sophienguyen
03-02-2015, 02:35 AM
Quê hương đâu phải 'mỗi người chỉ một!'
Tác Giả: Huy Phương
Bỏ lại sau lưng những ngày tháng tù đày, kỳ thị, bất công, đói rách và chờ đợi, và sau một chuyến đi dài mệt nhọc, tôi đến phi trường San Francisco vào sáng ngày 28 Tháng Tám, 1990. Cái cảm giác mát lạnh của thời tiết và không khí êm ả của vùng đất mới đến làm cho tôi cảm thấy khỏe khoắn, phấn khởi nhưng đồng thời không dám nghĩ xa hơn nữa với những tháng ngày đang chờ đợi trước mắt, lo lắng không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao?
http://www.saigonecho.com/images/2014/DoiSong/codongvien_tuccau_my.jpgPhản ứng của một cổ động viên Mỹ sau bàn gỡ huề của Bồ Ðào Nha. (Hình: Scott Olson/Getty Images)
Tôi đã đến Mỹ một lần trước đó như kẻ qua đường, dừng chân lại chốc lát, nhưng hôm nay nước Mỹ là nơi chấp nhận cho tôi dung thân cho hết đời, sau khi chế độ mới trên quê hương đã ruồng bỏ, xô đẩy chúng tôi ra khỏi đất nước. Trong thâm tâm lúc bấy giờ tôi không có khái niệm gì về nước Mỹ, người đã dang vòng tay yêu thương ra cứu vớt và cưu mang chúng tôi, hay là người bạn đã đành đoạn bỏ chúng tôi giữa đường.
Không yêu, cũng không ghét, không háo hức cũng như không lạnh lùng, và lúc bấy giờ tôi cũng không có ý nghĩ nước Mỹ là nơi tôi sẽ thương yêu, gắn bó về sau. Nó giống như một khu nhà mới dọn đến, mà căn nhà và khu vườn sau, như đời sống bề bộn, phải trải qua một thời gian dài, cũng chưa có khái niệm phải dọn dẹp, sinh sống nơi đó ra sao.
Cho đến khi tuyên thệ trước lá quốc kỳ nước Mỹ để thành công dân, tôi mừng là đã trải qua giai đoạn khó khăn để từ đây gia đình có thể ổn định, khỏi lo lắng gì nhiều, mặc dù không được gọi là thành đạt, không sở hữu nỗi một căn nhà, nhưng ít ra đời sống cũng tạm yên. Ngay giờ phút tuyên thệ, đứng trước quốc kỳ Mỹ, nghe bản quốc ca “The Star Spangled Banner Flag,” nếu lúc bấy giờ, có ai hỏi tôi, “Có thấy yêu nước Mỹ không?” thì câu trả lời có lẽ “không.”
Tôi chỉ có cảm giác an bình, hạnh phúc khi đi xa nước Mỹ trở về, nhìn lại bầu trời, con đường quen thuộc, nhìn lại khu phố, ngôi nhà nơi tôi đã sống hạnh phúc, tự do trong bao nhiêu năm, tâm hồn thư thái, yên ổn như một người trở lại quê hương sau những ngày xa cách. Tôi chưa bao giờ cảm thấy yêu thiết tha nước Mỹ, hay cho nước Mỹ là một phần của đời mình, vì dù sao vẫn còn những khoảng cách, những dị biệt mà dù tôi có sống thêm nơi đây cả nửa đời người nữa, thì cũng không thể giống như một người mà tổ tiên họ đã đến đây từ năm bảy trăm năm về trước. Chỉ nghĩ đây là một quê hương thứ hai cho tôi, một người lưu lạc một chỗ dung thân.
Vậy là tôi chưa biết gì về tôi! Cho đến ngày hôm nay, 22 Tháng Sáu, vào lúc 1 giờ trưa (giờ California) tại đất nước Brasil, một trận túc cầu của World Cup giữa Mỹ và Bồ Ðào Nha đang diễn ra và được cả thế giới theo dõi qua các đài truyền hình địa phương. Tôi ít quan tâm đến thể thao vì thể lực yếu kém thời thiếu niên, đá banh “bưởi” thì bị chúng xô té, học đòi trưởng giả ra sân quần vợt, thì chỉ trong hai tiếng đồng hồ tập tành, chạy ngang, đỡ dọc, về nhà đã nằm liệt, cho nên trên báo chí, rất ít để mắt đến trang thể thao mà truyền hình thì đến giờ “sport” cũng tắt máy. Do vậy mà mùa Hè này, World Cup, túc cầu, bóng tròn hay bóng đá tôi cũng chẳng mấy quan tâm.
Ngày Chủ Nhật, lúc bắt đầu khai diễn trận túc cầu Mỹ, Bồ Ðào Nha thì tôi đang trên đường từ San Diego trở về. Người bạn ngồi chung xe cho biết, qua điện thoại di động, CNN loan tin vào phút thứ 5 của hiệp đầu, Mỹ đã bị Bồ Ðào Nha dẫn đầu một quả. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi là sở trường của Mỹ đâu phải bóng tròn, thua thiên hạ là chuyện thường tình.
Về đến nhà, thay vì đi làm công chuyện khác, tôi tự thưởng cho mình một giờ trước máy truyền hình, bù cho một buổi sáng “lao động” ở San Diego. Màn ảnh có ghi chữ USA hay EE.UU. ( États-Unis) và những cầu thủ áo trắng, dưới cái nóng gay gắt 95 độ F, đang vã mồ hôi tranh banh trên sân khiến cho tôi không thể nào rời mắt khỏi màn ảnh được.
Phút thứ 63 của hiệp 2, Hoa Kỳ hưởng phạt góc. Banh đá vào đến chân, một cầu thủ áo trắng tung banh đi sát phía trong cột dọc vào lưới, gỡ hòa 1-1 cho Hoa Kỳ. Cả cầu trường, nhất là về phía cổ động viên của Mỹ điên cuồng nhảy múa, la hét, vẫy quốc kỳ, những cái miệng há to hết cỡ, người ta ôm nhau, hôn nhau...và nước mắt tôi bỗng trào ra. Máy quay “close-up” từng khuôn mặt phấn khởi, từ những cầu thủ áo trắng cho đến trên khán đài chung quanh, không phải chỉ giống Anglo-Saxons, da đỏ mà còn da đen, da nâu, da vàng.
Thì ra đội Mỹ là đội nhà, cầu thủ là “những người anh em,” nước Mỹ là nước của tôi, lá cờ này là lá cờ của tôi, đây là phe tôi. Giọt nước mắt của “một người Mỹ” đã chảy ra. Hình như cảm thấy một chút hổ thẹn, tôi nhìn quanh tôi, nhưng chẳng có ai nhìn thấy tôi đang khóc.
Từ đó mắt tôi không rời màn ảnh. Phút thứ 81, cầu thủ Dempsey dùng bụng đẩy banh vào lưới Bồ Ðào Nha. Vào! Hoa Kỳ nâng tỷ số lên 2-1. Cầu trường rung động. Những hình ảnh trên sân cỏ mờ đi, vì mắt tôi đang nhòe lệ! Chỉ còn mấy phút phù du, tôi mong nghe tiếng còi chấm dứt trận đấu của trọng tài ré lên.
Nhưng không! Trong năm phút tăng thêm cho trận đấu, cầu thủ Bồ với một cú đánh đầu đã san bằng tỷ số 2-2! Phe ủng hộ Mỹ trên cầu trường tê tái, mà phần tôi ngồi đây cũng lặng người!
Hôm nay, bỗng nhiên có dịp tôi được nhìn lại con người tôi, tôi yêu nước Mỹ đến thế ư?
Tối nay, như thường lệ, mở Internet ra, được một vài người quen gửi cho xem Youtube bản nhạc “Việt Nam ơi!” do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác và do các ca sĩ của Trung Tâm Asia và một số bạn trẻ trên thế giới cùng cất cao tiếng hát. Tình tự đất nước, quê hương bỗng trỗi dậy, và “trào lệ cảm” dâng lên trong lòng, hai hàng nước mắt tưởng rằng “tuổi già hạt lệ như sương” lại một lần nữa ràn rụa: “Quê hương là cái gì mà người ta nặng lòng như thế!” (Nhớ Huế - Ðinh Anh Dũng)
Nước mất nhà tan, người Việt lưu vong đã bao nhiêu lần khóc hận, nhưng rồi ví thử mai đây, nước Mỹ, nơi mà chúng ta đang sống bình an, bị thiên tai, thảm họa, thất trận, trai trẻ hàng loạt phải bỏ mình, trên chiến địa, trong đó tất nhiên có cả con em chúng ta, liệu lòng chúng ta có dửng dưng như khách qua đường hay người khách trọ vô tình hay không?
Như vậy, quê hương đâu phải “mỗi người chỉ một!”
Tác Giả: Huy Phương
Bỏ lại sau lưng những ngày tháng tù đày, kỳ thị, bất công, đói rách và chờ đợi, và sau một chuyến đi dài mệt nhọc, tôi đến phi trường San Francisco vào sáng ngày 28 Tháng Tám, 1990. Cái cảm giác mát lạnh của thời tiết và không khí êm ả của vùng đất mới đến làm cho tôi cảm thấy khỏe khoắn, phấn khởi nhưng đồng thời không dám nghĩ xa hơn nữa với những tháng ngày đang chờ đợi trước mắt, lo lắng không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao?
http://www.saigonecho.com/images/2014/DoiSong/codongvien_tuccau_my.jpgPhản ứng của một cổ động viên Mỹ sau bàn gỡ huề của Bồ Ðào Nha. (Hình: Scott Olson/Getty Images)
Tôi đã đến Mỹ một lần trước đó như kẻ qua đường, dừng chân lại chốc lát, nhưng hôm nay nước Mỹ là nơi chấp nhận cho tôi dung thân cho hết đời, sau khi chế độ mới trên quê hương đã ruồng bỏ, xô đẩy chúng tôi ra khỏi đất nước. Trong thâm tâm lúc bấy giờ tôi không có khái niệm gì về nước Mỹ, người đã dang vòng tay yêu thương ra cứu vớt và cưu mang chúng tôi, hay là người bạn đã đành đoạn bỏ chúng tôi giữa đường.
Không yêu, cũng không ghét, không háo hức cũng như không lạnh lùng, và lúc bấy giờ tôi cũng không có ý nghĩ nước Mỹ là nơi tôi sẽ thương yêu, gắn bó về sau. Nó giống như một khu nhà mới dọn đến, mà căn nhà và khu vườn sau, như đời sống bề bộn, phải trải qua một thời gian dài, cũng chưa có khái niệm phải dọn dẹp, sinh sống nơi đó ra sao.
Cho đến khi tuyên thệ trước lá quốc kỳ nước Mỹ để thành công dân, tôi mừng là đã trải qua giai đoạn khó khăn để từ đây gia đình có thể ổn định, khỏi lo lắng gì nhiều, mặc dù không được gọi là thành đạt, không sở hữu nỗi một căn nhà, nhưng ít ra đời sống cũng tạm yên. Ngay giờ phút tuyên thệ, đứng trước quốc kỳ Mỹ, nghe bản quốc ca “The Star Spangled Banner Flag,” nếu lúc bấy giờ, có ai hỏi tôi, “Có thấy yêu nước Mỹ không?” thì câu trả lời có lẽ “không.”
Tôi chỉ có cảm giác an bình, hạnh phúc khi đi xa nước Mỹ trở về, nhìn lại bầu trời, con đường quen thuộc, nhìn lại khu phố, ngôi nhà nơi tôi đã sống hạnh phúc, tự do trong bao nhiêu năm, tâm hồn thư thái, yên ổn như một người trở lại quê hương sau những ngày xa cách. Tôi chưa bao giờ cảm thấy yêu thiết tha nước Mỹ, hay cho nước Mỹ là một phần của đời mình, vì dù sao vẫn còn những khoảng cách, những dị biệt mà dù tôi có sống thêm nơi đây cả nửa đời người nữa, thì cũng không thể giống như một người mà tổ tiên họ đã đến đây từ năm bảy trăm năm về trước. Chỉ nghĩ đây là một quê hương thứ hai cho tôi, một người lưu lạc một chỗ dung thân.
Vậy là tôi chưa biết gì về tôi! Cho đến ngày hôm nay, 22 Tháng Sáu, vào lúc 1 giờ trưa (giờ California) tại đất nước Brasil, một trận túc cầu của World Cup giữa Mỹ và Bồ Ðào Nha đang diễn ra và được cả thế giới theo dõi qua các đài truyền hình địa phương. Tôi ít quan tâm đến thể thao vì thể lực yếu kém thời thiếu niên, đá banh “bưởi” thì bị chúng xô té, học đòi trưởng giả ra sân quần vợt, thì chỉ trong hai tiếng đồng hồ tập tành, chạy ngang, đỡ dọc, về nhà đã nằm liệt, cho nên trên báo chí, rất ít để mắt đến trang thể thao mà truyền hình thì đến giờ “sport” cũng tắt máy. Do vậy mà mùa Hè này, World Cup, túc cầu, bóng tròn hay bóng đá tôi cũng chẳng mấy quan tâm.
Ngày Chủ Nhật, lúc bắt đầu khai diễn trận túc cầu Mỹ, Bồ Ðào Nha thì tôi đang trên đường từ San Diego trở về. Người bạn ngồi chung xe cho biết, qua điện thoại di động, CNN loan tin vào phút thứ 5 của hiệp đầu, Mỹ đã bị Bồ Ðào Nha dẫn đầu một quả. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi là sở trường của Mỹ đâu phải bóng tròn, thua thiên hạ là chuyện thường tình.
Về đến nhà, thay vì đi làm công chuyện khác, tôi tự thưởng cho mình một giờ trước máy truyền hình, bù cho một buổi sáng “lao động” ở San Diego. Màn ảnh có ghi chữ USA hay EE.UU. ( États-Unis) và những cầu thủ áo trắng, dưới cái nóng gay gắt 95 độ F, đang vã mồ hôi tranh banh trên sân khiến cho tôi không thể nào rời mắt khỏi màn ảnh được.
Phút thứ 63 của hiệp 2, Hoa Kỳ hưởng phạt góc. Banh đá vào đến chân, một cầu thủ áo trắng tung banh đi sát phía trong cột dọc vào lưới, gỡ hòa 1-1 cho Hoa Kỳ. Cả cầu trường, nhất là về phía cổ động viên của Mỹ điên cuồng nhảy múa, la hét, vẫy quốc kỳ, những cái miệng há to hết cỡ, người ta ôm nhau, hôn nhau...và nước mắt tôi bỗng trào ra. Máy quay “close-up” từng khuôn mặt phấn khởi, từ những cầu thủ áo trắng cho đến trên khán đài chung quanh, không phải chỉ giống Anglo-Saxons, da đỏ mà còn da đen, da nâu, da vàng.
Thì ra đội Mỹ là đội nhà, cầu thủ là “những người anh em,” nước Mỹ là nước của tôi, lá cờ này là lá cờ của tôi, đây là phe tôi. Giọt nước mắt của “một người Mỹ” đã chảy ra. Hình như cảm thấy một chút hổ thẹn, tôi nhìn quanh tôi, nhưng chẳng có ai nhìn thấy tôi đang khóc.
Từ đó mắt tôi không rời màn ảnh. Phút thứ 81, cầu thủ Dempsey dùng bụng đẩy banh vào lưới Bồ Ðào Nha. Vào! Hoa Kỳ nâng tỷ số lên 2-1. Cầu trường rung động. Những hình ảnh trên sân cỏ mờ đi, vì mắt tôi đang nhòe lệ! Chỉ còn mấy phút phù du, tôi mong nghe tiếng còi chấm dứt trận đấu của trọng tài ré lên.
Nhưng không! Trong năm phút tăng thêm cho trận đấu, cầu thủ Bồ với một cú đánh đầu đã san bằng tỷ số 2-2! Phe ủng hộ Mỹ trên cầu trường tê tái, mà phần tôi ngồi đây cũng lặng người!
Hôm nay, bỗng nhiên có dịp tôi được nhìn lại con người tôi, tôi yêu nước Mỹ đến thế ư?
Tối nay, như thường lệ, mở Internet ra, được một vài người quen gửi cho xem Youtube bản nhạc “Việt Nam ơi!” do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác và do các ca sĩ của Trung Tâm Asia và một số bạn trẻ trên thế giới cùng cất cao tiếng hát. Tình tự đất nước, quê hương bỗng trỗi dậy, và “trào lệ cảm” dâng lên trong lòng, hai hàng nước mắt tưởng rằng “tuổi già hạt lệ như sương” lại một lần nữa ràn rụa: “Quê hương là cái gì mà người ta nặng lòng như thế!” (Nhớ Huế - Ðinh Anh Dũng)
Nước mất nhà tan, người Việt lưu vong đã bao nhiêu lần khóc hận, nhưng rồi ví thử mai đây, nước Mỹ, nơi mà chúng ta đang sống bình an, bị thiên tai, thảm họa, thất trận, trai trẻ hàng loạt phải bỏ mình, trên chiến địa, trong đó tất nhiên có cả con em chúng ta, liệu lòng chúng ta có dửng dưng như khách qua đường hay người khách trọ vô tình hay không?
Như vậy, quê hương đâu phải “mỗi người chỉ một!”