PDA

View Full Version : Những ai có nguy cơ thiếu vitamin D?



sophienguyen
07-08-2015, 02:34 AM
Những ai có nguy cơ thiếu vitamin D?






Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vitamin D giúp cơ thể hấp thu và duy trì hàm lượng canxi và phốt pho, những yếu tố thiết yếu để tạo xương. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường không chú ý tới việc bổ sung đủ loại vitamin này.

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thiếu vitamin D đang xuất hiện ở trẻ em mọi lứa tuổi cũng như ở người lớn.

Theo báo cáo về tình trạng thiếu vitamin D của nhiều quốc gia trên Thế giới cho thấy, thiếu vitamin D đã trở thành vấn đề toàn cầu. Khoảng 1/7 dân số toàn thế giới có hàm lượng vitamin D trong máu thấp hơn mức chuẩn.


Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nồng độ vitamin D trong máu thấp có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, loãng xương, vẩy nến, viêm đường ruột... hoặc các loại ung thư khác nhau ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống.


http://images.vnmedia.vn/images_upload/2015/vnm_2015_147579.jpg
Thiếu vitamin D gây nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa.



Các đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D do không tổng hợp đủ vitamin D từ ánh sáng mặt trời hoặc do không nhận đủ vitamin D từ thực phẩm bao gồm:

- Trẻ sơ sinh: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ nhưng hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp. 1 lít sữa mẹ thường chỉ chứa 25 IU vitamin D, không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ (hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ phụ thuộc vào dự trữ vitamin D của mẹ, phụ nữ uống bổ sung vitamin D liều cao có thể có hàm lượng vitamin D trong máu cao hơn).
- Người cao tuổi: Nhóm này thường ít ra ngoài trời, da không thể tổng hợp vitamin D một cách hiệu quả và sử dụng ít thực phẩm giàu vitamin D.
- Người ít ra nắng hoặc có thói quen che kín toàn bộ cơ thể khi ra ngoài trời cũng thường bị thiếu vitamin D.

- Người có da sẫm màu: Hàm lượng lớn melanin trong lớp biểu bì làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời.
- Người béo phì: Béo phì không ảnh hưởng tới khả năng tổng hợp vitamin D của da nhưng do lượng mỡ dưới da của những người này rất lớn nên một phần lớn vitamin D sẽ bị lưu giữ ở đây, làm giảm lượng vitamin D được giải phóng vào máu.

Dấu hiệu thiếu vitamin D

Trầm cảm: Phụ nữ có mức độ thấp của vitamin D tăng gấp đôi nguy cơ trầm cảm so với nam giới. Do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chúng ta dễ bị thiếu hụt vitamin quan trọng này, dù có ăn chế độ lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Tính khí thất thường: Cần biết rằng vitamin D có ảnh hưởng đến nồng độ serotonin trong não, gây ảnh hưởng đến tâm trạng. Serotonin còn có tên gọi là hoóc môn hạnh phúc, suy giảm serotonin khiến tâm trạng buồn chán hoặc dễ cáu giận, không thể kiểm soát được cơn bốc đồng.
Cơ bắp yếu: Những người có sức khỏe cơ bắp yếu là do thiếu hụt vitamin D trầm trọng, bởi đây là dưỡng chất rất cần cho cơ xương hoạt động đúng chức năng, không bị suy nhược.

Bệnh thận mãn tính : Nguyên nhân khiến bệnh thận mãn tính tiến triển (nhất là nhóm người phải chạy thận) là do cơ thể không thể tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết dẫn đến tình trạng thiếu hụt kinh niên.

Bệnh về xương: Ở trẻ em, bệnh về xương được gọi là còi xương, trong khi đó ở người lớn được gọi là loãng xương. Cả hai bệnh này đều liên quan đến sự suy yếu của xương. Khi vitamin D, canxi không được hấp thu đủ, bệnh xương có thể xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong thực tế, một số nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin D thấp có thể tăng gấp đôi nguy cơ gãy xương ở người lớn tuổi.
Cao huyết áp: Theo nghiên cứu, phụ nữ có mức vitamin D thấp, nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp lên đến 67% so với những người không thiếu hụt vitamin D.

Nguồn cung cấp vitamin D

Vitamin D là nhóm các vitamin hòa tan trong dầu, trong đó quan trọng nhất là vitamin D2 (ergocalciferol) hay tiền vitamin D và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 và D3 được đưa vào cơ thể qua các thực phẩm tự nhiên, thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, ngũ cốc...) và các chế phẩm vitamin D. Cơ thể cũng có thể tổng hợp vitamin D (đặc biệt là D3) ở da từ cholesterol, khi da tiếp xúc đủ với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.

Vitamin D có sẵn trong một vài thực phẩm như cá béo, gan bò, pho mát, lòng đỏ trứng và một số loại nấm. Cá béo là nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất, ví dụ 100 g cá hồi nấu chín chứa 360 IU vitamin D (90% nhu cầu vitamin D hàng ngày). Một số loại cá béo giàu vitamin D khác là cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm, cá chép. Vitamin D cũng thường được bổ sung vào sữa và ngũ cốc ăn sẵn