duyanh
03-28-2015, 01:00 PM
Trước vụ rơi máy bay của hãng Germanwings khiến 150 người thiệt mạng, cơ phó Andreas Lubitz từng nói với bạn gái cũ rằng "có ngày tất cả mọi người sẽ biết tên anh".
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2015/03/28/RLxT7YI3.jpg
Andreas Lubitz thi chạy marathon ở Lufthansa năm 2013 - Ảnh: Bild
Theo AFP ngày 28-3, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild (Đức), nữ tiếp viên hàng không Maria W, 26 tuổi, cho biết khi nghe tin về vụ rơi máy bay, cô chợt nhớ lại lời Andreas Lubitz nói với cô 1 năm trước.
Nội dung câu nói của anh này khi đó là: "Có ngày anh sẽ làm điều gì đó làm thay đổi toàn bộ hệ thống, tất cả mọi người sẽ biết và nhớ tên anh".
Theo Bild, năm ngoái Maria W từng bay cùng Lubitz trên các chuyến bay châu Âu trong 5 tháng, và hai bên đã nảy sinh tình cảm trong thời gian này.
Sau đó họ chia tay vì Lubitz ngày càng cho thấy rõ mình "có vấn đề", theo Maria W. Cô kể thêm rằng vào ban đêm, Lubitz từng thức dậy la hét "chúng ta đang lao xuống" và hay bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng.
Theo Maria W, nếu Lubitz cố tình đâm máy bay, thì nguyên nhân khiến anh ấy làm điều đó là anh nhận thấy sức khỏe của mình "cản trở" ước mơ trở thành cơ trưởng và phi công đường dài tại Lufthansa.
Trước đó, Bild cũng thông tin Andreas Lubitz từng phải dừng quá trình đào tạo phi công cách đây sáu năm vì bị “các vấn đề về tâm lý”. Trong quá trình học, Lubitz từng phải học lại một số lớp vì bị trầm cảm nhưng cuối cùng cũng hoàn thành khóa đào tạo.
Ngày 24-3, chuyến bay số hiệu 4U9525 của Hãng hàng không Germanwings (Đức) đã lao vào vách núi làm toàn bộ 150 người trên máy bay thiệt mạng.
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy nhiều khả năng cơ phó Andreas Lubitz đã chủ động cho máy bay rơi sau khi cơ trưởng ra ngoài đi vệ sinh.
duyanh
03-28-2015, 01:10 PM
http://static.new.tuoitre.vn/tto/r/2015/03/28/TDMUfRFK.mp3
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2015/03/28/c90LfDTo.jpg
Thu giữ mảnh vỡ của máy bay Hãng SilkAir trên sông Musi năm 1997 - Ảnh: AFP
Một trong những điều lo lắng nhất là sự bắt chước. Con người ta thường nghĩ tới việc làm gì đó vì đã có những người khác làm như vậy
“Phi công tự tử” đầu tiên
Theo Independent, cái tên Younes Khayati có thể không được ai nhớ tới khi nhìn về lịch sử hàng không. Nhưng viên cơ trưởng 32 tuổi người Morocco này lại chính là phi công đầu tiên bị cho là đã tự giết mình và sát hại toàn bộ hành khách trên chuyến bay do anh ta điều khiển.
Rối loạn tâm thần
Nếu nhìn ở phương diện tình huống, cơ phó Lubitz là phi công châu Âu đầu tiên có hành vi tương tự những phi công tự sát trước đó. Theo tiến sĩ Phillip Hodson, nghiên cứu sinh tại Hiệp hội Tư vấn và trị liệu tâm lý Anh, ý muốn mạnh mẽ tự giết mình và kéo theo cả một nhóm người khác ngẫu nhiên trong tình huống nào đó chỉ có thể giải thích vì “sự tức giận hay rối loạn tâm thần”.
Tiến sĩ Hodson lý giải: “Một phi công tự sát có thể đã rất tức giận và quyết tâm muốn trả thù sếp của anh ta theo cách kinh hoàng nhất. Điều đó khiến anh ta trở nên mất nhân tính và không còn nghĩ gì tới các hành khách khác”. Cũng theo ông Hodson, trong cuộc sống bình thường, con người ta hoàn toàn có thể có những lúc rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần như vậy.
Ngày 21-8-1994, Younes Khayati đã lao chiếc máy bay số hiệu 630 của Hàng không hoàng gia Morocco cùng toàn bộ 43 người trên đó vào dãy núi Atlas phía bắc châu Phi.
Suốt 60 năm đầu tiên, kể từ khi ngành hàng không dân dụng bắt đầu đi vào đời sống từ những năm 1930, lịch sử hàng không thế giới không ghi nhận bất cứ trường hợp phi công tự sát nào theo cách thảm sát tất cả hành khách như thế.
Trước đó cũng từng có một số trường hợp phi công tự sát khi bay một mình.
Cũng có trường hợp phi công người Nga đánh cắp chiếc Antonov rồi lao vào khu căn hộ là nơi ở của người vợ anh ta đã ly hôn, khiến 12 người thiệt mạng năm 1976.
Nhưng Khayati là trường hợp phi công đầu tiên bị nhà điều tra khẳng định đã tự sát và khiến hơn 40 hành khách vô tội phải chết theo khi lao chiếc máy bay ATR-42 vào dãy núi Atlas ngay sau lúc cất cánh khỏi Casablanca.
Cũng từ sau vụ việc đó, giả thuyết “phi công tự tử” đã được nhiều người chấp nhận như một cách lý giải có thể tin được trong một số thảm kịch máy bay.
Cũng đã có người cho rằng đây là nguyên nhân phía sau vụ mất tích bí ẩn chiếc MH370 của hàng không Malaysia năm ngoái dù đến nay vẫn chưa có gì chứng minh được.
Sự trùng lặp đáng sợ
Năm 1999, cơ phó người Ai Cập Gamil al-Batouti lao chiếc Boeing 767 xuống Đại Tây Dương, cướp đi sự sống của 216 con người.
Điều kinh ngạc là các tình tiết trong vụ đó có những điểm trùng khớp kinh ngạc với vụ máy bay Hãng Germanwings.
Theo The Global And Mail, chỉ sau gần nửa giờ cất cánh khỏi New York hôm 31-10-1999, trong lúc cơ trưởng rời buồng lái đi vệ sinh, cơ phó al-Batouti ở lại một mình và lẩm nhẩm nhiều lần câu nói: “Con phó thác mình cho Chúa Trời” rồi tắt hệ thống tự động điều khiển máy bay.
Sau đó anh ta kéo van điều khiển khiến cả hai động cơ máy bay ngừng hoạt động và mặc cho nó lao xuống Đại Tây Dương, khu vực ngoài khơi đảo Nantucket, bang Massachusetts (Mỹ).
Những dữ liệu ghi âm buồng lái trong hộp đen tìm được sau đó cho thấy cơ trưởng, sau khi trở lại, đã vô cùng hốt hoảng và cố hết sức cứu vãn nhưng không thể. Người ta vẫn còn nghe tiếng cơ trưởng hét lên với cơ phó: “Tại sao anh lại tắt các động cơ?”.
Tuy nhiên cả Chính phủ Ai Cập lẫn gia đình cơ phó al-Batouti đều kiên quyết phản đối kết luận điều tra của Mỹ cho rằng anh này đã cố ý tiến hành cuộc “giết người hàng loạt”. Nguyên do là gì vẫn không ai biết.
Ngoài ra còn phải kể tới vụ cơ trưởng người Singapore Tsu Way Ming đã lao chiếc Boeing 737 với 97 hành khách và sáu thành viên phi hành đoàn xuống sông Musi ở Indonesia vào tháng 10-1997.
Theo The Global And Mail, ngay sau khi máy bay đạt độ cao ổn định, hộp đen ghi âm buồng lái bất ngờ ngừng hoạt động. Sau đó các nhà điều tra xác minh thấy nguồn điện cho hộp đen bị ngắt. Sáu phút sau đó hộp đen ghi lại dữ liệu hành trình bay cũng bị ngắt điện.
Các nhà điều tra Mỹ sau đó khẳng định máy bay không hề hỏng hóc gì và vụ tai nạn rõ ràng là chủ ý của phi công. Viên cơ trưởng của Hãng SilkAir bị cho là nợ nần khá nhiều và muốn tự tử để “thoát nợ”.
Ngày 29-11-2013, cơ trưởng người Mozambique Herminio dos Santos Fernandes bị cho là tự sát và khiến 32 người phải chết theo anh ta khi lao máy bay số hiệu TM470 của Hãng Mozambique Airlines xuống vùng hẻo lánh ở đông bắc Namibia.
Trong vụ này, cơ trưởng chờ cơ phó rời buồng lái thì chốt cửa để hành động.
Yêu cầu luôn phải có 2 người trong buồng lái
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều phi công cho biết họ đã rất sốc khi nhận được tin cơ phó Andreas Lubitz khóa cửa buồng lái và tự cho máy bay lao xuống vì “đó là hành động giết người chứ không đơn thuần là tự sát để giải quyết căng thẳng, khó khăn của mình”.
Một phi công có gần 6.000 giờ lái Airbus A320 của Vietnam Airlines cho biết việc có những rắc rối, khó khăn trong cuộc sống và tình cảm là chuyện ai cũng có thể vướng phải.
Nhưng đã là phi công chịu trách nhiệm sinh mạng của hàng trăm hành khách và tài sản lớn thì phải sắp xếp phiền muộn lo lắng để hoàn tất chuyến bay an toàn.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết trong ngày 27-3 cục đã cho nghiên cứu các biện pháp tăng cường an ninh hàng không theo hướng tăng cường giám sát an ninh nội bộ đối với đội ngũ phi công (rà soát lý lịch, giám sát để phát hiện biểu hiện bất thường của phi công...).
Bên cạnh đó cục sẽ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung các biện pháp an ninh để kiểm soát và hạn chế tình huống uy hiếp an ninh an toàn trong buồng lái.
Ông Thanh cho biết không thể tính đến phương án tăng thêm một phi công trong buồng lái vì hiện nguồn lực về phi công ở VN còn ít và gia tăng thêm chi phí, nhân lực cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên vẫn có thể yêu cầu thành viên của tổ bay là tiếp viên trưởng phải có mặt ở trong buồng lái để đảm bảo “luôn có hai người trong buồng lái”.
Đề xuất này có thể sẽ được áp dụng vì không gia tăng nhân lực và chi phí, cũng như không uy hiếp đến an ninh an toàn cho phi công trong buồng lái.
Còn một đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết hãng áp dụng quy định về phi công và số người trong buồng lái mới được Cục Hàng không phê chuẩn ngày 22-10-2014.
Theo đó có quy định “Trước khi có người lái nào rời buồng lái vì bất kể lý do gì, phải gọi một tiếp viên vào và tiếp viên đó phải ở trong buồng lái tới khi người lái quay lại”.
LÊ NAM
Phi công phụ bị trầm cảm nặng
Truyền thông Pháp và Đức ngày 27-3 tiết lộ viên phi công phụ Andreas Lubitz, người “phá hủy” chiếc máy bay Airbus A320 của Hãng Germanwings, từng phải nghỉ học sáu tháng để điều trị tâm thần vì bị trầm cảm nặng vào năm 2009.
Trong khi đó, giới chức Pháp bắt đầu cho nhận dạng các nạn nhân đã được tìm thấy và tiếp tục tìm kiếm thi thể của nhiều nạn nhân khác vẫn còn nằm đâu đó trong khu vực hẻo lánh dãy Alps. Công việc này dự kiến mất vài tuần.
Theo nhật báo Bild của Đức, trường đào tạo bay của Lufthansa ở Bremen từng nhận xét “Lubitz không đủ điều kiện bay”, nhưng sau đó anh ta vẫn hoàn tất được khóa học và đầu quân cho phân nhánh giá rẻ của Lufthansa là Germanwings vào tháng 9-2013.
Hãng Lufthansa đã không có bất kỳ kiểm tra tâm thần tiêu chuẩn đối với phi công sau khi họ được tuyển dụng chính thức.
Đài CNN dẫn lời người đứng đầu Lufthansa Carsten Spohr cho biết hãng chỉ xem xét tình trạng tâm thần trong đơn xin việc của phi công khi dự tuyển. Lubitz cũng chỉ có khoảng 100 giờ bay loại Airbus A320 trong tổng 630 giờ bay của anh ta.
Giới chuyên gia luật cho biết Hãng Germanwings có thể đối mặt với các khoản bồi thường trên mức trần thông thường theo thỏa thuận quốc tế trong ngành hàng không.
Khoản tiền này phụ thuộc rất nhiều vào việc Germanwings có bảo vệ được mình trước các tuyên bố “tắc trách” mà công tố viên Pháp đưa ra hôm 26-3 hay không.
Theo Reuters, trước mắt Germanwings có thể phải chi đến 22,7 triệu USD cho 144 hành khách tính theo mức trần quy định. Hãng Allianz được cho là hãng bảo hiểm chính trong vụ rơi máy bay này.
MỸ LOAN
Theo tuoitre
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.