PDA

View Full Version : Hàng nghìn hải sâm dạt vào Phú Quốc do môi trường sống bị phá hoại



duyanh
09-21-2015, 12:08 PM
Nhiều chuyên gia cho rằng việc hàng nghìn con hải sâm trôi dạt vào bờ biển Phú Quốc hôm 18/9 là do nền đáy san hô bị tổn thương nặng nề và rác thải bị đổ vô tội vạ xuống biển, chúng ta cần quan tâm hơn vào việc bảo vệ môi trường biển để hiện tượng tương tự còn không xảy ra.

http://drive.kenh9.tv/http/1200x1200/tinhhoa.net-WIYHNO-20150921-viet-bai-moi.jpg
Hàng nghìn con hải sâm cùng rác thải bị sóng đánh vào bờ biển Phú Quốc.

Ông Nguyễn Văn Long, người dân ở xã Dương Tơ, Phú Quốc cho biết, ngày 18/9 nghe mọi người báo tin mới biết rất nhiều hải sâm dạt vào bờ biển ở khu vực từ Dinh Cậu đến Cửa Lấp. Nhà ông thu gom được khoảng 100kg.

Nhiều người dân Phú Quốc và du khách tham gia vớt hải sâm khiến bãi biển Dinh Cậu trở nên nhộn nhịp. Có người bán tại chỗ với giá 70 ngàn đồng/ký.
Nhiều khách sạn ở khu vực trên phải huy động nhân viên thu dọn những con đột bị chết trên bãi cát để tránh gây ô nhiễm.
Theo ước tính của ông Long thì số lượng hải sâm dạt vào bờ lần này là khoảng 2 tấn và “chỉ có lần này mới nhiều như vậy”, ông Long nói.
http://drive.kenh9.tv/http/1200x1200/tinhhoa.net-Hw8TJm-20150921-viet-bai-moi.jpg
Hải sâm được người dân vớt và phơi ở Phú Quốc.

Ông Nguyễn Văn Thương, một thợ lặn gắn bó cả đời với biển Phú Quốc cho biết: “ Hồi trước biển Phú Quốc nhiều hải sâm lắm, nhưng bị khai thác nhiều nên giờ phải đi xa mới bắt được. Biển Phú Quốc mùa này thường có sóng nhưng đánh bật cả hải sâm lên bờ là lần đầu tiên tui thấy”.
Đa số người dân cố cựu tại Phú Quốc đều cho rằng sóng đánh bật cả hải sâm vào bờ là hiện tượng bất thường.
Nền đáy san hô bị tổn thương
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam nhận định ban đầu rằng, khu vực nền đáy san hô tại nơi này đang bị tổn thương bởi một hoặc nhiều tác động.
Theo tìm hiểu của ông Long, những hoạt động du lịch, việc khai thác cá mú và hải sâm hiện nay tại Phú Quốc đã làm nền đáy san hô bị tổn thương nặng nề và đó là lý do hiện tượng hải sâm bị cuốn lên bờ hàng loạt xuất hiện.
Ông Long lý giải, việc tàu thuyền khai thác bằng những xúc lớn cào dưới đáy đã quét đi bề mặt dưới đáy biển, nhất là những rặng san hô cổ hay dùng hóa chất, dùng mìn trong đánh bắt đã phá hoại ngôi nhà của hải sâm.
“Khi mất nhà, sức chống chịu của hải sâm với sóng lớn sẽ bị giảm đi. Những đợt thay đổi lớn về thủy triều, sóng lớn dưới bề mặt sẽ quét những gì dưới đáy biển lên, cuốn theo cả hải sâm và đẩy tất cả vào bờ”, ông Long nói.
Tiến sĩ Đỗ Văn Tứ, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng đưa ra giả thuyết tương tự rằng, có thể môi trường sống của hải sâm tại khu vực này đã bị phá hủy hoặc ô nhiễm từ việc dùng hóa chất hoặc chất nổ để đánh bắt của ngư dân.
“Trong điều kiện môi trường bình thường, ít khi hải sâm bị đánh dạt khỏi môi trường sống của mình. Chỉ khi hải sâm đã yếu hoặc môi trường sống bị phá hoại thì mới có hiện tượng dạt vào bờ và chết hàng loạt”, tiến sĩ Đỗ Văn Tứ nói.
http://drive.kenh9.tv/http/1200x1200/tinhhoa.net-BIsd9o-20150921-viet-bai-moi.jpg
Người dân kéo ra bãi biển thu lượm hải sâm.

Lưu tâm đến vấn đề chất thải
Đó là ý kiến của giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Theo giáo sư, một nguyên nhân có thể nghĩ đến về hiện tượng hàng nghìn con hải sâm chết dạt vào bờ là vấn đề ô nhiễm môi trường sống vốn cần sạch sẽ của loài sinh vật này.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, với những hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản sôi nổi hiện nay ở Phú Quốc, cần phải hết sức lưu tâm đến vấn đề rác thải.
“Tại các khu vực đông dân, đông khách, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng sôi động, nếu không giải quyết được vấn đề rác thải, cứ đem rác đổ xuống biển thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu như đã thấy”, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cảnh báo.
Không nên ăn hải sâm chết
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho biết đây là mùa sinh sản của hải sâm. Mùa sinh sản này thường kéo dài khoảng 2 tháng, cũng là thời điểm bùng nổ về số lượng hải sâm.
Tuy nhiên, thời điểm này nên tránh việc khai thác bởi hải sâm là một mắt xích trong quá trình vận chuyển vật chất dưới đáy biển, nếu tận diệt thì sẽ làm mất đi sự cân bằng, làm biến động vòng tròn khép kín trong chu trình này.
Ngoài ra, theo ông Long, việc khai thác này cũng làm mất đi tính tự bảo vệ của hệ sinh thái san hô dưới đáy biển.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cũng đưa ra cảnh báo, Việc ăn những con hải sâm chết sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hải sâm chết sẽ biến đổi rất nhanh, cơ thể chúng có thể chứa nhiều tảo độc, nấm độc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
http://drive.kenh9.tv/http/1200x1200/tinhhoa.net-buJAiO-20150921-viet-bai-moi.jpg
Hải sâm được thu gom và rao bán.

Trước đó hồi tháng 3, tại bờ biển Hà Tĩnh cũng xuất hiện hàng chục tấn sò lông, ốc biển ở vùng biển Hà Tĩnh chết không rõ nguyên nhân, bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là lần đầu người dân nơi đây chứng kiến việc các loại thủy, hải sản chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.
Kỳ Ninh là xã có lượng sò lông, ốc chết nhiều nhất, trải dài dọc bờ biển khoảng 50m, chất nhiều lớp, phủ dày 7-10cm. Nhiều đống vỏ sò được người dân gom lại cao khoảng 4cm. Ở hai xã còn lại, lượng vỏ sò, ốc chết cũng phủ trắng bờ biển.
Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, hàng trăm nghìn người dân Việt Nam đang sống dựa vào việc đánh bắt hải sản. Vậy nên chúng ta cần quan tâm hơn vào việc bảo vệ môi trường và sinh thái biển.


Theo Tuổi Trẻ