiem-xuan-hong]

Nghiêm Xuân Hồng viết Lăng Kính Đại Thừa, cuốn sách Phật pháp đầu tiên vào năm 1982 khi ông 62 tuổi, là kết quả tất yếu của một đời hướng về đạo pháp chứ không phải là bước đầu của hành trình ấy. Sau nữa, con đường đạo ấy không hề ngăn cản ông phát biểu về các vấn đề đời thường. Tháng 5. 1990, nhân đọc cuốn Ly thân của Trần Mạnh Hảo, ông bầy tỏ thái độ rất dữ dội trong bài "Biện chứng của loài bò sát", có mấy đoạn rạch ròi như sau:

Người đọc dĩ nhiên cảm thấy xót xa cho tác giả. Nhưng đôi khi cũng cảm thấy nhọc nhằn. Vì sao? Vì thấy xã hội mô tả trong đó vừa quá kệch cỡm vừa quá thê thảm. Kẻ có quyền thì nhân danh biện chứng lịch sử một cách kệch cỡm để bóc lột còn kẻ áp bức thì thê thảm không còn nhân tính. Một thiểu số vênh vang rình rập đớp mồi áp bức, còn số đông thì thu mình chịu đựng. Xã hội ấy tưởng chừng không phải xã hội người, mà là một tập thể của loài bò sát[...]Và hình như thi hào Henri Heine cũng viết: "Lúc đó, thần linh cũng phải che mặt khóc hộ cho loài người." Những lời nói đó mô tả thiên đường vô sản ở Nga Xô, Việt Nam cùng thảm kịch của con người phải lên Thập tự giá. Thiên đường của một loài bò sát mù, không biết cười, có lẽ cũng chẳng biết suy tư, chỉ ngửi hơi rình rập, rồi phun lửa độc đớp mồi. Khốn nỗi là người Bôn xê vích không thể nào tạo lập được "thiên đường" ấy, nếu không có sự tiếp tay của rất nhiều phần tử mệnh danh trí thức. Trí thức cơ hội, loại trí thức không tưởng nghĩ là mình cấp tiến...Lúc này, thiên đường đương sụp đổ tan tành. Không hiểu người trí thức vong nô nghĩ sao đây?

[Nghiêm Xuân Hồng, Văn Học số 51, trang 1-3, Hoa Kỳ]

Thế nên, theo đạo không có nghĩa là bỏ đời: Bồ tát Thích Quảng Đức, tự thiêu năm 1963, là một thí dụ điển hình. Năm 1991, Nghiêm Xuân Hồng xuất hiện qua mấy bài luận bàn trong Giải thể Chế độ Cộng sản và Thiết lập Dân chủ Pháp Trị- Tuyển tập của 7 tác giả Nguyễn Cao Hách, Vũ Quốc Thúc, Nghiêm Xuân Hồng, Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống, Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Chức và Đoàn Văn Tiên Trong lịch sử Việt Nam, không thiếu các nhà sư dấn thân vào chỗ biến loạn để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Triết lý "Bi Trí Dũng" ấy không thể bị trói vào hai con đường tách biệt hoàn toàn như Ngô Thế Vinh trình bày, nhất là thời biến loạn mà sự đẫm máu chúng sinh chỉ có tăng chứ không có giảm với cường độ của sự ác cũng ngút cao lên đến nơi mà chúng ta vẫn thường cầu vọng, là "trời xanh".

Nhưng lần này sẽ không phải "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" mà chính con người võ trang bằng vũ khí xẻ thịt bằm xương hay trang phục của những kẻ xem ra văn vẻ nhưng ẩn tàng một bọc xú khí. Như thế, liệu nhóm Quan Điểm có thể nào "quy ẩn"?

2 B- Mặc Đỗ

Theo tôi, bút hiệu Mặc Đỗ là do một vị lương y vốn xuất thân từ cửa Phật đặt cho mà không phải từ “thân phụ” như Ngô Thế Vinh suy đoán. Nếu ông chịu để tâm đến thời gian Mặc Đỗ hợp tác với tạp chí Khởi Hành, ông sẽ được đọc bài “Trên đường tu” thuật lại tự sự mối đạo duyên ấy từ lúc 13, 14 tuổi qua đến hết thời Trung học khi được người Thày hướng dẫn và mở tâm:

"Mãi đến quãng 13, 14 tuối tôi mới từ ngu ngơ bước qua ngưỡng cửa tu tập[…] Cuộc hội ngộ không hẹn đã ảnh hưởng từ đó đến trọn đời tôi, lang y hiện ra và trở nên vị Thày duy nhất hướngdẫn tôi trên con đường theo Phật […] Tôi ngồi lắng nghe từng lời Thày giảng, những lời dùng thường, dễ hiểu, không giống từ ngữ trong cuốn sách tôi mới đọc. Tôi hiểu Phật chỉ là người như mọi người, nhờ công khó chiêm nghiệm Phật nhận thấy chính thân xác của mỗi người trói buộc con người vào những khổ đau phiền lụy, gỡ được những trói buộc đời sống sẽ yên vui[…] Tôi vỡ ra tại sao ta lại phải chống lại với chính ta. Và tôi cũng hiểu chính ta có thể buông thả nuông chiều thân xác ta. Đứng lên cố gắng bước theo gót chân Phật hay nhắm mắt ngồi yên đó[…] Vâng lời Thày, trên con đường theo gót Phật, tôi chỉ xin đi từ A đến B, kiếp sau cố gắng hơn có thể tôi sẽ tới C, D, E hay F không chừng, nhưng nhất định không bao giờ dám nghĩ sẽ đi đến được Z; đi xa quá tôi không phải mặt; vả lại cứ tà tà vừa đi vừa viết thú lắm chứ. Viết lương thiện để mãi mãi là con Phật.

[Mặc Đỗ, Trên Đường Tu, Khởi Hành Số 87-88, trang 17-20, Tháng giêng&2. 2004]

Hóa ra, khi Ngô Thế Vinh khẳng định “Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật” thì đã hoàn toàn không biết gì về “con đường theo gót Phật” từ thời niên thiếu của Mặc Đỗ. Ông vẫn “tà tà vừa đi vừa viết” không ngừng từ khi rời Miền Nam, 1975, như sẽ chứng minh sau đây. Một lần nữa, không ai đòi hỏi một bài tâm tình về một văn hữu khác lại đặc chú thích cả. Nhưng nếu Ngô Thế Vinh quy cho Mặc Đỗ một thái độ nghiêm trọng ["quy ẩn"' ngay từ đoạn mở đầu cả về phong cách sáng tác lẫn chống Cộng sản], sự chính xác sẽ là bước đầu tiên để bảo đảm cho phẩm chất của lời quy kết quyết định chân dung ấy trước sự thẩm định của cộng đồng văn chương.

III-Mặc Đỗ: Hậu-1975 với các tạp chí tục bản tại Hoa Kỳ

Trước 1975, Mặc Đỗ cùng nhóm Quan Điểm sáng lập nhật báo Tự Do vào năm 1954. Truyện dịch của ông có khi đăng từng kỳ trên một tạp chí như Nghệ Thuật. Ông đã lập một công ty săn tin có tên là Việt Tin. Tại Sài gòn, ông đã có bài, từ sáng tác, dịch thuật tới thời sự văn nghệ chính trị trên Tự Do, Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn, Thời Tập, Khởi Hành, vv. Dĩ nhiên, ông còn lập nhà xuất bản Quan Điểm với các bạn cùng nhóm do chính ông trình bày và xuất bản.

Sau 1975, hoạt động báo chí của ông quan trọng hơn nữa vì hai lẽ. Thứ nhất, ông đã gửi bài cho Đuốc Tuệ [5. 1976] rồi lần lượt Văn học Nghệ thuật, Thời Tập, Văn và Khởi Hành. Cho tới nay, bài cuối của Mặc Đỗ xuất hiện trên Khởi Hành số 195&196, Tháng giêng&hai 2013. Thứ hai, ông vẫn tiếp tục sáng tác qua thơ, dịch, một số bài tùy bút thêm những chiêm nghiệm khác về chiến tranh và xã hội Việt Nam hay Hoa Kỳ mà ông thường quan tâm và vốn có phát biểu như thường lệ. Năm 2004, ông phát biểu lần đầu [và có lẽ duy nhất?] trong cuộc phỏng vấn về chính đời văn và hoạt động của nhóm Quan Điểm. Thế nên, Ngô Thế Vinh đã hướng độc giả vào một cảm tưởng rất nguy hiểm rằng Mặc Đỗ, một trong ba thành viên nổi tiếng của nhóm Quan Điểm, đã "quy ẩn" mà có viết thì cũng chỉ để "trả nợ" trong khi bao nhiêu vấn đề cấp bách của một Việt Nam thời hậu chiến trong suốt 40 năm nay vẫn tiếp diễn chung quanh:

"NHƯ MỘT GIÃ TỪ - Nói rằng nhà văn Mặc Đỗ hoàn toàn không viết gì khi ra hải ngoại thì không đúng. Anh có viết nhưng phải nói là rất ít. Anh đã góp bài cho ấn bản đầu tiên báo Lửa Việt với truyện Cái Áo Len Màu Rêu, anh cũng góp bài cho Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến gồm các bài nhận định văn học, truyện ngắn trong những số đầu tiên: số 1 (Kế hoạch chống đàn bà, truyện ngắn), số 2 (Làm văn học nghệ thuật trong hoàn cảnh tỵ nạn), số 4 (Văn Nghệ Việt Nam ở hải ngoại), số 7 (Con người Nga trong khuôn đúc cộng sản) VHNT bộ cũ (1978) [_http://tapchivanhoc.org]

Trong một thư riêng anh viết:

“Một hai năm đầu khi mới đến đây tôi có viết đôi chút để tiếp tay vài bạn cũ ra báo trong khi còn hiếm bút, sau này làng ta trở nên phồn thịnh thì tôi yên tâm ngồi im, trừ một số nhỏ dịp phải trả nợ nhiều số báo được tặng không (Văn, Thời Tập) thì có đóng góp một chút.”

[Ngô Thế Vinh, trích thư Mặc Đỗ 25/08/1991, sđd]

Trước hết, Ngô Thế Vinh đã trích từ một lá thư rất cũ, cách đây gần một phần tư thế kỷ. Nếu cho rằng “sinh hoạt cộng đồng văn chương” chỉ hạn chế vào những buổi ra mắt sách, tham dự những cuộc hội thảo, bàn tròn văn nghệ, tiếp đón văn hữu-từ-xa-đến vv…thì ngay ở Sài gòn, Mặc Đỗ cũng đã không hay tham dự nói chi tới ở hải ngoại khi bàn tròn văn nghệ ấy vạch một vòng tròn rất lớn, bao trùm rất nhiều tiểu bang. Mặc Đỗ rồi ra sẽ cũng không phải là nhà văn Miền Nam duy nhất "quy ẩn" nếu áp dụng định nghĩa quá hạn hẹp đó.

Ngay từ đầu đời tỵ nạn, Mặc Đỗ đã góp bài cho các báo cần đến ông, nhất là tại Hoa Kỳ. Trên thực tế, nếu Ngô Thế Vinh so sánh số bài Mặc Đỗ xuất hiện trên Văn hay Khởi Hành với số bài trên Văn học Nghệ thuật thì không ít, mà còn nhiều hơn gấp bội. Bởi vậy, lối nói “viết để trả nợ”, theo tôi, chỉ là một lối nói khiêm nhượng của Mặc Đỗ và không phải là lần đầu ông có lối nói đó. Ông cũng từng nói về tờ Văn học Nghệ thuật như sau:

"Hồi mới qua đây anh em còn loạc choạc ai ra báo tôi cũng sốt sắng góp bài góp ý nếu hỏi, nhưng tôi chẳng ngồi trong báo nào hết, vì ở xa cũng có và cũng vì còn phải lo mọc rễ trên đất mới, bận lắm. Tôi nhớ tờ 'Bút Lửa' (?) của LTĐiều ra số đầu gửi tặng tôi, tôi liên tình gửi tiền mua một năm, Điều trả lại tiền, viết thêm đại khái 'anh có công với văn học Miền Nam lắm, tặng anh chứ đâu lại để anh mua'. Khi tờ Văn Học Nghệ Thuật ra tôi cũng có viết một hai bài, báo có gửi biếu cho tới khi có ông chủ trương mới gì đó thì thôi.
[Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn nhà văn Mặc Đỗ, sđd]

Tôi hơi ngạc nhiên rằng một người vừa được nhận thư riêng, vừa tham dự sinh hoạt nghệ thuật văn học cả trong tư cách độc giả lẫn tác gia tại Hoa Kỳ như Ngô Thế Vinh mà lại hiểu lầm cách nói ấy, vì số lượng sáng tác cả cũ lẫn mới của Mặc Đỗ đã xuất hiện trên Văn và Khởi Hành sẽ chứng minh ngược lại. Đó là chưa kể cuốn thơ Ba câu ở biển ngoài đã được Khởi Hành xuất bản vào năm 2002. Ngô Thế Vinh cũng không hề nhắc đến cuốn thơ này, một hướng sáng tác mới rất cần phân tích trong đời văn Mặc Đỗ.

Về phần tạp chí Thời Tập, tôi xin dành quyền phát biểu chi tiết cho nhà thơ chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh, nhưng tôi sẽ mạn phép có vài lời về tạp chí Văn-tục bản vì Mai Thảo [1927-1998] đã qua đời và không còn cơ hội để phản bác nữa. Kế đó, tôi cũng xin được mạn phép độc giả Khởi Hành và nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm&chủ bút, mà nhân danh Thư ký Tòa soạn phát biểu về sự có mặt của Mặc Đỗ trên Khởi Hành-tục bản.

1- Tạp chí Lửa Việt, tháng giêng 1976

Truyện ngắn Cái Áo Len Màu Rêu đăng trên tạp chí Lửa Việt Xuân Bính Thìn số 1, Vo. II, tháng giêng. 1976, trang 22-23; Viên Linh vẽ nhan đề, Ngọc Dũng minh họa [tài liệu của Viên Linh]. Tạp chí Lửa Việt do Cơ quan "National Center for Vietnamese Resettlement" [Trung tâm Tái Định cư cho người Việt] xuất bản dưới danh hiệu "Một ấn phẩm của Trung tấm Phối hợp định cư Việt kiều", PO Box 32226, Washington A.C. 200007, Số điện thoại (202) 466-2477, do Nguyễn Ngọc Bích làm Chủ bút và Viên Linh trình bày&sửa soạn bài vở.

2- Tạp chí Đuốc Tuệ, tháng 5.1976

“Những trang lưu vong” của Mặc Đỗ, xuất hiện trên Đuốc Tuệ số 1, tháng 5. 1976 do Thượng tọa Thích Giác Đức làm chủ nhiệm& chủ bút và Viên Linh làm Tổng thư ký Tòa soạn [tài liệu của Viên Linh].Theo tôi, đó mới chính là tạp chí văn học nghệ thuật đầu tiên của người Việt tỵ nạn.

3- Tạp chí Văn học Nghệ thuật-Bộ cũ, tháng 4. 1978 và Bộ mới, tháng 5. 1985

Tạp chí Văn học Nghệ thuật, phát hành được 2 bộ, do Võ Phiến làm chủ nhiệm& Lê Tất Điều, Chủ bút. Bộ Cũ được 13 số từ tháng 4.1978 đến khoảng tháng 9.1979. Bộ Mới được 7 số, từ tháng 5.1985- đến tháng 7.1985. Mặc Đỗ xuất hiện với 4 bài trong Bộ Cũ [Số 1, 2, 4 và 7-Tháng 10.1978- _http://tapchivanhoc.org/?p=152]. Ông không có bài trong 6 số còn lại và cũng không có bài trong 7 số thuộc Bộ Mới [_http://tapchivanhoc.org/?p=242]. Chi tiết sau này hết sức quan trọng vì nó chứng minh Mặc Đỗ đã gửi bài ngay cho tạp chí Văn-tục bản tại Hoa Kỳ, 1982, nhưng đã không hề gửi tiếp bài cho Văn học Nghệ thuật khi nó xuất hiện trở lại 3 năm sau.

Sau nữa, “Kế hoạch chống đàn bà” không phải là một truyện ngắn như Ngô Thế Vinh đã nhầm. Đó là một đoạn trích ra từ 1 tập tiểu thuyết cùng tên, nằm trong loạt tiểu thuyết trinh thám có tên Quang Minh hội gồm 3 tập--Quang minh hội, Chiến dịch tuổi trẻ, Kế hoạch chống đàn bà -- liên quan đến hoạt động trong bóng tối của người Cộng sản mà Kỳ Anh, một ký giả chống Cộng phải đương đầu. Ba tập này được viết xong vào khoảng 1971, chưa xuất bản.

4- Tạp chí Thời Tập-Bộ Cũ, 4 số- tháng 4.1979 và Bộ Mới, 12 số- năm 1989

Như đã nói, tôi sẽ dành quyền trả lời về tạp chí này cho nhà thơ Viên Linh. Nhưng tôi có thể nói ngay rằng Mặc Đỗ đã trả lời về việc phần thư của chính phủ Cộng sản tại Miền Nam trên Số 1, Bộ Cũ, tháng 4.1979.

5-Tạp chí Văn -tục bản với Mai Thảo, 1982-1996

Tôi không có đủ bộ tạp chí Văn-tục bản, Hoa Kỳ do nhà văn Mai Thảo làm chủ nhiệm&chủ bút [1982-1996] nhưng có 2 điều đáng ghi nhận. Thứ nhất, khi tôi cho rằng câu nói “để trả nợ” chỉ là một cách nói thì rất dễ kiểm chứng: người đọc có thể thấy quảng cáo của người thân Mặc Đỗ trong nhiều số báo Văn liên tiếp. Sở phí quảng cáo này dư sức cho ông nhận báo biếu. Thứ hai, Mặc Đỗ xuất hiện khá nhiều, như ngay trong số đầu tiên với bài “Bây giờ và tại đây”. Tiếp ngay đến Văn số 2, Tháng 8. 1982, thì bài “Mặc Đỗ quy ẩn-Mỗi kỳ một chân dung văn chương”, Mai Thảo, xuất hiện để đánh dấu, không phải sự “quy ẩn” như Ngô Thế Vinh tưởng lầm, mà là một sự không “quy ẩn” nữa như đã dẫn ở trên.

Sau đây là một số bài hay truyện của Mặc Đỗ trong các số Văn của mấy năm đầu mà tôi có:

o Bây giờ và tại đây", Aleksandr I. Solzhenitsyn-Mặc Đỗ dịch-- Văn Số ra mắt, trang 21-27, Tháng 7.1982.

o Truyện ngắn “Trưa trên đảo san hô”--Văn Số 2, trang 10-24, Tháng 8, 1982. Sau này, tên truyện sẽ được chọn làm tên cho tập truyện ngắn Trưa Trên Đảo San Hô (2011).

o “Phỏng vấn về Tiểu thuyết”-- Văn Số 4, trang 10-14, Tháng 10, 1982. Mặc Đỗ tuyển dịch câu trả lời của 7 văn nghệ sĩ Pháp về sự “ngứa viết” của dân Pháp với lời giới thiệu có đoạn như sau: “Chúng tôi lựa một số lời đáp thấu suốt tới tính chất của văn chương và bề sâu của người viết[…] Dụng tâm lùa sinh khí vào làng văn Việt ở bên ngoài Nam Hải hiện như cái cây chẳng hợp thủy thổ…”

o “Riêng chung”, thơ--Văn Số 7&8 Xuân Quý Hợi, trang 26, Tháng 1&2, 1983.
[…]Núi sông nào đất nước nào
Mượn tay người đến gầy hao thân này
Quật cường trong một cơn say
Mê này hoặc nọ biết ngày nào thôi[…]
Trải bao ngày tháng u mê
Tỉnh ra người vẫn hướng về chiêm bao
Núi sông này đất nước nào
Riêng chung vằng vặc ngàn sao trên trời

o “Năm mới”, thơ-- Văn Số 11, trang 61, Tháng 5, 1983

o "Cũng như Abraham Lincoln" -- Văn số 12: Mỗi kỳ một chân dung văn chương: Nhà văn Thanh Nam, Tháng 6. 1983, trang 15.

[...] Ở Sài gòn có hai người trẻ tuổi chỗ nào cũng thấy đi với nhau, đó là Thanh Nam và Tô Kiều Ngân[...] Trong khi Tô Kiều Ngân tỉ tê hát với mấy em bé, Thanh Nam ngồi vắt chân chữ ngũ và rung đùi uống rượu ở giữa phòng với một nhóm đàn ông già hơn[...] Chủ yếu của văn nghệ là làm vui tai vui mắt, thả men say vào trí tuệ, nhưng trong làng văn nghệ người ta sống y như một thành phố Mỹ vậy, rất nhiều tài khéo và bản lãnh được hươi ra trong cuộc đua tranh ngoi lên tìm mặt trời. Rất nhiều vân động để thức giả thấy một câu nhạc vui, một màu tranh đẹp, một bài văn hay. Và rất nhiều chen lấn trong cuộc vận động không ngừng. Thanh Nam là con người hiếm hoi bất kể tài khéo, bất kể bản lãnh, cứ lăn tròn trong cái thế giới sống yêu thích nhất, từ đầu đến cuối[...] Cũng giống như Abraham Lincoln đề ra kiểu mẫu cai trị dân chủ: một chính phủ của dân, do dân, vì dân. Thanh Nam trong ba phần tư cuộc đời mà thiên hạ đã thấy, bày rõ một con người của văn nghệ, do văn nghệ, vì văn nghệ...
[Mặc Đỗ, sđd]

o "Bị tước đoạt định mệnh", Alexandr I. Solzhenitsyn-Mặc Đỗ dịch một đoạn trích trong "Thư ngỏ gửi người Nhật", Tập san Pháp Politique International, Tháng 4. 1983-Tựa do Tòa soạn đặt-- Văn Số 12, trang 23-27.
Phải chẳng hiểu gì hết về tánh chất của cộng sản thế giới mới ao ước có thể giữ vững tình thế bằng cách chịu thua nó hay phản bội đồng minh của mình. Không thể phản bội nước láng giềng, dù nhỏ bé đến đâu, mà phải vận toàn lực ra tiếp tay những người đang cầm cự với dịch hạch cộng sản [...] Ai chưa từng chịu ách cộng sản rất khó mà tưởng tượng nổi dân chúng Nga, Tàu, Cuba đã trở nên mê mụ, bị tước đoạt định mệnh, bị trói chặt, đến độ không còn liên hệ chi tới những kẻ cầm đầu họ. Như tôi đã viết, cộng sản đúng là cái huyệt chôn năng lực: thoát khỏi khó lắm, trừ ra một cơ hội may mắn tập trung được mọi cố gắng.
[Mặc Đỗ dịch, sđd]

o “Trả lời phỏng vấn về những văn nghệ sĩ Miền Nam vừa bị bắt giữ ở Sài gòn”-- Văn Số 27, trang 9, Tháng 9. 1984.

o "Tác phẩm lớn của Michel Hogier"-- Văn Số Xuân Ất sửu, 1985, trang 75-86.

Mặc Đỗ dịch và giới thiệu nhà văn Pháp Julien Green gốc Hoa Kỳ nhưng viết bằng Pháp ngữ; có quốc tịch không phải Pháp nhưng được nhận vào Hàn Lâm viện tiếp cho Francois Mauriac, 1971 và vào năm 1996 đã xin được rút tên ra để giữ lòng ái quốc với bản quán:

Ra đời tại Paris, trong năm đầu của thế kỷ 20, từ một gia đình gốc Mỹ, nhà văn Pháp, Julien Green để lại một văn nghiệp khá hậu gồm truyện, kịch và văn, tất cả mang một đặc điểm sâu sắc là phản ánh những khắc khoải siêu hình đánh dấu một thời đại văn học nghệ thuật Pháp. Tân truyện Le Grand œuvre de Michel Hogier dịch đăng dưới đây được trích ra từ một tập văn gồm những trang viết chưa hề được in ra từ trước (Histories De Vertige, Ed, du Seuil, Paris, tháng giêng 1984). Người dịch nghĩ rằng viết là một lựa chọn hệ trọng trong đời một người. Viết ra rồi còn một lựa chọn quan thiết nữa là tự lựa chọn, là cật vấn mình xem cái viết ra đã đáng in chưa, đến thế nào mới là đáng in. Lựa chọn quan thiết và khó khăn lắm! Julien Green phơi bày sự lựa chọn của Michel Hogier, không hiểu có chăng chủ ý riêng tặng những người viết mới.
[Mặc Đỗ dịch]

o "Nguyên đán ở Texas: Loạt phỏng vấn 6 người:Vũ Khắc Khoan, Tạ Tỵ, Đỗ Quý Toàn, Trần Cao Lĩnh, Mặc Đỗ, Thái Tuấn, Hà Huyền Chi, Nhất Giang" -- Văn Số 42-43, trang 20-21, Tháng 12. 1985&1.1986.

o “'Mất'-Đoản văn nhiều người viết”-- Văn Số 54&55 Xuân Đinh Mão, trang 15-16, Tháng Chạp. 1986 & Tháng Giêng. 1987.
Năm ngoái, ngày Tết mở tập "văn" đọc đoạn ngắn về tết của Vũ Khắc Khoan. Năm nay sắp tết, Mai Thảo lại nhắc viết. Viết gì đây? Viết chuyện buồn Khoan không c2on nữa chăng?[...] Nói đến mất thì mất một người, hai người, ba người...không đáng kể, trước sau gì cũng sẽ mất. Đáng kể nếu mất một cơ hội để làm một cái gì, trồng được một gốc cây dày bóng mát. Một nhóm anh em, cùng với Khoan, một lần đã mất. Ngoái cổ tự hỏi tại sao để mất thì chắng quy trách được cho người, cho hoàn cảnh nói riêng[...] Nhóm anh em cùng với Khoan, muốn tỉnh giấc chiêm bao, thắp ngọn nến nhỏ đi tìm một thế đứng không tham mà cũng không cay cú. Thế đứng vô ngại, giúp con người tự thực hiện. Ngọn nến thắp lên, anh em nhìn thấy nhau đã là hạnh phúc lắm. Nhưng hơi ấm của tình bạn không thể biến ngọn nến thành hải đăng. Bể trầm luân sóng vốn ngập đầu, hải đăng nếu dựng được liệu có nhìn thấy ánh sáng!
[Mặc Đỗ, sđd]

Như Ngô Thế Vinh có thể nhận ra ngay, đây tuy là một lời tâm sự về sự ra đi của một người bạn thân nhưng chính ra rất quan trọng vì có nhắc tới tôn chỉ của nhóm Quan Điểm, 17 năm trước khi ông chính thức nói về nhóm này trong cuộc phỏng vấn đăng trên Khởi Hành.

6-Tạp chí Khởi Hành-tục bản, Tháng 11.1996-Hiện tại, Hoa Kỳ

Trong các tạp chí tại Hoa Kỳ mà Mặc Đỗ gửi bài đến thì Khởi Hành là tạp chí mà ông cộng tác lâu nhất. Một số sáng tác mới của ông đã đăng trên Khởi Hành chưa được xuất bản.

o “Học đòi Haiku” ”, thơ -- Khởi Hành, Số 69, trang 20, Tháng 7. 2002.

o “Cuốn sách tìm lại được” -- Khởi Hành Số 71, trang 12-13, Tháng 9. 2002.

Tâm sự về mối quan hoài với cuốn Les Paysans du Delta Tonkinois mà nội dung về Đồng bằng Bắc việt, nơi Mặc Đỗ từng có dịp thăm thú nhiều vùng và học hỏi về lịch sử địa lý, văn hoá cũng như dân tình lúc ấy. Ông phải bỏ lại cuốn này khi rời Sài gòn. Sau này, được một người bạn tặng một cuốn tái bản, ông bầy tỏ “tình cảm đối với đất với người.” Cuối bài, ông tái bút bằng quan niệm về sáng tác:

“Đọc bài này chắc có độc giả thắc mắc: đã chọn nghề viết lại liên hệ tình cảm nặng với một vùng đất tại sao không viết về vùng đó? […]Chưa viết nhưng tôi có ghi chép, [nhưng] sau nhiều lần đổi chỗ ở trong chiến tranh, tài liệu thất lạc hết. Mãi quá tuổi “bất hoặc” tôi mới viết. Tới thời đó, “đồng bằng Bắc Việt” rất cách xa, trong khi tôi chủ trương phải viết rất tươi. Vận dụng trí nhớ để viết, tôi thấy như cắm những bông hoa héo trong bình, không xứng với người và đất của vùng thân thương kia. Tôi vẫn nghĩ đó là một bất hạnh trong đời viết của tôi. Âu cũng do nghiệp quả.”
[Mặc Đỗ]

o 5 Đoạn thơ haiku và "Vấn đề hai- ngón- chân -cái tìm- nhau" bàn về vấn đề có nên tiếp tục giữ danh hiệu Giao Chỉ -- Khởi Hành Số 73, trang 12, Tháng 11. 2002.

o "Truyện không thể viết"-- Khởi Hành Số 74, trang 27-30, Tháng 12. 2002.

Tâm sự của tác giả về sự bất thành của ước muốn ghi lại một phần lịch sử bằng thể tiểu thuyết, nhưng hy vọng các thế hệ đi sau sẽ thực hiện được:
"[...] Người viết không cần vận dụng trí óc, những sự thật đau thương sẽ tự dựng lên nếu có người viết và người viết chịu tìm kiếm, đủ cường lực rung cảm trước sự thật. Trong khoảng thời gian bi thảm, mồ hôi, máu và nước mắt Việt Nam không tha một vùng đất nào không nhỏ xuống, người viết sẽ không để cho lãng quên khỏa lấp oan khuất. Mỗi nỗi lòng u uất đáng được một bông hoa chia sẻ, chia sẻ bao giờ cho hết được! Say sưa với viễn tượng một rừng truyện thuộc loại ao ước sẽ mọc lên, tồn tại dài lâu, tôi cũng không khỏi lo lắng những đồng nghiệp tương lai của tôi có đủ vô tư, thời gian có bao trùm lên sự thật? Tương lai của riêng tôi rất ngắn, có ao ước bao nhiêu cũng là suông! Tôi đã buồn chẳng viết nổi truyện cô bé Mỹ lai, nhưng tôi không buồn nữa khi mường tượng cánh rừng phong phú anh chị em khắp nơi trong nước ta sẽ gây lên. Tôi không viết được anh chị em viết giùm tôi."
[Mặc Đỗ, sđd]

Lời tự sự ấy được đăng vào tuyển tập Trưa trên đảo san hô [trang 219-230, 2011] với lời Chú thích: "Nhan đề của 'Truyện không thể viết' được dự định là THỜI-THẾ- THẾ."

Năm 2014, 'Truyện không thể viết" xuất hiện trong tuyển tập Truyện Ngắn, Quan Điểm xuất bản, Texas. Trong lời "Mào đầu" của tác phẩm này, ông có nhắc đến Khởi Hành như sau:

Truyện 'Cái áo len màu rêu' xuất hiện trên báo rồi biến mất trong trí nhớ của tôi, nguyên cớ giản dị là bao nhiêu quan tâm và bận bịu của một người mới đến đất lạ. Hơn hai mươi năm sau 'đứa con lạc' của tôi đột ngột tái xuất hiện khi một buổi sáng tôi vừa mở mấy trang đầu số Xuân nguyệt báo Khởi Hành đã ngạc nhiên đọc thấy bút hiệu của tôi đứng bên nhan đề truyện. Lục chồng báo Việt in trên đất Mỹ, chẳng hiểu lưu trữ tại đâu, ông chủ báo đã chọn truyện của tôi nhưng chưa kịp thông tin với tôi. Có một điểm đáng tiếc là tôi gặp lại chú bé sau khi đã ấn hành tập truyện ngắn thứ ba tại Mỹ, cho nên mãi tới nay 'Cái áo len mầu rêu' mới được in trong sách'." ...." [Mặc Đỗ, Truyện ngắn, trang 303-313, 2014, Hoa Kỳ]

o "Khai bút", Minh niên Nhâm Ngọ -- Khởi Hành Số 77, trang 16, Tháng 3. 2003.
Đã đến thời thôi đếm tuổi rồi/Ngồi bên bờ cỏ ngắm đời trôi/Cúi đầu cố học ngu không hết /Nghển cổ tầm sư lạc mất nòi/[...] Hành trình đến khúc bên kia dốc/Cõi tịnh Tây phương liệu có tôi."

o "Chết sướng" -- Khởi Hành Số 79, trang 27, Tháng 5. 2003. Trích dịch một đoạn trong di cảo La Mort Heureuse, Albert Camus

o "Yêu thương nhau"-- Khởi Hành Số 84, trang 12-14, Tháng 10. 2003.

Trích dịch một đoạn trong Fat Ollie's Book, Ed McBain- nhà văn chuyên viết loạt truyện trinh thám kỳ tình rất ăn khách-- liên quan đến nhóm cảnh sát tại Khu vực địa phương Vùng 87.

Đoạn này miêu tả sự liên hệ giữa một nàng bác sĩ/ Cảnh sát trưởng/ da màu và một chàng Thám tử /cấp Ba/ da trắng. Từ tình yêu đến nghề nghiệp, một cặp đôi khác màu da sẽ ứng xử ra sao? Mặc Đỗ giải thích tại sao ông chọn chương này để dịch: "Ý nghĩa của đoạn văn có thể tách ra ngoài nội dung truyện và đứng vững thành một truyện ngắn tự nó gợi được nhiều suy ngẫm của độc giả." Đây cũng là một bằng cớ cho thấy Mặc Đỗ không hề "quy ẩn". Ông chọn phiên dịch, chỉ trong một đoạn, về hai nan đề của con người. Một là vấn đề kỳ thị da màu trong một xã hội da trắng với tất cả những tabou của nó, kể cả tabou về tình dục trong xã hội Hoa kỳ nơi ông định cư sau 1975. Hai là một trong những bí ẩn của đời sống: tình yêu. Tôi xin mạn phép bạn đọc--vì bạn đọc cũng là đối tượng mà Ngô Thế Vinh hoàn toàn nhắm đến-- để trích một đoạn dài hầu cho thấy hai chữ "quy ẩn" áp đặt cho Mặc Đỗ quả sai lầm một cách bất công như thế nào. Sau nữa, cũng để cho thấy lý do khiến văn dịch Mặc Đỗ đứng vững được từ bao năm nay:

"[...] Quái lạ là chức vụ của Sharyn khiến cho Kling bối rối nhất. Sharyn còn nhớ lần đầu Kling gọi từ một trạm phôn ngoài trời, Kling đứng dưới mưa hỏi Sharyn có hứng đi ăn tối với Kling. Kling nghĩ có thể khác biệt vì chàng chỉ là thám tử cấp ba quèn còn nàng là Trưởng một sao. Chưa kể tới tóc chàng hung hay da nàng đen. Kling hỏi: 'Có được không?'/'Được sao?'/'Có được không vì khác biệt cấp bậc đó?'/'Không sao.'

Nhưng còn thứ khác thì sao? Sharyn tự hỏi thế. Thì sao khi trắng đen giết nhau ở giữa phố? Thì sao hở thám tử Kling?[...]Sharyn cho rằng nên đưa toạc vấn đề ra. Húc đầu vô. Hỏi chàng có nhìn ra ta đen. Nói cho chàng biết ta chưa có vụ như thế này bao giờ[...] Nàng hỏi: 'Tại sao anh muốn vậy?' Chàng đáp: 'Ồ, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy thú, cùng vui với nhau.'

Sharyn cho rằng khởi đầu đúng giây phút đó. Đó là một tinh thần không ăn nhằm đến chuyện gìn giữ hay bảo vệ quyền của hai người đi với nhau tại nơi chủng tộc bị phân cách như nước Mỹ này, không ăn nhằm tới chuyện người nam trắng và người nữ đen này bất ngờ tìm thấy nhau từ lâu trước khi khẩu hiệu 'Đoàn kết Ta vững' lại thành mốt. Tình thân của họ cũng không ăn nhằm tới chuyện chàng trắng và nàng đen, thật ra cả hai đều thấy sự khác biệt đó hấp dẫn ghê gớm. Cả hai cùng cho rằng trào khủng bố không kéo dài mãi, mọi cuộc chiến đều sớm muộn chấm dứt, và nước Mỹ vẫn cứ là nơi người đen và người trắng chẳng bao giờ thân nhau được, ngoại trừ ngay từ đầu họ quên rằng họ trắng hay đen[...] Có lần Kling hỏi:
-'Nghe nói với đàn ông đen lạ lắm thì phải?
Nàng hỏi lại:
-'Sao? Tự cảm thấy kém chăng?
-'Tò mò thôi.
-'Có nghe chuyện cười đó chưa?
-'Chuyện gì?'
-'Một chàng bị mất cu trong một tai nạn xe hơi, chàng tìm đến một bác sĩ mổ được khoe có thể ráp một cu mới.
-'Thế ha?

-'Anh chàng hỏi: "Hay quá, nhưng liệu tôi có thể biết trước nó thế nào không?" Bác sĩ đáp: "Sẽ cho coi vài con làm kiểu." Rồi vô phòng trong đưa ra một cu dài sáu in cho anh chàng xem. Hắn đáp: "À, nếu có được con khác, tôi ước ao..." Bác sĩ đưa cao hai cánh tay, nói: "Được," rồi trở vô trong đem ra con khác dài tám in. Anh chàng nói: "Thú thật tôi ao ước thứ có uy tín hơn." Bác sĩ lại vô trong đem ra một con dài 12 in. Anh chàng la: "Đúng rồi, nhưng nó có thể trắng được không?'
Kling phá lên cười [...]Tình thân vượt quá chuyện đen trắng. Tình thân căn cứ trên nhận định sống chung với một người khác đòi hỏi luôn luôn đỡ đần chăm sóc. Tình thân đòi hỏi hoàn toàn chân thật và tuyệt đối tin nhau. Tình thân có nghĩa là không bao giờ sợ lộ con người mình với một người khác, cho người khác rõ có thấy rõ cơ thể với mọi vết tích, không ngại bị cười hay chê...
[Mặc Đỗ, sđd]

o "Trên đường tu", tự sự, Khởi Hành Số 87-88, trang 17-20, Tháng giệng&2. 2004
[...] Mãi đến quãng 13, 14 tuối tôi mới từ ngu ngơ bước qua ngưỡng cửa tu tập[…] Cuộc hội ngộ không hẹn đã ảnh hưởng từ đó đến trọn đời tôi, lang y hiện ra và trở nên vị Thày duy nhất hướngdẫn tôi trên con đường theo Phật […] Tôi ngồi lắng nghe từng lời Thày giảng, những lời dùng thường, dễ hiểu, không giống từ ngữ trong cuốn sách tôi mới đọc. Tôi hiểu Phật chỉ là người như mọi người, nhờ công khó chiêm nghiệm Phật nhận thấy chính thân xác của mỗi người trói buộc con người vào những khổ đau phiền lụy, gỡ được những trói buộc đời sống sẽ yên vui[…] Tôi vỡ ra tại sao ta lại phải chống lại với chính ta. Và tôi cũng hiểu chính ta có thể buông thả nuông chiều thân xác ta. Đứng lên cố gắng bước theo gót chân Phật hay nhắm mắt ngồi yên đó[…] Vâng lời Thày, trên con đường theo gót Phật, tôi chỉ xin đi từ A đến B, kiếp sau cố gắng hơn có thể tôi sẽ tới C, D, E hay F không chừng, nhưng nhất định không bao giờ dám nghĩ sẽ đi đến được Z; đi xa quá tôi không phải mặt; vả lại cứ tà tà vừa đi vừa viết thú lắm chứ. Viết lương thiện để mãi mãi là con Phật [...]

o Văn học Miền Nam, Tờ Tự Do, Nhóm Quan Điểm và Văn học Hải ngoại", Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc -- Khởi Hành Số 98, trang 12-17, Tháng 12. 2004.

Đây là một trong những văn bản quan trọng nhất của Văn học Miền Nam & Hải ngoại. Trong bài phỏng vấn này, Mặc Đỗ trả lời về hoàn cảnh ra đời và đóng cửa của nhật báo Tự Do, ông và nghề văn, hoạt động của nhóm Quan Điểm, thái độ chính trị vv.



http://pp2.s3.amazonaws.com/f7f03c33f1d34fb0/e070d0e211a24d9dade8b94e41d2468d.jpg



Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành-tục bản,
Little Sài gòn, Westminster, California

o "Chú họa mi và bông hồng thắm", [Đã in trên tạp chí Văn, Sài gòn] dịch Oscar Wilde-- Khởi Hành Số 99-100, trang 18-19, Tháng giêng&2. 2005.

o "Đĩa đậu luộc", Bichr Farès và "Vòng tròn tuyệt hảo", Al-Qalyoubi- truyện ngắn Hồi giáo

Hai truyện này được đăng lại từ tập Truyện ngắn Hồi giáo-Mười tác giả á rập từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XX, Tạp chí Văn xuất bản, Sài gòn, trang 65-71 và trang 44-48. Đăng lại trên Khởi Hành Số 101, trang 23-27, Tháng 3. 2005.

Mặc Đỗ, theo thông lệ khi phiên dịch một tác phẩm, luôn có lời tựa trình bày cho độc giả về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội của tác giả cũng như tác phẩm:

"Thế giới Á rập gồm một khu vực khá rộng, từ vùng nằm giữa hai đại lục Âu và Á, mà người da trắng thường gọi là Ðông Phương, cho tới Ðịa Trung Hải, chiếm trọn vẹn miền Bắc Phi Châu; ảnh hưởng árập còn tràn lan cả tới vùng Âu châu la tinh. Trong một tập thể nhân loại đông đảo như vậy dĩ nhiên có những dị biệt chính trị, nhưng giữa những người Árập có một thứ keo sơn không dời đổi, đó là tín ngưỡng. Hồi giáo bao trùm thế giới Árập như ngọn đèn duy nhất soi sáng một căn phòng, trọn vẹn đời sống Árập đằm trong ánh sáng Hồi Giáo. Tựa đề chung của tập báo đặc biệt này được chọn là “Truyện ngắn Hồi Giáo” ngụ ý nhấn vào tính cách không thể tách rời giữa tín ngưỡng và mọi hình thái của đời sống trong thế giới Árập, trong đó có văn chương, một bộ môn của sinh hoạt văn hóa..."
[Mặc Đỗ, Dịch và Giới thiệu, "Tựa", sđd]

o "Về Nam", Kịch, Đã đăng trên Phổ Thông & Đăng lại trên Khởi Hành Số 122, trang 16-20, Tháng 12. 2006

o "Văn mình vợ người? " bàn về tư cách nhà văn và đề nghị thay một chữ thành "Văn mình văn người"-- Khởi Hành Số 125, trang 6-7, Tháng 3. 2007. Cũng trong số này, tôi đề nghị cũng thay một chữ nhưng thành "Văn mình vợ mình".

o "Vai trò người cầm bút trước tình thế đất nước -- Trả lời phỏng vấn tạp chí Thời Tập, số tháng 4. 1975 cùng 8 nhà văn khác"- Đăng lại trên Khởi Hành Số 126, trang 16, Tháng 4. 2007.

o "Làm thơ Haiku"-- Khởi Hành Số 127, trang 28-29, Tháng 5. 2007.
Một hướng sáng tác mới: làm thơ haiku. Cho tới nay ông đã làm hàng ngàn bài. Thí dụ một bài: Đất hương hỏa khôn giữ/ Tưởng lập công đào bới ngàn xưa/Đào lên càng dễ bán. Một số khác đăng trên Khởi Hành Số 138, trang 18, Tháng 4. 2008

o "Từ Thơ qua Thơ/-Nhân đọc bản dịch bài thơ Sonnet d'Arvers của Khái Hưng, bàn về việc dịch Thơ/ Bản dịch xuôi theo sát nguyên văn" -- Khởi Hành Số 133, trang 29, Tháng 11. 2007

o "Một phát biểu về người nữ" [của Malcolm X], trích dịch cho Khởi Hành- Khởi Hành Số 147-148, trang 27, Tháng giêng&2. 2009
Mặc Đỗ viết lời "Lưu ý" cho đoạn trích dịch không quá mươi dòng này như sau: "Người trích dịch đoạn văn này cho Khởi Hành cần minh xác với quý vị độc giả nữ rằng hoàn toàn không đồng ý với Malcolm X và rất yêu phái nữ. Đọc thấy hay hay trong sách nên đưa lên báo để để cộng đồng lãm mà thôi..." Ông cũng chú thích rằng đoạn trên lấy ra từ một cuốn sách của Marc Dugain: "Marc Dugain dẫn trong 'La Malédiction d'Edgar', Gallimard, Paris 2008".

"Từ thời đại Adam và Eve, người nữ xúi bẩy người nam làm bậy, và con người được tạo nên để phục vụ trở thành tôi mọi của người nam. Người nữ sai khiến người nam bằng sex-appeal của mình, trang phục người nữ do người nam vẽ kiểu để phô hình thể người nữ, khi người nữ được phục sức từ đầu tới chân thì người nữ lại tự cổi trần truồng. Tôi đã sống rất nhiều kinh nghiệm cho thấy người nữ chỉ là những con người mưu sảo, giả trá và không đáng tin. Tôi đã thấy quá nhiều người nam tự phá sản, hay ít nhất cũng mất tự do hoặc hỏng cả đời vì tiếp xúc với người nữ...."

Malcolm X là một nhà hoạt động xã hội lừng danh người da đen gốc Hoa Kỳ. Ông bị bắn tử thương ngay khi diễn thuyết tại New York vào ngày 21.2.1965. Cuộc đời hoạt động của ông bắt đầu từ những ý tưởng có khi quá khích như đoạn trên, được dẫn trong hầu như tất cả các sách viết về tiểu sử Malcolm X, rồi thay đổi bằng một cuộc hành hương tại Mecca khi ông nhận ra mọi tôn giáo--ông vốn theo Hồi giáo-- và mọi dân tộc đều có thể yêu thương nhau như anh em hầu nhắm tới một thế giới hạnh phúc hơn.

o "Bánh xe lịch sử quay không ngừng" -- Khởi Hành Số 162, trang 9-10, Tháng 4. 2010
"Nhìn ngược lại lịch sử nhân loại, cho tới nay chưa có một sáng kiến, một cố gắng nào xứng đáng là mũi tên chỉ nẻo hạnh phúc thực sự, vì sớm muộn học thuyết nào xem ra tốt đẹp nhất liền bị chính trị nắm lấy dùng làm lợi khí[...]Những người tuổi trẻ tỏ ra không quan tâm mấy tới màu sắc chính trị. Vấn đề của tuổi trẻ ở khắp nơi là tìm đâu thấy ý nghĩa của sự hiện hữu của họ. Đã biết bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ ở nơi này hay nơi khác được kêu gọi hy sinh, nhưng rút cục tuổi trẻ vẫn không tìm thấy cái ý nghĩa đang tìm kiếm. Bấy lâu những người tả phái trên thế giới vẫn giành lấy chỗ đứng ở phía hướng về tiến bộ. Tiến bộ thật hay giả chính họ đã phải nhận thấy."
[Mặc Đỗ, sđd]

o "Giao thừa", thơ- Khởi Hành Số 159&160, trang 12, Tháng giêng&2, 2010

o "Những vấn đề văn hóa-Trả lời phỏng vấn tạp chí Khởi Hành cùng 7 nhà văn khác, Số 10, ngày 3. 7. 1969" - Đăng lại trên Khởi Hành-Bộ Mới, Hoa Kỳ, Số 186, trang 17-21, Tháng 4. 2007.
"Tôi nghĩ rằng những dân tộc là những lò tôi luyện nhận cùng một lúc nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau, cần chiếc lò tốt và những kỹ sư tài giỏi, chất thép đúc ra sẽ tốt. Chiếc lò của chúng ta xây cất từ bốn ngàn năm nay có chắc còn tốt không, những kỹ sư thay nhau trông nom chiếc lò đó có thật sự đủ khả năng hay không, đó là vấn đề chúng ta phải bình tĩnh mà nghiên cứu, không chút mặc cảm. Còn nói ra hay viết ra những lời to tát, nghe cho sướng tai, không có thực chất xây dựng, tôi e rằng vừa không bảo tồn được tinh hoa của dân tộc vừa không đổi mới được con người Việt Nam cho xứng với thế kỷ hiện tại..."
[Mặc Đỗ, sđd]

o "Tình thương trong ngoặc kép", truyện ngắn, đã in ở Miền Nam lần đầu trên tạp chí Văn, 1974 -- Đăng lại trên Khởi Hành Số 195-196, trang 28-32, Tháng giêng &2. 2013.

Và một vài bài bài thơ như: "Mừng Mặc Đỗ tới tuổi 90", Hà Thương Nhân xướng /"Gừi anh Hà Thượng Nhân"/ Mặc Đỗ, họa, "-- Khởi Hành Số 104, trang 11, Tháng 6. 2005 hay "Xin vui lòng" Hà Thương Nhân xướng / Mặc Đỗ, họa - Khởi Hành Số 113, trang 11, Tháng 3. 2006 vv...

(còn tiếp)