PDA

View Full Version : Chăm sóc móng: một nghề hái ra tiền của người Việt ở Châu Âu



khieman
05-11-2015, 11:44 PM
.


Chăm sóc móng: một nghề hái ra tiền
của người Việt ở Châu Âu
RFI, Lê Hải



http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_169_medium/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/DSC_0148.jpg (http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_169_medium/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/DSC_0148.jpg)

Một tiệm chăm sóc móng của người Việt ở Anh.
(DR)


Ở thủ đô Vacxava của Ba Lan, hầu như cứ mỗi tháng lại khai trương thêm một tiệm "nails", tức là tiệm chăm sóc móng tay.

Đây là làn sóng thứ tư trong các bước phát triển của ngành nails Việt Nam ra thế giới, bắt đầu với làn sóng đầu tiên ở Hoa Kỳ, tiếp theo là bước phát triển thứ hai ở Anh, rồi đến bước thứ ba là Đức và cộng hòa Séc, và bây giờ là ở các nước bên ngoài rìa như Ba Lan và Ukraina ở đông Âu, hay Tây Ban Nha, Na-uy và Thụy Sĩ ở tây Âu, và cả Israel ở vùng Trung Đông.

Khi nói đến việc kinh doanh của người Việt ở nước ngoài thì người ta thường nhắc đến các tiệm chăm sóc móng tay Việt Nam có mặt ở hầu hết các nước giàu trên thế giới. Đây thực sự không phải là những công việc nhỏ lẻ mà thực sự là một ngành công nghiệp dịch vụ với tầm liên kết toàn cầu. Mặc dù mỗi tiệm "nails" là của một chủ tư nhân nhưng tất cả các tiệm đó hầu như được nối kết lại với nhau thông qua hệ thống cung cấp thiết bị và nguyên liệu, cũng như mạng lưới các mối quan hệ gia đình và làng xóm xuyên biên giới.

Mối quan hệ đồng hương xuyên quốc gia

Ở Anh ta có thể thấy chuyện anh em vợ chồng trong gia đình mỗi người một tiệm chăm sóc móng tay mở gần nhau vừa làm chủ được giá cả hay quan hệ với khách hàng, vừa chủ động trong việc luân chuyển lao động cho phù hợp với lưu lượng khách trong ngày. Mối liên kết theo kiểu gia đình hay chiến hữu giữa các tiệm đó cũng tạo thuận lợi cho việc mua hàng với số lượng lớn để được giảm giá, hay là mở chiến dịch hút khách để cạnh tranh với đối thủ. Và quan trọng nhất, mối quan hệ đồng hương chính là cầu nối để các tiệm tuyển nhân viên từ nước khác sang, ví dụ như trường hợp người Việt từ Ba Lan sang làm việc cho người Việt ở Anh.

Rất nhiều tiệm chăm sóc móng tay ở Anh đang thiếu nhân viên cho mùa cao điểm vào mùa hè tới đây, và khá nhiều người Việt ở Ba Lan có quốc tịch trong khối Liên Hiệp Châu Âu nên có quyền làm việc ở Anh không cần xin giấy phép, vấn đề chỉ là dàn xếp trong thời gian dạy nghề. Khi mới sang thì nhân viên không có chỗ ở và cũng không biết nghề, chủ tiệm cần phải mất vài tháng để đào tạo.

Và chính các mối quan hệ quen biết hay tốt nhất là đồng hương và họ hàng sẽ giúp người chủ yên tâm là sau thời gian đào tạo nhân viên mới sẽ ở lại làm việc cho mình chứ không bỏ sang nơi khác hoặc thậm chí mở tiệm ngay bên cạnh để cạnh tranh. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản để nhìn thấy mối liên hệ xuyên quốc gia trong ngành chăm sóc móng tay của người Việt ở Châu Âu.

Văn hóa gia đình, làng xã, đồng hương và dân tộc chính là xương sống mà theo khái niệm mà các chuyên gia phát triển kinh tế gọi là vốn xã hội giúp hình thành nên ngành "nails" Việt trên thế giới. Ban đầu đó là nghề phổ biến cho người Việt ở Mỹ và họ dần làm chủ được cả công nghệ và nguồn thiết bị. Các trường dạy nghề chăm sóc móng tay và cửa hàng cung cấp thiết bị được người Việt ở Mỹ mở ra từ vài chục năm trước, và một trong số những nơi sản xuất thiết bị phù hợp là Nhật Bản và Hồng Kông, nơi cũng có người Việt sống và tạo ra các mối liên lạc xuyên quốc gia.

Anh quốc: điểm đến thứ hai của nghề chăm sóc móng của người Việt

Khi ngành may mặc của người Việt ở Anh chấm dứt vì nhà xưởng đã chuyển dần sang Ấn Độ, thì mối quan hệ giữa họ với người Việt ở Mỹ đã nhanh chóng tạo ra hệ thống cửa hàng ở Anh. Đó là trào lưu phát triển thứ hai cho ngành "nails" Việt.

Tại Luân Đôn, người ta sẽ thấy rất nhiều tiệm chăm sóc móng tay có bảng hiệu theo kiểu Mỹ, từ cờ Mỹ cho đến tên gọi như là American Nails, Texas Nails, Cali Nails. Nếu quản lý tốt và có địa điểm tốt, thì một tiệm chăm sóc móng tay có thể đem về cho người chủ vài trăm ngàn euro mỗi năm. Số tiền đầu tư ban đầu vào khoảng vài chục ngàn, với mỗi chiếc ghế mát-xa và chăm sóc bàn chân giá trên dưới 2.000 euro, bàn và máy bào tốt giá khoảng 500-1.000 euro. Còn lại là tiền trang trí, lắp đặt, và phí chuyển nhượng cũng như là thuê mướn cửa hàng.

Nhiều người bắt đầu vào nghề bằng cách thuê lại một góc trong tiệm cắt tóc, gọi là đặt bàn. Khi nhìn thấy nhu cầu của khách hàng tiếp tục gia tăng, nhiều chủ tiệm làm tóc tự bỏ tiền ra trang bị góc chăm sóc móng và mời người Việt đến làm theo kiểu ăn chia phần trăm và như vậy những người mới có thể vào nghề mà không mất vốn, chỉ cần tay nghề vững vàng.

Đến khi đủ khách và vốn liếng thì tiệm "nails" Việt sẽ tự tách ra và thuê riêng một cửa hàng, rồi tìm nhân viên từ các nước khác sang. Người nhập cư từ Việt Nam thường là bất hợp pháp nhưng cũng có nguồn lao động hợp pháp như là sinh viên sang học có quyền đi làm, hay những người lấy chồng nước ngoài sang Anh sống, và nhất là người Việt có quốc tịch ở các nước thành viên trong khối Liên Hiệp Châu Âu có quyền lao động ở Anh, sẵn sàng sang đây vì thu nhập cao hơn.

Đức, Cộng hòa Séc: cơ hội đổi vị thế từ "thợ" thành "chủ"

Với những người không có điều kiện sang Anh làm việc, thì giải pháp họ chọn thường là nhờ người quen hay thân nhân từ Anh sang giúp mở tiệm. Đó là đặc điểm của làn sóng thứ ba, khi ngành nails Việt bùng nổ ở Đức và cộng hòa Séc. Trong một chuyến đi nghỉ, chủ tiệm nails ở Anh có thể sang thăm người thân ở Châu Âu và dạy nghề, chuyển giao công nghệ. Chỉ cần một chiếc xe van tự lái là có thể chở theo đủ một vài bộ bàn ghế và thiết bị để trang bị cho tiệm nails ở Đức hay Tiệp.

Công dân Anh cũng có quyền làm việc ở các nước đó, cho nên một số thợ làm móng sẵn sàng đi sang EU và liên kết với những người Việt sống tại chỗ để mở tiệm"nails" mới, như là Thụy Sĩ, Na Uy, Israel hay đặc biệt là Tây Ban Nha, nơi có các khu nghỉ trên bãi biển chỉ toàn du khách người Anh, tức là các khách hàng sẵn có.

Mặc dù giá làm móng ở các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu không cao bằng ở Anh nhưng chi phí cũng thấp hơn và được đổi vị trí từ thợ lên thành chủ, và mở ra thêm cơ hội tuyển nhân viên hay lập gia đình cho nên cũng có nhiều người ở Anh chọn giải pháp này. Để phục vụ cho nhu cầu đó, các cửa hàng supply ở Anh cũng sang Đức hay cộng hòa Séc liên kết để bán hàng tại chỗ.

Nghề chăm sóc móng: một thương hiệu của người Việt ở hải ngoại

Các công ty lớn ở Mỹ như SNS cũng cử chuyên viên sang tập huấn để kết nối với khách hàng và tăng doanh số. Một trong số những người kinh doanh thiết bị nails thành công ở Đức là bà Nguyễn Thị Hà đã dùng tên mình làm thương hiệu để đi sâu hơn nữa vào ngành nails của người Đức, với các mối hàng từ Trung Quốc hay Mỹ, và một số thiết bị có thể sản xuất hay lắp ráp ngay tại Đức. Đó là những điều kiện ban đầu về kinh tế để ngành "nails" Việt lại tiếp tục phát triển ở các nước Đông Âu như Ba Lan.

Cách đây một năm, cửa hàng Hà Nails đã cùng với trung tâm thương mại Polska của người Việt ở Ba Lan tổ chức buổi giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm ngành chăm sóc móng, và tạo ra cầu nối ban đầu cho những ai muốn chuyển sang kinh doanh trong ngành này khi thị trường quần áo ở Ba Lan bắt đầu bão hòa và không thể cạnh tranh nổi với các tập đoàn quốc tế lớn. Mức sống và thu nhập ở Ba Lan cũng cao hơn trước cho nên ngành chăm sóc móng đã có đủ một lượng khách cần thiết để phát triển.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chính hệ thống ngành nails Việt ở các nước phát triển đã tạo ra một nhu cầu mới về làm đẹp. Nếu trước kia các tạp chí phụ nữ rất ít nhắc đến chuyện móng tay móng chân thì giờ đây liên tục tặng kèm các loại sản phẩm mới, đặc biệt là công nghệ sơn shellac từ công nghệ sơn và gốm, chiếu đèn cực tím dùng để sơn xe hơi, hay trong ngành nha khoa để phủ trắng men răng.

Nếu để ý kỹ hơn thì chính các bộ phim Hollywood đã tạo ra một cái nhìn hoàn toàn mới về những bộ móng tay. Ban đầu người ta sử dụng bột nhựa pha với dung dịch hòa tan để đắp lên móng tạo ra dáng vẻ cứng cáp và bề mặt phẳng đẹp. Sau này do phát hiện thấy ảnh hưởng của chất liquid này đối với sức khỏe của thợ làm móng mà các hãng sản xuất đã thay bằng nhiều loại công nghệ mới, như là đắp bằng gel của ibd, hay bột nhúng của sns, và thời thượng nhất là sơn shellac của cnd.

Ngành "nails" Việt đã nhanh chóng làm chủ các loại công nghệ đó và chiếm ưu thế trên thị trường, bên cạnh yếu tố giá cả và thái độ chăm sóc ân cần, dịch vụ chu đáo. Nghề chăm sóc móng của người Việt đang tiếp tục tiến dần sang các thị trường mới cho tầng lớp trung lưu như Ukraina.

Một bộ móng tay hợp thời trang cũng giống như một bộ tóc đắt tiền đang trở thành tiêu chuẩn sắc đẹp nơi công sở, và theo trào lưu toàn cầu hóa cũng di chuyển dần ra khắp nơi trên thế giới. Quan trọng nhất, là sự phát triển của ngành chăm sóc móng toàn cầu gắn liền với thương hiệu của người Việt, cũng giống như ngành mát-xa của người Thái Lan, và ngành châm cứu của người Trung Quốc, tạo ra bức tranh đặc sắc cho thế giới đương đại.

Vốn văn hóa: tài sản quý giá để lập nghiệp

Trong số các nghiên cứu về người Việt ở nước ngoài có luận văn thạc sĩ của anh Stephen Samuel James, mà hiện đang tiếp tục phát triển thành luận văn tiến sĩ ở California, Hoa Kỳ. Vốn sinh ra ở Sài Gòn và nói tiếng Việt với chất giọng đặc sệt Gia Định của khu vực chợ Bà Chiểu, trong thời gian sống và nghiên cứu ở London, anh đã say mê với những tiệm nails Việt và mối quan hệ của họ với người Việt ở các nước khác. Quan hệ chính là vốn văn hóa và cũng là tài sản quí giá để lập nghiệp trong thế giới toàn cầu.

Trong vài năm trở lại đây, các nghiên cứu cơ bản để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam của các định chế quốc tế như là World Bank và UNDP cũng thường nhắc đến khái niệm vốn văn hóa và vốn xã hội. Tính ra nguồn kiều hối đổ vào Việt Nam cũng ngang bằng lượng tiền mà các doanh nhân nước ngoài đem vào Việt Nam theo dạng đầu tư trực tiếp. Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái, nguồn kiều hối không hề giảm mà còn tiếp tục tăng, một phần là nhờ vào ngành chăm sóc móng đang tiếp tục phát triển sang các nước Đông Âu, Bắc và Nam Âu sau khi đã đứng vững ở Anh và Đức.

Để mở tiệm chăm sóc móng, thực sự không cần nhiều vốn ở dạng tiền bạc, nhưng cần rất nhiều vốn ở dạng xã hội và văn hóa, ví dụ như là tình đồng hương hay quan hệ gia đình khiến người ta sẵn sàng giúp nhau học nghề, chuyển giao công nghệ, trang bị máy móc và quan trọng nhất là kinh nghiệm để ngay lập tức thành công mà không phải trải qua giai đoạn thất bại.

Nghề này cũng dễ học và phù hợp với tất cả mọi người. Khi vào một tiệm chăm sóc móng của người Việt ở Luân Đôn, người ta có thể gặp từ các em sinh viên mới từ Việt Nam sang đi làm thêm giờ trong ngày nghỉ, lẫn những người đứng tuổi đi làm thêm vài ngày để thoải mái chi tiêu hay đi nghỉ và đi chơi.

Trong số những người coi nghề chăm sóc móng là nguồn thu nhập chính thì có đến một nửa là đàn ông. Thường thì thợ làm móng mất khoảng vài tháng để học nghề và tìm một tiệm của người Việt để làm thuê và học kinh nghiệm quản lý trong khoảng một năm. Sau đó họ tự ra mở tiệm riêng, bắt đầu bằng cách kết hợp với một tiệm cắt tóc , gọi là đặt bàn, ăn chia theo doanh số, và đủ tiền thì sẽ đầu tư để thành tiệm chỉ chuyên làm "nails".

Khi đó thì tiệm nails này sẽ cần nhân viên và thợ học việc, mà từ nhu cầu đó sẽ đón người nhà hoặc đồng hương cùng quê sang. Khi doanh nghiệp phát triển thì chủ tiệm sẽ tiếp tục mở thêm cơ sở mới, và tùy theo mối quan hệ xã hội có thể sẽ là một tiệm ở nước ngoài. Lãnh thổ các nước thành viên trong khối Liên Hiệp Châu Âu là địa bàn rất lớn để mạng lưới tiệm chăm sóc móng Việt Nam tiếp tục phát triển.


Thứ tư, ngày 06, tháng 5, năm 2015
RFI, Lê Hải