PDA

View Full Version : Tàu khu trục của Mỹ đến gần những đảo mới được xây dựng của Trung Quốc



duyanh
10-28-2015, 12:49 PM
Tàu khu trục của Mỹ đến gần những đảo mới được xây dựng của Trung Quốc


Một tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến đến gần sát những đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trong vùng biển tranh chấp trên biển Nam Trung Quốc (tên gọi quốc tế của Biển Đông), các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.


http://epochtimes-romania.com/news_images/2015/05/2015_05_27_1432641239369_rsz_crp.jpg
Tàu Trung Quốc gần rặng san hô Mischief (Đá Vành Khăn), quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. (US Navy)

Tàu khu trục với tên lửa dẫn hướng USS Lassen đã tiến vào trong khu vực 22 km (12 hải lý) giới hạn bao quanh các rạn san hô Subi và Mischief thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ Trung Quốc, theo BBC.

Một quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Mỹ đã nói với Reuters rằng sáng thứ Ba, tàu khu trục USS Lassen đã bắt đầu nhiệm vụ gần rạn san hô và đã lên kế hoạch tuần tiễu vài giờ trong khu vực.

Tàu khu trục Mỹ này được đi kèm với một máy bay do thám P-8A của Hải quân Mỹ và một máy bay giám sát P-3, theo một quan chức giấu tên cho biết.


Những chuyến tuần tiễu bổ sung có thể diễn ra trong vài tuần tới, quan chức này nói thêm.

Hoạt động của Mỹ tiến hành trong khuôn khổ chương trình Freedom of Navigation (tự do hàng hải) là một thách thức nghiêm trọng đối với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Các quan chức của Lầu Năm Góc đã phàn nàn tuần trước rằng Hải quân Mỹ không còn được phép đưa tàu đến hoặc điều máy bay quân sự tới cách ít nhất 22 km xung quanh các đảo đang tranh chấp của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ vẫn đang kiểm chứng hoạt động diễn ra hôm thứ Ba vừa qua của Mỹ. “Nếu đúng như vậy, Mỹ nên suy nghĩ nhiều hơn trước khi hành động một cách mù quáng, và không có lý do gì phải tạo thêm vấn đề”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết lãnh thổ của Biển Đông và Biển Hoa Đông, và một vài năm trước đây đã cố gắng áp đặt một vùng cấm bay xung quanh quần đảo Trường Sa, một việc làm mà ngay sau đó đã bị Mỹ vi phạm.

Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và rạn san hô Scarborough đang bị tranh chấp bởi nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, trong đó có Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Brunei, họ đã cố gắng để hình thành các liên minh quân sự với Mỹ sau khi Trung Quốc hung hăng hơn trong khu vực. Người ta tin rằng các vùng nước xung quanh đấy rất giàu tài nguyên.

Nhiều rạn san hô chìm dưới nước đã được Trung Quốc chuyển đổi thành các đảo trong một dự án nạo vét được bắt đầu vào cuối năm 2013.
Trung Quốc cho rằng hoạt động của mình là hợp pháp, và dù đã bị nêu ra bằng chứng trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hồi tháng trước, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước ông không có ý định quân sự hóa các đảo.
Washington coi việc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự là nhằm củng cố tuyên bố của họ về việc thu chiếm hầu hết khu vực – mà đây là một khu vực quan trọng đối với vận chuyển hàng hoá.

Chương trình Tự do hàng hải của Mỹ (Freedom of Navigation ) thách thức những tuyên bố thu chiếm phóng đại của phía Trung Quốc đối với những vùng biển và vùng trời của thế giới.

Trong năm 2013 và 2014, Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động trong khuôn khổ của chương trình này chống lại Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – mỗi nước này tuyên bố sở hữu một số vùng lãnh thổ ở Biển Đông.

Luật hàng hải quốc tế cho phép các nước tuyên bố chủ quyền trên một vùng diện tích kéo ra xa bờ đến 22 km xung quanh các hòn đảo tự nhiên, nhưng không cho phép các quốc gia làm như vậy đối với các đảo chìm đã được con người “tân trang” lại, chẳng hạn như các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng.

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết quân đội Mỹ sẽ hiện diện ở Biển Đông, cũng như ở các vùng biển quốc tế khác. “Đừng để bị lừa dối. Mỹ sẽ bay, sẽ ra khơi và sẽ hành động bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi đang làm trên khắp thế giới, và Biển Đông sẽ không phải là một ngoại lệ”.


Theo DKN