PDA

View Full Version : Các hàng của trung quốc làm ở Hoa Kỳ "đóng mác USA"



duyanh
02-09-2015, 01:41 PM
Được biết nhà máy này sẽ sản xuất những sản phẩm gia dụng như khăn ăn, khăn giấy và phân bón hữu cơ từ chính rơm và thân cây ngô trồng tại khu vực này. Dĩ nhiên những sản phẩm này sẽ đường đường chính chính được đóng dấu Made in the USA, mặc dù là của một công ty Trung Quốc.


http://vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=741356&stc=1&d=1423484677
Shandong Tranlin Paper Co., Ltd. Photo Courtesy: cnbc.com

Trong năm nay, dọc theo bờ sông James River ở ngoại thành Richmond, tiểu bang Virginia, một nhà máy sản xuất thuộc một công ty trụ sở ở miền đông Trung Quốc sẽ được bắt đầu xây dựng.

Nhà máy mới của công ty Shandong Tranlin Paper được dự báo sẽ tạo ra khoảng hơn 2000 công việc mới vào năm 2020, đây là công ty đầu tư mới nhất dám mạnh tay đầu tư xưởng sản xuất tại Hoa Kỳ.

Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trong năm ngoái đạt 12 tỷ Mỹ Kim, tiếp tục là năm thứ hai liên tiếp số vốn đạt mức cao - theo Rhodium Group, một tổ chức theo dõi các dòng tiền từ Trung Quốc đổ vào Hoa Kỳ cho hay.

Các nước châu Á đầu tư vào Hoa Kỳ không có gì là mới mẻ. Các công ty của Nhật Bản đã mở ra con đường này từ những năm 1980, một phần để tránh thuế. Vì vậy các công ty Trung Quốc cũng không nằm ngoài mục đích này. Nhưng các khoản đầu tư vào Hoa Kỳ của Trung Quốc lại tăng lên theo một hướng hoàn toàn khác biệt và có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế nội địa Hoa Kỳ. Đầu tư Trung Quốc tại Hoa Kỳ hầu như gắn liền với những vụ sáp nhập và mua lại. Công ty thịt Trung Quốc Shuanghui Group đã mua lại hãng Smithfield Foods với giá khoảng 4.72 tỷ Mỹ Kim. Nhưng một số công ty Trung Quốc đang dần chuyển sang con đường khác và tiến hành xây dựng phân xưởng sản xuất ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Con số các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang chi ra hàng trăm triệu Mỹ kim vào các dự án mới và mở rộng các công ty con tại Hoa Kỳ đã tăng lên gấp 5 - 9 lần so với trước đây.

Vốn nổi danh với chi phí sản xuất thấp và những kiện hàng đồ chơi rẻ tiền cùng với những sản phẩm dệt may, Trung Quốc đang muốn hướng tới phát triển và thống trị cả trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2014 đã tăng 7.4%, mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua. Trong tình trạng nền kinh tế quốc gia đang dần chậm lại, Trung Quốc muốn thúc đẩy những ngành hành có giá trị cao hơn. Nhưng để sản xuất và bán được các mặt hàng có lợi nhuận cao đòi hỏi phải có các kỹ năng công nghệ tiên tiến và đổi mới, điều này chỉ có thể làm được bên ngoài Trung Quốc. Rất nhiều công ty Trung Quốc hiện đang theo đuổi mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm đóng dấu "Made in USA" để xây dựng thương hiệu. Theo Rhodium:

"Các nhãn hiệu nước ngoài và việc kiểm soát chất lượng hàng hoá đang ngày càng trở thành mối quan tâm chính của tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc."

Một số các nhà quan sát Trung Quốc tại Hoa Kỳ đang tỏ ra lo ngại trước xu hướng mới này của Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất mới đã làm dấy lên những mối quan tâm về đầu tư nước ngoài. Họ lo lắng rằng liệu có phải các doanh nghiệp Trung Quốc đang âm mưu xâm nhập vào nội địa Hoa Kỳ để tìm hiểu về các bí quyết sản xuất và từ đó dần dần tiêu diệt sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ? Stephen Ezell, một nhà phân tích cao cấp của hãng Information Technology & Innovation Foundation ở Washington nhận định:

"Một số nguồn vốn đầu tư nước ngoài được tiến hành dựa trên một chiến lược của chính phủBắc Kinh nhằm dần tích luỹ kinh nghiệm. Điều này đang trở thành mối lo ngại lớn đối với kinh tế Hoa Kỳ."

Trở lại với công ty Tranlin, một trong những giám đốc điều hành hiện nay của công ty này trước đây vốn là sinh viên du học tại trường đại học University of Virginia Darden School of Business năm 2003 và tốt nghiệp với bằng MBA. Chắc hẳn trong quãng thời gian theo học tại đây, vị giám đốc này đã nhận ra được rằng Virginia tập hợp rất nhiều lợi thế để thiết lập một phân xưởng sản xuất. Khu vực dễ đi vào I-95, sân bay quốc tế Washington Dulles International Airport và vịnh Chesapeake. Các cầu cảng của Virginia cũng rất sâu, thuận tiện cho các tàu chở hàng lớn nhất thế giới cập bến. Tất cả đều là những phẩm chất mà một nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm để mở xưởng sản xuất tại Hoa Kỳ.

Nhiều năm sau quá trình học tập, giám đốc điều hành của Tranlin muốn mở một nhà máy sản xuất giấy và phân bón tại Hoa Kỳ. Và vào tháng Sáu năm ngoái, Shandong Tranlinh chính thức công bố rằng nó sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ Mỹ Kim trong vòng 5 năm để xây dựng một khuôn viên rộng 850 acre bên ngoài Richmond thuộc quận hạt Chesterfield County. Khoảng 23 doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Virginia làm nơi đầu tư trước đó, với số vốn đầu tư khoảng 9.51 tỷ Mỹ Kim, bao gồm sáp nhập và mua lại.

Dự án của Tranlin tại Virginia cùng với các dự án khác dự kiến sẽ thúc đẩy nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ trong năm nay. Một số các dự án lớn khác của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ có thể kể đến như:

- Nhà máy sản xuất sợi bông ở Nam Carolina của tập đoàn Keer Group trị giá 218 triệu Mỹ Kim.

- Dự án văn phòng và xưởng sản xuất những máy móc trong ngành xây dựng tại Georgia của SANY trị giá 60 triệu Mỹ Kim.

- Hãng Lenovo cũng có một dự án xây dựng nhà máy sản xuất tại Bắc Carolina nhưng số vốn đầu tư không được tiết lộ.

Nhưng trong khi danh sách các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ tăng lên, các chuyên gia cho biết sẽ rất khó xảy ra hiện tượng bùng nổ sản xuất. Các xưởng sản xuất do các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ phần lớn đều có quy mô nhỏ. Thêm vào đó các công ty Trung Quốc cũng chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong tỷ lệ lao động của Hoa Kỳ.

Nếu trong thời kỳ những năm 80, các công ty Nhật Bản mang theo những tập quán sản xuất, thì ngày nay các công ty Trung Quốc lại theo đuổi công nghệ sản xuất tiên tiến, tận dụng những công nghệ đổi mới sản phẩm và dòng chảy của sự cải tiến. Điển hình như dự án của Tranlin, dự án này sẽ tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương để sản xuất ra sản phẩm. Rơm và thân cây ngô của ngành nông nghiệp vốn chỉ có thể bị ném đi, và các loại vật liệu sợi khác để chuyển đổi thành các sản phẩm giấy dùng trong gia đình. Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc muốn đến Hoa Kỳ lập nghiệp vì phải đối mặt với những chi phí đất và nhân công đang tăng cao tại Trung Quốc, thêm vào đó là các hàng rào thuế quan và cá rào cản thương mại khác.

Linh Lan