PDA

View Full Version : Quảng Cáo Sai Sự Thật và Gian Lận ...



khieman
10-02-2015, 02:00 PM
.

Quảng Cáo Sai Sự Thật và Gian Lận
Trong Việc Kinh Doanh Buôn Bán Sản Phẩm Dinh Dưỡng Bổ Sung Như Thuốc
Trong Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ


http://www.fda.gov/ucm/groups/fdagov-public/documents/image/ucm367034.png




Tiến sĩ Y Khoa Bệnh Học Nguyễn Thượng Vũ là một nhà khoa học y sinh hoá đã nhận được học vị cao nhất trong lĩnh vực y sinh (Tiến sĩ Bệnh Học, Miễn nhiễm học, Tế bào và Sinh Học phân tử) tại Đại học California ở Davis. Ông là một học giả đã xuất bản hơn 20 công bố khám phá khoa học trên các tạp chí y sinh học quốc tế hàng đầu như Cell, Journal of Clinical Investigation, và Journal of American Medical Association. Ông cũng là một trong các sáng lập viên của La Belle Cosmeceuticals, Inc., một công ty nghiên cứu về chăm sóc da và dược mỹ phẩm. Tiến sĩ Nguyễn Thượng Vũ và công ty La Belle Cosmeceuticals không kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Ông cũng là tác giả của một loạt các ấn phẩm bằng tiếng Việt về chủ đề của tế bào gốc và sự thật về các quảng cáo thương mãi sai sự thật và phi pháp về “thuốc tế bào gốc” và “liệu pháp tế bào gốc” đã được phổ biến vào cuối năm 2013. Ông cũng xuất hiện trong một số phỏng vấn về chủ đề này trên truyền hình và đài phát thanh địa phương ở vùng vịnh California như Quê Hương hoặc quốc gia và quốc tế như đài Á Châu Tự Do và SBTN tại Hoa Kỳ.

TÓM LƯỢC

Quảng cáo sai lạc thực phẩm chức năng hay dinh dưỡng bổ sung. Quảng cáo những thứ này như thuốc uống là phạm luật vì có tác động tiêu cực đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế quốc gia. Bệnh nhân bị những căn bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp hoặc giai đoạn sớm của ung thư, v.v…, cần được chăm sóc liên tục một cách đúng đắn bởi các chuyên gia y tế để kiểm soát căn bệnh hoặc để điều trị bệnh kịp thời. Điều này không những cứu được bệnh nhân mà còn giúp giảm phí tổn chữa trị. Ngược lại, chữa trị chậm trể vì tin tưởng các loại thuốc men quảng cáo thất thiệt và sai lạc sẽ đưa đến hệ quả nghiêm trọng cho tính mạng, sự tốn kém trong khi chạy chữa có thể lên gấp trăm lần.

Thí dụ khi xảy ra nạn dịch do nhiễm virus hay siêu vi, có nguy cơ chết người như HIV hay Ebola, để ngăn ngừa thì phải thận trọng tránh cho mình bị nhiễm khuẩn hơn là tin vào các loại thuốc dạo được quảng cáo sai lạc ngoài thị trường.

Thật không may, nhiều bệnh nhân đã tin vào quảng cáo gian dối thường xuyên gửi đến họ thông qua các phương tiện truyền thông mà quên đi việc theo đúng sự chăm sóc của các bác sĩ và nhân viên y tế thật sự. Bệnh nhân tin vào một số sản phẩm được các lang băm quảng cáo là thuốc nhưng thực sự không có dữ liệu khoa học nào hỗ trợ, cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ ‘thuốc “ đó được sự chấp thuận của cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

Theo định nghĩa của FDA, thuốc là những sản phẩm được quảng cáo có thể cung cấp hoạt động dược lý hoặc các ảnh hưởng trực tiếp khác trong việc chẩn đoán, chữa bệnh, làm giảm nhẹ, điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật. Luật pháp Hoa Kỳ qui định dược thảo (Herb) chỉ được coi như là chất dinh dưỡng bổ sung (dietary supplement) chứ không phải là thuốc (drug).

Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, tệ nạn quảng cáo phi luật pháp rất phổ biến, trong đó nhiều sản phẩm được đóng gói và dán nhãn là chất dinh dưỡng bổ sung nhưng lại được quảng cáo như thuốc bất kể đây là việc bị pháp luật ngăn cấm. Việc quảng cáo được lan truyền rộng rãi bởi nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí Việt ngữ. Vì chỉ dùng tiếng Việt nên tránh được sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật chỉ dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức.

Lý do mà các loại dinh dưỡng bổ sung, được quảng cáo như thuốc và có mức độ nguy hiểm hơn là các loại dinh dưỡng bổ sung bình thường, là bởi vì chúng hoàn toàn có tính cách thương mại nhưng thực tế lại tạo những tác dụng có tính kích thích trên người tiêu thụ. Một số tác dụng kích thích như gây buồn ngủ, kích thích sự ngon miệng, thèm ăn, giảm đau, người dùng cảm thấy phấn chấn tràn đầy năng lực v.v… Mặc dầu hoàn toàn không có bằng chứng khoa học nhằm chứng minh là các thành phần hoạt chất liệt kê trên bao bì của sản phẩm có thể tạo được các tác dụng đó. Ví dụ rõ ràng nhất là nhau thai cừu, hươu, nai, hoặc các loài vật khác được liệt kê như là thành phần hoạt chất trong các viên con nhộng được quảng cáo là thuốc có thể điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hoặc suy thận v.v…

Giải thích hữu lý một cách khoa học cho hiệu ứng kích thích bất ngờ tạo ra bởi các “thành phần hoạt chất” vô dụng được liệt kê chính là sự có mặt của các kích thích tố được bỏ vào nhưng không thấy ghi trên nhãn. Hậu chứng của các kích thích tố này đối với người tiêu thụ là sự tích tụ theo thời gian nên khó nhận điện được ngay. Chính vì thế các sản phẩm quảng cáo sai trái này được coi là nguy hiểm cho người tiêu dùng, đặc biệt những người đang có vấn đề về sức khoẻ như suy tim, cao huyết áp, tiểu đường v.v…

Thị trường cho những sản phẩm bất hợp pháp này không phải là nhỏ: Có hơn 1.7 triệu người Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong đó trên 1.6 triệu sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong nhà, đang là mục tiêu của những quảng cáo thương mại sai lạc. Tại California, Santa Clara County có 10% dân số là người Mỹ gốc Việt hay khoảng 140.000, cao thứ hai sau Orange County và Los Angeles với hơn 300.000. Số lượng lớn người Việt hiện đang làm nhiều dịch vụ khác nhau cho xã hội. Như vậy những lời truyền miệng vô tình đưa các quảng cáo lừa dối vào dòng chính. Người tiêu dùng Mỹ gốc Việt không biết họ đang bị lừa dối bởi những quảng cáo phi pháp. Thông qua vô số các cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng dịch vụ thuộc sở hữu của đồng hương Mỹ gốc Việt, cũng như các nhà phân phối trên mạng như Amazon và EBay, các sản phẩm này cũng được đưa vào các thị trường dòng chính.

Các sản phẩm này có an toàn không? Qui định tối thiểu của một sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là bao bì của nó phải ghi rõ nguồn gốc sản xuất cũng như nhà phân phối, và các thành phần thực sự chứa trong sản phẩm. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như cả tên của nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều không có thật vì không thể nào tìm được trong các dữ liệu của chính phủ? Nói một cách khác, công ty sản xuất và công ty phân phối đề trên bao bì đều là công ty ma.

Chuyện gì xảy ra khi sản phẩm tạo ra các tác dụng kích thích hoặc hiệu ứng y dược trên người tiêu dùng, trong khi các hiệu ứng đó không bao giờ được mô tả trong các tài liệu khoa học y tế cho các thành phần chứa trong sản phẩm được ghi trên bao bì. Đáng tiếc là vấn đề đã lan tràn rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Những sản phẩm trôi nỗi, không rõ nguồn gốc, được bày bán không chỉ bởi một vài thầy lang địa phương mà còn trong cả nước bởi các tổ chức qui mô.

Chất kích thích phi pháp bị bỏ vào sản phẩm dinh dưỡng bổ sung ở Mỹ đã được đề cập trước đây và được công bố trên một trong các tạp chí y sinh hóa hàng đầu như New England Journal of Medicine. Tác dụng lâu dài của các chất kích thích phi pháp có thể gây tác hại đến sức khỏe, cũng như làm những căn bệnh hiện có trở nên tệ hơn và có thể dẫn đến tử vong.

Quảng cáo láo và sự pha trộn bậy trong các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung đã xảy ra nhiều năm nay trong cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên ngày nay nó đã trở nên nghiêm trọng hơn, phổ biến và có quy mô lớn hơn, chứng tỏ sự kinh doanh bất hợp pháp này được tổ chức một cách qui mô và ăn sâu vào trong cộng đồng Việt ở California, đặc biệt tại Santa Clara County và Orange County, và được bảo vệ bởi một số luật sư và đôi khi cả các thành viên chính của các hội đoàn trong cộng đồng. Tuy nhiên không có dấu hiệu gì là luật pháp đã được thi hành để ngăn cản việc này do đó có thể gây ra những rủi ro không thể chấp nhận được cho người dân.

Trong khi pháp luật chưa thực thi một cách quyết liệt tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từ vấn đề này, nhiều học giả có trách nhiệm trong cộng đồng Việt đã cố gắng đưa vấn đề ra để nhắc nhở, giáo dục công chúng, hy vọng giúp cộng đồng thấu hiểu và tránh được những sự lường gạt đáng tiếc mà đôi khi một cách trực tiếp hay gián tiếp có thể tổn hại đến sức khoẻ. Đáng tiếc nổ lực của họ nhanh chóng bị dập tắt bởi sự quấy rối, đe dọa, khủng bố của gian thương làm ăn phi pháp.

Hậu quả là thị trường “thuốc” bất hợp pháp này vẫn tự do và ngang nhiên thâu lượm lợi nhuận rất lớn từ những người cả tin trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Điển hình, một hộp thuốc viên con nhộng thực chất là vô dụng nhưng được quảng cáo là “tế bào gốc” từ nhau thai cừu, được tuyên bố giả dối là có thể trị một số bệnh kinh niên hiểm nghèo, được bán với giá không hề rẻ là 120 dollars. Một chai thuốc con nhộng có chứa tinh bột rong biển Fucoidan được quảng cáo láo là ngăn ngừa và trị ung thư đang được bán với giá 400 dollars hoặc hơn ngoài thị trường. Một bình thuốc con nhộng có chứa axit humeric được quảng cáo láo là ngăn chặn virus cúm xuất huyết, HIV và Ebola được bán với giá 50 dollars.

Để tìm hiểu tại sao tệ nạn này có thể lan tràn rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, bài viết này mong trình bày tổng quan các điều luật trong luật pháp nước Mỹ về thuốc men và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, quảng cáo, và các ví dụ thực tế của các kinh doanh gian lận bằng cách sử dụng quảng cáo láo trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi trình bày vấn đề này trong một bối cảnh lớn hơn hiện nay về tệ nạn pha trộn bừa bãi trong các sản phẩm dược thảo tại Hoa Kỳ.

I. VẤN ĐỀ PHA TRỘN BỪA BÃI TRONG DƯỢC THẢO DINH DƯỠNG BỔ SUNG TẠI HOA KỲ

Sự pha chế bậy bạ trong các sản phẩm thảo dược dinh dưỡng bổ sung hiện nay là một vấn đề lớn ở Mỹ. Gần đây nhất, ngày 2 tháng 2 năm 2015, văn phòng Tổng Chưởng Lý tiểu bang New York Eric Schneiderman cáo buộc bốn công ty bán lẻ lớn đã bán thảo dược bổ sung lừa đảo và có khả năng gây nguy hiểm, yêu cầu họ loại bỏ các sản phẩm trên khỏi quầy hàng của họ. Các nhà chức trách cho biết đã tiến hành thử nghiệm những thương hiệu bán chạy nhất của thảo dược bổ sung tại bốn công ty – GNC, Target, Walgreens và Wal-Mart – và thấy rằng 80% tám mươi phần trăm các sản phẩm không thật sự chứa các loại dược thảo viết trên nhãn. Kết quả thử nghiệm cho thấy chất liệu chính chỉ là những chất độn rẻ tiền như bột gạo, măng tây và cỏ mà trong một số trường hợp các chất có thể gây nguy hiểm cho những người bị dị ứng.

Cuộc điều tra cũng cho thấy một vấn đề đương đại thực sự về chất lượng và mức độ an toàn của thực phẩm bổ sung, được miễn các quy định nghiêm ngặt áp dụng để kiểm soát thuốc tây. Ngày nay, khoảng một nửa số người Mỹ sử dụng thực phẩm bổ sung trong nhiều hình thức khác nhau. Năm 2014, doanh số bán hàng của tất cả các loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung tại Hoa Kỳ ước tính tổng cộng 36.7 tỉ dollars. Số tiền này bao gồm 14.3 tỉ dollars cho tất cả các chất dinh dưỡng bổ sung là vitamin và khoáng chất, 6 tỉ dollars cho thảo dược, và 16.4 tỉ cho tất cả các loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung khác bao gồm cả loại như nhau thai động vật, cordycep, và axit humic.

Trong khi có các điều luật có thể áp dụng để bắt các công ty sản xuất hoặc phân phối lớn và hợp pháp phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm gian lận họ bán, việc thực thi luật pháp trên các tổ chức bán các sản phẩm tương tự nhưng nguy hiểm (vì được quảng cáo là thuốc) trong cộng đồng Việt lại phức tạp hơn. Lý do là các nhà sản xuất trong nội địa Hoa Kỳ cho các sản phẩm này được ẩn danh. Còn tên của nhà sản xuất được ghi trên nhãn của sản phẩm lại là các công ty nước ngoài không có thật. Các “công ty” phân phối chẳng qua chỉ là loại công ty chỉ có trên giấy tờ và cơ sở chỉ là một văn phòng thuê có thể biến mất bất cứ lúc nào, hoặc không có tài sản do đó trên bề mặt tránh được sự quan tâm của các vụ kiện hàng loạt (Class Action Lawsuit). Dĩ nhiên sự thật này nằm ngoài sức tưởng tượng của đồng hương Việt tiêu thụ sản phẩm bởi vì họ đã tin tưởng các quảng cáo tuy thiếu thành thật nhưng rầm rộ và qui mô như vậy.

Trái lại với các “công ty” phân phối, các công ty sản xuất đứng phía sau và có trách nhiệm trên các loại sản phẩm được bán vào cộng đồng người Việt, lại có tầm mức lớn mà ta có thể nhận diện được bởi số lượng của sản phẩm mà họ đã sản xuất và bán qua rất nhiều nhà phân phối lẻ tẻ, có thể ước tính bằng tầm cỡ của đội ngũ tiếp thị chung quanh chủ nhân của công ty phân phối, số lượng các cửa hàng phân phối bán lẻ, và số lượng của các quảng cáo đặc biệt là trên truyền hình, là lối quảng cáo đắt tiền hơn và có ảnh hưởng nhất đến người tiêu dùng.

Nội dung các trang web của các công ty phân phối thường không thực sự đại diện cho tầm cỡ của công ty; và quảng cáo bằng tiếng Anh trên các trang web thường không thật sự phô trương như sự quảng cáo sai lạc bằng Việt ngữ trực tiếp đến mắt đến tai người tiêu dùng nói tiếng Việt qua radio hoặc TV. Khi quy mô của quảng cáo láo về thuốc men trở nên quá lớn và có tác động quá tiêu cực trên cộng đồng người Việt, một số các học giả trong cộng đồng người Việt đã cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng để cảnh báo đồng hương về sự gian lận. Những cảnh báo đó thường bị dập tắt ngay trong giai đoạn đầu vì bị bắt nạt, đe dọa, phỉ báng, chế diểu trên mạng xã hội, thậm chí bị đe dọa pháp lý bởi những kẻ lừa đảo.

Trong khi các tổ chức kinh doanh lớn và các công ty sản xuất các sản phẩm thuốc phi pháp đứng sau được giấu kín, họ có thể lạm dụng luật pháp để bức chế các học giả đã can đảm lên tiếng nói lên sự thật, bằng các vụ kiện phủ đầu hay là vụ kiện chiến lược chống lại sự tham gia của quần chúng (Strategic Lawsuit Anti Public Participation, SLAPP). Người đứng kiện thường là chủ nhân của các công ty phân phối lẻ tẻ và đứng đơn với tư cách cá nhân, và thông thường nhất là họ vu khống bị đơn tội phỉ báng và mạ li (defamation) và cạnh tranh thương mãi bất chính nếu như bị đơn cũng có kinh doanh thương mãi.

Vì gánh nặng tài chính, hầu hết các học giả im lặng sau khi bị đe dọa hoặc bị kiện bởi các luật sư của bọn gian thương. Trong các trường hợp cương quyết chống lại các vụ kiện phi lý này dựa trên luật pháp, bọn gian thương có thể dùng tay sai thâm nhập để phá rối nổ lực kiện ngược. Vì vậy, miễn là pháp luật không thực thi được, các nhà sản xuất và phân phối có thể mặc sức tung hoành buôn bán sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được quảng cáo một cách phi pháp là thuốc cho chính đồng hương trong cộng đồng Việt.

II. PHÁP LUẬT CỦA HOA KỲ VỀ SẢN PHẨM DINH DƯỠNG BỔ SUNG VÀ THUỐC, VÀ LUẬT PHÁP VỀ QUẢNG CÁO.

Có rất nhiều luật lệ và quy định về thuốc (drug) và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (dietary supplement) trong luật pháp Hoa Kỳ. Sau đây chỉ là một vài điều khoảng có thể chỉ điểm rõ ràng các vi phạm luật pháp trong các quảng cáo bất hợp pháp và các kinh doanh gian lận bán sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như thuốc trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Vấn đề tập trung vào quảng cáo và ghi nhãn của sản phẩm.

Theo luật Mỹ, “ghi nhãn” của một sản phẩm bao gồm nhãn hiệu dán trên bao bì cũng như tất cả các tài liệu quảng cáo đi kèm mà không nhất thiết phải dính liền với các sản phẩm, được sử dụng bởi một nhà sản xuất để quảng cáo và tiếp thị vào thị trường một sản phẩm. Trong sử luật “Kordel kiện Chính phủ Hoa Kỳ (335 US 345 (1948)”, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán luật định “ghi nhãn” được định nghĩa một cách rộng rãi, cho phép FDA có quyền ban hành một quy định xác định từ “ghi nhãn” bao gồm các tài liệu quảng cáo, sách báo, hình ảnh, phim ảnh, bản ghi âm, triển lãm, văn bản, ấn phẩm, âm thanh, hoặc trực quan mô tả của một loại thuốc, v.v… được phổ biến bởi chính nhà sản xuất hoặc đại diện cho nhà sản xuất, đóng gói, hoặc nhà phân phối. Do đó các thông tin mô tả một sản phẩm trong một show quảng cáo trên truyền hình thương mại hoặc đài phát thanh và các phương tiện khác, theo luật Mỹ, được coi như là “ghi nhãn” của sản phẩm đó.

Theo luật liên bang, CFR – Title 21, sản phẩm thuốc (drug) là một dạng sản phẩm đã được hoàn thành bào chế, ví dụ thuốc viên nén, thuốc con nhộng, thuốc nước v.v…, có chứa một thành phần hoạt chất thuốc nói chung. Hoạt chất có nghĩa là bất kỳ thành phần được chủ ý trong “ghi nhãn” là dùng để cung cấp hoạt động dược lý, hoặc hoạt động khác có hiệu quả trực tiếp trong việc chẩn đoán, chữa bệnh, làm thuyên giảm bệnh, điều trị hoặc phòng ngừa bệnh. Không giống như sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, thuốc phải được sự chấp thuận của FDA trước khi tiếp thị.

Ngược lại, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (dietary supplement) được xác định như là thực phẩm bổ sung có chứa một “thành phần dinh dưỡng” nhằm tăng thêm giá trị dinh dưỡng hơn nữa để bổ sung chế độ ăn uống. Một “thành phần dinh dưỡng” có thể là một, hoặc bất kỳ sự kết hợp, các vitamin, khoáng chất, một loại dược thảo hoặc thực vật khác, một loại axit amin, một chất dinh dưỡng dùng cho người để bổ sung chế độ ăn uống bằng cách tăng thêm tổng số chất dinh dưỡng, một chất cô đặc của chất dinh dưỡng, chất chuyển hóa, chất thành phần, hoặc chất chiết xuất.

Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung có thể được tìm thấy trong nhiều hình thức như: viên nén, viên con nhộng, gel mềm, chất lỏng hoặc bột. Một số sản phẩm bổ sung có thể giúp chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, hoặc có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp giảm bệnh này chỉ giới hạn trong các bệnh gây ra bởi thiếu dinh dưỡng, thí dụ như bệnh scurvy gây ra bởi thiếu vitamin C.

Luật liên bang của Hoa Kỳ, 21 U.S.C. 343 (r) (6) buộc các nhà sản xuất dinh dưỡng bổ sung đã ghi nhãn rằng sản phẩm bồi bổ cho sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, bồi bổ cấu trúc hoặc chức năng cho các cơ phận trong cơ thể, bồi bổ sức khỏe nói chung phải có sự chứng minh và ghi nhãn phải trung thực mà không được gây hiểu lầm. Các công ty có thể ghi nhãn với những tuyên bố đó nếu họ có các bằng chứng nghiên cứu khoa học hỗ trợ và phải thêm vào trên nhãn một cáo thị rằng “Tuyên bố chưa được FDA đánh giá”.

Bằng chứng nghiên cứu khoa học có nghĩa là phải có các công bố khoa học đã được công nhận đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học được công nhận bới các hội đồng khoa học. Vào tháng Giêng năm 2014 tại toà án liên bang Bắc California, Cơ quan bảo vệ người tiêu thụ của liên bang, Ủy ban Thương Mại Liên Bang (FTC), đã thắng bốn vụ kiện các nhà tiếp thị các sản phẩm giảm cân lừa đảo: Sensa Products, L’Occitane Inc., HCG Diet Direct, and LeanSpa. Tất cả bốn công ty bị cấm đưa ra những tuyên bố thuốc giảm cân và thực phẩm bổ sung hay thực phẩm làm giảm cân trừ khi họ có hai thí nghiệm lâm sàng trên con người mà được kiểm soát đầy đủ. FTC cũng đã gửi một lá thư cho các nhà xuất bản và các đài truyền hình để giúp họ sử dụng các hướng dẫn, gạn lọc ra các quảng cáo thuốc lừa đảo, đồng thời khuyến khích họ đào tạo nhân viên các tài liệu hướng dẫn cập nhật về cách phát hiện các quảng cáo láo phi pháp, vì theo luật pháp thì các cơ sở quảng cáo như báo chí, đài truyền thanh hoặc truyền hình cũng phải chịu trách nhiệm liên đới với các quảng cáo phi pháp.

Sự kiện này nhắc nhở các nhà tiếp thị các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung các điểm sau:
1) – Họ phải có sự chứng minh khoa học đầy đủ trong trữ liệu của họ trước khi đưa ra tuyên bố về tác dụng của sản phẩm.
2) – “Sự chứng minh khoa học đầy đủ” về sức khỏe có thể có nghĩa là hai thí nghiệm lâm sàng, được kiểm soát với sản phẩm và giả dược, nghiên cứu trên người không biết là đang được dùng sản phẩm hay giả dược nhằm so sánh, để đem tới kết quả đáng kể về mặt thống kê. Theo định nghĩa, thí nghiệm lâm sàng là thí nghiệm được chấp thuận bởi hội đồng giám định, Institutional Committee của các học viện và dẫn tới công bố y học trên các tạp chí y sinh hóa được công nhận.
3) – Việc xem xét và phê duyệt các tài liệu quảng cáo và ghi nhãn phải là một quá trình tiêu chuẩn hóa chính thức.
Và 4) – Các nhân viên ở tất cả các cấp, các đại lý tham gia vào tiếp thị của công ty cần phải biết về luật và được chỉ đạo về tầm quan trọng của những nguyên tắc này.

Các nhà sản xuất và tiếp thị các chất dinh dưỡng bổ sung nhắm vào một cộng đồng đặc biệt riêng biệt với các sản phẩm của họ phải thận trọng trong việc bảo đảm rằng các tuyên bố về công dụng của sản phẩm phải được hỗ trợ với các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, nhất là trong việc kích thị sản phẩm của mình thông qua các phương tiện truyền thông có uy tín, đặc biệt khi chính các phương tiện truyền thông là cơ sở tiếp thị các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung.

Cơ quan FTC và toà án tiếp tục báo hiệu các nhà tiếp thị phải theo các tiêu chuẩn này khi quảng cáo các sản phẩm về sức khỏe, đòi hỏi phải có thí nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, với kết quả trung thực để truyền thông tin tức một cách đúng đắn đến người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn của bằng chứng khoa học có thẩm quyền và đáng tin cậy đã được xác định bởi cơ quan FTC qua các sử luật là “kiểm tra, phân tích, nghiên cứu, hoặc các bằng chứng khác dựa trên chuyên môn của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan, đã được tiến hành và đánh giá một cách khách quan bởi các chuyên gia có đủ thẩm quyền, và sử dụng các phương pháp được chấp nhận chung trong lĩnh vực chuyên môn để mang lại kết quả chính xác và đáng tin cậy (“xem luật sử, e.g. Vital Basics, Inc., C-4107 (Consent April 26, 2004); Re Schering Corp., 118 F.T.C. 1030, 1123 (1994)). Các bằng chứng khoa học nói chung được chấp nhận là những công bố đã được xem xét và đánh giá bởi các ban giám khảo khoa học và chấp thuận cho đăng tải trên các tạp chí khoa học y sinh hóa chuyên nghiệp. Lưu trữ của các tài liệu này có thể được tìm kiếm từ Thư viện Y Khoa Quốc Gia của Hoa Kỳ (PubMed).

Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung không được quảng cáo như là thuốc cho các căn bệnh. Theo điều luật 21 U.S.C. 343(r)(6), một “căn bệnh” (disease) được định nghĩa là hư hại cho một cơ quan, một phần, cấu trúc, hoặc hệ thống của cơ thể và do đó làm cho cơ thể không hoạt động được tốt (ví dụ như bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận, bệnh gút, viêm khớp, bệnh vẩy nến, v.v…), hoặc một tình trạng sức khỏe dẫn đến các hoạt động bất thường đó (ví dụ, tăng hoặc gảm huyết áp); ngoại trừ các bệnh do thiếu dinh dưỡng cần thiết, ví dụ, bệnh scurvy (thiếu vitamin C) hoặc bịnh pellagra (do thiếu acid nicotinic hoặc chất acid amin tryptophan trong chế độ ăn uống được cơ thể chuyển hóa thành acid nicotinic) thì không được bao gồm trong định nghĩa này.

Theo điều luật 21 U.S.C. 343(r)(2), FDA sẽ nhận định một sản phẩm tuyên bố trong “ghi nhãn” để chẩn đoán, giảm nhẹ, điều trị, chữa bệnh, hoặc ngăn chặn bệnh (khác hơn là một bệnh thiếu dinh dưỡng) dưới điều luật 21 USC 343(r)(6) là thuốc (drug) nếu nó hội đủ một hoặc nhiều tiêu chí được liệt kê dưới đây:

Một tuyên bố khẳng định để chẩn đoán, giảm nhẹ, điều trị, chữa bệnh, hoặc ngăn chặn bệnh nếu nó tuyên bố một cách rõ ràng hoặc ngầm tuyên bố là sản phẩm:

(i) Có ảnh hưởng đến một căn bệnh cụ thể (thí dụ, ung thư gan) hoặc một loại bệnh (thí dụ, ung thư);

(ii) sử dụng thuật ngữ khoa học y sinh hóa hay ngôn ngữ bình dân để tuyên bố sản phẩm có hiệu quả trên các dấu hiệu đặc trưng hoặc các triệu chứng đặc trưng của một căn bệnh cụ thể hoặc một loại bệnh (thí dụ, đau nhức vì bệnh thấp khớp, lượng đường trong máu bị cao do bệnh tiểu đường; tăng các loại chất điển hình do thận suy hoặc suy gan v.v…);

(iii) Có hiệu quả đến một tình trạng bất thường liên quan đến một trạng thái tự nhiên của cơ thể, nếu các tình trạng bất thường không phải thông thường hoặc có thể gây ra thiệt hại hư hại đáng kể hoặc vĩnh viễn cho cơ thể (thí dụ bệnh cao huyết áp trong người lớn tuổi);

(iv) Có hiệu quả trên một căn bệnh hoặc các căn bệnh thông qua một hoặc nhiều trong các phương cách sau: (a) Sử dụng các thuật ngữ “bệnh” hay “bị bệnh”, ngoại trừ trong các công bố chung chung về phòng chống bệnh mà không đề cập rõ ràng hoặc ngầm về một căn bệnh hoặc loại bệnh cụ thể, hoặc do một sản phẩm hoặc thành phần cụ thể tạo hiệu quả đó (thí dụ “humeric acid phòng chống nhiểm vi khuẩn Ebola và bệng cúm”, thay vì “thuốc bổ ngừa bệnh”); hoặc (b) Sử dụng hình ảnh, minh họa, biểu tượng, hoặc các phương tiện khác gợi ý người tiêu dùng sản phẩm có hiệu quả.

(v) Hổ trợ cho một phương pháp trị liệu hoặc thuốc chủ ý được dùng để chẩn đoán, giảm nhẹ, điều trị, chữa bệnh, hoặc ngăn chặn một căn bệnh hoặc loại bệnh (thí dụ; làm tăng hiệu quả của hóa trị và xạ trị ung thư).

(vi) Có một vai trò trong phản ứng của cơ thể chống lại một bệnh hoặc một nguyên căn của bệnh (thí dụ, tăng hệ miễn nhiểm để chống sự thâm nhập và lan tràn của vi khuẩn, làm các tế bào ung thư chết dần v.v…),

(vii) Trị, ngăn ngừa, hoặc giảm nhẹ các tác dụng phụ liên quan đến một điều trị cho một bệnh, nếu các tác dụng phụ tạo thành bệnh (thí dụ; làm giảm phản ứng phụ của hóa trị và xạ trị ung thư);

Sản phẩm được bán như là một sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (dietary supplement) và được quảng bá trên nhãn hoặc dán nhãn như một sản phẩm để điều trị, phòng ngừa hoặc chữa bệnh cho một căn bệnh cụ thể hoặc tình trạng bệnh sẽ được coi là một loại thuốc không được chấp thuận, và do đó bất hợp pháp. Để duy trì tính pháp lý của sản phẩm như là một sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, các nhãn và ghi nhãn phải phù hợp với các quy định của Đạo luật liên bang Dinh Dưỡng Bổ Sung và Giáo dục Y tế (DSHEA) năm 1994.

Công bố về sản phẩm trên ghi nhãn phải tuân thủ theo luật 21 U.S.C. 343 (r) (6) và bị coi như phi luật pháp nếu lừa dối với tin tức không có chứng minh. Các tin tức lừa dối và vi phạm luật 21 USC 343 (r) (6) không thể được bào chữa bởi một câu cáo thị nói rằng công bố thiếu hỗ trợ (xem luật sử Central Hudson Gas & Electric Corp. v. Public Service Commission of New York, 447 U.S. 557 (1980)). Tương tự như vậy, bản chất lừa dối của sản phẩm dinh dưỡng bổ sung với tin tức không có chứng minh và quảng cáo như một loại thuốc không thể được bào chữa bởi một câu cáo thị nói rằng sản phẩm chỉ dành cho mục đích thực phẩm chức năng.

Việc sử dụng các lời giới thiệu để thừa nhận (endorsements) trong quảng cáo và lời chứng thực (testimony) trong quảng cáo được quy định theo điều luật 16 CFR CFR § 255.0. Theo 16 CFR § 255.0 (b) và (e), lời giới thiệu để thừa nhận có nghĩa là bất kỳ thông điệp quảng cáo (kể cả báo cáo bằng lời nói, trưng bày thuyết minh, hoặc miêu tả của tên, chữ ký, chân dung hoặc các đặc điểm khác của cá nhân, hoặc tên hoặc dấu hiệu của một tổ chức) mà làm người tiêu dùng có nhiều khả năng tin rằng đã phản ánh những ý kiến, niềm tin, các khám phá hoặc phát hiện, hoặc kinh nghiệm của nhân chứng khác hơn là các nhà tài trợ quảng cáo, ngay cả khi các quan điểm đó là giống hệt với quan điểm của các nhà tài trợ quảng cáo. Người giới thiệu để thừa nhận sản phẩm quảng cáo thể là một chuyên gia, một cá nhân, nhóm, hoặc tổ chức.

Một chuyên gia là một cá nhân, nhóm, hoặc tổ chức, với kiến thức chuyên môn là kết quả của kinh nghiệm, học tập, hay được đào tạo với kiến thức về một vấn đề cụ thể vượt trội so với những người bình thường nói chung có được.

Theo điều luật 16 CFR § 255.1(a), các lời giới thiệu để thừa nhận sản phẩm phải phản ánh trung thực những ý kiến, niềm tin, các khám phá hoặc phát hiện, hoặc kinh nghiệm của người chứng thực. Hơn nữa, một sự chứng thực không được chuyển tải bất kỳ thông tin có tính lừa dối, nhất là được thực hiện trực tiếp bởi các nhà quảng cáo. Các nhà quảng cáo phải chịu trách nhiệm đối với các quảng cáo sai lạc hoặc vô căn cứ được thực hiện thông qua hợp đồng quảng cáo, hoặc do không tiết lộ các liên hệ giữa họ và người chứng thực cho họ. Người chứng thực cũng phải chịu trách nhiệm đối với các quảng cáo được thực hiện trong quá trình giới thiệu để thừa nhận sản phẩm được quảng cáo của họ.

Đối với quảng cáo bởi chứng nhân là người tiêu dùng, điều luật 16 CFR §255.2 (a) được áp dụng. Một quảng cáo sử dụng lời xác nhận do một hoặc nhiều người tiêu dùng về hiệu suất của một sản phẩm hoặc dịch vụ như là nhân chứng đã sử dụng sản phẩm thì sẽ được hiểu như là lời quảng cáo cho các sản phẩm hoặc dịch vụ là có hiệu quả cho mục đích mô tả trong quảng cáo. Vì vậy, các nhà quảng cáo phải có và phải dựa vào sự chứng minh đầy đủ, bao gồm cả bằng chứng khoa học thích hợp, có thẩm quyền và đáng tin cậy, để hỗ trợ các tuyên bố của nhân chứng trong quảng cáo, cùng một cách thức mà các nhà quảng cáo phải làm trực tiếp mà không sử dụng người chứng nhân. Còn bản thân chứng nhân người tiêu dùng xác nhận hiệu quả của sản phẩm trên họ thì không phải là bằng chứng khoa học có thẩm quyền và đáng tin cậy.

III. PHÁP LUẬT HOA KỲ ĐỐI VỚI NHÀ SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI SẢN PHẨM DINH DƯỠNG BỔ SUNG.

Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được quy định bởi các điều luật của FDA. Những quy định này đảm bảo rằng sản phẩm dinh dưỡng bổ sung đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhất định và do đó FDA có thể can thiệp để loại bỏ các sản phẩm nguy hiểm từ thị trường.

Các quy định này tuy nhiên không đảm bảo rằng sản phẩm dinh dưỡng bổ sung an toàn cho bất cứ ai sử dụng. Bởi vì nhiều chất dinh dưỡng bổ sung chứa các thành phần hoạt chất có hiệu ứng mạnh mẽ trên cơ thể. Các sản phẩm này có thể gây ra những rủi ro bất ngờ. Ví dụ, lấy một sự kết hợp của các chất dinh dưỡng bổ sung cùng với các thuốc tây có thể dẫn đến các hệ quả có hại thậm chí đe dọa tính mạng.

FDA bắt buộc các thông tin như tên của các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, và một danh sách đầy đủ của các thành phần được liệt kê, phải được đưa vào nhãn của sản phẩm.

Mục 413 (d) của Đạo luật FD & C, 21 U.S.C. 350B (d) bắt buộc các nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm dinh dưỡng bổ sung có chứa “thành phần dinh dưỡng bổ sung mới” phải thông báo cho FDA về những thành phần này. Nói chung, các thông báo phải bao gồm các thông tin căn bản làm cơ sở để các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối đã kết luận rằng chất dinh dưỡng bổ sung mới sẽ an toàn khi được dùng như hướng dẫn trên ghi nhãn.

Một “thành phần dinh dưỡng mới” theo định nghĩa là “thành phần dinh dưỡng” không được bán ở Mỹ trong sản phẩm dinh dưỡng bổ sung trước ngày 15 tháng 10, năm 1994. Thành phần dinh dưỡng bổ sung mới hoặc các chất bất hợp pháp có thể được nhận diện bằng cách so sánh với các thành phần dinh dưỡng bổ sung đã có trong Cơ sở dữ liệu thành phần dinh dưỡng bổ sung đã có sẵn trên trang web của Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ. Ví dụ, chất axit humeric, tế bào gốc, và chiết xuất nhau thai không có trong danh sách. Riêng nhau thai cừu thì không được phép sử dụng trong thực phẩm bổ sung vì nó có chứa hormone prostaglandin.

Luật pháp cho phép người tiêu dùng có quyền được biết danh tính thực sự và nơi chốn của các nhà sản xuất và nhà phân phối của sản phẩm mà họ tiêu thụ. Sau sự kiện khủng bố 911, ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhằm tăng cường sự cần thiết phải tăng cường an ninh của các nguồn cung cấp thực phẩm Hoa Kỳ, năm 2002 quốc hội đã chấp thuận đạo luật An Toàn Sức Khoẻ Công Chúng và Chuẩn Bị Sẵn Sàng và Ứng Phó Chống Khủng Bố Bằng Sinh Hóa “the Bioterrorism Act“). Đạo luật được áp dụng cho tất cả các cơ sở thực phẩm và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung theo quy định của FDA, bắt buộc tất cả các chủ sở hữu, điều hành, hoặc đại lý phụ trách một cơ sở trong nước hoặc nước ngoài phải đăng ký với FDA.

Theo điều luật 21 CFR§101.93(a)(1), không quá 30 ngày sau khi tiếp thị đầu tiên của một sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, các nhà sản xuất, đóng gói, hoặc nhà phân phối của sản phẩm phải thông báo cho Văn Phòng Sản Phẩm Dinh Dưỡng, Ghi Nhãn Mác và Sản Phẩm Dinh Dưỡng Bổ Sung (HFS-810), Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm và Ứng Dụng Dinh Dưỡng, thực phẩm và FDA. Thông báo phải có tên và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói, hoặc nhà phân phối của các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung.

Rõ ràng là tất cả các luật pháp trên chỉ có ý nghĩa nếu các sản phẩm được sản xuất và phân phối bởi công ty hợp pháp, không phải là một công ty ẩn danh. Do đó một khi tên của nhà sản xuất hoặc phân phối được liệt kê trên nhãn của sản phẩm, người tiêu dùng tin rằng danh tính của nhà sản xuất hoặc đại lý được liệt kê là hợp pháp và được biết đến bởi FDA. Vì vậy, một sản phẩm dinh dưỡng bổ sung đã tung ra thị trường hơn cả năm trong cộng đồng Việt mà tên của nhà sản xuất và phân phối đều không có thật và không không được nhận diện bởi FDA hay bất cứ một trữ liệu nào của chính phủ thì đó là kinh doanh lường gạt và phi pháp; do đó ngay lập tức cảnh báo cho người tiêu dùng của các hoạt động kinhg doanh phi pháp cần phải báo cáo cho chính quyền.

IV. PHÁP LUẬT HOA KỲ VỀ VẤN ĐỀ QUẢNG CÁO LÁO (FALSE ADVERTISEMENT).

Quảng cáo được quy định bởi Ủy Ban Thương Mại Liên bang (FTC), một cơ quan hành chính Hoa Kỳ để ngăn cấm các hành vi hoặc hoạt động thương mại không công bằng và lừa đảo, và giúp cho phép tư nhân kiện tụng thông qua các đạo luật khác nhau, đáng kể nhất là Đạo luật Lanham. Chính quyền tiểu bang cũng có một loạt các đạo luật cho vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo sai lệch, quy định ghi nhãn hiệu, và các vấn đề liên quan. Tại California, là đạo luật về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, luật về kinh doanh và Nghề Nghiệp “Unfair Competition Law, Business and Professions Code §§ 17200 et seq”.

Theo điều luật 15 US Code § 52 về phổ biến quảng cáo sai sự thật, phổ biến quảng cáo sai sự thật là bất hợp pháp cho bất kỳ cá nhân, quan hệ đối tác, hoặc công ty để phổ biến hoặc thể cho phổ biến, bất kỳ quảng cáo sai bởi bất kỳ phương tiện gì, với mục đích lôi kéo, hoặc là có khả năng gây ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, việc mua vào hoặc có tác dụng thương mại thực phẩm, thuốc, hoặc sản phẩm dinh dưỡng bổ sung.

Theo định nghĩa của điều luật 21 U.S. Code § 343 (a) và (e), và 21 CFR 101.5, ghi nhãn sai hoặc gây nhầm lẫn nếu bất kỳ tin tức được ghi nhãn và quảng cáo là sai hoặc nhầm lẫn trong bất kỳ phương cách nào, kể cả tên và địa điểm kinh doanh của nhà sản xuất, đóng gói, hoặc nhà phân phối.

Các quy tắc về ghi nhãn sản phẩm không những được áp dụng đối với ghi nhãn bằng tiếng Anh mà còn các ngôn ngữ khác khi các nhà tiếp thị nhắm vào người tiêu dùng nói tiếng nước ngoài, thí dụ tiếng Việt. Điều luật 16 CFR 14.9 bắt buộc các thông tin phải tiết lộ một cách rõ ràng và dễ thấy, nhất là trong các tài liệu quảng cáo bằng phim ảnh, báo chí, tạp chí định kỳ, hoặc các ấn phẩm khác mà ngôn ngữ không phải là tiếng Anh.

Trong thực tế, chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp luật pháp được thực thi cho một số quảng cáo sai sự thật của sản phẩm dinh dưỡng bổ sung bằng tiếng Anh. Nhưng điều này chưa được thấy nhiều trong trường hợp quảng cáo bằng tiếng nước ngoài như Trung Quốc và Việt Nam trong khi quảng cáo trong các ngôn ngữ này rất phổ biến ở các tiểu bang lớn như California và Texas.

(còn tiếp)

khieman
10-02-2015, 02:01 PM
(tiếp theo)


V. SƠ HỞ TRONG LUẬT PHÁP ĐÃ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO KINH DOANH PHI PHÁP BÁN SẢN PHẨM DINH DƯỠNG BỔ SUNG NHƯNG QUẢNG CÁO NHƯ LÀ THUỐC TRONG CỘNG ĐỒNG VIỆT Ở HOA KỲ TRÔNG NHƯ BẤT KHẢ XÂM PHẠM BỞI LUẬT PHÁP.

Với nhiều điều luật và các quy định của luật pháp Hoa Kỳ đã được đề cập ở trên về sự khác biệt rõ ràng thuốc men và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, người tiêu dùng có thể nghĩ rằng họ được an toàn khi tiêu thụ các sản phẩm này trong nước Mỹ. Nhưng thực tế là ngược lại.

Hồi trước thì FDA kiểm soát và qui định các loại thực phẩm và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Tuy nhiên, vào năm 1994 luật liên bang về Y tế và Giáo Dục về Dinh Dưỡng Bổ Sung “Dietary Supplement Health and Education Act (DSHEA 1994)” đã liệt sản phẩm dinh dưỡng bổ sung vào thành một thể loại riêng biệt từ thực phẩm và thành lập quy định riêng làm suy yếu một cách đáng kể quyền hạn của cơ quan FDA trong việc kiểm soát sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Do đó đã tạo cơ hội cho giới kinh doanh các sản phẩm này, nhất là hàng nhập khẩu, có thể lừa dối người tiêu dùng.

Luật DSHEA 1994 cho phép sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, không giống như các loại thuốc tây, không cần phải được FDA chấp thuận trước khi cho vào bán trên thị trường. Luật này xác định rằng trách nhiệm cho sự an toàn và hiệu quả của các sản phẩm và tính chính xác của các tuyên bố về lợi ích cho sức khỏe được ghi nhãn hoàn toàn đặt lên công ty sản xuất và phân phối sản phẩm chứ không phải FDA. Như vậy một khi các công ty này cố ý gian lận thì là một khổ nạn cho người tiêu dùng. Kẽ hở này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gian lận trong kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Vấn đề này đã được thảo luận kỹ lưỡng trong bài khảo luận của các giáo sư Wheatley và Spink từ bộ Y Tế cùa tiểu bang New Jersey và trường đại học tiểu bang Michigan (Wheatley, V. M. and Spink, J. (2013): “Defining the Public Health Threat of Dietary Supplement Fraud”. Comprehensive Reviews in Food Science and Food Safety, 12: 599–613).

Luật DSHEA 1994 ngăn cấm nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm dinh dưỡng bổ sung tiếp thị các sản phẩm bị pha trộn bậy hoặc ghi nhãn sai. Điều đó có nghĩa rằng các công ty có trách nhiệm để tự đánh giá sự an toàn cùa sản phẩm cũng như sự đúng đắn trong ghi nhãn của sản phẩm của họ trước khi tiếp thị để đảm bảo rằng họ đáp ứng tất cả các yêu cầu của DSHEA và quy định của FDA. FDA chịu trách nhiệm hành động chống lại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung bị pha trộn hoặc ghi nhãn sai sau khi nó đã tràn vào thị trường. Như vậy nếu sản phẩm đã tràn vào thị trường rồi mà FDA không có đủ nhân lực và vật lực để theo dõi và kiểm soát thì coi như là không ai kiểm soát được các sản phẩm này và đương nhiên người tiêu đùng trở thành nạn nhân nếu họ không có kiến thức thật sự về các sản phẩm này.

Luật DSHEA 1994 đặt trách nhiệm về sự an toàn và hiệu quả của các sản phẩm và tính chính xác của các tuyên bố về lợi ích sức khỏe trên ghi nhãn hoàn toàn vào các công ty. Như vậy khách hàng có thể khiếu nại đến các doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối các sản phẩm nếu có vấn đề xảy ra. Điều này chỉ chỉ có nghĩa nếu các doanh nghiệp kinh doanh một cách lương thiện dựa trên cơ bản danh dự (Honor code). Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nhà sản xuất và nhà phân phối của các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cố ý gian lận?

Bài học về chất ma hoàng (ephedra) chứa các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung mà ngày nay đã trở thành ngoài vòng pháp luật từ năm 2004 là rõ ràng. Trong các chất bị pha trộn vào sản phẩm ngay lập tức có thể tạo hiệu ứng kích thích tạo cảm giác phấn chấn cho người dùng, nhưng trong một thời gian dài, tác động tích lũy của nó có thể gây hại và thậm chí đưa tới tử vong. Người tiêu dùng có thể quá tin tưởng vào quảng cáo và không biết rằng các quảng cáo này là thất thiệt và sự nguy hiểm về lâu về dài mà họ có thể nhận lãnh từ sản phẩm mà họ tốn tiền mua.

Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng có thể không biết rằng các sản phẩm bán cho họ thậm chí không có một nguồn gốc hợp pháp, có nghĩa là các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối có tên trên bao bì của sản phẩm thật sự không hiện hữu một cách hợp pháp. Đáng tiếc là không có sự thực thi pháp luật hiệu quả để kiểm chứng sự thật về các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đang có mặt trên thị trường và cũng không có sự thực thi pháp luật về các quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là khi quảng cáo gian dối được truyền bá vào người tiêu dùng bằng các ngôn ngữ khác hơn là tiếng Anh như tiếng Việt, ngay cả khi các trường hợp gian lận đã được báo cáo cho giới hữu trách.

FDA đã không bao giờ có đủ nguồn lực để đối phó với số lượng rất lớn các kinh doanh phi pháp với các quảng cáo láo về sản phẩm dinh dưỡng bổ sung trên thị trường. FDA đã cho biết rằng họ không có đủ nhân lực để theo sau quá nhiều nhà phân phối nhỏ của các sản phẩm này. Nhỏ không có nghĩa là kinh doanh loại này nhỏ bởi vì đứng sau họ là các nhà sản xuất lớn làm ra sản phẩm và đóng nhãn riêng cho các nhà phân phối “nhỏ” (private labeling companies). Người tiêu thụ thường không biết các nhà sản xuất lớn đó vì họ không để tên của họ trên ghi nhãn của sản phẩm.

Qua các nhà phân phối “nhỏ”, sản phẩm được truyền bá đến người tiêu dùng thông qua rất nhiều phương tiện truyền thông lớn như Direct TV hay Comcast. Ví dụ, trong các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và Canada, nếu ta dạo một lượt trên các kênh truyền hình trực tiếp 2072, 2073, 2074, 2075, 2076, 2077, 2078, và đặc biệt là 2079, các quảng cáo sai lệch về sản phẩm dinh dưỡng bổ được quảng cáo như thuốc được phát sóng liên tục 24 giờ mỗi ngày! Tình trạng tương tự xảy ra khi người tiêu dùng bật các chương trình tiếng Việt trên Comcast hoặc các đài truyền hình hay radio địa phương khác, cũng như số lượng lớn các phương tiện truyền thông khác như báo ngày và tạp chí định kỳ.

Khi bị tố giác bởi các học giả trí thức trong cộng đồng, các nhà quảng cáo cho rằng đó là quyền tự do ngôn luận theo Tu Hiến Pháp Thứ Nhất (First Amendment of the Constitution). Đó là lối ngụy biện sai lầm trong trường hợp này. Phán quyết gần đây của tòa án liên bang Hoa Kỳ Bắc California chống lại các nhà tiếp thị sản phẩm trị bệnh tiểu đường đã phản ánh một bước tiến đáng kể trong nổ lực của toà án và cơ quan FTC nhằm triệt hạ các kinh doanh phi pháp quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cũng như các sản phẩm về sức khoẻ khác với tuyên bố về lợi ích sức khoẻ của sản phẩm một cách vô căn cứ.

Ngày 19 tháng Hai năm 2014 tòa án này đã phán quyết rằng công ty Wellness Support Network Inc. phải trả 2.200.000 dollars bồi thường và nhận một lệnh phạt 20-năm cấm các chủ sở hữu của công ty không được quảng cáo trị bệnh tiểu đường sai trái. Tòa án đã bác bỏ lời ngụy biện của công ty này rằng Tu Hiến Pháp Thứ Nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ trong quảng cáo thương mãi. Toà án đã tuyên bố rằng Tu Hiến Pháp Thứ Nhất trên nguyên tắc không bảo vệ các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm dinh dưỡng bổ sung – cũng như bất kỳ sản phẩm gì trong trường hợp tương tự – quảng cáo sai trái hoặc lừa đảo (FTC vs. Wellness Support Network, Inc., Et Al., case No. C-10-04879 JCS).

Đạo luật Y tế và Giáo Dục về Dinh Dưỡng Bổ Sung “Dietary Supplement Health and Education Act (DSHEA 1994)” đề cập về giáo dục công chúng. Nhưng chuyện gì đã xảy ra khi các phương tiện truyền thông như các mạng lưới truyền hình và đài phát thanh đã tự do một cách vô trách nhiệm nhận tiền để phát sóng các quảng cáo sai sái và lừa đảo, và liên tục nhồi sọ người tiêu dùng, trong khi các học giả có trách nhiệm không có sự hỗ trợ để nói lên sự thật, hoặc có được một sự bảo vệ để chống lại sự trả đũa từ kẻ lừa đảo như sự dọa nạt hay các vụ kiện phủ đầu khi họ can đảm nói lên sự thật để giúp quần chúng?

Sự thật là khá oái ăm khi các doanh nghiệp gian lận với quảng cáo sai trái và lừa đảo sản phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể tồn tại mạnh mẽ hơn và có tổ chức hơn để có thể dập tắt bất kỳ hảo ý nói lên sự thật hay nổ lực của các học giả người muốn giáo dục cộng đồng để tránh bị lừa đảo về thuốc men. Sau đây là các ví dụ thực tế về kinh doanh sản phẩm bổ sung dinh dưỡng với quảng cáo sai lạc và lừa đảo hiện tại đang xảy ra trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

VI. VÍ DỤ VỀ CÁC TỔ CHỨC KINH DOANH SẢN PHẨM DINH DƯỠNG BỔ SUNG NHƯNG QUẢNG CÁO LÀ THUỐC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ. CÁC SẢN PHẨM BÁN RA ĐƯỢC DÁN NHÃN VỚI TÊN CÁC NHÀ SẢN XUẤT VÀ ĐẠI LÝ KHÔNG ĐĂNG KÝ VỚI CHÍNH PHỦ.

Coi thường pháp luật hiện hành với các quy định về sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cũng như những nghiêm cấm về việc quảng cáo láo và lừa đảo, trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đang tràn ngập các doanh nghiệp bán sản phẩm dinh dưỡng bổ sung nhưng quảng cáo chúng như thuốc. Lối kinh doanh phi pháp này đã có trong cộng đồng nhiều năm nhưng nay đã trở nên rất phổ biến và có tổ chức hơn. Vì vậy mà nhiều học giả và giới trí thức trong cộng đồng tuy biết đó là phi pháp nhưng cũng tin rằng nó có thế lực bất khả xâm phạm bởi pháp luật.

Ví dụ về việc vi phạm pháp luật trên là một trong những trường hợp quảng cáo láo lớn nhất trong cộng đồng Việt Nam từ năm 2013. Tổ chức buôn bán này gồm một nhóm tự xưng là những đại diện của một công ty lớn đã có trên tám mươi năm bên Đức chuyên sản xuất tế bào gốc cấy từ nhau thai cừu. Sản phẩm của họ ghi nhãn là dinh dưỡng bổ sung có xác định các thành phần hoạt chất là nhau thai cừu, chiết xuất hạt nho và dầu hạt nho với một cáo thị rằng “Sản phẩm này không dùng để điều trị, chữa bệnh, hoặc ngăn chặn bất cứ căn bệnh”. Ngược lại, trong hàng loạt các quảng cáo trên các buổi giao lưu đàm thoại trên đài truyền hình và radio, các người tiếp thị của tổ chức này gồm nha sĩ, một người quảng cáo radio, một thợ thẩm mỹ, và một xướng ngôn viên truyền hình Việt, thêm vào là các chứng nhân, đã quảng cáo rằng thuốc tế bào gốc nhau cừu của họ có thể điều trị, chữa, làm giảm, hoặc cải thiện nhiều căn bệnh kinh niên như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, bất lực sinh lý, bệnh gút, và bệnh vẩy nến, v.v… Các nhân viên tiếp thị không hề tiết lộ rằng nghề nghiệp thực sự của họ là thợ thẩm mỹ hay người làm quảng cáo radio. Nhưng qua các lối giải thích khoa học tế bào gốc dùng như thuốc của họ cùng với các phim ảnh minh họa, khán thính giả trung bình không biết nhiều về khoa học có thể có ấn tượng sai lầm rằng họ có thể là khoa học gia hay bác sĩ!

Họ còn dám để cả hình ảnh của một bệnh nhân bị bệnh vẩy nến với da bệnh hoạn trước và một làn da mau lành sau khi được điều trị bằng “thuốc” của họ. Ấn tượng hơn, họ còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại các trung tâm thương mại lớn đông người Việt ở California, ở đó họ quảng cáo thuốc của họ với lời “chứng thực” của nhiều “bệnh nhân”. Bên cạnh truyền hình, các tiếp thị thuốc “tế bào gốc từ nhau thai cừu” này cũng phát sóng quảng cáo của họ trên các đài phát thanh địa phương và cũng có nhiều bài viết quảng cáo in trên báo chí và tạp chí Việt ngữ.

Quảng cáo truyền hình của họ được phát sóng trên hầu hết tất cả các đài truyền hình và radio Việt ngữ ở Mỹ. Nội dung của các quảng cáo rất là thuyết phục cho công chúng bởi vì nó có chứa nhiều hình ảnh di động mô tả tế bào gốc hoặc minh họa khoa học y sinh học, thường được cắt xén từ các video giáo dục khoa học có sẵn trên internet, các hình ảnh của một công ty dược phẩm lớn ở Đức mà họ gọi là công ty sản xuất của họ. Tuy nhiên nếu ai tinh ý coi thật kỹ và tìm hiểu thì sẽ thấy các hình ảnh đó thật sự là của một học viện bên Đức mang tên “Life & Brain Institutes” hoàn toàn khác với công ty họ quảng cáo và không dính líu gì đến đến cái nhau cừu của họ.

Mặc dầu quảng cáo rầm rộ như vậy trên đài truyền hình, nhưng lúc họ tổ chức họp báo ở thành phố San Jose California để nói về công ty của họ, khi bị đồng hương chất vấn về gốc gác công ty của họ bên Đức thì họ lại bảo là họ mới tạo dựng công ty của họ bên Đức trong một phòng laboratory nho nhỏ không có gì qui mô hết.

Bởi vì họ không có một bất kỳ tài liệu pháp lý gì chứng tỏ sản phẩm “tế bào gốc từ nhau thai cừu” của họ đã được nhập khẩu từ Đức, thậm chí là tờ nhất-vận đơn (Bill of Ladding), quá rõ ràng rằng các sản phẩm được sản xuất trong đất Mỹ bởi một số công ty sản xuất ghi nhãn tư nhân. Theo luật pháp thì người tiêu dùng có quyền được biết danh tính của các nhà sản xuất đã làm các sản phẩm bán cho họ. Khi bị hỏi dồn bởi đồng hương thì họ quýnh quá bảo rằng họ mới dọn công ty qua Mỹ. Đồng hương chất vấn công ty ở đâu bên Mỹ thì họ bảo đó là bí mật không thể tiết lộ được. Họ còn dám gạt đồng hương Việt là sự bảo mật không thể tiết lộ của công ty họ là được bảo vệ của FDA!

Khi đồng hương chất vấn về tên công ty phân phối được in trên nhãn của sản phẩm mà họ bán trên thị trường cả năm qua, luật sư đại diện của họ tiếp tục nói dối với công chúng rằng danh tính của các công ty phân phối có thể được tìm thấy trong các trang web của văn phòng Secretary of State of California, bất chấp thực tế rằng tên của công ty phân phối này không có trên trang web của chính phủ. Trong thực tế, một ngày sau buổi họp báo họ đã đi đến văn phòng của Secretary of State of California để đăng ký công ty của họ.

Về khoa học, có bằng chứng cho thấy nhau thai cừu có chức năng gì để chữa các bệnh họ quảng cáo không? Tham khảo trên PubMed là nguồn trữ liệu khoa học y sinh hóa của chính phủ Hoa Kỳ, là nguồn trữ liệu có chứa hầu hết tất cả các văn bản công bố khoa học y sinh hóa trên thế giới, đã cho thấy rằng không có bất kỳ bằng chứng cho thấy nhau thai cừu có thể chữa bất kỳ căn bệnh nào mà họ quảng cáo. Việc sử dụng nhau thai cừu chỉ được đề cập trong y học dân gian cũ ở châu Phi là để hỗ trợ khi phụ nữ sinh khó, nhưng công dụng này không còn được sử dụng nữa bởi vì sự hiện diện các các loại thuốc tây mới như oxytocin!

Nhưng với tất cả những quảng cáo láo và lừa đảo rằng sản phẩm dùng để trị hoặc cải thiện các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, bệnh vẩy nến, bệnh gút và viêm khớp, họ bán mỗi hộp 60 viên con nhộng với giá 120 đô la!

Rất rõ ràng căn cứ trên luật pháp Hoa Kỳ thì họ đã vi phạm tất cả các điều luật đã được nói đến bên trên về thuốc, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, quảng cáo, và kinh doanh không công bằng. Theo luật pháp thì cả công ty sản xuất, phân phối, và quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều này chỉ có thể xảy ra khi sự việc được đưa ra toà án để phân xử. Tố tụng có thể hoặc là do văn phòng biện lý, hoặc là do FDA, hoặc là do dân sự đại diện cho FDA, hoặc là do dân sự qua các vụ kiện dân sự hay class action. Khi chuyện này chưa xảy ra thì các sản phẩm phi luật pháp này vẫn tràn lan trên thị trường và người tiêu thụ vẫn là nạn nhân.

Sản phẩm “tế bào gốc” chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được bán trên thị trường cộng đồng Việt và được quảng cáo một cách phi pháp như là thuốc. Các sản phẩm khác thì ở rất nhiều dạng như là axit humeric, đông trùng hạ thảo (cordyceps), tảo nâu fucoidan, nấm linh chi, hoặc là hỗn hợp của nhiều loại dược thảo v.v… Mặc dầu tất cả các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung này không được luật pháp cho phép quảng cáo như là thuốc cho các căn bệnh, chúng đã được quảng cáo nhiều lần liên tục trên một số đài truyền hình Việt ngữ trong các chương trình “home shopping” của họ.

Ngay cả khi quảng cáo là có tác dụng trên sức khoẻ con người, theo quyết định của toà án liên bang bắc California, sản phẩm phải có sự chứng minh khoa học đầy đủ trong trữ liệu của họ trước khi đưa ra tuyên bố về tác dụng của sản phẩm. “Sự chứng minh khoa học đầy đủ” về sức khỏe có thể có nghĩa là hai thí nghiệm lâm sàng, được kiểm soát với sản phẩm và giả dược, nghiên cứu trên người không biết là đang được dùng sản phẩm hay giả dược nhằm so sánh, để đem tới kết quả đáng kể về mặt thống kê. Tuy nhiên khi tham khảo trên PubMed là nguồn trữ liệu của tất cả công bố khoa học y sinh hóa của thế giới, các sản phẩm này hoàn toàn không có một thí nghiệm lâm sàng chính thức nào.

Kinh doanh phi pháp này có tác động tiêu cực đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế quốc gia. Thí dụ, khi những tin tức về nạn dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola được thông báo công chúng, chương trình mua sắm của vài đài truyền hình Việt ngữ đã quảng cáo một loại thuốc mới là chất axit humic mà họ tuyên bố được sản xuất riêng cho họ bởi một phòng thí nghiệm tại Orange County dẫn đầu bởi một nhà hóa học (tiến sĩ hóa học, Ph.D. of Chemistry). Cũng nên nhắc là tiến sĩ hóa học không có thẩm quyền về bệnh học hoặc y sinh học). Công ty phân phối này đã quảng cáo thuốc này trên truyền hình địa phương của họ thông qua Comcast và truyền hình toàn quốc thông qua DirectTV một loạt các chương trình đàm thoại thương mại với các nhà hóa học này cũng như các quảng cáo 1 phút, trong đó họ quảng cáo rằng loại thuốc axit humic có thể ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm do virus như cúm, viêm gan, và thậm chí cả Ebola, và đã có thử nghiệm lâm sàng.

Axit humic là một thành phần chính của chất humic, đó là những chất hữu cơ chính của đất mùn và rất thường được sử dụng trong phân bón. Đôi khi được thấy trong sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Thao khảo PubMed cho thấy rằng không có bất kỳ một công bố nào hoặc bằng chứng cho thấy Axit Humic đã được thử nghiệm lâm sàng hoặc được sự chấp thuận của FDA cho những công bố về thuốc. Ngược lại, đã có một số bức thư cảnh cáo từ FDA cho một số công ty đã tuyên bố sai sự thật bằng tiếng Anh về axit humic trong đó FDA đã nêu rõ rằng FDA không có bất cứ thông tin chứng minh rằng axit humic được bán hợp pháp trên thị trường như là một thành phần của sản phẩm dinh dưỡng bổ sung ở Hoa Kỳ trước ngày 15 tháng mười, năm 1994, cũng như FDA không biết bất kỳ thông tin chứng minh rằng những thành phần này đã có mặt trong các thực phẩm hoặc thực phẩm đã được thay đổi về mặt hóa học (FDA warning letter to EFT Biotech Holdings Inc., 2009)

Mặt khác, đã có những nghiên cứu cho thấy axit humeric có thể gây nguy hiểm bởi gây ra hư hại gene của bạch huyết cầu của con người (Hseu et al, Journal of Hazardous Materials (2008; 153(1-2): 784-91), hư hại do oxit hoá chuổi DNA, chậm phát triển, và chết dần mòn tế bào fibroblast, là tế bào tạo collagen trong con người (Cheng et al, Exp Biol Med. 2003; 228(4): 413-23).

Như vậy về y khoa lẫn luật pháp humeric không thể được quảng cáo dùng để ngăn ngừa hoặc trị nhiễm vi rút. Do đó khi một nạn dịch nhiễm virus có tiềm năng gây chết người như HIV hay Ebola xảy ra, điều quan trọng là phải thận trọng tránh nhiễm khuẩn hơn là tin vào các loại thuốc dạo được quảng cáo sai lạc là có thể ngăn ngừa các bệnh này.

Tương tự trong trường hợp tảo nâu fucoidan hiện đang là một trong những quảng cáo mạnh nhất trong cộng đồng người Việt. Các người tiếp thị quảng cáo một cách bừa bãi và vô trách nhiệm rằng sản phẩm tảo nâu fucoidan có thể ngăn ngừa ung thư cũng như làm chết các tế bào ung thư trong cơ thể, do đó làm cho quảng cáo sai trái này trở thành quảng cáo nguy hiểm nhất cho người tiêu dùng nhất là người đang có mầm mống ung thư hoặc bệnh nhân đang bị ung thư; và đây cũng là quảng cáo lừa đảo nhất đánh vào tâm lý thân nhân của bệnh nhân bị ung thư.

Với những khuôn mặt của các cá nhân quen thuộc trong cộng đồng như các ca sĩ, kịch sĩ, MC chương trình ca nhạc, sản phẩm đã đưược quảng cáo một cách rất là thuyết phục đến giới bình dân. Quảng cáo được minh họa bằng nhiều hình ảnh và phim hoạt hình y sinh học cho thấy ung thư bị phá hủy trong cơ thể, cũng như một số lượng lớn các tin đồn vô căn cứ về sự thành công thử nghiệm lâm sàng của fucoidan trong việc điều trị ung thư.

Người tiêu dùng đặc biệt là người cao tuổi bị lệ thuộc vào các truyền thông Việt ngữ để theo dõi tin tức có thể dể tin vào quảng cáo thất thiệt này do đó ỷ y và quên đi việc kiểm tra sức khỏe như đi khám định kỳ từ các bác sỹ tây y mà họ đang có, hoặc làm các thử nghiệm sức khoẻ định kỳ mà có thể giúp họ để phát hiện ung thư sớm nếu bị. Đối với một số với phát hiện ung thư sớm, người sợ bị giải phẫu có thể chậm trễ để được chữa trị đúng đắn bằng Tây y vì những hy vọng hão huyền về fucoidan như là thần dược trong các quảng cáo lừa đảo. Sự trì trệ này dẫn đến di căn của ung thư và đưa đến tử vong vì quá trễ để được trị.

Còn đối với những người thân của các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối, mặc dầu đã được các bác sĩ Tây y cho biết sự thật về bệnh tình của bệnh nhân là không thể cứu được, vì quá thương yêu người thân, hoặc với hy vọng hão huyền vì tâm lý “còn nước còn tát” rao giảng bởi những kẻ tiếp thị, hoặc do yêu cầu của người thân chỉ vì tin trên quảng cáo lừa đảo, đã phải chi tiêu một số tiền rất lớn nhiều lần vượt khả năng tài chính của họ, để mua fucoidan. Các nạn nhân đã phải trả giá cho các bức xử đó bằng những gánh nặng tài chính khổng lồ sau khi cái chết của người thân bị ung thư. Chi phí của một chai 60 viên nang của fucoidan không phải là nhỏ, hơn 400 đến hơn 1.000 dollars tùy thuộc vào quảng cáo.

Sự thật Fucoidan là gì? Fucoidan là một loại polysaccharide (chất giống như tinh bột) tìm thấy chủ yếu trong các loại tảo (rong biển) nâu như bladderwrack, wakame, mozuku, kombu, và kijiki, và trong một số các loài động vật ở biển như dưa biển. Fucoidan được sử dụng như một thành phần trong một số sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Từ năm 1981 fucoidan đã được nghiên cứu một cách khoa học để thử nếu nó có hiệu ứng chống ung thư như đã được nhắc đến trong các huyền thoại dân gian bên Nhật. Tìm kiếm trên PubMed có 171 công bố khoa học nghiên cứu về fucoidan liên quan đến ung thư trong từ năm 1981 đến năm 2015. Hầu hết các nghiên cứu là các thí nghiệm đơn sơ dùng tế bào cấy trong ống nghiệm với kết quả thú vị tuy không đủ mạnh, và có xa hơn chỉ là một vài thí nghiệm trên động vật như chuột nhắt và chuột cống mà kết quả phủ phận dược tính của fucoidant để trị ung thư. Không có một thí nghiệm nào trên con người. Dĩ nhiên chúng ta ai cũng hiểu, con người không phải là chuột hay ống nghiệm. Do đó đem các kết quả nghiên cứu khoa học ra để quảng cáo một sản phẩm mà không nói rõ đó chỉ là các thí nghiệm trong ống nghiệm thì đó là một sự lường gạt trắng trợn, gọi là khoa học giả hiệu hay là “Pseudoscience”.

Kết quả các thí nghiệm đã từng được nghiên cứu về fucoidant rất là thú vị bởi vì nó mâu thuẩn và không đưa đến một kết luận vững chắc, và đôi khi tiêu cực. Do đó kết quả về khả năng chữa hoặc ngăn ngừa ung thư của fucoidan không đủ có giá trị cho một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên con người. Như vậy thông qua một lịch sử hơn 30 năm nghiên cứu khoa học về fucoidan, trong số 171 nghiên cứu đã được công bố không có một kết quả nào là thử nghiệm lâm sàng trên con người cho thấy fucoidan có thể ngăn ngừa ung thư hoặc tiêu diệt tế bào ung thư ở người. Vì vậy fucoidan chưa bao giờ được coi là một loại thuốc mới được chấp thuận bởi FDA để ngăn chận hoặc điều trị bệnh ung thư. Do đó, chiến dịch thương mại để quảng cáo fucoidan như một loại thuốc mới để ngăn chặn hoặc điều trị bệnh ung thư là quảng cáo láo và lừa đảo do đó và bất hợp pháp đối với luật pháp Hoa Kỳ, và đó là lý do đây là đối tượng của một vụ kiện “class action” đang diễn ra trong cộng đồng Việt.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về quảng cáo gian dối về sản phẩm bổ sung dinh dưỡng được quảng cáo như các loại thuốc mới trong cộng đồng Việt. Còn rất nhiều quảng cáo lừa đảo tương tự thấy trong các hỗn hợp các loại dược thảo trong các chai “thuốc” số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, v.v…hoặc với nhiều tên họ kỳ quặc khác được quảng cáo như thuốc cho hết bệnh này đến bệnh nọ, tất cả đều phi pháp vì không có một chứng cớ thí nghiệm lâm sàng nào theo đúng định nghĩa bởi luật pháp, là thí nghiệm lâm sàng được kiểm soát với sản phẩm và giả dược, nghiên cứu trên người không biết là đang được dùng sản phẩm hay giả dược nhằm so sánh, để đem tới kết quả đáng kể về mặt thống kê. Và rõ ràng nhất về luật pháp không có một sản phẩm dinh dưỡng bổ sung nào đang được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông Việt ngữ được FDA chấp thuận như là thuốc!

Thật không may những quảng cáo láo và lừa đảo này đã được lan truyền thường xuyên và rộng rãi trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thông qua hầu hết các phương tiện truyền thông Việt ngữ, bao gồm cả truyền hình, đài phát thanh, báo chí, và tạp chí. Với lối buôn bán này, các cá nhân riêng lẽ đã trở thành các cửa hàng phân phối sản phẩm một cách phi pháp đề đem lại lợi nhuận khổng lồ cho họ và các công ty sản xuất và đóng nhãn tư nhân đứng đằng sau. Điều đáng chú ý là các nhà tiếp thị, phân phối và nhà sản xuất thường là ở miền nam California, đặc biệt là ở Orange County là nơi người Việt qui tụ đông nhất nước Mỹ.

VII. TẠI SAO ĐÃ QUA NHIỀU NĂM CÁC TỔ CHỨC BUÔN BÁN SẢN PHẨM DINH DƯỠNG BỔ SUNG NHƯNG ĐÃ QUẢNG CÁO MỘT CÁCH PHI PHÁP NHƯ THUỐC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ TRÔNG NHƯ BẤT KHẢ XÂM PHẠM BỚI PHÁP LUẬT.

Tại sao nhiều học giả tin rằng những kinh doanh bất hợp pháp loại này trong cộng đồng người Việt là bất khả xâm phạm bởi luật pháp Mỹ?

Loại kinh doanh này đã tồn tại nhiều năm trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhưng nó chưa bao giờ bị truy tố bởi chính quyền bởi vì, chỉ đơn giản như FDA đã tuyên bố, họ đã không bao giờ có đủ nguồn lực để đối phó với số lượng khổng lồ của sự lừa dối trong các kinh doanh dinh dưỡng bổ sung đã xuất hiện trên thị trường; tức là, họ không có đủ nhân lực để theo sau quá nhiều nhà phân phối nhỏ của các chế phẩm dinh dưỡng bổ sung, ngay cả khi quảng cáo lừa đảo là bằng tiếng Anh chứ chưa nói đến các ngôn ngữ khác. Do đó các sản phẩm được quảng cáo lừa đảo về sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như là thuốc bằng tiếng Việt tại Hoa Kỳ cứ tự do hoành hành.

Thỉnh thoảng có những nhà trí thức đã đưa vấn đề này lên báo chí internet hoặc email, hoặc xa hơn một chút là radio. Nhưng tiếng nói của họ quá nhỏ số lần nổ lực lên tiếng của họ quá ít ỏi do đó bị dập tắt bởi một khối lượng lớn các quảng cáo láo và lừa đảo được trả tiền để phát ra liên tục trên rất nhiều các phương tiện truyền thông Việt ngữ.

Nhưng nếu một học giả người Mỹ gốc Việt đã từng được công nhận từ dòng chính nay quan tâm đến tệ nạn này muốn đem kiến thức của mình để giúp đồng hương một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn với một nỗ lực lớn hơn để giúp đỡ cộng đồng để hiểu vấn đề này để tránh bị gian lận? Ví dụ một chương trình giáo dục hoàn chỉnh bao gồm các bài báo khoa học và xã hội tiếp với các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình địa phương và quốc gia cũng như các ấn phẩm trên các báo có uy tín. Với các chương trình giáo dục này thì mức độ cảnh giác của đồng hương sẽ tăng lên rất cao.

Rõ ràng là giáo dục thực sự là kẻ thù lớn nhất của sự gian lận và do đó một sự trả đũa không thể tránh khỏi. Mục đích chính của cuộc tấn công trả đũa chủ yếu là để bảo vệ khối lợi nhuận khổng lồ từ việc lừa đảo liên tục. Việc trả đũa có thể từ việc lén lút hăm dọa, bêu xấu với thư nặc danh bằng Việt ngữ trên internet, phá hoại cá nhân, cho đến lạm dụng luật pháp một cách sai trái để bắt nạt bằng pháp lý hoặc các vụ kiện tụng rất tốn tiền. Mục đích không ngoài việc thứ nhất là làm học giả kinh sợ và từ bỏ nổ lực của mình, thứ hai là làm mất uy tín của học giả và tạo một sự nghi ngờ để thuyết phục đồng hương tin vào các quảng cáo lừa đảo với các khoa học giả hiệu thay vì những kiến thức khoa học chính thống.

Bởi vì các nhà phân phối của các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung nhưng quảng cáo lừa đảo là thuốc khởi nguồn kinh doanh của họ từ bên trong cộng đồng Việt khép kín, là cộng đồng bị lệ thuộc vào tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp chính, và từ đó lan rộng ra dòng chính, họ đã có những móc nối để họ có thể lợi dụng cộng đồng để tạo mạng lưới truyền bá kinh doanh của họ cũng như để bảo vệ doanh nghiệp của họ từ các tố giác của các nhà trí thức. Thí dụ như họ có thể dùng các trang mạng xã hội để reo rắc các tin đồn thất thiệt. Cộng đồng Việt khép kín vì thiếu kiến thức Anh ngữ nên rất mơ hồ về luật pháp Hoa Kỳ đã, vô hình chung, trở nên đối tượng cho sự lợi dụng của các âm mưu bất chính.

Lợi dụng lòng tin trong cộng đồng cũng là phương cách một tổ chức kinh doanh qui mô sản phẩm dinh dưỡng bổ sung nhưng quảng cáo lừa đảo là thuốc dùng để thao túng các thủ tục tòa án khi họ sử dụng các vụ kiện phủ đầu, hay là vụ kiện kiện chiến lược chống sự tham gia của công chúng (SLAPP) để chống lại các học giả kiên trì trong nỗ lực giúp đỡ đồng hương của họ. Một cách đơn giản là qua các nhân vật hoạt động cộng đồng, chúng có thể giới thiệu luật sư thiếu đạo đức để “giúp” cho học giả bị kiện, là điều không thể nào ngờ được. Một khi đương đầu với một vụ kiện trước toà án mà chính luật sư “giúp” mình lại là kẻ chủ tâm hại mình thì bị đơn bất khả kháng chứ không phải vì tòa án không công bằng.

SLAPP hoặc “ Strategic Lawsuit Anti Public Participation” là một loại kiện tụng mà các công ty làm việc sai trái bị tố giác dùng để đe dọa, và bịt miệng các nhà phê bình, quần chúng hoặc các học giả. Vì không chịu nổi gánh nặng với chi phí pháp lý để chống lại SLAPP, người bị kiện phải từ bỏ những lời chỉ trích hay phản đối và phải thâu hồi lại sự tố cáo đó. Vì vậy, các nguyên đơn SLAPP điển hình thường không mong đợi để giành chiến thắng trong vụ kiện vì họ không có lý do chính đáng để được xử thắng. Mục tiêu chính của vụ kiện SLAPP sẽ được hoàn thành nếu bị đơn không chịu nổi sự sợ hãi, đe dọa, chịu đựng những chi phí pháp lý do đó kiệt sức và phải từ bỏ những lời chỉ trích. Vụ kiện SLAPP cũng có thể được dùng để đe dọa những người khác tham gia vào các cuộc tranh luận.

Lý do phổ biến nhất được sử dụng trong một vụ kiện SLAPPs hay là kiện phủ đầu là sự vu khống tội phỉ báng, đó là thông tin một tuyên bố sai sự thật gây tổn hại đến danh tiếng của một cá nhân, doanh nghiệp, sản phẩm v.v…, kế đến là vu khống cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh. Trong cả hai trường hợp, gánh nặng đặt lên vai bị đơn phải chứng minh rằng các thông tin tuyên bố của họ được dựa trên những sự kiện có thật và là vấn đề quan trọng được quan tâm bởi công chúng, và không có cạnh tranh doanh nghiệp trong vấn đề lên tiếng cảnh giác quần chúng cùa họ.

Đặc tính bất thường của một vụ kiện phủ đầu là hiệu quả của nó làm các nhà phê bình phải im lặng, sự kéo dài thời gian của vụ kiện, đơn kiện với các vu khống thiếu căn cứ, không có biên bản, từ ngữ mơ hồ hoặc cố tình đọc sai để nguyên đơn tạo các cáo buộc giả mạo mà không sợ tội khai man. Ví dụ luật sư đại diện của nguyên đơn chuẩn bị một vụ kiện mà chỉ dựa trên lời nói của nguyên đơn mà không có tờ tuyên thệ (declaration) của nguyên đơn, hoặc không có bản dịch chính thức từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Thậm chí một cách lươn lẹo hơn, nguyên đơn kiện bị đơn bằng tên viết theo Việt ngữ theo thứ tự họ đứng đầu và tên đứng sau với hy vọng là bị đơn sẽ không trả lời và họ sẽ thắng một bản án khiếm diện. Như vậy, trong khi tòa án Mỹ hiểu các vụ kiện chống lại một bị đơn khác, thì nguyên đơn có thể sử dụng các vụ kiện cho một tuyên truyền quảng cáo cho các sản phẩm phi pháp của họ.

Điều may mắn là tiểu bang California đã ban hành Bộ luật tố tụng dân sự §425.16 vào năm 1992 để chống kiện phủ đầu hay anti-SLAPP law. Để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và kiến nghị của dân chúng, anti-SLAPP law nhằm làm thất bại SLAPPs bằng cách cung cấp một phương cách bảo vệ nhanh chóng và không tốn kém để chấm dứt vụ kiện phủ đầu và bắt nguyên đơn kiện vô cứ phải bồi thường tiền luật sư phí. Đạo luật còn cho phép tổn phí ban đầu của anti-SLAPP được trả bởi bảo hiểm nhà hoặc chung cư nơi bị đơn cư ngụ. Thêm vào đó, một khi vụ kiện phủ đầu được hủy bỏ bởi toà án, mục §425.18 đã ký thành luật vào ngày 06 Tháng Mười năm 2005, đã được ban hành để tạo điều kiện cho nạn nhân của vụ kiện SLAPP đòi được đền bù cho thiệt hại của họ qua một vụ kiện SLAPP-back.

Như vậy sự lộng hành lạm dụng các kẽ hở của luật pháp của gian thương, cộng thêm sự thiếu kiến thức của đồng hương về luật pháp đã tạo sự sợ hãi và do đó ngờ rằng kinh doanh bất hợp pháp bằng cách quảng cáo láo và lường gạt sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như là thuốc trong cộng đồng người Việt là bất khả xâm phạm bởi luật pháp Mỹ. Sự lầm tưởng này có lẽ không còn kéo dài lâu vì các vụ kiện “class action” nhắm vào các kinh doanh này đã bất đầu và tất cả các tổ chức liên đới đến việc quảng cáo láo và lường gạt sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như là thuốc đều phải chịu trách nhiệm dưới ánh sáng luật pháp.

VIII. Kết Luận

Kẽ hở trong đạo luật “Dietary Supplement Health and Education Act (DSHEA 1994)” là đã trao trách nhiệm về sự an toàn và hiệu quả của các sản phẩm và tính chính xác của các quảng cáo về sức khỏe trên nhãn của sản phẩm hoàn toàn vào công ty sản xuất và phân phối thay vì FDA, đã tạo cơ hội gian lận cho một số doanh nghiệp nhà sản xuất và phân phối sản phẩm bổ sung dinh dưỡng nhất là hàng nhập khẩu, có thể lừa dối người tiêu dùng. FDA chỉ theo để kiểm soát sau khi sản phẩm đã được tung ra thị trường. Vì vậy, nếu FDA không có nguồn lực để đi sau khi sản phẩm sau đã tiếp cận thị trường vì không xuể hết thì luật pháp khó lòng được thực thi.

Biết được kẽ hở này về phía luật pháp, một số nhà sản xuất và phân phối sản phẩm dinh dưỡng bổ sung đã liều lỉnh gian lận trong việc quảng cáo lừa đảo là thuốc để thâu lượm lợi nhuận một cách phi lý, thí dụ một lọ dinh dưỡng bổ sung khi quảng cáo là thuốc thì giá bán có thể gấp 10-100 lần hơn.

Bài khảo luận này nêu rõ luật pháp hiện hành để độc giả thấu hiểu là tất cả các dược thảo đang được quảng cáo như là thuốc đều là phi pháp. Vì tất cả các dược thảo (herb) được đạo luật “Dietary Supplement Health and Education Act (DSHEA 1994)” đánh giá như dinh dưỡng bổ sung (“Dietary Supplement”), chúng không phải là thuốc và do đó hoàn toàn không có một thử nghiệm lâm sàng chính thức nào để đánh giá dược tính của chúng trong vấn đề chữa hoặc ngăn ngừa bệnh, cũng như sự an toàn không có phản ứng phụ. Một khi quảng cáo là láo thì sự đảm bảo về dược tính cũng như sự an toàn của sản phẩm trong quảng cũng là láo, do đó phần còn lại là nhận định đúng đắn của người tiêu dùng để tránh tiền mất tật mang.

Về phương diện luật pháp đối với nhà sản xuất và phân phối dược thảo (herb) thì sự nghiêm trọng về vấn đề này bắt đầu được đưa ra từ tháng 2 năm 2015 từ cuộc điều tra của Tổng chưởng lý của tiểu bang New York cho thấy 80 phần trăm của các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thảo dược của bốn hệ thống chợ lớn nhất của Mỹ bị pha trộn với bột gạo hay rau cỏ, đã bắt đầu một loạt các vụ kiện “class action against adulteration in herbal products”. Trong các vụ kiện này các tổ hợp luật sư cần phải phân chất sản phẩm để chứng minh chất lượng của sản phẩm, bằng các phương pháp như “PCR” để biết đích xác các loại thảo dược hay cây cỏ trong sản phẩm qua qui trình đặc trưng của DNA của chúng.

Táo bạo hơn nhiều trong kinh doanh sai trái sản phẩm dinh dưỡng bổ sung quảng cáo như thuốc có thể ngăn ngừa, cải thiện, điều trị hoặc chữa trị một số bệnh nguy hiểm trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Hệ quả của lối kinh doanh này lên người tiêu dùng nguy hiểm hơn vì họ tưởng lầm là thuốc thật. Nhà kinh doanh liều lĩnh bất chấp luật pháp đã có sẵn với hy vọng là sự sai trái của họ sẽ không bao giờ bị đưa ra toà án vì, như đã phân tích, FDA không xuể theo đưổi từng trường hợp vì có quá nhiều.

Điều may mắn là bắt đầu từ tháng 8 năm 2015 một tổ hợp luật sư người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang Texas đã liên kết với môt tổ hợp luật sư lớn ở tiểu bang California đã bắt đầu một loạt các vụ kiện “class action lawsuit against false advertisement and illegal drugs” nhắm vào các kinh doanh phi pháp đã quảng cáo láo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung của họ là thuốc. Trong các vụ kiện này các tổ hợp luật sư chỉ cần dịch các quảng cáo từ Việt ngữ sang Anh ngữ là đã có đầy đủ chứng cớ để chứng minh. Với những điều luật trong luật pháp hiện hành đã nêu trên, tất cả các thành phần liên đới bao gồm nhà sản xuất, phân phối, và cơ sở quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm. Có lẽ đây chỉ là bắt đầu của hàng loạt vụ kiện class action sẽ diển ra do nhiều tổ hợp luật sư khác, lý do rất đơn giản, vì chứng cớ false advertisement và illegall drug quá rõ ràng theo định nghĩa của luật pháp.

Như vậy, trong khi chờ đợi một cái gì đó thay đổi trong đạo luật “Dietary Supplement Health and Education Act” để có thể bảo vệ người tiêu dùng một cách thực tế từ những kinh doanh gian lận chất dinh dưỡng bổ sung quảng cáo như thuốc một cách phi pháp, các vụ kiện “class action lawsuit against false advertisement and illegal drugs” nhắm vào các kinh doanh phi pháp là cảnh báo cho những kẻ làm sai và cho họ biết là họ phải chịu trách nhiệm. Bài khảo luận này cũng giúp một số các nhà phân phối lẻ dược thảo và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung biết rõ hơn một cách chính xác luật pháp hiện hành về vấn đề này để tránh đi ngược với luật pháp.


Tiến Sĩ Nguyễn Thượng Vũ
Santa Clara County, California
_http://nang21.com