PDA

View Full Version : Vu Lan - Ngày Lễ Cha Mẹ của Người Việt



giavui
08-28-2015, 05:36 PM
Vu Lan - Ngày Lễ Cha Mẹ của Người Việt




http://saigonecho.com/images/2015/DoiSong/levulan.jpg



Nhân dịp Rằm Tháng Bẩy âm lịch với Ngày Lễ Vu Lan năm nay, cũng được xem là Ngày Cha Mẹ của người Việt, hãy tìm hiểu sơ lược ý nghĩa Ngày Cha Mẹ, nhất là sự thực hành về: Đạo Hiếu, Trách Nhiệm và Cách Xử Sự giữa cha mẹ và con cháu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Với quan điểm giáo dục của Phật giáo và sách thánh hiền, hy vọng các mối quan hệ nhân sinh dần được cải thiện để gia đình, đoàn thể, và xã hội được an lành.

1. Mùa Vu Lan là Mùa Báo Hiếu: nhắc Phật tử đền đáp Tứ Ân. Đó là Ân cha mẹ ông bà, Ân thầy bạn, Ân quốc gia xã hội, và Ân tam bảo. Khi cha mẹ còn sống, con hiếu hạnh làm vui lòng cha mẹ bằng cách làm những việc phải; nếu cha mẹ xúi giục làm việc trái, con không theo. Khi cha mẹ qua đời, con cháu càng kiểm soát 3 nghiệp (ý, khẩu, thân) chặt chẽ, để không sa vào lưới mê xấu ác, lại hành thiện, và dốc lòng niệm Phật, tụng kinh để hồi hướng công đức và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ giải thoát.
a) Ân Cha Mẹ và Ông Bà: Phật Giáo có 3 chữ Hiếu là Tiểu Hiếu, Trung Hiếu, và Đại Hiếu.

- Tiểu Hiếu: là điều cơ bản cần bàn nhiều nhất, trước khi nói đến cái Trung và Đại. Tiểu Hiếu là chăm nom, săn sóc ân cần với nét mặt hiền hòa; ở bên cạnh khi ông bà, cha mẹ đau ốm hoặc gặp chuyện buồn; nói lời dịu dàng, đàn hát, vẽ tranh, nấu món ăn chay cha mẹ thích, đọc sách có tính hướng thiện cho cha mẹ nghe, giúp cha mẹ làm việc thiện, đưa cha mẹ đến xem các nơi văn hóa, lịch sử, các cảnh thiên nhiên yên tịnh... tùy phương tiện mà chọn cách nào làm cho ông bà, cha mẹ vui lòng.

Vì có những người con, háo danh “hiếu thảo” hoặc do áp lực bên ngoài xã hội, tuy cũng tặng tiền, mua mang vật thực (dù đắt giá) đến cha mẹ, nhưng nói lời dằn xóc, to tiếng, trợn mắt, điệu bộ tức giận, khuôn mặt bất mãn... (vì bất cứ lý do nào), thì cũng Tổn Đức, vì không có Sự Kính Trọng và Tâm Từ Ái bên trong.

Lại có con bỏ mặc hoặc không chăm sóc cha mẹ tận tình khi còn sống, đến khi cha mẹ mất thì rủ nhau góp tiền làm đám tang to, lễ lớn, trong nhà chùa, nhà thờ... để xóa bớt mặc cảm tội lỗi (guilt trip) trước đây đối với cha mẹ hoặc lấy tiếng với thế gian. Còn việc thật lòng cần làm như tự thân ăn chay, tụng kinh, niệm Phật 49 ngày, ấn tống kinh Phật hữu ích (không in các nội dung mê tín, dị đoan), nghĩ nói chánh trực, ăn ở ngay thẳng, làm việc thiện, giúp người xứng đáng... để hồi hướng công đức cho cha mẹ thì bỏ lơ. Cha mẹ thà có con nghèo mà hiếu thảo chân thật. Vạn Sự Do Tâm.

- Trung Hiếu: là người con biết hướng dẫn cha mẹ học Phật Pháp và khai mở Trí Huệ, Tâm Thiện và sự Chánh Trực tăng tiến, biết phải trái, hành xử có nhân cách, không phạm luật, giúp cuộc sống của cha mẹ và của mình bớt tai họa, được an nhàn, hiểu và làm những gì hợp với Đạo Lý của Nhân Sinh. Cha mẹ sáng suốt không tự mình làm hoặc chỉ bảo con cháu lạm dụng của công, không bị đứa con xấu nịnh hót mà gây ra sự bất công giữa các con, hoặc vì con mà làm tổn thương người đạo đức, chia rẻ hội đoàn, xã hội.

- Đại Hiếu: chính là người con (đã trưởng thành) biết tự sửa thân tâm hằng ngày, làm gương tốt cho con mình và gia đình noi theo, bằng hành động cụ thể, chứ không nói suông. Xa hơn là không bỏ phí thì giờ tụ tập với bạn ác; ngoài kế sinh nhai, giải trí, luôn lo học hỏi Phật pháp, thăm hỏi và chăm sóc cha mẹ. Nhưng cao cả nhất là nỗ lực tu hành đắc đạo, có năng lực thần thông nhìn thấy cha mẹ đang ngụp lặn trong biển sanh tử, để có thể hóa thân tiếp độ cha mẹ thoát khỏi cảnh khổ, trở về nơi giác ngộ. Đó mới chính là Đại Hiếu mà nhà Phật muốn hướng đến...

Trái lại, tìm cách tẩm bổ cha mẹ bằng các loại thịt chúng sanh, các món sơn hào hải vị, đưa cha mẹ vào những chốn vui đê mê, không can ngăn cha mẹ làm điều gian dối, tự mình làm các việc sỉ nhục gia đình, hoặc cùng cha mẹ làm những điều tổn hại cho láng giềng, cộng đồng, xã hội, hoặc cùng cờ bạc, rượu thuốc, trai gái; cũng không ủng hộ cha mẹ giúp người, phóng sinh hoặc cứu vớt thú vật bị ngược đãi, làm cho cha mẹ mất hết công đức, nghiệp quả nặng nề, thì không còn là Đạo Hiếu nữa, mà là Đại Bất Hiếu.

Về phần cha mẹ, đôi khi có thói quen dễ dãi với người ngoài nhưng lại khó khăn với con cháu trong nhà. Nếu con của hàng xóm sơ ý làm rơi bể chén cơm, cha mẹ thường vui vẻ nói: “Không sao, để bác lấy chén khác.” Nhưng nếu con cháu mình thì sẽ nổi giận: “Sao vô ý vậy? Có chén cơm mà cầm không xong...” Lần sau, cha mẹ nên tập dằn lòng để khoan thứ với con cháu mình y như với con người ngoài, không luôn đòi hỏi con mình phải tài giỏi hơn. (Let go of your higher expectations on your own children sometimes).

b) Ân Thầy Cô và Bạn Hữu: Theo văn hóa Việt Nam, thầy cô mở rộng kiến thức cho ta lúc đầu, bằng cách dạy đọc dạy viết, dạy biết kính trọng lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô, và người lớn tuổi. Khi lớn hơn thì Thầy Cô dạy ta điều hay lẽ phải, thực hành Đạo Làm Người, để ta trở nên người con hiếu và công dân hữu dụng, không ăn bám cha mẹ và lợi dụng xã hội. Vì không biết Đạo Làm Người trước, thì không thể đi vào các đạo khác như Đạo Phật, Chúa, Hòa Hảo, Cao Đài... Bạn hữu tốt thì chỉ dẫn các sai trái của ta, vui mừng khi ta thành công, an ủi khi ta gặp nạn, khuyên ta tránh Tà theo Chánh, để cùng mạnh dạn làm những Điều Hay, Lẽ Phải, cho bản thân và xã hội. Dĩ nhiên, bạn chân chính, bạn hiền rất khó tìm trong thời tranh danh đoạt lợi này, nên nếu có, ta nhớ liên lạc và lưu giữ bạn.

c) Ân Quốc Gia Xã Hội: Được sống với nhân quyền, trong một quốc gia độc lập, có biên cương rõ rệt, có toàn vẹn lãnh thổ, không lệ thuộc ngoại bang bóc lột, lại được vui hưởng tự do, dân chủ là điều vạn phước, ta phải làm tròn Bổn Phận Công Dân mà đền đáp. Hãy nhìn nước Việt Nam sau năm 1975, dân đi đâu trong nước, phải xin phép; chỉ được khuyến khích theo đạo quốc doanh của nhà nước Hà Nội do Đảng tài trợ với các chùa to đẹp và rộn rịp, còn các chùa và nhà thờ độc lập khác bị ngăn cấm lui tới, nên ít tín đồ, thiếu thốn vật chất lẫn tự do tôn giáo... Mỗi khi có việc cần xin chứng nhận giấy tờ, dân phải quy lụy, nịnh nọt, hoặc hối lộ nhân viên phường khóm và công an VC địa phương. Ra đường lỡ vượt đèn đỏ thì phải lo móc túi lấy tiền ra đưa công an giao thông trước, theo đúng thủ tục “đầu tiên” tức “tiền đâu?”... Vậy đừng cho “đương nhiên là tôi được hưởng tự do, dân chủ ở xứ sở nầy”. Hãy có lòng mang ơn. Và trả ơn quốc gia xã hội (nơi mình được sinh sống tự do) bằng cách học hành và làm việc siêng năng, lo đóng thuế, không lấy của công, giữ sạch các nơi công cộng, giúp đỡ người kém may mắn, tôn trọng mọi người thuộc mọi ngành nghề, vì mỗi người một khả năng phục vụ, không bợ đỡ người có bằng cấp mà khinh thường người lao động tay chân. Nếu không có người làm vệ sinh văn phòng hay đổ rác thì làm sao ta có chỗ sạch để dùng, nhà sạch để ở...?

d) Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng): Nhớ ơn Đức Phật Thích Ca tuy đã thành Phật nhưng chịu khổ nhọc, tự nguyện hạ sinh vào đời ác trược nầy để dạy bảo và cứu độ chúng ta. Là vị Bổn Sư, đi bộ mỏi gối chồn chân, giảng pháp suốt 49 năm ở Ấn Độ, mà ngày nay ta mới có giáo lý Phật Pháp để biết tam độc là Tham, Sân, Si và các hậu quả xấu để tránh. Nhờ Đức Bổn Sư mà ta biết Luật Nhân Quả thông qua 3 đời (quá khứ, hiện tại, và vị lai) để siêng tu học, thực hành, tự cứu mình và cứu người ra khỏi biển luân hồi sinh tử đã từ ngàn kiếp... Nhớ ơn các vị Tăng Ni đạo hạnh đã giữ gìn giới luật, duy trì, và truyền trao giới pháp Phật đến ngày nay cho ta biết mà Tỉnh Ngộ.

2. Lời Phật Dạy: Phật Thích Ca có khuyên ta nên phát tâm cúng dường y phục, vật thực cần thiết và vừa đủ đến các tăng ni, nhưng không cung cấp những gì xa xỉ hoặc quy lụy thái quá, vì sẽ tha hóa tăng ni và làm hại chính mình lẫn đạo pháp.

Có ba cách khác cũng nên làm để đền đáp Ân Tam Bảo là: Bố Thí, Vô Úy Thí, và Pháp Thí. Bố Thí là giúp đỡ tiền bạc vật chất cho người. Vô Úy Thí là giúp người bớt sợ hoặc hết lo sợ; như lỡ làm gì trái luật và đang lo thì có người biết luật đến giải thích và chỉ dẫn ta phải làm gì cho đúng luật, nên ta hết lo sợ. Nhưng Pháp Thí là hình thức cao nhất: ấn tống kinh Phật hữu ích, truyền bá Phật pháp, nhờ thiện tri thức viết bài, giảng pháp Phật cho người hiểu và hành, để họ dần dần ra khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng của cuộc đời. Từ đó, họ sẽ cảnh tỉnh những người khác... Cứ vậy luân chuyển như dòng nước ngược mà lại khéo trôi, tuy khó nhưng vẫn cố, vì TU tức là SỬA, là can đảm quay lại, đi ngược với thói quen dễ dãi cũ, và dứt bỏ những điều ham vui giả dối, những việc làm xấu ác trong quá khứ.

Hằng ngày, ta phải siêng năng, tu sửa, kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người chỉ tu với Phật, chỉ tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền; nhưng đối với gia đình, bạn bè, hàng xóm, cộng sự viên, xã hội, thì dùng thủ đoạn, tranh giành cướp đoạt. Tu như vậy là sai lời Phật dạy. Mục đích chúng ta thờ lạy Phật, là để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn, bắt chước theo Ngài, hầu chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau, bằng Tình Thương và Hiểu Biết, bằng Công Lý và Sự Thật; không thể để Lẽ Phải bị nhận chìm mà không rút ra được một bài học kinh nghiệm cho tương lai, và ngăn ngừa sự tái diễn gian xảo, sai lầm cho những người khác tránh khỏi, sau nầy.

Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải Dùng Chính Thân Mình dạy dỗ con cháu, bằng cách nêu Gương Đạo Đức. Như nước đồng nung chảy rót vào khuôn, khuôn ngay thì ra hình ngay, khuôn méo thì ra hình méo. Nhiều cha mẹ chỉ nuôi mà không dạy, chỉ nói mà không thực hành Điều Ngay Thẳng, Việc Trung Thực... để làm gương dạy con. Nên nhiều con em có tài nhưng ngông cuồng, tự cao, tự mãn, ích kỷ, bồng bột, khinh người. Con em không có thiên tư thì hỗn hào và ương ngạnh. Vì lúc nhỏ đã không uốn nắn con em vào khuôn phép, như nước đồng sôi đổ vào khuôn hỏng thì tất nhiên phải ra đồ hư. Đó là lỗi cha mẹ trước.

Con nhỏ vừa biết nói thì cha mẹ phải dạy niệm danh hiệu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, để những gì xấu ác trong đời trước của con, nay nhờ thiện lực niệm Phật này mà giảm trừ tai họa ngay khi chưa phát sinh, bớt bệnh tật, hoặc tăng thêm phước đức.. Con vừa hơi lớn thì dạy thưa chào lễ phép, dọn dẹp các thứ ngăn nắp, không phá hoại đồ dùng trong nhà, xé sách vở, sát hại sinh vật nhỏ, phóng sanh... thì khi lớn không thể trở nên vô lễ, lười biếng, gian ác, khiến cha mẹ phải nhục lây. Khi con lớn hẳn, nên hướng nghiệp cho con, kèm thêm sinh hoạt vui chơi lành mạnh, dạy thêm lễ nghĩa với họ hàng, người ngoài, và phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Nếu con ỷ mạnh ức hiếp người yếu, phung phí tài sản, hoặc vi phạm luật lệ gia đình, thì phải trách phạt, quyết không bỏ qua. Lại dạy con vun bồi phước đức, không chỉ lo tích giữ tiền của. Ngược lại, nếu cha mẹ hay tranh cãi, không nhường nhịn nhau; con cái không vâng lời, ai cũng luôn cho mình là đúng, không ai nhận mình có lỗi và biết xin lỗi, sẽ dẫn đến bất an, mất hạnh phúc trong nhà. Thiên đường bỗng chốc hóa thành địa ngục.

Các sách thánh hiền như Cảm Ứng Thiên cũng dạy: Thứ nhất là phải Làm Người Tốt, thấy người hiền tài thì không ganh tỵ, mà mong học hỏi họ về nhân cách và đạo đức; thấy kẻ chẳng hiền thì trong lòng phải cẩn thận, lo tự cảnh tỉnh, đừng hùa theo... Thứ hai là phải biết Nhân Quả Báo Ứng, nhất cử nhất động, đều ghi nhận trong Tạng Thức thứ 8, để sẽ nhận lấy nghiệp quả về sau, nên đừng mặc tình khoái ý mà làm... Phải nghĩ việc này có lợi ích chân chánh đối với ta, với người thân, người ngoài, cho đoàn thể, cộng đồng, xã hội hay chăng? Chẳng những làm việc gì cũng như vậy mà khi khởi tâm động niệm cũng phải chú ý. Khởi tâm Lành ắt có công đức, khởi tâm Xấu ắt mắc tội lỗi. Sẽ không tránh thoát.

Kinh Phật lại dạy: Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải dùng thì giờ quán sát, suy tư và thể nghiệm; chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng, và được người trí tuệ tán thán... thì hãy thực hành theo.” Đức Phật dạy tiếp: Này các thiện nam tín nữ, đúng vậy. Vì khi họ không còn lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng... chi phối, chinh phục, họ sẽ không khởi lên ý nghĩ hay hành động bức hại sinh linh, lấy của không cho, quan hệ tình cảm bất chính, đồng lõa, nói láo, che tội, uống rượu, cũng như họ không còn khích lệ người khác làm những điều xấu ác trên. Như Lai tuyên bố sự xa rời ấy, giúp con người sống hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Kết Luận: Theo bài viết - Gia đình muốn hưng thịnh, phải có gia quy - thì nếu con em có tài năng, mà được giáo hóa sẽ dễ trở thành người chánh trực; nếu không khéo giáo hóa, đa phần sẽ thành hạng bại hoại. Ngày nay, dân khổ, nhiều nước gian nan, chao đảo, đều là do những kẻ có tài năng nhưng không được khéo dạy từ trong gia đình, khiến mầm họa bị ươm từ từ... Người không có tài, cần phải dạy họ Thành Thực; với người có tài, càng phải dạy họ thực hành Chân Thực. Lại nữa, khi sống trong Đạo cũng thường bị thử thách và gặp nhiều cảnh khó khăn. Nên Phật dạy nơi nào có Phật Pháp, dù đói rét cũng phải theo Thầy đạo hạnh mà tu học, hoặc giữ lấy nề nếp mà sống thanh bần. Còn nơi rộng lớn có vật chất dư thừa mà thiếu đạo đức, hoặc không được học Phật Pháp, thì nên bỏ đi ngay... Cho nên, nói mặc áo nhẫn nhục chịu khổ là mặc áo Như Lai. Người được như vậy là người chiến thắng bản thân mình. Thắng được vạn quân không bằng thắng chính mình. Tức là vì muốn hướng thiện, cha mẹ và con cháu khuyên nhau tự tu, tự sửa những cái xấu, cái chưa tốt của mình, hằng ngày, hằng giờ: Quyết thắng chính mình là hay nhất.

Lễ Vu Lan, Ngày Lễ Cha Mẹ của người Việt, Tháng 8/2015.
GS Trần Thủy Tiên, M.S. in Counseling & Guidance