PDA

View Full Version : Truy lùng “khách hàng” của đường dây làm bằng cấp giả cực lớn tại TPHCM



duyanh
01-25-2015, 02:46 PM
Truy lùng “khách hàng” của đường dây làm bằng cấp giả cực lớn tại TPHCM




http://laodong.com.vn/Uploaded/nguyenthanhbinh/2015_01_22/HCM-170866-2_OZAR.jpg.ashx?width=660
Rất nhiều bằng cấp giả như thế này đã tiêu thụ ra thị trường



Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh vừa phối hợp Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất bằng cấp giả quy mô cực lớn. Các loại bằng tốt nghiệp từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ cho đến tiến sĩ có giá chỉ vài triệu đồng/tấm. Đặc biệt, một thông tin gây rúng động dư luận là việc đường dây này đã bán ra thị trường từ 500 - 600 bằng cấp giả mạo. Từ đó dẫn tới việc cảnh sát điều tra phải vào cuộc truy tìm những khách hàng của đường dây này.




Phá chuyên án mang bí số 414G

Ngày 19.1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, vừa phá xong chuyên án mang bí số 414G, qua đó bắt giữ 8 đối tượng, lập hồ sơ khởi tố điều tra vụ án hình sự “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức” và tiếp tục điều tra xử lý 5 đối tượng liên quan khác. Đây là chuyên án được Bộ Công an phát hiện, theo dõi và chuyển giao đến Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thụ lý, cùng phối hợp phá án.

Từ nguồn tin rêu rao quảng cáo bán tất cả các loại bằng cấp trên mạng Internet và trên mạng xã hội của một số đối tượng, qua theo dõi, các điều tra viên phát hiện đường dây này được tổ chức rất chặt chẽ, tinh vi và có quy mô cực lớn. Số khách hàng mua bằng cấp giả ngày càng nhiều, thể hiện danh tính trên khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, từ bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… Tất cả các chuyên ngành mà khách hàng yêu cầu, đường dây này đều có sẵn, chỉ cần điện thoại, gặp nhau tại quán cà phê, trên mạng Internet, thỏa thuận giá cả…, thế là tấm bằng mà một người học hành đàng hoàng phải tốn kém không biết bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc mới có được, thì chỉ trong vài ngày đặt hàng, với tấm bằng “giả”, khó phát hiện bằng mắt thường, mới toanh…, người mua bằng bỗng biến thành “học giả” một cách hoành tráng!

Đeo bám thời gian khá dài, nắm bắt toàn bộ hành trình phạm tội của đường dây bằng cấp giả này, vào lúc 19h chiều 12.1, lực lượng cảnh sát điều tra đã bất ngờ đồng loạt tấn công vào nhiều điểm nằm trong đường dây tội phạm này. Tại địa bàn phường 6, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM và tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, lực lượng cảnh sát đồng loạt bắt, khám xét nhiều điểm. Bắt, khám xét đối với Nguyễn Ngọc Thiệu (SN 1995, biệt danh “Ẩn”, quê thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú số 872/13/12, đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM). Thiệu được biết đến với vai trò là người đăng thông tin rao bán bằng cấp giả trên mạng Internet và nhận làm bằng giả. Đồng thời, cảnh sát cũng thực hiện lệnh bắt giữ đối với Phạm Đăng Thành (SN 1990, quê thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú đường Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM). Thành là đối tượng cầm đầu đường dây, có vai trò đăng thông tin rao bán bằng cấp giả trên mạng Internet và trang mạng xã hội.

Liên tiếp sau đó, lần lượt 6 đối tượng có vai trò chủ chốt trong đường dây bằng cấp giả sa đã lưới cảnh sát, gồm: Chu Ngọc Trung (SN 1983, ngụ E604, tổ 32, phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có vai trò trực tiếp sản xuất bằng cấp giả, Lê Văn Tượng (SN 1977, ngụ cùng quê với Thiệu và ở cùng nhà trọ với Thiệu), có vai trò giống Thiệu là rao bán bằng cấp giả và nhận đặt hàng của khách. Nguyễn Thanh Nguyên (SN 1974, ngụ số 129/9 đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM) là đối tượng đi nhận thông tin của khách hàng và đi giao bằng cấp giả. Nguyễn Tấn Đây (SN 1980, cùng quê và ở cùng nhà trọ với Thiệu và Tượng), đối tượng này làm nhiệm vụ nhận thông tin từ khách hàng và đi giao “hàng”. Nguyễn Hiệu (SN 1990, quê cùng với Thiệu, Đây và Tượng, hiện ngụ số 59, đường số 19, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM), là đối tượng rao bán bằng cấp giả và làm bằng giả. Tấn Ngọc Hoàng (SN 1973, ngụ 321 khóm 3, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là đối tượng đi nhận thông tin và giao bằng giả cho khách.

Tại cơ quan CSĐT, 8 đối tượng chủ chốt trong đường dây chuyên sản xuất bằng cấp giả mạo này đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và những lời khai của chúng gây rúng động dư luận, bởi số bằng cấp giả đã bán ra thị trường là một con số cực lớn.

http://laodong.com.vn/Uploaded/nguyenthanhbinh/2015_01_22/HCM-170866-1_NXYX.jpg

Những đối tượng chủ chốt trong đường dây sản xuất bằng giả sa lưới.

Lời khai gây rúng động

Khám xét tại nơi trú ngụ của các đối tượng, đặc biệt là đối tượng trực tiếp thực hiện sản xuất các loại bằng cấp giả Chu Ngọc Trung, cơ quan CSĐT thu giữ khối lượng cực lớn tang vật liên quan đến đường dây tội phạm này, gồm hàng trăm phôi bằng cấp các loại, học bạ, bảng điểm của nhiều trường đại học và nhiều dụng cụ để sản xuất bằng cấp giả như máy tính, máy in, máy photocopy, hàng chục con dấu các loại… Điều tra cho thấy, chúng hoạt động từ tháng 2.2014 đến nay. Thành - với vai trò cầm đầu tổ chức - và đồng bọn đã rao bán bằng cấp giả trên mạng Internet và trên facebook. Trong đó, các đối tượng Nguyễn Ngọc Thiệu, Lê Văn Tượng, Nguyễn Hiệu… đều là tay chân đắc lực cho Thành. Trong đường dây này, ngoài Thành cầm đầu đường dây thì Chu Ngọc Trung là tay chân đắc lực số 1, có “chuyên môn” cao, thực hiện được tất cả các loại bằng cấp giả mạo.

Theo lời khai của Thành và Thiệu, trong những bằng cấp giả mạo đã làm có bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM mang tên “người mua” là Dương Minh Tùng và bằng Đại học Điện lực mang tên Trịnh Công Vũ. Qua thông tin rao bán bằng cấp trên mạng Internet, đối tượng có nhu cầu mua bằng là Trịnh Công Vũ đã gọi điện cho Thành và Thiệu để mua bằng Đại học Điện lực. Theo nghi vấn, Vũ là một đối tượng đang làm trong ngành điện lực, và có nhu cầu cần bằng giả ngành điện lực để “bổ sung” vào hồ sơ cán bộ. Thỏa thuận giá 6 triệu đồng/bằng với Vũ, Thiệu được Thành phân công đi lấy thông tin của “khách hàng” này. Sau khi được Trịnh Công Vũ cung cấp ảnh, thông tin ngày tháng năm sinh và số tiền đã giao hẹn với Thành, Thiệu mang về và được Thành cho tiền công là 500.000 đồng.

Sau đó, Thành chuyển mail thông tin của Trịnh Công Vũ cho Chu Ngọc Trung ở Đồng Nai, Trung bắt đầu thực hiện việc sản xuất tấm bằng tốt nghiệp Đại học Điện lực giả mạo cho Trịnh Công Vũ với giá 3 triệu đồng. Hoàn thành tấm bằng tốt nghiệp Đại học Điện lực giả cho Vũ, Thành tiếp tục bảo Thiệu mang đi giao cho Vũ. Đối với tấm bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM mang tên “khách hàng” Dương Minh Tùng, Thành cũng thực hiện làm giả tương tự như tấm bằng Đại học Điện lực cho Trịnh Công Vũ, cũng với giá 6 triệu đồng/bằng. Ngày 12.1, trong lúc Thiệu được Thành giao nhiệm vụ mang những tấm bằng đại học giả đi giao cho Vũ, Tùng thì bị cảnh sát bắt giữ. Khám xét trong người Thiệu, công an còn thu giữ thêm một tấm bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM mang tên “khách hàng” Trương Thị Dung.

Khi cơ quan CSĐT khám xét nơi ở của Thiệu còn phát hiện ra cả một valy tài liệu chứa đầy bằng cấp giả mạo với số lượng cực lớn, trong đó gồm 108 bằng cấp, chứng chỉ giả mạo… Tại cơ quan điều tra, đường dây này khai nhận, loại bằng cao đẳng và đại học, chúng làm với giá từ 2-3 triệu đồng/bằng, sau đó giao cho tay chân bán lại cho “khách hàng” lên đến 5-7 triệu đồng/bằng. Riêng bằng thạc sĩ và tiến sĩ có giá từ 7 - 9 triệu đồng/bằng. Từ đầu năm 2014 đến nay, đường dây này đã bán trót lọt từ 500 - 600 bằng cấp các loại (có thể nhiều hơn vì chưa thống kê hết), trong đó đa số là bằng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Hiện vụ án đang tiếp tục mở rộng điều tra và điều mà dư luận đang hết sức quan tâm là những đối tượng nào đã mua bằng cấp giả của đường dây này, với mục đích sử dụng gì để xử lý, thu hồi và tiêu hủy.

Theo Lao Động