PDA

View Full Version : Nathaniel Hawthorne (1804 - 1864)



khieman
12-17-2014, 04:46 PM
.


Nathaniel Hawthorne
(1804 - 1864)

Nathaniel Hawthorne thuộc thế hệ thứ 5 của những người Anh di cư. Ông sinh ở Salem bang Massachusetts, một hải cảng thịnh vượng nằm ở phía bắc Boston chuyên buôn bán với Đông Ấn[1]. Một trong những tổ tiên của ông là chánh án chuyên xét xử những người phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy ở Salem, một thế kỷ trước. Hawthorne đã dùng cái ý tưởng về lời nguyền đối với dòng họ một ông chánh án xấu xa trong cuốn tiểu thuyết The House of the Seven Gables (Ngôi nhà bảy đầu hồi) của mình.

Nhiều câu chuyện của Hawthorne có bối cảnh ở New England thời Thanh giáo, và cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông The Scarlet Letter (1850), đã trở thành bức chân dung kinh điển về nước Mỹ Thanh giáo. Cuốn truyện kể về mối tình đầy đam mê, bị cấm đoán giữa một chàng trai trẻ, xác tín, hết sức nhạy cảm - mục sư Arthur Dimmesdale, và một người đàn bà thị dân đẹp, hết sức quyến rũ, Hester Prymn. Lấy bối cảnh ở Boston khoảng 1650 vào thời kỳ đầu thuộc địa Thanh giáo, cuốn tiểu thuyết đã nhấn mạnh nỗi ám ảnh của những người theo phái Calvin về đạo đức, sự ức chế tính dục, tội lỗi, sự thú tội, và sự cứu rỗi linh hồn.

Vào thời đó, The Scarler Letter là cuốn sách liều mạng hết sức báng bổ. Ngòi bút dịu dàng của Hawthorne, bối cảnh lịch sử xa xưa và mơ hồ đã làm dịu đi chủ đề dữ dội của ông và làm hài lòng công chúng, còn những tác giả sành điệu như Ralph Waldo Emerson và Herman Melville thì thừa nhận các sức mạnh “quỷ ám” của nó. Cuốn sách đã đụng chạm đến những lĩnh vực cấm kỵ ở Mỹ thế kỷ 19 như sự tác động của các hoạt động tự do, dân chủ và đổi mới đối với hành xử của mỗi cá nhân, đặc biệt trong vấn đề tính dục và tự do tôn giáo.

Cuốn sách được viết rất hay với bố cục tuyệt vời. Phép ẩn dụ, một thủ pháp mà người dân thuộc địa buổi đầu Thanh giáo thường dùng, cũng được sử dụng trong tác phẩm này một cách hợp lý.

Những tiểu thuyết và truyện kể khác của Hawthorne cũng góp phần xây dựng nên danh tiếng của ông. Trong The House of the Seven Gables (1854), ông trở về với lịch sử New England một lần nữa. Sự sụp đổ của “ngôi nhà” ngụ ý về một dòng họ ở Salem cũng như cái cấu trúc thật sự của nó. Chủ đề của truyện là về một lời nguyền truyền kiếp và cách hóa giải nó bằng tình yêu. Như một nhà phê bình lưu ý, nhân vật chính mang tính cách lý tưởng Holgrave đã nói lên tiếng nói về sự thiếu tin cậy mang tính dân chủ của bản thân ông vào những gia đình quý tộc già cỗi: “Sự thật là, mỗi một nửa thế kỷ, ít nhất một dòng họ sẽ hòa nhập vào đám đông mờ mịt, vĩ đại của nhân loại, và quên hết quá khứ oanh liệt của tổ tiên”.

Hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hawthorne ít thành công hơn. Cả hai đều dùng bối cảnh hiện đại, và chính vì vậy mà đánh mất đi cái ma lực trong ngòi bút của ông. Cuốn The Blithedale Romance (Bài ca thung lũng hạnh phúc - 1852) rất hấp dẫn bởi bức tranh mô tả cộng đồng Brook Farm theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Trong cuốn sách này, Hawthorne phê phán những nhà cải cách xã hội vị kỷ, thèm khát quyền lực, tự bản chất sâu xa không dân chủ chút nào. Cuốn The Marble Faun (Tượng thần Điền dã bằng cẩm thạch - 1860), tuy lấy bối cảnh là Roma, lại xoáy sâu vào những chủ đề Thanh giáo về tội lỗi, sự cô lập, sự đền tội, và cứu rỗi.

Những đề tài trên, và những bối cảnh đặc trưng ở thuộc địa New England thời kỳ Thanh giáo, là dấu hiệu đặc trưng của nhiều tác phẩm ngắn hơn nổi tiếng của Hawthorne: The Minister’s Black Veil (Mạng che mặt màu đen của ông mục sư), Young Goodman Brown (Brown trẻ người tốt bụng), và My Kinsman, Major Molineux (Người bà con của tôi, thị trưởng Molineux). Truyện này kể về một thanh niên từ nhà quê ra tỉnh - một mô thức phổ biến ở Mỹ thời kỳ đô thị hóa thế kỷ 19 -tìm sự giúp đỡ của một người bà con có thế lực, để lập nghiệp, một người mà anh chưa hề gặp. Robin trải qua rất nhiều khó khăn để tìm ra viên Thị trưởng, và cuối cùng tham gia vào một cuộc nổi loạn ban đêm kỳ lạ, trong đó có một người có vẻ như là một tên tội phạm “thành tích” bất hảo bị đuổi ra khỏi thị trấn một cách vừa nực cười vừa dã man. Robin lớn tiếng cười to hơn tất cả mọi người cho đến khi anh phát hiện ra rằng “tên tội phạm” này không phải ai khác mà chính là người anh cố công tìm kiếm - một đại diện của thực dân Anh mới vừa mới bị quần chúng cách mạng Mỹ lật đổ. Câu chuyện khẳng định sự ràng buộc của tội lỗi và đau khổ mà toàn nhân loại phải chia sẻ. Nó cũng ca ngợi mẫu người tự lập thân: Robin phải học tập, giống như mọi người Mỹ dân chủ, để trở nên giàu có nhờ sự lao động hăng say, chứ không phải do những ân huệ đặc biệt từ những người bà con giàu có.

My Kinsman, Major Molineux rọi ánh sáng lên một trong những yếu tố nổi bật nhất trong tiểu thuyết của Hawthorne: sự thiếu vắng nhân tố gia đình đầy đủ chức năng trong tác phẩm của ông. Mặc dầu cuốn Leather-Stocking Tales (Truyện kể về anh chàng đi bít tất da) của Cooper có đưa những hình mẫu gia đình vào những địa điểm ít hoang dã nhất, những câu chuyện và tiểu thuyết của Hawthorne lặp đi lặp lại cái chủ đề về những gia đình tan vỡ, bị nguyền rủa hoặc bị đổ vỡ và những khổ đau của cá nhân bị cô lập.

Ý thức hệ cách mạng cũng có‘ lẽ đã có một vai trò trong việc làm rạng rỡ ý thức về sự tự do đầy hãnh diện tuy có phần xa lạ này. Cuộc cách mạng Mỹ, nhìn từ quan điểm tâm lý lịch sử, là tương hợp với một cuộc nổi loạn bốc đồng muốn thoát ly khỏi cái bóng khổng lồ của Mẫu quốc, và một gia đình đế quốc Anh rộng lớn hơn. Người Mỹ đã dành được độc lập và lại đương đầu với tình thế nan giải đầy hoang mang trong việc khám phá nhân dạng riêng của mình tách ra khỏi những ràng buộc xưa cũ. Cái cảnh tượng này đã diễn ra vô số lần ở vùng biên cương tới mức mà, trong tiểu thuyết, sự thoát ly có vẻ như là điều kiện sống cơ bản ở Mỹ. Thanh giáo và hậu duệ theo Tin Lành của họ có thể đã làm suy yếu thêm nền tảng gia đình bằng cách rao giảng rằng trách nhiệm đầu tiên của mỗi cá nhân là việc cứu rỗi linh hồn mình.


http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_iv.html